Nghĩ về những đất nước không thành
30 tháng 4 – 2012. Tôi đang ở trên Quảng Trường Hiến Pháp, Plaza de la Constitucion, trung tâm thủ đô Mexico của nước Mexico. Người Mexico (phát âm Mê-hi-cô) gọi là Socalo, có nghĩa là “nền tảng”. Mỗi thành phố lớn của nước Mexico đều có một socalo làm trung tâm quyền lực. Chung quanh quảng trường này có tất cả. Dinh tổng thống, tòa thị chính thành phố Mexico, trụ sở quốc hội và dĩ nhiên một nhà thờ lớn rất đồ sộ. Ở góc quảng trường, bên cạnh nhà thờ lớn, qua một song sắt người ta có thể nhìn thấy một vài di tích của kinh thành Tenochtitlan bị tàn phá và san phẳng năm 1521. Tenochtitlan là tên cũ của thành phố Mexico.
Tôi không quen biết ai tại nước Mexico này và cũng không có nhu cầu du lịch. Tôi đến đây vì từ nhiều năm rồi tôi vẫn tự nhủ thế nào cũng phải đi Mexico ít nhất một lần cho biết. Vì hai lý do. Lý do thứ nhất là để được nhìn tận mắt một kỳ quan của sự nghịch lý. Tại sao một thành phố thành lập trên cao độ hơn 2000 mét, không gần bờ biển và cũng không có dòng sông nào chảy qua lại có thể là thành phố lớn nhất, ít nhất đông dân nhất, thế giới từ hơn sáu thế kỷ qua? Lý do thứ hai, quan trọng hơn nhiều, là để tìm câu trả lời cho một câu hỏi tình cờ nẩy ra trong óc tôi và ngày càng gây khó chịu: tại sao nhiều người, nhà báo cũng như nhà chính trị, lại nói Mexico là một failed state?
Cụm từ failed state có lẽ đã xuất hiện vào đầu thập niên 1990 để chỉ nước Somalia, lúc đó rơi vào tình trạng nội chiến vô chính phủ và không giải pháp bởi vì có quá nhiều phe lâm chiến. Đó là kết quả của hai mươi năm phiêu lưu chính trị của những tướng lãnh quá dốt đến nỗi không biết là mình dốt. Họ thử nghiệm một tổng hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin và Hồi Giáo, sau đó chuyển sang một chế độ độc tài quân phiệt, làm nước Somalia tan vỡ trong nội chiến. Đến nay Somalia vẫn chưa có chính quyền. Cụm từ failed state có khi được dịch sang tiếng Việt là “quốc gia thất bại”. Cách dịch này không đúng. Một quốc gia có thể thất bại trong một hay nhiều mục tiêu (thí dụ như một giải bóng đá) mà vẫn là một quốc gia, trong khi một failed state là một quốc gia không còn là một quốc gia nữa. Có lẽ nên dịch những failed states là những “đất nước không thành” thì đúng hơn? Đó là những quốc gia mà nhà nước không còn giữ được độc quyền bạo lực, không đảm bảo được công ích và trật tự an ninh, cũng không còn thẩm quyền để thảo luận và thỏa hiệp với các nước khác nữa. Bởi vì chính quyền không được sự hợp tác của người dân và cũng không kiểm soát được người dân nữa. Tổ chức Quỹ Hòa Bình (Fund for Peace) công bố hàng năm một danh sách các quốc gia xếp hạng theo “chỉ số không thành” (failed state index) trong đó Somalia đứng hạng nhất, Việt Nam được xếp vào loại warning, nghĩa là đáng lo ngại. Bảng xếp hạng này chỉ có một giá trị rất tương đối vì nó làm quá nhiều tính toán trên một khái niệm định tính về bản chất.
Lần đầu khi đọc một nghiên cứu nói Mexico là một đất nước không thành tôi ngạc nhiên. Làm sao có thể thế được? Mexico là nước độc lập từ gần hai thế kỷ qua với một hiến pháp dân chủ ổn định từ gần một thế kỷ. Một nước lớn với 110 triệu dân sống trên một diện tích bao la gần hai triệu kilomét vuông mở ra cả Đại Tây Dương lẫn Thái Bình Dương. Hơn nữa Mexico còn có cả một vịnh lớn của riêng mình, vịnh California. Mexico đứng đầu thế giới về mỏ bạc và cũng là nước xuất cảng dầu lửa thứ năm trên thế giới. Thu nhập bình quân trên mỗi đầu người của Mexico là trên 10.000 USD mỗi năm, gấp 10 lần Viêt Nam. Nhưng rồi tôi tiếp tục đọc nhiều tài liệu khác đánh giá Mexico là một đất nước không thành đồng thời phơi bày tình trạng bạo loạn. Mới đây tôi lại được đọc bài phỏng vấn ngoại trưởng Mexico trong đó người ký giả đặt thẳng câu hỏi Mexico có phải là một đất nước không thành không và ông bộ trưởng trả lời một cách lưỡng lự.
Chỉ vài ngày sau khi tới Mexico tôi đã hiểu quả thực có lý do chính đáng để coi Mexico là một đất nước không thành. Vợ tôi, thường hay về Việt Nam, quả quyết rằng theo sinh hoạt hàng ngày thì thu nhập của một người Mễ cùng lắm chỉ gấp đôi Việt Nam chứ không thể gấp mười được. Mexico trên thực tế chỉ là một thuộc địa trá hình. Phần lớn của cải tập trung trong tay một thiểu số. Cụm từ “thu nhập bình quân trên mỗi đầu người” không có nghĩa gì cả. Mexico có rất nhiều tỷ phú, kể cả người giàu nhất thế giới Carlos Slim, nhưng dân chúng thì rất nghèo. Tình trạng bất công này tự nhiên dẫn tới hỗn loạn và trộm cướp. Chiến tranh giữa các băng đảng với nhau và với cảnh sát hàng năm làm từ 5000 đến 10.000 người chết. Cướp bóc và buôn lậu bạch phiến không bị coi là có tội nếu do người trong gia đình hoặc đồng hương làm. Các du khách được khuyên là không nên đi dạo khi chiều tối ngoài trung tâm thành phố. Ngay bên cạnh khách sạn mà tôi ở, khá gần trung tâm thành phố Mexico, có một tiệm tạp hóa nhỏ với một người bảo vệ mang súng; cô hướng dẫn viên du lịch nói như thế là bình thường. Hành động dũng cảm được mọi người thán phục là vượt biên giới qua Mỹ sống ngoài vòng pháp luật và làm những công việc lặt vặt để có tiền gửi về quê hương.
Các tài liệu thống kê cho thấy Mexico có khoảng 75% người lai, số 25% còn lại một nửa là người gốc Espana một nửa là “thổ dân thuần túy”. Nhưng ngay khi tới đây tôi khám phá ra rằng mình lầm to. Người Espana rất ít pha trộn với thổ dân; “người lai” chỉ là những thổ dân có khả năng trả lời bằng tiếng Espana những câu hỏi trong cuộc kiểm tra dân số. Như vậy phải hiểu rằng gần 90% dân Mexico, mà người Việt tại Mỹ gọi là người Mễ, là những người có tổ tiên sinh sống ở Châu Mỹ trước khi người Châu Âu tới. Điều này rất dễ nhận thấy bởi vì người Mễ có đặc tính là họ mang lịch sử dân tộc trên cơ thể. Cho tới khi người Châu Âu tới đây, đầu thế kỷ 16, họ chưa biết sử dụng bánh xe và kim loại, cũng chưa biết thuần hóa súc vật cho việc chuyên chở. Họ chỉ dùng sức người. Dầu vậy họ đã mang hàng triệu tảng đá nặng để xây những kim tự tháp và đền đài. Và họ xây cất rất nhiều, trên những qui mô lớn một cách kinh ngạc. Kinh thành Teotihuacan chẳng hạn, dựng lên cách đây hơn hai ngàn năm, có Kim Tự Tháp Mặt Trời gần bằng kim tự tháp Kheops lớn nhất của Ai Cập và một đường chính rộng mênh mang dài gần 3 Km. Người ta không thể đếm hết những công trình xây cất đồ sộ như vậy và tất cả đều làm bằng sức người. Di sản lịch sử nhọc nhằn một cách kinh hoàng đó còn thấy được trên cơ thể người Mễ. Họ lùn và mập, chân tay to và ngắn. Những hài cốt tìm lại được cho thấy trước đây họ không cao quá 1,45m, ngày nay người Mễ cũng ít khi cao hơn 1,60m. Những người Mễ chính thống này hầu như không có tài sản nào trên đất nước họ. Trước một sự bất công thách đố như vậy bạo lực gần như chính đáng, nhất là khi chính công an nhà nước cũng ám sát, thủ tiêu, cướp bóc.
Khó có quốc gia nào có thể có một lịch sử hung bạo như Mexico. Cả thế giới biết và lên án hành động diệt chủng của những đoàn conquistadors (quân chinh phục người Espana) đối với thổ dân Châu Mỹ, nhưng những tàn sát này không thấm vào đâu so với sự tàn sát lẫn nhau của các sắc tộc thổ dân trước đó. Giết người tế thần là phong tục của mọi sắc dân. Để khánh thành cung điện Tenochtitlan, người Aztec đã giết trong một ngày hai chục ngàn người, và giết theo một nghi thức ghê rợn: mổ sống để móc trái tim còn đập. Khi tấn công Tenochtitlan đoàn quân conquistador của Cortès chỉ có vài trăm người nhưng họ đã huy động được 150.000 người thổ dân cùng chiến đấu với họ để trả thù người Aztec. Đế quốc Aztec bị tiêu diệt sau vài tháng và kinh thành Tenochtitlan bị san phẳng. Kế tiếp là hai thế kỷ thống trị và bóc lột dã man của đám thực dân Espana. Mexico được độc lập năm 1821 chỉ để chịu đựng những chế độ độc tài cướp bóc của các tướng lãnh. Ngoại trừ một giai đoạn bình yên khoảng 20 năm do Lazaro Cardenas mở ra năm 1934, lịch sử Mexico cho tới nay là một chuỗi đàn áp, bóc lột, cách mạng, bạo loạn và ám sát, nhiều khi cùng một lúc. Mexico đúng là một quốc gia không thành.
Từ năm 2000 dân chủ được vãn hồi và ngày càng được củng cố. Những tranh luận chính trị ngày càng tỏ ra nghiêm chỉnh và có phẩm chất. Mexico có nhiều triển vọng ra khỏi danh sách những đất nước không thành, và có một tương lai.
Nhưng tại sao Mexico lại là một đất nước không thành?
Chính trong khi đi thăm viếng các nhà thờ lớn nguy nga, đặc biệt là nhà thờ Đức Mẹ Guadalupe (nơi Đức Mẹ Maria hiện ra với một thổ dân và in hình mình vào áo của người này) mà tôi nghĩ là đã tìm ra câu trả lời. Người Espana sang chinh phục Châu Mỹ tàn nhẫn với thổ dân bao nhiêu thì họ rộng rãi bấy nhiêu trong việc xây dựng những nhà thờ thật nguy nga, có phần hơn cả những nhà thờ lớn tại Châu Âu. Và người thổ dân đã chấp nhận đạo Công Giáo theo cách của họ, nghĩa là lấy các thánh công giáo thay cho các vị thần trước đó. Tại làng Chamula gần Palenque tôi được thăm một giáo đường trong đó rất nhiều người thổ dân Chiapas đang cúng các thánh công giáo như những thần linh, thí dụ như cắt tiết gà mái để xin cho con khỏi bệnh. Có những vị thánh không đáp ứng lời cầu khẩn nên đang bị phạt, không được thắp sáng và cũng không có lễ vật. Sự chắp nối lạ đời này chứng tỏ lý luận không có chỗ đứng đáng kể nào tại Mexico và khiến tôi chợt nhận ra là Mexico hầu như hoàn toàn không có một tác phẩm tư tưởng nào, dù đã có một nhà văn được giải Nobel về văn chương năm 1990. Mexico không có tư tưởng và vì thế đã là một đất nước không thành. Lý do là vì mọi quốc gia đều phải đặt nền tảng trên một tư tưởng chính trị đúng đắn nếu không muốn rơi vào bạo quyền và bạo loạn. Quốc gia là một khái niệm chính trị phức tạp đã gây tranh cãi dữ dội, nhiều khi đẫm máu.
Tư tưởng, kể cả tư tưởng chính trị, là con đường tới sự hiểu biết thấu đáo thay vì những xác quyết chắc nịch của sự nông cạn dẫn thẳng tới xung đột. Nhưng muốn suy nghĩ thì trước hết phải hiểu rõ các từ ngữ và khái niệm. Trong một nước nếu mỗi người hiểu quốc gia, dân tộc, tự do, dân chủ, pháp luật, chính quyền v.v. một cách khác nhau thì không thể có thảo luận và do đó không thể sống chung. Phương pháp duy nhất để hiểu như nhau là cố gắng học hỏi để hiểu đúng, và các khái niệm này phức tạp lắm chứ không đơn giản.
Sau đó cần đầu tư thời gian và cố gắng tìm giải đáp cho một số câu hỏi. Thế nào là một quốc gia lành mạnh? Cứu cánh của nhà nước là gì? Nhà nước có vai trò gì? Nhà nước quan trọng hơn hay cá nhân quan trọng hơn? Quyền hạn của nhà nước phải dừng lại ở chỗ nào để tự do cá nhân có thể bắt đầu? Có thể kiểm soát hoạt động kinh tế tới mức độ nào mà không triệt tiêu những quyền tự do chính trị? Một đại biểu quốc hội có quyền bầu theo lập trường mà mình nghĩ là có lợi cho cử tri hay phải bầu cho điều mà mình nghĩ rằng đa số cử tri muốn? Những mầm mống chia rẽ trong dân tộc xuất hiện như thế nào và phải được giải quyết như thế nào? v.v. Những câu hỏi này nhiều lắm và khó lắm nhưng nếu không trả lời được thì không thể xây dựng được quốc gia. Không có tư tưởng chính trị thì không thể có cảm thông giữa chính quyền và nhân dân, và giữa nhân dân với nhau.
Đó là điều đã xảy ra cho Mexico. Bằng chứng rõ rệt của sự thiếu vắng tư tưởng chính trị là một đảng với danh xưng ngớ ngẩn “Đảng Định Chế Cách Mạng ” đã có thể cầm quyền liên tục trong hơn một nửa thế kỷ và có nhiều triển vọng sẽ trở lại cầm quyền sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 7 sắp tới. Các định chế là gì? Cách mạng là gì? Làm sao có thể vừa bảo thủ vừa cấp tiến, vừa bảo vệ các định chế vừa làm cách mạng? Trong suốt lịch sử của nó, có lẽ chỉ trừ một trường hợp Lazaro Cardenas, không có chính khách nào hiểu rằng quốc gia là một tình cảm, một không gian liên đới và một đồng thuận chia sẽ một tương lai chung. Tất cả những người đã thay nhau cầm quyền đều đã chỉ coi dân tộc như một khối người để đàn áp và thống trị. Và họ đã khiến Mexico trở thành một failed state.
30-4 cũng là ngày kỷ niệm sự cáo chung của một nhà nước không thành: Việt Nam Cộng Hòa. Cùng với chế độ này đã sụp đổ giấc mơ của những người muốn từ đó xây dựng một đất nước Việt Nam dân chủ và anh em. Chế độ này tồi dở nhưng không gian ác. Lý do khiến nó bại vong cũng là vì nó thiếu hẳn một tư tưởng chính trị. Nó không thiếu các bác sĩ, kỹ sư, luật sư, cử nhân, tiến sĩ nhưng nó không có những trí thức chính trị. Đó chỉ là những người học lấy bằng cấp để tiến thân, nghĩa là để vượt lên trên và tách ra khỏi quần chúng và hội nhập vào một thiểu số ưu thế. Và họ cũng chỉ học những ngành chuyên môn. Kiến thức chính trị của họ không hơn quần chúng, sự hiểu biết về thực tại xã hội thì chắc chắn không bằng. Những người cầm quyền như vậy không thể tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng vì họ xa lạ với quần chúng, không biết cách tranh thủ và cũng không muốn phục vụ quần chúng; họ chỉ muốn quần chúng phục vụ họ. Từ Bảo Đại đến Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu không ai thực sự cố gắng tranh thủ hậu thuẫn quần chúng cả, trái lại vì thiếu văn hóa chính trị họ còn có những thái độ, ngôn ngữ và hành động khiêu khích đối với quần chúng. Và dù muốn họ cũng không biết phải làm gì để tranh thủ quần chúng vì họ không hiểu quần chúng. Các bộ thông tin, công dân vụ, dân vận v.v. của họ chỉ có để mà có, vì không lẽ không có. Một chế độ như vậy không thể tồn tại nếu bị tấn công, và họ đã bị tấn công. Trước mặt họ là những người cộng sản tuy động cơ có thể không trong sáng và văn hóa không cao nhưng biết cố gắng vận dụng quần chúng và đã tranh thủ được một phần quần chúng. Như vậy sự thất bại của chế độ Việt Nam Cộng Hòa là lẽ dĩ nhiên, phe cộng sản dù có thua bao nhiêu trận cũng vẫn còn đó để phục hồi trở lại vì vẫn còn quần chúng.
Việt Nam Cộng Hòa đã là một đất nước không thành vì không đủ thì giờ để hình thành. Nó còn cần thì giờ để có được một tư tưởng chính trị và những người lãnh đạo có bản lĩnh chính trị xuất phát từ quần chúng và vẫn là những đứa con của quần chúng. Nhưng thời gian này nó đã không có bởi vì nước đồng minh nắm vận mệnh của nó đã mất kiên nhẫn.
Đó là quá khứ, chỉ nhắc lại nhân ngày kỷ niệm. Điều đáng quan tâm hơn là Việt Nam hiện nay cũng đang tiến tới rất gần tình trạng của một đất nước không thành. Trong thực tế nước ta cũng chỉ là một thuộc địa trá hình trong đó một thiểu số cường hào chiếm đoạt đất nước làm của riêng, bất chấp quần chúng. Đảng cộng sản cư xử không khác một lực lượng chiếm đóng. Người dân không còn quan tâm tới đất nước vì đất nước không còn là của họ. Tư tưởng chính trị duy nhất được phép truyền bá là chủ nghĩa Mác-Lênin mà ngay cả những người áp đặt cũng biết là bệnh hoạn và nhàm chán. Đặc tính của những đất nước không thành: quan hệ chính quyền – nhân dân bị cắt đứt, thậm chí trở thành thù địch. Đã thế chính quyền còn liên tục nhục mạ người dân bằng những quyết định thách đố như cho Trung Quốc thuê rừng ở thượng nguồn, khai thác bôxit tại Tây Nguyên, chuẩn bị xây 14 lò phản ứng hạt nhân, bao che cho các đại gia cướp đất cướp nhà của dân chúng một cách công khai, trắng trợn, hàng ngày.
Còn lại sinh hoạt kinh tế. Nhưng kinh tế cũng sẽ rất bi đát trong những ngày sắp tới khi sự thực không còn che đậy được nữa. Và đàng nào thì mô hình kinh tế hướng ngoại cũng không thể tiếp tục khi các quốc gia phát triển đã đặt thăng bằng cán cân mậu dịch làm mục tiêu hàng đầu. Thử thách đặt ra cho sự sống còn của đất nước sẽ rất lớn vì chúng ta kiệt quệ, căm hờn và bất lực. Thảm kịch lớn nhất hiện nay của chúng ta là thảm kịch của ý chí và niềm tin.
Cũng như Mexico hiện nay chúng ta rất hụt hẫng về mặt tư tưởng chính trị, nhưng khác với họ chúng ta chưa bắt đầu khắc phục. Trí thức Việt Nam vẫn còn rất kém về kiến thức chính trị và vẫn còn nghĩ rằng chính trị không cần phải học. Một cuộc thảo luận gần đây còn cho thấy họ cũng không biết chính họ là ai vì nhiều người vẫn chưa hiểu thế nào là một trí thức. Đất nước Việt Nam cần tìm ra một lối thoát nhưng đôi mắt của Việt Nam lại chưa chịu mở ra.
Một trong những khái niệm bị xét lại một cách gay gắt nhất trong thế giới toàn cầu hóa này chính là khái niệm quốc gia. Số lượng các đất nước không thành sẽ ngày một gia tăng. Sẽ chỉ còn lại những quốc gia được quan niệm một cách đúng đắn và được bảo vệ một cách thông minh. Không có gì là quá nếu nói rằng đất nước đang lâm nguy. Thiểu số ít ỏi những người hiểu biết và có lòng yêu nước, những trí thức đúng nghĩa, cần hiểu rằng họ không có chọn lựa nào khác hơn là tìm đến với nhau trong một ý chí chung.
Theo Ethongluan
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment