Tuesday, September 11, 2012

Tranh chấp biển đảo ảnh hưởng đến thượng đỉnh APEC


 
CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG - Bài đăng : Thứ tư 05 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 05 Tháng Chín 2012

Tranh chấp biển đảo ảnh hưởng đến thượng đỉnh APEC

Hải đảo Uotsuri thuộc quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) gây tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc (REUTERS)
Hải đảo Uotsuri thuộc quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) gây tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc (REUTERS)

Thanh Phương  RFI

Vào cuối tuần này, các lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương sẽ họp lại ở Vladivostok, vùng Viễn Đông Nga, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương). Nhưng các tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước láng giềng có thể sẽ cản trở những nỗ lực của APEC nhằm thúc đẩy tự do hóa mậu dịch trong vùng.
Đây là lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh APEC được tổ chức tại Nga. Nước chủ nhà đã chi ra hơn 20 tỷ đôla để xây dựng cầu cống, đường xá, sân bay, trung tâm hội nghị, để qua đó cải thiện hình ảnh của Matxcơva trên trường quốc tế. 
Theo nghị trình chính thức, cuộc họp thượng đỉnh Diễn đàn APEC sẽ bàn về những nổ lực nhằm tự do hóa mậu dịch trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như bảo đảm một sản lượng nông nghiệp ổn định nhằm kềm chế giá lương thực đang tăng vọt trên thế giới.
Cũng trong lĩnh vực thương mại, bên lề Diễn đàn APEC, các lãnh đạo của 11 quốc gia tham gia thương lượng hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ gặp nhau để tiếp tục bàn về dự án vùng tự do mậu dịch này. 
Nhưng Diễn đàn APEC cũng có thể sẽ là dịp các lãnh đạo thế giới gặp riêng với nhau để thảo luận về các vấn đề địa chính trị nóng bỏng, vào lúc mà quan hệ giữa các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc lại trở nên căng thẳng do những tranh chấp lãnh thổ đã kéo dài từ nhiều thập kỷ qua. 
Trung Quốc thì vẫn tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Việc chính phủ Tokyo dự định mua lại quần đảo này, hiện thuộc quyền sở hữu của một gia đình Nhật Bản, sẽ khiến tranh chấp này thêm gay gắt.
Bản thân Nhật Bản cũng đang tranh chấp với Hàn Quốc về chủ quyền của quần đảo Takeshima, mà phía Triều Tiên gọi là Dokdo. Căng thẳng giữa hai nước đã gia tăng trong thời gian qua, kể từ khi tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak đến thăm các đảo này. 
Ấy là chưa kể Trung Quốc ngày càng có những hành động nhằm xác quyết chủ quyền trên Biển Đông, gây thêm căng thẳng với hai nước Philippines và Việt Nam. 
Do tổng thống Barack Obama đang tranh cử ở Hoa Kỳ, nên Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ đại diện cho Hoa Kỳ tại Diễn đàn APEC. Bà Clinton vừa kết thúc chuyến công du châu Á, một chuyến đi đã gây bực bội cho Trung Quốc, vì Bắc Kinh cho rằng Washington đang tìm cách kềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và gây bất hòa giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng Đông Nam Á trên vấn đề chủ quyền Biển Đông. 
Những căng thẳng do tranh chấp chủ quyền nói trên chắc chắn sẽ khiến cho không khí cuộc họp thượng đỉnh Diễn đàn APEC bớt thân thiện, nồng ấm như những năm trước. Vấn đề là chưa biết các lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương có thể tạm gác được sang một bên những tranh chấp lãnh thổ để tập trung cho việc thúc đẩy tự do mậu dịch hay không.
 
 
 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-21/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link