Saturday, September 15, 2012

Việt-Mỹ và Dự luật về Nhân quyền Việt Nam (VOA)



THỨ BẢY, NGÀY 15 THÁNG CHÍN NĂM 2012


Việt-Mỹ và Dự luật về Nhân quyền Việt Nam (VOA)



Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, Dân biểu Ileana Ros-Lehtinen, nói Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2012 sẽ giúp Hoa Kỳ tiếp tục giữ vững cam kết của mình là đứng về phía những người bị áp bức, chứ không phải với những kẻ áp bức


Trà Mi-VOA

14.09.2012
Chính phủ Việt Nam vừa lên tiếng bác bỏ việc Hạ viện Mỹ thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2012 và Nghị quyết 484 kêu gọi Việt Nam tôn trọng nhân quyền. Đáp lại tố cáo của các nhà lập pháp trong Hạ viện Mỹ rằng Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm các nhân quyền căn bản của công dân bao gồm tự do ngôn luận và tự do tôn giáo, Hà Nội khẳng định đã đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Việt Nam ngày 13/9 tuyên bố việc Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2012 và Nghị quyết 484 kêu gọi Việt Nam tôn trọng nhân quyền là hành động ‘sai trái, không phù hợp với xu hướng phát triển của mối quan hệ Việt-Mỹ’.

Trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam trích đăng phát biểu của người phát ngôn Lương Thanh Nghị nói rằng Dự luật HR1410 và Nghị quyết 484 ‘dựa trên thông tin sai lệch, thiếu khách quan về tình hình thực thi quyền con người tại Việt Nam.’


Playlist
Tải

Phản ứng này được đưa ra hai ngày sau khi Hạ viện Hoa Kỳ hôm 11/9 cùng lúc thông qua Dự luật HR1410 và Nghị quyết 484 lên án thành tích nhân quyền xuống dốc của chính phủ Hà Nội và kêu gọi chính phủ Mỹ thúc đẩy Việt Nam phải cải thiện nếu muốn được Mỹ tăng viện trợ và giao thương.

Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2012 ngăn cấm Mỹ tăng viện trợ không có mục đích nhân đạo cho chính phủ Hà Nội trừ phi nhà cầm quyền Việt Nam có tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng dân chủ và phát huy nhân quyền, đặc biệt là phải phóng thích tất cả tù nhân lương tâm và phải bảo vệ quyền tự do hội họp, tự do lập hội, và tự do tôn giáo của người dân.

Nghị quyết 484 yêu cầu chính phủ Hà Nội phải chấm dứt lạm dụng các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia như điều 79 hay 88 trong Bộ Luật hình sự để giam cầm những người bất đồng chính kiến và phải thả tất cả các nhà đấu tranh ôn hòa đòi quyền tự do tôn giáo và quyền tự do chính trị bị bỏ tù về tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ và ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’.

Nghị quyết 484 cũng kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ theo dõi các diễn tiến về pháp trị tại Việt Nam để thúc đẩy Hà Nội tuân thủ các cam kết với quốc tế về tôn trọng nhân quyền.

Dân biểu liên bang Hoa Kỳ, Loretta Sanchez, nói Nghị quyết 484 do bà đệ nạp lên Quốc hội Mỹ có hai thông điệp chính:

“Thông điệp trước tiên gửi tới nhà cầm quyền Việt Nam rằng chúng tôi sẽ tiếp tục các nỗ lực để thúc đẩy cải thiện nhân quyền cho người dân tại Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn cả, thông điệp lớn nhất của Nghị quyết này là gửi tới tất cả những người đã và đang bị tù đày vì các điều luật mơ hồ của nhà nước như 79 hay 88, tới những nhà hoạt động trẻ, các blogger, những người đang gióng lên tiếng nói khát khao cho những sự thay đổi tại Việt Nam, rằng chúng tôi đang theo sát họ, bên cạnh họ, và ủng hộ tinh thần cho họ. Vì, như lời của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ nói với tôi trước đây, rằng những tiếng nói bên ngoài rất quan trọng đối với các nhà hoạt động trong nước, mang đến cho họ hy vọng và sức mạnh để họ tiếp tục công việc mà họ cần phải làm cho nhân dân Việt Nam.”

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, dân biểu Ileana Ros-Lehtinen, nói Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2012 vừa được Hạ viện thông qua sẽ giúp Hoa Kỳ tiếp tục giữ vững cam kết của mình là đứng về phía những người bị áp bức, chứ không phải với những kẻ áp bức.

Phát biểu trong ngày thông qua Dự luật hôm 11/9, bà Ros-Lehtinen nói:

“Người dân Việt Nam tiếp tục bị áp bức bởi những cai tù cộng sản, không thể thay đổi chính phủ hay được hưởng pháp quyền. Các cuộc bầu cử gần đây nhất hồi tháng 5 năm nay không tự do, không công bằng. Cũng như những người sống dưới chế độ Castro tàn nhẫn ở đất nước Cuba quê hương tôi, người dân Việt Nam là mục tiêu bị công an cư xử tàn bạo, chịu những điều kiện tù đày vô nhân đạo, và không được xét xử tự do, công bằng.”

Ngược lại, người phát ngôn Lương Thanh Nghị của Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định tôn trọng, bảo vệ, và thúc đẩy nhân quyền là chính sách nhất quán của nhà nước Việt Nam.

Ông Nghị nói các thành tựu về nhân quyền trong tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội mà Việt Nam đạt được trong những năm qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Vẫn theo lời ông, nhân quyền tại Việt Nam được phát huy và góp phần quan trọng cho thành công của công cuộc đổi mới tại Việt Nam.

Các nhà lập pháp trong Hạ viện Hoa Kỳ yêu cầu Washington không nên mở rộng hợp tác giao thương với Việt Nam, không nên tưởng thưởng cho chế độ độc tài khi mà chính quyền Hà Nội vẫn tiếp tục chà đạp nhân quyền của người dân.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói quan hệ Việt-Mỹ đã có những tiến triển tích cực và thường xuyên trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm, bao gồm nhân quyền. Việt Nam cho rằng những sự trao đổi đó giúp tăng hiểu biết lẫn nhau và thu hẹp cách biệt để hai nước tiếp tục phát triển quan hệ.

Sau khi thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR1410, các nhà lập pháp ở Hạ viện Mỹ tiếp tục thúc đẩy Thượng viện chấp thuận để Dự luật này chính thức trở thành luật.

Dân biểu Loretta Sanchez cho biết:

“Các nỗ lực đã được khởi sự, chúng tôi đã nói chuyện với các Thượng nghị sĩ để tìm cách đưa Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR1410 do dân biểu Chris Smith đề xuất ra Thượng viện trước cuối năm nay. Còn Nghị quyết 484 do tôi bảo trợ thì coi như đã hoàn tất và đang phát huy nhiệm vụ của nó. Chúng tôi đang cố gắng nói chuyện với Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa về việc đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo CPC và tiếp tục thúc đẩy các vấn đề này.”

Hà Nội lâu nay vẫn khẳng định rằng tại Việt Nam không có tù nhân lương tâm. Những người được giới bảo vệ nhân quyền quốc tế gọi là các nhà hoạt động, những người bất đồng chính kiến, hay các nhà đấu tranh dân chủ ôn hòa bị giam cầm tại Việt Nam trước nay vẫn bị chính quyền Hà Nội coi là các phạm nhân phạm pháp.

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-17/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link