Đối lập Myanmar chiếm đủ
ghế trong quốc hội để thành lập chính phủ
Các thành viên đối lập đứng trước ảnh của lãnh đạo Aung San Suu
Kyi bên ngoài trụ sở của đảng ở Yangon, Myanmar, ngày 13/11/2015.
Steve Herman
13.11.2015
Đảng đối lập Myanmar Liên đoàn Dân chủ Toàn quốc (NLD) đã chiếm được
đa số tuyệt đối số ghế trong quốc hội, thắng áp đảo Đảng Đoàn kết và Phát triển
(USDP) được chính phủ và quân đội ủng hộ. Kết quả cuộc bầu cử được Ủy ban Bầu
cử công bố ngày thứ Sáu cho thấy sự toàn thắng của NLD. Việc này sẽ cho phép NLD
vượt qua quyền phủ quyết của quân đội trong quốc hội lưỡng viện gồm 664 ghế, được
biết dưới tên Pyidaungsu Hluttaw, để chọn tổng thống.
Quân đội Myanmar và những đảng lớn trong quốc hội sẽ đề cử các ứng
viên tổng thống vào tháng Hai sang năm. Người có số phiếu cao nhất sẽ là tổng
thống, hai người có số phiếu kế tiếp sẽ là phó tổng thống.
Theo một điều khoản được hội đồng quân nhân cầm quyền lúc bây giờ
đưa vào hiến pháp, bà Aung San Suu Kyi bị cấm không được trở thành tổng thống
vì con bà là công dân nước ngoài. Cả hai con bà cũng như người chồng quá cố của
bà là công dân Anh.
Nhà lãnh đạo NLD trước đây đã nói nếu đảng của bà thắng, bà sẽ là
người chỉ thị cho tân tổng thống phải làm gì.
Hôm thứ Năm, khi chúc mừng cả Tổng thống Thein Sen lẫn nhà lãnh đạo
NLD về “cuộc bầu cử lịch sử của Myanmar,” Tòa Bạch Ốc nói nước này cần thực hiện
thêm nhiều bước dân chủ nữa kể cả việc thay đổi hiến pháp để bà Aung San Suu
Kyi có thể trở thành tổng thống.
Cố vấn về chính sách đối ngoại của Tòa Bạch Ốc, ông Ben Rhodes hôm
thứ Năm nói “ngay cả với cuộc bầu cử này, 25% số ghế trong quốc hội cũng dành
cho quân đội. Chúng tôi đã nhắc lại nhiều lần trong vài năm qua là một sự chuyển
quyền cai trị hoàn toàn cho dân sự tại Miến Điện sẽ đòi hỏi một tiến trình cải
cách hiến pháp”.
Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm với ban Miến Điện Đài Á
châu Tự do, bà Aung San Suu Kyi cảnh báo rằng tiến trình bầu cử “chưa kết
thúc”. Bà cũng cảnh báo những người ủng hộ là cần phải tự chế đừng có những
hành động khiêu khích trong những tuần và tháng tới.
Bà cho biết sau khi thành lập một chính phủ mới, NLD sẽ đưa ra một
thời điểm “rõ ràng và chính xác” cho công cuộc cải cách.
Nhà lãnh đạo NLD nói: “Tôi có thể thấy được mục tiêu người dân mong
muốn vẫn còn xa và cuộc bầu cử này chỉ là bước đầu”.
Tính đến giữa ngày thứ Sáu, NLD đã chiếm được 348 ghế tại cả hai viện
quốc hội trong khi đảng USDP bị bỏ đằng sau rất xa, chỉ được 40 ghế. Những đảng
nhỏ hơn, gồm có những đảng có căn cứ tại các vùng hay những đảng sắc tộc thiểu
số và những ứng cử viên độc lập tất cả chỉ chiếm được chưa đến 30 ghế.
Hơn 30 triệu người đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ngày Chủ Nhật. Các
quan sát viên quốc tế hầu hết ca ngợi cuộc bầu cử này thành công, nhưng nêu lên
quan ngại về bất bình của người Hồi Giáo và những sắc tộc thiểu số khác về sự
minh bạch trong việc kiểm phiếu bầu đã bỏ trước.
Đây là cuộc bầu cử đầu tiên tại Myanmar kể từ khi hội đồng quân nhân
thành lập một chính phủ bán dân sự vào năm 2011, sau gần 50 năm cầm quyền, và
một năm sau khi kết thúc gần hai thập niên bị giam giữ tại gia của bà
Aung San Suu Kyi và việc cấm đảng NLD hoạt động được bãi bỏ.
Bầu cử ở Miến Điện - Chừng nào Việt Nam?
Lý Thái Hùng
Cùng tác giả:
- Tuần tra 12 hải lý: Dằn mặt hay đối đầu?
- Tham Gia TPP, Việt Nam Được Lợi và Hại Gì?
- Nhìn lại vụ án của Luật sư Lê Quốc Quân
Tuy chưa có kết quả kiểm phiếu sau cùng, nhưng nhiều dấu hiệu cho
thấy đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (National League for Democracy = NLD)
do bà Ang San Suu Kyi lãnh đạo sẽ chiếm đa số trong quốc hội. Ông Htay Oo,
quyền chủ tịch đảng cầm quyền là đảng Đoàn kết và thống nhất (USDP) đã tuyên bố
thua trong cuộc bầu cử.
Chiến thắng ngoạn mục này, một lần nữa đã tái diễn lần thứ hai sau
25 năm đấu tranh cam go của lực lượng dân chủ Miến Điện kể từ cuộc bầu cử bị phe
quân phiệt bức tử vào năm 1990. Diễn biến này hy vọng sẽ mở ra một vận hội mới
cho dân tộc Miến trên con đường dân chủ hóa đất nước.
Nhìn vào diễn tiến bầu cử ở Miến Điện, nhiều người mong muốn được
diễn ra tương tự ở Việt Nam. Nhưng từ ước muốn đến hiện thực sẽ phải trải qua
nhiều nỗ lực tranh đấu mà chúng ta cần rút tỉa từ chặng đường đấu tranh 25 năm
qua của đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ, như một bài học cần suy nghiệm.
Bầu cử 1990
Sau cuộc nổi dậy đẫm máu vào ngày 8/8/1988, Miến Điện một lần nữa
rơi vào tay của nhóm quân phiệt mới. Nhưng chính biến cố này đã buộc các lực
lượng dân chủ Miến Điện phải ngồi lại thành lập một liên minh chính trị thống
nhất thì mới có thể đối đầu với chính quyền quân phiệt.
Ngày 27/9/1988, đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ đã ra đời và bà
Aung San Suu Kyi được bầu làm người lãnh đạo.
Do những áp lực của quốc tế, chính quyền quân phiệt Miến đã phải
đồng ý tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do ngày 27/5/1990 với 93 đảng phái chính
trị tham gia mà đa số là những đảng phái do các nhóm sắc tộc thành lập để tranh
đấu cho quyền lợi của họ.
Có tất cả 2.297 ứng viên ra tranh 492 ghế đại biểu. Điều bất ngờ
là đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ chiếm 382/492 ghế (đạt tỷ lệ 80%) số
phiếu bầu. Trong khi những đảng còn lại, kể cả đảng thân chính quyền chỉ chiếm
từ 2 đến 10 ghế.
Phe quân phiệt đã choáng váng với kết quả này nên tuyên bố hủy kết
quả bầu cử và bắt giữ tất cả những thành viên của đảng NLD.
Riêng bà Aung San Suu Kyi đã bị quản thúc tại gia ngay từ trước
khi cuộc bầu cử diễn ra. Bà đã bị chính quyền quân phiệt Miến quản thúc trong
suốt 21 năm và được thả ngay trước khi diễn ra cuộc bầu cử quốc hội vào tháng
11/2010.
Tuy tập đoàn quân phiệt Miến đã dùng vũ lực khống chế các thành
viên lãnh đạo của đảng NLD, nhưng nhờ hạ tầng vững chắc và nhất là sự yểm trợ
mạnh mẽ của giới trí thức và sinh viên Miến ở nước ngoài, nên NLD vẫn duy trì
sự hoạt động.
Bầu cử 2015
Đảng NDL của bà Ang San Suu Kyi tham dự và giành chiến thắng ngoạn
mục một lần nữa trong cuộc tuyển cử năm 2015, đến từ ba yếu tố chính:
Thứ nhất là sự đấu tranh kiên trì của đảng NDL và bà Aung San Suu
Kyi cương quyết không hợp tác với chế độ quân phiệt từ năm 1990 kéo dài đến năm
2011. Trong suốt thời gian này tuy nhóm quân phiệt sửa đổi hiến pháp (năm 2008)
và tổ chức bầu cử quốc hội đa đảng (2010) nhưng chỉ có đảng Liên minh đoàn kết và
phát triển (USDP) của tập đoàn quân phiệt độc diễn. Do đó mà ảnh hưởng của đảng
NDL vẫn tiếp tục lan tỏa trong lòng nguời dân Miến như một sự kỳ vọng lớn cho
khát vọng dân chủ.
Thứ hai là Tổng thống Thein Sein, chủ tịch đảng USDP sau khi nhậm
chức Tổng thống vào tháng 3/2011 đã tiến hành một số biện pháp cải cách chính
trị. Cụ thể là ông Thein Sein đã cho người đối thoại với đảng NLD và dàn xếp
cuộc gặp bà Aung San Suu Kyi vào ngày 15/8/2011 để kêu gọi bà và đảng NDL hợp
tác phát triển Miến Điện. Thay vào đó, chính quyền Miến công nhận sự hoạt động
hợp pháp của đảng NDL. Ông Thein Sein còn tiến hành việc trả tự do hàng loạt
các tù nhân lương tâm và từng bước tháo gỡ các cấm đoán về tự do báo chí, tự do
lập hội, tự do thành lập công đoàn v, v…
Thứ ba là đảng NDL đã tham dự cuộc bầu cử bổ khuyết 2012 nhằm bổ
sung 45 ghế còn trống (gồm 37 ghế Hạ viện và 6 ghế Thượng viện và 2 ghế tại các
cơ quan lập pháp cấp khu vực và tiểu bang). Qua cuộc bầu cử này, bà Ang Suu Kyi
và đảng NDL đã giành được 44 ghế trong số 45 ghế ở nơi các cuộc bầu cử được tổ
chức. Mặc dù chỉ chiếm một thiểu số nhỏ trong Quốc hội gồm 664 ghế, nhưng đảng
NDL có tiếng nói đáng kể, đặc biệt là sự hiện diện của bà Aung San Suu Kyi đã thu
hút sự chú ý của người dân và cộng đồng quốc tế.
Từ những thuận lợi trong tiến trình đấu tranh nói trên, đảng NDL
đã bắt đầu phục hồi và đặt trọng tâm xây dựng hạ tầng cơ sở trong quần chúng
trong hai năm 2013 và 2014, nhằm chuẩn bị cuộc bầu cử 2015.
Với kết quả kiểm phiếu sơ khởi hiện nay, đảng NDL có nhiều xác
xuất nắm quyền điều hành chính phủ gồm có 30 bộ. Miến Điện không có Thủ tướng;
Tổng thống điều hành trực tiếp chính phủ và đại diện quốc gia.
Tuy nhiên chức vụ Tổng thống theo hiến pháp phải do quốc hội chọn
lựa từ 3 ứng viên do Hạ viện, Thượng viện và khối đại biểu quân đội đề cử. Sau
đó, toàn thể quốc hội sẽ bỏ phiếu kín và ứng viên được cao phiếu nhất sẽ là
Tổng thống, hai người còn lại làm phó tổng thống.
Tân quốc hội sẽ nhóm họp đầu tiên vào cuối tháng 1/2016 đến tháng
2 sẽ bầu Tổng thống và đến tháng 3/2016 người được quốc hội chọn sẽ nhậm chức
Tổng thống.
Có ba nhân sự có nhiều tiềm năng trở thành Tổng thống Miến sau
tháng 3/2016 là ông Thein Sein (đương kim Tổng Thống), Tướng Min Aung Hlaing
(Tổng tư lệnh quân đội); ông Tin Myo Win (nhân vật thứ 2 trong đảng NDL sau bà
Ang San Suu Kyi).
Bà Aung San Suu Kyi không thể trở thành Tổng thống trong nhiệm kỳ
này vì một điều khoản trong hiến pháp 2008, nhóm quân phiệt đã cấm những cá
nhân kết hôn với người nước ngoài hoặc có con cái không mang quốc tịch Miến
không được phép ứng cử tổng thống. Bà Aung San Suu Kyi kết hôn với người chồng
quốc tịch Anh và hai con trai của bà mang quốc tịch Anh.
Tương lai Miến Điện
Nếu đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi chiếm 75% ghế quốc hội, thì
đảng này chắc chắn sẽ sửa hai điều quan trọng trong hiến pháp 2010 (hiến pháp
hiện hành quy định là phải có 75% phiếu dân biểu tán đồng mới được tu chính),
đang cản trở rất lớn các nỗ lực dân chủ hóa Miến Điện.
Thứ nhất là bãi bỏ điều 56 (f) trong hiến pháp Miến Điện, là điều
khoản cấm không cho bà Aung San Suu Kyi ra tranh cử tổng thống. Điều khoản này
qui định rằng người hôn phối hoặc con cái của ứng cử viên tổng thống, hoặc
người hôn phối của con cái không được mang quốc tịch nước ngoài.
Thứ hai là bãi bỏ quy chế dành riêng 25% ghế trong quốc hội cho
giới quân đội. Hiện nay, đại biểu quân đội có 56 ghế/224 ghế ở Thượng viện và
110 ghế/440 ghế ở Hạ viện. Tổng cộng chiếm 166 ghế/664 ghế bao gồm Thượng và Hạ
viện.
Sự thắng thế của đảng NLD sẽ tạo ra một nền chính trị “cộng sinh”
giữa dân chủ và quân phiệt trong 5 năm tới.
Phe quân đội sẽ liên kết với đảng
USDP để tìm cách ngăn cản những đề nghị cải sửa hiến pháp; nhưng nếu NLD khôn
khéo tạo cho tập thể quân đội sự an tâm, để họ trở về đúng chức năng “bảo vệ”
đất nước sẽ giúp cho Miến Điện tiến những bước rất lớn trên con đường cải cách.
Nỗ lực này nằm trên vai trách nhiệm của bà Ang San Suu Kyi. Vì thế
bà đã quyết định không vận động để ra làm Tổng thống mà muốn đóng vai trò của
người hòa giải.
Mục tiêu của bà Ang San Suu Kyi là muốn sớm chấm dứt giai đoạn
“cộng sinh” giữa dân chủ và quân phiệt để bước sang thể chế dân chủ. Nếu bà Ang
San Suu Kyi thực hiện được trong 5 năm tới, bà sẽ tiếp nối thân phụ trở thành
anh hùng của người dân Miến ở Thế Kỷ 21.
Việt Nam chừng nào?
Tháng 4/2010, Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CSVN đã viếng thăm Miến
Điện, một tuần trước khi CSVN đứng ra tổ chức Hội nghị thượng đỉnh khối ASEAN
tại Hà Nội.
Trong chuyến viếng thăm này, khi trao đổi với ông Thein Sein, lúc
đó đang là Thủ tướng Miến Điện, Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi Miến Điện nên mở
rộng dân chủ và tổ chức bầu cử đa đảng sớm.
Miến Điện đã tổ chức bầu cử tháng 11/2010 và ông Thein Sein từ Thủ
tướng được bầu lên làm Tổng thống, trở thành một nhà cải cách, tạo một bước
tiến rất lớn trên con đường dân chủ hóa Miến Điện.
Trong khi đó, người đưa ra lời khuyên thì lại tiếp tục cố thủ
trong lô cốt độc tài với quyết tâm không chấp nhận dân chủ đa đảng.
Nhưng với sự xuất hiện đa dạng của các tổ chức xã hội dân sự và
nhất là sự mở rộng mạng thông tin lề phải trong những năm gần đây, phong trào
dân chủ tại Việt Nam đang có những bước tiến khởi sắc.
Tuy nhiên, để tạo những bước đột phá cần thiết, đã đến lúc phong
trào dân chủ cần có hai nỗ lực:
Thứ nhất là xây dựng một liên minh chính trị như các lực lượng đối
lập Miến Điện đã ngồi lại thành lập Liên minh quốc gia vì dân chủ vào năm 1988
để tạo những áp lực lên tập đoàn quân phiệt, đưa đến cuộc tổng tuyển cử 1990.
Đương nhiên diễn trình đấu tranh ở mỗi quốc gia khác nhau nhưng xây dựng sức
mạnh chung trong một liên minh chính trị là nhu cầu cần thiết giống nhau.
Thứ hai là tổ chức một hạ tầng quần chúng để có thể tạo thế liên
kết đấu tranh giữa các địa phương và nhất là giải tỏa những áp lực của công an
đè nặng lên một địa phương, giúp cho sức phản kháng có thể lan tỏa trên toàn
quốc. Đây là nền tảng của đấu tranh bất bạo động và đảng NLD đã áp dụng nhuần
nhuyễn trong những năm 2012 đến 2014 để phát triển hạ tầng, dành thắng lợi cho
cuộc bầu cử 2015 vừa qua.
*
Nhìn kết quả bầu cử tại Miến Điện, nhiều người Việt Nam đã tự hỏi
rằng dân ta chừng nào mới có thể cầm lá phiếu trong tay để được tự do chọn lựa
người mà mình tin tưởng?
Cuộc chiến đấu của người dân Miến đã kéo dài 25 năm để dành lại
thắng lợi mà họ đã bị cướp đoạt từ năm 1990. Dân ta đã tốn hơn nửa thế kỷ tranh
đấu nhưng chưa cầm được lá phiếu tự do.
Nếu không tích cực góp phần giải quyết hai nỗ lực nói trên, chúng
ta khó theo kịp dân tộc Miến - không chỉ trên con đường dân chủ hóa mà cả nỗ
lực canh tân trong thập niên tới. Nên nhớ Miến Điện từng là quốc gia có mức
phát triển tương đương với miền Nam Việt Nam vào thập 1960. Nay họ đang từng
bước thoát ách quân phiệt, sẽ vươn lên thành một quốc gia nhất nhì Đông Nam Á.
Lý Thái Hùng
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment