30-4-75: ai giải phóng ai và ai thắng ai thua
Đinh Từ Thức
Danh nghĩa và thực tế
Theo cách nói chính thức, ngày 30 tháng Tư 40 năm trước, dưới
quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, Miền Bắc đã thắng trong cuộc chiến
giải phóng Miền Nam, và đồng thời, thắng cả Hoa Kỳ, là đồng minh chính của Miền
Nam. Nhưng sau 40 năm nhìn lại, trên thực tế, ai đã giải phóng ai, ai thắng ai
thua, cũng như ai được ai mất, và mất gì được gì?
Theo những tài liệu được chính báo chí phía Cộng Sản công bố, không
có ai chụp được cảnh chiếc xe tăng đầu tiên đụng cổng Dinh Độc Lập khi tiến vào
Dinh trưa 30 tháng 4. Hôm sau, người ta mới dàn cảnh chụp hình lại để làm
“tài liệu lịch sử” (Hãy xem video http://www.yourepeat.com/watch/?v=ivNE2OKTfcA#!)
T
rước hết, hãy nói chuyện “giải phóng”:
Từ “giải phóng” trong tiếng Việt có nghĩa “liberate” trong tiếng
Anh. Tra chữ liberate trên Dictionary.com (*) thấy có 5 nghĩa, trong đó
có 2 nghĩa đáng chú ý: “2. to free (a nation or area) from control by a
foreign or oppressive government.” (cho tự do - một dân tộc hay một vùng
– khỏi sự kiểm soát của một chính quyền ngoại bang hay áp bức) 5. Slang. to
steal or take over illegally: The soldiers liberated a consignment of
cigarettes. (Lóng. Ăn cắp hay đoạt lấy bất hợp pháp: Binh sĩ đã giải phóng món
hàng thuốc lá).
Nếu theo nghĩa thứ 5 trên đây, quả thật, 40 năm trước, Miền Bắc đã
“giải phóng” Miền Nam. Điều này không những chỉ xẩy ra cho hàng hoá, đồ dùng
như quần áo, tivi, tủ lạnh, xe cộ, dụng cụ sản xuất… mà còn áp dụng cho cả lãnh
thổ Miền Nam.
Nhưng theo nghĩa thứ 2 trên đây của từ giải phóng, thực tế đã trái
ngược hoàn toàn. Nhiều nhân chứng sống và tài liệu khả tín đã chứng minh, vào
thời gian 30 tháng Tư năm 1975, Miền Bắc bị ngoại bang (Nga, Tầu) kiểm soát chặt
chẽ hơn ngoại bang (Mỹ) đối với Miền Nam. Về phương diện chính quyền đàn áp
cũng vậy: Miền Nam có báo chí tư nhân, tự do lập hội, tự do biểu tình, kể cả
biểu tình chống chính quyền.
Tất cả những điều này đều không có tại Miền Bắc 40
năm trước, và ngày nay, dưới chế độ Cộng Sản, vẫn chưa có trên cả nước. Như
vậy, không thể có chuyện vô lý: nơi không có tự do giải phóng cho nơi đang có
tự do, nơi có chính quyền lệ thuộc ngoại bang và áp bức dân giải phóng cho nơi
ít lệ thuộc ngoại bang, và dân ít bị đàn áp hơn.
Nhưng cũng phải thừa nhận, tình hình đã thay đổi nhiều trong 40
năm qua. Ngày nay, tuy tư nhân chưa được ra báo, nhưng blog tư nhân tràn ngập
trên internet. Dân chưa được tư do lập hội, nhưng Xã Hội Dân Xự đang xuất hiện
ngày càng nhiều. Chưa có luật tự do biểu tình, nhưng thỉnh thoảng vẫn có biểu
tình. Việt Nam vẫn tồn tại là một xã hội cảnh sát trị. Bốn chục năm trước,
người dân sợ công an cảnh sát như sợ cọp. Bây giờ, người dân vẫn e dè công an
cảnh sát như cọp, nhưng là thứ cọp trong sở thú, thỉnh thoảng quẳng cho miếng
mồi, chụp hình đem lên mạng.
Sự thay đổi này sẩy ra sau biến cố 30 tháng Tư.
Bốn chục năm trước, có câu truyện lạ lan truyền. Kể rằng: Sau khi
Miền Nam được giải phóng, người ta thấy nhạc sĩ cổ nhạc Văn Vỹ tự mình lái xe
gắn máy phóng khắp Sài Gòn. — Sao lạ dzậy? — Nhạc sĩ này vốn khiếm thị mà! Thì
bởi, sáng mắt ra rồi!
Câu truyện tưởng như đùa, mà quá gần sự thật. Hãy nghe nghệ sỹ
xuất sắc Kim Chi kể trên Facebook đài RFA (**) về sự sáng mắt của mình:
Mấy năm qua, mỗi lần 30/4 tôi mất hẳn cảm giác hạnh phúc, mất hẳn
sự tự hào như những năm trước đây. Tôi buồn vì niềm tin trong tôi hoàn toàn đổ
vỡ. Nghĩ lại, nhận rõ và xác thực hơn: Những năm tôi ‘đi theo lý tưởng’ Bác
Đảng và bom đạn thì quả là tôi "lớn rồi mà như ngây thơ, ngu xuẩn, dại
khờ". Tôi cũng như biết bao đồng đội đã qúa ‘ngây thơ, ngu ngốc’.
Như thế, cứ theo đúng chữ đã được định nghĩa trong tự điển, qua
biến cố 30 tháng 4, Miền Bắc đã “giải phóng” Miền Nam – theo nghĩa lóng – về
mặt của cải, tài sản, đất đai… Trong khi đó, những người còn ngây thơ, mê muội
về chủ nghĩa và chế độ Cộng Sản đã được giải phóng – theo nghĩa thường – về mặt
tư tưởng, nhận thức và tầm nhìn.
Bây giờ tới chuyện thắng, thua.
Cuộc chiến chấm dứt ngày 30 tháng 4, 1975, theo danh nghĩa chính
thức, có bốn bên thuộc hai phe trực tiếp tham dự: Phe Miền Nam có Mỹ và Việt
Nam Cộng Hoà, phe Miền Bắc có Mặt Trận Giải Phóng và Cộng Sản Bắc Việt. Bây giờ
xét từng bên xem ai thắng ai thua.
Trước hết, Mỹ là cường quốc tư bản, không phải đế quốc thuộc địa.
Mỹ tham chiến nơi nào, danh nghĩa là bảo vệ tự do dân chủ nhân quyền, nhưng
thực chất là mở mang hay bảo vệ thị trường, không phải để chiếm đất. Hà Nội vỗ
ngực tự sướng đã thắng Mỹ, ngay dân Mỹ cũng nhiều người nghĩ rằng, với sự rút
lui khỏi Việt Nam 40 năm trước, họ đã thua lần đầu tiên trong lịch sử.
Thật ra,
Mỹ không thua trận vào năm 1975. Họ đã rút lui trong trật tự từ năm 1973 theo
Hiệp Định Paris, mang về đủ số tù binh, kể cả tối đa hài cốt có thể tìm được
của các tử sĩ. 30 tháng 4 chỉ là mốc thời gian xếp lại bàn cờ chiến lược, nhờ
đó, Mỹ chẳng những không mất, mà sau này, thị trường tăng gấp bội.
Ngoài thị trường Hoa Lục mông mênh, sau hai thập niên cấm vận để
thuần hoá con thú cộng sản, tại Việt Nam, thị trường Mỹ không còn giới hạn ở
phía Nam vĩ tuyến 17, mà lan nhanh ra cả nước. Trước 1975, dân Miền Nam quen
hàng Pháp hơn hàng Mỹ, cả nước chi có hai trường chuyên dậy tiếng Anh. Ngày
nay, trường dậy tiếng Anh có mặt khắp nơi, đếm không xuể. Tổng Biên Tập đài RFA
Dan Southerland, sau chuyến đi VN năm 2013, nói trong cuộc phỏng vấn vào tháng
4 năm 2015: “một điều đáng ghi nhận là tôi thấy có rất nhiều trường Anh ngữ mọc
lên ở Sài Gòn, có rất nhiều người học tiếng Anh kể cả trẻ em” (***). Trước
1975, VNCH không có trường dậy tiếng Anh cho trẻ em. Sinh viên Việt Nam du học
tại Mỹ, thời VNCH là con số hàng trăm, năm 2014 là 16 ngàn.
Trước 75, tiền Mỹ mang sang VN là tiền viện trợ, ra đi không về,
năm vừa qua, Mỹ đầu tư ở VN, là số tiền bỏ ra kinh doanh để kiếm lời, cao hơn
30 tỷ đô la. Tiền Mỹ, hàng Mỹ, phim Mỹ, nhạc Mỹ, show Mỹ, mốt Mỹ, tiếng Mỹ… là
những thứ hiện nay quá quen thuộc với người dân VN. Đến nỗi, báo đăng tin, có
cô gái đi trên đường phố, giả bộ đàm thoại trên cell phone bằng tiếng Mỹ, muốn
chứng tỏ mình là người văn minh hiện đại. Trước 75, ai làm vậy, bị khinh là “Me
Mỹ”. Hồi ấy, Sài Gòn cũng chưa hề có McDonald’s, KFC và Coca Cola. Hơn nữa, đây
là điểm đáng ghi nhận hàng đầu: Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của PEW, 95
phần trăm dân Việt Nam trong nước hiện nay tin tưởng vào kinh tế tư bản, một tỷ
lệ cao nhất thế giới, hơn cả tại chính nước Mỹ, con số này chỉ có 70%. Từ khẩu
hiệu “Đánh Mỹ cứu nước” trước 75, chủ trương của Việt Nam bây giờ là “Thân Mỹ
cứu nước”. Như vậy là Mỹ thua, hay Mỹ thắng?
VNCH đầu hàng vô điều kiện ngày 30 tháng 4, đương nhiên là bên
thua trận. Nhưng như đã trình bầy trong phần nói về giải phóng, bên thua đã bị
trắng tay về của cải tài sản, nhưng cái thua của Sài Gòn đã có hiệu lực thức
tỉnh tất cả những ai còn mê muội trên khắp nước. Đây không phải là thứ “chuyển
bại thành thắng”, mà trong cái thua của một tập thể, đã đem lại lợi ích cho cả
nước, một tập thể lớn hơn gấp bội, và tiếng vang còn thức tỉnh cả dư luận thế
giới. Chế độ Sài Gòn đã thua về vật chất; thất bại này giúp phơi bầy sự thật
phũ phàng từng bị che đấu trước người dân Miền Bắc và thế giới, tạo ra điểm
thắng về tinh thần. Tinh thần quan trọng hơn vật chất, phần thắng đáng kể hơn
phần thua.
Trên danh nghĩa, bên thứ ba, Mặt Trận Giải Phóng, là kẻ cầm cờ của
Bên Thắng Cuộc. Chính lá cờ của tập thể này đã được cắm trước tiên trên Dinh
Độc Lập. Nhưng oái oăm thay, số phận của kẻ thắng này còn thê thảm hơn của kẻ
thua. VNCH tuy thua trận, nhưng không bị tan biến, cả vô hình là tinh thần dự
do dân chủ và nhân bản, và hữu hình là từ nghĩa trang tử sĩ tới những tập thể
từ trong tới ngoài nước với quốc kỳ cũ vẫn hãnh diện mình thuộc về VNCH. Trong
khi ấy, thành phần MTGP bị tan biến hoàn toàn, giống như loài bọ ngựa đực, sau
khi phục vụ nhu cầu sinh lý cho bọ ngựa cái, đã bị “người yêu” ăn sống nuốt
tươi. Luận bàn thắng bại về một thành phần đã biến vào hư vô, là điều vô ích.
“Hỏi đường một lúc, chúng tôi gặp một người dân đang vác lá cờ từ
Thảo Cầm Viên chạy ra. Ông ta nói: ‘Quân giải phóng cho tôi lên xe thì tôi sẽ
dẫn đường cho’. Lá cờ cắm trên nóc dinh Độc Lập chính là lá cờ của người dân
này. 34 năm nay, tôi đi tìm con người này mà vẫn không tìm thấy.” Trung tướng Phạm Xuân Thệ kể lại (TuanVietNam –
27/04/2009)
(MTGP đã biến mất, lá cờ đã biến mất, làm sao tìm được người cầm cờ?)
Bên cuối cùng là Đảng Cộng Sản Việt Nam. Trước 30 tháng 4, 75, nhờ
bộ máy tuyên truyền và bưng bít sự thực, trước đa số nhân dân, Đảng đã đạt được
địa vị ngang hàng thần thánh. Giống như tín đồ Phật giáo nói “nhờ ơn Trời
Phật”, tín hữu Công giáo nói ”nhờ ơn Chúa và Đức Mẹ”, người dân thường nói “nhờ
ơn Bác và Đảng”. Sau khi mở mắt nhờ 30 tháng 4, bây giờ, giới trẻ trong nước
phát động chiến dịch nêu cao khẩu hiệu “Tôi không thích Đảng Cộng Sản”. Nhiều
đảng viên lão thành không tiếc lời công khai chỉ trích Đảng.
Nhiều đảng viên già
có trẻ có, công khai từ bỏ Đảng, và không ngại nói rõ lý do. Tóm lại, chẳng
những Đảng không còn được kính sợ và tin tưởng như trước, mà còn bị khinh
thường. Vậy, trong cả bốn bên, thua đậm nhất phải là Đảng Cộng Sản VN. Nhưng
cho công bằng, sự hy sinh của hàng triệu bộ đội trong đạo quân Miền Bắc không
phải là vô ích. Họ đã đóng góp xương máu, tưởng là để giải phóng Miền Nam,
nhưng thực ra đã giải phóng tư tưởng của chính đồng bào ruột thịt Miền Bắc của
mình.
Mất và được
Dù thắng hay thua, cuộc chiến nào cũng có những tổn thất. Điều
quan trọng nên biết rõ là mất gì được gì, và ai mất ai được.
Mỹ mất hơn 58 ngàn mạng người. Một mạng người đã quý, huống chi
hàng ngàn, hàng vạn. Cho đến nay, những người chủ trương phản chiến bằng mọi
giá vẫn cho rằng, tổn thất của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam chẳng những vô
ích, còn làm hoen ố lịch sử một nước chưa từng bại trận. Phe này cho rằng
thuyết Domino thời Eisenhower là sai, bằng chứng là sau khi Hà Nội thắng trận,
Đông Nam Á không lọt vào tay cộng sản. Thật ra, nếu Mỹ không can thiệp từ năm
1954, hay bỏ đi từ năm 1965, rất có thể chuyện Domino đã thành sự thật. Mạng
người và đô la Mỹ đã giúp Đông Nam Á cầm cự được mười năm. Khi Hà Nội làm chủ
cả nước, kinh tế khối cộng sản đã kiệt quệ, Nga Tầu chống nhau, Cộng Sản Nam
Dương đã bị dẹp, Cộng Sản Việt chỉ còn đủ lực xâm chiến Campuchia.
Tuy trên danh nghĩa, Mỹ đã không thành công trong sứ mạng giúp
người dân VNCH bảo vệ được nếp sống tự do dân chủ phôi thai của mình. Nhưng
ngoài việc ngăn chặn bước tiến của cộng sản ít nhất trong một thập niên, Mỹ
cũng đã đạt được nhiều lợi ích. Văn ôn vũ luyện, thay vì thỉnh thoảng tổ chức
tập trận giả bắn đạn thật, Mỹ có cả một chiến trường rộng lớn đánh trận thật,
bắn người thật. Tất cả những võ khí tối tân chưa hề được sử dụng hồi Thế Chiến
II và chiến tranh Triều Tiên, như chiến đấu cơ siêu thanh, pháo đài bay B-52,
trực thăng, tầu nguyên tử, truyển tin bằng vệ tinh, thuốc khai quang… đều được
thực nghiệm tại chiến trường Việt Nam. Muốn có địa vị cường quốc về quân sự,
người khôn ngoan không mang võ khí nước người về sử dụng ở nước mình, mà mang
võ khí của mình thực nghiệm ở nước ngoài.
Sau 40 năm chống Mỹ cứu nước, Việt Nam có 4 tiệm
McDonald’s
Sau khi thí nghiệm xong võ khí mới và có đủ kinh nghiệm về chiến
trường mới, 30 tháng 4, 1975 là mốc thời gian Mỹ bắt đầu giai đoạn mới, chấm
dứt chiến tranh, mở mang thị trường trong hoà bình. Nhật thua trận, biết thân
phận mình, ngoan ngoãn theo Mỹ dẫn dắt, chỉ trong 20 năm đã thành cường quốc
kinh tế. Việt Nam thắng trận, tưởng bở, 30 tháng 4 năm nào cũng kỷ niệm đại
thắng, pháo hoa, cờ xí rợp trời, duyệt binh, dậm chân tại chỗ. Tuy vậy, sau 40
năm, Mỹ cũng có được 4 tiệm McDonald’s. Sau khi mang tiếng thua trận, Tổng
Thống Mỹ tới Việt Nam, dù vào ban đêm, vẫn được dân đón đầy đường phố. Trong
khi ấy, Chủ Tịch Nước và Thủ Tướng Việt Nam anh hùng tới Mỹ, thường phải đi cửa
hậu.
Về nhân mạng và của cải, VNCH thiệt hại nặng hơn Mỹ. Nhưng nếu có
hàng triệu người đã hy sinh, cũng có hàng triệu người đã thoát nạn, đa số tạo
cho mình hoặc con cháu cuộc sống nhiều cơ hội tốt đẹp hơn ở nước ngoài. Công ơn
của những người đã hy sinh không uổng phí, đó là món nợ cho những người may
mắn. Trong rủi có may, một thế kỷ trước, chỉ có vài tiếng nói của người Việt
chân chính có cơ hội cất lên ở ngoại quốc vận động cho nước mình, ở Á có Phan
Bội Châu, ở Âu có Phan Chu Trinh, một thế kỷ sau, những tiếng nói này vẫn còn
được trân trọng. Sau 30 tháng 4, bỗng nhiên có hàng triệu “sứ giả bất đắc dĩ”
có mặt tại hàng trăm quốc gia trên khắp thế giới, mưu cầu điều tốt đẹp cho VN.
Biết dùng tổn thất làm cơ hội, là biến bại thành thắng.
Cái “Mặt Trận Giải Phóng” đã được bàn tay Hà Nội dùng trò quỷ
thuật tạo ra từ con số không, giống như mụ phù thuỷ phất chiếc đũa thần tạo ra
trang phục và cỗ xe cho cô bé Lọ Lem, để nàng sánh vai với Hoàng Tử trong Dạ
hội Đa quốc. Trưa 30 tháng Tư là thời gian trò ma thuật hết hiệu nghiệm. Khác
truyện xưa, Hoàng Tử hiện nguyên hình là tên côn đồ, với chiếc hài của Lọ Lem
đã biến thành dép râu, chẳng ai thèm thử. Lọ Lem được một cơ hội vui chơi,
chẳng mất gì. Chỉ có “Hoàng Tử” ê mặt, nhưng thuộc loại tối dạ, vẫn vỗ ngực tự
khoe “đỉnh cao chiến thắng”.
Qua biến cố 30 tháng 4, phía Cộng Sản Việt Nam mất gì, được gì?
Trước biến cố, trên danh nghĩa, Đảng với dân là một, Đảng từ dân mà ra. Sau
biến cố, dân sáng mắt: Đảng là thành phần cai trị, dân là thành phần bị trị. Dân
mất quá nhiều, từ xương máu tới của cải. Chỉ còn lại những thứ phù phiếm không
thể tiêu dùng như huy chương, bằng tưởng lệ, và tượng Mẹ Việt Nam Anh Hùng.
Trong khi ấy Đảng, nói rõ hơn là cấp lãnh đạo đảng, được quá nhiều. Bằng chứng
dễ thấy là những dinh thự nguy nga tráng lệ, chữ nghĩa ngày nay là “hoành
tráng”, của các cựu Tổng Bí Thư hay Thanh Tra Chính Phủ, những chiếc xe đắt
tiền, và cách ăn chơi phung phí của con cháu giai cấp lãnh đạo Đảng.
Những hy sinh mất mát của dân đã chuyển thành của cải nằm trong
tay giai cấp lãnh đạo Đảng.
———–
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment