BÁO QĐND “ĐÓI ĂN
VỤNG, TÚNG LÀM LIỀU”?
Thanh Tùng
Ông Lê Hiếu Đằng
Trong những ngày vừa
qua, trên các phương tiện truyền thông (từ lề trái, lề phải trong nước cho đến
báo chí nước ngoài) đã “dậy sóng” chỉ bởi 7 chữ:
“SUY-NGHĨ-TRONG-NHỮNG-NGÀY-NẰM-BỆNH” của ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó tổng Thư
ký Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt
Nam, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM. Vậy 7 chữ trên chứa
chất những nội dung gì mà có sức kích thích mạnh mẽ khiến dư luận “dậy sóng”
lên như vậy, đặc biệt là cây bút “lề phải” có tên Trọng Đức, qua bài viết: “Đôi
điều với tác giả “Viết trên giường bịnh””, đăng trên qdnd.vn ngày 18/08/2013.
Chưa dừng đó, ngày
20/08/2013, qdnd.vn lại tiếp tục đăng bài: “Kiến nghị lỗi
thời, nhận thức sai lệch”, với lời dẫn: “Dư luận phê phán tác giả Lê
Hiếu Đằng” lại một lần nữa khiến cho các cây bút phản biện “dậy sóng” trên
các diễn đàn uy tín: BVN, basamnews, bolapquechoa, xuandienhannom…
Phải thừa nhận rằng, hầu
hết các cây bút như Vũ Thị Phương Anh, GS. Nguyễn Văn Tuấn (Úc), Đỗ Như
Ly, nguyenhuuvinh, Trung Nghĩa… đều đưa ra các căn cứ và lập luận
bằng những lý lẽ thuyết phục mà khó ai có thể bác bỏ. Tuy nhiên, theo tôi,
những tác giả trên đã chưa “khách quan” với qdnd.vn, bởi họ chỉ biết “bóc
trần trụi sự thật” đang diễn ra mà qdnd.vn và các tờ báo chính thống
không dám đụng tới, mà không nhìn nhận công trạng của qdnd.vn, là đã
dũng cảm “tố cáo” thực trạng ngành giáo dục Việt Nam hiện thời.
VÌ SAO TÁC GIẢ TRỌNG ĐỨC
“GIÃY NẢY” LÊN THẾ?
Đọc “Suy nghĩ trong
những ngày nằm bệnh” của ông Lê Hiếu Đằng dài khoảng 12 trang đánh
máy trên giấy khổ A4, trước hết tôi cảm nhận được một điều rằng: từng từ, ngữ
đến câu trong “Suy nghĩ trong những ngày nằm bệnh” là ông “vắt ra từ máu
thịt” của ông – một người phấn đấu cho lý tưởng cộng sản gần hết cả đời người,
chứ không phải ông nói khơi khơi theo cảm hứng kiểu nghệ sỹ, nhà thơ, nhà văn.
Ngay những dòng đầu tiên
ông ông Lê Hiếu Đằng viết, tôi đã cảm nhận được nhịp đập con tim ông thôi thúc
khiến dòng máu trong người ông rần rần chảy theo: “Sau hơn 45 năm chiến đấu
trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam, với 45 tuổi Đảng, những trải nghiệm cay
đắng mà tôi cùng nhiều bạn bè nữa trong phong trào học sinh sinh viên trước
1975 đã chịu đựng… Trong lúc nằm bịnh tôi đọc quyển Chuyện nghề của Thủy
của đạo diễn Trần Văn Thủy, các truyện của các nhà văn quân đội như Nguyễn
Khải, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Trần Dần… đã giục giã tôi viết những dòng
này…”.
Rồi ông viết tiếp: “…
Các nhà văn đã cho tôi thấy thêm sự bi thảm của thân phận con người trong cái
gọi là CNXH ở miền Bắc, một xã hội không có bóng người… Con đường mà tôi cùng
nhiều bạn bè, đồng đội đã lựa chọn, con đường tiếp tục đấu tranh cho lý tưởng
thời trai trẻ và một xã hội công bằng tự do dân chủ. Ở đó con người sống với
nhau một cách tử tế, thật sự được giải phóng từ người nô lệ thành người làm chủ
của đất nước…” – rõ ràng ông đang trăn trở và đau chung nỗi đau của Dân tộc.
Ông cũng rất thành thật rằng, ông cùng nhiều trí thức đi kháng chiến vì lời kêu
gọi toàn quốc kháng chiến của ông Hồ Chí Minh, chứ họ ít hoặc chưa biết chủ
nghĩa Marx là gì, CNXH ra sao! Nhưng ông Lê Hiếu Đằng cùng đồng đội của ông hy
vọng sau khi kháng chiến thành công sẽ xây dựng một xã hội dân chủ, tự do, tiến
bộ, hạnh phúc mà trong tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp năm 1946 ông Hồ Chí Minh
đã trịnh trọng cam kết trước toàn dân tại Ba Đình lịch sử. Đọc đến đây tôi
vẫn chưa hiểu tại sao tác giả Lê Hiếu Đằng lại làm tác giả Trọng Đức giãy nảy
lên như thế, bởi ông nói quá đúng với những gì đã và đang diễn ra.
Khi đọc đến những dòng
nói về một kỷ niệm khó quên của tác giả Lê Hiếu Đằng, đó là: “… ba tôi và mẹ
Lý Thiện Sanh nóng lòng vì đã đến kì thi Tú tài II nhưng chúng tôi vẫn bị nhốt
trong tù. Vì vậy ông bà làm đơn hú họa xin hai chúng tôi ra thi. Thế mà chính
quyền Thừa Thiên-Huế lúc đó lại giải quyết cho ra thi… Tôi không biết với chế
độ gọi là “ưu việt” hiện nay có người tù nào đã được cho ra đi thi như chúng
tôi hay không?”. Rồi ông Lê Hiếu Đằng viết tiếp: “Sau một thời
gian dài Đảng và nhà nước Việt Nam nhận chìm các tầng lớp nhân dân Việt Nam từ
Bắc chí Nam dưới chế độ quản lý kinh tế bao cấp, đi ngược lại tất cả quy luật
tự nhiên, cop-py mô hình kinh tế của Liên bang Xô viết và Trung Quốc cộng sản
100%. Dân chúng đói kém rên xiết. Các đợt cải tạo tư sản X1, X2 đã làm tan nát
biết bao gia đình, làm dòng người vượt biên ngày càng nhiều và biết bao gia
đình phải chết tức tưởi trên biển hoặc bị bọn cướp biển hãm hiếp làm nhục trước
mặt chồng con. Có thể nói tất cả điều đó là tội ác của Đảng và Nhà nước Việt
Nam, không thể nói khác được”.
Sau khi đọc hết bài của
ông Lê Hiếu Đằng, tôi có thể nhận thấy 2 điều cơ bản: một là, ông Lê
Hiếu Đằng dám tố cáo, bêu xấu “thiên đường” mà chúng ta đang sống; và hai
là, ông Lê Hiếu Đằng dám kêu gọi đa nguyên, đa đảng – điều mà Đảng Cộng sản
Việt Nam không hề muốn và không bao giờ muốn.
Sau khi qdnd.vn đăng
tải bài viết của ông Trọng Đức, “Báo chí lề trái” đã không thể kềm chế được
không chỉ bởi những lý luận rập khuôn kiểu “nhai đi nhai lại”, thiếu căn cứ
thuyết phục và thiếu cả tính logic (mà trong phản biện không thể thiếu), của
ông Trọng Đức.
Bài phản biện đầu tiên
tôi đọc được là “Đôi điều với tác giả của “đôi điều với tác giả…”, của
tác giả Vũ Thị Phương Anh, đăng trên bolapquechoa. Tác giả Vũ Thị Phương
Anh đã đưa ra những căn cứ phản biện và lập luận khá thuyết phục, tôi tin là nó
đủ sức làm cho hai hàm răng của tác giả Trọng Đức lập cập không thể thốt thành
lời, tay run rẩy không thể gõ bàn phím.
Trong “Đôi điều với
tác giả “Viết trên giường bịnh””, của tác giả Trọng Đức có đoạn: “Thực tế,
với tuổi đời như ông Đằng, chắc ông cũng thừa hiểu, trong thế giới hiện nay,
hầu như chẳng có nước nào, kể cả những nước đang tự vỗ ngực là dân chủ và muốn
áp đặt kiểu dân chủ của mình làm ‘khuôn vàng, thước ngọc’ cho toàn thế giới,
cho phép tù nhân đang thụ án ra tù để đi thi đại học.
Ở Việt Nam cũng vậy”.
Lập tức, lý lẽ và căn cứ trong“Tù nhân và tự do học hành” của GS. Nguyễn
Văn Tuấn, trên bolapquechoa (nguồn: FB Nguyễn Văn Tuấn), ngày 20/8/2013,
Đỗ Như Ly với: “Thời nào, chuẩn
nào”, nguyenhuuvinh với: “Qua hiện tượng Từ Ngọc Lương: Khốn thay cho
nền giáo dục và cơ đồ đất nước”, Trung Nghĩa với: “Báo Quân đội
Nhân dân hãy thôi cái trò định hướng dư luận đi!”, như những tia sét bồi
thêm một cách trực tiếp vào bộ não và cái miệng của “con vẹt” có tên Trọng Đức,
làm cho “con vẹt” ấy đến giờ vẫn chưa thể và chắc chắn là không thể mở được
miệng.
GS. Nguyễn Văn Tuấn đưa
ra căn cứ rất cụ thể: “Chẳng những tù nhân được theo học đại học, mà Nhà
nước và các đại học còn chủ động đem giáo dục đến cho họ. Chẳng hạn như ở bang
Nam Úc, Đại học Flinders còn có chương trình dự bị đại học cho những tù nhân
chưa có bằng trung học, để trong thời gian thụ án, họ có thể tiếp tục học đại
học. Những nước đó (Úc, Anh, Mĩ) không “tự vỗ ngực là dân chủ”. Họ thậm chí còn
không có những tiêu đề như “Độc lập, tự do, hạnh phúc” dưới quốc danh. Nhưng họ
xem đem giáo dục đến tù nhân (không phải “giáo dục tù nhân” hay “cải tạo tù
nhân”) là một vấn đề nhân quyền…”.
Cách giải thích về dân
chủ của ông Trọng Đức: “Trên thực tế, dân chủ không phụ thuộc vào chế độ độc
đảng hay đa đảng mà nó phụ thuộc vào bản chất chế độ cầm quyền phục vụ giai cấp
nào”, đã khiến Gs. Nguyễn Văn Tuấn phải thừa nhận là ông lúng túng vì không
biết logic của câu này ra sao. Vì, dân chủ là một hệ thống chính trị mà trong
đó sự cạnh tranh quyền lực được diễn ra một cách công minh, là hệ thống chính
trị mà người dân cho quyền chọn và truất phế người lãnh đạo và lãnh đạo phải có
trách nhiệm với xã hội và người dân. Bởi vì bản chất là cạnh tranh, nên đa đảng
là điều tất yếu…
“ĐÓI ĂN VỤNG, TÚNG LÀM
LIỀU”!
Khi đăng bài “Đôi
điều với tác giả “viết trên giường bệnh”” của tác giả Trọng Đức và bài “Dư
luận phê phán tác giả Lê Hiếu Đằng: Kiến nghị lỗi thời, nhận thức sai lệch”,
khách quan mà nói, báo QĐND vừa có “công” lại vừa có “tội”.
Thứ nhất,
tội của Báo QĐND là: vi phạm Điều 2. Luật Báo chí qui định về việc Bảo đảm
quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí: “Nhà nước tạo
điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn
luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình…”.
Lẽ ra,
trước khi đăng bài viết “phê phán” của tác giả Trọng Đức và phản hồi của “dư
luận” (là 05 vị lên tiếng đều là đảng viên Đảng cộng sản Việt nam), thì Báo
QĐND phải đăng hoặc dẫn nguồn bài “Suy nghĩ trong những ngày nằm bệnh” của
ông Lê Hiếu Đằng để rộng đường dư luận. Có nghĩa là, Báo QĐND không chỉ vi phạm
Điều 2. Luật Báo chí về Bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên
báo chí của công dân, mà còn vi phạm nguyên tắc không trung thực, khách quan –
những nguyên tắc đạo đức cốt lõi của nhà báo.
Trong cái gọi là “dư
luận lên tiếng phê phán ông Lê Hiếu Đằng” của Báo QĐND chứa chất sự “mờ mờ,
ảo ảo” về nhân thân, không đầy đủ thông tin và hình ảnh của nhân vật lên tiếng
để thuyết phục người đọc.
Nếu Báo QĐND đọc được
những dòng trên đây rất có thể sẽ phản biện rằng: “chúng tôi tuân thủ Điều 7. Luật
Báo chí qui định về Cung cấp thông tin cho báo chí, trong đó đoạn 3 của Điều 7
Luật Báo chí qui định: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người
cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện
trưởng Viện Kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương
trở lên, cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.
Xin thưa, Điều 7 Luật
Báo chí qui định như thế là để bảo vệ những công dân trung thực và dũng cảm
chống tiêu cực, tố cáo bọn quan tham… Còn 05 người lên tiếng “phê phán” ông Lê
Hiếu Đằng đều là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, trong đó có một “ông tướng”,
họ đều nói lên “ý chí của Đảng”, nếu ai đụng đến họ cứ gọi là tù rũ xương, việc
gì phải “giấu giấu, giếm giếm” về nhân thân của họ như vậy? Phải chăng, Báo
QĐND đang rơi vào tình cảnh “đói ăn vụng, túng làm liều?”.
BÁO QĐND ĐÃ GIÁN TIẾP TỐ
CÁO “CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM” CỦA NGÀNH GIÁO DỤC VIỆT NAM HIỆN THỜI
Thứ hai, cũng phải khách
quan mà ghi công của Báo QĐND là báo này đã có công gián tiếp “tố cáo” chất
lượng “sản phẩm” của ngành giáo dục Việt Nam hiện thời qua bài “Dư luận phê
phán tác giả Lê Hiếu Đằng: Kiến nghị lỗi thời, nhận thức sai lệch”.
Trước đây, ông Trần Đăng
Thanh - Đại tá – Phó GS.TS. – Nhà giáo ưu tú (công tác ở Học viện
Chính trị, Bộ Quốc phòng), khi diễn thuyết về tình hình Biển Đông cho các lãnh
đạo Đảng ủy khối, lãnh đạo Đảng, Tuyên giáo, Công tác chính trị, Quản lý
sinh viên, Đoàn, Hội Thanh niên các trường Đại học – Cao đẳng Hà Nội, đã
tạo nên “cơn lốc” dư luận. Nay, Thiếu tướng – TS. Từ Ngọc Lương – Hiệu trưởng
Trường Đại học Nguyễn Huệ, thạc sĩ Phạm Văn Thiết (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc
Ninh); Đỗ Thị Kiều Phương, giảng viên Học viện Tài chính; đảng viên Trần Ngọc
Tiến, sinh viên Trường Đại học KHXH và NV TP.HCM trong bài “Dư luận lên
tiếng phê phán tác giả Lê Hiếu Đằng: Kiến nghị lỗi thời, nhận thức sai lệch”
đều có trình độ cao ngất ngưởng: Phó GS.TS, ThS. giảng viên đại học, thấp nhất
cũng là sinh viên đại học, nhưng phát biểu thiếu căn cứ thuyết phục, không
logic và lập luận theo kiểu khuôn mẫu từ cái lò “lý luận trung ương”, thậm chí
là nói bừa, nói lấy được.
Xin nêu vài ví dụ: Thiếu
tướng, TS. Từ Ngọc Lương (và rất nhiều quan chức) phát biểu: “Nhân dân Việt Nam
không cần đa nguyên, đa đảng” – cần phải khẳng định ngay đây là sự mạo danh một
cách trơ trẽn và trắng trợn. Nếu như tôi hỏi Thiếu tướng, TS. Từ Ngọc Lương căn
cứ vào đâu để nói rằng: “Nhân dân Việt Nam không cần đa nguyên, đa đảng” thì
liệu ông có câu trả lời bằng những căn cứ thuyết phục?
Họ phát biểu “y chang”
nhau: “Đâu phải cứ nhiều đảng là có dân chủ” (ông Đào Văn Luật, nguyên
Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 12, quận 3, TP Hồ Chí Minh), “Trên thực
tế, dân chủ không phụ thuộc vào chế độ đa đảng, mà phụ thuộc vào bản chất của
đảng cầm quyền” (ThS. Phạm Văn Thiết, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).
Điều làm tôi và nhiều
người kinh ngạc là lý lẽ của giảng viên Học viện Tài chính Đỗ Thị Kiều Phương: “Không
thể có tự do tuyệt đối!”.
Vị giảng viên này lập
luận: “…Không ai có thể biện minh cho quyền tự do của mình khi dùng quyền ấy
để ảnh hưởng tới quyền tự do của người khác. Nói cách khác, đòi hỏi quyền tự do
tuyệt đối, nghĩa là sẽ có sự xâm phạm tới quyền tự do của người khác. Nếu ai
cũng đòi quyền tự do ngôn luận theo kiểu thích nói gì thì nói, dẫn tới được “tự
do” xúc phạm nhân phẩm người khác, “tự do” phao tin đồn nhảm, làm mất ổn định
kinh tế, xã hội, thì hậu quả khôn lường…”.
Tôi dám khẳng định chắc
chắn 100% không có ai lên tiếng “đòi vi phạm pháp luật” cả, họ chỉ đòi cái
quyền của họ – quyền công dân – mà được Nhà nước long trọng ghi vào Hiến pháp
và Luật, mà chính Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm thực hiện. Thật sự tôi không thể
tưởng tượng được trình độ nhận thức của một giảng viên tầm cỡ Học viện lại
không bằng nhận thức của một học sinh phổ thông THCS, thậm chí ở lứa tuổi tiểu
học các em đã được gia đình và nhà trường giáo dục về quyền tự do cá nhân của mỗi
người mà không ai có quyền xâm phạm. Chẳng lẽ một giảng viên Học viện mà lại
không biết là những quyền tự do của công dân Việt Nam đã được Hiến pháp và Luật
Việt Nam bảo vệ. Thậm chí Bộ luật Hình sự hiện hành Qui định rất rõ về “Tội
vu khống” tại Điều 122 Bộ luật Hình sự hiện hành. Hơn thế nữa, Bộ luật Hình
sự còn dành cả một chương: CHƯƠNG XIII CÁC TỘI XÂM PHẠM QUYỀN TỰ DO, DÂN CHỦ
CỦA CÔNG DÂN”.
Phải chăng, báo QĐND
đăng các bài: “Đôi điều với tác giả “Viết trên giường bịnh”” và “Dư
luận lên tiếng phê phán tác giả Lê Hiếu Đằng: Kiến nghị lỗi thời, nhận thức sai
lệch” như một thông điệp gián tiếp “tố cáo” chất lượng “sản phẩm” của ngành
giáo dục hiện thời?
T.T.
Tác giả gửi trực tiếp
cho BVN
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment