Wednesday, August 1, 2012

GIÁO SẮC.

GIÁO SẮC.

NGUYỄN KHẮP NƠI.

(Viết theo lời kể của một Thương Phế Binh loại 3 (Tàn Tật Vĩnh Viễn 80%), cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khoá 20 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.)

Thân tặntg các bạn bè đã quen, chưa quen, ở:

Trường Tiểu Học Di Chuyển Thạnh Mỹ Tây II, Thị Nghè,

Trường Trung Học Hồ Ngọc Cẩn,

Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt,

Sư Đoàn 9 Bộ Binh,

Và các bạn bè còn lành lặn, các Thương Phế Binh trên khắp Bốn Vùng Chiến Thuật, khắp Bốn Phương Trời.

Tôi tên là Giáo, sinh quán Bắc Việt, di cư vào Nam ngày 20 Tháng Bẩy Năm 1954.

Mặc dù trên giấy khai sinh của tôi ghi rõ ràng là Giáo, nhưng bạn bè lại gọi tôi là . . . GIÁO SẮC.

Số là, sau khi vào Nam, bố mẹ tôi chọn định cư tại vùng Thị Nghè, thuộc Quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. 

\

Hơn một trăm gia đình mà người dân Nam Kỳ gọi chúng tôi là “Bắc Kỳ Di Cư” được tạm trú tại Trường Tiểu Học Thạnh Mỹ Tây. Sau hai tháng tạm cư, trung tâm được giải tán để  cho học sinh kịp nhập học vào đầu niên khoá mới.

Đám học sinh cũ của trường nhập học đúng vào đầu niên khoá, nhưng đám học sinh Bắc Kỳ chúng tôi thì không, vì trường Thạnh Mỹ Tây chỉ nhận học sinh vào lớp Năm (lớp 1) mà thôi, còn học sinh cũ thì đã đủ chỗ rồi. Một số Cô và Thầy giáo “Di Cư” cũng đã xin với Bộ Giáo Dục để mờ thêm lớp cho chúng tôi, nhưng trường ở đâu ra bây giờ? Không có trường thì lấy đâu ra lớp cho chúng tôi học?

Các Thầy Cô đã nghĩ nát óc để rồi tìm ra một giải pháp tuyệt hảo:

Học sinh cũ của trường Thạnh Mỹ Tây học hai buổi sáng (từ 8 giờ sáng tới 11 giờ sáng) và buổi chiều (từ 2 giờ chiều tới 6 giờ chiều). Như vậy, thì đám học trò di chuyển có thể xen kẽ vào học từ 11 giờ sáng tới 2 giờ chiều. Bộ Giáo Dục và các giáo viên họp lại với nhau để cùng . . . nghiên cứu cách thức nào tốt nhất cho các học sinh. Cuối cùng, một trường Tiểu học Di chuyển được thành lập tại Thị Nghè, gọi là Trường Tỉểu Học Di Chuyển Thạnh Mỹ Tây II (cho khắp vùng Thị Nghè, Cầu Sơn). Trong khi chờ đợi được cấp trường mới, các học sinh di chuyển tạm thời học tại trường Tiểu học Thạnh Mỹ Tây, từ 11giờ 30 sáng cho tới 1 giờ 30 chiều.

Thế là chúng tôi đã có trường, có lớp để đi học.

Trong thời gian chờ đợi để di cư vào Nam, nhiều đứa trong chúng tôi không được đến trường cả mấy năm trời, nên khi được đến trường trở lại, chúng tôi phải ngổi học ở lớp tiếp theo, do đó mà tôi và một số học sinh khác, dù tuổi đời đã mười hai, mười ba . . . mười sáu . . . vẫn ngồi lại lớp Nhì, vì trươc đây, chúng tôi chỉ mới tốt nghiệp . . . lớp Ba trường làng mà thôi.

Nhớ lại những ngày đầu tỉên tôi đi học, thật là vui: Trường học thì thật là gần nhà và đã quá quen thuộc rồi, nên chúng tôi chẳng cần ai đưa đón gì cả. 11 giờ 30 mới vào lớp, vậy mà chúng tôi đã rời nhà từ 10 giờ sáng. Học trò như chúng tôi, học là chuyện phụ, gặp nhau bầy trò vui chơi mới là chuyện chính. Một tay tôi cầm cuốn vở viết kẹp cái bút mực ở trong, tay kia cầm bình mực xanh, đầu đội trời chân đạp đất, cứ thế mà chạy tưng tưng đến trường.

Vì lạ nước lạ cái, hơn nữa đây là ngày đầu tiên đi học, nên chúng tôi không dám ham chơi, gần tới giờ vào lớp là chúng tôi đã ngừng chơi, cả thầy cả trò đứng lóng ngóng ngoài cổng trường chờ tới giờ học.

Trống tan học vang lên đúng 11 giờ, đám học trò Nam Kỳ tan học, túa ra sân, tò mò nhìn đám Bắc Kỳ đang đứng sớ rớ bên ngoài. 

Chúng tôi được xếp vào Lớp Nhì, học với Cô Giáo Đoan. Buổi học đầu tiên chỉ là xếp lớp, xếp chỗ ngồi và ghi tên điểm danh mà thôi.

Đám con trai được xếp ngồi bên ngoài gần cửa ra vào, đứa nào nhỏ con thì ngồi trên, đứa nào lớn con thì ngồi cuối lớp, còn con gái ngồi bên trong. Khi ghi tên điểm danh, cô giáo nhờ một đứa con trai trong dám lên phụ đọc tên. Khi đến lượt tôi, tôi đứng lên khai:

“Thưa cô, tên con là Giáo”

Thằng phụ tá nghe không rõ, hỏi lại tôi:
“Giáo là Giê Đ hay là Giê I?

Tôi đánh vần trả lời:

“Giê i ao Giao sắc Giáo”

Thằng phụ tá nhìn tôi, nhắc lại cho chắc ăn:

“Giao sắc Giáo? Phải không?”

Mấy thằng trời đánh ở dưới nghe thấy tôi đánh vần thì cũng bắt chước nhái theo:

“Giao sắc Giáo”

Giờ học trôi qua thật nhanh, mới đó mà trống trường đã vang lên báo hiệu giờ về. Đám chúng tôi mau mau dọn dẹp sách vở để trả lớp lại cho học sinh người Nam học buổi chiều.  

Phải mất cả tuần lễ, chúng tôi mới quen nhau, mới dám cùng nhau chơi đùa thoả thích. Đám con trai tụi tôi họp lại chơi trốn bắt, chơi chạy đuổi, chơi đá bóng, còn đám con gái thì chơi nhẩy dây, đánh đũa, nhẩy lò cò . . .

Giờ náo nhiệt nhất là giờ tan học của đám học trò người Nam và giờ vào học của đám học trò người Bắc. Đám tan học thì chưa muốn về, nán ở lại để xem đám Bắc kỳ chúng nó chơi đùa ra sao? Khi thấy chúng tôi chơi bi,  đám Nam kỳ dòm đã rồi chê tụi tôi:

“Chơi bắng đạng gì mà . . . kỳ cục dzậy.”

Còn đám Bắc Kỳ thì cũng chưa muốn vào lớp ngay, cũng lớ xớ đứng đó, chờ xem đám Nam kỳ chơi những trò chơi nào? Khi thấy bọn Nam kỳ mỗi khi bắn bi, chúng dang hai tay ra đằng trước, để hòn bi vào ngón giữa mà bắn đi, chúng tôi cười ồ lên, chê bọn này:

“Chơi bi gì mà . . . lạ thế”

Mấy ngày hôm sau, vào giờ ra chơi, tôi và mấy thằng bạn mới quen tụ lại chơi với nhau, khi hỏi tên, tôi xưng là Giáo, một thằng trong đám nhắc lại cái điệp khúc:

“Giao sắc Giáo . . . Giao sắc Giáo . . .”

Cứ thế, thằng này truyền miệng thằng kia. Tôi học chưa được chữ nào mà đã được mang cái tên là . . . GIAO SẮC

(đọc thì nghe như là DAO SẮC, nói theo tiếng Nam, tức là con dao . . . béng.)

Thằng đứng đằng sau tôi, cũng xưng tên là . . . GIAO.

Nhưng mà tôi đã là Giao rồi (dù là Giáo sắc Giáo), thì nó đâu có thể có tên là Giao nữa. Hơn nữa, nhìn mặt nó . . .  hiền khô hà, đâu có thể là là dao . . . béng như tôi được, nên khi Giao nhà ta xưng tên Giao, mấy thằng bạn trời đánh đã nhìn nó mà phê bình:

“Nhìn mặt mày hiền quá đi, lại cao nhòng nhõng hà, làm sao gọi mày là . . . Giao Sắc (dao) được, thôi, cho mày là GIAO . . . CÙN đi”

(dao cùn, phiên âm qua tiếng Nam, kêu là . . . dao lụt.)

Thế là từ đó, trong lớp tôi có hai thằng Giao: Một thằng là Giao Sắc (Giáo), thằng kia là Giao Cùn.

Thời gian đầu tiên, đám Bắc Kỳ và Nam Kỳ chơi riêng rẽ. Nhưng khoảng một hai tháng sau thì đã quen nhau rồi, nên cả hai đám ráp lại chơi chung với nhau. Nhưng cũng vì giọng nói khác nhau, và cũng có khi vì cùng một môn chơi nhưng luật chơi lại khác nhau, cho nên đã có một vài đụng chạm nhỏ xẩy ra.

Hẳn là các bạn còn nhớ, chơi bi (người Nam gọi là chơi bắn đạn), tuy cùng là một môn chơi, nhưng khi dân bắc chơi thì hòn bi ở đâu, người chơi phải để tay ở ngay đó mà bắn đi. Nhưng dân Nam thì lại khác: Cục đạn ở đâu thì ngồi ở đó, vươn hai tay dài ra mà bắn vào đạn của phe bên kia. Vì thế, khi chơi chung, đám Bắc Kỳ thua là cái chắc, vì đâu có biết dang tay dài ra mà bắn? Khi chơi thua hết cả túi bi ve (đạn mướt) đám Bắc Kỳ mới khôn ra, thay vì ngồi tại chỗ cục bi mà bắn, thằng Hà bắt chước đám Nam Kỳ duỗi hai tay ra tới đâu thì gạch đánh dấu ở đó rồi bước tới để tay ngay lằn gạch mà bắn đi, giống y hệt đám người Nam chơi, nhưng thằng Hai "Bớ Tí" (Petite, tiếng Pháp, có nghĩa là Nhỏ) trong đám Nam Kỳ không chịu, cho là thằng Hà ăn gian, nó nhất định đòi lại số đạn mà thằng Hà đã thắng. Thằng Hà không chịu trả lại, thế là đánh nhau. Đám Nam Kỳ chơi chung hè nhau đè thằng Hà xuống mà khện, đám Bắc Kỳ gần đó thấy thằng Hà bị đánh thì nhào vào bênh bạn, thế là đánh lộn tùm lum hết. May quá, trống đã đánh lên, đám Bắc Kỳ gom bi chạy hết cả vào lớp học, đám Nam Kỷ cung tay thủ võ la lối um xùm ở bên ngoài.

Tan học về, thằng Hà không dám về một mình, kêu đám bạn đi về chung để bảo vệ mình. Tôi, thằng Giao cùn, thằng Nam lùn, thằng Tự dẹo cổ, thằng An  . . . cùng đi với thằng Hà, chúng tôi chọn con đường lớn đi ngang qua rạp hát "Văn Cầm" để về nhà, vì nghĩ rằng ở đường lớn, bọn Nam Kỳ sẽ không dám gây chuyện đánh lộn. Nhưng chúng tôi đã lầm, vừa mới qua rạp hát, tới ngã ba là bọn Nam Kỳ đã đứng một đám ở đó. Thằng Hai Bơ Tí chỉ mặt thằng Hà mà la:
"Nó đó . . . uýnh chết cha mấy thằng Bắc Kỳ đi tụi bay"

Thằng Tự thấy tụi Nam Kỳ đông quá, liền ra dấu cho cả bọn rồi dắt thằng Hà chạy ngược về phía trường học:

"Tụi mình chạy về đường Sở Bông, tuốt lên Hồ Nước, qua bót cảnh sát mà về nhà."

Thế là cả bọn chạy theo thằng Tự mà tìm đường về.

Chạy hùng hục một đoạn, thằng Tự quay lại nhìn, thấy bọn Nam Kỳ chỉ còn có vài thằng, nó vừa chạy vửa hỏi cả đám:

Rp xinê Casino Dakao (tương t như rp Văn Cm Th Nghè.)

"Tụi nó chạy đi đâu hết rồi?"

Thằng An chỉ tay váo cái ngõ hèm phía sau, lanh miệng trả lời:

"Tao thấy tụi nó chạy vào ngõ hèm kia kìa. Ngõ này ăn thông qua đường Sở Bông. Tao nghi tụi nó sẽ . . . phục kích mình ở đầu ngõ đó."

Tôi nghĩ ra một kế:

"Tụi nó phục kích mình thì mình chơi trò "Phản phục kích". Thằng nào dám chạy theo tao vào ngõ theo sau tụi nó, lúc tụi nó ào ra đánh mình thì trong lúc bất ngờ mình nhào ra đánh tụi nó, hai đầu ráp lại đánh, tụi nó thua là cái chắc."

Thế là đám chúng tôi chia làm hai, một đám theo thằng Tự và thằng Hà, đám tụi tôi có thằng An, thằng Giao cùng đi . . .

Quả như lời thằng An tiên đoán, bọn chúng tôi vừa tới đầu ngõ thì đã thấy đám thằng Hai đang chặn tụi thằng Tự mà đánh. Chúng nó vừa đánh vừa la:

"Bắc Kỳ Cong, bỏ dô loong kiu chít chít . . .

Bắc Kỳ ăng cá rô cây . . ."

Cả đám tụi tôi cùng nhau la lên thật lớn:

"Đừng sợ . . . Có Giao Sắc tới cứu viện đây . . . Chặt què chân mấy thằng Nam Kỳ đi . . ."

Đám tụi Nam Kỳ đang thắng thế, bị tụi tôi ào ra đánh, lại nghe trong đám tụi tôi có . . . Dao Sắc  . . . và đòi . . . chặt chân tụi nó nữa, nên tụi Nam kỳ có mòi . . . ớn xương sống, lại thêm đám thằng Tự vùng lên đánh trả, nên tụi Nam kỳ túng thế, tính đường . . . rút lui.

Những người hàng xóm bên đường thấy tụi con nít đánh lộn, có người nhìn mặt được một đứa:

"Con nít uýnh lộn . . . Có thằng Tòng con thầy giáo Cảnh đánh lộn nữa đó."

Cũng có một vài bà Bắc Kỳ Di Cư đang quét sân, la lên tiếp theo:

"Trẻ con đánh nhau . . . Có cả cậu An, con ông Giáo Trọng nữa kìa . . ."

Tin học trò hai trường Thạnh Mỹ Tây đánh nhau đã đủ làm cho hai ông Hiệu trưởng nhức đầu rồi, lại thêm có hai đứa con ông Giáo cũng đi đánh lộn nữa, làm cho cả hai hội Giáo Chức mất mặt với phụ huynh học sinh trong vùng. Đương nhiên là thằng An và thằng Tòng bị gọi lên phòng Hiệu Trưởng rồi.

Đánh nhau thì không sợ, chứ bị gọi lên phòng Hiệu Trưởng thì hai thằng sợ ra mặt, nhất là lại có hai ông bố thầy giáo ngồi đó nữa.

Khi được nghe rõ là hai ông "quý tử" không phải là hai đứa gây ra chuyện đánh nhau, hai ông bố thầy giáo vui vẻ ra mặt, bắt tay nhau lia lịa.

Khi nghe hai cậu học trò kể lại nguyên nhân đánh lộn chỉ là vì bên này tố bên kia là . . . ăn gian, không biết chơi đánh bi, bắn đạn, hai thầy Hịệu trường như trút đươc hai gánh nặng ngàn cân, cho gọi hai thằng gây ra chuyện lên trình diện. Thằng Hà và thằng Hai Bơ Tí đứa nào đứa nấy mặt mày xanh lét,  thằng này vừa khóc vừa đổ lỗi cho thằng kia chơi ăn gian. Hai thầy Hiệu Trưởng cũng là dân đánh bi bắng đạng hồi xưa nên nhìn thấy ngay cách khác biệt của trò chơi. Cuối cùng, để . . . huề cả làng, các thầy đồng ý cho đám người Nam chơi bắn đạn đưa hai tay vươn dài ra đằng trước, và đám Bắc kỳ cũng bắt chước như thế mà làm theo cho nó đúng luật chơi người Nam. Còn nếu đứa Bắc Kỳ nào không quen đưa tay ra đằng trước thì có thể đưa tay ra tới đâu thì gạch mức mà ngồi tại chỗ đó  nhưng với điều kiện là phải nói ra như vậy trước khi chơi. Cuối cùng, các thầy giáo khuyên đám học trò không được đánh nhau nữa, phải bắt tay làm huề với nhau.

 

Lên trung học, vì phải thi vào lớp Đệ Thất trường công, nên anh em chúng tôi phân tán khắp nơi để thỉ vào các trường như Hồ Ngọc Cẩn, Trần Lục, Nguyễn Trãi, Chu Văn An . . .

May mắn thay, tôi, thằng Giao Cùn, Tự . .  thi đậu vào Hồ Ngọc Cẩn (Nam Lùn thi vào Lê Văn Duyệt, năm sau mới được đổi về Hồ Ngọc Cẩn với tụi tôi). Lên trung học rồi, lớn rồi, chúng tôi phải mặc đồng phục quần Xanh biển áo sơ mi trắng có gắn bảng tên trên túi áo, mỗi sáng Thứ Hai phải mặc đồ trắng để làm lễ chào cờ. Hồ Ngọc Cẩn là trường dành riêng cho Nam sinh, nên không có bóng hồng nào xung quanh chúng tôi cả (trừ trường Lê Văn Duyệt trong năm đầu tiên có cả trai lẫn gái học chung. Nhưng qua năm sau, trường cho dời đám nam sinh qua trường Nam Tỉnh Lỵ để trở thành trường dành riêng cho Nữ sinh).

Tôi và thằng Tự lớn tuổi hơn các bạn đồng lớp, nên tới năm Đệ Tam, hai thằng rủ nhau đi . . . học nhẩy Đệ Nhị. Thằng Nam lùn cũng muốn theo tụi tôi, nhưng thầy giáo nói

“Em nó còn . . . bé lắm”

Nên nó không dược học. Buồn tình, nó nhẩy qua học . . . Judo với thầy Hồ Cẩm Ngạc.

Cuối năm Đệ Tam, hai thằng tôi cũng làm gan nộp đơn đi thi Tú Tài I. May mắn làm sao, cả hai thằng đều thi đậu hết. Mừng hết lớn, chúng tôi tổ chức một buổi ăn mừng ở tiệm hủ tíu trước cửa rạp hát Cao Đồng Hưng, gần chợ Bà Chiểu. Sẵn trớn, tôi quyết định học tiếp để năm sau thi Tú Tài II, còn thằng Trần Đình Tự thì ngồi trầm ngâm hút thuốc hoài. Cuối cùng, nó tuyên bố vói anh em:

“Tao . . . tình nguyện đi . . . Thủ Đức. Trường đang nhận đơn cho khoá 14, ngày mai tao sẽ đi nộp đơn.

Bn bè ngày xưa, hình chp anh em chúng tôi ti S Thú, nhân dp Tết Canh T 1963.

Qua năm, tôi điềm nhiên nộp đơn đi thi Tú Tài II. Có thể là vì  . . . Thánh Nhân đãi kẻ hiền lương (?) và cũng có thể vì Ông Trời hôm đó đi vắng, để cho phụ tá thay mình viết tên thí sinh được chấm đậu, tên này chẳng biết tôi tên Giáo hay tên Giao Sắc, nên cứ viết bừa tên tôi vào đám học sinh được chấm đậu. Tôi vinh quang lên đài là đứa đầu tiên trong nhóm học sinh trường Tiểu Học Thạnh Mỹ Tây II đậu bằng Tú Tài II niên khoá 1962-1963.

Vào thời điểm tôi đậu Tú Tài II, nước nhà vẫn còn đang ở trong thời thịnh trị, Tổng thống Ngô Đình Diệm vẫn còn đang cầm quyền (Đảo chánh vào tháng 11/1963), đám Cộng sản vẫn còn ở trong tình trạng sơ khai, nên trong đám con trai chúng tôi, việc đi lính chưa là một đề tài nóng hổi. Hơn nữa, tôi lại là con trai độc nhất trong gia đình, nên dù là có lệnh tổng động viên ban ra ngay lúc này, tôi cũng nghĩ rằng mình sẽ được hoãn dịch vì lý do gia cảnh.

Bố mẹ tôi khuyên nên chọn ngành y khoa hay dược khoa để cứu giúp những người bệnh hoạn. Người yêu bé nhỏ học sinh của tôi cũng nghĩ rằng tôi sẽ trở thành một sinh viên đại học.

Riêng tôi, tôi lại có một ý nghĩ khác.

Gia đình tôi là dân di cư, tức là đã phải bỏ cửa bỏ nhà bỏ mọi của cải để  từ Miền Bắc di cư vào Nam tìm Tự Do. Còn rất nhiều người ở miền Bắc muốn di cư vào miền Nam như chúng tôi, nhưng không may bị kẹt lại để phải sống dưới chế độ Cộng sản không tự do không dân chủ mà chỉ cai trị người dân bằng bạo lực, bằng bắt bớ tù đầy. Cũng như những người trai thế hệ khác, chúng tôi mơ một ngày đoàn quân Miền Nam Bắc Tiến trở vể giải thoát cho tất cả những người dân khỏi ách nô lệ Cộng sản.

Tôi đã đọc nhiều tài liệu về Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Trường này vừa luyện VĂN vừa luyện VÕ cho những ai muốn theo nghiệp kiếm cung, ngang hang với các trường Quân Sự nổi tiếng trên thế giới, như:

“École Spéciale Militaire De Saint – Cyr” ca Pháp,

“States Military Academy At West Point” ca Hoa Kỳ,

“The Royal Military College in Duntroon” ca Úc Đi Li.

Giống như tất cả các quân trường nói trên, nhũng sinh viên sĩ quan sau khi tốt nghiệp Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, sẽ được cấp bằng “Cử Nhân Khoa Học” có giá trị tương đương với văn bằng đại học do Viện Đại Học Sàigòn cấp, và được mang cấp bậc Thiếu Úy Hiện Dịch của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

Đứa con trai Việt nào cũng mang trong người dòng máu hào hùng của người Dân Việt, mong ước một ngày mai tươi đẹp với ánh nắng Vàng trải khắp quê huong.

Tôi quyết định gia nhập Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, khoá 20.

NGUYỄN KHẮP NƠI.

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link