Monday, May 4, 2015

Nguỵ biện



Nguỵ biện
Nguyễn Tuấn
Cách đây trên 10 năm tôi căn cứ vào những gì mình học qua và có viết một bài khá dài để liệt kê những nguỵ biện phổ biến ở người Việt. Bài đó được phổ biến rất nhiều qua từng ấy năm. Nhưng hôm qua, nhân một cái note nhỏ về "Chứng từ của tội lỗi" (tôi không dùng chữ "tội ác"), tôi mới thấy thói nguỵ biện vẫn còn tồn tại trong khá nhiều bạn đọc.
Tôi thấy một nguỵ biện phổ biến nhất là đánh tráo vấn đề. Tiếng Anh gọi là distraction. Có nhiều thói trong nhóm nguỵ biện này, nhưng một số thói phổ biến tôi thấy trong thực tế là:
Thứ nhất là thói nguỵ biện có tên mà tiếng Anh gọi là "red herring", hiểu theo nghĩa đánh tráo vấn đề. Chữ "red herring" có nguồn gốc từ thế kỉ 19 khi những người thợ săn dùng mùi cá để đánh lạc hướng và huấn luyện chó săn. Câu chuyện là cây búa được dùng cho việc giết người, người dùng nó là người của chính quyền đương thời, và việc sử dụng công cụ này được chính chính quyền xác định trên giấy trắng mực đen. Cây búa là một chứng từ nói lên tính man rợ trong thời chiến của phe chính quyền. Người đọc có suy tư phải suy nghĩ, tìm hiểu, lí giải vấn đề, và giúp người khác hiểu sâu thêm.


Nhưng có người lại đánh tráo vấn đề bằng cách cho rằng phía VNCH cũng ác ôn không kém. Nhưng đối tượng chính ở đây là chứng từ tội lỗi ngày xưa của phía chính quyền hiện hành, chứ không phải là VNCH. Bằng cách lái vấn đề sang VNCH, người ta, hoặc cố ý hoặc vô ý, đánh tráo từ một vấn đề A sang vấn đề B. Hệ quả của sự đánh tráo như thế là làm cho người khác, nếu không tinh ý và tập trung, sẽ bị lẫn lộn vấn đề. Từ lẫn lộn dẫn đến việc bàn luận chẳng đi đến đâu, và cuối cùng chỉ là những lời qua tiếng lại một cách vô nghĩa. Nói như thế không có nghĩa là bỏ qua những tội ác của VNCH, nhưng ở đây không phải là chủ đề đó, nên đánh tráo sang nó là rất không có ích.

Một loại nguỵ biện khác là tấn công cá nhân. Tiếng Anh gọi là ad hominem. Thật ra, thói nguỵ biện này rất ư phổ biến trong báo chí Việt Nam. Thay vì bàn luận về vấn đề thì người ngụy biện đem người đặt vấn đề ra chửi bới cá nhân. Ví dụ về thói này thì rất rất nhiều, nhưng tôi nghĩ biểu nhất là sự việc chung quanh ông Cù Huy Hà Vũ. Ông Hà Vũ là người bất đồng chính kiến với chính quyền, ông kêu gọi hợp – hoà giải dân tộc, ông kêu gọi dân chủ, ông nêu những vấn đề "dân oan", v.v. Nhưng thay vì đối thoại với ông, thì những người trong chính quyền (và báo chí) bơi móc đời tư cá nhân của ông, và những tranh chấp trong gia đình ông. Người ta có lẽ muốn chứng minh rằng ông Hà Vũ đời thường cá nhân là tệ thế thì những gì ông ấy nói là không đáng để nghe. (Nói như thế thì đời tư các lãnh đạo từ ông Lê Duẩn đến ông Clinton, ông nào cũng có vấn đề đời tư cá nhân cả, thì không tin họ sao?) Không phân biệt được cá nhân và quan điểm của cá nhân là dễ dẫn đến bàn luận chẳng đi đến đâu.

Tuy nhiên, thói tấn công cá nhân là một thói nguỵ biện rất thấp kém nhưng lại rất lợi hại. Lợi hại là vì công chúng thích những chuyện đời tư cá nhân hơn là động não suy nghĩ chuyện lớn. Hệ quả của ad hominem cũng là đánh tráo vấn đề: chuyển đối tượng bàn luận sang chuyện cá nhân.

Một thói nguỵ biện hay được đem ra sử dụng là ví von bất xứng (false analogy). Thông thường, đây là thói nguỵ biện so sánh một sự việc đang bàn với một sự việc khác, nhưng các yếu tố trong so sánh không tương đồng với nhau. Tiêu biểu cho thói ngụy biện này là cách nói "nếu xem gói thuốc nổ trong bánh là khủng bố, thì việc bỏ bom cũng là khủng bố". Nhưng hai sự việc rất khác nhau. Việc giả cái bánh để giết người là hành động lén lút ám sát, còn việc bỏ bom là hành động được tuyên bố trong một cuộc chiến. Không thể so sánh và đánh đồng hai sự việc như nhau được. Tương tự, cây búa và cây súng khác nhau xa về ý nghĩa trong chiến tranh, nhưng có người nói dùng súng để bắn chết người trong chiến tranh là ok thì dùng búa cũng ok. Nhưng cây búa không phải là công cụ để tự vệ trong chiến tranh, không phải là "conventional war", mà nếu dùng nó để giết người trong chiến tranh thì phải xem đó là tội phạm. Không thể đánh đồng cây búa và cây súng được. Chiến tranh cũng có luật chơi của nó.

Thói nguỵ biện hay thấy ở người Việt là thói mà tiếng Anh gọi là ignorance – tức là thiếu thông tin (hay có người dịch là "dốt"). Một số đông các bạn trẻ trong nước bị tuyên truyền và nhồi sọ quá lâu, nên họ không phân biệt được đâu là sự thật và đâu là giả dối. Đến thời điểm này mà vẫn đem những Lê Văn Tám, những tay không kéo máy bay trực thăng, những "lê máy chém khắp nơi", v.v. là rất đáng trách. Đó không phải là những sự thật, mà chỉ là sản phẩm của tuyên truyền và giả dối. Mà, những sự kiện giả dối thì không thể dùng trong bàn luận nghiêm chỉnh được.

Tôi thấy thỉnh thoảng có thói nguỵ biện đảo ngược điều kiện. Loại ngụy biện này thường được biểu hiện qua cách nói “Nếu VNCH thắng thì tình hình cũng thế", và hàm ý là "tình hình tồi tệ hiện nay là chấp nhận được". Thói nguỵ biện này phạm phải 2 cái sai lầm. Thứ nhất là sự việc đã không xảy ra, và cách nói chỉ là giả thuyết. Thứ hai, cách nói đó giả định rằng chế độ VNCH là chuẩn mực, một điều rất khó kiểm chứng trong thực tế. Tuy nhiên, cách nói như thế là rất thấp, vì nó là kiểu đánh vào … không khí (vì sự việc không xảy ra).
Điều đáng tiếc là những nguỵ biện như thế vẫn xảy ra hàng ngày trong thế giới mạng. Chẳng những thế mà còn xảy ra ở nhiều quan chức cao cấp. Có những nguỵ biện rất hài hước như IQ và đường sắt cao tốc, như số báo chí và đài truyền hình là tự do báo chí, như học tập cải tạo là thể hiện lòng nhân ái, vân vân và vân vân.

Nguỵ biện là hệ quả của sự lười biếng suy nghĩ. Vì lười biếng suy nghĩ nên người ta phải sử dụng những gì sẵn có. Những gì sẵn có là khẩu hiệu nhan nhãn từ mấy chục năm nay. Thành ra, không ngạc nhiên khi thấy sinh viên (và những người lười suy nghĩ) thấy ai có quan điểm và suy nghĩ khác họ thì họ cho ngay cái nhận xét "phản động". Thấy ai nói về hành động tàn ác trong chiến tranh, họ nghĩ ngay đến "phía bên kia cũng ác ôn". Dùng phía bên kia để biện minh cho sự ác ôn của mình là khó thuyết phục, nhưng nó làm cho họ cảm thấy an lòng. Họ chỉ thốt cái chữ đó ra theo quán tính, chứ chưa chắc họ biết cái nghĩa thật của chữ đó là gì.

Có lẽ, ở một khía cạnh nào đó, điều này cũng không đến nỗi tệ, bởi vì những ngụy biện phản ánh sự thành công [hay có người nói sự phong phú] của ngôn ngữ trong việc tách rời giữa những gì thô thiển, gồ ghề với những gì hoàn thiện, mĩ miều. Nhưng sự trơn tru của các vật thể và ngôn ngữ ngày nay đem lại cho chúng ta một cảm giác giả tạo về thế giới thực của các vật thể. Trơn tru, tròn trĩnh có thể là giả tạo. Những câu văn ngụy biện có thể chỉ là những lời phát biểu lém lỉnh thay vì lịch thiệp, hàm chứa mánh khóe thay vì thân thiện. Có thể nói, ngụy biện là những lối sáo ngữ liến thoắng nhằm vào mục đích lôi cuốn người nghe/đọc, thay vì cung cấp cho họ một sự thực.

Họ, những cánh bướm đêm dập dìu trong bóng tối

Mặc Lâm, phóng sự từ Malaysia
2015-05-02

an-toi-tai-cafe-Vietnam-622.jpg
Khách hàng ăn tối tại một tiệm cà phê Việt Nam ở Malaysia.
RFA
Your browser does not support the audio element.
Nếu người Việt hải ngoại tự hào với con phố Bolsa nơi có Little Saigon mà họ gọi một cách thân thương là Sài Gòn nhỏ thì khách du lịch từ Việt Nam sang Singapore có thể ghé quán Little Việt Nam nằm trên đại lộ Guillemard gần với con lộ Geylang để thưởng thức các món thuần Việt, hay xa hơn, tại Kuala Lumpur, một quán Little Việt Nam khác nằm trên đường Jalan Alor sẽ làm người xa nhà ngạc nhiên vì ở thành phố mà món ăn do người Hoa làm chủ nhưng một quán ăn nhỏ bé Việt Nam lại có thể đông đúc như vậy.

Một bài toán không lời giải

Singapore và Malaysia không những chỉ có nhà hàng mang tên Little Việt Nam mà nó còn những thứ Việt Nam khác đang sinh hoạt tại hai quốc gia này. Sự nhộn nhịp khi đêm xuống của một cộng đồng các cô gái từ các nước trong đó nhiều nhất là Việt Nam sang bán dâm đang là một bài toán không lời giải cho các tổ chức quan tâm về vấn đề buôn người trên khắp thế giới.
Singapore cũng giống như Thái Lan, cho phép thành lập các khu đèn đỏ hoạt động dưới sự kiểm soát trong một chừng mực nào đó của chính phủ. Khu Keong Saik trước đây và Geylang hay Joo Chiat bây giờ được vận hành bởi những hội kín của người Hoa. Giống như các hoạt động mãi dâm bất hợp pháp, dù hợp pháp chăng đi nữa thì nguồn hàng mới vẫn cần tìm kiếm, dụ dỗ có khi lừa bịp để cung cấp cho khách làng chơi. Việt Nam đã có sẵn đường giây lâu đời của các má mì người Việt lẫn Hoa hoạt động mà hơn một lần báo chí Việt Nam khui ra là xuất phát từ Trung Quốc.

Nhà em ngoài Bắc thì làm lúa làm rẫy, trồng mía trồng trà làm ruộng. Lần đầu tiên thì con bạn hồi đó đi làm công nhân nhưng hồi đó lương thấp thấy bạn đi về nhiều tiền nên ham. Nó nói cho số điện thoại bên đây rồi tự ra sân bay, vé thì nó đặt giúm cứ tự ra sân bay tự đi. Cũng sợ lắm nhưng kệ, đi tới đâu thì điện thoại dẫn tới đấy.
-Cô Lam
Những cô gái Việt sang Singapore phần lớn đi một mình được sự hướng dẫn bằng điện thoại từ Geylang. Chấp nhận ra đi cô sẽ được ứng trước một số tiền tương đương 1.000 đô la Mỹ và sau đó mỗi tháng cộng với tiền lời 20% khiến cô khó mà trả hết số nợ ngày một tăng cao này. Ở Singapore các cô còn phải cạnh tranh với các cô gái đến từ nhiều nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Sri Lanka ngay cả với Campuchia nữa nên thu nhập không thể đủ để thanh toán các khoản chi tiêu trong đó có món nợ của các má mì đàn ông lẫn đàn bà, đa số là người Tàu nói tiếng Việt.

Khác với Singapore, chỉ cần băng qua biên giới thì thành phố Johor Bahru của Malaysia sẽ chào đón các cô gái Việt với nhiều cơ hội thành công hơn.
Johor Bahru có không ít tụ điểm về đêm và mặc dù là một quốc gia Hồi giáo trên 60% tín đồ, Malaysia tỏ ra khoan dung hơn Indonesia và các quốc gia hồi giáo khác.
Điểm đặc biệt mà người ta có thể nhận ra không cần bàn cãi đó là phụ nữ của quốc gia này không bán dâm trong tất cả các khu vực ăn chơi. Phụ nữ Mã ra phố trong trang phục phương Tây lẫn trong những khăn choàng của Hồi giáo. Những chiếc hijab choàng đầu sặc sỡ làm cho đất nước này xinh xắn hơn so với những bộ trang phục màu đen lạnh lùng và khép kín.
Bộ luật Sharia của Hồi giáo Malaysia không bao giờ tha thứ cho việc mua bán dâm. Đây là tội ác và báng bổ thần thánh có thể bị ném đá đến chết hay ít nhất cũng phạt roi cho tới tàn tật cả đời.
Tiem-Little-Vietnam-400.jpg
Tiệm ăn Little Vietnam ở Malaysia. RFA PHOTO.
Công việc mà người phụ nữ Malaysia cho là đáng xấu hổ này lại là nguồn khai thác cho các cô gái Việt. Nếu so với Singapore thì Malaysia là chốn thiên đàng cho nghề mãi dâm mặc dù lâu lâu cũng có một vụ càn quét của cảnh sát Mã. Cách đây ít lâu vào đêm 19 tháng 12 năm 2014 quán The Zone ở đường Ibrahim Sultan, thành phố Johor Bahru cảnh sát đã bắt giữ một số gái Việt nhưng các cô lại xuất hiện vài ngày sau đó và ánh đèn của The Zone tiếp tục nhấp nháy trở lại.

Từ Johor Bahru, 184 cây số về hướng Nam là thành phố cổ kính Malacca. Nơi đây ban ngày du khách không thấy hình dạng nào của sự ăn chơi nhưng khi màn đêm buông xuống thì những tụ điểm lên đèn và trong những quán bar đó toàn những cô gái Việt Nam ngồi rót bia cho khách với một thứ ngôn ngữ duy nhất là tiếng Hoa.

Khách làng chơi tại Malacca hầu hết du lịch tour từ nhiều nước của cộng đồng nói tiếng Hoa như Đài Loan, Macau, Hongkong, Singapore và dĩ nhiên nhiều nhất vẫn là Trung Quốc đại lục. Tất cả những quốc gia nói tiếng Hoa ấy được các cô gái Việt gọi chung là người Tàu hay tiếng Tàu và khi giao tiếp với họ chỉ cần học vài tiếng phổ thông là đủ.

Chấp nhận hoàn cảnh

Giống như hầu hết các quán Bar nổi tiếng khác của Malaysia, tại Malacca tiếp viên được chia 20 Ringgit (tiền Mã) khi khui được 5 chai bia cho khách với giá bán 25 Ringgit một chai, tương đương với 7 đô la Mỹ. Mỗi đêm nếu may mắn có nhiều khách tiền khui bia có thể lên tới 50 đô la đó là chưa kể tiền bo khi ngồi với khách.

Tuy nhiên hiếm khi cô gái nào chịu ngồi với khách mà không rủ rê họ để bán dâm. Nếu có nhan sắc và giỏi tiếng Tàu thì có thể ngồi với khách nhưng thiếu hai yếu tố này thì con đường duy nhất kiếm tiền là phải bán thân. Không ít người trong các cô gái ấy là công nhân xuất khẩu lao động, họ đến từ khắp nơi trên đất nước Việt Nam chứ không riêng gì gái miền Tây như định kiến của báo chí trong nước. 

Do việc làm không đủ họ bỏ trốn ra ngoài làm chui và con đường mãi dâm đến với họ không phải là khó khăn dưới sự săn đuổi của những cô gái giống như họ nhưng bây giờ đã trở thành mối lái do tuổi tác hay bệnh tật.
Nói chung là theo hoàn cảnh nào phải chấp nhận. Gia đình khó khăn thì bên này phải chịu khó làm kiếm tiền giúp gia đình. Chồng cháu bị tai nạn ở chân không đi làm được cháu phải sang đây làm. Cháu ký hai năm nhưng hơn năm thì công ty không có việc nên lên đây làm chui. Làm có tiền rời mới tính sau này nhờ các anh này làm giấy tờ rồi về. 

-Một Cô Gái VN ở Malaysia
Một cô gái kể lại hoàn cảnh khó khăn khi đi lao động tại Malaysia, từ Ayer Hiltam cách Malacca 40 cây số cô nói:
“Nói chung là theo hoàn cảnh nào phải chấp nhận. Gia đình khó khăn thì bên này phải chịu khó làm kiếm tiền giúp gia đình. Chồng cháu bị tai nạn ở chân không đi làm được cháu phải sang đây làm. Cháu ký hai năm nhưng hơn năm thì công ty không có việc nên lên đây làm chui. Làm có tiền rời mới tính sau này nhờ các anh này làm giấy tờ rồi về.”
Không phải ai cũng chịu đựng như cô Lam, một cô gái khác gốc gác Thanh Hóa cho biết con đường mà cô theo từ khi sang Malaysia 2 năm về trước:

“Nhà em ngoài Bắc thì làm lúa làm rẫy, trồng mía trồng trà làm ruộng. Lần đầu tiên thì con bạn hồi đó đi làm công nhân nhưng hồi đó lương thấp thấy bạn đi về nhiều tiền nên ham. Nó nói cho số điện thoại bên đây rồi tự ra sân bay, vé thì nó đặt giúm cứ tự ra sân bay tự đi. Cũng sợ lắm nhưng kệ, đi tới đâu thì điện thoại dẫn tới đấy. Thấy người ta nói chuyện giống như bên Việt Nam xem phim mà không có phiên dịch, chẳng hiểu gì hết cứ lắc lắc không thôi.”
Từ Malacca cách thủ đô Kuala Lumpur 145 cây số là ngôi tháp đôi nổi tiếng Petronas Twin Tower. Dọc bên hông ngôi tháp đôi này là đường Jalan P. Ramlee nơi có hai tụ điểm cũng nổi tiếng không kém ngôi tháp Petronas đó là câu lạc bộ Beach và Thai Club, hai quán bar có chiêu đãi viên toàn người Việt Nam.
Beach nổi tiếng đến nỗi bất cứ xe taxi nào tại Kuala Lumpur cũng đều phải biết. Dáng vẻ sang trọng chứa bên trong hàng trăm cô gái Việt mỗi đêm đã làm cho Beach có tên tuổi so với các nơi ăn chơi về đêm khác của Kuala Lumpur. 80% khách vào đây là người Tàu còn lại là Tây và hiếm lắm mới có vài người đàn ông bản xứ. Những cô gái trẻ từ 18 tới 25 lượn lờ trong quán và sẵn lòng chia sẻ tiếng cười của mình với khách mặc dù trước đó họ có bị chủ nợ đòi hay một cú phone xin tiền từ nhà gọi sang báo tin người thân trong gia đình mang trọng bệnh.
Beach-Club-2-400.jpg
Beach Club ở Malaysia. RFA PHOTO.

Các cô không hẳn là trẻ hết, trong đó cũng có người mà tuổi tác đã làm cho khách phải kín đáo nhăn mặt. Trang là một cô gái như thế mặc dù tuổi chưa quá 35 nhưng sự lo âu đã nằm trọn trên đuôi mắt. Nói với chúng tôi trước chai bia sắp cạn Trang kể:
“Có bà chị kêu em qua nấu ăn cho đào, phụ nấu ăn cho nhà bả. Qua nấu ăn thời gian thì kinh tế bả khó khăn bả nói thôi giờ nghĩ nấu ăn đi vì đào nó ăn tự túc hết rồi, vậy thì thôi giờ em đi làm luôn đi. Ba tháng sau học tiếng, ráng học. Nói chung còn thiếu bả 3.000 giờ ráng làm để trả.”

Sau một hồi chạy quanh đâu đó, Trang trở lại bàn và kể nhiều hơn về gia đình cô tại Long An, trong đó động cơ thúc đẩy cô sang Malaysia chính là chồng mình do đã liên tục sách nhiễu tình dục đối với người vợ đã quá kiệt sức sau những giờ làm việc tất bật, Trang kể:
“Bây giờ nói chung em không biết may giày nhưng mà cách xếp giày thì em biết hết rồi, giày Nike đó chuyên nghiệp về giày Nike. Cứ 6 giờ là có mặt và ngày nào cũng tăng ca bắt buộc phải tăng ca tới 7 giờ sau 7 giờ ngày em tăng ca thì nhà em gần nhà mấy chị hàng bông, trước khi làm Nike nhà em bán hàng bông mà, sau giờ đó thì em chở ra chợ em sang rồi 7 giờ tới 8 giờ em về tới nhà. Cơm nước giặt đồ quay qua quay lại tắm rửa con cái ngủ hết thì em lặt ớt. Lặt ớt tới 11-12 giờ khuya ngủ được một miếng tới 3 giờ em dậy đi bán rồi.
Nói chung là nó đòi quan hệ. Thật sự thì quá mỏi mệt luôn ngày nào cũng như ngày nấy làm sao chịu nỗi? Em mới nói một tuần em chỉ cho quan hệ một lần vợ chồng ai cũng vậy không có ai quan hệ nhiều, phụ nữ mà.”

Đối diện xéo góc với Beach là Thai Club, có lẽ do một người Thái làm chủ. Phong cách Thái lộ rõ khi bên hông của quán bar này là một chiếc miếu thờ Phật bốn mặt mà trước khi vào quán các cô gái Việt ghé vào thắp nhang thành kính cầu xin cho buôn may bán đắt. Sát với Thái Club là quán bán thức ăn Việt Nam có tên Tiệm Cà Phê Việt Nam. Ngôi quán nhỏ nhắn có nhân viên người Việt rất dễ thương trải lòng mọi chuyện xảy ra tại đây để khách thấy được bức tranh tổng thể  cuộc sống của hàng ngàn cô gái Việt đang bơi lội trong chiếc ao nhỏ bé mang tên Kuala Lumpur để bán thân xứ người.

Từ con đường Jalan P. Ramlee đến một con đường nhỏ khác có tên Jalan Alor không bao xa các cô gái thường ghé một quán Việt Nam ở đó để ăn uống, tán gẫu trước và sau khi làm việc tại Beach hay Thai Club. Quán nhỏ, bán nhiều thức ăn Việt và khách chủ yếu là công nhân xuất khẩu lao động hay những cánh bướm đêm của Việt Nam. Người ta có thể thưởng thức một tô phở nóng đặc trưng Hà Nội hay bánh hỏi heo quay đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chủ quán có vẻ biết khai thác tâm lý người xa quê khi không quên một món mà không người miền Nam nào lại không biết đó là bánh mì Việt Nam.

Trước cửa quán là chiếc xe bánh mì đầy thịt ba rọi, xíu mại, thịt nướng cùng rau chua khiến hình ảnh một Sài Gòn trong lòng bùng dậy ấm áp xoa dịu chút gì đó trăn trở và chen lẫn hối hận của các cô gái tha phương.

truoc-mieu-Phat-4-mat-400.jpg

Một Miếu Phật trên đường phố ở Malaysia. RFA PHOTO.

Họ như những cánh bướm đêm, sặc sỡ và lười biếng từ ăn nói tới đi đứng, chuyện trò. Có lẽ họ quá mỏi mệt khi phải đối phó với nhiều thứ bên cạnh việc hằng đêm phải làm chuyện mà không người đàn bà nào muốn. Những khuôn mặt của nhiều vùng quê Việt Nam từ Cà Mau đến Thanh Hóa, Lạng Sơn...tại đây họ không còn phân biệt vùng miền mà chính yếu sự phân loại ấy nằm ở trong ruột những cuốn hộ chiếu mang giòng chữ Hộ chiếu Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các con dấu ở phi trường hay cửa khẩu của Malaysia sẽ nói lên người cầm nó trong tình trạng nào, hợp pháp hay bất hợp pháp trước pháp luật của Malaysia.

Nghị định khung miễn thị thực Visa trong khối ASEAN được ký từ năm 2006 cho phép thời gian lưu trú của công dân các nước trong khối ASEAN không quá 14 ngày đối với Brunei và Myanmar, không quá 21 ngày đối với Philippines, không quá 30 ngày đối với Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Thái Lan Việt Nam và Singapore.

Ba mươi ngày nhập cảnh vào các nước Đông nam á là khoảng thời gian mà ASEAN tính tới nhằm ngăn chặn tệ nạn lao động chui qua con đường du lịch. Thời gian ít ỏi không cho phép người nước khác mua vé máy bay trở về nhà rồi tiếp tục sang làm việc với một lần nhập cảnh mới. Tuy nhiên sự tính toán này tỏ ra không hiệu quả đối với lao động xuất khẩu của Việt Nam và lại càng không thể áp dụng với các cô gái hành nghề mãi dâm đang tràn ngập đất nước Malaysia.

Cầm trên tay cuốn hộ chiếu chưa một lần đóng dấu không ít các cô gái Việt Nam bây giờ mới biết sự quan trọng của những trang giấy trắng tinh này. Từ Việt Nam có cô nhờ luôn công ty môi giới làm sẵn hộ chiếu cho mình, khi lên máy bay cuốn hộ chiếu ấy do người đại diện công ty cầm giữ, bước xuống phi trường về tới chỗ làm việc họ cũng không có cơ hội nhìn thấy nó vì chủ nhân giữ lại để tránh việc họ trốn ra ngoài làm chui.
Con đường của một cuốn hộ chiếu theo chân công dân Việt còn lắm gian nan nữa nếu chủ nhân của nó có ý định trốn lại Malaysia để làm việc bất kể tình trạng di dân bất hợp pháp của mình.

Sự liều lĩnh ấy dù sao tồn tại được cũng nhờ vào các mánh khóe cộng với sự tiếp tay của các nhân viên chính phủ của hai nước cấp và chấp nhận hộ chiếu Việt Nam. Các cô gái hành nghề mãi dâm trên toàn đất nước Malaysia có cùng một cách để ở lại cho dù tấm hộ chiếu của họ thuộc loại nào. Có ba loại hộ chiếu cùng xuất hiện tại đây: Hộ chiếu chết, hộ chiếu chốt và hộ chiếu trắng.

Hộ chiếu chết là hộ chiếu đã hết hạn từ lâu nhưng chủ nhân của nó không buồn ngó ngàng gì tới cho đến khi có ý định trở về Việt Nam thì tính sau. Hộ chiếu “chốt” là khi hết hạn người cầm nó quay về Thái Lan, sau đó nhập cảnh lại vào Malaysia để có con dấu thị thực mới. Hộ hiếu trắng là người cầm nó quay hẳn về Việt Nam làm một cuốn hộ chiếu mới để quay lại Mã.

Cô gái đến từ Thanh Hóa tên Thuần cho biết cách mà một người muốn vào lại Malaysia qua việc đi chốt, tức là đi đóng dấu tại cửa khẩu Malaysia và Thái Lan:

“Đi chốt (hay chốp) là cứ một tháng đi một lần. Thí dụ như mùng bốn tháng trước mùng bốn tháng này là một tháng nhưng phải đi trước khoảng 27-28 chứ không để tới mùng bốn. Hai bảy hai tám ra bến xe mua vé đi Thái. Từ Malacca sang tới Thái Lan sáng hôm sau qua khỏi cửa khẩu của Mã xong rồi vô Thái nhập cảnh trong Thái đi chốt là qua Thái xong nhập cảnh vô Mã Lai lại thì tốn ít tiền chứ vể Việt Nam qua lại rất khó. Ba tháng mới về nhà về Việt Nam một lần. Bên này đi chốt sang Thái thì ba lần phải về Việt Nam xong quay sang bằng hộ chiếu mới. Về Việt Nam đổi passport mới xong lại quay sang đi chốt tiếp.”

Nếu hộ chiếu quá cũ thì đi chốt sẽ bị từ chối và có thể vào tù. Có hai cách để tránh tình trạng đi chốt liên tục mỗi tháng. Cách thứ nhất đóng dấu nhập cảnh giả, cách thứ hai quay về việt Nam làm hộ chiếu mới hay hộ chiếu trắng.

Cách thứ nhất có rất nhiều người theo vì ít tốn kém hơn nữa cảnh sát Mã có hỏi thì cũng không biết được con dấu giả hay thật ngoại trừ nhân viên của sở di trú dưới tên tắt là ZELA.

Theo cô Thuận thì cô chọn cách thứ hai vì chỉ với một số tiền vừa phải là có thể an tâm quay lại Malaysia mà không sợ pháp luật gõ cửa:
“Mình không muốn bản cũ nên đổi cái mới. Ra Hà Nội đổi thì có hai trăm ngàn nhưng mà lâu và lằng nhằng lắm. Môi giới thì nhanh cho tiền chúng nó là xong. Làm đổi mới chỉ trong ngày lấy thì một triệu ba. Nếu ba ngày lấy thì 600 ngàn còn nửa tháng mới lấy thì 200 ngàn.”
Không có tiền như các cô gái sống về đêm, công nhân xuất khẩu lao động mỗi khi muốn trở về Việt Nam thì cách duy nhất là nhờ môi giới với đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, một công nhân người Phú Thọ cho biết:

“Thì chúng cháu phải nhờ môi giới ở đây để đưa lên Đại sứ quán người ta làm thù tục giấy tờ cho bọn cháu về. Có nghĩa là trả tiền người ta lo cho mình về chắc cũng tầm 2 nghìn hay 2 nghìn mốt gì đó. Hai nghìn đó thì bọn cháu phải làm việc trong 3 tháng.”

Vài ngày trước, hôm thứ ba ngày 21 tháng 4 năm 2015 một cuộc hội thảo mang tên Xây dựng chương trình hành động phòng chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 do Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ tổ chức tại TP.HCM cho biết mỗi năm có 5.000 phụ nữ sang Singapore và Malaysia hành nghể mãi dâm. Con số này thật ra đã bớt xuống nếu so với thống kê của Cơ quan di trú Malaysia cho biết có ít nhất 18 ngàn người hành nghề mãi dâm trong đó gái Việt Nam là hơn 8 ngàn người.

Đầu năm nay một quán bar tại vùng Sitiawan bị cơ quan ZELA ập vào bắt giữ hơn 40 cô gái Việt nhưng chỉ sáng hôm sau hầu hết các cô đều được chủ nhân chuộc ra và diễn tiến này lập lại sau đó hai tháng đối với hai câu lạc bộ Beach và Thai Club tại Kuala Lumpur.
Luật Malaysia quy định nếu bị phát hiện nhập cảnh và ở quá thời hạn người cầm hộ chiếu sẽ bị giam giữ hai tháng sau đó trục xuất về nơi xuất phát. Tuy nhiên ít có người bị giam hay trục xuất vì đa số đã được lót tay để cho qua và tiếp tục ở lại hành nghề.

Chính phủ cũng không thể truy tố chủ nhân các quán bar về tội buôn người cho dù chỉ cần bằng chứng họ cho mượn tiền và buộc phải làm việc cho họ là đủ cấu thành tội phạm. Lý do là không một cô gái Việt nào dám nói ra sự thật vì sợ trả thù và cũng sợ hết đường làm ăn. Hơn nữa đối với các nạn nhân thì việc má mì cho mượn tiền xuất phát từ lòng tốt và truyền thống người Việt không nên lấy oán trả ơn.

Những ký sinh sống bám vào mồ hôi của các cô gái Việt dưới nhiều hình thức: cho thuê nhà, cho vay lấy lãi, môi giới hộ chiếu, môi giới bán dâm...tất cả đều là dạng buôn người nhưng nếu tìm người chứng thì không ai dám đứng ra vì hệ thống dày dặc của bang hội người Hoa.
Đã từng có vụ giết người được cảnh sát cho là bịt miệng nhân chứng xảy ra và hình ảnh cô gái Việt Nam nằm chết sóng xoài trong một quán bar đã khiến hầu hết các cô gái Việt chết khiếp.

Mạng lưới mafia hay đường dây buôn người tại Mã chưa bao giờ bị phát hiện mặc dù liên tục bị cảnh sát theo dõi. Giống như hầu hết các tổ chức buôn người trên thế giới, những đồng tiền hối lộ luôn là đồng tiền khôn và sự thật hiển nhiên không một quốc gia Đông nam á nào lại từ chối việc được hối lộ.

Nhưng có lẽ sức mạnh đồng tiền mới chính là lý do khiến các cô im lặng. Thu nhập một đêm tại Beach hay Thai Club có thể từ 1 tới 2 trăm đô la Mỹ đã vây hãm thân thể họ trong vòng tròn son phấn. Cho tới khi son phấn phai nhạt thì con đường trở thành má mì dẫn dắt các cô gái khác lại tiếp tục làm cho vòng tròn sinh sản của những cánh bướm đêm sang một chu kỳ khác.

Bốn mươi năm đã qua kể từ ngày Văn Cao sáng tác bài Mùa Xuân đầu tiên, người Việt những tưởng cái mùa xuân đáng ao ước ấy sẽ vĩnh viễn trở về trên đất nước Việt Nam. Có đâu 40 năm đã qua mà mùa xuân chỉ xuất hiện về đêm, qua những cánh bướm tả tơi nơi thành phố xa lạ và không hề được thông cảm cho nhịp đập của những đôi cánh ấy.


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link