Nước Mỹ và những tượng đài do dân, vì dân
Nếu ai hỏi về tượng
đài nước Mỹ, có thể nói ngắn gọn, nhà nước đóng góp rất ít, người dân tự nguyện
đóng góp nhiều, vì chính họ mới là người đánh giá nhân vật nào khả kính mang
lại giá trị chung khi họ "rút hầu bao".
Du khách tới thăm Washington DC cách hàng chục km đã nhìn thấy bút
chì cao vút giữa trời xanh. Đó là đài tưởng niệm George Washington, vị tổng
thống đầu tiên của nước Mỹ (1732-1799), được mệnh danh "first in war,
first in peace, and first in the hearts of his countrymen – đầu tiên tham
chiến, đầu tiên mang lại hòa bình và đầu tiên được nằm trong tim dân tộc”.
Đài tưởng niệm George Washington. (Ảnh: Hiệu Minh)
Bút chì Washington
Ông được coi là cha đẻ của nước Mỹ nên tượng đài của ông
được dựng ở nhiều nơi. Tuy nhiên, tiền của đều do các tổ chức tư nhân kêu gọi
đóng góp. Quốc hội Hoa Kỳ đóng góp bằng cách… “hiến” miếng đất.
Khởi công vào năm 1848, đài tưởng niệm Washington cao 169 m, xây
bằng đá cẩm thạch, do Robert Mills thiết kế, một kiến trúc sư nổi tiếng nhất
thời đó. Nhưng công việc bị ngưng cho tới năm 1884 mới tiếp tục sau 30 năm gián
đoạn. Đây là tượng đài xây cao nhất thế giới.
Từ năm 1832 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Washington, một nhóm
công dân thành lập ra Hiệp hội tượng đài Washington nhằm gây quĩ trong dân
chúng để xây công trình này. Sau 04 năm họ thu được 28.000 đô la (16,5 triệu)
từ sự đóng góp tự nguyện và bắt đầu công bố cuộc thi thiết kế tượng đài.
Đài tưởng niệm George Washington phản chiếu bên hồ. (Ảnh: Hiệu Minh)
Ban điều hành của Hiệp hội tượng đài công bố, tượng đài hiện đại
giống như hình ảnh của Washington, chưa từng có trên thế giới, thể hiện sự yêu
tự do và yêu nước của nhân dân, tạo ra sự ngưỡng mộ đối với ai nhìn thấy và bắt
buộc dùng toàn nguyên liệu Mỹ, đó là đá granite và marble cũng như tiền của do
các tiểu bang đóng góp
Cuối cùng Robert Mills, kiến trúc sư từ Baltimore (tiểu bang
Maryland), đã thắng cuộc với hiểu biết sâu sắc kiến trúc thủ đô Hoa Kỳ, dùng
một cột cao bốn cạnh với chân đế phẳng, phía trong là 30 tượng các anh hùng của
cuộc cách mạng Hoa Kỳ.
Robert Mills dự toán 01 triệu đô la cho công trình này, tương
đương nửa tỷ đô la thời giá hiện nay. Dù mới có 87.000 đô la trong túi nhưng
ban điều hành vẫn cho xây tượng đài với hy vọng dân chúng nhìn thấy qui
mô sẽ đóng góp thêm.
Công việc phải ngưng lại do thiếu vốn và tới 30 năm sau mới tiếp
tục bởi chính phủ hay quốc hội Hoa Kỳ không cấp vốn ngân sách. Tiền của xây
dựng do tư nhân đóng góp.
Hàng năm có hàng triệu du khách tới thăm Washington DC không thể
bỏ qua địa điểm nổi danh này. Vé vào cửa phải đặt trước trên mạng và nhiều khi
phải xếp hàng dài để lên đỉnh tháp.
Phong thủy kiểu Mỹ trong đền đài
Trong khu National Mall còn có hai nhà tưởng niệm Abraham Lincoln
và Thomas Jefferson, một tổng thống nổi danh trong nội chiến và một người viết
Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ. Hai nhà tưởng niệm này dùng tiền do Quốc hội Mỹ cấp.
Đây cũng là một trong những kiến trúc đẹp nhất nước Mỹ và hàng năm có tới 5-6
triệu người tới thăm.
National Mall có hệ thống bảo tàng, nhà tưởng niệm, tượng đài được thiết
kế khoa học, có tính đến phong thủy chính trị. Một đầu là nhà tưởng niệm Tổng
thống Lincoln, đầu kia nhà Quốc hội. Ở giữa là tượng đài Washington, gần đó có
nhà tưởng niệm Tổng thống Jefferson nhìn ra hồ Tidal Basin.
Mắt của tượng Lincoln ở phía cuối National Mall nhìn thẳng vào cơ
quan lập pháp cách đó khoảng 03km. Còn tượng Jefferson bên hồ Tidal Basin có
đôi mắt “chiếu tướng” Nhà Trắng, cơ quan hành pháp Hoa Kỳ. Nơi giao ánh mắt của
“hai cụ” chính là tòa tháp bút chì Washington biểu tượng cho nền dân chủ vĩnh
cửu của nước Mỹ.
Tuy ở thế giới bên kia, Lincoln và Jefferson vẫn theo dõi Chính
phủ và Quốc hội làm gì để báo cáo với tổng thống đầu tiên George Washington
đang ngồi trên nóc…bút chì. Người ta gọi đó là con mắt của dư luận, theo dõi
mấy nhánh quyền lực “vì nước vì dân” hoạt động như thế nào.
Đêm trăng tròn trên Thành phố Washington, D.C., soi sáng đài tưởng
niệm Lincoln Memorial (phía
trước), đài
tưởng niệm Washington Memorial (giữa),
và Tòa nhà Quốc hội Mỹ (phía
sau). (Ảnh: Sinhvienboston.org)
Từ tuyên ngôn độc lập tới nhân quyền đều có tượng
Đối diện với nhà tưởng niệm Jefferson, nơi Nguyễn Phú Trọng khi
thăm Hoa Kỳ đã dừng chân để ngắm người viết Tuyên ngôn Độc lập và được Hồ Chí
Minh trích dẫn trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, là tượng đài Martin Luther
King, người hoạt động nhân quyền nổi tiếng của nước Mỹ, đấu tranh cho quyền bình
đẳng của người da đen tại quốc gia đa sắc tộc này.
Năm 1968, ngay sau khi ML King bị ám sát, tổ thứ Alpha Phi Alpha
đã có chiến dịch muốn dựng tượng ông. Cho tới năm 1986, ngày sinh của King
chính thức được coi là ngày lễ Hoa Kỳ thì việc dựng tượng mới được suôn sẻ. Chi
phí dự tính là 120 triệu đô la.
Việc gây quĩ trong dân chúng được tiến hành từ tháng 8-2008, chỉ
trong 04 tháng đã thu được 108 triệu đô la bao gồm cả quĩ Bill and Melinda
Gates Foundation, Walt Disney, nhà làm phim George Lucas. Quốc hội Hoa Kỳ có
dùng tiền thuế của dân để đóng góp 10 triệu đô la.
Công việc xây dựng bắt đầu vào tháng 12-2009 và hoàn thành gần 02
năm sau đó (10-2011). ML King đứng trên một phiến đá lớn gọi là “Stone of hope
– Viên đá hy vọng” nói về tương lai tươi sáng của người da đen do ML King và
các cộng sự vì nhân quyền đã mang lại sự bình đẳng cho gần 50 triệu người có
nguồn gốc châu Phi hiện sống tại Mỹ.
Hướng mắt M.L. King nhìn thẳng về phía Jefferson ý như nhắc lại
câu nói nổi tiếng của vị cha đẻ của Tuyên ngôn: “Mọi người sinh ra đều có quyền
bình đẳng…”. Một điều thú vị là nhà tưởng niệm Jefferson khi dựng xong năm 1943
đề trên cửa ra vào “White Only – chỉ dành cho người da trắng”. Nhưng sau 30 năm
thì tượng người đấu tranh cho công bằng mầu da được dựng lên đối diện với tượng
Jefferson. Mới hay vật đổi sao dời.
Tượng Martin Luther King. (Ảnh: Hiệu
Minh)
Nước Mỹ và những tượng đài do dân và vì dân
Đi thăm nhiều nơi, chỉ cần xung quanh Washington DC cũng thấy
nhiều điều thú vị do dân Mỹ tự làm.
Hiện nay nhà ở của Jefferson tại Charlottesville và Washington tại
Mount Vernon do tư nhân quản lý, không dùng chút gì tới tiền thuế của nhân dân.
Một khu tượng đài của Washington bên Alexandria (Virginia) cũng do quĩ tư nhân
quản lý. Đây là những nơi ưa thích của du khách dù vé vào không rẻ.
Ven theo hồ Tidal Basin chút nữa về phía đông có khu tưởng niệm
Franklin Delano Roosevelt, người đóng góp lớn trong chiến thắng của đồng minh
trong thế chiến thứ 02. Điều đặc biệt vị tổng thống này ngồi trên xe lăn. Khu
tượng đài khi xây dựng không có hình ảnh này, nhưng Hiệp hội người khuyết tật
đã tự gây quĩ được 1,65 triệu đô la và cuối cùng trong 02 năm, tới tháng 1-2001
tượng vị tổng thống trên xe lăn được khánh thành.
Trước cửa Nhà Trắng trong công viên Lafayette có 04 bức tượng do
nhân dân Đức, Pháp và Ba Lan đóng góp tiền và gửi tặng. Bức tường đá hoa cương
nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam tại National Mall cũng do hội cựu binh Mỹ gây
quĩ, quốc hội chỉ cấp cho mỗi miếng đất và cấp phép xây dựng.
Tượng thần Tự do ở New York do người Pháp tặng Hoa Kỳ. Kể ra còn
rất nhiều tượng đài, nhà tưởng niệm do dân chúng đóng góp, không hề dùng tới
ngân sách nhà nước vì đó là tiền thuế của dân.
Nếu ai hỏi về tượng đài nước Mỹ, có thể nói ngắn gọn, nhà nước
đóng góp rất ít, người dân tự nguyện đóng góp nhiều, vì chính họ mới là người
đánh giá nhân vật nào khả kính mang lại giá trị chung khi họ rút hầu bao.
Có người nói đùa, bên Mỹ mà chính khách lấy tiền thuế xây đền đài
thì về nhà đuổi gà cho vợ. Không hiểu thực hư thế nào, nhưng chuyện tư nhân hơn
nhà nước là có thật tại xứ cờ hoa, ít nhất trong chuyện xây đền đài. Mà giá trị
kiến trúc, lịch sử, tư tưởng kể cả du lịch thì không thể cân đo đong đếm.
Theo Hiệu
Minh
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment