Friday, June 3, 2016

Tin Tong Hop - 03.06.2016......Lời kêu gọi xuống đường tuần hành nhân ngày Quốc Tế Môi Trường 5/6/2016



Các tổ chức xã hội dân sự, chính trị họp mặt tại Nghệ An

Quốc Hiếu / SBTN - 03.06.2016
Vào ngày 02.06.2016, các tổ chức xã hội dân sự, chính trị đã có cuộc gặp gỡ tại Nghệ An, để thảo luận về thực trạng và tiến trình phát triển xã hội dân sự (XHDS) tại Việt Nam

Tham dự buổi gặp gỡ này có khoảng hơn 40 người, trong đó gồm diện Hội Anh Em Dân Chủ, Phong Trào Con Đường Việt Nam, Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam, Hội Cựu Tù Nhân Thanh Niên Công Giáo, Đảng Việt Tân và các nhà hoạt động dân chủ từ khu vực Nghệ An.
Luật sư Lê Công Định diễn giả chính đã khái quát về tình trạng XHDS tại Việt Nam dưới sự kiểm duyệt của nhà nước CSVN. Ông nhấn mạnh đến yếu tố luật pháp, và sự cần thiết của các tổ chức XHDS độc lập cho sự phát triển và năng động của đất nước.
Luật sư Lê Công Định cho rằng người dân cần biết quyền lập hội được quy định trong hiến pháp Việt Nam, để tự tin sử dụng quyền này.
Tham gia thảo luận và trả lời các thắc mắc về các yếu tố khác nhau của tiến trình hình thành XHDS còn có sự đóng góp của các cựu tù nhân lương tâm (TNLT) như Phạm Bá Hải, Lê Thăng Long, Thái Văn Dung, Trần Hữu Đức, Đậu Văn Dương...
Cựu TNLT Thái Văn Dung cho biết: "Cuộc gặp mặt rất cần thiết, vì diễn ra trong bối cảnh nhà cầm quyền cộng sản nắm độc quyền quản lý và điều khiển xã hội ngày càng suy kém, bộc lộ nhiều lỗ hổng. Bên cạnh đó các tổ chức XHDS chưa thực sự độc lập và có đóng góp và tiếng nói đáng kể trong việc xây dựng sự thịnh vượng quốc gia.”
Cựu TNLT Đậu Văn Dương cũng chia sẻ thêm: "Mọi người trao đổi rất nhiệt tình. Cuộc họp dù vắn gọn nhưng đã phác họa những ý chính và chuẩn bị cần thiết cho sự tiến triển sinh động của các tổ chức XHDS trong tương lai.”
Được biết trước đó Luật sư Lê Công Định đã cùng nhiều bạn bè và gia đình TNLT Trần Huỳnh Duy Thức có chuyến viếng thăm anh để mang lá thư các trí thức gởi khuyên anh ngưng tuyệt thực.

Lời kêu gọi xuống đường tuần hành nhân ngày Quốc Tế Môi Trường 5/6/2016
XUỐNG ĐƯỜNG VÌ MÔI TRƯỜNG VÀ QUYỀN ĐƯỢC BIẾT
Đã 2 tháng nay, những bà mẹ không dám cho con mình ăn cá biển.
Đã 2 tháng nay, ngư dân miền Trung ngắc ngoải vì không thể bán hải sản.
Đã 2 tháng nay, trẻ em không dám chơi đùa trên những bãi biển trong xanh.
Và đã 2 tháng nay, chính quyền không có câu trả lời minh bạch cho câu hỏi: Vì sao cá chết?
Vì lẽ đó, chúng tôi kêu gọi một cuộc tuần hành rộng khắp cả nước nhân ngày Quốc tế Môi trường – ngày 5/6/2016.
Thời gian: 9 giờ sáng đến 10 giờ 30 phút trưa cùng ngày
HÀ NỘI:
A) Đài phun nước Bờ Hồ;
B) Nhà Hát Lớn (dự phòng nếu điểm A ko tập kết đc)
SÀI GÒN: Công viên 30/4
ĐÀ NẴNG: Công viên 29-3
HẢI PHÒNG: Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng
Tại các tỉnh, thành khác: Ở bất cứ đâu với bất cứ ai có thể xuống đường với trang phục hay biểu ngữ về môi trường!
Lưu ý: Có thể tổ chức những cuộc biểu tình nhỏ bất ngờ ở bất cứ địa điểm và thời gian nào có thể.
Nguồn: Vì Môi Trường Việt Nam

Phụ nữ Mỹ gốc Việt ‘mất tích’ đã được chính phủ VN trả tự do

Cô Dolly Khuu (trái) và em trai. Ảnh chụp màn hình trang web wtkr.com
Cô Dolly Khuu (trái) và em trai. Ảnh chụp màn hình trang web wtkr.com

03.06.2016
Gia đình của cô Dolly Khuu cho biết, chính phủ Việt nam đã trả tự do cho cô sau khi bắt giam khoảng 5 ngày.
Cô Khuu đến Việt Nam cùng Love Foundation, một tổ chức thiện nguyện hỗ trợ cho những người dân ở khu vực nông thôn. Cô Khuu đã đến Việt Nam nhiều lần để làm từ thiện bằng tiền cá nhân và luôn trở về.
Nguyen, em trai của cô Khuu nói anh không biết vì sao cô Khuu bị bắt giam và không biết khi nào cô sẽ trở về.
Người thân cho biết, cô Khuu rời Hampton Roads hôm 11 tháng 5 và dự kiến sẽ trở về vào ngày 27 tháng 5. Tuy nhiên, cô bị bắt giam hôm 26 ở Sài Gòn, chỉ vài giờ trước chuyến bay trở về Mỹ.
Calvin Khuu, con trai cô Khuu nói: “Không biết mẹ tôi ra sao, mẹ tôi ăn gì, mẹ tôi ngủ ở đâu. Không hay biết gì về tình trạng của mẹ tôi thật đáng sợ". 
Cô Khuu đã sống ở Hoa Kỳ 20 năm và gia đình cô có nhiều thành viên trong quân đội.
Cô Khuu thường nói về chính phủ Việt Nam trên mạng xã hội với tên Mã Tiểu Linh và gia đình cho rằng có thể đó là lý do vì sao cô bị bắt giam.
Trước đó, blogger Đoan Trang cũng bị an ninh Việt Nam câu lưu với lý do “liên quan tới các tài liệu ở trên Facebook” và được thả chiều ngày 24 tháng 5, ít lâu sau khi Tổng thống Barack Obama có cuộc gặp với một số thành viên của xã hội dân sự Việt Nam.
Trong bài phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội hôm 24 tháng 5, Tổng thống Obama cho rằng việc cho phép người dân tự do bày tỏ ý kiến, và tiếp cận thông tin chỉ làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Tổng thống Obama nói: “Các quốc gia thường thành công hơn khi người dân được tự do bày tỏ suy nghĩ, được phép hội họp mà không sợ bị trấn áp, hay có thể tiếp cận Internet và mạng xã hội. Bảo đảm các quyền đó không đe dọa tới ổn định mà thực ra còn củng cố ổn định, và là nền tảng cho sự phát triển”.
Theo WTKR, VOA

Linh Mục Lý: ‘Sẵn sàng ở tù thêm 10 lần nữa’

Bùi Quân/Người Việt
02.06.2016, HUẾ (NV) - Trong buổi sáng khi làm thủ tục để được trả tự do, Linh Mục Nguyễn Văn Lý khẳng định với các giới chức công an trại giam rằng ông sẽ tiếp tục ở tù thêm 10 lần nữa cho đến chết nếu còn ba chữ “cấm truyền đạo” trong nội quy.
Linh Mục Nguyễn Văn Lý đang nghỉ ngơi tại nhà hưu dưỡng của tòa Tổng Giám Mục Huế sau khi được nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do hôm 20 Tháng Năm, 2016. Chúng tôi đến thăm ông vào một buổi sáng cuối Tháng Năm, Linh Mục Lý tiếp chuyện khá vui vẻ tại căn phòng nơi ông đang ở, tuy nhiên câu chuyện phải kết thúc sớm vì có nhiều đoàn khách tới thăm ông sau khi ra tù.
Linh Mục Nguyễn Văn Lý tại tòa Tổng Giám Mục Huế. (Hình: Bùi Quân/Người Việt)
Người Việt (NV): Chào Linh Mục Nguyễn Văn Lý, từ khi ra tù đến nay không biết sức khỏe và sinh hoạt của ông như thế nào?
Linh Mục Nguyễn Văn Lý: Cảm ơn, xin kính chào tất cả. Cảm ơn tất cả mọi người giúp đỡ tôi bao nhiêu năm. Hiện giờ tôi chủ yếu bị khòm lưng không đứng thẳng được. Còn ăn uống bình thường, nằm xuống là ngủ liền. (cười)
NV: Nhà cầm quyền có nói lý do vì sao họ trả tự do cho linh mục trước thời hạn?
Linh Mục Nguyễn Văn Lý: Họ nói là chủ tịch nước (Trần Đại Quang - NV) mới lên, còn tôi nói đùa đây là dịp lễ Phật đản. Sau đó, tôi nói nhỏ với một vài người ở gần là các ngài sợ phái đoàn Obama có phái đoàn tiểu ban nhân quyền thăm tôi, mà thăm tôi trong dịp này thì bất tiện cho nhà nước lắm do vấn đề cấm truyền đạo đang gay gắt trong trại giam mà tôi phản đối vấn đề này từ năm 1977 tới nay.
NV: Công an có ép linh mục nhận tội để được trả tự do?
Linh Mục Nguyễn Văn Lý: Họ không thể bắt hay ép và cũng không thể đề cập, vì từ năm 2001 tôi đã không nhận và đến năm 2007 tôi cũng không nhận.
NV: Trong trại giam Hà Nam cán bộ quản giáo có tra tấn tinh thần hay ngăn cản không cho ông thực hành tôn giáo?
Linh Mục Nguyễn Văn Lý: Ngăn cản thực hành riêng tư tôn giáo thì không được, họ đã nới đỡ cho tôi dâng lễ, có kinh để cầu nguyện rồi. Nhưng mà những năm gay gắt họ cấm không cho tôi giải thích về đạo cho anh em gần gũi, mà đem tôi giam riêng.
Còn hai năm vừa rồi nó gay go hơn là những anh em gần tôi mà hỏi về đạo thì bị dọa bị cùm. Hai năm gay gắt này tôi cho anh em mượn các sách về Phật Giáo, về đạo làm người, và về Kitô Giáo nữa.
Và từ năm 2013, họ có nới ra được hai năm, trong khoảng hai năm đó tôi có tặng hoặc cho mượn một số sách Kitô Giáo, và tôi có viết được khoảng vài chục kinh để tặng anh em tù, bây giờ những kinh đó tôi có đem về và dự định tổng hợp lại thành một cuốn sách “Kinh Phúc Con Cha Trời - Lời Mời Đón Của Cộng Đoàn Chứng Nhân Phục Sinh.”
Vấn đề cấm truyền đạo trong trại giam thì gay gắt từ những năm đầu tiên 1977 khi tôi bị bắt, trong đó có nội quy điều 21 “Cấm làm dấu thánh giá, cấm cầu nguyện.” Bọn tôi phản đối, rồi những năm 80, 90 cấm truyền đạo nhưng vì tôi ở chung nên vẫn truyền đạo được.
Nhưng năm 1984, tôi có giúp sáu linh mục (họ gửi vào trong buồng giam tôi) tĩnh tâm một tuần. Sau một tuần đó thì sáu linh mục được phân chia về các đội để lao động, còn tôi bị cùm trong hai năm từ năm 1984.
Từ năm 2001, mỗi năm tôi viết cho họ khoảng bốn lần: “Bao giờ còn ba chữ ‘Cấm Truyền Đạo’ trong nội quy thì tôi sẵn sàng bị bắt thêm 10 lần nữa, ở tù cho đến chết. Tôi rất muốn được qua đời, được đoàn tụ nhà Cha Trời trong trại giam.”
Còn lần này, họ khắc nghiệt còn hơn thời Stalin vì anh em hỏi về đạo đã bị cùm, ngay cả thời gay gắt nhất trước đây có hỏi và nói chuyện được. 
Ngay sáng họ làm thủ tục để thả tôi, tôi vẫn còn viết trong giấy cảm tưởng: “Bao giờ còn ba chữ ‘Cấm Truyền Đạo’ trong nội quy, hiện nay là điều số 11/15, tôi sẵn sàng ở tù thêm 10 lần nữa, đoàn tụ với Cha Trời luôn!”
NV: Nhà cầm quyền CSVN trả tự do cho linh mục trước thời hạn ba tháng và trước chuyến thăm của Tổng Thống Obama chỉ vài ngày, có dư luận cho rằng đây là món quà mà Việt Nam dâng cho Mỹ. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Linh Mục Nguyễn Văn Lý: Tôi không bận tâm vì những thủ thuật chính trị đó, họ lấy tôi ra làm lễ vật hay họ lấy tôi ra làm cái bung xung hay lấy tôi ra làm món quà thì mặc họ, chuyện của họ.
Nhưng mà tôi biết khi họ có ý định như vậy thì mục đích của họ là không phải là món quà mà thôi. Họ tránh tiểu ban về nhân quyền trong phái đoàn Obama. Thường thì có tiểu ban nhân quyền từ 5-10 người, thế nào tiểu ban đó cũng tìm cách thăm tôi trong trại giam, mà thăm tôi trong trại giam trong bối cảnh này thì vấn đề cấm truyền đạo sẽ nổ to trên dư luận quốc tế. Tôi sẽ nói rõ lắm!
Còn bảy phái đoàn quốc tế về nhân quyền từ năm 2011-2015 tôi phải bận tâm để nói hai vấn đề lớn, mà hơn nữa lúc đó họ cũng nới vấn đề truyền giáo nên tôi không tập trung nói vấn đề đó.
Tôi tập trung giới thiệu về Cha Trời là cha chung của nhân loại và nhân loại là một gia đình anh chị em ruột. Thứ hai là tôi cổ vũ ‘Thai nhi quyền’ (Fetal rights). Bởi vì hiện giờ nhân loại phạm tội ác quá lớn, mỗi năm như vậy trục giết các thai nhi từ một, hai ngày tuổi đến tám tháng tuổi khoảng 1 tỉ 200 triệu em. Chưa bao giờ loài người phạm tội ác lớn đến thế, đây là tội cha mẹ giết con hoặc là cha mẹ đồng loã với y bác sĩ để giết con mình thì xã hội băng hoại.
Khi người nữ, người nam đã giết con mình rồi, thì tất cả tội ác khác họ làm chỉ coi như cái móng tay vì vậy xã hội sẽ băng hoại dây truyền.
Tôi coi vấn đề ‘Thai nhi quyền’ quan trọng, khẩn cấp hơn cả chống khủng bố cực đoan, quan trọng hơn vũ khí hạt nhân hay trái đất nóng lên. Vì vậy mà bảy phái đoàn nhân quyền trong suốt năm năm thăm tôi tôi tập trung nói hai vấn đề lớn đó.
Mà hơn nữa hoàn cảnh đó chưa căng về tôn giáo, còn bây giờ khi căng lên về vấn đề cấm truyền đạo trong trại giam thì chưa có phái đoàn nào thăm cả. Vì vậy, họ đoán là nếu phái đoàn đó thăm tôi trong bối cảnh này thì vấn đề đó sẽ được nổ to giữa dư luận quốc tế nên họ lo thả trước.
Còn bây giờ thả về rồi, phái đoàn của ông Obama phải đi theo hộ chiếu ngoại giao. Nếu đi riêng, có khi không đi theo chuyên cơ tổng thống, thì muốn ghe thăm tôi phải làm thủ tục qua nhà nước rất phức tạp, qua Bộ Ngoại Giao, Tổng Cục An Ninh, Bộ Công An, qua Ủy Ban Mặt Trận thì những thủ tục rườm rà như vậy chưa chắc tiểu ban đó đã hoàn thành để vào thăm tôi kịp. Có thể họ tiên liệu như vậy và cho tôi về trước, nên tôi chẳng là món quà gì của ai cả.
Tôi không đủ trình độ để phân tích về tổng thống, nhưng tôi nghe chính phủ Hoa Kỳ đề nghị thả 80 tù nhân lương tâm nhưng họ chỉ thả một mình tôi thôi.
Linh Mục Nguyễn Văn Lý. (Hình: Bùi Quân/Người Việt)
NV: Bức ảnh một viên công an thường phục bịt miệng linh mục trong phiên tòa năm 2007 được lan truyền rộng khắp sau đó, minh chứng cái gọi là tự do dân chủ ở Việt Nam. Ông có thể cho biết một chút về khoảnh khắc này?
Linh Mục Nguyễn Văn Lý: Tôi đọc thơ, vì tôi biết tôi phát biểu phân tích về những điều phê phán nhà nước Việt Nam lúc đó thì mình chỉ nói được một vài câu thì họ cắt micro không cho nói. Những lần trước cũng như vậy cho nên tôi đọc thơ. Đọc được hai câu thì họ bịt miệng, tôi đọc tiếp thì họ bịt miệng, đọc như thế được sáu lần.
Đến lần thứ sáu thì hai tay bị họ kềm chặt rồi, tôi còn hai chân mà đang tuyệt thực ngày thứ tám. Tôi chỉ đá tượng trưng vào vành móng ngựa, tôi đứng xa cách hai mét không thể đá trúng vành móng ngựa được. Nhưng họ đạo diễn cho hình ảnh vành móng ngựa chạy một khúc thì đó là xảo thuật vi tính không phải sự thật.
NV: Linh mục có thể cho biết dự định sắp tới của mình?
Linh Mục Nguyễn Văn Lý: Hiện giờ tôi về đang chữa bệnh chưa được bình thường, mà khách của tôi đến thăm cũng khá tấp nập hầu hết là các giáo dân nghèo, có những giáo xứ mà tôi ở khi quản chế, hoặc tôi có chăm sóc họ đôi chút.
Rồi chung quanh thành phố này họ thăm tôi thì tôi tập trung để giới thiệu Chúa, kinh nghiệm của tôi gặp gỡ Chúa, rồi nhờ họ ngăn ngừa việc phá thai, hoặc ngừa thai trái tự nhiên.
Còn những việc khác thì hiện giờ tôi chưa đủ dữ liệu quan tâm để làm gì cả vì vừa mới trong tù ra chưa nắm được tình hình xã hội phức tạp, nghe đâu bây giờ là “trăm hoa đua nở.” Tôi phải có thì giờ thống kê thử xem trăm hoa gì, loại hoa nào nở, hoa nào tàn, cho nên bây giờ tôi chỉ tập trung để giới thiệu Chúa thôi.
NV: Thưa linh mục, trong cuộc đời của ông bị tù đày bao nhiêu lần và lý do tại sao?
Linh Mục Nguyễn Văn Lý: Tôi bị tù sáu lần, một lần là ở dưới chế độ Sài Gòn, do tôi thực tập làm nghề trong một dòng Triều Đệ, thì cảnh sát kiểm tra giấy tờ. Tôi không có nên họ bắt tôi vào tạm giam ở Quận 8, sau đó đưa tôi vào quân trường Quang Trung, phát quần áo quân phục để làm lính. Tôi đã đi tập một thời gian nhưng chưa cầm súng. Anh tôi đi tìm giấy tờ sổ tu sĩ chủng sinh và đem giấy tờ tới quân trường lãnh tôi về là sáu tháng.
Còn dưới chế độ Cộng Sản này là năm lần. Cuộc đời tôi làm tu sĩ hơn 42 năm 1 tháng, tôi chỉ làm việc cho giáo hội bổ nhiệm được sáu năm còn lại tất cả đều ở tù hoặc quản chế, và tôi nói đùa là tôi được giáo hội bổ nhiệm sáu năm còn lại tất cả là do chúa Giê-su trực tiếp bổ nhiệm mà không phải viết bổ nhiệm trên giấy thường mà viết trên giấy vàng chín số chín.
Tôi coi thời gian được giam là thời gian nhận nhiệm sở mới, nhiệm sở đặc biệt. Nên tất cả trại giam ba nhiệm kỳ cán bộ, anh em tù nhân là những linh hồn mà tôi cầu nguyện cho họ nên tôi đi tù cũng như đi coi sứ thôi. Bây giờ tôi về lần cuối cùng này, tôi rất tiếc là không đủ sức khoẻ để vô lần thứ bảy nữa. (cười)
NV: Cảm ơn linh mục đã trả lời phỏng vấn của chúng tôi, chúc ông sức khỏe và bình an.
Linh Mục Nguyễn Văn Lý: Xin kính chào và cảm ơn tất cả đã giúp đỡ tôi cũng như hiệp thông với tôi rồi vận động cho tôi để tôi được sớm về. Tôi cảm ơn và hứa cầu nguyện cho quý vị bà con suốt đời tôi, mà không những thế sau này lên thiên đàng vẫn tiếp tục cầu nguyện cho mọi người.

Obama và giấc mơ của chúng ta

Th.S Nguyễn Tiến Trung Gửi cho BBC Tiếng Việt từ Sài Gòn
  • 28 tháng 5 2016
 
Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới VN đã gây ra một cơn sốt, theo tác giả.
Những ngày qua, tin tức, bình luận về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới Việt Nam hầu như phủ hết cả truyền thông trong và ngoài nước. Thậm chí có người còn gọi là “Obamania” hay “cơn sốt Obama”.
Tôi thì chú ý đặc biệt đến bài diễn văn của Tổng thống Obama vì nó thể hiện rõ thông điệp của ông tới người dân cũng như tới nhà cầm quyền. Bài diễn văn tuyệt hay mà tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần. Nó bao quát hầu như toàn bộ các vấn đề vĩ mô của Việt Nam và quan hệ Việt Mỹ.
Với vị thế của ông, với sự hâm mộ của người dân Việt Nam dành cho ông, khi được phát biểu công khai, Obama đã ảnh hưởng tới hàng triệu người, thậm chí hàng chục triệu người dân Việt.
Không một ai trong giới cầm quyền của Việt Nam có thể làm được như vậy. Cũng không có ai trong giới đấu tranh dân chủ có thể làm được như vậy.
Tầm quan trọng của quyền công dân, quyền con người như quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp, tự do ứng cử và bầu cử thì người dân các nước khác được học ngay từ trường học nhưng còn lạ lẫm ở Việt Nam. Do đó, diễn văn công khai của Tổng thống Obama có tác dụng khai phóng rất lớn cho cả viên chức trong chính quyền lẫn dân thường.

Rất nhiều người đã phân tích và ca ngợi nhiều điểm trong bài diễn văn của ông Obama. Trong bài viết này tôi chỉ phân tích về tầm nhìn để đi tới dân chủ hóa đã được gói ghém đầy ẩn ý trong bài diễn văn.

Đối tác không đối địch

Hai cựu thù Việt - Mỹ đã bình thường hóa quan hệ từ lâu và hiện nay là đối tác toàn diện của nhau. Vậy thì tại sao đến giờ này các lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam vẫn chưa “bình thường hoá quan hệ” với chính đồng bào của mình?
Tại sao nhà cầm quyền vẫn nhìn nhân dân như kẻ thù, nhìn đâu cũng thấy “thế lực thù địch”? Tại sao dân thực hiện các quyền hiến định của mình như tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do ứng cử thì ra sức ngăn chặn, đàn áp?
Nói đi cũng phải nói lại, một số người vẫn đòi phải “trả thù”, “tiêu diệt Cộng sản”, đòi loại bỏ hoàn toàn đảng cộng sản. Điều này đã tạo cớ cho thành phần cơ hội, bảo thủ trong đảng cộng sản lo lắng và quyết tâm bảo vệ chế độ chuyên chính tới cùng. Lòng thù hận đó khiến họ có cớ để dán nhãn “thế lực thù địch” cho bất kì ai có chính kiến khác với đảng cộng sản.

Cực Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush 'rất dễ mến' và 'hòa đồng', theo tác giả.
Tôi xin kể lại một kỉ niệm của tôi với ngành an ninh. Trong thời gian tôi bị bắt, một sĩ quan an ninh đã kể cho tôi nghe về kỉ niệm khi ông được giao nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống Mỹ George W.Bush vào tháng 11 năm 2006 tại Sài Gòn. Ông nói Tổng thống Bush rất dễ mến và hòa đồng, ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn, ông Bush đã cầm đầu lân nhảy múa với các em nhỏ.
Người sĩ quan an ninh này nói phong cách gần gũi của Tổng thống Bush khác xa với dàn lãnh đạo của đảng cộng sản cứ “một bước là ngựa xe, đứng đi quân hầu chật” (thơ Phùng Quán) mà ông và các sĩ quan an ninh khác có nhiệm vụ bảo vệ.
Tổng thống Mỹ Bush đã khiến người sĩ quan an ninh này trở nên hâm mộ “nền dân trị Mỹ” (tựa sách của Alexis de Tocqueville).
Cũng trong thời gian tôi bị bắt, có sĩ quan an ninh đã bỏ nghề vì nhận ra lý tưởng xã hội công bằng của đảng cộng sản đã bị phản bội. Ông không chấp nhận phải làm những việc bất lương, bức hiếp dân lành, đàn áp nhân sĩ, trí thức dân chủ.
Nói như vậy để thấy rằng ngay cả những sĩ quan an ninh, “thanh gươm và lá chắn” cho chế độ, cũng nhận thức được rất rõ nhu cầu bức thiết phải dân chủ hóa đất nước. Họ cũng muốn được sống tự do, được là chính mình, không phải làm những việc trái pháp luật, trái lương tâm.

Người Việt là đồng bào

Tổng thống Obama đã chỉ ra cách thức để hai bên, một bên là đảng viên cộng sản, kể cả các sĩ quan an ninh, và một bên là người dân thường, kể cả giới đấu tranh dân chủ có thể cùng nhau đi tới để chuyển hóa đất nước qua việc nhắc lại lời của thiền sư Thích Nhất Hạnh: cả hai bên đều cần thay đổi để đối thoại chân thành với nhau.

Thay đổi đó là gì, đó là không nên coi nhau là kẻ thù hay “thế lực thù địch” mà là bạn bè, và đúng hơn nữa, là đồng bào.
Ngay cả khi giới lãnh đạo cộng sản không dám đưa tay ra bắt thì phía những người dân, mà tiên phong là giới đấu tranh dân chủ, hãy chủ động chìa tay ra trước một cách chân thành.
Đảng ANC và Nelson Mandela ở Nam Phi đã làm được chuyện đó. Đảng NLD và Aung San Suu Kyi ở Miến Điện cũng đã làm được như vậy.
Điều đó đòi hỏi tính kiên nhẫn và bao dung rất lớn, cũng như đòi hỏi lực lượng dân chủ ôn hòa, nghĩa là kể cả các đảng viên cộng sản và các sĩ quan an ninh thật sự vì nước vì dân, phải hết sức đông đảo để hậu thuẫn cho sự chuyển đổi dân chủ trong hòa bình.
Tổng giám mục Desmond Tutu ở Nam Phi đã nói: “Không có tha thứ sẽ không có tương lai. Tha thứ không phải là cái gì mang tính thiêng liêng mơ hồ. Điều đó là chính trị thực tiễn.”
 Ông Obama giao lưu với công chúng trong chuyến thăm Việt Nam mới đây từ 23-25/5/2016.
Tổng thống Obama cũng khẳng định lại điều đó trong bài diễn văn: “khi nhiều cuộc tranh chấp tưởng chừng không thể giải quyết được, tưởng chừng như sẽ không bao giờ kết thúc, chúng ta đã chỉ ra rằng con tim có thể làm thay đổi và có thể có một tương lai khác, khi chúng ta không chấp nhận làm tù nhân của quá khứ nữa.
"Chúng ta đã chỉ ra rằng hòa bình có thể tốt hơn chiến tranh đến mức nào. Chúng ta đã chỉ ra rằng tiến bộ và nhân phẩm được thúc đẩy mạnh mẽ nhất bằng hợp tác chứ không phải bằng xung đột.”

Tại sao không làm được?

Khởi điểm để đối thoại chính là những điểm mà tất cả các bên đều đồng thuận, đó chính là “nhân dân làm chủ”, là những quyền công dân, quyền con người hết sức căn bản đã ghi trong hiến pháp do chính đảng cộng sản ban hành như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội và hội họp, tự do ứng cử và bầu cử.
Tổng thống Obama cho rằng “việc duy trì những quyền này là biểu hiện đầy đủ nhất của nền độc lập mà rất nhiều quốc gia trân trọng”. Rõ ràng là như vậy vì không thể nói một quốc gia độc lập mà nền chính trị lại phụ thuộc vào chỉ duy nhất một đảng, người dân không có tự do.
“Hai nước chúng ta từng đánh nhau nhưng giờ đây sát cánh bên nhau để giúp đỡ những nước khác cùng đạt được hòa bình” (Obama). Vậy thì tại sao cùng là đồng bào với nhau, người Việt Nam lại không làm được như vậy?

Dù chính kiến có khác nhau, dù đã từng đi đàn áp hay từng bị đàn áp, chúng ta vẫn có thể cùng nhau “dựng lại người, dựng lại nhà” (Trịnh Công Sơn).
Đa nguyên nhưng phải hợp tác để cùng nhau xây dựng lại đất nước, cùng nhau kiến tạo một Việt Nam tương lai dân chủ, giàu mạnh. Đó chính là con đường đất nước này phải đi, đó chính là con đường Việt Nam.
Dù vậy, cũng cần phải thực tế như Tổng thống Obama đã nói: ”việc hiện thực hóa hoàn toàn viễn cảnh tôi vừa mô tả hôm nay sẽ không xảy ra ngay lập tức, và nó cũng không phải là tất yếu. Sẽ có những vấp váp và những bước lùi trên đường đi. Sẽ có những lúc hiểu lầm. Cần phải có những nỗ lực bền bỉ và đối thoại chân thành để hai bên đều tiếp tục thay đổi.”
Tổng thống Obama cũng mượn bài hát Nối Vòng Tay Lớn của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn để nhắc chúng ta: “mở rộng lòng mình và nhìn thấy tình người của chúng ta trong nhau”.
Image copyright JIM WATSON AFP Getty Images
Image caption Tổng thống Obama có cuộc tiếp xúc với một số cá nhân, tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam trong chuyến thăm ba ngày.
Sĩ quan an ninh và giới đấu tranh dân chủ sẽ nối vòng tay lớn với nhau, đảng viên cộng sản và dân thường cũng sẽ nối vòng tay lớn với nhau. Người Việt đoàn kết thì nước Việt sẽ dân chủ, giàu mạnh.
Để kết bài, tôi xin nhắc lại lời của ông Obama: “Tài năng của các bạn, nghị lực của các bạn, những giấc mơ của các bạn – chính là trong những thứ đó, Việt Nam có tất cả những điều mà đất nước này cần để trở thành phồn vinh. Các bạn nắm trong tay vận mệnh của mình. Đây là thời khắc của các bạn.”
__._,_.___

Posted by: ly vanxuan

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-12/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link