Thursday, May 10, 2012

Cưỡng chế đất đai tại Vụ Bản, Nam Định : 5 người dân bị bắt

VIỆT NAM - ĐẤT ĐAI - Bài đăng : Thứ tư 09 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 09 Tháng Năm 2012

Cưỡng chế đất đai tại Vụ Bản, Nam Định : 5 người dân bị bắt

Nông dân Vụ Bản, Nam Định. Ảnh chụp ngày 08/05/2012

Nông dân Vụ Bản, Nam Định. Ảnh chụp ngày 08/05/2012

@anh ba sam

Thụy My  RFI

Hôm nay 09/05/2012, chính quyền tỉnh Nam Định đã huy động lực lượng công an khoảng gần 300 người đến cưỡng chế đất của nông dân xã Liên Minh huyện Vụ Bản cho dự án khu công nghiệp Bảo Minh. Nhiều người dân bị đánh đập, có năm người dân đã bị bắt về huyện.

Được biết dự án khu công nghiệp Bảo Minh do tập đoàn Dệt May Việt Nam làm chủ đầu tư, đã chiếm mất 160 hecta đất ruộng của ba xã Liên Minh, Liên Bảo, Kim Thái thuộc huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định. Trước đây vào cuối năm 2010, chính quyền cũng đã sử dụng biện pháp cưỡng chế để buộc nông dân phải giao đất.

Riêng số đất còn lại tại xã Liên Minh, từ mấy hôm trước bà con nông dân tại đây đã phản đối lại quyết định cưỡng chế bằng cách dựng lều trực chiến trên cánh đồng, và đồng loạt chít khăn tang để chứng tỏ quyết tâm giữ đất.

Tuy nhiên sáng nay theo tường thuật của trang nuvuongcongly.net và blog Nguyễn Xuân Diện, thì chính quyền đã huy động cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông và nhiều xe đặc chủng đến, chặn cả hai đầu đường quốc lộ tại khu vực này, phá các lều bạt và dồn dân ra khỏi khu vực cưỡng chế. Có khoảng 10 người dân bị đánh đập và 5 người bị bắt về huyện.

Như vậy là sau vụ huy động hàng ngàn quân để cưỡng chế đất tại huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên gây chấn động dư luận, chính quyền lại tiếp tục dùng biện pháp mạnh để hỗ trợ các nhà đầu tư lấy đất của nông dân. Trong vụ Văn Giang, Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên là Nguyễn Khắc Hào đã báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là « có những video clip giả được dàn dựng để vu khống chính quyền ». Tuy nhiên sau đó trên mạng đã phát hiện được hai người bị đánh đập trong một video clip là hai nhà báo Ngọc Năm và Phi Long của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sự việc xảy ra ngày 24/4 nhưng mãi đến ngày hôm qua 8/5 cơ quan báo chí này mới xác nhận sự việc trên.

Riêng về vụ cưỡng chế tại Vụ Bản sáng nay, một người dân ở xã Liên Minh đã thuật lại sơ qua cho RFI Việt ngữ. Ông cho biết thêm, người dân ở đây xưa nay sống thuần nông, không có nghề phụ, và sắp tới không có cách nào để mưu sinh.

Nông dân Vụ Bản

 

09/05/2012

 

Nghe (04:03)

More

 

 

Dân chúng tôi thì có độ khoảng hơn trăm người, ở trong khu ấy mấy ngày nay rồi. Công an đến tầm 6 giờ bắt đầu đưa người đến cưỡng chế, khoảng vài ba trăm công an vừa mặc quân phục và thường phục – tôi đứng xa xa thấy đông như thế, và có ba con chó nghiệp vụ to lắm !

Họ đến thì cũng xô đẩy bà con giữ đất, bà con có một số bị thương, bị đánh cũng nhiều. Trong khi đó tôi thấy có một ông cảnh sát cũng bị chảy máu đầu rồi đấy, và một số thấy cũng máu me toe toét cả. Nói chung là dân tình cũng bị đau, mà cảnh sát cũng có…

Người ta bắt đi năm người đưa lên trên huyện, đến bây giờ vẫn chưa thả. Có bà cụ tên là bà cụ Đạt tôi thấy cũng già rồi, không biết bị cảnh sát hay ai đánh xong quẳng ra giữa đường, nằm ở đấy đến mười lăm, hai mươi phút sau mới được đưa đi cấp cứu. Giờ đưa vào viện nào chúng tôi cũng không biết.

Từ lúc 6 giờ đến 7 giờ 5 là người ta giải tán xong số người ở trên ấy, và dồn hết qua khỏi đường tàu, lấy rào sắt rào kín lại toàn bộ khu đấy, cho cảnh sát cơ động và các thứ chặn chốt các điểm không cho dân cư ra. Dân bị thua đành phải về thôi, kéo nhau về xã để đòi hỏi ở xã.

Tôi nghe thấy tình hình là dân đang bảo đến mai…Ngày nay bị đánh đau, người thì đi chữa bệnh, người thì ổn định tinh thần. Mai thì bắt đầu nếu thì người ta không thả thì chúng tôi sẽ kéo nhau lên huyện để đòi người.

RFI : Nghe nói là chính quyền đã chuẩn bị cưỡng chế từ mấy hôm trước phải không thưa ông ?

Đúng thế đấy. Tôi thì tôi chỉ nghe người ta nói là đáng lý ra đã bị cưỡng chế, nhưng vì bà con chuẩn bị nhiều xăng quá, và nghe nói là có ba, bốn cái bình gaz ngoài ấy, không biết thực hư thế nào. Chính quyền người ta nghe nói thế thì người ta dừng lại, và đến tận hôm nay mới cưỡng chế.

Trong lực lượng cưỡng chế thì họ đưa xe cộ tới đông lắm, có cả xe chống cháy. Đánh thì người ta đánh thẳng tay rồi, cứ đánh, vụt thoải mái. Người ta cho đó là người dân chống đối nên cứ đánh, bao nhiêu người chứng kiến đấy chứ.

Cả một cái quãng đường dài người dân đi lại người ta đều phải kêu ầm lên, sao lại đánh dân nhiều như thế, đánh người ta dã man như thế kia ? Bốn, năm anh thanh niên bị đánh máu mồm máu mũi chảy hết cả ra xong bắt vứt lên xe, chở lên huyện rồi. Mà nằm ở trên xe rồi vẫn còn bị người ta đạp cho, không dẫy được nữa thì mới thôi. Còn các bà, các chị thì bị đánh chân tay thâm tím hết.

RFI : Thưa, không còn đất nữa thì sắp tới bà con sẽ sinh sống bằng cách nào ?

Bây giờ mất đất rồi, nhà nào nào còn anh nào có sức khỏe thì đi làm thuê làm mướn, còn già không ai thuê thì đi làm quanh quẩn ở nhà, làm được thế nào thì ăn vậy thôi chứ biết làm sao được bây giờ. Trước kia có đất thì sản xuất lấy thóc, bây giờ tất cả mọi thứ phải đi mua từ A tới Z, thì trở về cái cảnh đói khát thôi.

Từ trước đến nay bao đời thì cày cấy lấy thóc gạo để ăn và nộp thuế cho nhà nước, còn bao nhiêu để lại ăn. Tất cả mọi thứ chi tiêu của chúng tôi đều ở thóc, vì chúng tôi không có một nghề phụ nào. Mất ruộng rồi giờ chúng tôi không biết làm cái gì. Dân tình đang lao nhao, xôn xao cả.

Trước kia người ta bồi thường cho chúng tôi 27 nghìn đồng một mét vuông đất. Suốt từ năm 2008 tới giờ, sau khi chúng tôi không đồng ý thì ba lần chi trả, mỗi lần người ta cứ xón thêm một tí. Đến hiện tại kể cả thưởng với các thứ, hỗ trợ công ăn việc làm, mới được có 62 nghìn đồng. Anh nào không lấy, qua thời hạn quy định thì người ta cắt đi 5 nghìn tiền thưởng. Đến thời điểm bây giờ, nếu ai đi lấy thì được có 62 nghìn đồng một mét vuông. Mà suốt từ năm 2008 đến giờ, như thế có còn bao nhiêu đâu ?

Dân tình chả biết làm sao được bây giờ, chỉ chờ mong những lãnh đạo cấp trên, Đảng và Nhà nước về xem thực tế như thế nào để lấy lại sự công bằng cho dân. Chúng tôi đã đi khiếu kiện khắp các nơi rồi. Tôi lên cả văn phòng Trung ương Đảng, trung ương chuyển cho tỉnh giải quyết thì tỉnh lại trả về huyện, cứ vòng quanh thế này dân chúng tôi chả biết như thế nào cả. Vì pháp luật chúng tôi hiểu kém, tất cả các văn bản chúng tôi không biết được nhiều, bây giờ chỉ nhờ các cấp trên thôi.

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-18/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link