Saturday, September 8, 2012

Chân dung của một xã hội


Kính thưa quý vị,
Có những tấm hình thay cho ngàn lời nói. Xin chuyển để những người Cộng Sản suy nghĩ.

Chu Tất Tiến.

 

 

 

----- Forwarded Message ----
From: têhát <

Fri, July 20, 2012 6:24:16 AM
Subject: Chân dung của một xã hội

http://nguoithathoc1959.multiply.com/journal/photos/hi-res/1M/1775

Chân dung của một xã hội
Song Chi

Trong một quốc gia tự do dân chủ, một môi trường xã hội công bằng, văn minh, luật pháp và nhân quyền được tôn trọng, người dân chỉ cần sống và làm việc theo đúng pháp luật là hầu như không có gì phải lo lắng.

Nếu không có tiền học nghề, học đại học, có thể mượn nợ nhà nước. Mua xe mua nhà cưới xin... đều có thể mượn nợ hoặc mua trả góp. Nếu đau yếu, tàn tật, già cả, thất nghiệp, có thể trông vào những chính sách an sinh xã hội của chính phủ.

Mọi người không phải làm việc cật lực để dành tiền lo việc học cho con, lo tuổi già hoặc tai ương xảy đến cho mình. Không phải hối lộ ai, không phải vất vả chạy bằng mua “ghế”, không phải nói dối, không lo bị kết tội phản động, bị tù đày vì những chính kiến của mình... Từ đó, con người có thể sống một cách trung thực, bình thản, lương thiện và tử tế.

Ðiều đó lý giải tại sao ở nhiều quốc gia, ví dụ như các nước Bắc Âu, phần lớn người dân lương thiện, tử tế, là vì mọi quyền tự do dân chủ đều được bảo đảm, mọi chế độ an sinh phúc lợi xã hội đều có, họ không cần phải “ác”, phải chụp giựt, vơ vét về phần mình... mới có thể tồn tại.

Tại sao người Mỹ có thể sống thẳng thắn với những suy nghĩ của mình ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, hoặc có tinh thần công dân rất cao, bất cứ chuyện gì họ cũng gọi cảnh sát, thấy người khác làm sai, cho dù là sếp của họ hay ông Tổng Thống, họ cũng lên tiếng. Ðó là vì họ không phải sợ hãi điều gì kể cả chính quyền, họ có niềm tin rằng người dân được tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa.

Khi động đất và sóng thần cùng lúc đổ ập xuống đất nước Nhật Bản vào tháng 3.2011, một lần nữa, người Nhật đã chứng tỏ cho thế giới thấy sự điềm tĩnh, quả cảm, đức hy sinh, tinh thần cao thượng, ý thức vì cộng đồng... của họ.

Những câu hỏi vì sao người Nhật có thể ứng xử tuyệt vời khi thảm họa xảy ra cũng đã được nêu ra và lý giải theo nhiều cách: Vì dân Nhật đã quen và được chuẩn bị tốt cho những tình huống tai họa, vì văn hóa, nền tảng giáo dục luân lý, tính cách của họ và nhất là, vì dân Nhật tin vào chính phủ của họ đang sát cánh cùng nhân dân trong thảm họa, đang và sẽ làm những gì tốt nhất có thể, cho nhân dân, đất nước... Ai cũng cố gắng sống tốt bởi vì mọi người chung quanh đều như thế.

Ngược lại, khi phải sống trong một môi trường xã hội mà cái ác cái xấu sự không tử tế trở thành chuyện bình thường, phát triển tràn lan như cỏ dại, còn cái thiện cái đẹp sự tử tế trở thành bất bình thường, hiếm hoi, tâm hồn, tính cách con người cũng sẽ dần dần bị nhiễm độc, méo mó.

Sau những năm tháng dài dằng dặc sống trong một chế độ độc tài đảng trị được điều hành bởi những kẻ chỉ biết đặt quyền lợi của đảng, phe nhóm và cá nhân lên trên hết, bỏ mặc nhân dân, đất nước trong một tình trạng vô pháp luật từ trên xuống dưới, cái giá phải trả của dân tộc Việt Nam không chỉ là sự tụt hậu, thua kém các nước về nhiều mặt. Từ kinh tế, thành tựu khoa học kỹ thuật công nghệ cho tới văn hóa nghệ thuật. Không chỉ là việc tài nguyên của quốc gia bị khai thác đến cùng kiệt, môi trường thiên nhiên, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, một nền giáo dục lạc hậu...

Mà nặng nề nhất, là những hậu quả để lại trên bao thế hệ con người. Sự tha hóa, xuống cấp về mặt đạo đức xã hội. Sự méo mó về mặt nhân cách.

Càng ngày chúng ta càng đọc/nghe thấy những câu chuyện về cái ác, sự hèn nhát hay thói vô cảm trong xã hội Việt Nam.

Về sự độc ác, mới đây, là câu chuyện một bà chủ bắt người làm phải xăm hình con rết lên mặt và ngực hay một bà chủ khác bạo hành người giúp việc đã gần 60 tuổi như thời Trung Cổ: Ðánh đập, bắt ăn ớt, ăn phân, xối nước nóng vào người... Trước đó, đã từng có những vụ tương tự như hai vợ chồng một chủ tiệm phở bạo hành cô gái Nguyễn Thị Bình trong 10 năm trời bị đưa ra xét xử năm 2008, hai vợ chồng một chủ trại tôm giống hành hạ dã man em Hào Anh bị đưa ra xét xử năm 2010...

Những câu chuyện về cái ác ở mức độ khác nhau nhưng vô cùng đa dạng. Cha mẹ bạo hành với con cái. Thầy giáo bạo hành với học sinh kể cả ở lứa tuổi mầm non. Học sinh sử dụng bạo lực với nhau, đánh nhau, làm nhục nhau, quay thành clip tung lên mạng...

Vì sao người VN bây giờ trở nên độc ác với nhau như vậy?

Chẳng có gì lạ khi con người cả cuộc đời phải quay cuồng với cơm áo gạo tiền, phải chụp giựt, vơ vét, chà đạp lên nhau để mà tồn tại, phải đối phó với muôn ngàn nỗi lo, nỗi sợ, từ có lý đến phi lý mà không thể trông chờ vào bất cứ sự hỗ trợ nào của nhà nước, cũng không thể tin cậy vào pháp luật. Quá nhiều nỗi lo âu căng thẳng dồn nén, những bức xúc trước vô vàn cảnh trái tai gai mắt, bất công trong xã hội mà không biết giải tỏa vào đâu cũng không làm sao giải quyết được. Thế là con người dễ trở nên tức tối và độc ác.

Cùng với sự độc ác, sự vô cảm cũng là một hiện tượng xã hội đã đến hồi báo động. Thấy xe bị lật đổ bia ra đường hoặc người bị giựt tiền, tiền rơi tung tóe ngoài đường, không giúp đỡ mà còn xúm nhau vào hôi của. Thấy người bị nạn làm lơ. Hàng loạt vụ tài xế đã tông xe xong còn lùi lại cán qua người cho nạn nhân chết hẳn thay vì cứu giúp, v.v.

Và sự hèn nhát. Một chế độ độc tài chuyên sử dụng bạo lực để trấn áp người dân đã khiến người dân trở nên hèn nhát. Mọi người đều né tránh những vấn đề liên quan đến chính trị. Biết bao nhiêu điều bất công phi lý diễn ra hàng ngày nhưng người dân vẫn im lặng chịu đựng như không nghe không thấy. Không ai muốn làm điều tốt vì chỉ gặp phiền hà.

Ai cũng nghĩ, tố cáo tiêu cực như thầy giáo Ðỗ Việt Khoa, kỹ sư Lê Văn Tạch, phản ứng lại cách hành xử thô lỗ của công an ngành hàng không như huấn luyện viên Lê Minh Khương... cuối cùng sẽ nhận được gì? Viết bài chống tham nhũng thì bị vào tù như nhà báo Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ), Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên), tổng biên tập của các tờ báo này thì bị bay chức.

Và mới đây, là nhà báo Hoàng Khương (báo Tuổi Trẻ) chuyên viết những bài phóng sự điều tra về nạn tham nhũng, mãi lộ của cảnh sát giao thông, bị công an bắt về tội “đưa hối lộ” khiến dư luận xôn xao.

Sự việc nhà báo Hoàng Khương bị bắt, đúng sai như thế nào đã có nhiều nhà báo, nhiều blogger phân tích, chỉ xin nói về thái độ của ban biên tập báo Tuổi Trẻ khi phóng viên của báo bị “tai nạn nghề nghiệp”.

Trong nhiều năm dài, Tuổi Trẻ là một tờ báo đã giành được niềm tin yêu của người đọc vì sự dũng cảm dấn thân của các phóng viên và những người đứng mũi chịu sào trước những vấn đề gai góc của xã hội để lên tiếng bảo vệ người dân. Về mặt nghiệp vụ báo chí, giữa hoàn cảnh khó khăn của nghề báo trong một chế độ độc tài, Tuổi Trẻ thường được các báo bạn cũng như người đọc khen ngợi vì rất biết cách đưa thông tin mà vẫn giấu được quan điểm chính kiến để “không bị chụp mũ”, một kiểu viết để cho người đọc có thể hiểu “giữa hai hàng chữ”.

Thế nhưng, Tuổi Trẻ cũng là tờ báo bị “thay máu” nhiều nhất. Bao nhiêu đời tổng biên tập, phóng viên giỏi đã phải ra đi vì đã lỡ viết bài “trật ra khỏi lề đảng” hoặc đơn giản, chỉ vì đụng chạm đến quyền lợi của một cá nhân, một nhóm lợi ích nào đó. Tuổi Trẻ ngày càng ngoan dần, nhạt nhẽo dần.

Và bây giờ khi phóng viên của mình bị bắt, ban biên tập của báo Tuổi Trẻ đã hoàn toàn im lặng.

Cái gì đã làm cho một tờ báo từng nổi tiếng dũng cảm nay thành ra như thế? Cũng lại là sự sợ hãi. Sự hèn nhát.

Còn gì đáng buồn hơn nếu nhận xét về xã hội VN ngày nay, một người nước ngoài nào đó sẽ nêu ra những nét nổi bật: Sự độc ác, thói vô cảm hay sự hèn nhát?

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-1/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link