Sunday, July 14, 2013

Trung Quốc khủng hoảng tín dụng ?


 

 

Thứ ba 09 Tháng Bẩy 2013

Trung Quốc khủng hoảng tín dụng ?





 

Tài chính Trung Quốc trước nguy cơ khủng hoảng

Tài chính Trung Quốc trước nguy cơ khủng hoảng

Reuters/路透社


Kịch bản Trung Quốc phải đương đầu với khủng hoảng tài chính và ngân hàng càng cận kề. Trong tuần lễ thứ ba của tháng 6/2013, tin đồn Nhà nước khóa van tín dụng đẩy lãi suất lên cao. Những tuyên bố áp dụng một « chính sách tiền tệ thận trọng » của chính quyền Bắc Kinh khiến thị trường tài chính và ngân hàng Trung Quốc hoảng loạn. Chỉ số chứng khoán Thượng Hải mất giá.

Trong tuần lễ thứ ba của tháng 6/2013, ngành tài chính-ngân hàng Trung Quốc lên cơn sốt.  Lãi suất cho vay liên ngân hàng trong một ngày có lúc lên tới gần 30 %.

Trước đó, vào đầu tháng 6/2013, ngân hàng đầu tư Everbright, lớn thứ 11 trên toàn quốc, tuyên bố mất khả năng thanh toán khoản nợ đáo hạn gần 1 tỷ đô la. Việc chính quyền « bỏ rơi » một ngân hàng Nhà nước châm ngòi cho các tin đồn chính quyền siết lại chính sách tiền tệ, và Trung Quốc có nguy cơ bị thiếu hụt tiền mặt – credit crunch.

Ngày 20/06/2013 các doanh nghiệp tư nhân cỡ nhỏ ở Ôn Châu phải đi vay tín dụng với lãi suất 23 % một tháng. Ôn Châu là nơi, trong sáu tháng vừa qua đã có 80 chủ doanh nghiệp tự vẫn hoặc tuyên bố vỡ nợ.

Trong thông cáo đề ngày 17/06/2013 nhưng chỉ được công bố một tuần lễ sau đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc khẳng định là khối lượng tiền mặt của hệ thống ngân hàng nước này vẫn ở mức « hợp lý ». Trung Quốc không bị thiếu tiền mặt hay thiếu tín dụng. Vấn đề chỉ là « các khoản tín dụng không được sử dụng đúng chỗ » mà thôi.

Nhưng sau đó, thì cũng định chế tài chính trung ương này đã khẳng định là « sẵn sàng can thiệp trong trường hợp cần thiết » tức là nếu như thị trường tài chính Trung Quốc bị khan hiếm tiền mặt. Động thái này nhằm trấn an các nhà đầu tư.

Theo một số các nhà phân tích, những thông tin trái ngược nhau của Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh còn đang lúng túng vì một bài toán nan giải : nên kiểm soát các luồng tín dụng cấp cho các doanh nghiệp, tránh để thổi phồng thêm quả bóng đầu cơ (tài chính và địa ốc), hay là nên bảo vệ các định chế tài chính của nhà nước, tránh để ngành ngân hàng bị sụp đổ khi kinh tế đang có dấu hiệu bị chựng lại. Nhiều chuyên gia cho rằng, ban lãnh đạo mới Bắc Kinh tuy ý thức được về những hậu quả tai hại nếu cứ để cho quả bóng đầu cơ phình to thêm. Dù vậy, sẽ không có chuyện Trung Quốc khóa van tín dụng để tạo ra một cuộc « khủng hoảng tín dụng » như mọi người lo ngại.

Giới hạn của mô hình phát triển Trung Quốc

Nhưng có lẽ thực chất của vấn đề đối với Trung Quốc là mô hình phát triển của nền kinh tế thứ nhì trên thế giới này đang cho thấy những giới hạn của nó.

Vào lúc các vòi tín dụng còn đang mở thì đã có tới 97 % trên tổng số 42 triệu doanh nghiệp nhỏ phải đi vay chợ đen với lãi suất « cắt cổ » hơn 10 % hàng tháng.
 
Cả nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới đi về đâu khi các tập đoàn ngân hàng Nhà nước « áp dụng chính sách tiền tệ thận trọng » ? Do vậy nhiều nhà quan sát cho rằng những tuyên bố « thắt chặt chính sách tiền tệ » của Bắc Kinh với mục đích « lành mạnh hóa » các hoạt động của ngành tài chính, ngân hàng sẽ chỉ là những tuyên bố suông.

Trong khi đó, cốt lõi của vấn đề là các hoạt động tài chính « không chính thức » tại Trung Quốc đã chiếm trọng lượng quá lớn : theo thẩm định của ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase, các khoản cho vay « chợ đen » hiện tương đương với 69 % GDP của Trung Quốc. Khi kinh tế không còn tăng trưởng với tốc độ thần kỳ từ 8 tới 10 % các « con nợ » sẽ phải xoay sở thế nào để trả lãi suất trên 10 % hàng tháng ?

Trả lời ban Việt ngữ đài phát thanh quốc tế Pháp RFI, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa phân tích về những yếu tố cho thấy nguy cơ Trung Quốc thiếu tín dụng đang cận kề và những hậu quả của một cuộc khủng hoảng đối ngành ngân hàng nước này. Nhưng trước hết ông trở lại với sự kiện ngân hàng nhà nước Everbright tuyên bố mất khả năng thanh toán hôm 06/06/2013

RFI: Đầu tháng 6/2013 ngân hàng Everbright của Trung Quốc bị phá sản vì không thanh toán nổi một khoản nợ đáo hạn trị giá tương đương với 980 triệu đô la. Các thị trường quốc tế đều rúng động vì vụ nỡ nợ và ngạc nhiên là không thấy chính quyền có biện pháp cấp cứu. Qua chuyện này, Bắc Kinh bắn ra những tín hiệu nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Theo lối ví von của giới kinh tế, ta vừa chứng kiến hiện tượng gọi là "chim hoàng yến chết dưới mỏ than bị khí độc" – nó báo hiệu một tai họa còn nguy ngập hơn.

Hãy nói về con chim hoàng yến vừa chết là Everbright hay Đại Quang : đây là ngân hàng đầu tư đứng hạng 11 của Trung Quốc về ngạch số tài trợ, và là vệ tinh của tập đoàn Đại Quang, cơ sở quốc doanh thuộc hệ thống Hối Kim Trung Ương, Central Huijin, là chi nhánh của Công ty Đầu tư Trung Quốc CIC, tập đoàn tài chánh do Hội đồng Chính phủ Trung Quốc quản lý qua Bộ Tài chánh.
 
Như vậy, ta thấy ra cả chuỗi doanh nghiệp nhà nước lồng vào nhau và tập đoàn Hối Kim xưa nay từng có nhiều nghiệp vụ lỗ lã vì làm ăn bất cẩn. Lần này, chủ nợ của khoản tiền gần một tỷ đô la bị thiếu là Industrial Bank Co. hay Hưng Nghiệp Ngân hàng tại Phúc Kiến bị vạ lây, không trả được nợ, nôm na là cũng mấp mé vỡ nợ. Nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra mà bên ngoài chưa thấy hết. Tức là con chim hoàng yến bị chết vì thán khí dưới hầm mỏ, nhưng mức độ nhiễm độc nặng nhẹ ra sao thì chưa ai rõ.

Đào thêm một nấc trong căn hầm tối thì lồng trong vụ Đại Quang vỡ nợ, hệ thống ngân hàng Trung Quốc lại thiếu thanh khoản, vay nhau không được, khiến lãi suất tăng vọt và cổ phiếu Thượng Hải mất giá nặng nề. Biến cố ấy manh nha từ cuối tháng Năm, nhưng khi ngân hàng khát vốn kêu cứu nhà nước thì hôm 18/06/2013, Quốc vụ viện của Bắc Kinh ra giọng cứng rắn, rằng cơ bản thì kinh tế vẫn ổn định, nhà nước quyết tâm cải cách theo quy luật thị trường dù điều ấy có thể làm giảm đà tăng trưởng. Và họ nhất quyết duy trì chính sách tiền tệ thận trọng, tức là không bơm tiền cấp cứu ngân hàng như đã từng làm trước đây.

RFI: Chuyện bỏ rơi Everbright, phải chăng Trung Quốc gặp nguy cơ nghẹt mạch tín dụng khi lãnh đạo quyết tâm « áp dụng một chính sách tiền tệ thận trọng »? Tại sao các thị trường tài chính quốc tế lại rúng động trước rủi ro Trung Quốc bị «credit crunch»?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước mắt thì ngân hàng và doanh nghiệp bị ách tắc tín dụng và thiếu hiện kim trong ngắn hạn nên nhiều cơ sở có thể vỡ nợ. Nhưng nhìn vào cơ cấu và trong lâu dài thì từ năm năm nay, Bắc Kinh ào ạt bơm tín dụng để kích thích sản xuất khi thế giới bị Tổng suy trầm từ năm 2008.

Rốt cuộc thì lượng tín dụng từ chín ngàn tỷ đã lên tới 23 ngàn tỷ, hơn gấp đôi Tổng sản lượng và tăng nhanh gấp đôi đà tăng trưởng kinh tế, tức là phân nửa lượng tín dụng không đóng góp cho sản xuất mà chỉ thổi lên bong bóng đầu cơ và gây lãng phí.
 
Trong số này, có nhiều khoản nợ bị ung thối, không sinh lời và sẽ mất, mà mất tới cỡ nào thì không ai biết. Vì thế lãnh đạo không muốn can thiệp vào một yêu cầu ngắn hạn, là bơm tiền cấp cứu các ngân hàng làm ăn bất cẩn vì lại duy trì thói tật cũ. Khi họ nói là cẩn trọng về tiền tệ và quyết chí cải tổ theo quy luật tự do thì đấy là tín hiệu cho thấy họ hiểu ra mối nguy trong trường kỳ. Vì thế, chuyện Everbright phá sản hay cả nguy cơ vỡ nợ dây chuyền cần được nhìn trong bối cảnh rộng lớn và trầm trọng hơn.

RFI: Như vậy có phải là Trung Quốc bị ách tắc tín dụng trong ngắn hạn và gặp mối đe dọa còn nghiêm ngặt hơn trong dài hạn ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta không thể quên bối cảnh chung là Trung Quốc, và cả Việt Nam, đều đang mắc nợ quá nhiều, kể cả số nợ của tư nhân nay đã vượt quá Tổng sản phẩm nội địa GDP. Quy luật có vay có trả khiến Trung Quốc sẽ vào chu kỳ trả nợ, tương tự Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ hay nhiều nước châu Âu trước khi bị khủng hoảng. Nhưng khi lâm nạn thì mỗi nước lại giải quyết một cách. Hoa Kỳ bị suy sụp và tài sản mất giá nặng ngay trong năm 2008 rồi đụng đáy và lên dần. Hàn Quốc thời 1998 thì cần Quỹ Tiền tệ Quốc tế cấp cứu nhưng ba năm sau đã phục hồi. Châu Âu thì mất năm năm kể từ vụ khủng hoảng 2008 và đến nay chưa chạm đáy. Nhật Bản bị khủng hoảng từ 1990 và hai chục năm sau vẫn chưa thoát hiểm. Chi tiết đáng chú ý là khác với Trung Quốc, ngần ấy quốc gia đều có hệ thống chính trị dân chủ.

Nhìn lại kinh nghiệm quốc tế thì ta có thể suy ra Trung Quốc sẽ trải qua một thời đen tối khi phải trả nợ, bị mất nợ và cần cải cách từ cơ chế đến chính sách. Nhanh hay chậm, nặng hay nhẹ, có bị động loạn hay chăng thì chưa ai biết được, nhưng nếu họ cải cách thành công thì đà tăng trưởng của năm năm tới không thể là 9-10% một năm như trong 20 năm trước hoặc 7,5% như họ trù tính cho năm nay. Thực tế thì sẽ chỉ là từ 4 đến 5% mà thôi. Trong khung cảnh dài hạn cực kỳ u ám đó ta mới nói đến chuyện ách tắc tín dụng của ngắn hạn.

RFI: Anh vừa nhắc đến kinh nghiệm khủng hoảng của các nước vay mượn quá nhiều thì xứ nào cũng nhất thời bị thiếu tín dụng ngân hàng. Trường hợp Trung Quốc lại đáng quan ngại hơn cả vì núi nợ quá lớn mà vòi tín dụng của các ngân hàng nhà nước còn đang mở, trong khi lãi suất chợ đen đã lên tới mức «cắt cổ» là 25 %. Chìm trong núi nợ lại còn có loại tín dụng gọi là "ngoài ngân hàng" hay "finance de l'ombre" là hiện tượng "shadow banking" khá mờ ảo nữa. Như vậy tình hình sẽ ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tình hình sẽ nguy ngập hơn những gì đã thấy ở xứ khác. Các nước đều có hình thái tài trợ ngoài ngân hàng, do công ty đầu tư hay tài chánh đảm nhiệm, nhưng shadow banking Trung Quốc lại có màu sắc không chỉ mờ ảo mà còn mờ ám.

Đó là các quỹ đầu tư, loại "quản lý tài phú", wealth management, nhà cầm đồ, cơ sở cho vay lãi trên thị trường đen, v.v... Đặc tính chung của loại hình này là thiếu sổ sách phân minh, mơ hồ khi thẩm định rủi ro nên bị ung thối nặng. Lý do bành trướng của khu vực chui là lãi suất ký thác quá thấp khiến ai cũng muốn tìm mức lời cao với rủi ro lớn hơn ở bên ngoài. Một nguyên do khác là tư doanh khó vay tiền từ ngân hàng nên vay thị trường đen với nhiều lớp lãi suất cắt cổ từ những kẻ thần thế có thể vay tiền rẻ trên thị trường chính thức do nhà nước quản lý.

Khi núi nợ sụp đổ thì biến động dây chuyền từ vòng ngoại vi sẽ dội vào cốt lõi là các ngân hàng, theo lối tư doanh chết trước, nhà nước chết sau. Bắc Kinh khó để ngân hàng vỡ nợ dây chuyền nên cố đắp vốn như họ đã từng làm trước đây. Với dự trữ của ngân hàng và dự trữ ngoại tệ của nhà nước thì họ có chừng bảy ngàn tỷ đô la để chữa lửa. Nhưng ngần ấy có đủ không?

RFI: Câu hỏi cuối cùng về kịch bản kinh tế Trung Quốc đổ dàn. Thưa anh, hậu quả cho đối tác thương mại Đông Nam Á của Trung Quốc ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng kinh tế Trung Quốc sẽ suy trầm, thậm chí suy thoái và các nước xuất cảng nguyên nhiên vật liệu cho thị trường này sẽ bị ảnh hưởng bất lợi. Các quốc gia gọi là "thân hữu" được họ viện trợ hay đầu tư vào dự án xây dựng hạ tầng thì rơi vào ảo vọng. Các nước cạnh tranh với Trung Quốc để thu hút đầu tư và xuất cảng thì có cơ hội và ưu thế khác. Quan trọng nhất, mô hình kinh tế Trung Quốc hết là mẫu mực và người ta sẽ đánh giá lại khả năng bành trướng và sự uy hiếp của một xứ chưa giàu đã già và chưa leo tới đỉnh đã lao xuống vực. Chúng ta sẽ có vài năm để kiểm nghiệm lại biến động này.

Các dự phóng kinh tế Trung Quốc chựng lại và sẽ chỉ tăng trưởng dưới 6 % hàng năm không còn là những kịch bản xa vời. Việc các ngân hàng Trung Quốc từng bước giải quyết « nợ xấu » là một điều hiển nhiên. Nguy cơ Trung Quốc thiếu thanh khoản, Bắc Kinh trực diện với một « cuộc khủng hoảng về tín dụng » đến một lúc nào đó sẽ không chỉ còn là những « tin đồn ».
Đương nhiên, trong trường hợp của Trung Quốc, khi Nhà nước đóng vai trò chủ đạo và kiểm soát toàn bộ kinh tế và ngành tài chính, ngân hàng, thì Ngân hàng trung ương có thể can thiệp bất cứ lúc nào và ở bất kỳ mức độ nào. Câu hỏi đặt ra đối với các nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh là liệu « lực có tòng tâm » hay không. Khi Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới, những khó khăn kinh tế của nước này cũng là những khó khăn chung của nhân loại.


No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin buổi sáng-18/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link