Friday, May 8, 2015

Con ngựa thành Troie đã trở lại sân khấu, vận nước sẽ đổi thay



On Friday, May 8, 2015 7:55 PM, Truc Nguyen <> wrote:


Con ngựa thành Troie đã trở lại sân khấu, vận nước sẽ đổi thay
Lê Quế Lâm
Tuần qua các thân hữu của Hoa Tự Do có nhận được bài 30/4 và “Con ngựa thành Troie” của Nguyễn Thị Cỏ May. Nội dung chính viết về Thành phần thứ ba hay Lực lượng thứ ba và Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam.Trong phần cuối tác giả đề cập đến Con ngựa gổ thành Troie: “Sau 10 năm bao vây, không vào được Thành Troie, quân Hi-Lạp có sáng kiến làm một con ngựa gổ khổng lồ, giấu trong bụng ngựa một số lính tinh nhuệ, đem tới cho Thành Troie như một món quà lớn. Dân Troie nhận quà, mở tiệc ăn mừng, say xỉn ngã lăn ra đất. Lính Hi-Lạp chui ra, chiếm thành, cướp sạch thành Troie, giết hết đàn ông, con trai, bắt hết đàn bà, trẻ con gái làm nô lệ. Khi nói tới “Thành Phần Thứ Ba” trong chiến tranh Việt Nam hay “Mặt trận Giải phóng Miền nam” người ta gọi đó là “Con Ngựa Thành Troie”.
Tác giả kết luận: “Võ Văn Kiệt tỏ ra chia sẻ với bên thua cuộc “Ngày 30/04 có triệu người vui ,có triệu người buồn. Một triệu người buồn thì hãy còn đây. Cón 1 triệu người vui kia, nay còn mấy người vui thật tình? Nhìn dân chúng trong nước ngày nay, sau 40 năm được “giải phóng” thì hiểu”.
Người viết xin góp ý với tác giả vốn là chỗ thân tình, một người anh cùng quê hương (Cần Giuộc) về vai trò của MTGPMN và Thành phần Thứ ba trong việc kết thúc chiến tranh VN năm 1975.
Đầu tháng 9/1960, Đảng Lao động VN triệu tập Đại hội III, phát động chiến tranh giải phóng miền Nam. Ba tháng sau MTGPMN ra đời (20/12/1960). Hơn 4 năm sau, ngày 8/3/1965 HK đưa hai tiểu đoàn TQLC đổ bộ lên Đà Nẵng khởi đầu giai đoạn tham dự trực tiếp vào chiến tranh VN. Hai tháng sau, trong diễn văn đọc tại Đại học John Hopkins (Baltimore, Maryland) TT Johnson tuyên bố HK sẳn sàng thương lượng vô điều kiện với các chính phủ liên hệ dựa trên những hiệp ước cũ hoặc được bổ túc bằng những hiệp ước mới. HK sẽ làm mọi thứ cần thiết để đạt cho bằng được mục tiêu là “nền độc lập của Nam VN được bảo đảm vững chắc để họ có thể hoạch định mối liên hệ riêng của họ đối với các nước khác mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Nơi đây không phải là căn cứ quân sự cho nước nào và cũng không liên minh với nước nào”.

Hôm sau trong kỳ họp Quốc hội khóa 3, TT Phạm Văn Đồng bác bỏ đề nghị hòa bình của Johnson và đưa ra đề nghị 4 điểm của chính phủ VNDCCH: 1-Yêu cầu HK rút quân khỏi MN. 2-Đình chỉ hành động chiến tranh với Miền Bắc. 3-Công việc MN sẽ do nhân dân MN giải quyết theo Cương lĩnh của MTGPMN. 4- Việc thống nhất VN sẽ do nhân dân hai miền tự quyết định không có sự can thiệp từ bên ngoài. Ông Đồng còn khẳng định: “Mọi giải pháp trái với lập trường trên đây đều không thích hợp, giải pháp muốn dùng Liên Hiệp Quốc để can thiệp vào tình hình nước Việt Nam cũng đều không thích hợp”.

Từ đó, HK chỉ còn cách từng bước tăng quân vào miền Nam và mở rộng diện ném bom miền Bắc tùy mức độ xâm nhập của Hà Nội. Đến cuối tháng 10/1966, do đề nghị của tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos, lãnh tụ các nước đồng minh có quân tham chiến ở VN đã gặp giới lãnh đạo VNCH  tại Manila. Họ đưa sáng kiến hòa bình, chấm dứt chiến tranh bằng đề nghị quân ngoại nhập cùng rút khỏi miền Nam VN để nhân dân NVN thực hiện việc hòa giải dân tộc. Đồng thời họ đề xướng việc thành lập Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) và đưa ra 2 tuyên ngôn về tự do, hòa bình và tiến bộ ở VN và toàn khu vực Á châu Thái Bình Dương.

Chính quyền BV phủ nhận việc can dự của họ ở MN nên bác bỏ đề nghị song phương rút quân. Trước thái độ cứng rắn của Hà Nội, cuối năm 1966 HK gia tăng các cuộc không tập liên tiếp và dữ dội nhằm vào các mục tiêu quân sự ở ngay khu vực ngoại thành Hà Nội. Ông HCM phải chấp nhận đàm phán. Ngày 21/1/1967 BCH/TƯ Đảng Lao động VN ban hành Nghị quyết 13 mở ra giai đoạn đấu tranh ngoại giao kết hợp với đấu tranh quân sự và chính trị.

Đầu tháng 2/1967, Thủ tướng Liên Sô Kosygin đến Luân Đôn hội đàm với Thủ tướng Anh Wilson. Hai bên lên tiếng yêu cầu HK chấm dứt không điều kiện việc oanh tạc miền Bắc để khởi đầu việc thương thuyết hòa bình. Anh Quốc và Liên Sô là đồng chủ tịch Hội nghị Genève 1954. Ngày 8/2/1967 TT Johnson chính thức gởi đến Chủ tịch HCM lời đề nghị: HK sẽ ngưng ném bom miền Bắc và ngưng tăng cường quân lực Mỹ ở miền Nam VN, nếu BV cũng đình chỉ việc gởi người và vũ khí vào MN. Sau đó Mỹ và BV sẽ tiến hành những cuộc mật đàm để giải quyết vấn đề MNVN.

Trong thư trả lời, ông HCM lập lại đề nghị 4 điểm của Hà Nội, coi đó là cơ sở để giải quyết cuộc chiến ở MN. Ông cho biết “Nước VNDCCH không thể thương lượng dưới sự đe dọa của bom đạn Mỹ. Hoa Kỳ phải chấm dứt vĩnh viễn và không điều kiện việc ném bom và hành động chống lại nước VNDCCH, khi đó hai bên mới có thể đàm phán và thảo luận những vấn đề mà hai bên quan tâm”.

Từ đó có nhiều nổ lực quốc tế giúp HK và Hànội đến bàn hội nghị, đáng kể nhất là trung gian của Pháp từ tháng 6/1967. Ông Raymond Aubrac (một người CS từng quen biết HCM hồi năm 1946) và Hervert Marcovich -cả hai là khoa học gia Pháp, nhiều lần đi Hànội gặp HCM và TT Phạm Văn Đồng để giúp BV và HK trao đổi những đề nghị. Phía Hànội do đại sứ Mai Văn Bộ ở Paris phụ trách, còn phía HK là Henry Kissinger. Cuộc tiếp xúc kéo dài đến thương tuần tháng 10/1967 thì chấm dứt.

Để đạt thắng lợi trên chiến trường làm cơ sở cho thắng lợi trên bàn đàm phán sẽ diễn ra, từ giữa năm 1967 Hà Nội tích cực chuẩn bị kế hoạch tổng tấn công toàn Miền Nam. Đầu tháng 12/1967 Bộ Chính trị ra nghị quyết: “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định”. Đó là cuộc Tổng Công Kích-Tổng Khởi Nghĩa Tết Mậu Thân 1968.

Sau này, Thượng tướng Trần Văn Trà nhận xét: “Đi vào tổ chức thực hiện một quyết định lớn như vậy mà Bộ Chính trị chỉ dành cho các cấp ở chiến trường có ba tháng, thật là quá ngắn ngũi”. Ông cho biết mục tiêu đề ra là “Tiêu diệt và làm rã tuyệt đại bộ phận quân đội Sàigòn, đánh đổ chính quyền các cấp và giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân” và “tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ” thì thật là vượt quá nhiều khả năng thực tế ta có. Thứ nhất ta không đủ sức -lực lượng ta chỉ bằng 1/5 của Mỹ và quân đội Sàigòn về bộ binh. Còn không quân, hải quân và cơ giới thì chúng có ưu thế tuyệt đối”… Ông chua chát kết luận: “Như vậy đề ra chủ trương TCK-TKN để giành toàn bộ chánh quyền về tay nhân dân” mà cán bộ và chiến sĩ ta diễn đạt gọn và đơn giản lúc đó là “dứt điểm” thì thật là hoàn toàn không thực tế, không thể thực hiện nổi, vượt quá sức của ta và coi thường khả năng và phản ứng của Mỹ”.   
 
Trong khi Hà Nội tiếp xúc với Mỹ ở Paris và chuẩn bị TCK-TKN ở MN, thì MTGPMN cũng tiếp xúc với Đại sứ Mỹ ở Sàigòn. Lúc bấy giờ Trần Bạch Đằng là Thường vụ Khu ủy T4 Sàigòn-Gia định, phụ trách Bí thư nội thành Sàigòn. Hai mươi năm sau (1988), ông đã dành cho ký giả Úc Clayton Jones (Báo The Christian Science Monitor) một cuộc phỏng vấn về biến cố này. Ông nói: “Chúng tôi bị dồn vào thế phải tổng công kích, dù chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm nhiều giải pháp chính trị khác. Tôi đã thông báo điều này với chính Đại sứ Bunker vào năm 1967 khi chiến tranh sẽ là một điều tất yếu”. Đằng cho biết từ năm 1966 đến 1969, ông đã tiếp xúc nhiều lần với Mỹ để trao đổi tù binh. Chính Bunker đã can thiệp để VNCH trả tự do cho vợ của Đằng (bà Mai Thị Vàng hay Nguyễn Thị Chơn phụ tá của bà Nguyễn Thị Bình tại bàn đàm phán Paris) Trong cuộc phỏng vấn trên, TBĐ còn tiết lộ, mỗi lần muốn gặp Đs Bunker, ông nhắn mật hiệu trên báo “Sao và Sọc” của quân đội Mỹ ở VN, sau đó tòa đại sứ cho xe đến đón trước Tòa Đô chánh Sàigòn.

Ngoài ra, vợ Trần Bửu Kiếm là bà Dược sĩ Phạm Thị Yên cũng được Mỹ phóng thích năm 1967 “để thực hiện một âm mưu chính trị mới”. Ông TBK là trưởng phái đoàn đầu tiên của MTGPMN tại hòa đàm Paris. Bà Dược sĩ Yên là trưởng ban trí vận thành phố Sàigòn bị VNCH bắt khoảng năm 1961, bị giam ở Côn Đảo. Năm 1967, Mỹ đưa bà về Sàigòn vào bệnh viện tư của bác sĩ Nguyễn Duy Tài, cho gia đình đến thăm nom. Vài tuần sau Mỹ chở bà lên biên giới Tây Ninh, đưa ít tiền ria và bảo: Bà đi thẳng thì lên Pnôm Pênh, có sứ quán của Việt Cộng ở đó. Bà rẽ tay mặt, thì vào chiến khu Việt Cộng. Tùy bà lựa chọn. Bà quyết định lên Pnôm Pênh. Năm 1968, bà xin trở về Nam, được phân công giúp đỡ các nhân sĩ trí thức trong Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam ở khu giải phóng. Bà qua đời sau một cơn sốt ác tính hồi 1971.  

Ông Đằng cho biết từ năm 1965, ông cư ngụ ở Sàigòn, có lần ở kế cận nhà Phó Đại sứ HK ở đường Lê Thánh Tôn. Ngoài việc lãnh đạo chung, nghiệp vụ chuyên môn của ông là “trí vận”. Trong cương vị này, ông đã vận động móc nối nhiều giới trẻ, lãnh tụ các phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh như: Hồ Hữu Nhựt, Trần Thiện Trí, Trần Quang Long, Trần Triệu Luật, Lê Quang Lộc, Lê Hiếu Đằng, Nguyễn Đăng Trừng… Và một số trí thức tên tuổi Sàigòn như: ông bà Ls Trịnh Đình Thảo, vợ chồng ông Phú hữu Nguyễn Thạnh Cường -một kỹ nghệ gia tên tuổi Sàigòn, Bs Dương Quỳnh Hoa, Gs Nguyễn Văn Kiết, Gs Nguyễn Văn Chì, Gs Lê Văn Chí, Gs Lê Văn Giáp, Ks Lâm Văn Tết, Ks Cao Văn Bổn, Ks Nguyễn Hữu Khương, nhà văn Thiếu Sơn, Thanh Nghị, Lữ Phương, nhà báo Võ Ngọc Thành, Thiên giang Trần Kim Bảng…Đó là một tổ chức ‘đệm’ giữa MTGPDT và các thế lực khác, gọi là “lực lượng thứ ba”. Đây là chủ trương của TBĐ nhằm tranh thủ những ai tán thành độc lập dân tộc, trung lập và hòa bình ở MN. Một số đã thành lập “Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình VN”. Tổ chức này có lập trường tương tự MTGPMN là tạo dựng một MN hòa bình, trung lập.  

Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân được CS gọi là “Tổng công kích & Tổng khởi nghĩa” (TCK & TKN): Lực lượng vũ trang đảm nhận việc TCK. Còn “Liên minh các lực lượng…” kêu gọi nhân dân tổng nổi dậy cùng quân giải phóng giành chính quyền. Tại khu Sàigòn-Gia định, Liên minh do Gs Lê Văn Giáp làm chủ tịch và sinh viên Hồ hữu Nhựt phó chủ tịch. Ủy ban Nhân dân Cách mạng do Gs Nguyễn Văn Chì làm chủ tịch và Dược sĩ Phạm thị Yên phó chủ tịch. Đến ngày 10/4/1968, Ủy ban Trung ương Liên minh các Lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình VN ra đời do Ls Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch, Hoà thượng Thích Đôn Hậu và Ks Lâm Văn Tết đồng phó chủ tịch Ngày 8/6/1969 Liên minh kết hợp với MTDTGP thành lập Hội đồng Cố vấn và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa MNVN.
Được Mỹ cam kết sẽ “án binh bất động” để Lực lượng vũ trang GPMN dốc toàn lực vào cuộc TCK-TKN khắp các thị trấn, đô thị miền Nam trong khi QLVNCH hưu chiến trong những ngày Tết cổ truyền. Nếu quả thật MTGPMN sự ủng hộ của dân chúng, tổng nổi dậy giành được chính quyền thì HK sẳn sàng rút quân để MTGP quản lý công việc MN theo cương lĩnh của họ. Nếu không thắng, MTGP sẽ cùng chính quyền Sàigòn đàm phán, giải quyết chiến tranh bằng con đường hòa bình.

Trong mấy tháng đầu của cuộc đàm phán bốn bên, Hànội vẫn chưa có giải pháp nào mới cho vấn đề MN. Họ vẫn căn cứ vào lập trường 4 điểm đề ra từ 8/4/1965. Còn MTGP thì dựa vào cương lĩnh ngày 20/12/1960 do Hànội soạn thảo: đòi Mỹ chấm dứt xâm lược, rút quân và từ bỏ chính quyền Sàigòn.

Bất ngờ, ngày 7/5/1969 trong cuộc mật đàm với Xuân Thủy, đại sứ Lodge cho biết sẽ đề nghị một giải pháp mới cho vấn đề MNVN theo như tuyên bố của ông Trần Bửu Kiếm (MTGP) trong phiên họp thứ 14 ngày 26/4/69: “Tổng tuyển cử tự do có thể mở đường cho một cuộc thảo luận bổ ích và đề nghị MTGP nói chuyện thẳng với Sàigòn”.    
Lúc bấy giờ, thực lực của MTGPMN ngày càng suy yếu: lực lượng vũ trang hầu như bị nướng sạch trong ba đợt tổng công kích hồi năm 1968, hạ tầng cơ sở bị đánh bật khỏi nông thôn, số lực lượng vũ trang còn sót lại phải chạy sang bên kia bên giới Miên. Thượng tướng Trần Văn Trà đã nhận định: “Trong Tết Mậu Thân, ta không đánh giá đúng về tương quan lực lượng ta địch cụ thể lúc ấy, không thấy hết khả năng còn lớn của địch và điều kiện còn hạn chế của ta, đề ra yêu cầu cao quá sức thực tế ta có. Nghĩa là ta không dựa vào sự tính toán khoa học, cân nhắc sâu sắc mọi yếu tố mà có phần ảo tưởng dựa vào sự mong muốn chủ quan. Chính vì vậy chúng ta đã phải chịu một hy sinh thiệt hại lớn lao về sức người, sức của, đặc biệt là cán bộ các cấp, làm cho sức ta yếu xuống rõ rệt. Sau đó không những ta không giữ được tất cả các thành tựu đã đạt được mà còn chịu muôn vàn khó khăn tiếp theo trong những năm 1969-1970”.

Trong tình thế đó, lập trường mới của MTGPMN rất mềm dẻo, khác xa nhiều với Cương lĩnh 10 điểm trước đây. Họ không còn đòi giải quyết công việc nội bộ MN theo cương lĩnh của họ, mà sẽ do nhân dân MN tự quyết định, không có sự can thiệp của nước ngoài. Và “trong thời gian từ khi hòa bình đươc lập lại cho đến khi tổng tuyển cử không một bên nào được cưỡng bức nhân dân miền Nam VN phải chấp nhận chế độ chính trị của mình” (điểm 4 & 5). Ngày 8/6/1969, MTGPMN kết hợp với Liên minh của Ls Trịnh Đình Thảo thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa MNVN. Sau đó, Trần Bửu Kiếm, trưởng phái đoàn CP/CMLT công bố toàn văn “Lập trường 10 điểm” ngày 8/5/1969 trong một phiên họp công khai tại hội nghị bốn bên.

Mấy ngày sau, trong cuộc mật đàm, Kissinger nói với Lê ĐứcThọ: khi TT Phạm Văn Đồng đưa ra “lập trường 4 điểm” ngày 8/4/1965 để trả lời đề nghị đàm phán của TT Johnson, tổng thống Mỹ chấp nhận ba điểm. Duy chỉ có một điểm, HK không thể chấp nhận, đó là nội dung điểm 3: “Công việc miền Nam do nhân dân miền Nam tự giải quyết theo cương lĩnh của MTGPMN, không có sự can thiệp bên ngoài”. Từ đó đến nay quý vị vẫn duy trì “lập trường trước sau như một của nước VNDCCH”, nay cương lĩnh của MTGPMN đã thay đổi. Chúng tôi thấy lập trường 10 điểm của Chính phủ CMTL có nhiều điểm trùng họp với kế hoạch hòa bình 8 điểm của HK. Hai bên HK và VNDCCH có thể dung hòa hai đề nghị trên để kết thúc chiến tranh. Kế hoạch 8 điểm của Mỹ được TT Nixon trình bày trên hệ thống truyền hình ngày 14/5/1969: Mỹ muốn rút quân nhanh chóng, không muốn tìm kiếm căn cứ quân sự ở NVN, hai bên cùng rút quân trong vòng 12 tháng sau khi có hiệp định để nhân dân miền Nam VN quyết định công việc nội bộ của họ. HK đồng ý để MTGPMN tham gia vào đời sống chính trị ở NVN, tham gia vào tổng tuyển cử tự do có giám sát và kiểm soát quốc tế.

Từ đó cuộc đàm phán Paris đi thẳng vào vấn đề chính là giải quyết cuộc chiến tại miền Nam VN. Sau này, ông Lưu Văn Lợi phụ tá Lê Đức Thọ tiết lộ: “Đây là một bất ngờ” mà Hànội không tiên liệu vì lập trường mới của MTGPMN. Từ trước đến giờ, trên bàn đàm phán chỉ có hai kế hoạch giải quyết vấn đề VN. Mỹ với hai điểm chủ yếu là quân miền Bắc cùng rút với quân Mỹ và giữ chính quyền Sàigòn. Còn phía VNDCCH thì đòi giữ quân miền Bắc ở lại MN sau khi Mỹ rút, xóa bỏ chính quyền Sàigòn”. Nay lập trường 10 điểm của Chính phủ CMLT chủ trương liên hiệp giữa hai chính phủ ở miền Nam. Hànội nhận xét: “Mỹ đang có ưu thế ở MN và tất nhiên muốn giải quyết vấn đề trên thế mạnh. Phía VN phải chờ đợi thời cơ. Cần có thời gian để khôi phục lại tình thế cách mạng và chiến tranh nhân dân ở MN”. Họ phê phán MTGP: “Ngay trong vấn đề chính phủ liên hiệp đưa ra trong hoàn cảnh hạ tầng cơ sở của ta tan rã như lúc đó, nếu địch nhận ra thì có thể cũng là một khó khăn cho ta

MTGPMN mong muốn trung lập MN, điều này phù hợp với chủ trương của Mỹ. Miền Nam trung lập là giải pháp duy nhất giúp MN tự do tồn tại sau khi Mỹ kết thúc chiến tranh. Còn CS Bắc Việt chủ trương “vừa đánh vừa đàm” để gia tăng lực lượng xâm nhập vào Nam, củng cố sức mạnh, chờ đợi thời cơ đánh chiếm Miền Nam. Theo Lê Tùng Minh một cán bộ Việt Minh từ thời Thanh niên Tiền Phong đến Nam bộ kháng chiến và MTGPMN tiết lộ: Cuối năm 1969, Lê Duẫn triệu Trần Bạch Đằng ra Hànội báo cáo tình hình. Lúc bấy giờ vùng “nông thôn giải phóng” thuộc quyền kiểm soát của MTGPMN gồm ¾ nông thôn Nam Bộ, đã bị liên quân Việt Mỹ tái chiếm và bình định gần hết. Từ Hànội trở về, với tư cách Bí thư Khu ủy T4, TBĐ triệu tập hội nghị Bình Giã 5, dưới sự chủ tọa của Nguyễn Văn Linh –Phó bí thư TWCục. Lúc này Phạm Hùng (Bảy Hồng) phụ trách Bí thư. Trong báo cáo chính trị, TBĐ nêu hai vấn đề về tư tưởng có tầm chiến lược trong công tác lãnh đạo giải phóng đô thị:

- Một là, trong nền kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản thực dân mới của Mỹ ở miền Nam, bản chất của giai cấp công nhân đã biến chất, không còn đóng vai trò tiền phong, lãnh đạo phong trào cách mạng ở đô thị như trước năm 1945 nữa. Chủ lực quân của phong trào cách mạng ở đô thị hiện thời, qua thực tiễn đấu tranh từ 1955 đến nay đã cho thấy: học sinh-sinh viên, thanh niên các tầng lớp nói chung không phân biệt giai cấp, tôn giáo là quân chủ lực của phong trào cách mạng đô thị. Trí thức và tôn giáo yêu nước là lực lượng liên minh rất quan trọng trong công cuộc giải phóng đô thị.

  - Hai là, tư tưởng chiến lược “lấy nông thôn bao vây thành thị” của Mao Trạch Đông, đã lỗi thời đối với tình thế cách mạng giải phóng của miền Nam hiện nay! Nông thôn giải phóng của chúng ta hiện đã nằm trong sự kiểm soát của địch, làm gì có nông thôn giải phóng để bao vây thành thị? (cả hội trường vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt đối với luận điểm này)

TBĐ bị Nguyễn Văn Linh phê phán “đã phạm sai lầm hữu khuynh rất nghiêm trọng về mặt tư tưởng lãnh đạo của Đảng”, cụ thể như: Một là, coi thường vai trò tiền phong và lãnh đạo của giai cấp công nhân. Hai là, coi trọng vai trò của trí thức, sinh viên học sinh và tôn giáo, thậm chí đưa “thành phần không có lập trường kiên định” lên vai trò xung kích. Ba là xa rời “tư tưởng chiến lược” có tính kinh điển trong cách mạng giải phóng miền Nam: “lấy nông thôn bao vây thành thị”, cũng có nghĩa là không triệt để chấp hành đường lối cách mạng giải phóng miền Nam của Đảng”.

TBĐ phản bác: “Tôi nói thật lòng với các đồng chí có mặt trong cuộc họp bất thường không theo nguyên tắc dân chủ này rằng: mấy hôm nay tôi đã suy xét cặn kẽ những lời phê phán của đồng chí Mười Cúc, và cuối cùng tôi khẳng định trên tinh thần khách quan là, tôi không phạm sai lầm như những lời phê phán nặng mùi Bảo thủ Cực tả và Giáo điều chủ nghĩa của đồng chí Mười Cúc! Tôi quyết bảo lưu ý kiến này”. Phát biểu xong, TBĐ tự động bỏ cuộc họp trước khi hội nghị bế mạc. Sau đó, theo đề nghị của Nguyễn Văn Linh, Thường vụ TWC quyết định hạ chức TBĐ từ Bí thư xuống Phó bí thư Thứ hai. Nguyễn Văn Linh thay Đằng giữ chức Bí thư, Mai Chí Thọ -Phó bí thư thứ nhất. Đến đầu năm 1972, TBĐ bị mất luôn chức Phó bí thư thứ hai, bị rút về TWC để kiểm thảo tư tưởng hữu khuynh đã phạm trong thời gian lãnh đạo Đặc khu ủy T4. (Hết phần trích dẫn bài của Lê Tùng Minh: TBĐ một người CS đa tài, nhưng bất đắc chí cho đến khi nhắm mắt lìa đời)

Lúc Trần Bạch Đằng bị hạ bệ cũng là thời điểm Thành phần Thứ ba ra đời. Đây là những trí thức có tinh thần dân tộc, mong muốn hòa bình, nên họ chống TT Thiệu, không ưa Mỹ và dĩ nhiên không chấp nhận CS. Từ khi HĐ Paris ra đời, HK chuẩn bị rút khỏi MN, họ muốn MN trung lập thì chế độ tự do mới tồn tại. Lực lượng thứ ba càng phát triển mạnh qua các hoạt động hòa giải hòa hợp dân tộc do một nhân sĩ Phật giáo cầm đầu -Giáo sư Vũ Văn Mẫu cựu Ngoại trưởng, sau đó được sự ủng hộ của Luật sư Nguyễn Văn Huyền -một nhân sĩ Công giáo cựu Chủ tịch Thượng Nghị Viện. Luật sư Trần Ngọc Liễng thành lập “Tổ chức đòi thi hành HĐ Paris” được sự tán đồng của ông Triệu Quốc Mạnh, chánh biện lý Sàigòn. Theo tinh thần HĐ Paris 1973, Hội đồng Quốc gia Hòa giải& Hòa hợp Dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau: VNCH, Cộng hòa MNVN và Thành phần Thứ ba sẽ đứng ra tổ chức cuộc tuyển cử tự do dân chủ để người dân thực hiện quyền tự quyết của họ.  

Ngày 21/4/1975 TT Thiệu từ chức. Hai hôm sau, TT Ford tuyên bố cuộc chiến VN đối với Mỹ đã chấm dứt. TT Trần văn Hương cử Nguyễn Xuân Phong Quốc Vụ Khanh đặc trách hòa đàm cùng Đại sứ Pháp Merillon đến Hà Nội thảo luận việc thi hành HĐ Paris. Bắc Việt từ chối, họ chỉ thảo luận với cựu Đại tướng Dương Văn Minh lãnh tụ Thành phần thứ ba. Quốc hội VNCH biểu quyết đưa ông Minh làm tổng thống. Ông cử Phó TT Nguyễn Văn Huyền vào trại Davis trong phi trường Tân Sơn Nhất gặp Đại diện CSBV. Họ cho biết thời gian thương thuyết đã qua, VNCH phải đầu hàng. Ông Minh mời đại diện Chính phủ Lâm thời Cộng hòa MNVN vào Sài Gòn để ông bàn giao chính quyền MN. Không một nhân vật MTGPMN nào xuất hiện, chỉ thấy quân CSBV buộc ông phải đầu hàng vô điều kiện. 

Ngày 30/4/1975 được ký giả nổi tiếng thân Cộng là nhà văn Jean Larteguy ghi lại trong quyển “L’Adieu Saigon”: “Sàigòn không được giải phóng. Nó bị một đạo quân xa lạ từ miền Bắc đến chiếm đóng. Sự thật là thế. Chúng tôi 120 nhà báo ngoại quốc ở đây để chứng thật điều ấy…Này anh bộ đội, anh đội mũ sắt từ pháo tháp của xe tăng ló đầu ra cũng giống như bọn lái xe tăng Sô Viết trước đây tàn sát thường dân Tiệp khắc ở Prague, giết công nhân nổi dậy ở Budepest, ở Berlin. Anh từ đâu tới? Từ Hànội, từ Hànội…

Bốn mươi năm sau ngày 30/4/2015, con ngựa gổ thành Troie trở thành con ngựa “chứng” trở lại sân khấu, thủ vai chính trong ván cờ chính trị. Đó là TT Nguyễn tấn Dũng, ông vừa được phiếu tín nhiệm cao cao nhất của Ban Chấp hành TƯ Đảng, vì thế ông thay mặt Đảng đọc diễn văn chào mừng ngày chiến thắng 30/4/1975.

Trong diễn văn, TT Nguyễn Tấn Dũng lập lại những lập luận của Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc trong ngày mừng Chiến thắng 15/5/1975 tại vườnTao Đàn Sàigòn như: “Đế quốc Mỹ đã ngang nhiên áp chế độ thực dân kiểu mới, biến miền Nam VN thành căn cứ quân sự của Mỹ. Chúng đã gây ra biết bao tội ác dã man, biết bao đau thương mất mát đối với đồng bào ta, đất nước ta”.  “Đánh cho Mỹ cút ngụy nhào mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc bằng sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”. “Chúng ta chân thành cảm ơn các nước XHCN, nhất là Liên Sô, Trung Quốc”…Nhưng 40 năm sau, tình thế đã đảo ngược. LS đã tan rã từ lâu. HK trở thành siêu cường duy nhất. Còn TQ đã tấn công dạy cho CSVN một bài học vì vong ân bội nghĩa hồi tháng 2/1979. Các nước XHCH Đông Âu cũng không còn. Chỉ có Cuba, Lào và Campuchia gởi người đến tham dự. Cuba đang bình thường hóa bang giao với Mỹ. Còn Lào và Campuchia thì “Tình đoàn kết chiến đấu giữa ba nước Đông Dương” không còn nữa, hai nước này đứng về phía Bắc Kinh trong tranh chấp biển đảo giữa VN và TQ.

Đối với HK, 10 năm sau biến cố 30/4/1975, Nguyễn Cơ Thạch Uỷ viên Bộ chính trị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao đã nhận xét: Mỹ không muốn biến VN thành thuộc địa, Mỹ xâm lược VN để ngăn chặn sự bành trướng của LS và TC. Còn Trần Bạch Đằng trong bài Tổng luận về MTGPMN xuất bản năm 1992 đã viết: “Chế độ thực dân kiểu mới với tham vọng biến miền Nam VN thành một tủ kính trưng bày sự phồn vinh và nền tự do kiểu Mỹ ở Đông Nam Á”. Và mới đây ông Phạm Đình Trọng cựu Đại tá Quân độ NDVN đã nhận xét: Năm 1965, quân đội Mỹ đổ vào Việt Nam…không có mục đích xâm lược, không đánh chiếm lãnh thổ mà chỉ làm trách nhiệm của một đồng minh và làm trách nhiệm của một nước lớn bảo đảm một thế giới ổn định, công bằng, bảo vệ những giá trị tự do, dân chủ của con người, ngăn chặn thảm họa cộng sản đang như bệnh dịch nhấn chìm thế giới vào hận thù đấu tranh giai cấp, vào bạo lực chuyên chính vô sản và nô dịch con người “.

Lập luận bêu xấu Mỹ của NTD làm vừa lòng giới lãnh đạo CS lão thành các cựu chiến binh, nhưng sẽ tạo cho TBT Nguyễn Phú Trọng vào tình huống khó xử trong chuyến đi Mỹ sắp tới. Giả sử, TT Obama đặt câu hỏi: Mới đây TT Nguyễn Tấn Dũng vừa chữi Mỹ nay ông Tổng Bí thư đến đây ông còn lời nào chữi Mỹ nữa hay không? Chả lẽ ông Trọng trả lời: NTD chữi Mỹ còn “Chúng tôi biết thế nào là nước Mỹ, thế nào là nhân dân Mỹ và vai trò của Mỹ trên thế giới như thế nào. Chúng tôi chủ trương phải có một giai đoạn mới, tốt hơn trong quan hệ của chúng ta”. (Gorbachev trả lời tạp chí Time của Mỹ ngày 28/8/1985)

Còn đại thắng mùa Xuân 1975 thì CSVN đã thắng ai? Họ chiến thắng những người miền Nam yêu chuộng hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc, chiến thắng những lính MN đã buông súng và sau đó dứt điểm MTGPMN một cách không thương tiếc. Kỹ sư Trương Như Tảng, Ủy viên TƯ/MTGPMN, Bộ trưởng Tư pháp Cộng hòa MNVN đã bày tỏ sự bất mãn khi CS chiến thắng MN: “Hàng trăm ngàn người của quân đội và chính phủ Sàigòn đã bị bắt giam vào các trại cải tạo. Hàng triệu thường dân đang sinh sống ở Sàigòn và nhiều nơi khác tại miền Nam VN bị cưỡng bức phải bỏ nhà cửa, tài sản, để đi về các vùng kinh tế mới xa xôi hẻo lánh, một quyền lực sắt thép bao trùm khắp nước VN”.

Về MTGPMN, Tảng chua chát cho biết thêm “lúc thắng trận cũng là lúc Cộng sản bắt đầu loại bỏ MTGPMN. Trong buổi tiệc đơn sơ được tổ chức vào năm 1977 để chính thức giải thể MTGPMN, đảng CS và chính quyền Hà Nội không thèm cử đại diện đến tham dự. Đó là một cử chỉ miệt thị xem thường những quy tắc về chủ nghĩa quốc gia mà những ngườ Việt “thân” Cộng đã hết lòng tôn sùng, một chủ nghĩa mà các quốc gia trong cộng đồng Thế giới Tự do đã dốc hết lòng vả bằng mọi giá để giữ lấy nó”.

Ngày 30/4/1975, ông Võ Văn Kiệt nói: “Có triệu người vui, có triệu người buồn”. Ngày nay, triệu người buồn vẫn buồn, còn triệu người vui có lẽ không thể nào vui được nữa mà còn xấu hổ.

Câu nói của HCM “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”; “thành công, thành công, đại thành công” chính là khẩu hiệu của Quốc tế CS: “Vô sản các nước đoàn kết lại”; chớ không phải đoàn kết với dân tộc vì mục tiêu của CS là giai cấp đấu tranh là hận thù dân tộc. Sau đại thắng mùa Xuân 1975, thế giới chứng kiến “Vô sản các nước đánh nhau”, đưa QTCS đến chỗ tan rã. Câu nói của HCM, đối với Quốc tế CS đã đổi lại: “Chia rẽ, chia rẽ, đại chia rẽ” và “Thất bại, thất bại, đại thất bại”. Còn đối với dân tộc thì qua cải cách ruộng đất ở miền Bắc, thảm sát hồi Tết Mậu Thân ở Huế và đày ải cướp của nhân dân miền Nam sau 1975, câu nói của ông Hồ nên đổi lại “Hận thù, hận thù, đại hận thù” và “Thức tỉnh, thức tỉnh, đại thức tỉnh”

Hội nghị TƯ 10 đã xác nhận vai trò lãnh đạo của NTD và khẳng định “lấy dân là gốc” và quyền lợi quốc gia dân tộc là tối thượng. Bốn mươi năm trước, diễn văn mừng đại thắng của Tổng bí thư Lê Duẩn là để Tổng kết chặng đường thắng lợi của Đảng CSVN trong Đại hội IV tháng 12/1976. Còn diễn văn chào mừng đại thắng của TT Nguyễn Tấn Dũng ngày nay là Tổng kết chặng đường thất bại để Kết thúc vai trò lịch sử của Đảng CSVN. Công việc kế tiếp của thủ tướng là đưa Dự Luật Trưng Cầu Ý Dân đến các đại biểu Quốc hội thảo luận và biểu quyết trong kỳ họp Quốc hội thứ 9 khai mạc vào ngày 20/5 tới đây. Rồi đây người dân sẽ trực tiếp quyết định việc thay đổi thể chế mà TT Nguyễn Tấn Dũng đề cập từ đầu năm 2014.  

 Lê Quế Lâm
(Sydney 08/5/2


__._,_.___

Posted by: truc nguyen 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link