Saturday, September 28, 2013

"Người Công giáo tốt là người biết tham gia vào chính trị"


 

 

 

Đức Giáo Hoàng Phanxico tuyên bố: 

"Người Công giáo tốt là người biết tham gia vào chính trị"

 

24/09/13 4:05 AM

Người Công giáo tốt là người biết tham gia vào chính trị



Theo Asia news, hôm 16 tháng 9 vừa qua, tại nhà nguyện Santa Marta, nhằm bác bỏ những ý kiến cho rằng: “Một người Công giáo tốt không can thiệp vào các vấn đề chính trị”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: “Điều đó không đúng. Đó không phải là con đường tốt . Một người Công giáo tốt cần tham dự vào các vấn đề chính trị, cống hiến tất cả những gì tốt nhất có thể, nhờ đó những ai đang cai trị biết cách cai trị”.

Theo Đức Giáo hoàng, bổn phận tham chính của giáo dân trước tiên là một bổn phận gắn liền với tư cách công dân của họ. Họ “có trách nhiệm tham gia vào chính trị theo khả năng của mình”. Người công giáo không thể tách mình ra khỏi cơ cấu xã hội trong đó họ là thành phần, càng không thể bàng quan trước những nguy cơ đất nước bị băng hoại, bị xâm lăng bởi ngoại bang.

Bên cạnh đó, theo Đức Thánh cha, bổn phận làm chính trị của người Công giáo còn xuất phát từ ơn gọi làm con cái Chúa, theo đó, bổn phận cư ngụ và điều hành địa cầu đã được Thiên Chúa ủy thác cho mọi người. Vì vậy trong mỗi người đều có những khát vọng mà không một ai có thể xóa bỏ được, khát vọng về sự bình đẳng và tham gia quản lý xã hội vì công ích. Do đó, việc tham gia vào đời sống chính trị trở nên cấp thiết và được coi như một hình thức bác ái cao cả. Ngài nói: “Chính trị, theo Học thuyết xã hội của Giáo hội, là một trong những hình thức đức ái cao nhất, bởi nó phục vụ lợi ích chung”.

Thực ra, quan điểm của Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về một “người Công giáo tốt phải tích cực tham gia vào chính trị” không phải là một quan điểm mới. Ở đây, ngài chỉ lặp lại những gì mà giáo huấn của Giáo hội qua  Công đồng hay các vị Giáo hoàng tiền nhiệm của ngài đã công bố.

 

Giáo dân Thái Hà ký phiếu thăm dò phản đối chính quyền
Giáo dân Thái Hà ký phiếu thăm dò phản đối chính quyền


Trước tiên, Công đồng Vatican II, trong Hiến chế Mục vụ về “Giáo Hội trong thế giới ngày nay”, khi bàn đến sự dấn thân chính trị và các cộng đoàn chính trị, Thánh Công đồng Vatican II khẳng định: “Giáo Hội ca ngợi và quý trọng việc làm của những người vì lợi ích quốc gia mà dấn thân phục vụ con người cùng nhận lãnh gánh nặng của trách nhiệm này” (Vatican II, Gaudium et Spes, số 75).

Đức Giáo hoàng Phaolo VI, trong tông huấn Octogesima Adveniens, đã nhắc nhở rằng: “Chính trị là một cách thể đòi hỏi – nhưng không chỉ có chính trị, sống bổn phận Kito hữu là phục vụ người khác. Bởi vậy, không ý nghĩa gì khi người Kito hữu trốn tránh việc chính trị và cho chính trị là một việc làm xấu. trốn tránh việc chính trị là trốn tránh lịch sử.” (Octogesima Adveniens, số 46).

Đức chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Christifideles laici, cũng đã viết một ý tưởng tương tự nhấn mạnh tới bổn phận chính trị tất yếu của giáo dân: “Để đem đời sống Kitô hữu vào trật tự trần thế, tức là “đem đạo vào đời” theo ý nghĩa phục vụ con người và xã hội, các tín hữu giáo dân không thể nhất quyết từ chối tham gia vào “chính trị”, nghĩa là vào các hoạt động nhiều sắc thái, kinh tế, xã hội, lập pháp, hành chánh văn hóa, có mục đích cổ võ công ích một cách có tổ chức và theo cơ chế. Các nghị phụ Thượng Hội đồng đã nhiều lần quả quyết điều này là mọi người và mỗi người có quyền lợi và bổn phận phải tham gia vào chính trị dưới nhiều hình thức khác nhau và bổ túc cho nhau, trên nhiều mức độ khác nhau cũng như trong các bổn phận và trách nhiệm khác nhau” (Gioan Phaolô II. Christifideles laici (1988), số 42).

Giáo huấn xã hội của Giáo Hội cũng quả quyết điều này một cách rõ ràng: “Đối với tín hữu giáo dân, việc tham gia vào chính trị là một hành động thích đáng và đòi hỏi nhiều nỗ lực để biểu lộ sự dấn thân của Kitô hữu trong việc phục vụ người khác”( Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình, Compendio della dottrina sociale della Chiesa (2004), số 565).

Như vậy, việc các giáo dân tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội là một hoạt động chính đáng và phải đạo, được hướng dẫn cách cụ thể bởi Học thuyết xã hội Công giáo. Đây không còn là chuyện một ai đó chơi nổi hay chơi trội, mà là ơn gọi đặc thù của các Kitô hữu giáo dân, trong đó “Thế gian trở nên bối cảnh và phương tiện của ơn gọi Kitô hữu của họ” (Gioan Phaolô II. Christifideles laici (1988), số 15).

Tuy nhiên, trong thực tế, tại Việt Nam, từ khi nhà cầm quyền cộng sản “cướp chính quyền” từ tay nhân dân và từ các tổ chức, đảng phái khác, việc tham chính trở thành độc quyền của các đảng viên cộng sản. Quyền làm chính trị, lên tiếng trước những vấn nạn xã hội… của người dân nói chung và của giáo dân nói riêng bị nhà cầm quyền tước đoạt. Người dân bị khép tội “phản động” khi có những phản biện phản đối những chính sách sai lạc của nhà nước.

Bên cạnh đó, một lý do khác cũng làm cho người giáo dân mất cơ hội tham chính là do sự tuyên truyền của nhà nước cộng sản làm cho mọi người dân nói chung và giáo dân nói riêng coi việc tham chính là việc làm xấu, không tốt, vi phạm pháp luật Việt Nam. Chính những nhận thức sai lầm này cùng với những khủng bố có thể xảy ra bất cứ lúc nào từ cơ quan an ninh Việt Nam, khiến người dân và các giáo dân sợ hãi không dám ngay cả bày tỏ những suy nghĩ đúng đắn của mình.

Ở đây, cũng không loại trừ việc các vị lãnh đạo Giáo hội, trong trách nhiệm huấn giáo của mình đã không nhắc nhở và hướng dẫn giáo dân tham chính, dấn thân xây dựng xã hội dân sự góp phần tích cực vào việc giải quyết những vấn nạn xã hội.

Do đó, thiết nghĩ, trong bối cảnh xã hội đang có những tiến triển từng ngày, đã tới lúc, Giáo hội Công giáo, cách riêng các vị chủ chăn trong Giáo hội cần có những hoạt động giúp các giáo dân hiểu rõ hơn vai trò và bổn phận phải tích cực tham gia vào lãnh vực chính trị của mình, bằng việc thiết lập các tổ chức, đoàn thể, hiệp đoàn…cung ứng cho họ những hướng dẫn cần thiết được trình bày trong Học thuyết xã hội Công giáo, để việc dấn thân xã hội của người giáo dân hữu hiệu và chuẩn mực hơn.

23/9/2013

(Hà Thạch - Nữ Vương Công Lý)

 

 

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link