Niềm đau Madrid, nỗi nhớ Sài Gòn
Trần Trung Đạo
Chuyến viếng thăm Việt Nam của TT Barack Obama có lẽ là chuyến
viếng thăm của một nguyên thủ quốc gia để lại nhiều cảm xúc trong lòng người
Việt Nam nhất, không phải chỉ thiện cảm, xúc động, hân hoan, niềm nở khi ông
đặt chân xuống Sài Gòn nhưng cũng để lại ít nhiều cay đắng, ngậm ngùi, trống
vắng khi cánh cửa của Air Force One từ từ khép lại.
Là một con người nặng tình cảm, TT Barack Obama hẳn đã đọc được
những khao khát tự do dân chủ của người dân Việt Nam, nhất là tại Sài Gòn, qua
cách chào đón họ đã dành cho ông. Và là một con người nặng tình cảm, ông đã để
những cảm xúc riêng tư qua cách nói, cách cười, cách choàng vai tự nhiên, thân
tình, đằm thắm lấn át vai trò một nguyên thủ quốc gia trong nhiều nơi ông đã
ghé thăm.
Đừng quên, Barack Obama từng là một điều hợp viên cộng đồng với nhiều
sắc dân ở Chicago lo việc dạy kèm, thuê nhà cho người nghèo nên việc ông hòa
hợp dễ dàng vào giới bình dân không có gì lạ.
Nhưng dù gì đi nữa, cuối cùng, quyền lợi và chính sách lâu dài của
nước Mỹ vẫn trên hết.
Lịch sử để lại vô số bài học.
Madrid tháng 8, 1944
Ngày 25 tháng Tám, 1944 Paris chính thức được giải phóng. Tư lịnh
Đức Tướng Dietrich von Choltitz, người từ chối lệnh của Hitler chiến đấu tới
cùng cho đến khi Paris chỉ còn là đống gạch vụn, đầu hàng tại khách sạn
Meurice. Trong lúc các lực lượng đồng minh tiến về phía Bắc để tấn công sang
lãnh thổ Đức, một bộ phận tiếp tục giải phóng các tỉnh miền Nam nước Pháp.
Ảnh hưởng từ các cuộc nổi dậy của nhân dân Pháp tại những nơi quân
đội đồng minh sắp đến vang dội sang tận Tây Ban Nha lúc đó đang chịu đựng dưới
sự cai trị độc tài hà khắc của tướng Francisco Franco.
Francisco Franco (1892-1975) thiết lập chế độ độc tài toàn trị
Phát Xít tại Tây Ban Nha khi phe quân phiệt của ông ta dưới danh nghĩa Bảo
Hoàng với sự giúp đỡ của Hitler và Mussolini thắng Nội chiến Tây Ban Nha. Dưới
chế độ hà khắc của Franco, khoảng từ 200,000 đến 400,000 người bị giết và vô số
người bị đày ải trong 190 trại tập trung trên khắp Tây Ban Nha.
Mặc dù tuyên bố “trung lập” trong Thế chiến Thứ Hai, Franco
cho phép hải quân Đức và Ý cập các cảng Tây Ban Nha và tình báo của phe Trục
được quyền hoạt động trên đất Tây Ban Nha. Ngoài ra, Franco còn chấp thuận cho
Sư Đoàn Xanh (Blue Division) tình nguyện chiến đấu bên cạnh quân đội Hitler tại
các mặt trận Volkhov và Leningrad.
Với hai lý do, một chế độ Franco độc tài Phát Xít chà đạp lên các
quyền tự do của con người và đồng minh của Hitler trong Thế chiến Thứ Hai,
không ít người dân Tây Ban Nha tin rằng sau khi giải phóng nước Pháp, quân đội
của Mỹ, nước dân chủ hàng đầu thế giới, sẽ có tất cả lý do chính đáng để giải
phóng Tây Ban Nha khỏi ách độc tài Francisco Franco, xây dựng một Tây Ban Nha
dân chủ và sẽ là một đồng minh thân cận, vững chắc của Mỹ bên bờ Địa Trung Hải.
Với lòng tin tưởng quân đội Đồng Minh sắp giải phóng Tây Ban Nha,
tại thủ đô Madrid, các phong trào sinh viên Tây Ban Nha đã tổ chức hàng loạt
các cuộc biểu tình, nổi dậy, phân phối truyền đơn kêu gọi các tầng lớp nhân dân
Tây Ban Nha đứng lên lật đổ độc tài Francisco Franco.
Không. Quân đội đồng minh không vượt biên giới Pháp Tây Ban Nha và
phong trào sinh viên Tây Ban Nha đã bị Franco dập tắt một cách đẫm máu.
Lý do quân Mỹ không vượt biên giới. Từ khi phần thắng của Thế
chiến Thứ Hai nghiêng về phía Đồng Minh, các lãnh đạo đồng minh đã hình dung ra
một bản đồ mới, một trật tự mới tại châu Âu. Riêng đối với trường hợp Tây Ban
Nha, Stalin muốn trừng phạt Tây Ban Nha về tội “liên minh” với Đức nhưng
Franklin Roosevelt và TT Winston Churchill từ chối. TT Mỹ và TT Anh chẳng những
không muốn can thiệp vào chế độ chính trị Tây Ban Nha mà còn muốn dùng Franco
để chống lại Stalin sau thế chiến.
Khi TT Franklin Roosevelt qua đời ngày 12 tháng Tư 1945, Phó
TT Harry Truman lên thay đã khai triển quan điểm bao vây Liên Xô một cách cụ
thể hơn trong chủ thuyết được gọi là Chủ Thuyết Truman (Truman Doctrine). Trong
kế hoạch đó, ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa CS là trọng điểm và ưu tiên
cao nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Mỹ o bế Franco vì biết y là người
chống Liên Xô triệt để. Đáp lại, Franco cho phép Mỹ thiết lập bảy căn cứ quân
sự Mỹ trên lãnh thổ Tây Ban Nha.
Sài Gòn tháng 5, 2016
Sài Gòn tháng 5, 2016, hàng trăm ngàn người thuộc nhiều thế hệ đổ
ra đường chờ suốt mấy giờ để đón chào tổng thống Mỹ.
Như đã viết trong bài trước, người dân miền Nam đón chào một người
đại diện cho thế giới tự do hơn là tổng thống một quốc gia. Tiếng hoan hô TT
Barack Obama bằng tiếng Anh, bằng tiếng Việt vang lên trên đường phố Sài Gòn.
Một lần nữa cho thấy mạch sống dân chủ trong lòng người dân miền Nam vẫn còn
chảy.
Những em nhỏ sinh ra hay lớn lên ở Sài Gòn sau 1975 có thể không
nhận ra nhưng dân chủ ở miền Nam là những hạt giống do Phan Chu Trinh, Bùi
Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh và rất nhiều nhà
cách mạng miền Nam khác gieo xuống hàng thế kỷ trước đã mọc ra, lớn lên trong ý
thức các em và đã là một phần trong máu huyết của các em. Điều đó giải thích
tại sao các em cảm thấy gần gũi với lãnh đạo một quốc gia dân chủ từ xa xôi đến
hơn là những “lãnh đạo đất nước” cùng dòng giống với mình.
Sau 41 năm, người dân miền Nam vẫn còn mang tâm lý sống trong vùng
bị chiếm hơn là dân của một “nước Việt Nam thống nhất”. Người dân Sài Gòn vẫn
mang nặng trong tim một nỗi nhớ Sài Gòn, dù họ sinh ra, lớn lên hay chỉ nghe
lời kể lại của ông bà, cha mẹ.
Hơn mười năm trước, trên talawas, người viết đã có dịp phân tích
những bản án mà đảng CS dành cho các nhà tranh đấu miền Nam bao giờ cũng nặng
nề hơn, tù đày lâu hơn những người đấu tranh phát xuất từ miền Bắc:
“Trong lúc tôi vô cùng kính trọng những tiếng nói dân chủ vọng lên
từ miền Bắc, những bản án dài hạn hơn nhiều mà giới lãnh đạo Đảng Cộng
sản đã dành cho những nhà đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhân quyền phát xuất
từ miền Nam cho thấy rằng, ba trăm năm sau, con sông Gianh cách ngăn dân tộc từ
thời Trịnh Nguyễn vẫn còn chảy, không phải ở Quảng Bình mà chảy ngay giữa lòng
Hà Nội, chảy trong tư duy của những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tương tự, những phân chia ngăn cách Bắc Trung Nam từ thời thực dân
chẳng những không được lấp lại, trái lại mỗi ngày bị đảng đào sâu thêm. Chính
sách trả thù đã thể hiện không những đối với những người cầm súng, những viên
chức chính quyền cũ mà còn áp dụng một cách tàn nhẫn đối với gia đình họ, con
cái họ và thậm chí còn mở rộng đến nhiều triệu người dân vô tội chỉ vì họ sống
bên này sông Bến Hải.
Sau 1975, trong lúc hàng trăm ngàn sĩ quan và viên chức Việt Nam
Cộng Hòa bị tù đày trong rừng sâu nước độc, hàng triệu thân nhân họ cũng đã
gánh chịu nhiều cực hình không kém phần độc ác. Tôi đã gặp những đứa bé miền
Nam có cha mà như không cha, có mẹ mà như mất mẹ, sống lang thang đầu đường
cuối chợ. Tôi đã gặp những đứa bé miền Nam thông minh nhưng không có một cơ hội
đến trường, chỉ biết đứng bên ngoài cổng trường mà khóc. Đảng nói gì chưa với
những mái tóc xanh kia?”
Những “mái tóc xanh” lang thang trên đường phố Sài Gòn sau 1975
bây giờ đã lớn, đã ngoài tuổi 40, nhưng ký ức của tuổi thơ hãi hùng sẽ
không bao giờ phai nhạt. Sự có mặt của TT Barack Obama là cơ hội để các
em bày tỏ thiện cảm dành cho tổng thống một nước dân chủ nhưng đồng thời cũng
để nhà cầm quyền CS thấy sự khinh bỉ các em dành cho các lãnh đạo độc
tài.
Hàng năm, các loa tuyên truyền của đảng vẫn tiếp tục lập lại bài
hát “hòa giải hòa hợp dân tộc” vào mỗi dịp 30 tháng 4, nhưng 41 năm trôi qua
chính sách phân biệt đối xử của đảng CSVN đối với người dân miền Nam vẫn không
thay đổi.
Trước đây, con số 20 năm tù trở thành một loại tiêu chuẩn dành cho
những người tranh đấu nổi tiếng ở miền Nam như Linh mục Nguyễn Văn Lý (bị kết
án 20 năm tù, 1977), Bác sĩ Nguyễn Đan Quế (bị kết án 20 năm tù, 1990), Gs Đoàn
Viết Hoạt (bị kết án 20 năm tù, 1993) và hiện nay cũng thế, Trần Huỳnh Duy Thức
(bị kết án 16 năm tù cộng với 5 năm quản chế, 2010).
Ngoài
chính sách cai trị dựa trên lý lịch, quá khứ, việc kết án nặng nề dành cho các
nhà tranh đấu miền Nam còn chứng tỏ đảng rất sợ dân miền Nam. Nhưng sợ hay
không sợ, khao khát tự do dân chủ như ngọn lửa âm ỉ trong lòng người sẽ một
ngày bùng lên thành cách mạng.
Niềm đau Madrid, nỗi nhớ Sài Gòn
Người viết đọc câu chuyện phong trào sinh viên Madrid trong một
tạp chí ở Sài Gòn trước 1975. Thời gian dài trôi qua, tên tuổi đã quên, nhưng
sự hy sinh của họ vẫn còn sống trong ký ức và niềm tiếc thương dành cho sự hy
sinh của họ vẫn còn trĩu nặng đến bây giờ.
Dù trong sáng và cao quý bao nhiêu, số phận của các lãnh đạo phong
trào dân chủ Tây Ban Nha chắc chắn đã không được nhắc tới trong các phiên họp
bàn viễn ảnh về châu Âu của Anh Mỹ. Tương tự, số phận của Trần Huỳnh Duy Thức
và hàng trăm tù nhân lương tâm Việt Nam đang bị tù đày cũng không được TT Obama
đặt ra như một điều kiện với lãnh đạo CSVN trong chuyến viếng thăm Việt Nam.
Vì thế, TT Obama đã rời Việt Nam nhưng những “đáng tiếc”, “lẽ ra”, “phải chi”
vẫn còn nghe đây đó.
Trước
mặt các nhà kiến trúc chính trị Mỹ chỉ có tấm bản đồ chứ không có tên tuổi
người nào. Họ xây dựng chính sách đối ngoại với Trung Cộng từ kinh nghiệm đương
đầu với Liên Xô. Liên Xô rất mạnh ở trung tâm nhưng yếu ở các vòng ngoài.
Mikhail S. Gorbachev biết rõ điểm yếu đó và từng ra lịnh đàn áp cuộc nổi dậy
đòi độc lập của nhân dân Lithuania 1989 để cứu vãn Liên Xô nhưng thất bại khi
các nước vùng Baltic cùng đứng dậy.
Dĩ nhiên Mỹ phải chuẩn bị cho mọi hình thức sụp đổ của Trung Cộng
nhưng dù khả năng nào, chính sách bao vây ngăn chận (containment) vẫn là bước
đầu được hầu hết các tổng thống Mỹ, theo mức độ khác nhau, đã và đang theo
đuổi. Cuộc “Chiến tranh Lạnh” khác đã bắt đầu ở Á Châu. Mỹ sẽ gia tăng áp lực,
kể cả áp lực quân sự, từ bên ngoài để hy vọng Trung Cộng một ngày sẽ tan vỡ từ
bên trong, giống như các TT Mỹ từ Harry Truman đến Ronald Reagan đã thực hiện
và thành công đối với Liên Xô.
Thực
tế chính trị quốc tế là vậy. Đừng nói chi là một phong trào dân chủ, dù Tây Ban
Nha hay Việt Nam, mà ngay cả một quốc gia lớn như Tiệp Khắc còn bị Anh Pháp
tặng không cho Hitler tại Hội nghị Munich trước Thế chiến Thứ Hai và một lần
nữa bị Anh Mỹ bỏ rơi tại Hội nghị Yalta để cuối cùng rơi vào tay Stalin sau Thế
chiến Thứ Hai. Từ một sinh viên cho đến lãnh đạo Tiệp không ai không xót đau,
thương tiếc cho hàng triệu cái chết oan uổng của các thế hệ trước, nhưng thay
vì nuôi thù báo oán họ tập trung xây dựng lại đất nước thịnh vượng và tự do dân
chủ cho hôm nay và cho các đời sau.
Câu nói “vận mệnh Việt Nam nằm trong tay người Việt” của TT Obama
là câu nói thành thật không phải với tư cách tổng thống Mỹ mà là một con người.
Bởi vì, giá trị của một con người hay một đất nước cũng thế, không phải ở chỗ
ngã xuống mà ở chỗ biết đứng lên, vượt qua và tiếp tục hành trình đi về phía
trước. Không ai chết thay cho dân tộc Việt Nam ngoài dân tộc Việt Nam và cũng
không ai cứu Việt Nam ngoài chính dân tộc Việt Nam.
Trần Trung Đạo
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment