Saturday, July 20, 2013

Người tù không biết tội


 

 

        Truyện ngắn

            Người tù không biết tội

 

                                                                           Tống phước Hiến

 

          Anh sinh trong một gia đình nông dân nghèo, ở một xóm heo hút xa xôi với thị thành. Sau Hiệp định 1954, quê anh được tiếp thu, sống trong Chính Quyền Quốc Gia, nhà anh nằm trơ trọi giữa cánh đồng. Tía anh chết trong thời chiến tranh, Mẹ già yếu  lại  bịnh vì quá cơ cực lam lũ, nên anh chưa một lần được đến trường. Khi anh đến tuổi lớn khôn, quê anh bỗng trở thành vùng xôi đậu, anh dắt bà Mẹ già yếu bịnh hoạn trốn về Thị xã Long Xuyên, làm công cho một lò gạch. Nhờ siêng năng, thiệt thà, tiện tặn, anh mua được căn nhà nhỏ, lấy vợ và chuyển sang nghề “đạp xe lôi”. Vì là người con duy nhất, cha chết, mẹ già trên 60 tuổi, nên anh được miễn dịch vì lý do gia cảnh.

          Cuộc sống gia đình êm ấm, anh chưa bao giờ suy bận, tìm hiểu về chiến tranh. Với anh, Quốc Gia hay Cộng sản thì anh cũng chỉ là người dân bình thường. Nhưng dù sao thì  biến cố 30 tháng 4 năm 1975 cũng đã làm anh đôi chút ngỡ ngàng. Anh thắc mắc  không hiểu vì sao lại có người lo âu, hốt hoảng. Quanh anh, cuộc xáo trộn diễn ra gay gắt với nhiều người, nhưng anh không thấy có gì thay đổi. Anh vẫn đạp xe lôi, giá một cuốc xe linh động thay đổi tùy theo sự hốt hoảng ít nhiều hay bình thường của khách.

          Thế rồi, vào những ngày cuối tháng 5 năm 1975, công an khu vực bỗng đến “kiểm kê hộ khẩu”.

           Tên công an mang theo sổ sách vào nhà anh lấy lời khai, trong khi mấy tên du kích mang súng bao quanh và chận cửa nhà anh. Vốn là người dân hiền lành, anh quá hoảng sợ. Anh tưởng tượng ra hình ảnh tù tội, cảnh Mẹ già, vợ dại, con thơ nheo nhóc đói khổ, cảnh bị công an tra tấn, tù đày lao cải đói khổ khiến anh càng thêm bấn loạn. Anh nhớ có biết tên công an nầy. Nhà hắn gần xóm chợ. Trước đây, khi gặp nhau cũng có chào hỏi, mời nhau ly cà phê hay điếu thuốc, có khi thân tình gọi nhau mầy tao tôi tớ. Có ai hơn ai đâu. Thật ra, công bình mà nói, thì tên công an khu vực thuộc được mấy chữ cái, tuy không đúng, nhưng cũng ráp vần đọc được vài ba chữ. Nghe bà con lối xóm nói hắn là “cán bộ nằm vùng”. Bây giờ, tình thế đã khác. Anh vẫn là dân, hắn trở thành cán bộ. Vị thế đã rạch ròi phân định. Sau gần hai tháng sống với chúng, anh mới hiểu, cán bộ là kẻ có uy quyền tuyệt đối. Vì là dân nên anh có thể bị hắn bắt bỏ tù bất cứ lúc nào.

          Không cần đợi ai mời, tên công an ngồi, chân duỗi, chân co trên mặt ghế. Một tay đặt lên quyển sổ, tay kia vắt trên cái đầu gối. Hắn bệ vệ nói, mắt láo liên khi thì nhìn anh, khi thì nhìn như dò xét khắp mọi ngõ ngách trong nhà. Mẹ anh mặt mày nhợt nhạt ngồi bệt nơi xó góc. Vợ anh, sợ con khóc, gây tiếng ồn, chị vạch ngực áo đút vú vào miệng đứa nhỏ nhất, ba đứa lớn hơn lấm lét nép vào Mẹ. Hắn gật đầu mấy cái rồi bắt đầu :

             - Báo cáo Má, anh, chị và mấy cháu, để ổn định tình hình, trấn áp bọn ngụy quân, ngụy quyền, phản cách mạng, để phát huy thành quả cách mạng, để có điều kiện tích cực bảo vệ đời sống nhân dân. Hôm nay, thừa lịnh Chi ủy, thừa lịnh chính quyền cách mạng và thừa lịnh nhân dân, chúng tôi là công an khu vực, “hợp dồng hành quân” với du kích địa phương đến tận cơ sở thực tế điều tra tình hình, kiểm kê dân số hộ khẩu. Dưới chính quyền cách mạng thì hộ khẩu vô cùng quan trọng, sau nầy bà con mình dùng nó để nhận sự phân phát đồng đều sản phẩm vật chất do xã hội sản xuất ra.

          Vậy nên bây giờ, cán bộ cách mạng hỏi đến đâu thì các “đương can” trả lời đến đó, không được nói khi cán bộ chưa cho phép. Muốn trình bày phải đưa tay xin và chờ “chỉ thị”. Mọi sự trái với “điều lệnh sẽ bị cách mạng nghiêm khắc xử lý” (Phần nầy, hắn học thuộc lòng cách nói của bọn công an ngoài Bắc vào giảng dạy lớp công an nhân dân khu vực).

           - Tên chủ hộ ?

             Anh đáp :

           - Dạ, Huỳnh-Ngọc-Thân.

             Tên công an lật nhanh trang giấy lẩm nhẩm đánh vần, nhưng hắn không viết được. Hắn tự nhủ “cái họ nầy thường nghe, nhưng vì không lưu ý, nên nay không hình dung nó ra làm sao”. Túng quá, hắn quay sang bảo anh “tự đánh vần cho được chính xác”. Anh gãi tai cười :

         - Ðồng chí viết còn không được, thì tôi làm sao viết được.

           Chụp ngay cơ hội để giải vây, chữa thẹn, hắn gay gắt nạt nộ :

               - Ai đồng chí với anh ? Ai nói với anh rằng tôi viết không được. Cảnh cáo anh về tội đánh giá tầm thường cán bộ cách mạng.

          Hắn ngoái cổ ra phía ngoài nhìn tên du kích đứng chận cửa và ra lịnh :

        - Vì tình hình “đột xuất” cần phải “điều tra thực tế hiện trường”, nên tôi cần  một đồng chí du kích vào làm thư ký.

           Tên du kích bước vào, kéo ghế, dựng súng, nhận sổ và cúi đầu nắn nót viết. Tên nầy cũng lúng túng không viết được chữ Huỳnh. Sau khi bóp trán, nhíu mày vật lộn với chữ nghĩa, cuối cùng  y viết chữ "Hình" thay vì "Huỳnh". Tên công an khu vực liếc thấy tên du kích đã “hoàn thành xong công tác về mặt cơ bản”, nên tỏ vẻ mừng. Khi ấy trời đã xế trưa. Chúng giải quyết  nhanh chóng và hấp tấp trở về trụ sở.

             Chừng hai tuần sau, toán công an thị xã Long Xuyên lại đến “kiểm tra thành quả công tác cách mạng của chính quyền cơ sở ” thì “phát hiện” ra “sự cố“ có sự “sai biệt” giữa bản lưu tờ khai gia đình do chế độ cũ lập và hộ khẩu mới. Tên công an Thị xã cảnh cáo anh :

          - Sai lầm “nghiêm trọng vượt qua tiến độ kỹ thuật” anh phải “khẩn trương” gấp rút xin đồng chí công an khu vực xác nhận lại.

         Chúng hẹn sẽ trở lại kiểm tra vào tuần tới.

         Suốt đêm hôm ấy anh lo sợ, mong mau sáng, giải quyết cho xong “ba cái vụ giấy tờ để còn lo làm ăn”. Tờ mờ sáng hôm sau, anh chực sẵn trước nhà hắn. Mới thức dậy, mở cửa, gặp anh, hắn có vẻ không vui nhưng cũng hỏi :

       - Cần gì mà đến sớm vậy ?

         Anh cười thật tươi và trình bày câu chuyện rắc rối họ tên của anh, kèm với lời cảnh cáo của công an thị xã. Hắn cảm thấy danh dự bị xúc phạm, nhưng cố tỏ ra ôn tồn :

       - Rừng nào cọp nấy. Khu vực nầy, chỉ có tôi mới có quyền. Ai thắc mắc, nói gặp tôi.

          Thoáng chút ngập ngừng hắn bảo anh đợi, cùng ra trụ sở để xem xét lại. Trụ sở hắn kề bên  quán ăn, anh tính mời hắn vào quán “đấm mõm” cho việc mau xong. Nhưng dọc đường, người quen của hắn đi theo chừng hơn mười mạng. Anh nhẩm tính cứ mỗi thằng một tô hủ tíu, một ly cà phê, một gói thuốc ba số (ba số 5), ấy là chưa kể bánh mì, cà-phê mang theo về trụ sở cho mấy ”đồng chí” khác. Anh định về đến trụ sở chỉ có hai người, anh sẽ sử dụng câu thần chú “thủ tục đầu tiên" (tiền đâu). Nhưng không may cho anh, khi gần đến nơi hắn ngừng lại nói :

        - Công việc không có gì quan trọng, mai anh trở lại. Hôm nay tôi cần đi họp.

            Nói xong, hắn bước nhanh. Còn anh, anh lủi thủi đi về. Anh lo lắm, nhưng lần nào cũng thế, hắn lẩn tránh và tìm cách từ chối. Mấy lần anh định đưa tiền, nhưng lại sợ mắc tội “làm hủ hóa cán bộ cách mạng”. Anh sợ, vì anh nhìn thấy cặp mắt hắn có vẻ ác cảm với anh. Có lần anh nói với chị. Chị cho biết dạo nầy vợ hắn cũng có vẻ “ta đây, nhìn nngười bằng nửa con ngươi”.

            Lần  hồi, đến ngày công an thị xã xuống “kiểm tra sự chấp hành” của anh. Nghe trình bày, tên công an thị xã cho phép anh trong vòng một tưần lễ phải đem “toàn bộ giấy tờ xác minh” về trụ sở công an Thị xã.

           Ðáo hạn, anh đến công an thị xã trình diện với giấy tờ “vũ như cẩn” (vẫn như cũ). Lần nầy, anh bị tên công an trách cứ đã “không hạ quyết tâm” và cho anh “một cơ hội chót tỏ lòng thành khẩn với cách mạng” là trong vòng ba ngày sau anh phải trở lại “thỏa mãn chứng từ đòi hỏi”.

          Không thể nào lay chuyển nổi “cán bộ cách mạng công an khu vực”, anh đành mang y nguyên giấy tờ theo trình diện. Tên cán bộ công an thị xã mất hẳn bình tỉnh khi nghe anh trình lại câu nói của công an khu vực rằng là “rừng nào cọp nấy”, “không ai có quyền bắt dân của hắn, muốn gì cũng phải được hắn đồng ý cho phép”, hay “muốn gì thì gặp hắn”. Càng nghe, càng giận. Toàn bộ sự tức giận ấy, hắn ưu ái thân tặng  anh !

           Hắn đập bàn quát :

       - Anh không được nói xấu cán bộ cách mạng. Anh nhiều tội lắm. Tôi liệt kê tạm như sau. Nếu không đúng, anh có quyền phản đối. Vừa nói, hắn vừa lấy giấy viết ghi chép :

           1/ Lúc cách mạng còn gian lao, hy sinh chiến đấu. Anh lẩn trốn vào vùng địch. Theo ngụy, nên anh là ngụy dân. Với bạo lực cách mạng thì dù ngụy quân, ngụy quyền hay ngụy dân cũng có tội, và tội nặng như nhau.

           2/ Cách mạng vào, anh vẫn tiếp tục chống đối bằng cách không nhiệt tình tham gia kiện toàn an ninh địa phương, trấn áp bọn có nợ máu với nhân dân, nghĩa là anh gián tiếp chống phá thành quả cách mạng.

           3/ Cố tình khai sai hộ tịch, gây khó khăn cho cách mạng trong công tác điều tra, giữ gìn an ninh Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

            Sau hơn 3 tháng bị tạm giữ để điều tra cùng với khoảng 30 người khác, đa phần là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, anh bị chuyển về trại giam Thủ-Ðức. anh cũng không thuộc đảng phái chính trị, các chiến sĩ kháng chiến Phục Quốc, hoặc văn nghê sĩ hay Sĩ Quan, Viên chức VNCH. Nhưng thực tế, anh được xếp chung với tù chính trị. Và cũng khăn gói cùng với tù chính trị bị chuyển trại đến nhiều nơi.

             Cũng đã hơn năm năm, anh chưa hề được thăm nuôi hay nhận quà. Vì không biết chữ nên anh cũng không mấy quan tâm đến thư từ. Cuộc sống tù tội trong chế độ cộng sản khắc nghiệt, dần dà anh cũng quen với kham khổ, đói lạnh triền miên, vì quanh anh cũng có nhiều người cùng chung số phận cơ hàn cùng cực ấy. Anh vẫn thường tự an ủi  "người ta sao, mình vậy ; người ta sống được, mình sống được” Hay “người ta từng là ông nầy ông nọ, giàu sang quyền hành ngang dọc, bây giờ họ khổ cũng như mình!”... Nhưng nỗi sợ nhất là khi bị xét hỏi tội trạng. Ai cũng “có tội” để khai, trừ anh ra. Cho nên không ai bị hạch hỏi, còn anh thì cứ bị cán bộ kêu lên để  "làm việc". Nhiều lần, anh kể toàn bộ sự việc và nhờ “các bậc cao kiến” giúp xem anh bị tội gì. – nhưng không ai trả lời thỏa đáng cho anh cả. Còn cán bộ, thì mỗi lần nghe trình bày, tên nào cũng la mắng hạnh họe và kết luận là anh có tội, nhưng mỗi tên ban cho anh một tội khác với tội mà “cán bộ chấp pháp” thuộc “Sở an-ninh nội chính” Thị xã Long Xuyên kết án như :

           1- Gây mất đoàn kết, gây chia rẽ trong “bộ Công an cấp cơ sở và cấp trên trong cùng hệ thống dọc" (?).

          2- Có chủ ý trong việc tạo điều kiện có vẻ khách quan thuyết phục, nhằm chứng minh cán bộ ngu dốt thiếu khả năng để bọn phản động có cơ sở tuyên truyền. Gây hậu quả mất hiệu năng nghiêm trọng trong việc bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (?).

          3- Gây bế tắc trong giải quyết vấn đề (?).

          Có cần anh đánh bạo trình bầy trường hợp và hoàn cảnh với người tuy cũng tù nhưng “làm lớn” giữ đến chức trưởng ban thi đua. Anh được ông Trưởng Ban Thi Ðua “phân trần”- tuy nói với anh, nhưng mục đích là cho tên, Trung tá trưởng trại giam nghe:

           - Cách mạng không bao giờ lầm lẫn bắt người vô tội. Tự xác định tội trạng là một hình thức chứng minh  lòng anh quyết tâm cải tạo.

            Rồi anh bị hắn đuổi đi nơi khác. Vừa đi, vừa ngoái nhìn trộm, anh thấy hắn nói, tên trưởng trại giam gật đầu. Ít ngày sau, Trật Tự thông báo cho anh ở nhà “làm việc”. Cuối cùng, anh vào kỷ luật. Ây, vào kỷ luật anh lại mừng vì sau 1 tháng bị “te tua”, từ phòng kỷ luật ra, anh đã biết được tội trạng của anh, vì trong biên bản kỷ luật ghi rằng anh đã  ”cố tình man khai, che giấu lý lịch để đánh lạc hướng điều tra của chính quyền cách mạng về các hoạt động phản cách mạng, âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”.

          Thế là anh phạm nhiều tội lắm, không nhớ hết. Càng nhớ, càng hãi hùng. Vì vậy, anh cố quên và an phận chấp nhận cảnh người dân thấp cổ bé miệng trong xã hội mà giá trị con người còn thua xa súc vật.

          Nhiều đêm nhớ vợ, thương con – anh khóc. Anh xót xa ân hận, vì lao tù, anh đã không nhìn được Mẹ lần cuối cuộc đời. Có khi anh hồi tưởng những ngày “vàng son” êm ấm bên những người thân yêu “vào thuở xa xưa ấy”. Anh hối hận vì anh thiếu trách nhiệm, anh đứng bên lề cuộc chiến. Bây giờ anh mới thấm thía câu “Nước mất nhà tan”, ngẫm nghĩ câu Ông Thiệu nói, nghe bình dân mà trúng phóc “Ðừng nghe những gì Cộng sản nói. Hãy nhìn những gì Cộng sản làm”. Mỗi lần nghe tù Sĩ quan nói chuyện về giấc mơ ngày nào đó có “cờ Vàng tung trong gió”, anh lại nheo mắt, thật thà cười. Nụ cười như một lời tuyên hứa cùng nhập cuộc.

          Cuối tháng 2 năm 1993 một người tù Sĩ Quan, bạn tù chung trại với anh, lên Long Xuyên từ gĩa gia đình người cháu để chuẩn bị sang Mỹ theo chương trình mà người Mỹ gọi là HO. (Nhưng tù chính trị vẫn xác quyết họ là những người tị-nạn cộng sản (anti-Communist refugee) gặp anh đang hành nghề “xe lôi”. Hỏi tại sao anh không đi. Anh trả lời : “Tây có anh, Ðông có tôi” và  “Ðừng quên những gì mình đã “nuôi” trong tù !”.

          Chia tay, anh vẫn nheo mắt cười– như hồi còn trong tù, anh vẫn thường nheo mắt cười mỗi khi anh ngầm đồng ý hay hứa hẹn cái gì đó !

          

                                           Tống Phước Hiến

                            (Trích từ tập truyện: Khi Vượn Tấn Công Người)

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link