Thursday, August 22, 2013

Biểu tượng Phương Uyên


 

 

Biểu tượng Phương Uyên


Tương Lai


Đôi mắt sáng ngời sau cặp kính cận, nét mặt thùy mị nhưng kiêu hãnh nhìn thẳng vào chủ tọa phiên tòa, hình ảnh cô nữ sinh viên mặc áo trắng có phù hiệu nhà trường đứng trước vành móng ngựa xuất hiện trên các trang báo mạng, báo viết trong và ngoài nước có sức lay động mạnh mẽ xúc cảm và lương tri của nhiều người.

Liệu đã đến thời điểm để có thể viết: lay động xúc cảm và lương tri của người Việt Nam, của công luận quốc tế? Công luận quốc tế thì có thể! Nhưng “lương tri của người Việt Nam” thì không biết phải diễn đạt sao đây cho “phải đạo”, cho dù chỉ nói về lương tri của người cầm bút!

Thì đấy! Tất cả các báo “lề phải”, tức là “báo chính thống”, “báo nhà nước”, “báo quốc doanh” chỉ đăng vỏn vẹn mấy dòng với chỉ dẫn “theo TTXVN” về tội trạng của “đối tượng tuyên truyền chống nhà nước”! Không một báo nào dám đưa hình ảnh cô gái tuyệt vời ấy, trong khi báo mạng “lề trái” và các tờ báo lớn của quốc tế (báo giấy, báo mạng, báo hình) thì cơ man là tin, là hình ảnh, là bình luận. Họ dư sức, rỗi việc à? Không.Tuyệt đối không! Mà vì họ tỉnh táo chứ không “hôn mê”, “để vuột khỏi tay họ điều được gọi là lương tâm nghề nghiệp” như cách nói của nhà báo Phạm Chí Dũng về các báo chí “nhà nước” tội nghiệp và đáng xấu hổ.

Thực ra, nói “lương tâm nghề nghiệp” của những nhà báo đang phải hành nghề báo chí nhà nước thì cũng tội cho họ quá! Nhất là sẽ oan cho khá nhiều người mà vì miếng cơm manh áo, cần phải nhẫn nhục để sống, phải tuân theo cái gậy chỉ huy từ một siêu “tổng biên tập” của hơn 700 tờ báo trong cả nước! Tuy biết rằng lương tâm không có răng nhưng nó cắn rứt, cũng phải đành ráng chịu, “đã mang lấy nghiệp vào thân…”!

Đặc biệt là các hãng thông tấn lớn có hàng triệu độc giả trên toàn thế giới thì suốt thời gian qua, từ khi tòa án Long An xử sơ thẩm và rồi phúc thẩm vụ án Phương Uyên, Nguyên Kha, đã liên tục đưa tin và bình luận. Từ tối 16.8.2014 sau khi tòa Long An tuyên ba năm tù án treo, trả ngay tự do tại phiên tòa cho Phương Uyên, thì hình ảnh cô nữ sinh viên áo trắng trước vành móng ngựa và rồi Phương Uyên trong vòng tay của mẹ, của gia đình và bè bạn tràn ngập trên các trang báo mạng, báo hình, báo nói.

Cùng với ánh mắt ngời sáng, nét cười rạng rỡ, sức âm vang của giọng nói Phương Uyên trả lời phỏng vấn của phóng viên các đài quôc tế có sức thu hút rất mãnh liệt: chững chạc, khúc chiết, vững vàng bằng sự trong sáng, hồn nhiên và không kém phần mạnh mẽ của tuổi trẻ tin vào chân l‎ý, biết rõ chính nghĩa thuộc về mình, với sự dịu dàng nữ tính của cô sinh viên mới 21 tuổi đời thiết tha với cuộc đời đã dám đương đầu với cả một bộ máy đàn áp có đủ âm mưu, thủ đoạn, phương tiện và bề dày kinh nghiệm của sự tráo trở và vô luân. Để rồi có được chiến thắng hôm nay.

Sức âm vang ấy vừa hiền hòa, vừa dữ dội!

Hiền hòa vì đây là giọng nói giàu âm sắc nữ tính của cô gái trẻ xinh đẹp, dịu dàng. Dữ dội vì sau tia chớp là sấm sét và dông bão. Sấm sét của sự phẫn nộ. Dông bão của cuộc chiến đấu chống cường quyền, bảo vệ đất nước, giành dân chủ, tự do. Một khi lòng yêu nước chống giặc ngoại xâm gắn làm một với cuộc đấu tranh giành dân chủ và tự do nhằm thực hiện quyền con người, quyền làm người trên một đất nước mà độc lập đã phải đổi bằng núi xương, sông máu của nhiều thế hệ Việt Nam, thì sức mạnh của nó sẽ là triều dâng thác đổ.

Không một thế lực tàn bạo nào có thể ngăn chặn được cho dù có cố mượn y phục người của người xưa để sắm vai diễn trên sân khấu mới của lịch sử. Và sẽ chỉ càng thảm hại hơn khi cố sơn trét cho tấm biển han rỉ “cùng chung ý thức hệ” để khom lưng, quỳ gối trước những thủ đoạn tráo trở, lừa mị và trắng trợn trong chiến lược bành trướng Đại Hán chỉ cốt đổ bê tông cho cái ghế quyền lực đang lung lay.

Thật thê thảm khi để đạt được ý đồ đen tối đó, người ta đã dại dột tự phơi mặt ra trước công luận bằng bản cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An: “Uyên đã sử dụng hai mảnh vải trắng, lấy máu pha loãng với nước, rồi dùng ngón tay chấm viết, một mảnh có nội dung phỉ báng Đảng Cộng sản Việt Nam, mảnh còn lại nội dung không hay về Trung Quốc”.


http://chauxuannguyenblog.files.wordpress.com/2013/05/113e7-nguyenphuonguyen-taukhua-cs-cutdi-danlambao.jpg

Thật nhục nhã, khi biển đảo bị xâm chiếm, ngư dân bị xua đuổi, đánh đập, bắt bớ đòi tiền chuộc, thì người ta lặng thinh hoặc ấp úng lên tiếng chiếu lệ. Nhưng khi tuổi trẻ bày tỏ lòng yêu nước chống xâm lược thì bắt bớ, đàn áp và bỏ tù. Hèn hạ và trơ tráo đến cỡ ấy, sáu năm tù cho cô gái đã nói câu “ nội dung không hay về Trung Quốc” thì chẳng còn gì để mà rao giảng về tư tưởng, đạo đức! Tòa án Việt Nam bỏ tù công dân của mình vì câu “Tàu Khựa Cút Khỏi Biển Đông” biểu lộ một “độc đáo” không tiền khoáng hậu của nền tư pháp Việt Nam đương đại. Có lẽ ông Tập Cận Bình phải gắn huân chương cho chánh tòa Long An và cấp trên của y đã mẫn cán thực thi bốn chữ “vận mệnh tương quan” trong 16 chữ (1) đang là kinh nhật tụng của ai đó.

Nghĩ đến cô sinh viên của thế kỷ XXI này đột nhiên trong tai vang vang câu nói nằm lòng trong bài học lịch sử thời tóc còn để chỏm: “Ta chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, lấy lại giang san, cởi ách nô lệ chứ đâu chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Tính từ năm 248 với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, lịch sử trải qua biết bao cơn dâu bể, và lịch sử đang được viết tiếp. Khi Phương Uyên xuất hiện ở cổng trại tạm giam, không ai giấu được niềm xúc động trào dâng của mình. Mọi người ào tới. Và rồi cô gái kiên cường ấy đã nằm trong vòng tay của mẹ, của gia đình, của đồng đội từng sát cánh với mình trong cuộc chiến đấu không cân sức. Chao ôi, chắc là bà Mẹ Đất Nước cũng thở phào nhẹ nhõm trong niềm an ủi: thôi thì đứa con gái trẻ trung, mỏng manh và hồn nhiên cứ hãy thoát khỏi chốn hang hùm nọc rắn đã, làm sao đoan chắc được những điều tồi tệ gì sẽ xảy ra cho con! Cuộc chiến đấu sẽ còn dài, đoạn đường phía trước còn lắm nỗi truân chuyên. Thế nhưng đâu còn là chuyện đánh lên một que diêm và có thể gió sẽ thổi tắt còn hơn là ngồi im trong bóng tối, mà là một ngọn lửa đang bùng lên.

Ánh lửa sẻ chia là một ánh lửa có sức lan tỏa. Ở đây là sức lan tỏa của tình thương và lẽ phải. Thế nhưng, trước khi sẻ chia, thì phải có một ánh lửa tự cháy sáng đã chứ? Ánh lửa Phương Uyên đã tự cháy và vẫy gọi. Sự vẫy gọi của cô nữ sinh viên này thật da diết và mãnh liệt! Điều này thì trong thư đòi trả tự do cho Phương Uyên gửi ngày 30.10.2012 với 144 chữ k‎‎‎ý của nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước đã từng nói đến:

Nếu tôi không cháy lên

    Nếu anh không cháy lên

    Nếu chúng ta không cháy lên

    Thì làm sao

    Bóng tối

    Có thể trở thành

    Ánh sáng (2)

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiHeHSgPDZrlOzuwjhETVavfR9dt1Om4pwLr8w0ZjONj9g5zV-Zi8tf_O6uHR12zL9KCy9lmRKI7Jwpgcf7TQViHjY8KLVaqjokhkSi9Fx_kzL7lIyGwOpoizX-afAbZeLgE9mr9amm4R8i/s640/democracy4vn_05.jpg

 

Để đến hôm nay, với Phương Uyên, ánh sáng tự do đã bước đầu đẩy lùi bóng tối tù ngục của chế độ toàn trị đang đè nặng lên đời sống của cả dân tộc, trong đó có tuổi trẻ của cô, của Nguyên Kha và của biết bao sức trẻ khác.

Nói như vậy bởi vì xã hội với thể chế “toàn trị (tiếng Pháp là totalitarisme, tiếng Anh là totalitarian) trong đó con người bị cưỡng bức toàn diện, triệt để nhiều khi tàn nhẫn đến vô nhân đạo, phi nhân văn, biến con người bị trị thành nô lệ của một tập đoàn thống trị ít người và duy ý chí tuy nhân danh cách mạng mà hành động, nhưng hiệu quả khách quan của hành động lại phản tiến hóa. Đây là lời giải thích của Nguyễn Hữu Đang, một công thần của chế độ, Ủy viên Ủy ban Dân tộc Giải phóng Trung ương (Chính phủ Lâm thời khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám), Trưởng ban Tổ chức, người dựng lễ đài Độc Lập để từ đó bản Tuyên Ngôn Độc Lập 2.9 khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tuyên đọc trước quốc dân đồng bào và trước thế giới, lại là nạn nhân khủng khiếp của chế độ.

Ông bị bắt vì đã đấu tranh đòi dân chủ và tự do qua bài xã luận viết trên tờ Nhân Văn số 6 in năm 1958! Người ta đã muốn biến phiên toà xử tự do báo chí thành phiên toà xử gián điệp, nhưng rồi đã thay đổi cáo trạng là một vụ phá hoại bằng những xuất bản phẩm nhằm thực hiện một vụ phá hoại chính trị. Không có cáo trạng, không xét xử, nhưng người ta ra sức tuyên truyền cho mọi người tin rằng có những hoạt động gián điệp trong vụ án này để dư luận tin rằng bị cáo là một tên phản quốc: “Ngay khi chúng tôi đến nhà tù, người ta đã tuyên bố: Các anh phải nhớ rằng một khi vào đây là các anh sẽ không có ngày trở lại, các anh sẽ ở đây cho đến lúc chết. Người ta đã tuyên bố thế – tổng giám thị nhà tù tuyên bố chính thức, công khai trước tất cả các tù nhân chính trị. Đã vào đây là không có ngày trở lại, không bao giờ ra khỏi nơi này. Cho dù án của anh là 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm – các anh cũng sẽ ở đây đến lúc chết… Vì sao? Vì các anh, lũ phản động, phản bội tổ quốc, phản bội cách mạng – các anh đáng chết. …Không một mối liên hệ với bên ngoài, không thư từ, không thăm nom, không tiền hay quà hay lương thực gửi tới – không, anh không nhận được chút gì của bạn bè hay gia đình.

…Thế giới của anh, nhân loại đối với anh là 200 người tù – không có những người đồng tổ quốc, đồng công dân; với anh, không có gì hết, chỉ có 200 người đồng ngục cùng một số phận…” (3)

Phương Uyên được ra khỏi trại giam một ngày sau kỷ niệm 100 năm ngày sinh của người tù quá cỡ Nguyễn Hữu Đang (15.8. 2013). Có lẽ cháu chưa thể biết được những gì mà những người sớm nhận thức được sứ mệnh cao cả sau khi giành được độc lập thì phải đấu tranh giành dân chủ và tự do như cụ Nguyễn Hữu Đang, một lão thành cách mạng phải gánh chịu bởi chế độ toàn trị. Nhưng thiết tha yêu nước, căm thù bọn xâm lược, khát khao tự do dân chủ của Phương Uyên là kết tinh nguyện vọng và phẩm chất cao đẹp của tuổi trẻ. Cô gái mảnh mai và hiền dịu ấy đã vượt lên chính mình để đối diện với cường quyền với đủ các thủ đoạn lừa mị, dụ dỗ, đàn áp. Và vì thế, cô đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước, khát vọng tự do và sự dấn thân vì đại nghĩa.

Frank Roosevelt đã thật sâu sắc khi chỉ ra rằng “Nỗi sợ hãi lớn nhất của con người chính là sự sợ hãi, đấy là điều nhất thiết phải vượt qua”. Bà Aung San Suu Kyi đã nhắc lại điều đó trong diễn văn nhận giải Freedom of Glasgow: “Không phải quyền lực mà là sự sợ hãi làm cho người ta thối nát. Sợ mất quyền thế làm cho những kẻ đương quyền trở nên đồi bại, và sợ bị những kẻ quyền thế trừng phạt làm cho những người bị trị sai lạc” (4)

Người phụ nữ đang là biểu tượng của cuộc đấu tranh vì tự do và dân chủ ở Miến Điện, ngọn đuốc hy vọng chung cho các phong trào đấu tranh dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới, đã khẳng định: “Nhân quyền căn bản mà tôi xem trọng là thoát khỏi sợ hãi”, và rằng “Sợ hãi là kẻ thù đầu tiên mà chúng ta phải vượt qua khi chúng ta đề ra cuộc đấu tranh cho tự do và thường sợ hãi còn lại cho đến chung cuộc”.

Phải chăng cô nữ sinh viên Phương Uyên đã vượt qua được sự sợ hãi để dám đối diện với bạo lực cường quyền, trở thành một biểu tượng của thế hệ trẻ không chịu khuất phục và không dễ bị lừa mị đem lại một nội dung đích thực cho nền độc lập của đất nước đổi bằng máu của cha ông bằng cuộc đấu tranh cho dân chủ và tự do mà nếu không có nội dung ấy, thì độc lập là vô nghĩa.

Quả đúng là “thường sợ hãi còn lại cho đến chung cuộc”, nhưng nhìn vào ánh mắt, nghe giọng nói thanh thản và kiên nghị của cháu, đặt tay trên đôi vai mảnh mai và rắn rỏi khi ngồi cạnh cháu trong buổi cháu đến thăm vào ngày 17.8.2013, ngay sau ngày ra khỏi trại giam, người viết bài này tin rằng rồi cháu sẽ tiếp tục vượt qua được mọi thử thách.

Vì, bên cạnh cháu, đằng sau cháu, là sức mạnh của cả một lực lượng đông đảo sẵn sàng tiếp sức cho cháu như đã từng làm trong những ngày cháu ở trong tù. Đây cũng là cảm nhận của Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, và nhiều người khác đã ký tên đòi trả tự do cho Phương Uyên, những người từng vào tù ra khám ở Sài Gòn, Côn Đảo trước 1975, những người từng giữ trọng trách trong nhiều lĩnh vực của thành phố sau 1975, đã gặp gỡ chuyện trò với cháu trong bữa cơm thân mật vào ngày 18.8.2013 khi Huỳnh Kim Báu, người đã nằm chắn ngang trước mũi xe trong cuộc biểu tình trước tòa án Long An, bất ngờ đưa Phương Uyên đến cám ơn.

Xin được gợi lại những lời trong kiến nghị đòi tự do cho Phương Uyên đã nhắc ở trên: “vì lòng yêu nước, ghét kẻ thù xâm lược, không chịu “hiền lành, ngoan ngoãn”như bản tính vốn có của cháu, mà dám dấn thân vào chuyện “mạo hiểm”, thì những người làm cha chú như chúng ta cần phải ứng xử như thế nào với cháu?… Chẳng lẽ bao nhiêu xương máu của nhiều thế hệ Việt Nam đổ ra để rồi đất nước sẽ lại phải chứng kiến những sự kiện Quách Thị Trang, Trần Văn Ơn mới, với những hành vi trấn áp bạo tàn mới, theo kiểu phát xít hóa đời sống xã hội?

Thực tế của mười tháng qua từ ngày Phương Uyên bị bắt, “những hành vi trấn áp bạo tàn mới theo kiểu phát xít hóa đời sống xã hội” đã không đe dọa được ai, ngược lại, lòng dân thêm phẫn nộ, diện mạo phản dân chủ, chà đạp nhân quyền đáng xấu hổ đang phơi bày trước thế giới và đang bị lên án. Và ai cũng hiểu được rằng, dưới áp lực nào mà một tòa án chỉ quen tuyên những bản án “bỏ túi”, nơi mà những luật lệ về “an ninh quốc gia” được dùng để tội phạm hoá bất kỳ hành xử nào về những quyền dân sự hay quyền chính trị thì bỗng nhiên phải tuyên một bản án chưa có tiền lệ: án treo 3 năm cho cô sinh viên kiên cường không chịu cúi đầu!

Oái oăm thay cái cảm giác mừng cho Phương Uyên và nhục cho Tòa án chỉ chuyên tuyên những “bản án bỏ túi” mà luật pháp chỉ là trò hề! Cả buổi sáng tại tòa, quan tòa gầm ghè, đe nẹt cốt uy hiếp tinh thần nhằm làm nhụt ý chí cô gái mảnh mai đơn độc theo kiểu “trần trụi giữa bầy sói” để mềm lòng thốt ra một câu nhận tội nào đó để tòa vớ lấy mà gỡ thể diện. Nhưng rồi vở diễn đã phải hạ màn mà cả diễn viên và đạo diễn phải tuân theo một kịch bản mới. Kịch bản mới ấy người đạo diễn cũng không được biết, nói chi đến diễn viên.

Cũng phải thôi. Người ta quên mất rằng, thế giới đã biến đổi quá nhiều đến mức mà những công thức để thành công trước đây, thậm chí chỉ trong tháng trước, tuần trước, ngày hôm trước… có thể sẽ lạc hậu và đưa tới thất bại thảm hại trong hôm nay, trong ngày mai! Sẽ là không thừa với việc nhắc lại đây một ý tưởng được trình bày trong “Tư duy lại cho tương lai” được xuất bản mười năm trước: “Những ai chần chừ tin rằng tương lai sẽ là sự tiếp tục của quá khứ, sẽ sớm thấy mình bị hụt hẫng trước sự thay đổi. Họ sẽ bị buộc phải suy nghĩ lại: sẽ đi đến đâu và bằng cách nào đi đến đó, khi mà có lẽ đã quá muộn để tránh được điều không thể tránh khỏi.

Xu hướng dân chủ là sự phát triển logic của thế giới loài người. Vấn đề chỉ là thời gian. Sớm hay muộn là tùy thuộc vào sự vận động tự thân của mỗi xã hội, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia với những đặc điểm văn hóa, tập quán, truyền thống trong sự phát triển kinh tế và trình độ tiếp thu, vận dụng khoa học công nghệ mà thời đại đang mang lại. Và rồi, ở đâu mà bạo lực và cường quyền được đẩy tới một cách vô hạn độ thì sự khốn quẫn, sự sa đọa và sự phẫn nộ cũng lớn ngang như thế ở mặt kia. Khi nước đã tràn bờ thì mọi sự gia cố, che chắn ở từng công đoạn, từng mảng vỡ đều vô nghĩa và không thể cứu vãn. Vấn đề là biết chủ động chọn cho được phương án tối ưu, mà có khi cái đỡ xấu nhất trong những cái xấu lại có thể là cái tối ưu đó!

 

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/articlefiles/171399-SC-NguyenPhuong-Uyen-400.jpg

 

Cô sinh viên mảnh mai và mạnh mẽ vừa đứng trước vành móng ngựa kia có thể lại là đốm lửa cháy sáng vẫy gọi một thế hệ tuổi trẻ đấu tranh đưa ra trước vành móng ngựa những thế lực cản trở bước đi của lịch sử. Điều này chẵng có gì mới mẻ và ghê gớm lắm đâu. Cách nay 200 năm, F. Engels nói về một thể chế “sẽ được quyết định khi một thế hệ mới sẽ lớn lên… Khi những con người như thế xuất hiện, họ sẽ vứt bỏ tất cả những điều mà theo quan niệm hiện nay họ phải làm: họ sẽ tự biết cần phải làm như thế nào”. (5)

Khi nói về “Biểu tượng Phương Uyên”, người viết bài này suy ngẫm về điều ấy.

T. L.

Chú thích:

(1) Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan.

(2) Cao Xuân Hạo, “Về cách hiểu một ý thơ của Nazim Híkmet”. Trong “Tiếng Việt. Văn Việt. Người Việt”, Nhà xuất bản Trẻ, 2001, tr. 261.

(3) Cuộc trao đổi giữa Nguyễn Hữu Đang và Heinz Schütte, tác giả công trình “Nghiên cứu về phong trào Nhân văn – Giai phẩm”.

(4) “It is not power that corrupts but fear. Fear of losing power corrupts those who wield it and fear of the scourge of power corrupts those who are subject to it”. Aung San Suu Kyi, Freedom from Fear. http://www.thirdworldtraveler.com/Burma/FreedomFromFearSpeech.html.

(5) C. Mac & Ph. Angghen Toàn tập, tập XXI. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 128.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN



No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link