Monday, May 7, 2012

Suy tư ngày Quốc Hận lần thứ 37

Suy tư ngày Quốc Hận lần thứ 37

 

Hàn Giang Trần Lệ Tuyền

 

 Mở để nghe am thanh & nhạc

 

 

Ba mươi bảy năm dài đã trôi qua, ba mươi bảy lần người dân của nước Việt Nam Cộng Hòa đã tưởng niệm ngày Quốc Hận: 30 tháng Tư năm 1975.

 

Kể từ một ngày tang thương ấy, cho đến hôm nay, mỗi lần nhìn lại những hình ảnh, những đoạn phim chạy giặc, và vượt thoát ngục tù Cộng sản, trên những con đường đầy gian nguy, hàng triệu người đã đánh đổi cả sinh mạng của mình để mưu tìm lấy sự tự do. Những đau thương trùng trùng, chất ngất ấy, mà cho dẫu có gom hết nước của đại dương để pha thành mực viết, và có gom hết tất cả ngôn từ của nhân loại để viết, thì cũng không làm sao có thể diễn đạt cho vừa, với những đớn đau, những cực hình khôn tả, của những nạn nhân đã từng quằn quại dưới những bàn tay sắt máu của đảng Cộng sản Việt Nam. Những nạn nhân ấy, có người đã chết ở trong và ngoài các nhà tù “cải tạo”,  hoặc ở các “vùng kinh tế mới”, hay trên những hành trình trốn chạy Cộng sản.

 

Ba mươi bảy năm rồi, những hình ảnh đau thương ấy vẫn còn khắc ghi tận trong tâm khảm của những người là nạn nhân trực tiếp, hay đã từng chứng kiến. Do vậy, hằng năm, cứ đến ngày 30/4, thì cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng sản tại hải ngoại đều có những cuộc biểu tình và tưởng niệm ngày Quốc Hận, là mối Hận mất Nước: Hận vì đảng Cộng sản Việt Nam, là đảng cầm quyền của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã ngang nhiên vi phạm các hiệp định mà chính họ đã ký kết, như Hiệp định Paris, 1973, về Việt nam, đã dùng vũ lực xua quân cưỡng chiếm đất nước Việt Nam Cộng Hòa; để rồi sau đó, họ đã dùng bạo lực Cộng sản để bỏ tù, hành hạ, khiến cho một số người đã phải bị chết hoặc trở thành tàn phế; đồng thời đã áp đặt sự thống trị lên trên đầu của tất cả người dân của nước Việt Nam Cộng Hòa.

 

Và cũng kể từ ngày Quốc Hận 30/4/1975. Ngày mà những đồng bào ở bên kia Vĩ Tuyến, trước khi tìm vào miền Nam để thăm những người thân đã trốn chạy Cộng sản từ sau hiệp định Genève 20/7/1954. Những người này, đã từng gói ghém những chiếc bát, chiếc áo cũ… để cho con, cháu, vì nghe “bác-đảng nói ở miền Nam đói khổ vô cùng”!

 

Và cũng từ đó, người dân của miền Bắc đã biết được đời sống tự do, no ấm của người dân của nước Việt Nam Cộng Hòa. Họ đã hiểu được những trò tuyên truyền dối trá của đảng Cộng sản. Nhưng tiếc rằng, họ cũng chẳng biết làm gì hơn, mà chỉ biết phải cùng chung số phận!

 

Ba mươi bảy năm qua, người ta thường gọi là “chiến tranh đã chấm dứt”. Thế nhưng, tại sao trên quê hương Việt Nam vẫn có hàng ngàn công an, quân đội, mũ giáp, trang bị đầy đủ vũ khí trong lúc xông vào nhà cửa của người dân lương thiện tại Tiên Lãng, tại Văn Giang để đập phá, để đánh hội đồng những người dân hiền lành vô tội, khi trong tay của họ không hề có một vật gì khác ngoài tấm lòng tha thiết để bảo vệ miếng đất, thửa ruộng, mà đã do chính mồ hôi, nước mắt của họ đã đổ ra để khai phá?!

 

Những thảm cảnh, những oan khiên này đã xẩy ra, và sẽ con tiếp diễn ở bất cứ một nơi nào trên cả ba miền đất nước. Những nhà tù ở khắp nơi, khắp chốn luôn luôn sẵn sàng để nuốt trọn, có thể cho đến chết  những người yêu nước chân chính đã và đang đấu tranh CHỐNG CỘNG THỰC SỰ, để giành lại quê hương, và giải cứu đồng bào thoát vòng nô lệ.

 

Những hình ảnh hoàn toàn trung thực ấy, đã hiển nhiên, mọi người đều biết; đặc biệt là những người Việt tỵ nạn tại hải ngoài lại càng thấy, biết một cách rất rõ ràng hơn qua các trang mạng thông tin toàn cầu.

 

Thế nhưng, tại sao, mỗi năm đều có những người đã từng vỗ ngực, tự xưng mình là “chống cộng - đấu tranh”; song họ chẳng thiếu được những tháng ngày rong chơi, “du lịch”, để làm những “Việt kiều”, để sống vui chơi trên những mảnh đời đau khổ, nhục nhằn của đồng bào khốn khổ tại Việt Nam?!

 

Không một ai có thể phủ nhận rằng, trở về Quê Hương là những ước mơ luôn luôn ấp ủ trong mọi trái tim của những con dân nước Việt đang sống đời tỵ nạn Cộng sản tại hải ngoại. Ai cũng nhớ người thân, bằng hữu, cũng thương Quê Hương cả. Nhưng ngày trở về như thế nào, để thấy lòng mình thanh thản, để không bị người đời khinh rẻ, là những điều cần phải nghĩ tới, phải cân nhắc trước sau.

 

Riêng người viết bài này, kể từ phút giây nhìn thấy dãy Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng,  dần dần mờ xa theo những dòng nước mắt, rồi khuất hẳn khi con thuyền tách bến ra khơi, thì người viết đã đổ gục ngay xuống lòng thuyền, không thốt nổi nửa lời, vì biết mình đã thực sự rời xa đất nước thân yêu!!!

 

Kể từ giây phút ấy, cho đến tận bây giờ, trong tâm của mình không hề nguôi nỗi nhớ Quê Hương. Người viết đã thương và nhớ đến từng viên sỏi, từng ngọn cỏ của quê Hương. Có những đêm về trong những giấc mơ, người viết vẫn thấy từng khung góc ô kẻ của từng bậc tam cấp của con ngõ dài lát đá xanh của căn nhà xưa cũ; người viết luôn nhớ  đến khóm trúc ở góc nhà, nhớ cả cây Thiên Mộc Lan, mà ngày xưa còn bé, là nơi mình thường ngồi tựa vào để nhìn những đàn bướm đủ sắc mầu, thường  bay về tìm đậu trên các cành hoa Quy Điệp!!!

 

NHƯNG, tất cả những nỗi nhớ ấy, không làm sao khiến cho người viết có thể trở về khi những đồng bào ruột thịt của mình vẫn còn sống trong đau khổ; mà người viết đã tâm nguyện rằng, sẽ trở về khi trên Quê Hương Việt Nam đã không còn bóng cộng thù như một bài hát: Anh vẫn mơ một ngày về,  như sau đây:


Anh vẫn mơ một ngày nào

quê dấu yêu không còn cộng thù

Trên con đường mòn, sau cơn mưa chiều,

Anh ôm đàn dìu em đi dưới trăng.


Ta đứng yên nghe rừng thì thầm.

Ta ngước trông sao trời thật gần.

Anh ôm cây đàn,

Anh buông tơ trầm.

Em ca bài mừng Quê Hương Thanh Bình.


Rồi bình minh tới anh đưa em về làng

Này bà con đón kìa anh em chào mừng

Thôn quê tưng bừng,

Muôn chim reo hò hát mừng người

vừa về sau chiến chinh.


Rồi hoàng hôn xuống ta say men rượu nồng

Họ hàng trong xóm thay nhau nhen lửa hồng

Sương giăng mịt mùng

Đêm sâu chập chùng xóa ngục tù xiềng gông bao năm.


Anh vẫn mơ một ngày nào anh với em chung tình bạc đầu.

Trên quê hương nghèo. Trong khu rừng già.

Trước mái nhà Cờ Vàng bay phất phơ.


Bên mái hiên ta ngồi chuyện trò.

Khoai nướng thơm hương tình ruộng đồng.

Con thơ ngoan hiền ê a đánh vần

“Vê en-Nờ” là Việt Nam kiêu hùng.


Rồi ngày con lớn con ca vang tình người

Hòa bình no ấm con ca vang tình đời

Thay cho Cha già

Suốt cuộc đời hòa lời ca đấu tranh.


Rồi ngày con lớn con đi xây cuộc đời

Màu Cờ Tổ Quốc con tô thêm rạng ngời

Quê Hương Thanh Bình

Muôn dân yên lành sống cuộc đời tự do muôn năm!!!

 

Ước mơ là như vậy, nhưng đáng buồn thay! bởi vì, cho đến hôm nay, ba mươi bảy năm dài đã trôi qua, mà con đường quang phục quê hương xem chừng vẫn còn đang mịt mờ, vẫn chưa thấy được một giải pháp nào hầu có thể rút ngắn con đường cứu nước, cứu dân đang trong cơn hoạn nạn tại quê nhà.

 

Và đó, là những điều đã khiến cho không phải riêng ai, mà chắc của nhiều người, khi nhìn thấy từng ngày những cảnh của công an Cộng sản lại càng tăng thêm những cuộc đàn áp vô cùng bạo ngược đối với đồng bào ruột thịt của chúng ta, là những nạn nhân trực tiếp, hiện đang phải sống dưới ách thống trị của đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Chính vì những lẽ ấy, mà người viết cứ thầm nghĩ rằng: Ba mươi bảy năm qua rồi, chúng ta “không thể ngồi yên, khi nước Việt đang ngả nghiêng, dân tộc ta sắp phải đắm chìm…”; chúng ta không thể chỉ có những bài viết, những vần thơ than mây khóc gió, kể lể những nỗi khổ đau, những nỗi nhung nhớ mãi, mà  “phải đứng lên tự cứu”. Vì chính ngày nào đảng Cộng sản Việt Nam còn cướp và nắm giữ quyền cai trị đất nước trong tay, thì mối Hận ngày càng thêm chồng chất!!!

 

Không! Chúng ta phải biến đau thương thành những hành động thực tiễn; chúng ta những người Việt Nam đang sống đời tỵ nạn Cộng sản tại hải ngoại, hãy cùng nhau hướng về Quê Hương, để hỗ trợ cho những cuộc đấu tranh của đồng bào tại quốc nội, là khối lực lượng đang đối đầu trực tiếp với bạo quyền cộng sản Hà Nội, để xóa sạch cho đến tận gốc rễ của những nguyên nhân gây nên những tội ác và bất công, đó là đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Pháp quốc, 30/4/2012

Hàn Giang Trần Lệ Tuyền

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-3/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

My Link