Tuesday, October 23, 2012

Bắc Kinh sẽ tiếp tục mạnh tay với người Tây Tạng


 

 Chủ nhật 21 Tháng Mười 2012

Bắc Kinh sẽ tiếp tục mạnh tay với người Tây Tạng


Bộ đội Trung Quốc đi tuần tại Lhassa, Tây Tạng, ngày 01/02/2009

Bộ đội Trung Quốc đi tuần tại Lhassa, Tây Tạng, ngày 01/02/2009

REUTERS

Lê Phước


Đầu tháng 11 tới, chóp bu lãnh đạo Trung Quốc sẽ thay đổi, ông Tập Cận Bình được dự báo sẽ tiếp nhiệm ông Hồ Cẩm Đào. Nhiều ý kiến cho rằng, dưới thời Tập Cận Bình, chính sách Tây Tạng của Bắc Kinh sẽ nhẹ nhàng hơn so với các thế hệ lãnh đạo trước. Thế nhưng, tạp chí mạng Tibetan Political Review tại Ấn Độ có bài cho rằng, đó là một hy vọng thiếu căn cứ. Courrier International trích dịch bài viết này với dòng tựa cảnh báo : « Tây Tạng : Bắc Kinh sẽ không nới tay ».

Tờ báo cho biết, những người hy vọng Bắc Kinh dưới thời Tập Cận Bình sẽ nới tay hơn trong chính sách Tây Tạng chủ yếu dựa trên các căn cứ sau đây. Thứ nhất là dựa vào việc cha ông Tập Cận Bình là cựu phó thủ tướng Tập Trọng Huân, người đã từng gặp đức Đạt Lai Lạt Ma hồi đầu những năm 1950 và có quan hệ thân thiết với đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 10 của Tây Tạng. Thêm vào đó, vợ của phó chủ tịch Tập Cận Bình bà Bành Lệ Viên là một ca sĩ quân đội nổi tiếng tại Trung Quốc, mang hàm thiếu tướng và là một phật tử rất sùng đạo. Thế nhưng tờ báo cho rằng, ông Tập Cận Bình leo lên được những vị trí như hiện tại hoàn toàn không phải nhờ vào việc ông có lập trường hòa giải hay nhẹ tay với Tây Tạng, các dân tộc thiểu số hay với những người ly khai, mà nên nhớ rằng, ông Tập cận Bình là người theo đúng đường lối cứng rắn của đảng Cộng sản Trung Quốc trên những hồ sơ này.

Để minh chứng, tờ báo nhắc lại việc hồi tháng 6 năm ngoái, trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày quân đội Trung Quốc tiến vào Tây Tạng, phó chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ chiến đấu chống lại « các hoạt động ly khai của phe Đạt Lai Lạt Ma » ở Tây Tạng. Ông cũng nói, sở dĩ Trung Quốc và Tây Tạng được phát triển như ngày nay là hoàn toàn nhờ vào đảng Cộng sản Trung Quốc. Thế nhưng, tờ báo mỉa mai, chính nhờ vào đảng Cộng sản Trung Quốc thì mới có những vụ đập phá chùa chiền tại Tây Tạng, mới có những vụ đàn áp sư sãi ở Tây Tạng, mới có hàng loạt các vụ tự thiêu phản đối chính sách đàn áp của Bắc Kinh ở Tây Tạng.

Tờ báo lại cho rằng, những người dự báo chính sách Tây Tạng của Bắc Kinh sẽ dịu mềm hơn thì đa số là những người ly khai hoặc những người sống lưu vong, tức là hoàn toàn không có cân lượng gì trong đường lối lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nhìn lại quá khứ, cũng đã từng có những hy vọng tương tự khi ông Giang Trạch Dân lên nắm quyền vào năm 1989 hay khi ông Hồ Cẩm Đào lên cầm trịch vào năm 2002. Thế nhưng, hy vọng đã lụi tàn khi mà chính sách Tây Tạng dưới thời hai ông này ngày càng xiết chặt. Hơn nữa, hồi đầu tháng 9 này, một thân cận của chủ tịch Hồ Cẩm Đào là ông Lệnh Kế Hoạch bị bãi nhiệm chức vụ chánh văn phòng Trung ương Đảng để về lãnh đạo Ban Mặt trận Thống nhất Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhiều người cho rằng, ông Lệnh đã bị giáng chức, thế nhưng Tibetan Political Review lại cho rằng, Ban Mặt trận Thống nhất có ảnh hưởng đáng kể trong việc hoạch định chính sách Tây Tạng của đảng Cộng sản Trung Quốc, bởi thế, việc điều ông Lệnh về lãnh đạo ban này có nghĩa là ông Hồ Cẩm Đào sẽ tiếp tục ảnh hưởng lên chính sách Tây Tạng của thời đại Tập Cận Bình.

Tờ báo cũng nhắc thêm một điều nữa, đó là hiện tại người đứng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc không phải là người muốn làm gì thì làm, tức có thể quyết định theo ý riêng của mình, mà là lãnh đạo dựa trên ý chí tập thể. Mà ý chí tập thể hiện tại của đảng Cộng sản Trung Quốc lại tỏ ra không khoan nhượng đối với người Tây Tạng ly khai.

Tóm lại, niềm hy vọng cho rằng dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình Bắc Kinh sẽ nhẹ tay hơn trên hồ sơ Tây Tạng, theo tờ báo đó là một niềm hy vọng thiếu cơ sở thực tiễn.

Nhật Bản : Quan liêu đối mặt với thảm họa sóng thần

Quá trình tái thiết sau thảm họa sóng thần xảy ra hồi tháng 3 năm ngoái ở Nhật Bản diễn ra khá ì ạch mà nguyên nhân là do tệ quan liêu, đó là nhận định của tờ nhật báo Mainichi Shimbun tại Tokyo, được Courrier International dẫn lại với dòng tựa đáng chú ý : « Bầy gián của công cuộc tái thiết ». Bầy gián ở đây muốn chỉ những kẻ quan liêu và tham lạm công quỹ đang như những con gián cắn xé những đồng tiền được dành cho công cuộc tái thiết.

Tờ báo cho biết, ngân sách chính phủ Nhật Bản dành cho công cuộc tái thiết sau thảm họa cho năm 2012 là 3 775,4 tỷ yên (37 tỷ euro), lấy từ nguồn thuế và bán trái phiếu. Ngân sách này dành cho năm 2013 có thể sẽ đạt đến 4 479,4 tỷ yên (44 tỷ euro), tức tăng 18,6% so với ăm 2012. Với nguồn ngân sách dồi dào như vậy, nhưng công cuộc tái thiết đã diễn ra như thế nào ? Tờ báo dẫn lời một dân biểu của một trong những vùng bị thảm họa sóng thần hồi năm ngoái cho biết : Việc tái thiết các cảng không tiến triển, một vài nhà ga không được qui hoạch xây dựng lại sau thảm họa sóng thần, các chương trình hỗ trợ những công ty vừa và nhỏ ở vùng bị thảm họa đang ở điểm chết. Nguyên nhân do đâu ? Vị dân biểu này nhận định : Một phần là do có những kẻ đục nước béo cò, rút rỉa nguồn ngân sách dành cho việc tái thiết.

Một khúc mắc khác trong công cuộc tái thiết đó là một nguồn ngân sách bổ sung hơn 1 tỷ yên đã được cấp cho Cơ quan năng lượng nguyên tử thuộc bộ Văn hóa, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản. Tờ báo dẫn tiếp lời dân biểu nói trên bức xúc : «Tại sao tiền dành cho tái thiết lại được cấp cho các nhà máy phản ứng hạt nhân, trong khi mà người Nhật đã phải quằn mình vì thảm họa hạt nhân ? ».

Thêm vào đó, tiền dành cho tái thiết vùng bị thảm họa lại bị tệ quan liêu làm lệch hướng, chẳng hạn như việc sử dụng nguồn tiền này để gia cố các tòa nhà chính phủ tại Tokyo, trong khi ở vùng bị thảm họa, có những trụ sở chính quyền bị sóng thần tàn phá lại không hề được để mắt đến. Trong bối cảnh việc tái thiết còn trì trệ như thế, người dân thì chấp nhận tăng thuế để tái thiết đất nước, thì bức xúc khác lại nổi lên, khi có tin cho biết rằng ngân sách dành cho tái thiết lại bị cắt xén để chi tiêu cho việc mua vũ khí quân dụng.

Chưa hết, theo tính toán của một giáo sư người Nhật thì con số thực tế dành cho công việc tái thiết thấp hơn nhiều so với ngân sách mà chính phủ tuyên bố dành cho tái thiết.

Giải Nobel Hòa Bình là để thưởng công hay để khuyến khích ?

Giải Nobel Hòa Bình được dùng để ghi nhận công lao của người hay tổ chức được trao giải, hay là để khuyến khích những đều mà họ sẽ làm trong tương lai ? Đây là câu hỏi mà tác giả bài xã luận đăng trên tuần san L’Express bàn về sự kiện Liên Hiệp Châu Âu vừa nhận giải Nobel Hòa Bình 2012. Bài xã luận chạy dòng tựa khá ấn tượng : « Thuốc giảm đau hay thuốc tăng lực - Morphine hay vitamine ? ».

Hôm 12/10, Ủy ban Nobel Na Uy đã quyết định trao giải Nobel Hòa Bình 2012 cho Liên Hiệp Châu Âu (EU) để tưởng thưởng cho việc châu lục này đã trải qua 67 năm hòa bình giữa các quốc gia. Thế nhưng theo tác giả, châu Âu trên thực tế đã không bảo đảm được hòa bình trong những năm qua, bao gồm hòa bình giữa các quốc gia, hòa bình giữa các dân tộc và hòa bình giữa các giai cấp trong xã hội. Tác giả nhắc lại làm bằng chứng, đó là cuộc chiến Nam Tư, hay làn sóng dân túy nổi lên ở một số nước châu Âu, hay các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình chống khắc khổ thời gian qua.

Tác giả chua chát : Giải Nobel là được « trao », tức có bao gồm một quá trình vận động hành lang để được sự ưu ái của ủy ban trao giải. Và lần này, không phải ngẫu nhiên mà giải Nobel Hòa Bình được trao cho EU : Châu Âu đang cần liều thuốc Nobel Hòa Bình để làm dịu cơn đau khủng hoảng. Cụ thể hơn, là EU đang ở trong tình cảnh chia rẽ hơn bao giờ hết, và nếu tình trạng chia rẽ này tiếp diễn thì tác giả cho rằng có thể châu Lục Già sẽ bị rơi vào cảnh « xâu xé đẫm máu ».

Còn nếu như dựa trên tiêu chí thịnh vượng vì châu Âu xưa nay vẫn được xem là châu lục giàu có nhất, thì tác giả cho rằng, tiêu chí này cũng chưa đạt được. Ở châu Âu, khủng hoảng nợ công vẫn còn đang hoành hành, các tầng lớp trong cùng một quốc gia đang bị chia rẽ, tinh thần « chị ngã em nâng » giữa các quốc gia đang bị thử thách.

Trong bối cảnh đó, giải Nobel Hòa Bình vừa rồi giống như là một liều morphine có thể giúp châu Âu giảm đau, nhưng không trị dứt được căn bệnh. Tác giả nhắc lại, hồi đầu nhiệm kỳ của mình, tổng thống Mỹ Barack Obama đã được trao giải Nobel Hòa Bình, trong khi chưa làm được gì cho hòa bình cả, thì giờ đây châu Âu lại nhận giải thưởng này trong khi còn rất nhiều việc phải làm mà trong đó trọng yếu nhất là việc làm sau tăng cường tính đoàn kết và liên minh chính trị trong khối.

Tác giả nhắc lại, hồi năm 1950, cựu chủ tịch hội đồng bộ trưởng Pháp Robert Shuman từng nói : «Một châu Âu thật sự chưa ra đời vì chúng ta vừa phải có chiến tranh ». Còn giờ đây, tác giả nhận định : « Nếu không tạo ra được một châu Âu mới, thì chúng ta sẽ có chiến tranh ».

Pháp : Tham nhũng từ nhà tù đến trường học

Đến với nước Pháp, tuần san L’Express cho biết: tình trạng tham nhũng hầu như nhìn đâu cũng có, thế nhưng, cuộc chiến chống tham nhũng hiện tại vẫn chưa được nhà chức trách Pháp quan tâm đúng mức. Tờ báo dành cho chủ đề này một hồ sơ đặc biệt với hàng tựa lớn chạy trên trang nhất : «Nước Pháp của những cảnh sát tham nhũng ».
Đầu tiên đến với ngành giáo dục, tờ báo cho biết, ở Pháp hiện tại chỉ cần với số điểm 1,2/20 người ta cũng có thể được nhận vào học ở một trường đại học. Hay thậm chí có những trường hợp được cấp bằng thạc sĩ (master 2) hẳn hoi, nhưng học viên nhận bằng lại không hề giao tiếp được bằng tiếng Pháp.


Tờ báo nhắc lại, hồi năm 2009, lãnh đạo của Học viện Quản trị doanh nghiệp ở thành phố Toulon miền nam nước Pháp từng cho biết, có một sinh viên Trung Quốc đề nghị chi cho ông đến 100 000 euro đổi lại việc học viện cấp từ 60 đến 80 bằng cho một nhóm học sinh Trung Quốc. Cũng tại Toulon, hồi năm 2008, có đến 138 học viên Trung Quốc được nhận thẳng vào học đại học mà không cần phải qua các kỳ phỏng vấn như qui định. Hay vào năm 2011, ở Seine-Saint-Denis thuộc vùng Ile de France, một giảng viên của một trường đại học đã bị kỷ luật vì đã cho đăng ký lậu 60 sinh viên Trung Quốc với giá 4 000 euro cho một trường hợp.

Tham nhũng cũng đã vào tận nhà tù. Tờ báo nhắc lại việc hồi tháng 9 rồi, một giám thị nhà giam tại Pháp đã phải ra hầu tòa vì tội chuyển ma túy và điện thoại di động cho tù nhân để kiếm tiền. Trước tòa người này đã lên tiếng cho biết, có nhiều đồng nghiệp cũng phạm tội như anh nhưng chưa bị phát hiện. Một quan chức chống tham nhũng của chính phủ Pháp nhận định, các giám thị do đồng lương thấp và do tiếp xúc thường xuyên với các tội phạm lắm tiền nhiều của, nên dễ bị biến chất. Quan chức này cũng cho biết, mỗi năm chỉ có khoảng 5 trên 26 000 giám thị tại Pháp bị điều tra tham nhũng. Số còn lại là bao nhiêu, không ai biết nổi ?

Bên cạnh đó, tờ báo cũng có bài thông tin về tham nhũng trong các cơ quan ngoại giao của Pháp ở nước ngoài trong việc ăn tiền để lươn lẹo trong các thủ tục cấp hộ chiếu hay visa. Hay như tham nhũng ở các cơ quan hành chính tại Pháp trong thủ tục giấy tờ nhập cảnh hoặc cấp thẻ lưu trú.

Thụy Sĩ : Dùng tin nhắn SMS chống bệnh tình dục

Trong lĩnh vực ý tế, phụ trang cuối tuần báo Le Monde có bài chạy tít khá thu hút : «Tin nhắn SMS sẽ gióng lên hồi chuông báo tử cho các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục ? ».

Vừa rồi, nhà chức trách Thụy Sĩ đã phát động một chiến dịch kêu gọi mọi người có bệnh lây nhiễm qua đường tình dục sử dụng e-mail hoặc tin nhắn SMS để cảnh báo với những người mình đã từng có quan hệ tình dục về căn bệnh mà mình mắc phải.

Số là Cục y tế cộng đồng liên bang đã thành lập một trang web, qua đó, mọi người có liên quan có thể gửi một tin nhắn SMS hay một thư điện tử nặc danh theo kiểu : «Xin chào, người mà bạn có thể đã có quan hệ tình dục bị mắc bệnh giang mai ».

Anh : Bất bình đẳng giới ngay trên báo chí ?

Liên quan đến hồ sơ bình đẳng giới tính, phụ trang cuối tuần báo Le Monde có bài thông tin « Phụ nữ làm cho độc giả sợ ư ? ».

Tờ báo cho biết, theo một nghiên cứu vừa được thực hiện tại Vương Quốc Anh, có đến 78% bài báo được chạy tựa trên trang nhất của 9 tờ báo là của cánh đàn ông, và 84% những người được trích dẫn trong các bài báo cũng là đàn ông.

Còn về hình ảnh sử dụng trên báo chí thì chị em cũng có phần thua thiệt. Nghiên cứu cho biết, phân nửa số hình ảnh trên báo chí là đàn ông, hình ảnh phụ nữ chỉ chiếm có 36%, số còn lại là hình hỗn hợp cả nam lẫn nữ.

Có phải phụ nữ làm cho độc giả sợ chăng, nếu không thì vô tình hay cố ý mà báo chí ưu ái cánh mày râu đến thế ?

 

 

 
 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link