Việt Nam Hậu Obama
Hoàng Tứ Duy - Asia Sentinel
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama có thể thúc đẩy sự thay
đổi trong nước trong khi đẩy Hà Nội ra khỏi Bắc Kinh.
Khi Tập Cận Bình viếng thăm Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái, ông
đã được chào đón với 21 phát đại bác của giới chủ nhà và các cuộc biểu tình của
các nhà đấu tranh dân chủ. Người Việt Nam không xếp hàng trên đường phố để xem
nhà lãnh đạo Trung Quốc này và không có thông tin nào về giới trẻ Việt Nam kêu
xin để chụp ảnh “selfie” với ông Tập.
Trong chuyến viếng thăm Việt Nam trong tháng này, Tổng thống
Barack Obama không được dành cho những lễ nghi hoa mỹ mà ông Tập nhận được, nhưng
Tổng thống Hoa Kỳ đã được nhiệt liệt chào đón bởi hàng ngàn người Việt bất cứ
nơi nào ông đi qua. Truyền thông Việt Nam đã tràn ngập hình ảnh của ông Obama
tiếp xúc với người dân bình thường và video về những buổi nói chuyện của ông đã
được chia sẻ với trên 35 triệu người dùng trên mạng xã hội Facebook.
Tổng thống Obama nói chuyện với giới trẻ thuộc YSEALI ngày
25-5-2016.
Tất cả điều này nói lên gì? Các nhà phân tích có xu hướng tập
trung vào quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí của ông Obama và điều đó có thể báo trước
quan hệ Mỹ-Việt ra sao. Nhưng có một số điều cơ bản hơn trong mối quan hệ song
phương với hàm ý cho các chính sách đối ngoại và đối nội của Việt Nam.
Thắng lợi của quyền lực mềm
Có lẽ hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, Việt Nam là nơi quyền
lực mềm của Hoa Kỳ đã chiến thắng. Các cuộc thăm dò về ý kiến công luận liên
tục lưu ý mức độ giới “đường phố" Việt Nam có cái nhìn thiện cảm về Hoa
Kỳ. Trong một cuộc khảo sát trực tuyến của người dùng Facebook Việt, 92 phần
trăm số người được hỏi bày tỏ mong muốn trở thành đồng minh với Hoa Kỳ trong
khi chỉ có 1 phần trăm muốn vậy với Trung Quốc.
Với gần 20.000 sinh viên Việt hiện đang du học tại Hoa Kỳ và còn nhiều
sinh viên khác cũng muốn đi, Việt Nam gần như không thể tránh khỏi sự chuyển
hướng về Hoa Kỳ. Ngoài việc là biểu hiệu của cơ hội và tự do, Hoa Kỳ không có ý
đồ nào về chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Và dường như tất cả mọi người ở Việt
Nam đều có người họ hàng sống ở California.
Cho đến gần đây, việc giới lãnh đạo Hà Nội lưỡng lự khi muốn đến
gần Hoa Kỳ, cùng với hồ sơ nhân quyền tồi tệ của họ, đã là điều ngăn cản mối quan
hệ ấm nồng hơn. Ngay cả trong những năm gần đây, truyền thông nhà nước và các
nhà lãnh đạo cộng sản cao cấp thường thỉnh thoảng quay trở lại những luận điệu
cũ và xỉ vả chống “đế quốc” Hoa Kỳ. Nhưng sau khi cơn sốt Obama đến Việt Nam -
bao gồm cả các cuộc họp thân mật với các lãnh đạo cao cấp - sẽ rất là khó cho
Đảng Cộng sản để tiếp tục dùng lá bài chống Hoa Kỳ.
Tổng thống Obama gặp gỡ các nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội
hôm 24-5-2016. Một số nhà hoạt động khác bị ngăn cản, trong đó có Ts. Nguyễn
Quang A, Ls. Hà Huy Sơn, nhà báo Đoan Trang và blogger Thảo Teresa
Mặc dù không được bầu, lãnh đạo cộng sản Việt Nam không phải là
không bị ảnh hưởng bởi áp lực quần chúng hoặc quan điểm của tầng lớp đảng viên.
Với lợi ích Mỹ-Việt phần lớn giống nhau trên các chủ điểm quan trọng và tinh
thần chống Mỹ trước đây của chế độ bị gạt sang bên bởi nguồn cảm tình thân Mỹ
dồi dào, trông mong Việt Nam sẽ xoay trục sang Hoa Kỳ.
Tuyến đường đi có thể
không luôn luôn suông sẻ, nhưng ngày càng thấy rõ là Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ
phải tự kéo ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc.
Vì Hà Nội đòi, cho nên bản tuyên bố chung Mỹ-Việt cam kết cả hai
nước đều tôn trọng "hệ thống chính trị của họ, độc lập, chủ quyền và sự
toàn vẹn lãnh thổ." Cách dùng chữ về hệ thống chính trị là để trấn an giới
lãnh đạo Hà Nội lo lắng về ý định của Hoa Kỳ.
Phê phán thận trọng
Và cũng giống như một vị khách lịch sự, chính quyền Obama đã cẩn
thận để không làm mất lòng. Các viên chức Hoa Kỳ đã thúc giục để có cải thiện
nhân quyền cụ thể trong những tháng trước chuyến thăm của tổng thống, nhưng
cuối cùng không thấy gì nhiều ngoại trừ việc thả tù Linh mục Công giáo Nguyễn
Văn Lý ba tháng trước khi kết thúc thời hạn tù 8 năm của ông; những cải thiện
"khiêm tốn" mà ông Obama nhắc đến chủ yếu là những ý định của chính
quyền Hà Nội để thực hiện cam kết cải cách pháp luật.
Không giống như các cuộc họp với các nhà đối kháng trong chuyến đi
Cuba gần đây của Tổng thống Obama, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội thậm chí còn
không bảo đảm rằng những người bảo vệ nhân quyền được mời gặp ông Obama sẽ có
thể rời được nhà của họ. Sau cuộc họp với các nhà lãnh đạo xã hội dân sự vào
ngày 24 tháng 5, Tổng thống Obama cho biết một số nhà hoạt động "đã bị
ngăn cản không cho đến vì nhiều lý do" nhưng đã dằn lại không chỉ trích
thẳng thừng nhà cầm quyền. Việc thiếu áp lực công khai về nhân quyền đã bị
nhiều nhà bình luận và các nhóm nhân quyền chỉ trích.
Tuy thế các cam kết của Hoa Kỳ về cởi mở chính trị và tự do thì
rất rõ ràng. Các cuộc họp với xã hội dân sự, mặc dù các nhân vật chính được mời
bị ngăn chặn tham dự, gồm có các nhân sự thuộc xã hội dân sự thật sự, không
phải các đại diện của các tổ chức NGO do chính phủ lập ra. Hơn nữa, sáu nhà
hoạt động Việt được tham dự đã có một thời gian họp mặt ấn tượng. Ngoài ông
Obama, ngồi quanh bàn là Bộ trường ngoại giao Hoa Kỳ, Cố vấn an ninh quốc gia,
Phó cố vấn an ninh quốc gia, và Đại sứ.
Trong bài phát biểu công cộng, ông Obama đã trình bày lập luận
thuyết phục cho nhân quyền và một xã hội mở. Trong bài phát biểu trực tiếp của ông
với nhân dân Việt Nam và buổi họp mặt vào ngày hôm sau với các nhà lãnh đạo
trẻ, ông Obama khẳng định một điều hiển nhiên là người dân Việt Nam nên tự
quyết về xã hội của mình. Ông đã không sử dụng loại ngôn ngữ "cách mạng
màu" gây sợ hãi cho giới lãnh đạo cộng sản, nhưng ông nói rất rõ ràng rằng
tương lai của đất nước Việt Nam là tùy thuộc vào người dân.
Tổng thống Obama trò chuyện với người dân dưới mưa
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama cũng cho thấy sự tương
phản nổi bật giữa một nhà lãnh đạo được bầu lên một cách dân chủ và những người
không vậy. Nhiều người Việt Nam đã kinh ngạc bởi cách ông Obama thoải mái nói
chuyện với báo chí trong khi đối tác của mình, một Trần Đại Quang cứng đờ, trả
lời các câu hỏi được sắp sẵn bằng cách đọc trực tiếp từ giấy.
Ông Obama biểu lộ biệt tài giao tiếp với đám đông qua việc ra
ngoài ăn tối trong khu phố cổ của Hà Nội và sau đó bước ra khỏi xe hộ tống mình
trong mưa để thăm một gian hàng ngoài trời. Phương tiện truyền thông nhà nước
đưa tin những sự kiện này với sự ngưỡng mộ, ngụ ý rằng các nhà lãnh đạo Việt
Nam hiện tại không giao tiếp với người dân với cùng cung cách đó.
Phản ứng của Trung Quốc
Xét theo phản ứng của Trung Quốc, có vẻ như Bắc Kinh cũng cảm nhận
được một mẫu mực mới. Cho đến nay quan điểm chính thức của Bắc Kinh là làm nhẹ
mọi khác biệt với Hà Nội. “Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng núi sông liền
dải”, Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố thế.
Tuy nhiên với lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ, quả thật là đáng nói
khi Việt Nam mua các giàn rađa tối tân và các thiết bị quân sự khác của Hoa Kỳ.
Nhưng đáng nói hơn là cảm nghĩ sâu rộng trong nước bảo đảm cho sự chuyển hướng
quan hệ ngoại giao.
Điều này có tiềm năng hỗ trợ cho thay đổi chính trị ngay trong
nước. Nhiều người Việt đã chăm chú xem trực tiếp trên TV chương trình gặp gỡ của
ông Obama trả lời các câu hỏi không sắp đặt trước của giới trẻ. Theo lời của
một người trẻ sau sự kiện này, “Tôi không mong Tổng thống Obama giải quyết các
vấn đề của Việt Nam, nhưng tôi muốn biết tại sao quốc gia của chúng ta không
thể nảy sinh ra những người như thế.”
Nguồn: Asia Sentinel
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment