Đối
lập hay không đối lập ?
Mon, 10/20/2014 - 19:12 — nguyenthituhuy
Khi tiếp tục suy nghĩ về
hiệu quả của phong trào dân chủ ở Việt Nam, tôi bị dẫn dắt tới một vấn đề mà
tôi cố gắng trình bày ngắn gọn sau đây.
Các nhà nghiên cứu sử
học khi xem xét trường hợp Liên Xô và khối cộng sản Đông Âu đã có nhận xét rằng
các chế độ cộng sản rất giỏi tạo ra các đối lập cuội
(fausse opposition), tức là các tổ chức hoặc các đảng phái không
phải cộng sản nhưng hoàn toàn nằm trong sự điều khiển của đảng cộng sản, hoặc
do đảng cộng sản lập ra, điều này nhằm tạo ra một tình trạng dân chủ giả.
Điều đáng buồn là những
người nước ngoài nghiên cứu về Việt Nam có thể nhìn một số hoạt động dân chủ
hiện tại ở Việt Nam như là những đối lập cuội. Tôi đã suy nghĩ về vấn đề này và
cố tìm cách lý giải tại sao họ lại có thể nhìn nhận như vậy.
Và tôi đụng phải cái
thực tế này: chính quyền biến các đối lập thật thành các đối lập cuội bằng cách
không trừng phạt những người có các đòi hỏi mang tính chất đối lập nhưng lại vô
hiệu hóa các đòi hỏi của họ (dĩ nhiên những người bị trừng phạt do các hoạt
động đối lập không nằm trong trường hợp này), do đó mà tạo nên tình trạng :
ai đòi cứ đòi, ai làm cứ làm, không cần nghe, không cần đếm xỉa. Để cho đòi
thoải mái, để cho phản đối thoải mái, nhưng những đòi hỏi đó hoàn toàn bị phớt
lờ, bị vứt vào sọt rác.
Đó là tình trạng diễn ra
những năm gần đây : nào là góp ý cho hiến pháp, nào là kiến nghị dừng
Boxit Tây Nguyên, nào là yêu cầu đòi hiệu trưởng ĐHSPHN hủy bỏ quyết định vi
phạm pháp luật đối với Đỗ Thị Thoan, nào là kiến nghị đòi thay đổi thể chế...,
vô vàn các văn bản kiến nghị mà nhà nước không bao giờ thèm trả lời, không bao
giờ thèm thực hiện . Bằng cách đó chính quyền cho phép tồn tại một thứ trạng
thái dân chủ giả. Khi cần, có thể nói với quốc tế rằng : « Không,
chúng tôi không bóp nghẹt tự do ngôn luận, chúng tôi vẫn để cho người dân nói
đấy chứ . Bằng chứng là : a, b, c.... »
Nhưng bản chất của vấn
đề là : chính quyền để cho người dân nói, nhưng chỉ thực hiện những gì do
chính mình quyết định, không đếm xỉa đến ý kiến của người dân. Hãy xem thực tế
của tình trạng khai thác Boxit, hãy xem bản hiến pháp 2013 được thông qua còn
tệ hơn cả bản dự thảo, hãy xem việc Thông tư 15/2014/TT-BGDD đã khiến cho tình
trạng tự do học thuật trong đại học Việt Nam còn có thể bị vi phạm trầm trọng
hơn rất nhiều lần trước khi có vụ việc của Đỗ Thị Thoan. V.v...
Ở đây phải nói rõ rằng,
tôi không nghi ngờ mong muốn dân chủ hóa của những người đang cố gắng cho phong
trào dân chủ. Đó là một mong muốn thực sự, ít nhất đó là điều mà cá nhân tôi
nhìn thấy. Nhưng mong muốn của họ bị vô hiệu hóa, và vì thế họ bị đẩy vào tình
thế đối lập mà thành ra không đối lập. Nếu để tình trạng này kéo dài, nếu để
mình bị biến thành đối lập cuội, thì vô hình chung (ngoài ý muốn) những người
làm dân chủ có thể góp phần củng cố sự dối trá của chính quyền.
Những người tiến hành
các hoạt động dân chủ, nếu không ý thức được rằng trên thực tế các hoạt động
của mình đã bị làm cho vô hiệu, sự đối lập của mình đã bị biến thành đối lập
cuội do tình trạng vô hiệu triền miên, thì sẽ dễ dàng có cảm giác tự hài lòng,
tự cho là mình đã làm được việc nọ việc kia, nói được điều nọ điều kia... Nhưng
lại không biết rằng, trên thực tế họ có thể đang ở vào tình trạng « đối
lập cuội ». Vị thế đối lập cuội hẳn còn đáng buồn hơn là vị thế trí thức
cận thần.
Vậy muốn có hiệu quả
thực sự, những người làm dân chủ phải thoát khỏi tình thế đối lập cuội mà chính
phủ đang đẩy họ vào. Cũng có nghĩa là họ phải khắt khe với bản thân
mình hơn nữa, phải đòi hỏi cao hơn nữa đối với các hoạt động của họ, và đặc
biệt là phải hướng tới hiệu quả của hoạt động. Đã đến lúc cần chấm dứt kiểu tư
duy : chỉ cần đưa ra một hoạt động cho có hoạt động, chứ không cần nghĩ
tới hiệu quả.
Nếu xem xét kỹ, sẽ thấy lối tư duy này chính là lối tư duy cộng
sản chủ nghĩa kiểu Việt Nam. Cũng chính lối tư duy này đã khiến cho thành tựu
công nghiệp hóa của Việt Nam sau hơn nửa thế kỷ chỉ là sản xuất được mấy cái
đinh ốc, đã khiến cho đầu tư vào giáo dục của Việt Nam cao nhất khu vực (tính
theo phần trăm GDP) nhưng thành tựu của giáo dục Việt Nam lại thấp nhất trong khu
vực, v.v..., ai cũng có thể đưa ra hàng loạt dẫn chứng cho điều này.
Làm sao phong trào dân
chủ có thể thành công nếu các hoạt động lại được dẫn dắt bởi chính lối tư duy
của cái đối tượng mà nó muốn chống lại ?
Paris, 19/10/2014
Nguyễn Thị Từ Huy
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment