27/05/12 |
Tiếng chữ Việt, ngôn ngữ Hán tàu!
“ … làm văn-hóa mà lầm thì hại muôn đời”
30 tháng tư năm 1975. Đổi đời. Dân tình miền Bắc như thế nào thì tôi không biết, chứ miền Nam thì nước mất nhà tan, gia đình ly-án, “tất cả đã quay về một mối, một môi căm hờn, một mối tang thương” (thơ Nguyễn Chí Thiện).
Và từ ngày tháng đó, có bọn “cách-mạng ba mươi tháng tư” một lũ gian manh đón gió trở cờ vì bọn này suy tính theo quan niệm giáo dục của Miền Nam Việt Nam để mong hưởng lợi, nhưng sau thời gian bị cộng sản lợi dụng dể làm tay sai chỉ điểm lùng bắt những người quốc gia cho vào trại “cải tạo”. Có “Bắc Kỳ bảy mươi lăm” gồm đủ mọi loại người từ miền Bắc tràn vào, kể cả dân thường, tràn vào miền Nam chiếm nhà, chiếm đất và khống chế dân Nam, biến miền Nam thành một trại cải tạo khổng lồ, từ đó có tù trong tù ngoài. Có “dân bảy mươi lăm”, những người sang Hoa Kỳ vào ngững ngày giờ hỗn loạn, những người chân ướt chân ráo “đổi ngược họ tên cha mẹ đặt, học làm con trẻ hát ngu ngơ” đã vươn lên sống mạnh và sau đó hết lòng giúp đỡ, hướng dẫn cho lớp người sang sau, những dân “tỵ nạn”, những “HO”, những “gia đình đoàn tụ”.
Dân bảy mươi lăm, là những người không bị nhồi sọ, tẩy não với nếp sống văn hóa “mới”. Thế mà có một số không ít bạn của tôi thuộc nhóm dân này đã dùng rất trơn tru tiếng “tham quan” khi nói về những người đi du lịch Hoa Kỳ, và nhiều bạn khác của tôi dùng những tiếng chữ như “cụ thể”, “hiện trường”, “có khả năng” …
Chúng ta cũng đều biết rằng ngôn ngữ (tiếng chữ) thay đổi rộng lớn theo thời gian và thường mang ngôn ngữ của các nước khác, nhất là của những nước có ảnh hưởng trực tiếp, như ngôn ngữ Pháp, Ý, Tây Ban Nha… trong tiếng Anh, và đặc biệt khi lệ thuộc vào một nước khác thì càng nhiều hơn, như tiếng Hán Tàu, tiếng Pháp đầy rẫy trong tiếng Việt. Lệ thuộc một nước nào càng lâu thì càng có nhiều tiếng chữ của nước đó. Và trong tiếng chữ Việt càng thêm những từ ngữ Hán Tàu mới như “ngư chính, hải giám”… Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, nhưng dân Việt không bị đồng hóa, tiếng Việt không mất (chữ Việt đã có chưa lúc bấy giờ?) có lẽ dân ta thời đó tuy bị nô lệ vì sức mạnh quân sự nhưng không cam tâm làm tay sai, khác hẳn với ngày nay, tuy không bị Tàu chiếm đóng và văn hóa không bị hủy diệt, nhưng rồi đây sẽ thành một Tây Tạng thứ hai chăng, hay cái sao vàng trên lá cờ máu sẽ thành ngôi sao nhỏ thứ năm trên lá cờ Đại Hán!
Những người Việt đang sống ở xứ Hoa Kỳ này đều thấy rõ là Việt Cộng lệ thuộc quá nhiều vào Tàu Cộng, Ngoài việc rập khuôn hệ thống cai tri cộng sản, lãnh đạo Trung Cộng bây giờ là quan thầy của lãnh đạo Việt Cộng. Những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống thời nay sang Tàu xin triều cống theo định kỳ. Dân Tàu cộng công khai mang bảng hiệu “một giọt nước biển Nam Hải là một giọt máu của dân Trung Quốc” khi biểu tình ngay giữa thủ đô Hà Nội. Mô hình xã hội cũng với cách trị dân bằng công an, xã hội đen, dùng mọi cách dơ bẩn, hèn hạ để trù dập những người nói lên ý thức khác với ý thức của đảng, đàn áp dã man những dân đen khiếu kiện dám tụ họp biểu tình đòi lại nhà cửa đất đai bị bọn cường hào ác bá “đỏ” cướp đọat bằng những thủ đọan đê tiện. Đất nước bây giờ tràn đầy những thứ hàng hóa Trung Cộng đầy chất độc hại, như những năm trước bọn Tàu Cộng đã thu mua râu bắp, móng trâu để tàn phá tận cùng mọi cách sinh sống của dân ta.
Nhưng ít ai nhận thấy được ra Việt Cộng còn lệ thuộc về văn hóa! Vừa qua bọn chúng muốn dạy ngôn ngữ Hán Tàu và cả những phong tục tập quán của Tàu trong tất cả các trường học. Bị chống đối, chúng đã phải tạm thời ngưng việc áp đặt nhưng không biết được bao lâu, ai cũng thấy rõ bọn chúng đã ngụy biện như thế nào khi phải rút lại quyết định bán nước có tính cách muôn đời đó. Một người bạn ở trong nước có chuyển email của một học giả trong nước nhận định cách dùng sai khi chữ Việt ghép với từ Tàu. Chưa thấy ai lên tiếng báo động về việc tràn ngập ngôn ngữ Hán Tàu trong văn chương, sách vở và trong thông tin hằng ngày.
Chúng ta cũng đều biết lãnh đạo Việt Cộng đã từ lâu tung ra nghị quyết “36” để thâu tóm cộng đồng người Việt bên này. ”Khúc ruột ngàn dặm” là đám Việt kiều giờ đây đang khốn đốn với chính sách “kiều hối” cũng bởi vì tình thương bà con gia đình, cái tình thương cao quý, thiêng liêng của một con người, mà không thể nào có chỗ đứng trong lý luận duy vật. Chúng chủ trương gửi thầy cô qua bên này, len lỏi vào các trung tâm văn hóa để dạy tiếng Việt vì sợ rằng mai sau thế hệ người Việt thứ ba, thứ tư, thứ năm và kế kiếp không còn nói, viết được tiếng chữ Việt! Tốt hơn hết, chúng nên cho người sang đây dạy cho tất cả người Việt bên này những ngôn ngữ Hán Tàu, để có cùng một văn hóa dù được cách xa bằng cả một đại dương mênh mông. Thật đau buồn mà nhận ra được họ thành công! Vì báo chí và các đài phát thanh tràn đầy và ra rả những ngôn từ Hán Tàu. Vì có ý nghĩ đó tôi rất ít khi xem các báo viết chữ Việt và nghe các đài radio tiếng Việt, kể cả các đài của Pháp và Hoa Kỳ nhưng không thể nào tránh được! Việc phát thanh biến thành hình thức tuyên truyền rất ư độc hại. Cách đây khá lâu, một nhà văn nổi tiếng miền Nam trước 75 khi dịch cuốn truyện “The Unwanted” đã biện bạch là phải dùng những chữ của Việt Cộng, xuất bản ở bên này nhưng với mưu đồ là sẽ được Việt Cộng cho phát hành trong nước chăng? Vài năm sau đó, có một nhà văn vừa đến Hoa Kỳ tỵ nạn, khi được hỏi là sao không thấy còn viết văn nữa thì nhà văn trả lời là “ngôn ngữ của tôi đã chết rồi”. Họ đã và đang thành công trong việc dạy ngôn ngữ Hán Tàu, vì đã có những “gia sư Nguyễn Hữu Công”, “Quỳnh Anh hình sự”, Vũ Kiểm ấn tượng” tiếp tay.
Xin đưa ra đây những câu chữ, đoạn văn của báo chí xuất bản bên này:
- “Cái nhìn thiên về kinh tế có vẻ khiếm diện, vì nếu nhìn tổng thể, từ triết lý, chính thể, qua văn hóa, giáo dục, tới kinh tế, quân sự, thì đế quốc Hoa Kỳ vẫn còn nhiều căn bản để tồn tại”.
- “Đây là chương trình đăng ký miễn phí trên mạng giúp cho người dùng có thể truy cập đến trên 30 trò chơi. Nếu trả tiền, người đăng ký sẽ được tiếp cận với nhiều dịch vụ hữu ích khác, được theo dõi sức khỏe kèm theo những tư vấn cụ thể”.
Đài Phát Thanh RFI (26/4/2012):
“Theo các nguồn tin được Kyodo trích dẫn, việc bố trí lại lực luợng phản ứng nhanh tinh nhuệ của Thủy quân lục chiến Mỹ đến các căn cứ mới đó nhằm đối phó với tiềm lực quân sự không ngừng gia tăng của Trung Quốc. Một cách cụ thể, đó là để bố trí các đơn vị quân đội thiết yếu tại những nơi nằm ngoài tầm bắn của các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung của Trung Quốc.
Việc bố trí lại lực lượng đó được coi là phương án hữu hiệu nhằm tăng cường khả năng tiến công của Thủy quân Lục chiến Mỹ trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương, phù hợp với chiến lược quốc phòng mới của Hoa Kỳ tập trung nhiều hơn vào khu vực châu Á.
Theo kế hoạch đã được hai chính phủ Mỹ và Nhật đồng ý, khoảng 9.000 lính Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trong tổng số 19.000 người đang đóng tại Okinawa sẽ được chuyển đến Guam và những nơi khác, mỗi nơi chịu trách nhiệm một vùng địa dư cụ thể”.
Báo Nhân Dân trong nước (cơ quan của đảng CS), ra ngày 23 tháng 4 năm 2012:
“Theo tính toán của tỉnh Quảng Ngãi, nhu cầu vốn đầu tư cho các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2011-2015 lên đến 6600 tỷ đồng, trong đó tập trung đầu tư cho 33 xã phấn đấu đạt tiêu chí nông thôn mới vào năm 2015 gần 5300 tỷ đồng (160 tỷ đồng/xã). Tuy nhiên, đến thời điểm này, kinh phí bố trí đầu tư cho Chương trình toàn tỉnh chỉ mới gần 28 tỷ đồng (khoảng 170 triệu đồng/xã), do đó đã làm cho tiến độ chương trình XDNTM của tỉnh Quảng Ngãi chậm so với kế hoạch. Tỉnh Phú Yên đề ra mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2011, có 100% số xã trong tỉnh hoàn thành việc lập quy hoạch XDNTM. Nhưng đến nay chỉ có 31 trong số 91 xã hoàn thành, và đã được UBND cấp huyện phê duyệt đề án quy hoạch. Ngoài ba địa phương huyện Phú Hòa, thành phố Tuy Hòa và thị xã Sông Cầu có 100% số xã trên địa bàn hoàn thành công tác quy hoạch nông thôn mới thì những huyện còn lại triển khai thực hiện rất chậm, nhất là huyện Sông Hinh, Ðồng Xuân chưa có xã nào phê duyệt đề án quy hoạch. Nhiều xã đã hoàn thành công tác quy hoạch trong năm 2011, nhưng đến nay việc lập đề án XDNTM vẫn còn chậm. Chỉ có 8 trong số 91 xã đã phê duyệt đề án, còn lại chủ yếu đang dự thảo và đang trình thẩm định. Do đó đến hết quý I-2012, vẫn chưa có xã nào xây dựng các dự án đầu tư trên địa bàn, vì chưa hoàn thành phê duyệt đề án nên chưa có cơ sở để cấp huyện tổng hợp từ các xã, từ đó xây dựng kế hoạch đầu tư trên địa bàn”.
Tôi thử viết một đoạn như thế này: “Các cơ quan chức năng phải khẩn trương tiến hành khảo sát các phương án khả thi, vận dụng toàn bộ phương tiện, phát huy trí tuệ ưu việt để hình thành một qui trình chung cuộc cụ thể. Cần kết hợp với thực tế thu hoạch từ những kiểm tra đồng bộ trong quá trình đi tham quan hiện trường để kịp thời phát hiện mọi vi phạm cá nhân hay đoàn thể. Tích cực đấu tranh và xử lý thích ứng những biểu hiện tiêu cực có khả năng gây trì trệ các tiêu chí mà lãnh đạo đề ra”.
Mở cuốn “Từ Điển Tiếng Việt” của nhà xuất bản Đà Nẵng (tái bản lần thứ nhất: 41 300 mục từ):
Trang 592-593: có 48 chữ, chỉ có 3 chữ: “hồi” (hồi ấy – từ hồi đến giờ), “ hối” (giục, nhanh cho kịp – hối con đi mau cho kịp, đi hối lên kẻo trễ tàu) và “hối hả” (vội vã, tất bật vì sợ không kịp,không để ý gì đến xung quanh – hối hả đạp xe về nhà, nhịp sống hối hả), những chữ khác thì không rõ là Việt hay Tàu: hối hận, hối thúc, hối tiếc, hội chợ, hội hè, số còn lại thì rất nhiều là những chữ Hán Tàu trong đó có những chữ mà tôi chưa từng nghe, như: hội báo, hội giảng, hội sở, hội thao.
Cũng trong cuốn tự điển này, tôi không tìm được nghĩa tiếng chữ Việt của “lý trình” mà tôi thấy nhan nhản bên cạnh những chiếc cầu!
Vài suy ngẫm:
“Xin đừng vô cảm” viết trên tấm biểu ngữ cũa đồng bào trong nước dùng trong các cuộc biểu tình chống Trung Cộng. Có thể có vài người cho rằng dùng chữ “vô cảm” là không đúng vì có nghĩa trơ trơ như đá sỏi, không biết gì hết, muốn sửa lại thành “xin đừng thờ ơ” vì có nghĩa biết mà không làm gì cả hoặc coi như không phải việc của mình. Có mấy ai thấy được là tại sao phải dùng chữ Hán Tàu trong khi chữ Việt kia lại mang đúng ý nghĩa hơn.
“CỤ THỂ” cùng tự điển tiếng Việt ở trên:
1. có hình thể, có tồn tại dưới dạng vật chất mà giác quan con người có thể nhận biết được; phân biệt với trừu tượng – quyển sách, hòn đá là những sự vật cụ thể.
2. [sự vật] có thật trong chính thể cũa nó,với đầy đủ các mặt và các quan hệ đa dạng cũa nó; phân biệt với trừu tượng – chân lý bao giờ cũng cụ thể, không trừu tượng.
3. rõ ràng và được xác định riêng biệt, không chung chung, không khái quát – kế hoạch cụ thể, tùy tình hình cụ thể mà hành động.
- Cụ thể hóa: làm cho trở thành cụ thể, rõ ràng dễ hiểu – báo cáo được cụ thể hóa bằng những con số chính xác.
Thật tức cười cho việc dùng chữ Hán để giải nghĩa cho một chữ Hán, thật mơ hồ không rõ “cụ” là gì, “thể” là gì, ghép hai chữ lại thì có nghĩa gì, những ví dụ đưa ra lại càng đáng tức cười hơn nữa. Tại sao không bỏ hẳn chữ “cụ thể” mà dùng chữ Việt, như: quyển sách, hòn đá là những vật có thực,chân lý bao giờ cũng rõ ràng, không mơ hồ, kế hoạch rõ ràng, kế họach rõ ràng, tùy tình hình đang xảy ra mà hành động.
Học giả Phạm Quỳnh có nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Một ngàn năm đô hộ, Việt Nam ta vẫn còn, nhưng trong lúc này đây với sự gian manh và toa rập của Việt Cộng và Trung Cộng, liệu tương lai của con người Việt Nam và đất nước Việt Nam sẽ đi về đâu và sẽ thành ra sao? Hãy lần giở lại những sách báo cũ, những bài viết, những lời nói trước đám đông cũa các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, cũa Tự Lực Văn Đoàn với Nhất Lình, Khái Hưng, Hoàng Đạo…thì sẽ nhận thấy tất cả đều dùng rất ít ngôn ngữ Hán Tàu.
Tôi rất cố gắng để viết ra những suy nghĩ này với càng ít chữ Hán Tàu càng tốt, nhưng cũng tự thấy mình tiêm nhiễm quá nhiều, cố dùng chữ Việt tránh chữ Hán Tàu cho dù những chữ này thường dùng trước 30 tháng 4 năm 1975, đủ cho thấy cái tuyên truyền thật dữ dội.
Tôi cũng rất muốn viết ra bài này về văn hóa ngôn ngữ, nhưng trong đầu óc cũa mình vẫn tràn đầy những lo âu về tương lai cũa một nước Việt Nam vẫn còn bị nhuộm đỏ nên không thể nào tránh khỏi nổi căm hận.
Chỉ mong sao có ai đó đọc bài viết này thì xin đừng “vô cảm”!
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment