Thứ hai 21 Tháng Mười 2013
Viện Khổng Tử hay cuộc xâm lăng văn hóa Trung Quốc ?
Học sinh Trung Quốc mặc trang phục truyền thống làm lễ tại đền
Khổng Tử ở Giang Tô 01/09/2013 - Reuters
Trong bản tuyên bố chung Việt Nam- Trung Quốc nhân chuyến viếng thăm
của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Hà Nội giữa tháng 10 vừa qua, hai
quốc gia đã thông báo « nhất trí » thành lập Viện Khổng tử ở Việt Nam.
Thật ra, Viện Khổng tử đã được Trung Quốc thành lập ở rất nhiều nước
khác trên thế giới. Việc thành lập Viện Khổng tử ở Việt Nam đã được chính phủ
Hà Nội quyết định từ năm 2009, nhưng thông báo chính thức về việc thành lập
viện này đã một lần nữa gây lo ngại cho giới nhân sĩ trí thức Việt Nam về nguy
cơ xâm lăng văn hóa của Trung Quốc, trong bối cảnh mà phim ảnh Trung Quốc từ
nhiều năm qua tràn ngập các đài truyền hình Việt Nam và văn hóa Trung Quốc chi
phối ngày càng nhiều đời sống của người dân Việt Nam, đặc biệt là trong kiến
trúc đền chùa.
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, cán bộ
Viện Nghiên cứu Hán Nôm ở Hà Nội nêu lên những nguy cơ tiềm ẩn từ Viện Khổng tử
sẽ được thành lập ở Việt Nam :
RFI : Xin kính chào tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện. Thưa ông, những nước
như Pháp hay Đức cũng đã có những trung tâm văn hóa ở Việt Nam như Alliance
Française hay Viện Goethe. Nhưng vì sao việc thành lập Viện Khổng tử của Trung
Quốc lại gây lo ngại như vậy ?
TS Nguyễn Xuân Diện : Việc thành lập Viện Khổng tử ở Việt Nam không phải chỉ mới được
đặt ra trong chuyến viếng thăm của thủ tướng Lý Khắc Cường, mà từ năm 2009, ông
Tập Cận Bình, khi ấy là phó chủ tịch Trung Quốc, khi đi thăm Việt Nam đã thúc
giục Việt Nam thành lập Viện Khổng tử để tăng cường hợp tác văn hóa, giáo dục.
Theo tôi biết, trên thế giới hiện đã có hơn 40 nước có tổng cộng
hàng trăm Học viện Khổng tử. Riêng Thái Lan thì đã có 13 Học viện Khổng tử. Việt
Nam và Trung Quốc là hai nước có nét tương đồng nhau về mặt văn hóa và gần đây
là người ta có nhắc đến tương đồng về chính trị, nhưng đến bây giờ mới xúc tiến
mạnh việc thành lập Viện Khổng tử ở Việt Nam. Theo tôi biết, học viện này sẽ
được đặt trong Đại học Hà Nội (Đại học Ngoại ngữ cũ).
Từ khi nhận được tin này, những nhà nghiên cứu, những nhân sĩ, trí
thức rất là lo lắng. Lo lắng nhiều hơn là vui mừng. Nhiều nước đã đặt các học
viện, các trung tâm văn hóa ở Việt Nam, nhưng những học viện, những trung tâm
đó không gây lo ngại nhiều như Học viện Khổng tử này. Lý do là vì trong người
dân Việt Nam luôn thường trực một tinh thần phản kháng, một sự tự đề kháng đối
với văn hóa Trung Quốc, mặc dù là tư tưởng của Khổng tử, các thiết chế, mô hình
Nhà nước theo kiểu Nho giáo của Khổng tử đã có mặt trên đất nước Việt Nam từ
rất lâu rồi.
Chúng tôi rất lo lắng bởi vì Viện Khổng tử này chắc chắn không
phải được lập nên để tuyên truyền về giáo lý, tinh thần triết học hay cuộc đời
và sự nghiệp của Khổng tử, cũng như về Nho học : Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Tam
Tòng Tứ Đức ...
RFI : Theo ông biết thì Viện Khổng tử của Trung Qu ốc ở Việt Nam
sẽ hoạt động như thế nào ?
Thực chất đây sẽ là một trung tâm văn hóa và ngôn ngữ, nhằm giới thiệu,
quảng bá về văn hóa Trung Quốc : thi ca, âm nhạc, ẩm thực, trà đạo..., và sẽ có
những giao lưu văn hóa giữa các nghệ sĩ Việt Nam và Trung Quốc. Đằng sau đó
luôn là những hoạt động tư vấn về du học, tức là kéo thanh niên Việt Nam đến
Trung Quốc du học ngày càng nhiều. Đây cũng sẽ là trung tâm dạy Trung văn, tức
là tiếng Hoa.
Đó là những hoạt động bề nổi, còn đằng sau nó chắc chắn sẽ là
những hoạt động tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về mặt văn hóa và tư tưởng về một
nước Trung Hoa hiện đại. Chính vì vậy nhiều nhà quan sát cho rằng việc thành
lập Viện Khổng tử chính một sự thể hiện quyền lực mềm của Trung Quốc, hoặc có người
gay gắt hơn thì nói rằng đấy là bước đầu đặt cơ sở cho việc bành trướng văn
hóa.
Điều này thật đáng lo ngại, bởi vì sức ép và sự tuyên truyền văn
hóa của văn hóa Trung Quốc hiện đại lên Việt Nam hiện nay rất là mạnh mẽ. Nhân
dân đã không được những người làm công tác văn hóa dẫn dắt, cho nên, họ có sự
sùng bái văn hóa Trung Quốc rất là quá đáng.
Ví dụ ngôi chùa đạt nhiều kỷ lục ở Việt Nam và Đông Nam Á là chùa
Bái Đính ở Ninh Bình. Ngôi chùa ấy chẳng có dáng dấp gì mang bản sắc Việt Nam,
mà thực chất là một ngôi chùa Tàu, mà hàng năm lại thu hút hàng triệu du khách.
Các phim ảnh Trung Quốc thì chiếu tràn lan trên các kênh truyền hình trung ương
và địa phương. Rồi thì việc dựng các tượng sư tử Trung Quốc ở các đình chùa, đền
miếu, cũng như ở trụ sở các tổng công ty. Rồi thì hàng hóa, đèn lồng Trung Quốc
cũng tràn lan.
Chính những điều đó khiến người ta lo rằng là với Viện Khổng tử, Trung
Quốc coi như đã đặt một bàn chân xâm lăng văn hóa đối với Việt Nam. Chưa bao
giờ sức mạnh văn hóa Việt Nam suy yếu nhiều như hiện nay. Khi nào mà chúng ta
không chống lại được xâm lăng về văn hóa, thì chúng ta sẽ không còn gì là nền
tảng của nước Việt Nam nữa và sẽ bị đồng hóa. Đây sẽ là một điều vô cùng nguy
hiểm. Xâm lăng về văn hóa còn nguy hiểm hơn là xâm lăng về quân sự. Cho nên tôi
thấy rất lo ngại.
RFI : Nhưng trong sự xâm lăng văn hóa này phải chăng cũng có sự
tiếp tay của các lãnh đạo văn hóa, đã cho chiếu quá nhiều phim ảnh Trung Quốc
trên truyền hình quốc gia, đến mức giới trẻ Việt Nam bây giờ thuộc sử Tàu hơn
là sử Việt ?
Đúng là bây giờ trẻ con cấp 1, cấp 2, cấp 3 thuộc sử Tàu hơn là sử
Việt. Văn hóa Trung Quốc ảnh hưởng rất nhiều đến ngôn ngữ thường ngày của các
em. Sóng truyền hình Trung Quốc tràn lan như vậy. Không những thế các bộ phim
của cũng thế. Chúng ta thấy rằng là năm 2010, phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long,
tức là phim Đường tới thành Thăng Long, từ kịch bản, đạo diễn, cho đến diễn
viên và vai quần chúng, cũng như bối cảnh, hậu kỳ, trang phục đều là do người
Trung Quốc làm.
Bộ phim mang tính phản văn hóa như vậy cho nên các nhà nghiên cứu,
các học giả đã yêu cầu không được chiếu bộ phim đó trong đại lễ 1000 năm Thăng
Long. Về sau người ta mới phát hiện bộ phim đó không chỉ mang tính phản văn
hóa, mà còn phản quốc, vì những nội dung lịch sử đã bị bóp méo và làm sai lạc.
Chúng tôi lo ngại vì giới lãnh đạo văn hóa Việt Nam hiện nay hiễu
một cách rất là ấu trĩ và vô cùng hạn chế về văn hóa Trung Quốc. Vì vậy, họ không
phát động được trong cán bộ, công chức trên toàn quốc về việc phải có một sự đề
kháng như thế nào đối với văn hóa Trung Quốc.
Hậu quả là vào những dịp Tết trong những năm gần đây, có khi cả
thành phố, thị trấn thắp toàn đèn lồng Trung Quốc. Hà Nội gần đây đã phải phát
động việc dẹp bỏ các tượng đá sư tử ở các đền chùa. Như vậy tức là họ cũng đã
thấy được một phần rồi, nhưng những cái mà họ thấy được, nhưng so với những cái
mà những người lãnh đạo cần phải có là chưa tương xứng. Chính vì vậy, những
người tha thiết với truyền thống, với văn hóa Việt Nam đang rất là lo lắng.
RFI : Thưa tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, để cưỡng lại sự xâm lăng về
văn hóa đó, liệu chúng ta có thể phát động một chiến dịch giống như chiến dịch
kêu gọi người Việt dùng hàng Việt, để tẩy chay hàng Trung Quốc, cho dù chúng ta
vẫn tiếp nhận những cái hay, cái đẹp của văn hóa Trung Quốc ?
TS Nguyễn Xuân Diện : Cách đây vài năm Bộ Chính trị đã phát động phong trào người Việt
dùng hàng Việt. Lúc ấy báo chí cũng làm rùm beng một vài sự hưởng ứng đó. Nhưng
bây giờ chuyện ấy đã chìm đi rồi. Người ta cũng không nghĩ đến chuyện giữ gìn
những phong trào đó hay phát động một lần nữa.
Nhưng trong nhân dân, nhất là trong giới trẻ đã ngấm ngầm một
phong trào muốn tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, trước hết là hàng thực phẩm và thuốc
chữa bệnh, nhưng đó cũng chỉ là những phong trào tự phát, chứ không phải là
được phát động sâu rộng, được truyền thông Nhà nước cổ vũ, khuyến khích.
Tôi nghĩ rằng nên khơi dậy một tinh thần dân tộc và một tinh thần
bài Hoa đúng mức. Bài Hoa đây không phải là bác bỏ hết những gì có nguồn gốc từ
Trung Quốc, một nền văn minh lớn của nhân loại. Nằm cạnh một nền văn minh lớn
như thế, Việt Nam cần tiếp thu, thừa hưởng những giá trị văn hóa, những tác
phẩm lớn của Trung Quốc mà đã mang tầm mức nhân loại.
Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải giới thiệu trong dân
chúng, nhất là cho lớp trẻ, những nét đẹp của văn hóa Việt Nam, những giá trị thẩm
mỹ thuần Việt, những tác phẩm văn học, mỹ thuật Việt Nam, những văn hóa chùa,
làng...
Muốn đem lại một sự đề kháng đối với sự xâm lăng văn hóa của bên ngoài,
thì trước hết cần phải khơi dậy, giáo dục sự hiểu biết cho lớp trẻ về văn hóa
của cha ông. Trong mạnh, thì ngoài mới không xâm lăng vào được. Khi người ta
yêu quý những nét văn hóa đẹp đó, thì người ta mới dốc sức gìn giữ nó, tạo nên
một lớp áo giáp bảo vệ trước sự xâm lăng từ bên ngoài.
Mặc dù Việt Nam đã bị Trung Quốc đô hộ cả ngàn năm, liên miên bị Trung
Quốc xâm lược như vậy, mặc dù người Trung Quốc đã truyền chữ Hán vào Việt Nam, thiết
lập chế độ cai trị, áp đặt văn hóa lễ nghi, nhưng đã không thể đồng hóa Việt
Nam.
Lý do là vì văn hóa Việt Nam trong mấy nghìn năm qua được dựa trên
một nền tảng vững bền của văn hóa Việt gốc ở Đông Nam Á, mà điểm son mà văn hóa
làng, chống lại được sự xâm lăng về mặt văn hóa, giữ được những giá trị văn hóa
và chính những giá trị văn hóa đó trở lại làm nên sức mạnh của dân tộc, đánh
thắng được những trận lừng lẫy trong lịch sử.
RFI : Xin cám ơn tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện.
RFI : Xin cám ơn tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện.
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment