Thursday, October 25, 2012

TÔI LÀ LÍNH


 

 

TÔI LÀ LÍNH


NGUYỄN KHẮP NƠI

________________________________________________________________________________________________


Linh Mục Lâm Quang Thi (đầu tiên bên phải) và các chiến hữu

Tuyên Uý trong ngày tốt nghiệp Sĩ Quan Hải Quân Hoàng Gia Úc.

Tôi được Gia Đình Mũ Đỏ Tiểu bang Victoria mời tham dự lễ Thánh Tổ Binh chủng Nhẩy Dù Việt Nam vào ngày Thứ Bẩy 29 09 2012 vừa qua, tại Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Úc Việt Dandenong.

(Theo Kinh sách, Thánh Michael được coi như là một Đấng Thiên Sứ của nhiều Đạo Giáo, như Do Thái Giáo, Tin Lành, Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo.

Khi Quỷ Satan (Angel Lucifer) nổi loạn, tự coi như là mình ngang hàng với Thượng Đế,
chiến tranh đã xẩy ra ở trên Thiên Đàng. Thánh Michael đã dẫn đầu các thiên thần chống lại đám phản loạn này. Mặc dù Lucifer đã biến thành con rồng lửa để chống lại nhưng y và đồng bọn vẫn bị thảm bại và bị loại ra khỏi Thiên Đàng.
Từ chiến thắng này, những đạo giáo nói trên đã coi Thánh Michael như là một đấng Thiên Sứ bảo vệ nhà thờ và những nơi thờ phượng của họ.

Cũng từ chiến thắng này, Thánh Michael với đôi cánh thiên thần chiến đấu chống lại quỷ dữ, bảo vệ dân lành, đã được coi là Thánh Tổ cùa Binh Chủng Nhẩy Dù, Thuỷ Quân Lục Chiến và Cành Sát của phần lớn các quốc gia trên thế giới, như Việt Nam, Pháp, Đức, Bỉ, Anh, Ba Lan . . .


Trong lịch Thiên Chúa Giáo, ngày 29 tháng 9 được coi như là Ngày Lễ của Thánh Michael.

(In the Roman Catholic calendar of saints, Anglican Calendar of Saints, and the Lutheran Calendar of Saints, the archangel's feast is celebrated on Michaelmas Day. The day is also considered the feast of Saints Gabriel, and Raphael or the Feast of Saint Michael and All Angels. On the Western Christian calendar the feast is celebrated on 29 September.[69]

Michael (archangel)

From Wikipedia, the free encyclopedia).

Tham dự buổi lễ gồm có anh em Lính Nhầy Dù của Tỉểu bang Victoria, các binh chùng bạn và đồng minh Úc, Tân Tây Lan và dân chúng.

Phần nghi thức chào cờ Úc Việt và tưởng niệm được cử hành ngay tại khuôn viên của Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Úc Việt Dandenong, rồi tới phần dâng hương cho các chiến sĩ trận vong do Linh Mục Thiếu Tá Tuyên Úy Công Giáo của Hải Quân Hoàng Gia Úc cử hành.
Nghe giới thiệu, đầu óc tôi tưởng tượng ra một Lính Mục Tuyên Úy cao lớn da trắng tóc vàng mắt xanh. Nhưng sự thật hiện ra lại trái với sự tưởng tượng của tôi: Trước mắt tôi, một vị Linh mục mặc áo choàng trắng đang bước tới, tuy ông có cao lớn (ít ra là hơn tôi), nhưng lại da vàng, tóc đen và mắt nâu . . . giống người Việt của tôi lắm.

Nghe xướng ngôn viên giới thiệu, tôi mới biết, đó là Đó là Thiếu Tá Tuyên Úy Lâm Quang Thi.


Sau phần dâng hương là phần thánh lễ Công giáo, mọi người được mời vào trong hội trường để đọc kinh và làm lễ. Tỷ số những chiến binh Nhấy dù theo đạo Công giáo rất đông, nên đa số anh em tham dự buổi lễ đều đọc kinh cầu nguyện một cách rất là thành thạo. Không riêng gì anh em binh sĩ, mà một số những quan khách Việt Úc tham dự cũng đều biết làm dấu thánh giá, nên buổi lễ rất là trang nghiêm, giống như đang được cử hành trong một nhà thờ nào đó vậy.

Kết thúc phần Thánh Lễ, chiến hữu Trương Minh Công, Gia trưởng Gia Đình Mũ Đỏ Victoria đã trình bầy sơ lược về lịch sử thành lập Binh chúng Nhẩy Dù của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà với chiến thắng lẫy lừng là chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị vào Tháng 4 Năm 1972. Anh em Mũ Đỏ và quan khách ngay sau đó đã cùng nhau lên sâu khấu đồng ca bài hát “Cờ Bay Trên Thành Phố Quảng Trị”

“Cờ bay. Cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu
Vừa chiếm lại đêm qua bằng máu
Cờ bay. Cờ bay tung trời ta về với quê hương
Từng ngóng đợi quân ta tiến về . . .”


Trong số những mầu áo hoa rừng và áo dài, tôi lại thấy có cả mầu áo trắng Hải Quân nữa.

Ai vậy?

Thưa, đó chính là ca sĩ “Lính Hát Lính Nghe” Thiếu Tá Tuyên Úy Lâm QuangThi đó. Cha Thi đã cởi áo choàng để mặc bộ quân phục trắng của Hải Quân.

Cha Thi . . . thuộc bài hát này? Và lại biết hát hành khúc Nhẩy Dù này nữa sao?

Đó là điều mà tôi ngạc nhiên và thán phục, nên tôi đã tìm cách làm quen với cha Thi.

Bắt đầu bữa ăn trưa được một lúc, tôi nhìn thấy lúc cha Thi đã nói chuyện xong với chiến hữu Công, tôi tới bắt chuyện liền:

–“Chào Cha Thi, tôi là Nguyễn Khắp Nơi . . .”

_”Dạ, chào . . . Chú. Cháu cũng đã được đọc nhiều bài viết của chú, hôm nay mới được hân hạnh gặp mặt chú . . .”

_”Ấy . . . Không nên . . . Sao cha lại gọi tôi là chú và xưng cháu. Xin Cha cứ xưng hô và . . . nói chuyện bình thường đi.”

_”Dạ . . . cháu đang nói chuyện bình thường đấy chứ. Chú lớn hơn cháu, đáng tuổi cha chú của cháu, thì khi nói chuyện bình thường, cháu phải gọi chú là chú, và xưng cháu là đúng phép tắc của người mình mà, phải không chú!”

À thì ra thế. Cha chỉ là cha khi làm lễ, khi ở nhà thờ thôi, còn khi tiếp xúc riêng tư với nhau, vẫn theo phép tắc xưng hô của Người Việt mình. Lại có một điều nữa mà tôi cảm phục Cha Thi.

-“Thưa Cha, Cha là Linh mục, lại gia nhập vào Quân độc Úc nữa?”

-“Dạ đúng, thưa chú.”

-“Tôi là lính, nên rất thích làm quen với lính. Tôi biết có nhiều người Việt Nam gia nhập quân đội Úc. Tôi rất cảm phục họ, vì họ cũng như tôi, đã đi lính để phục vụ tổ quốc, nhưng chưa có dịp nào gặp và tiếp xúc với họ cả. Cha là người lính Úc gốc Việt đầu tiên tôi được gặp đó.

Cha hát bài hát ”Chiến Thắng Quảng Trị” một cách say mê và hay quá . . . Làm sao mà cha lại biết bài hát này vậy?”

-“Thưa chú, cháu là người dân của Việt Nam Cộng Hoà mà! Quảng Trị là một trong những chiến thắng của người lính Cộng Hòa của mình mà.

Hay! Hay quá! Đây là những nhận xét của thế hệ người Việt Nam thứ hai ở xứ Úc mà tôi đã hãnh diện được nghe.

Lính mà! Gặp nhau là nói chuyện, không quan tâm đến binh chủng, không kể đến cấp bậc, nên tôi đã nói chuyện với Cha Thi hơi lâu. Cha Thi lại là người của công chúng, sẽ có nhiều người khác cũng đang chờ tôi nói xong để nói chuyện với cha, vì thế, tôi chỉ có thể nói vài câu với cha, rồi xin số điện thoại, địa chỉ email, để hẹn dịp thuận tiện sẽ nói chuyện nhiều hơn.

Qua những lần nói chuyện sau đó bằng điện thoại và email, tôi đã được biết thêm về Cha Thi như sau:

“Cháu chạy loạn từ khi còn ở trong bụng mẹ đó chú ạ . . . Quê cháu ở vùng Giốc Mơ, Gia Kiệm, ba cháu cũng là Lính Cộng Hoà. Cháu nghe mẹ cháu kể lại, vào ngày 30 tháng Tư 1975, ba cháu đã chạy về nhà dẫn cả nhà đi tới nhà ông nội trốn Việt cộng, đền khi tình hình yên tịnh mới dám trở về. Cha mẹ cháu đã tìm cách cho hai người anh và một chị lớn của cháu đi vượt biên và định cư ở Tây Úc (Perth). Sau khi ổn định cuộc sống, các anh chị đã bảo lãnh cả gia đình qua Úc theo chương trình đoàn tụ gia đình, vào năm 1991.

Tới Perth, cháu bắt đầu học thêm tiếng Anh và vào học lớp 10. Cháu được học ở trường Aranmore Catholic College ỏ Leederville WA 6007. Đây là thời gian khó nhất trong cuộc đời của cháu, vì vừa phải học tiếng Anh để nói chuyện với mọi người, vừa phải học hỏi về phong tục tập quán của xứ Úc. Rất may, cháu đã được các bạn bè và các vị giáo sư của trường giúp đỡ tận tình, nên dần dần đã làm quen được với đời sống mới. Trong thời gian đi học này, cháu có được bạn bè rủ vào nhóm “Ơn Gọi” của gia đình Công giáo. Từ đó, cháu mới cảm nhận được ơn gọi của bề trên, đã cho gia đình mình những cơ may trong cuộc sống, vì thế, cháu đã có ý định trở thành linh mục để giải thích những ơn gọi đó cho mọi người và giúp họ tìm được những ơn gọi đó. Khi còn đang học lớp 12, cháu đã nói chuyện với gia đình về ý định của mình và rất may mắn đã được cả cha mẹ và tất cả các anh chị tán thành và hỗ trợ tinh thần cho cháu.

Học xong lớp 12, cháu được chấp nhận vào Chủng Viện. Chương trình học ở chủng viện là 7 năm:

Năm đầu tiên học về đạo đức, ở ngay tại chủng viện,

4 năm kế tiếp học tại University of Notre Dame, Fremantle, Perth. Các môn học chuyên về Thần học, Trĩết học, Nhân bản, Linh hướng và Cố vấn về Tâm lý.

Hai năm cuối cùng sẽ học ngay tại chủng viện, học về Luật Giáo hội.

Cháu được thụ phong Linh Mục vào tháng 8 năm 2003 và được cử làm Phó Sứ vùng Gillawheen, rồi làm Tuyên uý cho trường Mercy College, ở vùng Koondoola WA.

Đến năm 2005, cháu được cử làm Phó sứ tại Nhà Thờ Chính Toà St Mary’s Cathedral, tại Perth. Tại đây, cháu mới có nhiều dịp tiếp xúc với các đồng huong người Việt và dân chúng trong vùng. Công việc ở đây thật là bận rộn nhưng cũng thật là vui. Vì bận rộn, cháu mới thấy mình đã làm việc một cách xứng đáng.”


Cha Thi đã làm công việc của mình thật là nhiệt tình. Tôi trở lại chủ đề chính, xin phép hỏi Cha Thi:


“Đang làm việc cho nhà thờ, lý do nào mà cha lại đi làm tuyên uý quân đội?”


“Trong thời gian làm việc ở Nhà Thờ Chính Toà, cháu thỉnh thoảng có làm tuyên uý cho bệnh viện của thành phố nữa. Tại đây, cháu đã có nhiều dịp làm cố vấn tâm lý cho những cựu chiến binh Úc. Đa số những cựu chiến binh này đã tham chiến ở những trận đánh từ thời Đại chiến Lần Thứ Hai. Họ kể cho cháu nghe những trận đánh của họ ở Pháp, ở Phi Châu . . . với những địa danh hoàn toàn xa lạ đối với cháu. Những kỷ niệm về những trận đánh này họ không bao giờ quên và đôi khi những ám ảnh này đã trở về làm cho họ phải suy nghĩ, phải lo lắng, phải buồn rầu thất vọng và nhất là họ nhớ lại những bạn bè đồng ngũ đã bị chết mà họ đã ân hận vì lúc đó đã không có cách nào cứu họ được.

Một hôm, cháu gặp một cựu quân nhân nữa, ông này còn trẻ hơn những cựu chiến binh mà cháu đã gặp trước đây. Ông kể cho cháu nghe ông tham chiến ở Việt Nam là vì theo lời yêu cầu của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa để chống lại sự xâm lăng của Cộng sản Bắc Việt (Vietcong). Ông cũng kể cho cháu nghe về những trận đánh mà ông đã tham dự ở Núi Đất, Vũng Tầu. Nhất là ông kể chuyện về trận đánh ở Long Tân mà ông cùng với các đồng đội đã phải bắn nhau suốt đêm với Việt cộng trong khi mưa rơi tầm tả không thấy ai cả mà chỉ nghe thấy tiếng súng nổ ở khắp mọi nơi.

Khi cháu nói cho ông cựu chiến binh biết là cháu hiểu hoàn cảnh và sự suy nghĩ của ông, vì cháu cũng là người Việt Nam, và là con dân của chính thể Cộng Hoà, ông lính Úc nghe cháu nói, đã trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu rồi lịch sự xin lỗi cháu vì đã không thể nào làm gì hơn để giúp người dân miền Nam Việt Nam thắng trận. Ông chỉ là một người lính, đến Việt Nam giúp quân lực ở đây chiến đấu chống lại sự xâm lăng của ra trận theo lòi yêu cầu của chính phủ Úc mà thôi.

Khi về nhà, cháu đã suy nghĩ rất nhiều về những lời nói của người lính Úc này. Ông ta chỉ là một người lính bình thường, đã tới Việt Nam theo lời yêu cầu của chính phủ Úc, nhưng thay vì chỉ chiến đấu theo lệnh, ông đã tìm hiểu nguyên nhân cuộc chiến và đã chiến đấu thật hăng xay, để rồi cho đến nay ông vẫn còn trăn trở về cuộc chiến và đã buồn vì không thể nào làm gì hơn nữa để giúp đỡ người dân Việt.

Ông ta là một người lính đã hy sinh cả thời trai trẻ của mình cho cuộc chiến Việt Nam, mà vẫn còn hối tiếc là đã không giúp đuợc gì nhìều, thì cháu, một người Việt Nam, đã làm được gì cho quê huong của cháu? Cho những người lính như ba cháu, như chú và các bác lính Cộng Hòa khác?

Cháu phải làm một hành động cụ thể nào đó để giúp đỡ chính những người lính Úc dễ thương này, và cho những người lính Úc khác, đang chiến đấu ở khắp nơi trên thế giới để bảo vệ tự do hoà bình và dân chủ cho những quốc gia đó.

Sau khi suy nghĩ thật kỹ càng, cháu đã làm đơn xin với Đức Tổng Giám Mục để xin tình nguyện gia nhập quân đội Úc.

Đức Tổng Giám Mục đã gởi thơ cho cháu ngay, chấp thuận cho cháu được gia nhập quân đội Úc. Vài ngày sau, cháu cũng nhận được thơ của Giám Mục Tuyên Úy Quân Đội Hoàng Gia Úc, cám ơn cháu đã tình nguyện gia nhập hàng ngũ Tuyên Úy, nói rằng quân đội Úc đang rất cần những người trẻ như cháu gia nhập.

Cháu được gởi đi dự khoá huấn luyện đặc biệt của Sĩ Quan Hải Quân Quân Quân Lực Hoàng Gia Úc tại căn cứ HMAS Creswell, Jervis Bay NSW (Re Entry Officer Course).

Khoá học kéo dài 6 tháng, cho những Linh mục, Bác sĩ, Kỹ sư, Luật sư, Kế Toán, Điện toán . . . muốn gia nhập quân đội.

Khoá học này chỉ học căn bản quân sự mà thôi, vì những sĩ quan sau khi tốt nghiệp, sẽ phục vụ với tư cách là Tuyên uý, Bác sĩ, Luật sư, Kỹ sư cho quân đội chứ không có nhiệm vụ tác chiến. Vì học căn bản quân sự, chúng cháu cũng phải học đi học chạy, học bắn súng (chỉ học sử dụng súng Colt mà thôi) và những thế võ cận chiến hộ thân. Khi trình diện Huynh trưởng, cũng phải đứng nghiêm hô lớn:

“Chaplain LAM report for inspection”

Nếu làm lỗi, cũng bị phạt hít đất, nhẩy xổm và chạy dã chiến như thường. Cuối khoá, chúng cháu cũng được làm quen với những khẩu súng đại bác, xe tăng và máy bay, tấu chiến . . . để khi ra đơn vị, sẽ không bỡ ngở với những thứ này.


Nhận Văn Bằng Tốt Nghiệp Sĩ Quan Hải Quân Quân Lực Hoàng Gia Úc.

 

Cháu và các khoá sinh đồng khoá tốt nghiệp khoá huấn luyện vào tháng 10 năm 2006 và được mang lon Đại Úy. Trong hai năm đầu tiên, cháu vẫn giữ nhiệm vụ tuyên uý cho bệnh viện Perth và làm tuyên uý cho những đơn vị Hải quân khi họ mang tầu về bến để sửa chửa tầu và học thêm những khóa về nghề nghiệp.

Cháu được thăng cấp Thiếu Tá vào tháng 10 năm 2010 và chính thức nhận chức Tuyên Úy Công Giáo cho căn cứ HMAS Cerberus, Westernport, VIC 3920.

Qua năm 2014, cháu sẽ được gởi đi ngoại quốc để phục vụ cho những đơn vị quân đội Úc đồn trú tại đây trong vòng 6 tháng.

Hiện tại, công việc thường ngày của cháu là cố vấn tâm lý, rửa tội cho các trẻ sơ sinh, làm đám cưới cho các quân nhân trong căn cứ. “

Khi nghe Cha Thi nói về đám cưới, tôi đã buột miệng hỏi:

“Thưa cha, khi làm lễ cưới, nếu một anh quân nhân Úc gốc Việt đòi hỏi, thay vì trổi nhạc nhà thờ, anh ta đòi chơi bản nhạc . . .

“Đừng chê anh lính, đám cưới nhà binh em ơi,

Em sẽ là cô dâu đẹp tuyệt vời . . .”

Hoặc họ đòi chơi bản nhạc:

“ . . . Anh là Lính Đa tình . . .”

Thì Cha có cho phép họ dùng những bài hát này hay không?”

Cha Thi đã cười lớn:

“Cháu cũng là Lính mà!”


Linh Mục Tuyên Úy (Chaplain, Royal Australian Navy)

Hải Quân Thiếu Tá Hoàng Gia Úc

Lâm Quang Thi.

HMAS Cerberus

Westernport VIC 3920

 


NGƯỜI VIỆT CỦA TÔI Ở THẾ HỆ THỨ HAI, LÀ THẾ ĐẤY.

NGUYỄN KHẮP NƠI

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link