Sunday, May 15, 2016

HỊCH ĐÁNH GIẶC TÀU



 
HỊCH ĐÁNH GIẶC TÀU
Thân Trọng Tuấn
Gò Đống Đa 1942 - Ảnh Võ An Ninh

Hoàn cảnh lịch sử:
Sau khi chiếm Thuận Hóa, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ theo kế của Nguyễn Hữu Chỉnh kéo thẳng quân ra Thăng Long với chiêu bài Phò Lê Diệt Trịnh, chỉ đánh một trận thâu tóm Bắc Hà. Nguyễn Huệ đóng quân trong phủ chúa Trịnh, xuống lệnh chiêu an. Chúa Trịnh Khải thua chạy lên Sơn Tây, hỏi đường, bị lừa đi vào vùng đóng quân của Tây Sơn, bèn dùng kiếm tự vẫn. 

Nguyễn Huệ sai lấy lễ vương tôn an táng. Dẹp xong đoàn kiêu binh của chúa Trịnh, Nguyễn Huệ cho báo tin trước khi vào đền Vạn Thọ yết kiến vua Lê Duệ Tông theo đúng nghi thức đại lễ vua tôi và luôn tiện đề cao Nguyễn Hữu Chỉnh. Vua Lê ôn tồn an ủi. Sau đó, vua thuận cho thiết đại triều tại điện Kính Thiên để Nguyễn Huệ vào chầu làm cho thiên hạ biết rõ việc Phò Lê Diệt Trịnh.
Vua phong Nguyễn Huệ chức Nguyên Súy Dực Chính Phù Vận tước Uy Quốc Công. Nguyễn Huệ có ý không vui, cho là bị ràng buộc. Nguyễn Hữu Chỉnh bèn dâng kế với vua Lê là gả công chúa Lê Thị Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Vua cũng bằng lòng, nhưng rồi ngã bệnh nặng vì đã 86 tuổi, chỉ kịp thiết triều nhận lễ mừng của Nguyễn Huệ xong băng hà. 

Ngày lễ phát tang, phò mã Nguyên Súy Nguyễn Huệ mặc áo tang đứng ở bên phía trái cung điện, thấy người Chấp sự vô lễ cười trộm bèn sai chém ngay. Ngày di quan về Lam Sơn, Nguyễn Huệ đi theo đưa ra đến tận bến sông.

Trước kia, vua Lê Duệ Tông có lập Lê Duy Cận tước Sùng Nhượng Công làm Đông Cung Thái tử để nối ngôi, nhưng bị kiêu binh (quân Tam Phủ) của chúa Trịnh phế. Phò mã Nguyên Súy Nguyễn Huệ nghe theo lời vợ là công chúa Ngọc Hân lập Lê Duy Kỳ lên làm vua tức là Lê Chiêu Thống.

Nguyễn Huệ trở về Thuận Hóa (Phú Xuân-Huế), giao binh quyền cho Nguyễn Hữu Chỉnh trông coi Bắc Hà. Chỉnh có ý mưu phản. Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra tra xét nhưng Chỉnh khôn ngoan thoát khỏi. Sau đó, Nguyễn Hữu Chỉnh làm phản thật, mưu chiếm Nghệ An. Gặp lúc các quan cũ trung thành với chúa Trịnh lập dòng dõi chúa Trịnh là Trịnh Bồng làm Án Đô vương định lập lại phủ chúa, nối nghiệp cũ nắm quyền cai trị. Vua Lê Chiêu Thống thấy vậy cho triệu Nguyễn Hữu Chỉnh. Trịnh Bồng bỏ trốn lên chùa đi tu. 

Vua Lê phong cho Nguyễn Hữu Chỉnh chức Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, Đại Tư Đồ, tước Bằng Trung Công. Chỉnh lấy làm tự kiêu. Nguyễn Huệ sai Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân đem quân ra hỏi tội Chỉnh. Chỉnh cùng gia quyến ra khỏi kinh thành Thăng Long trốn lên Kinh Bắc (Bắc Ninh), bị Vũ Văn Nhậm bắt giết. Vua Lê Chiêu Thống cũng mang mẹ và vợ con trốn lên Lạng Giang, một mặt ủy thác cho Hoàng Thái Hậu (mẹ), Hoàng phi (vợ) và hoàng tử (con trai) cùng một số cận thần sang Tàu cầu cứu, còn mình chạy theo Nguyễn Hữu Chỉnh, cải trang làm người dân thường nên thoát khỏi bị bắt, cứ thế mà trốn tránh và thành lập đội quân “Cần Vương” cho đến khi nghe tin Tôn Sĩ Nghị mang quân tới ải Nam Quan mới mang quân “Cần Vương” về lại Thăng Long, nhằm lúc quân Tây Sơn do Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm chỉ huy vừa bỏ Thăng Long rút về Tam Điệp.

Vua nhà Thanh là Càn Long khi nghe tin Lê Chiêu Thống cầu cứu xin binh liền nắm ngay cơ hội để chiếm nước Nam, phong Tôn Sĩ Nghị làm Chinh Man Đại Tướng Quân chỉ huy hai trăm ngàn (20 vạn) quân của bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Quý Châu chia làm 3 đạo, cùng chín mươi ngàn (9 vạn) dân phu theo phục dịch. Càn Long lại sai Tổng Đốc hai tỉnh Vân Nam và Quý Châu là Phúc An Khang dựng 70 kho quân lương trong bốn tỉnh kể trên và dựng thêm 18 kho quân lương nữa từ ải Nam Quan xuống tới kinh đô Thăng Long. Ngày 28/10 năm Mậu Thân (25/11/1788), cả ba đạo quân nhà Thanh đều nhất loạt nhằm vào biên giới nước ta mà tiến dưới chiêu bài “Phò Lê diệt Tây Sơn”. Ngày 20/11 năm Mậu Thân (17/12/1788) Tôn Sĩ Nghị chiếm Thăng Long. 

Đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị đóng ở cung Tây Long, trong thành Thăng Long. Đạo quân Lưỡng Quảng đóng tại những khu bãi cát rộng hai bên bờ sông Hồng, bắt cầu phao qua sông. Quân của Sầm Nghi Đống đóng tại gò Đống Đa (Khương Thượng). Đạo quân Vân Nam đồn trú tại Sơn Tây. Quân “Cần Vương” của Lê Chiêu Thống đóng ở nội thành Thăng Long.
Tôn Sĩ Nghị quyết định đợi sang xuân, mùng 6 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (30/1/1789) sẽ xuất quân tấn công quân Tây Sơn.

  Sau khi an dinh hạ trại, lính Tàu vốn người Hung Nô nhưng bắt chước theo tập tục của người Hán, liền cho cúng trời đất, tất cả các thần linh, vật dụng, oan hồn, cây cỏ, v.v. của thành Thăng Long để cầu sự như ý, xong chia nhau từng toán đi cướp phá, đốt nhà kẻ chống cự, hãm hiếp đàn bà con gái ngay giữa chợ, bày trò đánh bạc đến độ rách chiếu, uống rượu khắp nơi. Các cấp chỉ huy đã không cấm mà con a tòng, thêm tụi vô lại “Hai Mươi tháng Tý” (1) nối giáo cho giặc khiến càng thêm loạn. Để làm yên lòng Lê Chiêu Thống và quan lại nhà Lê, Tôn Sĩ Nghị đã chia quân đóng giữ ở phía Nam thành Thăng Long như: Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì), Hạ Hồi (huyện Thường Tín), Nhật Tảo (huyện Duy Tiên) và điều một bộ phận quân Cần Vương của Lê Chiêu Thống tới giữ đồn Gián Khẩu, án ngữ đường tiến của quân Tây Sơn vào Thăng Long. Hôm sau, ngày 21 tháng 11 năm Mậu Thân (18/12/1788), Tôn Sĩ Nghị lệnh đòi vua Lê Chiêu Thống sang bản doanh của y trong cung Tây Long để nhận phong làm An Nam Quốc Vương, bắt tất cả các văn thư giấy tờ đều phải ghi niên hiệu Càn Long, và hàng ngày sau khi tan triều, vua Lê Chiêu Thống phải sang chầu Tôn Sĩ Nghị để nhận lệnh. Có ngày vua Lê Chiêu Thống bị lính hầu của Tôn Sĩ Nghị đuổi về với lý do là không có việc gì để sai khiến, thật là nhục nhã! Về sau, trên đường lưu vong, vua Lê Chiêu Thống bị Phúc An Khang lừa phải gióc tóc, thay mặc áo Tàu làm người Thanh. Phái đoàn trên 30 người bị ép làm theo, chỉ có Lê Quýnh không nghe nên bị Tàu giam mãi và hành hạ vô cùng khổ sở.
 
Truyền hịch đánh Tàu:
Về quân Tây Sơn tại Bắc Hà, trước lực lượng quá hùng hậu của địch, liệu không thể nào 1 lính Việt chống cự 20 lính Tàu, nên ngày Tôn Sĩ Nghị chiếm Kinh đô Thăng Long cũng là ngày hai tướng Tây Sơn là Ngô Thì Nhậm và Ngô Văn Sở rút toàn bộ 1 vạn quân thủy bộ về đóng ở Biện Sơn và Tam Điệp (Ninh Bình) đợi lệnh của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ.

Ngày 21/11 năm Mậu Thân (18/12/1788), Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ nhận được tin cấp báo của Ngô Văn Sở do đô đốc Nguyễn Văn Tuyết chuyển về là Tôn Sĩ Nghị sẽ kéo ba đạo quân sang đánh chiếm Thăng Long. Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ quyết định lên ngôi vua tại Phú Xuân tức là Huế sau này, đặt niên hiệu là Quang Trung. Hôm 25/11 năm Mậu Thân (22/12/1788) xuất binh. Ngày 29/11 năm Mậu Thân (26/12/1788) đoàn quân của vua Quang Trung đã tới Nghệ An. Tại đây nhà vua đã mộ thêm quân, cả quân mới và cũ lên tới hơn 9 vạn người và đội tượng binh với hàng trăm voi chiến. Lực lượng vẫn còn chênh lệch: quân Tàu đông gấp đôi quân Việt.

Để làm cho Tôn Sĩ Nghị càng chủ quan khinh địch hơn, sau khi Tôn Sĩ Nghị đã dễ dàng vào được thành Thăng Long, vua Quang Trung đã “sai người ruổi ngựa chạy gấp ra đưa thư xin đầu hàng Tôn Sĩ Nghị, lời lẽ trong thư rất nhún nhường, khiêm tốn”... Chuyện kể rằng, cùng thời điểm, vua Quang Trung cũng cho truyền hịch đánh giặc Tàu. Nguyên văn bài hịch như thế nào vẫn chưa có chứng cớ, ngày nay hầu hết trong các sách báo chỉ còn mấy câu Hán-Nôm lẫn lộn ghi theo âm đọc chứ không có văn bản:

Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử trí Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ


Hơn 200 năm trước, thời vua Quang Trung, có thể bài hịch đã được viết như thế này:

打未底𨱾𩯀
打未底黰𪘵
打未伮跖輪不反
打未伮幡甲不完
打未事智南國英雄之有主.

Bài này bây giờ được nhiều người giải thích, đại ý cũng giản lược giông giống như nhau. Có bài thay chữ “nó” thành chữ “chúng”. Toàn bài gồm năm câu đếm được 35 chữ.
Trưởng Hướng Đạo Lê Anh Dũng của Lại Giang, tên rừng là Sóc Lanh Lợi, thuộc làng Quảng Tế, Orange County, California giải thích:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó ngựa xe tan tác
Đánh cho nó manh giáp chẳng còn
Đánh cho nó biết nước Nam anh hùng có chủ.
Bài dụ khẳng định ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, phong tục tập quán để tóc dài và nhuộm răng đen của người Việt Nam; đồng thời nói lên quyết tâm đánh giặc để bảo vệ độc lập dân tộc; tiêu diệt khiến cho quân giặc mảnh giáp không còn, không một chiếc xe nào trở về, để cho chúng biết nước Nam anh hùng là có chủ.

Thi sĩ Đặng Phú Phong của Bình Định oai hùng đã từng bị giữ lại tại phi trường Tân Sơn Nhất mấy ngày khi trở về Mỹ vì lý do an ninh cũng đồng ý như vậy.
 

Xác định bài hịch:
Về phần chúng tôi với chủ ý phân tích tỉ mỉ, nên dài dòng nhiều ý kiến.
Hai trăm năm trước, nước ta đã độc lập, tự chủ trên ba trăm năm. Văn vẫn dùng chữ Hán, đọc sách Tàu theo âm tiếng Việt. Hồi đó, mấy câu hịch trên nghe qua ai cũng hiểu, từ anh cày ruộng đến quan thượng thư đều rõ nghĩa lý, không như hôm nay, có thể phải để ra nhiều thì giờ giải thích mà có kẻ cố gắng nghe vẫn còn chưa chịu hiểu. 

Chỉ mới hơn hai trăm năm nên cách phát âm khi đọc cũng như cách viết mấy câu trên so với hôm nay, có thể không có gì khác nhau cho lắm. Vì chưa có bằng cớ xác đáng, nên cứ theo truyền thuyết tạm tin rằng mấy câu trên là của vua Quang Trung khi kéo đại quân ra Tam Điệp vào khoảng trước ngày cúng ông Táo 23 tháng chạp năm Mậu Thân (12/1788) theo phong tục Việt Nam. Tuy không thấy có chủ đề nhưng cứ gọi là Hịch Đánh Giặc Tàu.

Theo Tự Điển Hán Việt của Thiều Chửu, Hịch là lời văn của các quan đòi hỏi, hiểu dụ hay trách cứ dân… Có việc cần kíp thì viết vào mảnh ván cắm lông gà vào gọi là vũ hịch 羽檄 để tỏ cho biết là sự cần kíp.

Hịch thường được viết trên mảnh ván mỏng trắng mịn dẻo bền làm từ cây phương (Phương mộc ). Hịch sau khi rao đọc được niêm yết trước các công đường phủ huyện và chỗ đông người như chợ, bến đò, v.v. Chuyển hịch về địa phương thì ông tổng hay ông lý trưởng giao xuống các làng để kẻ truyền tin là “thằng Mõ” đi rao. Nếu “thằng Mõ” không biết chữ thì ông tiên chỉ của làng, hoặc tự chính ông, hoặc ông sai người đọc cho nghe để “thằng Mõ” theo đó học thuộc lòng mà thi hành phận sự. Vì không biết những chữ được sắp xếp ra sao trên phiến hịch, nhưng chắc chắn phải có ghi niên hiệu và năm bằng chữ Nôm là Quang Trung năm thứ nhất 光中 𢆥 chứ không ghi là Quang Trung Nguyên Niên 光中元 vì vua chủ trương dùng chữ Nôm. Rao hịch bằng tiếng An Nam (tiếng Việt Nam), và cũng để tiện việc cho bài này, chúng tôi cứ theo lời truyền bằng chữ Việt Latin chua thêm chữ Nôm hoặc chữ Hán để đọc lên cho dễ:

Đánh
cho để dài 𨱽 tóc 𩯀
Đánh
cho để đen răng 𪘵
Đánh
cho chích luân bất phản
Đánh
cho phiến giáp bất hoàn
Đánh
cho sự trí Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ .

Cần nói thêm là mấy chữ Hán và chữ Nôm đính kèm là do chúng tôi tự ý lựa theo suy luận, do đó có thể không giống với các chữ trong bài của người khác tuy đồng âm. Hơn nữa trong câu thứ năm có thêm vào chữ “nó
” cho nên bài hịch dài thành 36 chữ. Chừng nào thấy chính bản, sẽ kính cẩn sửa lại cho đúng! Hiện nay tại gò Đống Đa thành phố Hà Nội có bức tượng vua Quang Trung. Đàng sau bức tượng, phần dưới chân lát đá đen, có khắc năm câu trên bằng cả ba thứ chữ Hán, Nôm và Việt Latin. So sánh thấy có mấy chữ khác với bản của chúng tôi.


 
Bảo vệ phong tục:
Đến nay đã có quá nhiều bài viết ca ngợi về tài ba thao lược, khí phách anh hùng của vua Quang Trung. Trái lại, về phần đức độ lễ nghĩa và văn tài của vua Quang Trung thì ít kẻ bàn. Triều Nguyễn Gia Miêu vốn thâm thù triều Nguyễn Tây Sơn, nhưng khi cho viết bộ Đại Nam Liệt Truyện, quyển thứ 30 “Truyện chép về Ngụy Tây” vẫn ghi rõ Nguyễn Huệ khi ra mắt vua Lê vẫn lạy năm lạy, ngày phát tang vua Lê, (phò mã) Nguyễn Huệ mặc áo tang đứng bên tả điện thấy một Chấp sự cười trộm bèn sai chém ngay. Ngày đưa linh cửu vua Lê về Lam Sơn, Nguyễn Huệ thân (đi bộ) đưa ra đến tận bến đò. Nguyễn Huệ lễ nghĩa như vậy đó!

Về bài hịch là một áng văn tuyệt tác. với những lời ngắn gọn, rõ ràng, thực tế. Trước hết vua Quang Trung nêu rõ lý do vì sao đánh giặc Tàu. Không cần nói đâu cho xa, vua lấy hai thứ ngay trên thân thể là tóc và răng để khuyến dụ. Hơn ba trăm năm qua, kể từ khi Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, dân An Nam trên đầu để tóc dài, vấn vào khăn hay búi tó. Tục nhuộm răng đen có trên hai ngàn năm, kể từ đời Âu Lạc. Răng và tóc là gốc con người. Vẫn nghe câu “Cái răng cái tóc là góc con người” thật luôn vần. Gặp kẻ cắc cớ hỏi “góc” là gì thì có thể người bị hỏi sẽ ngớ ra, trả lời lấp liếm cho xong vì con người không có “góc”. Góc trong câu do Gốc nói trại mà thành. Điểm bắt đầu gọi là gốc. Người An Nam (Việt Nam) cho rằng đàn ông thuộc dương, đàn bà thuộc âm, Theo đông y, sự thụ thai do hòa hợp dương sinh âm dưỡng. Bào thai có đủ âm và dương tương trợ lẫn nhau để lớn dần. Âm nặng là huyết nuôi dương nhẹ là khí. Thai nhi tăng trưởng sẽ dần có tượng của phổi để chứa khí và tim cùng dây gân máu để chứa huyết. Được vậy, gốc con người đã rõ như hạt nẩy mầm sau thành gốc. Khoảng tháng thứ sáu, phổi khá đầy đủ, da đã tựa và tóc bắt đầu mọc, do đó đôi khi tự nhiên người mẹ tương lai có vài tiếng ho nhẹ gọi là ho mọc tóc. Tóc do huyết. Răng do khí. Huyết là âm nên khi sinh ra con gái nhiều tóc hơn con trai. Tóc trẻ con gọi là tóc máu. Để tránh bị nạn chí (lice) nên thường cắt ngắn tóc hay cạo trọc hoặc chừa một nhúm dài trên đỉnh đầu chổ xương mỏ ác mềm chưa liền khít gọi là để chỏm, hoặc chừa một mảnh ngắn gọi là vá, cun cút hay trái đào, v.v.
Để chỏm (ảnh Manhhai)
Vá (ảnh Internet)

Qua 12 tuổi mới cho là thành nhân, không cắt tóc nữa. Tùy theo nam nữ mà vấn búi khác nhau. Lúc già, cho là huyết khô nên tóc bạc và rụng dần.
Khăn đội đầu nâng búi tó (ảnh Manhhai)
Hình tên phản quốc Vi Văn Định lúc 17 tuổi (1896). Mắt không nhìn thẳng. Theo tướng pháp: Mụcbất ngang, tâm bất chính. Chữ Ngang có nghĩa là ngẩng lên, ngước lên, bị đọc trại ra thành Ngay𣦍 (tiếng Nôm). Khi về thay tên phản quốc Hoàng Cao Khải, dân có bài “Hoàng trùng đi. Vi trùng lại. Suy đi tính lại. Vi hại hơn Hoàng.”
Tóc vấn Hà Nội (1916)
(ảnh Manhhai)




Tóc trai Saigon tháng 5, 1975 (ảnh Manhhai)

Tóc trai Saigon 40 năm sau
(Tháng 5, 2015) (ảnh Manhhai)

Về răng, trẻ sơ sinh nhanh lắm là ba tháng tuổi đã mọc răng, có khi nóng sốt gọi là sốt mọc răng. Đây là loại răng sữa, lên bốn hay năm tuổi sẽ từ từ theo nhau rụng để thay răng khác và mọc thêm một số răng hàm có 2 hay 3 chân gọi là răng cấm, răng khôn cho đến lúc già khí cạn mới rụng luôn. Nhuộm răng đen giúp làm chắc răng và bớt bị đau răng. Dùng thuốc xỉa thường xuyên răng đen đều. Ít dùng thuốc xỉa, tùy theo thời gian răng có màu đỏ nâu đậm nhạt khác biệt. Lâu lâu chà sạch răng bằng miếng cau trước khi ăn trầu, vê thêm viên thuốc lá.
Răng đen: Ông
(BAVH)
Răng đen: Bà và cháu
(1968) (ảnh Manhhai)
Răng đen: Ngày di tản 1975
(ảnh Manhhai)

Vua Quang Trung cũng để tóc dài và búi tó như các tướng và lính dưới quyền. Răng vua cũng nhuộm đen như mọi người. Vua cũng ăn trầu, hút thuốc lá và uống rượu gạo. Chải tóc, chà răng là chuyện rất quen thuộc. Nếu bị Tàu đô hộ bắt cạo đầu gióc tóc vấn đuôi sam cùng tẩy cạo để răng trắng như răng bò răng chó thì làm sao chịu được. Đang làm người mà bị bắt xuống làm chó làm sam thì chẳng ai muốn! Nhuộm răng, nuôi tóc là theo đúng tục cha mẹ ông bà truyền giữ lâu nay không thể bỏ. (2) Sờ lên đầu đã thấy tóc. Thọc vô miệng liền gặp răng.
Người An Nam cho răng và tóc là tượng của khí và huyết, là của cha của mẹ làm sao mà cạo tẩy đi cho được. Vậy phải đánh giặc Tàu để bảo vệ mái tóc dài và hai hàm răng đen của chính mình! Phong tục là đó! Lời nói của vua Quang Trung không đòi thành quách đất đai vàng bạc hay hứa hẹn nọ kia. Lời nói của vua Quang Trung đơn giản như vấn điếu thuốc lá, dễ như nhai miếng cau trầu. Lời nói bình dị, rõ ràng, thân mật như nói với người thân, với bạn bè, với anh em đồng cảnh ngộ. Kết quả là quân Tây Sơn đánh đâu thắng đó một cách thần tốc! Chỉ trong 6 ngày đánh tan 200 ngàn quân Tàu! Cả thế giới xưa nay có ai làm được như vậy chưa?
Người An Nam có tục khi ra khỏi nhà hay lúc giao tiếp: đàn ông chít khăn, đàn bà vấn tóc. Khăn dùng trên đầu nâng đỡ che chở mái tóc. Tùy giới tính và giai cấp mà có nhiều cách đội như khăn thư sinh, khăn võ sinh, khăn rìu, khăn mỏ quạ, v.v. Khăn đội đầu và mái tóc ngày xưa vẫn được người An Nam dùng như vũ khí. Bây giờ có lẽ đã thất truyền.(3)
 
Một “góc” Đống Đa Hà Nội (ảnh GiadinhNet)

Quang Trung nhân từ:
Ra trận phải lấy sự sát hại kẻ địch làm trọng. Phải tận diệt quân thù để chiến thắng.
Đánh cho nó chích luân bất phản. Nó là quân Tàu. Chích luân bất phản là không một chiếc xe nào trở về (Lê Anh Dũng - Lại Giang). Từ câu này thấy rằng: Chích là một. Luân là bánh xe. Chích luân là một chiếc xe. Phản là trở về. Nguyên câu: Đánh cho nó ngựa xe tan tác. Chiếc xe chở quân lương cần có ngựa kéo và phu xe hướng dẫn. Tuy không nhắc đến nhưng vẫn ngụ ý có hình dáng con ngựa. 

Quân Tàu dùng xe để chở thực phẩm nuôi lính, không dùng xe ra tham chiến như quân La Mã. Tiếp tế thức ăn thì phải quay xe về kho để lấy. Phúc An Khang theo lệnh vua Tàu dựng cả thảy 88 kho lương trên đường tiến quân. Phải ăn no mới đủ sức đánh nhau. Không còn xe để chở lương tiếp tế cho lính ăn thì khi đụng trận sẽ bị thua to vì lính đói sức yếu không cầm nổi khí giới làm sao mà đánh! 

TẬN LƯƠNG VÔ KẾ, binh thư dạy. 

Dùng sức người thay xe thì kém số lượng thực phẩm và thiếu phần nhân sự chiến đấu nếu dùng luôn cả lính. Dùng sự hiểu biết hơn hai trăm năm sau ngày ra hịch để tán rộng ra như vậy nghe cũng có lý, nhưng liệu lời hịch của vua Quang Trung có chủ ý như vậy không? Thời vua Lê chúa Trịnh, nền văn học cực thịnh, nước Nam có rất nhiều người tài giỏi như Lê Quý Đôn, Đặng Trần Côn, Phan Huy Ích, Trần Danh Án, Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Thiếp, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, v.v. 

Nguyễn Hữu Chỉnh thi đậu Hương Cống (Cử nhân) lúc 16 tuổi, tóc còn để chỏm. Đoàn Thị Điểm dịch bản Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn. Truyền rằng lúc còn bé, cùng anh Đoàn Hữu Luân đối ứng. Thấy em gái soi gương, Luân ra câu “Đối kính họa mi nhất điểm phiên thành lưỡng điểm”. Đoàn thị Điểm đối lại “Giao trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân”. Hai chữ “chích luân” trong câu đối có ý trỏ vầng trăng và cũng là anh Luân đối với em Điểm. 

Chích luân trong bài hịch phải hiểu là một chiếc xe đơn lẻ chứ không phải là cái bánh xe bị nướng trên lửa theo kiểu vị thuốc cam thảo nướng gọi là “Chích cam thảo”. Cắc cớ cho thêm rằng Chích Luân là cái xe chỉ có một bánh vẫn gọi là xe rùa hay cút kít, khi Pháp sang đô hộ gọi là xe bù ệt đọc trại từ tiếng Pháp là bruette cho nó có vẻ văn minh! Nhưng xét lại, xe cút kít là loại xe của An Nam dùng trong thành Thăng Long chứ Tàu không dùng vì chúng có xe riêng bốn bánh của chúng nó, nên Chích Luân phải nghiên cứu thêm cho rõ nghĩa. 

Không kể lính cỡi ngựa và các chủ tướng, hầu hết hai trăm nghìn lính Tàu dùng hai chân bước từ nước Tàu sang Thăng Long trong suốt hai mươi ngày. Hai chân đó cũng sẽ bước hay chạy ra mặt trận. Chích có nhiều nghĩa, trong số đó một nghĩa là bàn chân. Như vậy có thể nói rằng đánh cho chúng nó què chân gãy bánh xe để chúng nó bất phản! Còn chân thì dù không có xe, giặc Tàu vẫn có thể chạy tháo lui rồi về sau quay lại đánh nữa. Nhưng khi đã bị đánh què chân và gãy trục bánh xe thì làm sao mà trở về? Ai cho về? Mà về đâu? Không đủ sức chống cự thì bị bắt làm tù binh là cái chắc, làm chi có chuyện trở về trại của chúng? Chữ phản có nghĩa quay trở lại hay rút lui không dùng được ở đây. Phải dùng chữ phản trong nghĩa phản công, chuyển bại thành thắng! Đánh cho nó chích luân bất phản nên hiểu là đánh cho nó què chân gãy cẳng bể nát bánh xe hết đường đánh lại. Hiểu như vậy mới thấu rõ sự nhân từ độ lượng của vua Quang Trung, vì chỉ cần đánh cho giặc bị thương để buộc phải đầu hàng chứ không giết chết!(4)
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn hiểu là Đánh cho nó manh giáp chẳng còn (Lê Anh Dũng - Lại Giang). Phiến giáp bất hoàn nghĩa là áo giáp không còn nguyên vẹn. 

Ngẫm nghĩ áo giáp phải nguyên bộ, ngoài trận chiến, đánh nát rời áo giáp ra từng mảnh thì thân thể người mang giáp cũng không còn. Từ câu Y lí bất hoàn 衣履不完 nghĩa là Áo và giày chẳng lành lặn; thì hai chữ phiến giáp 片甲 không thể nhập chung làm một để trỏ mảnh giáp bể nát. Viết phiến giáp 片甲như thế này là sai, là trái cựa. Muốn trỏ đúng cái mảnh giáp thì phải ghi là giáp phiến 甲片 như ghi Miết phiến 鼈片 là cái vỏ rùa! Khi chữ giáp đứng riêng lẻ thì chữ trước nó mang vần “iên” là chữ gì? Chưa kịp tìm ra thì đã được thầy Võ Văn Dật nhắc khẽ chữ phiên là cờ hiệu, ghép thành hai chữ Phiên Giáp 幡甲 nghe sao mà thích thế! Nghe là Phiến nhưng phải viết là Phiên !

Đánh cho nó phiên giáp bất hoàn là đánh chúng nó gãy cờ rách giáp tan tành đội ngũ. Lời hịch chỉ có giá trị trong thời gian ấn định. Rất rõ ràng: Khi ra trận, bổn phận của người lính là đánh cho giặc ngã xuống, hết đứa này đến đứa khác. Việc bắt giữ giặc, tra xét, xử trị .v.v. là việc của kẻ chịu trách nhiệm, lính đánh trận khỏi phải lo. Trình độ chữ Nho của người Việt Nam năm 2016 có lẽ kém xa người lính và dân quê thời vua Quang Trung, lại tự kiêu nên thường không chịu trau dồi khả năng, cất công mà truy tìm vấn đề cho thấu đáo! Ngay trong phạm vi tiếng Việt Latin đang dùng, lợi dụng internet, nhiều kẻ thiếu khả năng, hoặc chủ mưu tự đề cao, lợi nhuận hay chính trị, gian manh lấy bài của người khác, sửa hoặc thêm vài chổ làm bản chính trở thành sai hay thiếu sót có lúc đến độ lệch lạc rất thảm thương. 

Những người dưới triều Lê và Nguyễn Tây Sơn tuy không biết chữ Hán nhưng hàng ngày vẫn có thể được nghe lời giải thích của kẻ biết đọc nên có nhiều kiến thức. Lúc còn nhỏ, chúng tôi vẫn được mấy bác làm vườn chưa hề cắp sách đến trường, họ vẫn tự cho là họ không hề biết đến một chữ Nhất Một, đã truyền khẩu Thiên Tự Kinh, Tam Thiên Tự, cùng các chuyện Thiên Lý Lương Nhân, Đại Điểm Quần Thần, các nhân vật trong Tam Quốc Chí, Lương Sơn Bạc v.v. Thời kỳ 1950 vẫn còn có những người như vậy, thì thời điểm 1788, ắt có vô số người đáng nễ hơn nhiều!

Xác định vị thế:
Câu cuối cùng Đánh cho sử trí Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ nghe không ổn. Hai chữ Sử Trí là vấn đề cần bàn. Tại Hà Nội, trên gò Đống Đa, có tảng đá được đẽo gọt làm bia khắc câu thứ năm bằng chữ Việt Latin “… ĐÁNH CHO SỬ TRI NAM QUỐC ANH HÙNG CHI HỮU CHỦ…” QUANG TRUNG ĐÁNH CHO BIẾT RẰNG NƯỚC NAM ANH HÙNG LÀ CÓ CHỦ (Ảnh 14) Nhận xét: Chữ TRÍ nghĩa là khôn trái với ngu, thiếu dấu sắc thành chữ TRI nghĩa là biết như biết ơn, biết nhau, biết rằng... Vì không khắc chữ VUA nên gặp kẻ không biết sử Việt có thể phỏng đoán người nói câu này họ Quang tên Trung. Giống như một cán bộ quản giáo cấp Đại úy trong trại cải tạo Suối Máu khi nghe một cải tạo viên nói “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” bèn hỏi “Anh nào nói câu đó?” Mọi người trả lời “Trần Bình Trọng!” Cán bộ quản giáo liền ra lệnh ”Anh Trần Bình Trọng đâu? Theo tôi làm việc!”

Một “mảnh” Đống Đa Hà Nội (ảnh GiadinhNet)
Câu dưới dịch thành ĐÁNH CHO BIẾT RẰNG NƯỚC NAM ANH HÙNG LÀ CÓ CHỦ. Người dịch ra câu này để khắc vào tấm bia kém học, dốt chữ Hán lẫn tiếng Việt. Đọc đến hai chữ Sử Trí bèn sửa Trí thành Tri và dịch là Biết, bỏ mất chữ Sử. Câu dịch thiếu chủ từ, thừa hai chữ Rằng và Là. Chữ Rằng có thể tha thứ, còn chữ Là là một trong mấy chữ Thì, Mà, Là thầy cô giáo dạy lớp 2, lớp 3 trước năm 1975 vẫn thường căn dặn các em học sinh 7, 8 tuổi cẩn thận khi dùng trong giờ “Em tập làm văn”.

Đánh cho sử trí Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ Đánh cho nó biết nước Nam anh hùng có chủ (Lê Anh Dũng - Lại Giang).Trong lúc nói chuyện, vấn đề nuốt lời, nói trại, nói trệch, nói lái, v.v. vẫn được hiểu và chấp nhận. Ngôn ngữ nói khác với ngôn ngữ viết trong nhiều trường hợp. Đọc câu thứ năm, có cảm giác thiêu thiếu, ngập ngừng không thông suốt. Trưởng Lê Anh Dũng gắn thêm chữ “nó” trong câu giải thích có tác dụng như một mắt xích nối hai mệnh đề một cách tuyệt vời! 

Đánh cho nó biết nước Nam anh hùng có chủ vẫn chưa diễn tả hết ý cả câu. Lỗi do người nghe và nhớ xong chép lại không hoàn toàn đúng và đủ! Câu chép lại thiếu chủ từ “nó” và viết sai “Sự” thành “Sử”. Nguyên câu phải như thế này mới không què: Đánh cho sự trí Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ . Tham khảo về hai chữ Sự Trí 事智, Thiều Chửu dẫn nghĩa: (術語)對於理智而有事智。見理智條(Thuật ngữ) Đối ư lý trí nhi hữu sự trí – Kiến lý trí điều. Đánh cho nó hiểu biết rõ là nước Nam anh hùng có chủ. 

Chuyển ý như vậy cũng tạm được nhưng vẫn còn chưa thoải mái lắm. Các danh từ gia chủ là chủ nhà, điền chủ là chủ ruộng, địa chủ là chủ đất, đường chủ là người coi một số các nhà, hương chủ là ông trưởng làng, động chủ là người chủ một vùng, một phương như biệt hiệu của vua Lê Thánh Tông là Thiên Nam Động Chủ. Nam quốc anh hùng chi hữu chủ trong bài hịch là nước Nam anh hùng đang có chủ, tức có Vua tài giỏi cai trị, tức vua Quang Trung mới lên ngôi được một tháng! Hiểu một cách đơn giản theo kiểu lính tráng sắp ra trận, câu này phải dịch thoát là Đánh cho nó sáng mắt ra để thấy rằng nước Nam anh hùng có vua Quang Trung! Hai chữ Quang Trung 光中chắc chắn có ghi trước tiên ở đầu tờ hịch. Đây là một thông lệ không thể thiếu để biết hịch đến từ đâu. 

Sự Trí 事智 hiểu rộng là vỡ lẽ ra, là nhận ra, biết rõ ra, v.v. Chuyện cần phải làm ngay là đánh thắng giặc Tàu. Thắng trận xong phải an dân, sửa sang bờ cõi,v.v. Xong xuôi đâu đó mới đến chuyện sử sách! Chỉ vì coi thường hay không thông một chữ Sử và hiểu tròm trèm một chữ Tri mà dịch ra nhiều cách. Ra trận chỉ để đánh cho giặc Tàu biết lịch sử nước Nam ta rất anh hùng có chủ thì việc đổ máu chết người này được ích gì? Việc này có thể nói trong bàn tiệc hay trên chiếu bạc, cần gì phải đánh nhau! Hoặc chưa đụng trận mà kêu gọi dân đi đánh giặc để ghi công vào chiến sử là chuyện trời ơi đất hỡi chẳng ai thèm nghe! Vấn đề đặt ra ở đây là phải đánh bọn giặc Tàu đang chiếm kinh đô Thăng Long một trận tơi bời hoa lá, tan tành xí quánh, không còn manh giáp để chúng thấy rằng sự việc chúng kéo quân sang như một lũ cướp bị chủ nhà trừng trị. Các chuyện khác sẽ tính sau. Sử sách khoan nói đến!

Sử nhà Nguyễn Gia Miêu chê vua Quang Trung quê mùa, ít học. Quê mùa: Đúng! Cha mẹ vua là ông bà Nguyễn Phi Phúc làm nghề buôn lá trầu. Ít học: Xét về khoa cử: Đúng! Chưa qua bất kỳ thi hạch nào. Sử nhà Nguyễn Gia Miêu lờ chuyện sức học của vua Quang Trung. Chữ viết của vua tuyệt đẹp và lời văn thu phục được kẻ chống đối là La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp. Bài Hịch Đánh Giặc Tàu vẫn truyền với 35 chữ đem so sánh với bài hịch Khuyên Răn Các Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo do Trần Trọng Kim dịch ra quốc âm dài 981 chữ thấy rằng tuy chỉ bằng 1 phần 28 nhưng công dụng hơn nhiều. Phải thông chữ Hán mới hiểu bài hịch của Trần Hưng Đạo. Bài hịch đánh Tàu của vua Quang Trung, đối với người An Nam, bất kỳ ai nghe cũng hiểu và nhớ dễ dàng. Bài hịch bằng chữ Hán của Hưng Đạo Vương, mấy ai hiểu suốt và nhớ hết? Hưng Đạo Vương phải cần sáu tháng tức 180 ngày mới đuổi được 50 vạn quân Mông Cổ(5) trong khi vua Quang Trung chỉ mất có 6 ngày đã đuổi 20 vạn quân Thanh về nước! Và, vua Tự Đức là vị vua được cho là hay chữ nhất của triều Nguyễn Gia Miêu, đã ra đề thi tuyển chọn lấy Tiến Sĩ là học vị cao nhất trong bài văn Sách, hỏi về việc người Pháp chiếm Nam Kỳ là “Nên Đánh hay Hòa?” nhưng chẳng có câu trả lời nào lưu truyền cho hậu thế!

Khi viết đến đây, Hoàng Sa, Trường Sa, Tây Nguyên, Bản Giốc, Bình Dương, Chợ Lớn, Đà Nẵng, Quảng Trị, v.v. bị Tàu Cộng lấn chiếm. Hàng chục ngàn tàu đánh cá tư nhân của Tàu Cộng được bọc thép, cung cấp đầy đủ nhiên liệu, thực phẩm, vũ khí đang phân tán mỏng trong vùng lưỡi bò để rất có thể dùng chiến thuật “Biển tàu” tấn công chiến hạm Mỹ. 

Từ đầu tháng 4, 2016 phát hiện cá biển chết hàng loạt tấp vô bờ từ Hà Tĩnh vào qua khỏi Đà Nẵng và cá lồng bè nuôi dọc bờ biển chết không rõ nguyên nhân vô tới Nha Trang. Vụ nhà máy thép Formosa của Đài Loan ở Vũng Áng có thể nằm trong kế hoạch của Trung Cộng. Bộ Giáo Dục của Trung Cộng vừa đưa ra một bản đồ thế giới mới cho rằng Hawaii, Okinawa và Micronesia thuộc chủ quyền của Trung Cộng. Thư ký báo chí của White House là Josh Earnest khẳng định: “Không quốc gia nào khác ngoài Mỹ có quyền tuyên bố chủ quyền đối với Hawaii”. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã lên tiếng bác bỏ và cho rằng lập luận của Trung Cộng thật “thiếu suy nghĩ”. Tổng thống Manny Mori của Micronesia cho Trung Cộng vô lý và tố cáo Bắc Kinh cưỡng đoạt bản đồ. (Nguồn: Internet)

Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam Cọng Hòa từ năm 1972 để chơi với Trung Cộng. Năm 1975 Tan Hàng! Di Tản! Sau 41 năm lưu vong, chúng ta nên Sự Trí 事智 trước khi nhờ White House về những gì liên quan đến Việt Nam. Nhà cầm quyền Hà Nội đang ở trong tình trạng hơn cả Lê Chiêu Thống vào cuối năm Mậu Thân 1788, vì không những dâng Việt Nam cho Tàu Cộng, lại còn ác hơn nữa là biến nước Việt Nam thành cái thùng rác để Tàu Cộng tha hồ đổ vào các chất thải độc hại khủng khiếp. Tượng đài vua Quang Trung sắp được dựng lên ở thành phố Garden Grove, Orange County, California, là một cáo trạng về việc Trung Cộng xâm lược, diễn lại cuộc chiến lịch sử năm 1788, góp phần nhắc nhở vào công cuộc vùng lên của người dân Việt Nam đánh đuổi tập đoàn Hán Gian Trung Cộng xâm lược.

Thân Trọng Tuấn
California ngày 30 tháng 4 năm 2016

_____________

Ghi chú:
(1) “Hai Mươi tháng Tý” là ngày 20 tháng 11 âm lịch, tức ngày Tôn Sĩ Nghị chiếm Thăng Long. Theo âm lịch, tháng Giêng luôn luôn là tháng Dần, nên tháng 11 là tháng Tý, tháng Chạp là tháng Sửu. Tương tự Tết Mậu Thân có “Cán Bộ Mồng Hai”. Hè năm 1975 có “Cán bộ ba mươi tháng Tư”.

(2) Người An Nam có tục thờ ông bà. Nhà nào cũng có bàn thờ để thờ đến năm đời. Người Tàu trong nhà không thờ ông bà mà thờ các vị như Quan Công, Nhạc Phi, thần tài, thần núi, sông, hà bá, v.v. Sầm Nghi Đống sau khi bị quân Tây Sơn vây phải tự vẫn ở gò Đống Đa cũng được những người Tàu ở Thăng Long lập đền thờ. Hiện thời, tục nhuộm răng đen đã bỏ. Tóc bối còn rất ít người giữ. Tuy nhiên, tục thờ cúng tổ tiên vẫn còn. Người Tàu không kỵ giỗ ông bà, trong khi người Việt Nam vẫn làm lễ giỗ hàng năm. 

Ngoài việc giỗ tại nhà, người theo đạo Phật còn tổ chức thêm ở chùa và người đạo Thiên Chúa xin lễ giỗ ở nhà thờ.

(3) Chuyện kể: Dưới thời Pháp thuộc, một trong những kế sách diệt nhân tài người Việt của Pháp là cho mở đài đấu võ tự do, nếu có “lỡ tay” đánh chết người cũng không bắt tội. Một số người nông nổi, háo danh chết uổng. Có một cặp vợ chồng kia tham dự. Người chồng lỡ bộ bị đối thủ thẳng tay đánh đòn độc bỏ mạng trên đài. Người vợ liền xin đấu báo thù. Quan lo về võ đài chấp thuận ngay. Kẻ địch nhìn người vợ, nhếch mép cười một cách khinh khi ngạo mạn. Người vợ vẫn điềm nhiên như không. Nhập trận, người vợ thình lình tháo khăn xõa tóc ra thế Ngọc Nữ Phân Cân thật nhẹ nhàng. 

Trọng tài thấy chiếc khăn rời khỏi tay người vợ thì cho rằng chiếc khăn không còn dùng như vũ khí nên lặng yên. Địch thủ nghiêng người tránh, nào ngờ trước khi kịp bình thân thì người vợ đã vận khí vào mái tóc phóng theo chiều chiếc khăn bay, quất thẳng đuôi tóc cắm vào mặt địch thủ như ngàn cây kim may. Quá bất ngờ, theo phản ứng tự nhiên, địch thủ đưa hai bàn tay lên mặt, người vợ liền áp vào với thế Nội Nguyệt Tàng Hoa, dùng cánh tay trái kềm ép hai tay địch thủ, bàn tay phải nhỏ nhắn còn lại nắm úp đảo hải dồn hết sức bình sinh cùng với sức xoay của thân hình, quài một ngọn đòn thù vào nơi chấn thủy ngay huyệt Đản Trung của kẻ giết chồng mình nghe kêu bụp như ống tre nổ! Sức đánh phá nát tim phổi, đi thẳng ra sau xương sống làm bể tung huyệt Chí Dương khiến kẻ địch chỉ kịp “Hợ” lên một tiếng, ngã vật ngữa xuống chết tươi.

(4) Quân An Nam phần nhiều dùng giáo, quân Tàu dùng mã tấu. Giáo dài gấp đôi mã tấu. Giáo biến chế từ cây côn bằng cách gắn thêm mũi sắt nhọn và dẹp dài một gang tay mà ra. Có một loại tre thẳng, cầm vừa tay, đặc ruột, nhẹ, bền dùng làm giáo gọi là tre cán giáo hay tầm vông. Côn hay roi có thể làm bằng tre, cây gỗ, sắt tùy khả năng và sở thích. Người Bình Định gọi cây côn là cây roi và sử dụng rất giỏi làm món vũ khí phòng thân và gánh dụng cụ nhẹ. 

Chỉ cần 10 ngày là có thể luyện thuần thục các thế đánh. Đây là lợi điểm của lính Tây Sơn trong việc đánh giặc Tàu. Phải chăng thế roi Đốc Côn Triệt Cước vẫn gọi tắt là thế Đốc Roi dùng đánh giập bàn chân và ống chân tức cẳng chân hay ống quyển của kẻ địch như ý của vua Quang Trung? 

Địch ngã xuống liền dùng ngay thuật trói người không giây là tạm thời hết trốn. Cây côn dài một sải tay, hoặc từ đất chống cao tới lông mày. Đoản côn dài một cánh tay. Khi loang côn phát ra tiếng gió vù vù thì sức mới có thể dùng được. Gái Bình Định có người thay cây côn bằng chiếc đòn gánh, nguy hiểm vô cùng! Chiếc đòn gánh to tròn của những người bán chiếu ngày xưa dùng đánh đuổi được cọp! Người giỏi luyện côn, miếng da giữa ngón cái và ngón trỏ bè ra như chân vịt.

(5) “Trong sáu tháng trời, từ tháng chạp năm giáp thân (1284) đến tháng sáu năm ất dậu (1285), quân An-nam đuổi 50 vạn quân Mông-cổ ra ngoài bờ-cỏi, chỉnh-đốn giang-sơn lại như cũ”. (Trần Trọng Kim -Việt Nam Sử Lược)

       


__._,_.___

Posted by: truc nguyen 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày-14/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link