Định hướng đấu tranh cho Việt Nam
TS.Mai Thanh Truyết
(Bài nói chuyện của TS. MAI THANH TRUYẾT tại Oakland, San Jose ngày 31/3;
Sacramento 01/4 và Westminster 15/4/2012)
Thưa Quý vị,
Từ đầu thập niên 2000, câu chuyện Hán hóa Việt Nam của TC đã được rất nhiều nhà nghiên cứu VN và thế giới phân tích và đặt vấn đề cùng truy tìm một sinh lộ cho Việt Nam.
Năm 2008, Ts Phan Văn Song, GS Trần Minh Xuân và cá nhân tôi có xuất bản cuốn sách tựa đề "Từ Bauxite đến Uranium: Tiến trình Hán hóa của Trung Cộng" trong đó nhiều góc độ khác nhau đã được phân tích như chính trị, quân sự, tình báo, kinh tế, xã hội, vấn đề người thiểu số v.v… Tất cả hội tụ vào một điểm duy nhứt là Trung Cộng đang trên đường tiến chiếm Việt Nam, nếu không muốn nói là đô hộ Việt Nam, dưới nhiều hình thức như kinh tế, chính trị, xã hội, và lãnh thổ, thực hiện đường lối do Mao Trạch Đông chủ xướng ngay sau khi chiếm toàn thể nội địa của Trung Hoa vào năm 1949, đặc biệt là sau khi Hồ Chí Minh sang Tàu cầu viện năm 1950.
Chính vào thời điểm nầy, Mao Trạch Đông đã lợi dụng sự non trẻ của Hội Quốc Liên, tiền thân của Liên Hiệp Quốc, để chiếm đóng và sáp nhập East Turkestan thành tỉnh Tân Cương năm 1949, và Tây Tạng năm 1959. Tiếp theo sau đó là chính sách đồng hóa bằng cách di dân người Hán vào hai vùng trên và lần lần áp đặt cơ sở hành chành, quản trị xã hội. Tất cả đều do người Hán điều hành. Và cho đến hôm nay, dân bản xứ Tây Tạng và Tân Cương trở thành một dân tộc thiểu số trên chính quê hương mình.
Trở về quá khứ, trong cuộc chiến Việt Nam cả giai đoạn chống Pháp đến năm 1954, và "chống Mỹ" đến năm 1975, Bắc Việt nhận viện trợ quân sự và nhân sự và chiến cụ của Tàu nhiều hơn Liên Sô thời đó. Nhưng khi thống nhứt đất nước, Việt Nam lại bỏ rơi Tàu theo Nga. Chính vì vậy mới có cuộc chiến 1979 do Đặng Tiểu Bình dạy cho bài học.
Ngay sau khi Liên Sô sụp đổ năm 1991, CS Bắc Việt mới quay về thuần phục TC. Mặc dù, TC có tên gọi là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, nhưng thực sự, theo lời của một nhà sử học người Anh, Jonathan Fenby, TC chỉ là một quốc gia phong kiến, tổng hợp nhiều chủng tộc khác nhau, được "cai trị" bằng một tập đoàn lãnh đạo không có "vua" (các thế hệ thứ ba, thứ tư), không như quyền hành tuyệt đối của Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình trước đây . Do đó, sự quản lý hay cai trị có nhiều chồng chéo, mâu thuẫn khác hẳn các thập niên đầu dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Mao Trạch Đông. Đường lối, chính sách cũng thường thay đổi tùy theo sự đồng thuận của tập đoàn lãnh đạo TC hiện tại. Chính sách đối với VN cũng thay đổi theo từng giai đoạn và ngày hôm nay, chúng ta thấy rõ ràng là TC thực sự muốn và đang thực hiện chính sách chiếm đóng tiệm tiến Việt Nam qua sự tiếp tay của Đảng CS Bắc Việt.
Trước mặt TC, đảng CSVN đã cam tâm ký hai hiệp ước nhượng đất và nhượng biển cho Trung Cộng. Thứ nhất là "Hiệp ước về biên giới trên đất liền giữa Việt Nam – Trung Cộng" ngày 30-12-1999 (mất ải Nam Quan và thác Bản Giốc), và thứ hai là "Hiệp ước phân định lãnh hải" ngày 25-12-2000 (mất khoảng 10,000 Km2 mặt biển vùng Vịnh Bắc Việt). Câu chuyện Tam Sa gồm Hoàng Sa và một số đảo Trường Sa cũng chỉ là kết luận "tất yếu" của tiến trình dâng đất và dâng biển cho TC mà thôi.
Qua những sự kiện vừa liệt kê trên đây, chúng ta thấy rõ ràng ÂM MƯU THÔN TÍNH Việt Nam của TC cũng như lý tính thuần phục của đảng cs Việt Nam hiện tại.
Thưa Quý vị,
Trong phần nói chuyện hôm nay, xin đề cập tới vài suy nghĩ trong công cuộc đấu tranh cho tương lai Việt Nam.
Vấn đề khai thác Bauxite tại Nhân Cơ (Đắc Nông) và Tân Rai (Bảo Lộc): Hiện tại, theo hình ảnh quan sát được, nhà máy Tân Rai đang chạy những mẽ thử nghiệm để khai thác Alumina, nhưng vì chưa hoàn chỉnh, chưa có hồ chứa phế thải, cho nên bùn đỏ đã chảy vào vùng chung quanh và người dân đã khiếu nại vì hoa màu bị thiệt hại từ nhiều tháng qua. Mặc dù, dự kiến sẽ khai thác 237.000 tấn Alumina cuối năm 2011, nhưng việc khai thác phải dừng lại sau vài mẽ thử nghiệm và vì chưa có hồ chứa bùn đỏ, chất phế thải nầy đã làm nhiễm độc trên 200 hecta đất nông nghiệp và nông dân đang kiện thưa để được bồi thường. Và công trình đang bị ngưng trệ vì lý do "mưa". Hiện có trên 5.000 công nhân TC và gia đình tại nơi đây.
Còn nhà máy Nhân Cơ hoàn toàn chưa xây dựng, ngoại trừ những khu gia cư xây cất trong vòng bán kính 10 cây số, tập trung hơn 10.000 công nhân(?). Tỉnh Đắc Nông, với dự án Nhân Cơ và 5 dự án khác trong tỉnh chiếm 3/5 diện tích toàn tỉnh, chắc chắn trong một tương lai không xa sẽ là một thành phố Tàu.
Nói về việc khai thác Bauxite hiện tại ở Việt Nam, TC nhằm vào nhiều mục tiêu khác nhau:
• Thứ nhứt, như nhiều lần khai triển trên các cuộc hội luận và trên diễn đàn, chúng tôi luôn đề cập tới sự hiện diện của Uranium trên vùng cao nguyên Trung phần Việt Nam, và TC khai thác Bauxite chỉ là "Diện", và "Điểm" chính là việc nhắm tới các chất phóng xạ Uranium cần cho nhu cầu quốc phòng của họ. Hóa chất nầy hiện diện trong lòng đất khoảng 200.000 tấn O3U8 (oxid uranium) trong vùng cao nguyên Bolloven đã được Hội đồng Năng lượng ước tính nồng độ khoảng 0.06%.
• Thứ hai, việc khai thác Bauxite kéo theo nhiều lệ thuộc của Việt Nam về tài chánh qua các dự án có liên quan đến việc khai thác như nguồn vốn cho việc xây dựng đường xe lửa vận chuyển oxid nhôm thô từ Nhân Cơ (cùng 5 địa điểm khác ở tỉnh Đắc Nông) và Tân Rai, việc xây dựng hai nhà máy điện nguyên tử ở Ninh Thuận, xây dựng các nhà máy điện địa phương và chi phí khai thác bauxite thô…
• Thứ ba, TC nhằm kiểm soát tất cả nguồn vốn chi thu cùng quản lý việc khai thác qua việc thu nhận hoàn toàn công nhân và ban quản đốc đều là người Hoa. Và thành phẩm chỉ được bán cho TC để từ dây, TC có thể lám áp lực Việt Nam trong vấn đề kềm và ép giá, cũng như cấm đoán Việt Nam bán nguyên liệu oxid nhôm ra các quốc gia khác ;
• Thứ tư, việc kiểm soát kinh tế và sự xáo trộn xã hội Việt Nam là một điều hiển nhiên khi hàng vạn nhân công TC hiện diện trên một vùng dân cư thưa thớt ở các nơi khai thác;
• Thứ năm, về mặt môi trường, mặc dù hiện nay tại Tân Rai, TC chỉ làm một vài mẻ thử nghiệm, nhưng ô nhiễm bùn đỏ và nạn rò rỉ hóa chất đã làm hơn 200 hecta ruộng rẩy bị tàn phá nơi xã Lộc Thắng, cũng như nước mặt đã bị nhiễm bùn đỏ, trong đó một số hóa chất trong bùn đỏ như sút và sắt cùng các vi lượng hóa chất hữu cơ đã xuất hiện trên nguồn sông La Ngà và vùng Trị An.
• Thứ sáu, sâu xa hơn nữa, việc khai thác nầy che mắt thế giới qua việc TC cho nhân viên tình báo chiến lược, chuyển vận khí cụ thăm dò và kiểm soát vùng biển đông và miền Đông Nam Á. Đây mới là thế chiến lược của TC.
• Và sau cùng, âm mưu chiếm đóng tiệm tiến Việt Nam qua việc cố gắng chia đôi Nam và Bắc Việt Nam bằng cách chiếm đóng cao nguyên Trung phần Việt Nam bằng nhân sự, bằng những cuộc hôn nhân dị chủng. Để rồi, từ đó khi họ đạt được mục tiêu và dân số, TC có thể vin vào lý do "công dân bản địa" để đòi "tự trị". Việt Nam sẽ bị tách làm đôi không có một tiếng súng nào cả và thế giới khôùng có lý do can thiệp cho sự chiếm đóng nầy của Trung Công. Và TC đã thành công trong việc tách làm đôi Việt Nam.
Tại miền Bắc hiện nay, TC đã kiểm soát 9 tỉnh địa đầu với tên đường xá hoàn toàn bằng tiếng Hán. Hầu hết các khu công nghiệp ở các thành phố lớn ở miền Bắc hiện nay là những khu "tự trị" của họ, trong đó công an, quân đội CS không được quyền léo hánh tới, ngay cả những khi có án mạng hay xung đột giữa công nhân Việt và Hoa.
Như vậy, chúng ta phải làm gì trước những sự kiện đã xảy ra như trên?
Đây là câu hỏi và mỗi chúng ta có bổn phận để tìm một hướng thoát cho quê cha đất tổ!
Trước những viễn kiến có thể xảy ra cho Việt Nam, người Việt hải ngoại và quốc nội cần phải tập trung toàn lực để giải tỏa và định hướng đấu tranh cho thật rõ ràng.
Ngày hôm nay, không còn là thời điểm chúng ta cần phải đi tìm chỗ dựa từ ngoại bang nữa!.
Đã đến lúc chúng ta phải đứng trên hai chân của mình.
Sau đây là một vài giải pháp khơi mào cho mọi sự suy nghĩ của toàn dân, hy vọng từ đó chúng ta sẽ cùng nhau tiếp tục truy tìm một sinh lộ mới cho Việt Nam.
Về phía Trung Cộng, có những mặt chính trị, quân sự, kinh tế và xã hội đang xảy ra trong điều kiện không thuận lợi cho nước nầy, từ đó chúng ta có thể vận dụng để làm suy yếu hay triệt tiêu được sức mạnh "Hán hóa" của Trung Cộng. Đó là:
• Về Kinh tế: Tiếp tay vận động cuộc tầy chay đi du lịch "ngắm cảnh" TC và tẩy chay hàng hóa do TC sản xuất dưới bất cứ hình thức nào, từ thực phẩm, thuốc men, vật dụng dùng trong nhà, quần áo, sản phẩm làm đẹp cho phụ nữ…Nhóm Chống Tàu Diệt Cộng, vừa hình thành vào cuối năm 2011 tại Westminster, California, Hoa Kỳ, đã có nhiều cố gắng trong việc chuyển tải những thông tin cho bà con ở hải ngoại và quốc nội. Xin bà con hãy cùng tiếp tay đẩy mạnh chiến dịch nầy,
• Về chính trị: Hãy cùng phối hợp và hợp tác với chính phủ lưu vong Tây Tạng do một người trẻ, giáo sư Đại học Harward, hoàn toàn không liên quan gì đến nạn quốc phá gia vong ở Tây Tạng vì năm 1959, khi mất Tây Tạng, ông chưa sinh ra. Đó là Thủ tướng Labsang Sangay sinh năm 1968. Vào ngày 10/3/2012 vừa qua, tại Meleod Ganj (Ấn Độ), nhân ngày đánh dấu TC chiếm Tây Tạng lần thứ 53, ông tuyên bố dứt khoát chống lại sự "thống trị của TC" và "hoạch định đường lối đấu tranh hữu hiệu cho Tây Tạng là làm sao để trình độ người dân Tây Tạng được nâng cao, cho phép Tây Tạng có được các lãnh đạo xuất sắc và tiếng nói Tây Tạng được thế giới chú ý".
Mô hình giải pháp Việt Nam qua việc tìm lại tính cách pháp nhân của Việt Nam Cộng Hòa cũng cần được lưu ý đến, vì qua thỏa hiệp quốc tế ngày 2 tháng 3 năm 1973 được ký kết do 9 quốc gia trong đó có 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, và Trung cộng cùng 3 thành phần Việt Nam là Bắc Việt, Chánh phủ lâm thời miền Nam VN, và Việt Nam Công hòa….trong đó cam kết 3 thành phần sau phải thi hành hiệp định Paris 27/1/1973. Và Bắc Việt đã vi phạm hoàn toàn dù hiện nay là kẻ đang làm "chủ" Việt Nam.
Ngoài ra, cũng không quên liên lạc, theo dõi diễn tiến của các phong trào đấu tranh dân chủ và nhân quyền của những người như Lưu Hiểu Ba (Nobel Hòa bình 2010), Hồ Giai, Ngải Vị Vị cùng Hiến Chương 08 qua Bản Tuyên Ngôn đầu tiên gồm 350 chữ ký của các nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng nhằm mục đích thúc đẩy cải cách chánh trị và dân chủ cho Trung Hoa. Người Tây Tạng trực diện tranh đấu cho độc lập Tây Tạng tại tỉnh Tứ Xuyên (có 5% dân số Tây Tạng), cũng như người Hồi Hột tranh đấu cho Tân Cương ở tỉnh Vân Nam (có 10% dân số trên 46 triệu người dân trong tỉnh). Cũng không quên nhắc đến phong trào Pháp Luân Công ở cùng khắp mọi nơi trong nước Tàu tranh đấu cho tự do tôn giáo và bất công xã hội. Ngày 3/3/2012, người dân làng Ô Khảm, Quảng Châu bỏ phiếu tự do đi bầu người đại diện đầu tiên cho làng. Phải chăng đây là bước đầu đưa đến tiến trình xóa bỏ nền chuyên chính vô sản của TC?
Thưa Quý vị,
Các phong trào trên chính là những ngòi nổ cho việc biến Trung Cộng trở thành "Đông Châu Liệt Quốc". Và một khi TC bị xé tan thành nhiều mãnh, VC sẽ không còn "hậu phương" lớn làm điểm tựa, dĩ nhiên ngày tàn của chế độ sẽ không còn xa sau đó.
Tất cả các phối hợp đấu tranh trên nhằm mục đích đẩy mạnh sự xáo trộn xã hội, kinh tế của TC; từ đó tiến trình mang lại tự do, dân chủ và nhân quyền của TC sẽ được rút ngắn, vì sẽ không còn một quốc gia Trung Quốc vĩ đại nữa.
Về Xã hội: Người Việt quốc nội và hải ngoại còn có khả năng kết hợp với các NGO (tổ chức phi chánh phủ) trong lãnh vực môi sinh như Oxfam ở Hong Kong và Hà Nội, một cơ quan phi chánh phủ quốc tế tranh đấu cho sự nghèo đói, bất công xã hội, và môi trường để cùng nói lên tiếng nói chung nhằm đánh động dư luận và lương tâm thế giới.
Về phía Việt Nam: Qua các nhận xét ở phần trên, quả thật chúng ta đã nhận diện được và thấy rất rõ ảnh hưởng về chính trị, kinh tế, thậm chí về văn hóa của TC ở miền Bắc và đang tiệm tiến dần dần về miền Nam.
Sự hiện diện của Trung Cộng ở Cao nguyên Trung phần hiện tại càng là một chứng minh xác quyết cho công cuộc tiến chiếm luôn miền Nam hay, ít ra, cũng có thể là một âm mưu chia cắt Bắc Nam thành hai vùng khác nhau, trong đó Cao nguyên Trung phần sẽ nằm trong dự tính là một vùng tự trị theo tinh thần của chính sách "dân tộc bản địa" theo Nghị quyết Liên hiệp quốc "Rights of Indigenous Peoples" ngày 29/6/2006.
Chính trong cuốn sách "Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua" do nhà xuất bản Sự Thật in ấn vào tháng 10, 1979, đã nêu lên rạch ròi về chính sách cùng sách lược của TC là "nước Việt Nam phải là một nước không mạnh, bị chia cắt, không độc lập và lệ thuộc vào Trung Quốc". Biết rõ như vậy, mà nay, CS Bắc Việt vẫn cam tâm cui đầu chịu khuất phục và làm "nô lệ" cho TC!
Thưa Quý vị,
Từ cung cách suy luận trên, TC sẽ biến Việt Nam thành hai vùng tự trị kinh tế khác nhau, trong đó hình thức kinh tế tập trung TC chỉ huy và lệ thuộc ảnh hưởng chánh trị TC dành cho miền Bắc. Và miền Nam, TC còn dè chứng sức đề kháng của dân miền Nam, do đó chưa thể mạnh tay vì còn có sự "dòm ngó" của thế giới bên ngoài.
Chia được Việt Nam rồi, đối với miền Nam còn lại, TC hiện đang lan tỏa tiệm tiến về miền đất hứa nầy, và nếu không có biện pháp, việc mất miến Nam còn lại cũng chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
Câu hỏi được đặt ra là, nếu mô hình nầy là một tiến trình Hán hóa của Trung Cộng có nhiều xác suất có thể xảy ra, chúng ta, những người Việt còn lưu tâm đến tiền đồ dân tộc phải làm gì?
Chuyện miền Bắc lọt vào vòng lệ thuộc Tàu Phù hiện nay đã quá rõ, bây giờ chỉ lo phần cho miền Nam. Do đó, vài đề nghị dưới đây xin được đan cử để khơi mào cho cuộc thảo luận ngày hôm nay.
Những người Việt yêu nước, yêu dân tộc còn lại sẽ cố đẩy mạnh khí thế miền Nam và tạo sức mạnh ngoại giao với cộng đồng thế giới như:
• Liên kết cùng khối ASEAN để cùng hợp lực tạo sức mạnh liên hoàn tranh đấu với TC trong vấn đề Biển Đông, trong đó có Miến Điện (Myanmar ) là một nhân tố mới nhứt vừa thoát khỏi ảnh hưởng của TC và đang xây dựng tiến trình dân chủ cho đất nước.
• Liên kết với Ấn Độ trong việc đẩy mạnh giao thương kinh tế và phát triển cùng phối hợp quốc phòng song phương;
• Liên kết với các quốc gia có ảnh hưởng trong vùng như Nhật, Đại Hàn, Úc, Tân Tây Lan và Hoa Kỳ để nhằm ổn định các tranh chấp trên Biển Đông. (Chúng tôi không nói đến Đài Loan, vì, nên nhớ, người Tàu dù ở chiến tuyến nào cũng là người Tàu, và tinh thần "Đại Hán" đã ăn sâu vào não trạng của họ, dù ở bất cứ phương trời nào).
Làm được những liên kết trên, miền Nam còn lại sẽ là một miếng xương khó nuốt cho TC một khi có kinh tế tự do và người dân sống trong một vùng có pháp trị sẽ giúp miền Nam trở thành độc lập và cường thịnh.
Thưa Quý vị,
Đất và Nước cũng là biểu hiện của Tổ Quốc, Non Sông. Đất cũng là đất, là nơi sinh sống của cả dân tộc. Nước cũng là nước, là suối nguồn dinh dưỡng dân tộc.
Trong hơn 20 năm qua, tôi chỉ nói về Đất và Nước của xứ tôi, xứ Việt Nam đang còn đắm chìm dưới ách cai trị của "ngoại bang" tuy có cùng tiếng nói. Đất tôi đang bị dày xéo vì những quyết định "vô cảm và vô hồn", vì những công cuộc xây cất các khu "giải trí" cho du khách quốc tế để thu lợi, vì những công trình vô bổ mang lại lợi ích cho một thiểu số cầm quyền.
Đất đang bị đem rao bán cho ngoại bang!
Đất đang bị tận dụng tàn khốc, bị lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu rầy, hóa chất diệt trừ nấm mốc v.v… để khai thác và sản xuất nhằm thu thập ngoại tệ nặng để củng cố quyền lực chứ không nhằm mang lại phúc lợi cho người dân. Đất không được nghỉ ngơi cho nên Đất phải khô cằn.
Cần phải để Đất nghỉ ngơi!
Còn Nước thì sao?
"Nước" đang bị ngoại bang làm vẩn đục!
Nước cũng chịu cùng chung số phận với Đất. Nước đang bị tận dụng và bị ô nhiễm đến nỗi thiên nhiên không còn khả năng tái tạo lại nguồn nước trong lành.
Nước mặt, nước ngầm đều bị ô nhiễm nặng. Nguồn nước ở các sông ngòi Đồng bằng Sông Cửu Long không còn được dùng trong việc ăn uống nấu nướng như ngày xưa nữa, ảnh hưởng lên hơn 20 triệu người dân chất phác Nam kỳ lục tỉnh.
Hủy hoại Đất!
Ô nhiễm Nước!
Đó là một tội ác không những đối với dân tộc Việt Nam, mà còn đối với nhân loại toàn cầu. Đã đến lúc, cần phải tiếp tục cảnh báo cho thế giới biết về sự tàn phá Đất và Nước của một chế độ phi nhân diễn ra trên đất nước Việt Nam từ cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 nầy.
Thưa Quý vị,
Xin nói ngay là những lời sau đây không phải là lời nhắn gửi hay trao đổi với người CS Việt Nam mà chính là một vài suy nghĩ về họ trong cung cách quản lý toàn thể đất nước hơn 36 năm qua.
Nhớ lại, trong những buổi hoàng hôn trước ngày 30/4/1975, tâm trạng một thanh niên trẻ, mang bầu nhiệt huyết hầu mong đóng góp một chút gì cho quê hương, đang bị dằn co bởi ý tưởng ĐI hay Ở. Sau cùng quyết định ở lại đã chiến thắng, xóa đi nỗi khắc khoải của nội tâm vì một suy nghĩ rất "lãng mạn" rằng:"Cho dù CS Bắc Việt có chiếm miền Nam đi nữa, mình cũng thể đối thoại được với họ, vì cùng chung chủng tộc và cùng một ngôn ngữ". Nhưng tôi đã lầm, cũng như nhiều người đã lầm, vì họ và tôi không nói cùng một tiếng nói mặc dù cùng phát âm ngôn ngữ Việt. Trước bế tắc của cuộc sống và tương lai con cái, phải đành liều chết vượt biên mà thôi. Không còn một giải pháp nào khác.
Trong suốt hơn 20 năm thực sự dấn thân vào con đường tranh đấu dù dưới danh nghĩa cá nhân hay thành viên của Hội khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (VAST) hay dưới danh nghĩa Đại Việt, qua 6 cuốn sách viết riêng hay viết chung với các bạn như GS Trần Minh Xuân, TS Phan Văn Song, tôi đã trang trải trong đó, nỗi lòng của người con Việt, nói lên những vấn nạn môi trường do sự phát triển không ứng hợp với chiều hướng toàn cầu hóa và bảo vệ môi trường cùng những chính sách y tế, giáo dục hoàn toàn đi ngược lại trào lưu tiến bộ của văn minh thế giới.
Từ đó, đưa đến tệ trạng là Đất Nước và con người Việt Nam ngày hôm nay đang đứng bên bờ vực thẳm về phát triển, chưa nói đến vấn nạn làm "nô lệ" cho Trung cộng qua các thỏa hiệp ngầm giữa hai đảng cộng sản Việt và Trung. Hiện nay, trên thực tế và dưới sự quản lý của đảng cộng sản Bắc Việt, Việt Nam vô hình chung đã là một tỉnh phía Nam của Trung Cộng từ lâu rồi!
Ngày hôm nay, những người CS Bắc Việt hãy trở về với dân tộc đúng nghĩa thật sự nếu còn lại một chút nhứt điểm lương tâm.
Tài sản và quyền lực chỉ là phù du!
Hãy can đảm vứt bỏ VÔ MINH trong tâm khảm để trở về với dân tộc đúng nghĩa.
Một khi nhắm mắt và ngừng hơi thở, tất cả sẽ trở về cát bụi mà thôi!
Trong trường hợp Việt Nam, tiếc thay, những oan nghiệt trong quá khứ đã đến từ một chủng tộc khác dòng, khác giống; còn nỗi oan nghiệt dân tộc phải chịu ngày hôm nay phát xuất từ một chủng tộc đồng nhứt, nói cùng một ngôn ngữ Việt tộc.
Đã cùng là một Việt tộc mà cung cách hành xử còn tệ hại hơn thời thuộc địa, tệ hại hơn thời Bắc thuộc thuở xa xưa.
Đó chính là nỗi oan khiên nghiệt ngã của Đất Nước.
Nỗi oan khiên nầy biết đến bao giờ mới được xóa đi?
TS Yoshiharu Tsuboi, người Nhựt đã trình luận án tiến sĩ năm 1982 tại Paris với đề tài:"Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885" (L’Empire Vietnamien: Face à la France et à la Chine entre 1849-1885) trong đó ông đưa ra một suy nghĩ tương đối mới khi nhận định về nguyên nhân mất nước về tay người Pháp không phải vì vua Tự Đức bế quan toả cảng, mà chính vì vua, quan, và dân bị phân liệt thời bấy giờ, do đó, không thể nào tạo được sự kết đoàn để chống giặc được.
Và ngày nay, trong một tuyên bố gần đây về hiễm họa Hán hóa, ông đã đưa ra nhận định là: "Cần phải tạo ra thật nhiều con người biết sống trong sạch. Chính họ là sức mạnh cho đất nước Việt Nam".
"Trong" ở trong Tâm và "Sạch" nơi mỗi "Hành Động".
Làm được hai điều nầy, chắc chắn Việt Nam sẽ thoát khỏi cơn hồng thủy phương Bắc trong tương lai.
Xin Quý vị cùng góp ý.
Cám ơn Quý vị đã lắng nghe.
Mai Thanh Truyết
~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Giới thiệu về TS. Mai Thanh Truyết:
Chức vụ ở Việt Nam trước năm 1975
- Giảng sư (Associate-Professor), Trưởng ban Hóa học, Đại học Sư phạm Sài Gòn, Việt Nam.
- Giám đốc Học vụ, Viện Đại học Cao Đài, Tây Ninh, Việt Nam.
Chức vụ ở Hoa Kỳ
- Nghiên cứu cho Chương trình thuộc Viện Y tế Quốc gia (NIH) của Đại Học Y Khoa Minnesota.
- Giảng dạy Hóa học Đại cương tại King College, Fresno, CA.
- Giám đốcPhòng thí nghiệm và Giám đốc Xử lý Phế thải, Chemical Waste Management, Kettleman City, CA.
- Giám đốc nhà máy xử lý nước thải (Leachate Treatment Plant), SCS/BKK, West Covina, CA. Về hưu 9/2011.
Hiện tại
- Giám đốc Kỹ thuật, EnvironmenD Consultant Services, LA.
Công tác Hội đoàn
- Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Hội Khoa học & Kỹ thuật Vịệt Nam tại Hoa kỳ (VAST).
- Đệ nhứt Phó Chủ tịch Đại Việt.
Sách đã xuất bản
1- Câu chuyện Da Cam/Dioxin Việt Nam (2008).
2- Từ Bauxite đến Uranium (2009) (đồng tác giả Trần Minh Xuân, Phan Văn Song).
3- Thư cho con 14 (2010) (đồng tác giả Trần Minh Xuân).
4- Thư cho con 15 (2010) (đồng tác giả Trần Minh Xuân).
5- Những vấn đề môi trường Việt Nam (2010)
6- Thư cho con 16, 17 (2011) (đồng tác giả Trần Minh Xuân)
7- Thư cho con 18 (2012) (đồng tác giả Trần Minh Xuân)
8- Tâm tình người con Việt (2012)…)
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment