Wednesday, May 18, 2016

Những chuyện khôi hài đau lòng ở VN ngày nay


 
  
   Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 16.5.2016 


                      Những chuyện khôi hài đau lòng ở VN ngày nay

Không biết bao nhiêu lần nông thôn VN được hô hào “đổi mới” để trở thành “nông thôn mới”, vươn lên thành người dân nông thôn có cuộc sống ấm no hạnh phúc, tự do dân chủ, có văn hoá và hàng chục thứ linh tinh khác.
Nhưng nói và làm là hai chuyện khác nhau hoàn toàn. Ngay cả khi thực hiện “nông thôn mới” trụ sở “hoành tráng” người dân xã Nghĩa Đồng phải gánh khoản nợ gần 20 tỉ đồng. Số nợ này chưa biết bao giờ mới trả hết.
Đến nay dường như vẫn chẳng thay đổi được gì ngoài mấy cái khẩu hiệu đỏ chót vàng choé lủng lẳng trên mấy con đường làng, nắng thì đầy cát bụi, mưa thì lầy lội trơn trượt như đổ mỡ.

Đấy là chưa kể đến những vùng núi, “vùng xa” có nơi còn chưa có đường đi, vẫn là những con đường mòn nhỏ xíu, nhìn xa như sợi chỉ vắt ngang đồi núi.

Nhà cửa ở những vùng ngay ven thành phố cũng là những dãy nhà lá lụp xụp, ngay trong thành phố thì nhà chỉ rộng vài mét, thấp lè tè, thậm chí thay quần áo cũng phải đứng lom khom, cửa ra vào như cái lỗ cống. Chẳng khác gì ngày xưa ăn lông ở lỗ.

                                         
                                              Cảnh chờ nộp đơn tại một cơ quan công quyền Thành phố Sài Gòn

Bạn hãy nhìn qua cuộc sống của một làng ở Thanh Hoá, người dân vẫn phải sống và cạnh tranh bằng nghề đi nhặt rác. Và còn trớ trêu hơn, cả làng phải làm đơn xin đi nhặt rác, vậy mà mọi người vẫn hăng hái vác đơn đến xin.

Ai nghèo hơn sẽ thắng

Câu chuyện bi hài ở xã nghèo Đông Nam (Đông Sơn - Thanh Hóa). Gần 1 năm nay, kể từ khi khu liên hợp xử lý chất thải sinh hoạt TP Thanh Hóa và các vùng phụ cận chuyển về xã Đông Nam hoạt động, hàng chục gia đình dân nghèo của xã này bỗng có thêm một nghề kiếm cơm mới, đó là nghề nhặt rác.

Để được nhặt rác phải viết đơn. Một cuộc cạnh tranh về "hoàn cảnh nghèo" đang diễn ra; ai nghèo hơn người đó sẽ “thắng”, sẽ được duyệt cấp thẻ vào bãi nhặt rác! Để được vào bãi nhặt rác, người dân phải làm đơn, phải là người có hoàn cảnh khó khăn, có bảo hiểm y tế…
                             
Lá đơn phải qua hai cấu xét duyệt, trước hết là ông chính quyền địa phương xét duyệt rồi tới công ty duyệt, mới được cấp thẻ vào nhặt rác!

                                          
                                            Để được nhặt rác trong bãi, những người lao động này phải viết đơn
                                            trình bày hoàn cảnh, xin được cấp thẻ cho vào bãi rác.

Nhận được “giấy phép” này xong, các chị phụ nữ chuẩn bị từ sáng tinh mơ, gà chưa gáy đã thức dậy lo cho chồng con rồi nhanh chân lao đến bãi rác Đông Nam. Những người phụ nữ dáng mảnh khảnh, chân đi ủng, tay mang găng, mặt bịt kín chờ sẵn. Chỉ cần thấy bóng dáng chiếc xe chuyên chở rác đi vào bãi là ai nấy chạy thật nhanh đến. Và rồi, một cuộc cạnh tranh lặng lẽ nhưng không kém phần "khốc liệt" bắt đầu.
Không ai nói chuyện với ai, mỗi người họ một góc cần mẫn cào bới, không nhanh tay thì người khác lượm mất, phải tinh mắt nhặt thật nhanh những thứ gì có thể dùng hoặc bán được dù chỉ một đồng.

                                          
                                              Những người phụ nữ không quản nắng mưa, khó nhọc, hiểm nguy
                                              mưu sinh trên bãi rác để có tiền lo cho gia đình.

Sau giờ phút cật lực với đống rác mới, mọi người mới uể oải lê những bao tải đựng những gì đã thu nhặt được về các lán nhỏ, phân loại phế liệu rồi cân bán.

Cái nắng đầu hè đổ xuống ngày càng gay gắt, bãi rác bắt đầu bốc lên một thứ mùi hôi thối nồng nặc. Một số người sau những giờ phút cật lực vật lộn với đống rác đã trở về dưới những lùm cây để nghỉ. Trong khi một số người khác vẫn cặm cụi, lê những bước chân mệt mỏi cố tìm cho mình những gì còn sót lại.

Một vài chị em may mắn có chồng, con đến phụ trợ phân loại phế liệu, cân bán; còn những người không có ai đi cùng phụ giúp thì phải tự mình làm tất cả. Cật lực mưu sinh đến trưa, một số chị em cố ở lại chờ đợi những chuyến xe rác mới.

Hoàn cảnh thương tâm của những người đàn bà nhặt rác

Chị Nguyễn Thị Ngân, thôn Phúc Đoài là một trong những người có hoàn cảnh éo le. Chồng chị mất vì ung thư gan cách đây gần 1 năm, một mình chị phải gánh trên vai 2 con nhỏ, cháu lớn mới học lớp 2. Suốt 3 năm chồng ốm đau, mọi của cải, đồ đạc trong gia đình chị đã lũ lượt đội nón ra đi. Mỗi khi đến ngày được vào nhặt rác, chị phải dậy thật sớm lo đồ ăn cho các con rồi mới theo các chị em khác đi làm. Mỗi tháng, cứ luân phiên các tổ thì chị có 7 lượt (7 ngày) được vào nhặt rác. Trung bình mỗi ngày nỗ lực đổ mồ hôi, sôi nước mắt chị thu về được khoảng từ 150 đến 200 ngàn đồng.

Ngồi kế bên chị Ngân, chị Ngô Thị Sang (48 tuổi, thôn Hạnh Phúc) cũng có hoàn cảnh vô cùng éo le. Thu nhập của một mình chị dành để lo cho mẹ già 80 tuổi, hai đứa con nhỏ và người chồng bệnh tật không còn sức lao động.
Theo ông Phùng Sỹ Hùng - Phó Giám đốc xí nghiệp xử lý môi trường - Công ty Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa, những người nhặt rác ở đây hầu hết là những người có hoàn cảnh khó khăn, được phía công ty tạo điều kiện cho vào nhặt phế liệu kiếm thêm thu nhập. Công ty không thu bất kỳ một khoản nào. Tuy nhiên, người vào nhặt phế liệu cũng phải có bảo hiểm y tế, vì việc nhặt phế liệu trên rác có liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Công ty và chính quyền bỏ mặc nếu có tai nạn xảy ra

Được biết, ngoài những yêu cầu bắt buộc về bảo hiểm y tế, có hoàn cảnh khó khăn, không có công việc ổn định thì người dân còn phải cam kết các quy định của công ty như không thu nhặt phế liệu khi các phương tiện máy móc của công ty đang hoạt động; không đi lại lộn xộn; chấp hành sự điều hành của công ty trong quá trình thu nhặt phế liệu; không trộm cắp; không tranh giành, cãi lộn gây mất trật tự… Nếu tai nạn rủi ro trong khu vực bãi chứa và xử lý rác thải của đơn vị (bị điện giật, bị ô tô chở rác, máy ủi,... đâm va, ốm đau, bệnh tật…) người nhặt rác phải chịu mọi hậu quả. Công ty không có trách nhiệm bồi thường, thanh toán bất kỳ tổn thất nào. Quy định chặt chẽ là vậy nhưng với các chị ở đây, được ký vào bản cam kết đó, được cấp thẻ vào bãi nhặt rác, đã là cả một sự may mắn lớn lao...

Đúng là ông chủ công ty này mồm nói nhân đạo, giúp đỡ người dân có thêm thu nhập nhưng nếu cứ để bãi rác như thế công ty có trách nhiệm phải dọn dẹp sạch sẽ bảo vệ môi trường theo đúng pháp luật. Để người dân vào nhặt rác công ty chỉ việc khoanh tay đứng nhìn đống rác biến mất vào trong lòng đời sống của người dân khắp nơi. Ông ta còn “cáo” hơn nữa là bắt người dân phải ký cam kết nhận lãnh mọi hậu quả. Chính quyền địa phương cũng thản nhiên đứng về phía các công ty.

Hèn chi mà cho đến nay khi tôi viết bài này, những nguyên cá chết vẫn chẳng thấy có ai liên quan gì, mặc dù rất nhiều người đã chỉ ra chính công ty Formosa tải chất độc ra biển bằng đường ống thải ngầm dưới nước và từ đầu năm đến nay, Formosa đã sử dụng 51 tấn hóa chất, còn tồn trong kho 248 tấn. Vậy là Formosa đã tuồn xuống biển 51 tấn hoá chất. Nếu còn tiếp tục cho công ty này sử dụng 248 tấn nữa không biết điều gì sẽ xảy ra. Chuyện này đã có quá nhiều cơ quan thông tin nói rõ. Ở đây tôi không nhắc lại chuyện đó nữa, nó đang rối hơn mớ bòng bong, hãy đợi kết luận chính thức của nhà cầm quyền VN. Chưa rõ đến bao giờ.

Chuyện mua nước mắm để dành

Tôi xin phép mở một cái ngoặc đơn kể lại chuyện riêng của bạn bè và họ hàng nhà tôi ở Mỹ cũng như ở VN vì con cá chết. Một thông tin được phổ biến rộng rãi khiến mọi người VN ăn nước mắm lo sốt vó. Đó là tin tức “Một số lượng lớn cá đốm đang trong thời kỳ phân hủy được lực lượng chức năng huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) phát hiện và bắt giữ khi đang trên đường đưa đi để chế biến nước mắm”.

                                          
                                                                        Hơn 3 tấn cá đốm đang phân hủy được đưa đi để chế biến nước mắm
                                            khiến người dân Việt khắp nơi phải mua nước mắm tích trữ

Lập tức thông tin này đã tác động đến bà con anh em bạn bè tôi ở cả nước ngoài. Một bà bạn tôi kể ở Mỹ các bà cũng rủ nhau đi mua nước mắm tích trữ, mỗi bà mua vài ba két, mỗi két có chừng hơn 10 chai.

Ông Thế Hải ở Hawai cũng gửi meo cho tôi kể chuyện Hawai chưa thấy cá chết nhưng vẫn hỏi tôi cá chết nhiều lắm ăn cái gì bây giờ hả ông? Tôi nói ông kiếm con gì không sống dưới nước mà ăn, ở Hawai có cả biển có cả núi như con tắc kè sống ở núi, vừa bổ vừa tráng dương bổ thận.

Ông chú tôi còn gửi e mail cho tôi hỏi có tính trữ nước mắm không? Tôi chọc lại rằng “Tưởng các cụ ở Mẽo ăn toàn bánh mì phó mát bơ hoặc chấm thứ xì dầu hảo hạng chứ cũng còn nhớ mùi nước mắm sao?”.
Dù tôi biết chắc là người Việt ở đâu cũng có thói quen dùng nước mắm trong bữa ăn hàng mày. Mấy đứa con tôi ở Mỹ kể chuyện thằng cháu nội tôi ở Mỹ mới có bốn năm tuổi mà mê nước mắm đến nỗi cứ đến bữa ăn là cậu bé thấy chén nước mắm là mừng lắm, gắp lia lịa món dò lụa chấm lu bù, ăn rất nhiều cơm.
Tôi kể chuyện này để các bạn thấy nhiều gia đình ở nước ngoài đã cho con em “làm quen” với nước mắm ngay từ khi còn nhỏ và thành “truyền thống gia đình”.

Còn ở VN, tôi xin thú thật là gia đình tôi cũng phải nhờ Bà Mẹ ở dưới vùng quê Long Khánh mua vài chục lít nước mắm để dành, ngoài ra ở ngay Sài Gòn nhà tôi cũng mua luôn vài ký muối hột, muối bột để dành ăn vài năm mới hết.
Thôi thì “cẩn tắc vô áy náy”, biết đến bao giờ nước biển mới lại sạch đây và nước biển sạch thì đến bao giờ mới làm được nước mắm và muối không nhiễm độc. Thôi thì đề phòng như thế vẫn hơn là mang bệnh tật hoặc “chết vì ngu”, phải không thưa các cụ? Tôi xin đóng ngoặc đơn ở đây.

Đủ kiểu đơn khôi hài

Chuyên cả làng làm đơn xin nhặt rác làm tôi nhớ đến những chuyện khôi hài khác ở VN. Ai cũng biết ở VN có những chuyện vớ vẩn cũng làm đơn xin. Đủ kiểu đơn, đủ thứ đơn, đú thứ cơ quan, đủ thứ công ty bắt nhân viên phải làm đơn xin. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đã có tới 7.000 giấy phép con ra đời. Giấy phép con nhiều thì tệ xin - cho nảy nòi, kèm theo đó là vòi vĩnh, cống nạp, bôi trơn và tất nhiên mỗi lần muốn vượt qua ải “giấy phép” là phải làm đơn xin.

                                          
                                          Thủ tục phiền hà là cơ hội để sách nhiễu doanh nghiệp

Thậm chí có cả đơn xin mặc quần. Tôi đã kể chuyện này với bạn đọc chừng hơn một năm trước. Vậy mà bây giờ nhắc lại ông hàng xóm tôi vẫn không tin. Bởi ông ở VN nên không đọc bài viết của tôi ở nước ngoài. Tôi phải chứng minh cụ thể cho ông thấy. Tôi tóm tắt lại vài chuyện đó để bạn đọc cùng nhớ.

Đơn xin mặc quần

Chuyện xảy ra ở bệnh viện thuộc vùng Đông Bằng Sông Cửu Long. Thực hiện chủ trương chỉnh đốn phong cách, trang phục của Sở Y tế, bệnh viện này quyết định toàn thể cán bộ, công nhân viên phải “chuẩn hóa trang phục”, trong đó nữ giới phải mặc váy ngắn.

                                                      
                                                          Hài kịch về chuyện có thật làm đơn xin mặc quần!

Với các nữ hộ lý, nữ y bác sĩ trẻ tuổi thì đồng phục váy không có vấn đề gì. Nhưng với các chị em lớn tuổi, thân hình không còn mi nhon, bắp chân đã quá khổ thì bắt mặc váy chẳng khác chi… đày đọa! Họ mất ăn mất ngủ, chủ tịch công đoàn phải mở cuộc họp lắng nghe kiến nghị của các nữ đoàn viên. Kết thúc cuộc họp, nguyện vọng chính đáng của chị em được chuyển lên Ban Giám đốc.

Để có cơ sở giải quyết, giám đốc yêu cầu phải có “đơn”. Thế là một lá đơn ký tên tập thể có tên là “Đơn xin mặc quần” do công đoàn chuyển lên cấp trên!     

Đơn xin được phạt

Chuyện xảy ra ở một số thành phố, người dân xây nhà không xin phép liền bị phạt, và phạt xong kể như nhà được xây hợp pháp, thế là xây cứ xây chẳng cần xin phép cho lôi thôi vầt vả, có khi đợi mòn mỏi chưa thấy các quan “duyệt” cho. Có khi còn tốn nhiều khoản “bôi trơn” rất nặng. Thế thì xây xong đàng hoàng rồi làm đơn xin nộp phạt,
chẳng cơ quan nào từ chối được sự “tự giác đáng biểu dương” này của người dân. Thế là huề cả làng.

Đơn xin được làm bị cáo và đưa ra toà
Chuyện mới đây nhất vào tháng 5 năm 2016. Điều ngược đời đã xảy ra, bởi ông Hồ Thanh Hải đã được đình chỉ vụ án lại muốn phục hồi điều tra để xét xử đang khẩn thiết gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng xin được làm bị cáo
và đưa ông ra toà.

                                          
                                  Ông Hải đang trình bày với báo chí những uẩn ức ông phải chịu nên ông làm đơn
                                  xin làm bị cáo và được đưa ra toà án xét xử 

Ông Hồ Thanh Hải - 63 tuổi, uất ức khi kể lại những ngày tháng bỗng dưng bị khởi tố, bắt tạm giam hơn 28 tháng.  Ông Hải kể: "Bỗng dưng tôi bị khởi tố, bị bắt tạm giam trong hơn hai năm ròng. Giờ tôi lại phải mang danh người phạm tội, nợ thuế hàng chục tỷ đồng. Kinh tế gia đình tôi đã suy kiệt, công nhân tứ tán khắp nơi, nhà xưởng bỏ hoang… Nếu không chứng minh rõ ràng, dù có làm người tự do thì tôi cũng vẫn có tội dù tôi không hề có tội gì”. Vì thế ông tha thiết xin được làm bị cáo để được đưa ra toà xét xử ông mới chứng minh được nỗi oan ức của ông.

Tôi chỉ tóm tắt tạm 3 chuyện làm làm đơn xin ngược đời trong hàng trăm lá đơn quái đản như thế bạn đọc đã hình dung được ở VN nhiều chuyện cười không nổi, khóc không xong như thế nào...
Làm người VN lương thiện bây giờ khó thật!
Văn Quang
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~


                                                                              ~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~


__._,_.___

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham 15.04.2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link