Wednesday, May 9, 2012

Tại sao Việt Nam cần Tam quyền phân lập?

Tại sao Việt Nam cần Tam quyền phân lập?

Đăng bởi admin lúc

 

VRNs (09.05.2012) – Đồng Nai – Sửa đổi Hiến pháp, tam quyền phân lập và chống tham nhũng.

 

Lập pháp, hành pháp, tư pháp không độc lập: tạo bất công

Trong một nước văn minh tiền tiến, Hiến pháp quy định ba quyền độc lập với nhau: lập pháp, hành pháp, tư pháp.

 

Tại sao phải độc lập với nhau?

Thí dụ 1: Em ruột ông Thủ tướng bị bắt quả tang tham nhũng. Luật pháp bắt em ông Thủ tướng phải ra tòa. Quan tòa (tư pháp) xử ông này theo luật định.

 

Nếu tư pháp không độc lập, ông Thủ tướng có thể ra lịnh miệng cho Quan tòa xử nhẹ em ông ta, hoặc chỉ lôi mấy đứa tay sai cò con ra xử để cho vụ án ông em thành vụ án người khác.

 

Nếu Quan tòa không nghe, Quan tòa sẽ bị mất chức.

Tư pháp không độc lập với hành pháp thì không thể nào chống được tham nhũng. Không cần phải nói ai cũng biết rằng tham nhũng hiện nay ngày càng lên, càng phòng chống, tham nhũng càng lên.

 

Ở nước ta, các vụ án chính trị, tham nhũng quan trọng, tư pháp đều tuân lịnh hành pháp nên bản án bao giờ cũng đã có trước khi xử.

 

Năm trước, nhân chuyến hàn huyên với một ông luật sư người Đức đến làm việc với ngành tòa án ở Hà nội, ông này kể cho tôi nghe câu chuyện ông ta được đến tham quan một phiên tòa có luật sư Việt nam bào chữa hẳn hoi. Phiên tòa kéo dài 2 giờ với một chồng hồ sơ dày cộm. Sau đó Quan tòa nghị luận 15 phút rồi đọc một bản án rất dài. Ông luật sư người Đức nói rằng bản án đã được viết trước vì không thể nào trong 15 phút có thể làm một bản án dài đến thế.

 

Vụ xử án 5 năm tù cô Phạm Thị Thanh Nghiên vì biểu tình tại gia ở Hải Phòng để phản đối Trung Quốc lấn chiếm Hoàng Sa, cũng đã được định trước bởi hành pháp, vụ xử luật sư Cù Huy Hà Vũ vừa qua cũng là do hành pháp định trước, ông Vũ dám cả gan đâm đơn kiện Thủ tướng. Hành pháp muốn trị tội ai thì cứ ra lịnh cho tư pháp là xong, chỉ vì tư pháp không độc lập.

 

Thí dụ 2: Cách đây vài tháng, ông Tổng thống A. Wade của nước Sénégal, một nước ở Phi châu, ra lịnh cho Quốc hội đặt một đạo luật đặc biệt chuẩn bị cho con trai mình kế vị nối ghế Tổng thống. Quốc hội nghe lịnh và một đạo luật được ra đời để làm vừa lòng Tổng thống. Dân chúng biểu tình phản đối rất mạnh, buộc ông A. Wade phải huỷ bỏ đạo luật nói trên. Sénégal là một nước pháp trị, nhưng vì lập pháp và hành pháp không độc lập với nhau nên lập pháp bị lấn áp. Nếu dân Sénégal không cảnh giác, hoặc giả ông Wade dùng bạo lực đưa công an, quân đội đàn áp các cuộc biểu tình phản đối của dân chúng, thì không biết việc gì sẽ xảy ra.

 

Hành pháp bao giờ cũng có khuynh hướng chèn lập pháp và tư pháp, vì đằng sau mỗi cơ chế là con người. Nếu không có cơ chế độc lập giúp con người lấy cái thiện trấn áp cái ác thì con người có khuynh hướng làm ác. Lập pháp, hành pháp, tư pháp độc lập với nhau cho phép tránh những bất cập hiện nay trong xã hội, tạo điều kiện cho chính bản thân con người hòa nhập vào một văn hóa sạch, thiện.

 

Một nước văn minh bao giờ ba quyền cũng được phân lập, bảo đảm cho một xã hội công bằng, hài hòa, ổn định. Việt nam có thật sự muốn văn minh không?

 

Lập pháp, hành pháp, tư pháp không độc lập: không thể giải quyết nạn tham nhũng

Hành pháp thể hiện quyền hành tập trung của Đảng cầm quyền, văn hoa hơn thì nói quyền hành thống nhất vào trong Đảng.

 

Trong các văn bản, tuyên bố, các nhà lãnh đạo nhà nước đều nói đến Đảng trước, nhà nước sau. Thí dụ, câu tuyên bố đầu tiên của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng khi được bầu vào chức vị Chủ tịch Quốc hội là: “Mong nhận được sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của Nhà nước…”. Hành pháp không độc lập thì Đảng cầm quyền muốn viết gì thì viết vào Hiến pháp và dùng Hiến pháp làm cây kiểng, Quốc hội trở thành con dấu.

 

Quốc hội khóa trước đã cho ra đời Luật phòng chống tham nhũng, Quốc hội cũng cho phép thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương và cấp tỉnh. “Tuy nhiên, so với yêu cầu của nghị quyết Quốc hội thì thời gian qua chúng ta chưa đạt mục tiêu là ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng”. Tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang xác nhận sau khi nhận chức.

 

Ông Sang còn nói về tham nhũng: “Văn bản nhiều, đầy đủ, không phải tốn công sức nghiên cứu văn bản nữa. Vấn đề là phải hành động như gửi gắm của cử tri”. Câu tuyệt cú của ông trong lúc tranh cử đại biểu Quốc hội là: tham nhũng từ một con sâu hiện nay đã trở thành một bầy sâu.

 

Ông Sang nhận định rằng Luật đã có đầy đủ rồi, chỉ còn hành động. Nói như thế, ông vô tình hay cố ý che giấu câu hỏi: ai đã cản trở hành động phòng chống tham nhũng để cho nó leo thang vùn vụt?

 

Thưa ông Sang, xin ông đừng đi quanh cái chậu mà hãy nhìn vào trong chậu. Hãy đập vỡ cái chậu này ra thì ông sẽ thấy rằng ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đều chịu sự điều khiển của Đảng, tức là của Bộ Chính trị, tức là của một số vị. Phòng chống tham nhũng mà đụng vào các vị này thì chỉ có “Phòng chống” chết trước chứ tham nhũng vẫn sống.

 

Sửa đổi Hiến Pháp thế nào?

Nhà nước ta thực tế là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản lãnh đạo và cầm quyền dù rằng Hiến Pháp chỉ nói Đảng lãnh đạo. Lãnh đạo và cầm quyền là hai khái niệm khác nhau. Vì cầm quyền nên mọi quyền lực đều thống nhất nơi Đảng, nói dân dã hơn là Đảng điều khiển tất cả, điều khiển vừa lập pháp, hành pháp vừa tư pháp.

 

Trước khi Quốc hội họp khóa 13, Đảng đã ra quyết định Quốc hội thay đổi Hiến pháp phải thế này, thế nọ…. Tư duy áp đặt, quyết định cho Quốc hội nơi người lãnh đạo Đảng vẫn chưa có dấu hiệu đổi mới.

 

Khi Đảng giữ vai trò quyết định tất cả thì lời nói của Tổng bí thư trong chỉ thị sửa đổi Hiến pháp: “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” chỉ là nói chuyện như đùa, không thể dối dân được đâu.

 

Cũng trong chỉ thị trên,Tổng bí thư lại nói “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”, cũng chỉ là nói chuyện như đùa. Nói một cách dân dã ra là thế này: các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp sẽ do Đảng nắm và phối hợp, không để cho chúng nó độc lập với nhau.

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ thị sửa đổi Hiến pháp với những lời nói như trên thì cần gì phải sửa đổi. Thực tế hiện nay là như thế rồi: vừa lãnh đạo vừa cầm quyền. Trừ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn đem thực tế hiện nay vào Hiến pháp, để nói không ngoa rằng “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, để không ai còn nói Đảng lấn áp Hiến pháp. Dân Việt Nam đâu có khù khờ để tin những loạn từ như thế.

 

Vì tư duy không đổi mới được, không biết nhu cầu của đất nước đã đổi thay, không biết mong đợi của đại đa số quần chúng đòi thông thoáng hơn cho việc quản trị đất nước nên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra một chỉ thị sửa đổi Hiến pháp rất lạ lùng: chỉ với 123 chữ mà chỉ thị đã làm nổi bật sự lúng túng, mâu thuẫn giữa nhà nước “của dân, do dân, vì dân”, và khẳng định quyền lực vẫn tập trung vào Đảng. Quyền lực chỉ có nuốt vào chứ không thể nhả ra.

 

Ngày nào điều lệ Đảng (đảng cầm quyền), còn lấn lướt Hiếp Pháp (Đảng lãnh đạo) thì quyền lực của Đảng vẫn còn trên tất cả. Quyền lực càng cao thì tham nhũng càng leo thang, cái logic này, cả nước ai cũng biết.

 

Sửa đổi Hiến pháp lần này, nếu theo chỉ thị của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sẽ không có những thay đổi để cho nhà nước thật sự là của dân, do dân và vì dân. Những thay đổi, nếu có, thì hiệu quả cũng như Luật phòng chống tham nhũng của Quốc hội khóa trước không hơn không kém, vừa tốn tiền và chỉ để làm kiểng.

 

Các đại biểu Quốc hội có can đảm thực hiện quyền của mình, như Hiến pháp quy định, bằng cách biểu quyết những thay đối có tính chất nền tảng, đi ngược lại chỉ thị của Tổng bí thư Đảng hay không?

 

Đảng có chấp nhận cho các đại biểu Quốc hội của dân và do dân bầu, tạm thời thoát khỏi ràng buộc của điều lệ Đảng, vì tuyệt đại đa số họ là đảng viên, để họ có những quyết định độc lập, thực sự là đại biểu của dân, do dân và vì dân.

 

Để chứng tỏ sự đổi mới, Đảng có thể tuyên bố tạm ngưng áp dụng điều lệ Đảng với các vị đại biểu Quốc hội vì họ được tiếng là do dân bầu.

 

Không có gì phải lo sợ khi ở Quốc hội hiện nay chỉ có độc đảng.

 

Nguyễn Phúc Hiếu

Nguồn: http://tudoimoi.org/Aff_mot_bai.php?param=36

VRNs đặt tựa và biên tập

__._,_.___

2 comments:

  1. Anh tổng vừa tuyên bố: "Không tam quyền phân lập" rồi. Khỏi bàn...?

    ReplyDelete
  2. Thì vây...đâu có dám ..lạng hoạn dân bẽ cờ....mất quyền

    ReplyDelete

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link