Monday, September 10, 2012

Việt Nam: Những cú bẩn trên chóp bu Nhà nước

http://xuongduong.blogspot.com 

THỨ HAI, NGÀY 10 THÁNG CHÍN NĂM 2012

Việt Nam: Những cú bẩn trên chóp bu Nhà nước

Đấu đá nội bộ giới lãnh đạo Việt Nam khởi đầu với việc bắt "Bầu Kiên" ngày 21/08/2012

Đấu đá nội bộ giới lãnh đạo Việt Nam khởi đầu với việc bắt "Bầu Kiên" ngày 21/08/2012

REUTERS

Lê Phước

Courrier International tuần này trích dịch bài viết của tờ Financial Times tại Luân Đôn với dòng tựa khá ấn tượng : «Những cú bẩn trên chóp bu Nhà nước ». Bài viết đề cập đến chuyện ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, qua đó nhận định : Vụ việc này làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống kinh tế và chính trị của đất nước.

 

Ông Nguyễn Đức Kiên, một trong những sáng lập viên của ngân hàng ACB, đã bị bắt, và chỉ ba ngày sau là đến lượt tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải. Theo tin tức chính thức, hai ông này bị bắt vì những tội danh kinh tế. Thế nhưng, Financial Times cho biết, tại Việt Nam, ông Kiên vốn là « một nhân vật có thế lực đứng trong bóng tối ».

 

Bởi thế, theo tờ báo, nhiều người cho rằng, các vụ bắt bớ này không chỉ thuần túy liên quan đến kinh tế, mà là biểu hiện của tình trạng đấu đá trên chóp bu Nhà nước Việt Nam, cụ thể là giữa đương kiêm thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và những đối thủ của ông trong Đảng.


Vụ việc đã gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Khách hàng ACB thi nhau đi rút tiền để tránh rủi ro, đến mức mà thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải liên tục xuất hiện trên truyền hình quốc gia để trấn an thị trường. Financial Times dẫn lại lời nhận định của ông Karolyn Seet, một nhà phân tích thuộc Công ty thẩm định tài chính Moody’s ở Singapore: «Vụ việc của ACB cho thấy dấu hiệu cúa sự thiếu minh bạch, năng lực quản trị doang nghiệp kém, gian lận, tham nhũng và làm ăn theo kiểu chợ đen ».


Tại Việt Nam, tình trạng lạm phát cao và dai dẳng đã khiến cho các hộ gia đình và doanh nghiệp điêu đứng, làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, khiến đồng nội tệ bị mất giá.

 

Chính sách ưu tiên xây dựng các tập đoàn công nghiệp Nhà nước khổng lồ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tỏ ra không hiệu quả, mà minh chứng hùng hồn nhất là sự sụp đổ của hai đại tập đoàn Vinashin và Vialines với tổn thất hàng tỷ đô la của Nhà nước.

 

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nợ xấu tại Việt Nam đã đến mức báo động. Đánh giá về tình trạng này, Financial Times cho biết, theo giới quan sát và thậm chí theo nhận định của một số quan chức trong Đảng, nguyên nhân không chỉ có kinh tế, mà còn có chính trị : Nhà cầm quyền đã không kịp thích ứng với sự phát triển và hội nhập quốc tế quá nhanh chóng của nền kinh tế đất nước.

 

 Tờ báo dẫn lại nhận định của ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường, người nhiều lần kêu gọi chính phủ cải cách kinh tế, cho rằng : Từ quan chức đến các nhà đầu tư, ai cũng chạy theo nạn đút lót, bởi vậy mà rất khó loại trừ được vấn nạn này.


Trong bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn, bất ổn xã hội ngày càng lan rộng, như việc công nhân đình công ở các công ty hay các vụ đụng độ giữa chính quyền và người dân về vấn đề đất đai, thì những tranh chấp nội bộ trên chóp bu Nhà nước Việt Nam cũng ngày càng gay cấn.

 

Mọi trách cứ dường như đổ dồn về phía thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Financial Times cho rằng, một vài nhân vật trong chính phủ và trong đảng cầm quyền không hài lòng về việc ông Dũng nắm quá nhiều quyền lực và trách cứ ông trong việc ông quá ưu ái một số đại tập đoàn tư nhân và Nhà nước.


Tờ báo nhắc lại, hồi đấu tháng Tám, đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành một biện pháp mang tính biểu trưng cao, đó là lãnh đạo Đảng quyết định tái thành lập ban nội chính trung ương, và chuyển ủy ban phòng chống tham nhũng trung ương do thủ tướng lãnh đạo về ban nội chính này.


Trong bối cảnh đó, Financial Times dẫn lại đánh giá của ông Adam Florde, chuyên gia về Việt Nam của Đại học Victoria – Úc, cho rằng, cuộc khủng hoảng chính trị này «không phải là câu chuyện của một người ». Theo ông, trên chóp bu của nhà nước Việt Nam, hiện đang có « một khoảng trống chính trị ».


Trung Quốc : Quan chức đối thoại với dân, một kiểu dân chủ hình thức
Trong một chương trình truyền hình của thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), người dân có thể tham gia chất vấn trực tiếp với lãnh đạo địa phương về tất cả những chủ đề thuộc loại nhạy cảm. Thực chất của chương trình này là gì ? Phụ trang cuối tuần báo Le Monde có bài giải đáp chạy tựa : «Tuyên truyền ở trường quay ».


Tờ báo cho biết, từ tháng 11/2011 đến nay, chương trình này đã phát sóng được 11 số. Nhiều lãnh đạo địa phương đã phải đăng đàn trả lời về đủ thứ vấn đề nhạy cảm. Như chuyện lãng phí trong việc xây dựng vô tội vạ các khu công nghiệp, việc đút lót, việc chạy chức chạy quyền…

 

Thậm chí, có khi người dẫn chương trình truyền hình còn không ngại có ứng xử mạnh bạo ngay trước ống kính truyền hình như bất chợt đưa một bao thư cho vị lãnh đạo khách mời và nêu câu hỏi : «Xin gửi ông một phong bì làm kỉ niệm, và xin ông vui lòng trả lời là vì sao người ta phải đút lót tiền ở cơ quan của ông ?».


Chương trình bề ngoài có vẻ dân chủ lắm, nhưng theo Le Monde, thực chất không phải vậy. Các quan chức khách mời thường thì bị cấp trên bắt buộc nên ép lòng mà leo lên giàn hỏa.

 

Còn như các chủ đề tranh luận, thì toàn là những chủ đề được chọn lọc cho phù hợp với lợi ích của đảng cầm quyền.

 

Người dẫn chương trình thì bàn bạc sối nổi lắm, nhưng khi kết luận vấn đề thì lại thường nói theo kiểu : «Như đồng chí bí thư thành phố Vũ Hán đã nói, mọi việc mà chính quyền làm cũng là vì hạnh phúc nhân dân ».


Theo nhiều nhận định, chương trình nói trên là biểu hiện cho thấy, chính quyền đang ra sức tuyên truyền để cho người dân thấy rằng nhà cầm quyền cũng đã theo kịp sự chuyển biến của xã hội Trung Quốc, một xã hội mà người dân đã không còn bị bưng bít thông tin nhờ vào Internet.

 

Le Monde dẫn lại lời một blogger địa phương nhận định về chương trình truyền hình nói trên, cho rằng, các lãnh đạo địa phương xuất hiện trên truyền hình là để nói suông nhằm vỗ về dân mà thôi.


Loài người đã bước vào « thời đại máy tính bảng »
«2012 là năm của máy tính bảng », đó là tựa đề của bài viết đăng trên tạp chí Le Nouvel Observateur số ra tuần này, phản ánh việc loại dụng cụ nhỏ, gọn, nhưng đắt đỏ này đang mê hoặc công chúng, tạo ra các cuộc cạnh tranh khốc liệt của các đại gia công nghệ thông tin trên thế giới.


Tờ báo nhắc lại, hồi tháng 4/2010, một loại máy tính lai đã ra đời mang tên Ipad mà khi ấy, ít ai biết nó dùng để làm gì. Thế nhưng, chỉ trong vòng 80 ngày, hãng Apple đã bán được 3 triệu Ipad, gây chấn động thị trường.

 

Giám đốc marketing của hãng Asus Đài Loan cũng cho biết, sản phẩm bán chạy nhất của Asus vẫn là máy tính bảng (tablet). Còn tại Pháp, năm 2012, lượng tablet bán ra đã tăng 140%, đạt 3,4 triệu chiếc.


Tablet càng thịnh vượng thì máy vi tính xách tay, thậm chí netbook, càng khó khăn với lượng bán ra ngày càng giảm. Các đại gia sản xuất máy vi tính đã kết hợp với Google để sử dụng hệ điều hành Android, khiến Apple không mấy vui lòng.

 

Thế nhưng, năm ngoái, các tablet sử dụng Android đã làm thất vọng mọi người, và thế là Apple vẫn ở vị trí độc tôn trên thị trường máy tính bảng. Android không chịu thua, và dự định mùa thu này sẽ cho trình làng phiên bảng tablet mới với nhiều kiểu dáng, kích cỡ và cả việc giảm giá 13%.

 

Còn đại gia Samsung cũng đã tổ chức một cuộc trưng bày qui mô ở Berlin-Đức để giới thiệu phiên bảng mới của Galaxy Note.


Hãng Sony của Nhật cũng không đứng ngoài trận chiến. Sony dự tính chinh phục khách hàng bằng một phiên bản mới rất tiện sử dụng : Tất cả sản phẩm Sony từ tivi đến tablet, có thể sẽ được cài đặt cùng nội dung chương trình.

 

 Hãng Asus cũng đã thiết kế tablet Nexus 7 khi hợp tác với Google để khai thác tối đa tính năng của Android với mục tiêu là : Khác biệt, nhẹ, có thể cầm gọn trong tay và giá cả hợp lí. Các hãng của Pháp như Archos, Tikeasy, PME Toulouse cũng không ngừng tự làm mới để tranh đấu trên chiến trường tablet.


Microsoft đã thiết kế tablet Microsoft Surface sử dụng hệ điều hành Windows 8 với thế mạnh về phần mềm văn phòng như Word hay Excel, rất lý tưởng cho những người vừa muốn dùng tablet, vừa muốn tận dụng các tính năng văn phòng cho công việc. Đại gia Amazon của Mỹ cũng sắp trình làng Kindle Fire với nhiều tính năng mới và giá cả phải chăng.


Trên tổng thể, tờ báo cho biết, các nhà sản xuất lựa chọn chiến lược dựa vào một xu thế là khi người ta đã dùng điện thoại thông minh (smartphone) hiệu nào thì sẽ mua tablet hiệu đó, như người đã dùng Iphone thì sẽ có nhiều khả năng mua Ipad khi cần sử dụng máy tính bảng. Hiện tại, trên thị trường, số 1 thế giới về smartphones là Android với 59% thị phần, trong khi Iphone chỉ có 23%.

 

Thế nhưng, cũng chính vì vậy, mà Apple và cả Samsung nữa sẽ có cơ hội tiếp tục thống lĩnh thị trường tablet.


Thế là, cuộc chiến tablet và smartphone vẫn tiếp tục và sẽ còn nhiều gay cấn. Kết quả cuối cùng vẫn còn là một ẩn số vì đây là một thị trường sối động nhất mà cũng có nhiều bí ẩn nhất.


Kinh tế khó khăn, người Pháp ăn nhiều khoai tây hơn !
Dù kinh tế Pháp đang hồi khó khăn, thế nhưng bà con trồng khoai tây ở Pháp lại bán rất chạy hàng. Phụ trang cuối tuần báo Le Monde đặt câu hỏi : « Vì sao khoai tây lại được coi trọng ».


Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Pháp, trong bảy tháng đầu năm 2012, lượng khoai tây bán ra đã tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tìm hiểu về nguyên nhân, tờ báo cho biết, chính khủng hoảng kinh tế đã giúp cho khoai tây được lên hương.

 

Số là năm ngoái, lượng khoai tây tại Pháp được trồng quá nhiều, dẫn đến việc chỉ trong 12 tháng giá bán ra của loại thực phẩm này giảm đi 16,2%.


Thế nhưng, trong thời buổi kinh tế khủng hoảng, mọi người ai cũng phải tiết kiệm từng đồng từng cắc, người Pháp cũng vậy, nhất là người Pháp bình dân, họ phải hạn chế chi tiêu tối đa. Và thế là, lựa chọn ưu tiên của họ dĩ nhiên là khoai tây, món ăn mà mỗi năm trung bình một người Pháp ăn đến 15,4 ký.


Thực phẩm sinh thái có thật sự tốt cho sức khỏe ?
Cũng liên quan đến thực phẩm, phụ trang cuối tuần báo Le Monde có bài chạy tựa : « Sản phẩm sinh thái có tốt cho sức khỏe ? ».


Các nhà khoa học thuộc trường đại học Stanford của Mỹ vừa công bố kết quả nghiên cứu cho biết, khi so sánh, thì dĩ nhiên là sản phẩm sinh thái có nhiều khác biệt hơn so với sản phẩm sản xuất theo kiểu thông thường : Ít vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh hơn, ít thuốc trừ sâu hơn …Thế nhưng, họ cho rằng không có gì rõ ràng để có thể khẳng định được là ăn các sản phẩm sinh thái thì sẽ tốt hơn cho sức khỏe.


Về mặt dinh dưỡng, nghiên cứu trên cũng cho hay, các thực phẩm sinh thái không giàu chất dinh dưỡng hơn các thực phẩm thông thường.

 

Thế là, chỉ còn một điều chắc chắn, đó là làm nông nghiệp sinh thái trước tiên không phải có lợi cho sức khỏe, mà là có ích cho môi trường.

 

 

 

XUONG DUONG

__._,_.___

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-21/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link