Saturday, May 12, 2012

Đóng lồng sắt, “nhốt” cục đá của dân

Đóng lồng sắt, “nhốt” cục đá của dân

- Viên đá của bà Trần Thị Sắc nằm chình ình tại UBND huyện Chư Sê và được bảo vệ rất cẩn thận bằng một chiếc lồng sắt kiên cố, tựa như đang nhốt một con hổ dữ.

>> Vụ “cưỡng chế” 2 cục đá chưa có hồi kết
>> Chính quyền cử người giám sát hòn đá cưỡng chế

Việc thu hồi 3 cục đá của UBND huyện Chư Sê (Gia Lai) vẫn chưa có kết luận đúng, sai và tính hợp pháp, hợp lý về quy trình, thủ tục thanh, kiểm tra. Thế nhưng UBND huyện này đã có phản hồi tới các cơ quan báo chí cho rằng: “Việc UBND huyện Chư Sê kiểm tra, lập biên bản tạm giữ 03 cục đá là phù hợp” (?)

Phản hồi mập mờ, thiếu cơ sở

Sau vụ việc hai cấp chính quyền huyện Chư Sê cưỡng chế thu hồi 2 cục đá tại nhà ông Lê Hùng Dũng (vào ngày 29/3) và tịch thu một cục đá của bà Trần Thị Sắc (vào ngày 28/3) thuộc xã H’bông (huyện Chư Sê, Gia Lai), dư luận địa phương đã quyết liệt phản ứng về cách hành xử của chính quyền huyện này.

Sự việc đến nay vẫn chưa đi đến kết luận đúng, sai và tính hợp pháp, hợp lý về quy trình, thủ tục thanh, kiểm tra tại nhà ông Lê Hùng Dũng. Tuy nhiên, UBND huyện Chư Sê đã có phản hồi với báo chí một cách rất mập mờ, thiếu cơ sở…

Cục đá của bà Trần Thị Sắc đang được “bảo vệ” rất cẩn thận tại UBND huyện Chư Sê.

 

Cụ thể, theo phản hồi của UBND huyện Chư Sê ngày 25/4 đăng trên trang thông tin điện tử của huyện: sau khi đoàn kiểm tra do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) kiểm tra và có kết luận: “Việc UBND huyện Chư Sê kiểm tra, lập biên bản tạm giữ 03 cục đá nói trên là phù hợp và là việc làm thường xuyên theo chức năng nhiệm vụ được qui định tại Luật Khoáng sản”.

UBND huyện Chư Sê cho rằng, các báo đưa thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín của địa phương, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước của huyện, làm nóng lên tình hình của địa phương và làm giảm uy tín trong quá trình kêu gọi, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội…

Tuy nhiên, theo báo cáo của số 42/BC-STNMT của Sở TN&MT không hề có kết luận: “Việc UBND huyện Chư Sê kiểm tra, lập biên bản tạm giữ 03 cục đá nói trên là phù hợp”?, theo báo cáo này, Sở TN&MT chỉ đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai: “Chỉ đạo Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh: kiểm tra làm rõ đúng, sai và tính hợp pháp, hợp lý về quy trình, thủ tục thanh tra, kiểm tra nhà ông Lê Hùng Dũng theo quy định; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh để xem xét, xử lý”.

Cũng theo báo cáo này, ngày 28/3/2012, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện phát hiện xe cẩu chở một viên đá có khối lượng 3,2m3 (chiều dài 3,2m, chiều rộng, 1,7m, chiều cao 0,8m) và đã tiến hành lập biên bản tạm giữ, đưa về UBND huyện để chờ xử lý.

Tuy nhiên, theo điều tra của chúng tôi, biên bản được lập để đưa cục đá của bà Trần Thị Sắc về huyện là tịch thu chứ không phải là tạm giữ để chờ xử lý như báo cáo của Sở TN&MT.

Đối với 2 cục đá của ông Dũng, theo báo cáo của Sở TN&MT, từ nguồn tin báo của quần chúng nhân dân, ngày 29/3/2012, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện phát hiện 2 viên đá có khối lượng 1,72m3 tại sân nhà ông Dũng và đã tiến hành lập 3 biên bản tạm giữ.

Trong 3 biên bản này có 1 biên bản kiểm tra được ông Lê Trung Lâm (con ông Dũng) ký. Hai biên bản còn lại gia đình ông Dũng không ký. Do vậy mà UBND huyện không đưa 2 cục đá này về UBND xã mà giao cho UBND xã tổ chức quản lý.

Có một nghịch lý trong báo cáo của Sở TN&MT là không hiểu vì sao viên đá của bà Sắc, sau khi phát hiện, ngay lập tức Đoàn kiểm tra liên ngành huyện đã lập biên bản tịch thu và đưa về UBND huyện, còn 2 cục đá của ông Dũng thì lại lập biên bản tạm giữ để đưa về UBND xã H’bông?

Đâu là giá trị thực của những cục đá

Việc làm của UBND huyện Chư Sê đến nay vẫn chưa được làm rõ đúng, sai. Tuy nhiên 2 cục đá của ông Dũng thì đã “bốc hơi” không rõ lý do ngay sau khi lập biên bản thu hồi bất thành.

Còn viên đá của bà Trần Thị Sắc thì đang nằm chình ình tại UBND huyện và được bảo vệ rất cẩn thận bằng một chiếc lồng sắt kiên cố tựa như đang nhốt một con hổ dữ.

Vụ cưỡng chế 02 cục đá nhà ông Lê Hùng Dũng

 

UBND tỉnh Gia Lai một lần nữa chỉ đạo cho Sở TN&MT phải có trách nhiệm làm rõ và kết luận việc làm của UBND huyện Chư Sê là đúng hay sai, hợp pháp, hợp lý hay không hợp lý về quy trình thủ tục thanh, kiểm tra, sau đó đề xuất UBND tỉnh hướng xử lý chứ không phải là một cơ quan nào khác theo như đề xuất, kiến nghị của Sở TN&MT.

Trở lại xã H’bông vào những ngày này, dư luận địa phương vẫn đang còn rất bất bình về sự việc 3 cục đá. Đặc biệt là bà Sắc, dù chưa rõ giá trị viên đá của mình thế nào nhưng bà cho biết vẫn đang…chờ các cơ quan chức năng làm rõ sự việc để đem lại sự công bằng theo đúng pháp luật.

Theo anh Huỳnh Bửu Quyết, Hội viên hội sinh vật cảnh Việt Nam, đã từng có 9 năm trong nghề chế tác đá cảnh tại địa bàn xà H’bông, 3 viên đá nói trên thuộc vào dòng đá opan chuyển thể đá mã não.

Những viên đá hiện đang còn nguyên khối thô nên chưa thể khẳng định được giá trị thực tế của nó. Nếu thành phần đá opan bên trong nhiều hơn mã não thì giá trị của cục đá là không lớn.

“Để biết giá trị thực của những viên đá này thì cần phải lột bỏ lớp vỏ đá vôi bám bên ngoài để xem thành phần đá opan chuyển thể bên trong có bị thối, bị rạn nứt hay không. Sau đó phải đánh bóng cục đá để xem nó có màu sắc thế nào và đường vân đá có đẹp hay không. Bước cuối cùng là phải xem viên đá đó có thể chế tác thành một tác phẩm gì”- anh Quyết bộc bạch.

Cùng là hội viên Hội sinh vật cảnh Việt Nam đang hành nghề gia công đá cảnh tại xã H’bông, anh Trần Xuân Hải cho biết: Đối với cục đá của bà Sắc, nếu đúng là đá opan chuyển thể thì giá trị thô của nó củng chỉ vào khoảng 40 triệu đồng/tấn.

Cục đá của bà Sắc có khối lượng khoảng 6 tấn, thì giá trị thô cao lắm cũng chỉ khoảng 300 triệu đồng nhờ khối đá lớn.

Cũng theo anh Hải, 2 viên đá của ông Dũng trước đó đã có người trả giá 200 triệu đồng nhưng ông Dũng không bán mà chỉ để chơi cảnh.

Nhiều người dân hành nghề đá cảnh ở xã H’bông cho hay, việc giá trị của những viên đá như thế nào đều phụ thuộc vào phong trào chơi đá cảnh của người dân. Cách đây chừng vài năm, dòng đá opan chuyển thể tại xã H’bông có giá khoảng 100 triệu/tấn đá thô. Những năm gần đây, phong trào chơi đá không còn rầm rộ nên giá trị của dòng đá này cũng đã giảm đi rất nhiều.

Tiến Thành

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-18/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link