Thursday, October 24, 2013

Quy luật của thịnh vượng và khủng hoảng


 

Quy luật của thịnh vượng và khủng hoảng


Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2013-10-23

Email

Ý kiến của Bạn

Chia sẻ

In trang này


DDKT10232013.mp3 Phần âm thanhTải xuống âm thanh

000_Hkg8602379-305.jpg

Kỳ họp Quốc hội hôm 20/05/2013 tại Hà Nội.

AFP

 

Khi Quốc hội Việt Nam bắt đầu một kỳ họp được coi là quan trọng về cải tổ chính sách thì đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị một kỳ họp còn chiến lược hơn về cải cách. Đặt trong bối cảnh chung của những nan đề khó giải, đâu là cái hướng cải cách của hai nền kinh tế này? Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thẩm quyền vẫn thuộc về đảng


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông trong cả một tháng sắp tới kể từ Thứ Hai, Quốc hội khóa 13 của Việt Nam có kỳ họp thứ sáu để thảo luận và quyết định về nhiều bước cải tổ chính sách trong bối cảnh kinh tế gặp tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ 13 năm nay. Cùng lúc đó, theo dõi tình hình Trung Quốc từ lâu, ông cũng biết lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Hoa đang chuẩn bị một kỳ họp chiến lược của Ban chấp hành Trung ương vào tháng tới. Vì vậy, chương trình chuyên đề của chúng ta sẽ tìm hiểu về việc họp hành và cải cách của hai nền kinh tế này. Xin ông trình bày cho thính giả của chúng ta nắm rõ bối cảnh.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Về nghị trình thì quả là lần này Quốc hội Việt Nam có một kỳ họp đầy trọng lượng so với những kỳ trước vì phải thông qua việc cải tổ bản Hiến pháp hay Luật Đất đai, thảo luận về tái cơ cấu kinh tế, hay về những chỉ tiêu trong năm, v.v... Tuy nhiên, dù không nói về khả năng tổ chức để các đại biểu có thể nắm vững hồ sơ và nêu ra những vấn đề thật và đáng quan ngại, thì cơ chế Quốc hội này vẫn không có thẩm quyền đưa ra những thay đổi cần thiết cho nền kinh tế và cả tương lai đất nước. Thẩm quyền ấy vẫn thuộc về đảng Cộng sản Việt Nam.

Cơ chế Quốc hội này vẫn không có thẩm quyền đưa ra những thay đổi cần thiết cho nền kinh tế và cả tương lai đất nước. Thẩm quyền ấy vẫn thuộc về đảng Cộng sản Việt Nam.
-Ô. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Trong ý đó thì lãnh đạo đảng nên chú ý đến kỳ họp Tháng 11 của đảng Cộng sản Trung Hoa. Lý do là Ban chấp hành Trung ương khóa 13 của đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ có Hội nghị kỳ ba để đưa ra những thay đổi cũng quan trọng như Hội nghị kỳ ba khóa 13 vào cuối năm 1978 khi Đặng Tiểu Bình quyết định chuyển hướng qua khẩu hiệu "cải cách và khai phóng". Việc cải cách đó mở ra 30 năm tăng trưởng kể từ 1979 và cũng phần nào là mẫu mực mà lãnh đạo Việt Nam đã tiếp thu sau khi đổi mới thật từ năm 1991. Bây giờ, mẫu mực Trung Quốc đã thành lỗi thời khiến lãnh đạo tại Bắc Kinh muốn đổi thì Hà Nội cần tìm hiểu để kịp thời cải sửa ngay từ căn bản.

Vũ Hoàng: Có phải ông đánh giá Hội nghị kỳ ba tới đây của đảng Cộng sản Trung Quốc là một bước ngoặt mà đảng Cộng sản Việt Nam nên chú ý?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cho là Hà Nội nên chú ý và sớm chuyển hướng, vì việc ấy tương đối còn dễ hơn những gì mà lãnh đạo Bắc Kinh phải giải quyết. Muốn như vậy, mình ta nên mở rộng tầm nhìn về những quy luật có thể đem lại thịnh vượng thì sẽ hiểu ra vì sao mà Trung Quốc phải đổi để thoát cơn khủng hoảng. Nói cách khác, nếu nhìn thấy vết xe đổ của xứ láng giềng này thì ta có thể tránh được tai họa cho quốc gia và dân tộc.

Vũ Hoàng: Như vậy, chúng ta sẽ tìm hiểu về yêu cầu chuyển hướng của Trung Quốc trong khuôn khổ của những quy luật có thể đem lại sự thịnh vượng cho quốc gia. Xin ông bắt đầu.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin được tóm lược như thế này.

Sau 30 năm áp dụng chiến lược ráo riết đầu tư để đạt mức tăng trưởng cao bằng mọi giá, lãnh đạo Trung Quốc đã thấy cái giá phải trả là quá nặng nên muốn cải cách. Nhưng giữa lúc đó thì vụ Tổng suy trầm toàn cầu bùng nổ vào năm 2008 nên họ vẫn cứ nhấn tới theo hướng cũ và gặp nhiều khó khăn hơn. Sau Đại hội 18 vào năm ngoái, thế hệ lãnh đạo mới đã rà soát tình hình và cố chuyển hướng trong những điều kiện còn nan giải và bất ổn hơn. Hội nghị kỳ ba vào tháng tới sẽ cân nhắc về chuyện này. Đó là về bối cảnh chính trị của họ.


Về thực chất kinh tế, chiến lược của Trung Quốc là vắt sức dân qua chính sách đè nén, thậm chí bóc lột tài chính, để huy động tiết kiệm của dân chúng đưa vào đầu tư sản xuất. Bóc lột tài chính vì trả lãi suất và tỷ giá ngoại hối thấp, lương ít và còn hạn chế quyền sinh sống và cư trú của người dân qua chính sách hộ khẩu để thu vét phương tiện quá rẻ cho sản xuất. Vì sự lệch lạc về phí tổn, nôm na là giá cả ở đầu vào thấp, sản phẩm dư thừa ở đầu ra được ào ạt xuất khẩu với giá bèo làm thế giới khâm phục, nhưng lại tích lũy nhiều thất quân bình nguy hiểm.

Thứ nhất là phương tiện quá rẻ trưng thu của người dân đã đánh sụt mức tiêu thụ của thị trường nội địa. Thứ hai là chúng lại trút vào khu vực kinh tế nhà nước kém hiệu năng nên chỉ làm giàu cho thiểu số có chức có quyền và gây bất công xã hội. Thứ ba là tình trạng kém hiệu năng đã gây lãng phí, dẫn đến nạn đi vay quá sức, sản xuất thừa và bong bóng đầu cơ. Lồng trong ngần ấy nhược điểm là các vấn đề xã hội mà trung ương không kiểm soát nổi, như nạn ô nhiễm môi sinh và tình trạng đô thị hóa và công nghiệp hóa trong hỗn loạn. Bây giờ thì đà tăng trưởng ấy đã sụt.

Kết cuộc thì dù tự xưng là "xã hội chủ nghĩa", chiến lược của Trung Quốc vẫn tập trung tiền tài và quyền lực cho một thiểu số nên đi ngược quy luật của sự thịnh vượng.

Phát triển đồng tiến


Vũ Hoàng: Ông vừa tóm lược một số vấn đề mà chính Việt Nam cũng đang gặp và muốn cải sửa, như khu vực kinh tế nhà nước kém hiệu năng, gánh nợ xấu của ngân hàng, tình trạng bất công xã hội và ô nhiễm môi trường sinh sống trong đà tăng trưởng đang giảm sút. Nhưng khi ông nói đến "quy luật của sự thịnh vượng" thì đấy là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tất cả các nước đi sau, có nền kinh tế gọi là "đang phát triển" - như Trung Quốc, Việt Nam hay cả trăm xứ khác - đều có thể học từ các nước công nghiệp hóa những kiến năng về công nghệ hay tổ chức sản xuất để thoát khỏi tình trạng nghèo đói. Trong hạ bán thế kỷ 20, các nước này đều đã trước sau nâng cao mức sống của người dân so với quá khứ phải nói là chậm tiến và nghèo khổ. Nhưng dù có lợi thế đi sau nên học được nhiều điều gần như miễn phí từ các nước đi trước, không phải xứ nào cũng trở thành quốc gia thịnh vượng, cụ thể là có lợi tức bình quân một đầu người ở khoảng ba vạn Mỹ kim một năm. Có lẽ thế giới chỉ có ba trường hợp thành công là Đài Loan, Nam Hàn và xứ Chile tại Mỹ châu La tinh.

Vũ Hoàng: Thưa ông vì sao như vậy?

Cụ thể là trong đà tăng trưởng kinh tế, mọi thành phần đều góp sức và hưởng lợi tức một cách đồng đều. Nhờ vậy mà mọi người đều gắng sức nên kinh tế và xã hội mới phát triển một cách bền vững.
-Ô. Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Lý do không phải là địa dư hay nguồn tài nguyên dồi dào dưới lòng đất, vì thật ra ba nước kể trên đều có bất lợi và không giàu tài nguyên mà chỉ trong mấy chục năm đã lọt vào hạng giàu có. Lý do là họ biết áp dụng quy luật của thịnh vượng mà tôi xin gọi là "phát triển đồng tiến". Cụ thể là trong đà tăng trưởng kinh tế, mọi thành phần đều góp sức và hưởng lợi tức một cách đồng đều. Nhờ vậy mà mọi người đều gắng sức nên kinh tế và xã hội mới phát triển một cách bền vững.

Vũ Hoàng: Ông vừa trình bày một khái niệm hay phạm trù mà nhiều thính giả của chúng ta có thể thấy là trừu tượng vì vậy xin ông giải thích thêm cho rõ ràng.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta để ý thấy là Đài Loan, Nam Hàn và Chile đã từng có chế độ độc tài của phe thủ cựu cánh hữu. Họ không nêu ra khẩu hiệu lý tưởng gọi là xã hội chủ nghĩa của cánh tả, nhưng đã tự ý cải cách về chính trị để áp dụng một chế độ dân chủ. Việc cải tổ đó khiến cho thiểu số ở trên không còn khả năng trưng thu hay đè nén hay bóc lột đa số ở dưới.

Chẳng những vậy, chế độ chính trị của họ còn xây dựng các định chế cần thiết cho phát triển, như quyền tự do kinh tế, quyền sở hữu của tư nhân, như hệ thống luật lệ minh bạch với quyền tư pháp độc lập, hay quyền đàn hặc phê bình lãnh đạo. Nôm na là tư nhân có quyền mà nhà nước phải tôn trọng và phải bảo vệ vì tay chân nhà nước chỉ là công cụ nhất thời của người dân.

Đa số quốc gia kia lại chẳng được như vậy vì thiểu số ở trên áp dụng chiến lược trưng thu và cưỡng bách nên sau giai đoạn cất cánh tăng trưởng có vẻ ngoạn mục là họ đụng trần và không nâng được lợi tức người dân quá mức trung bình. Họ rơi vào tình trạng gọi là "cái bẫy của lợi tức trung bình" mà không thoát ra được. Trung Quốc đang lọt vào cái bẫy đó, Việt Nam cũng vậy.

Trong một thế giới toàn cầu hóa với thông tin mở rộng, khi lãnh đạo lại đưa người dân vào bẫy vì "chiến lược trưng thu" thay vì "chiến lược đồng tiến" thì khủng hoảng rất dễ xảy ra như chúng ta đã thấy tại nhiều quốc gia.

Vũ Hoàng: Sau khi đặt vấn đề như vậy rồi thì ông liên hệ thế nào đến những yêu cầu cải cách       mà lãnh đạo của Trung Quốc và Việt Nam đang muốn tiến hành?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin nêu ra những ví dụ cụ thể đang làm giới lãnh đạo hai xứ này đau đầu và muốn sửa từ lâu nhưng cứ dậm chân tại chỗ.

Thứ nhất, vì sao khu vực kinh tế nhà nước lại giữ vai trò chủ đạo? Đấy là hệ quả của chiến lược trưng thu vì vơ vét tài nguyên quốc dân dồn cho tập đoàn kinh tế nhà nước, thậm chí cho các chính quyền địa phương như tại Trung Quốc. Tài nguyên đó là tiết kiệm, tín dụng và đất đai. Chiến lược ấy bất công và bất ổn vì làm giàu cho thiểu số và gây thất quân bình vĩ mô.

Thứ hai, vì sao các dự án đầu tư và tín dụng của khu vực công lại gây bội chi ngân sách và chất lên một núi nợ xấu sẽ đổ lên đầu cả nước? Vì chiến lược trưng thu đã ép sức tiết kiệm của dân và tạo ra nguồn tiền quá rẻ cho các tập đoàn nhà nước và tay chân tự tiện sử dụng vì lợi ích riêng. Cũng do chiến lược này ta mới thấy các tập đoàn kinh tế nhà nước đi vay bừa phứa mà khỏi cần nghĩ đến cách trả nợ.

Thứ ba, vì sao một tài nguyên chung của cả nước là đất đai lại do một thiểu số quyết định đằng sau khẩu hiệu hay điều luật là "do nhà nước thống nhất quản lý"? Vì chiến lược trưng thu đã đoạt quyền tư hữu một phương tiện sản xuất quan trọng là đất đai để tay chân của đảng và nhà nước có thể lũng đoạn, hay thậm chí đánh bạc, trong các dự án kinh tế kém hiệu năng của họ. Được thì họ lấy mà thua thì dân chịu.

Căn bản nhất vì cũng là lý do giải thích những bất công và phi lý ấy là vai trò độc quyền của đảng và công cụ của đảng là nhà nước và tay chân của đảng là các đại gia thân tộc. Họ trở thành thiểu số tư bản đỏ, nhân danh xã hội chủ nghĩa mà xây dựng chế độ tư bản nhà nước trên đầu cả nước và cản trở mọi nỗ lực cải cách. Khi kinh tế phát đạt thì họ đánh bạc làm giàu trên thị trường cổ phiếu và địa ốc, khi kinh tế suy trầm thì họ tẩu tán tài sản và tư doanh theo nhau phá sản.

Vũ Hoàng: Như vậy thì ông cho rằng Việt Nam nên cải cách từ đâu?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ đến một quy luật chung là nhiều chế độ thành hình nhờ khẩu hiệu đấu tranh cho công bằng xã hội mà sau đó lại tạo ra bất công và làm kinh tế không phát triển được. Việt Nam cũng bị tệ nạn phổ biến này và còn gặp một tai họa khác là chế độ đã xưng danh là đấu tranh cho độc lập với xương máu của người dân mà đang mất độc lập với Trung Quốc.

Về chuyện trước mắt thì việc Quốc hội họp hành là "có còn hơn không", nhưng vấn đề rốt ráo không nằm ở đó, như người ta có thể thấy trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Vấn đề là hệ thống chính trị và vai trò của đảng độc quyền.

Thật ra, bên cạnh một Trung Quốc đang xoay trở để chuyển hướng mà vẫn cố bảo vệ chế độ toàn trị của đảng thì Việt Nam có cơ hội vượt thoát nếu dám cải cách mạnh dạn hơn và sớm sủa hơn. Cải cách từ hệ thống chính trị ở trên cho dân chủ hơn xuống chiến lược kinh tế ở dưới cho dân chúng được tự do hơn. Việc cải cách đó mới thực sự dẫn tới phát triển và đưa Việt Nam ra khỏi vòng ngoại thuộc.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.

 

 

Vụ án Xét lại, phần 2: Chống Đảng hay chống Tướng


Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-10-23

Email

Ý kiến của Bạn

Chia sẻ

In trang này


10232013-xetlaichongdang-ml.mp3 Phần âm thanhTải xuống âm thanh

033_RIA10-616247_5194-305.jpg

Từ trái sang: Thành viên của Bộ Chính trị Đảng Lao Động Việt Nam Lê Đức Thọ, phi hành gia Boris Yegorov, phi hành gia Vladimir Komarov, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng, và phi hành gia Konstantin Feokistov tại Nga ngày 01/1/1964

RIA Novosti photo

 

Trong thế giới Cộng sản những hình tượng như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Kim Nhật Thành, Fidel Castro…cùng nhiều lãnh tụ nữa được các nhà nước cộng sản tô lên những màu sắc huyền thoại nhằm tạo cho dân chúng niềm tin không có thật vào những thành quả mà những huyền thoại này sẽ dẫn dắt dân tộc của họ tiến vào thế giới đại đồng, nơi không còn người nghèo và mọi bất công sẽ biến mất.

Những hình tượng ấy đã bị Nikita Sergeyevich Khrushchyov, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô đạp đổ vào năm 1956 qua cụm từ “chống sùng bái cá nhân”. Cũng từ hành động có tính phản kháng cảnh tỉnh này đã dấy lên một phong trào được gọi là chủ nghĩa xét lại trong thế giới cộng sản. Tuy nhiên làn sóng xét lại này đã gây di hại không ít cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam qua vụ án xét lại chống đảng.

Kế hoạch gài bẫy


Năm 1967 đảng cộng sản Việt Nam đứng đầu là Lê Duẩn bắt đầu chiến dịch thanh trừng lớn nhất trong lịch sử đảng của nước này. Từ Bộ Ngoại giao cho tới Văn hóa, Quốc phòng hàng loạt cán bộ cao cấp bị bắt. Nguyên Ngoại trưởng Ung Văn Khiêm của Ngoại giao, Thứ trưởng Lê Liêm của Bộ Văn hóa. Cùng với Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Vịnh, Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng Đại tá Lê Minh Nghĩa, Cục trưởng Cục Tác chiến Đại tá Đỗ Đức Kiên, Cục trưởng Cục II Đại tá Lê Trọng Nghĩa, Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân Hoàng Thế Dũng, cùng với thiếu tướng Đặng Kim Giang lúc ấy đã sang làm thứ trưởng Bộ Nông trường.

Theo lời nhà văn Vũ Thư Hiên kể lại thì chính tướng Giang là người giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất tích cực trong chiến thắng Điện Biên Phủ, ông nói:

Thiếu tướng Đặng Kim Giang lúc đó là thứ trưởng Bộ Nông trường. Tướng Giang là người chủ chốt trong việc tổ chức hậu cần của mặt trận Điện Biên Phủ. Lúc bấy giờ Tổng cục trưởng của Cục hậu cần là Trần Văn Ninh nhưng Phó Tổng cục trưởng là Đặng Kim Giang, ông là người đứng ra tổ chức vận chuyển cho mặt trận Điện Biên Phủ. Bây giờ chúng ta ai cũng biết căn bản của chiến thắng là do hậu cần. Nếu tổ chức được hậu cần như thế thì mới tổ chức được trận đánh Điện Biên Phủ.


Năm 1962 tôi sang Liên Xô học ở trường đảng cao cấp của TW ĐCS Liên Xô. Tại đó do sự bất đồng về đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vì tôi cũng hay phát biểu phê phán này nọ nên bị lãnh đạo đảng truy bức.
- Ông Nguyễn Minh Cần

Nhà văn Vũ Thư Hiên cùng cha là ông Vũ Đình Huỳnh, nguyên bí thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng là nạn nhân của vụ án này. Kể lại việc cha mình hoạt động trước khi bị bắt vào ngày 18-10-1967, nhà văn Vũ Thư Hiên nói:

Ông cụ tôi lúc bấy giờ do việc khó chịu với chủ trương của đảng nên từ chỗ làm bí thư cho ông Hồ Chí Minh ông cụ tôi thôi không làm nữa và ông Nguyễn Lương Bằng mời ông cụ tôi về Ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Trong lúc làm cho Ban Kiểm tra Trung ương Đảng ông cụ tôi tìm ra các tội lỗi gì đó của một số nhân vật cấp cao nên nói với ông Nguyễn Lương Bằng. Tôi được nghe câu chuyện này do hai ông ngồi nói chuyện với nhau. Ông cụ tôi đưa ra ý kiến công khai là anh đã cầm danh thiếp của Đảng, giữ cái sự trong sáng của đảng thì anh phải làm. Thế nhưng ông Bằng vốn là người nhút nhát và núp sau ý thức tổ chức giống như những người nhút nhát khác vào lúc ấy cho nên không dám đưa ra. Ông cụ tôi bảo nếu chúng ta làm cái việc kiểm tra mà không làm xong thì tôi về hưu.

Những người cộng sản lưu vong


033_RIA11-849267_5170-250.jpg

Tổng thư ký ĐCS Việt Nam Lê Duẩn tại Đại hội lần 16 của Đảng Cộng sản Liên Xô tổ chức tại điện Kremlin hôm 23/2/1981. AFP photo

Phó bí thư thành ủy Hà Nội Trần Minh Việt, cùng với Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước Bùi Công Trừng cùng nằm trong danh sách thanh trừng này. Ông Nguyễn Minh Cần, lúc ấy đang học trường Đảng tại Liên Xô, cái nôi của Chủ nghĩa Xét lại đã quyết định ở lại cùng với hơn 40 người khác:

Năm 1962 tôi là Ủy viên Thường vụ Thành ủy Hà Nội và là Phó chủ tịch Ủy ban hành chính Hà nội, chủ nhiệm báo Thủ đô Hà nội. Năm 1962 tôi sang Liên Xô học ở trường đảng cao cấp của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Tại đó do sự bất đồng về đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vì tôi cũng hay phát biểu phê phán này nọ nên bị lãnh đạo đảng truy bức. Đến tháng 6 năm 1964 thì tôi thoát ly khỏi đảng cộng sản và xin cư trú chính trị ở Liên Xô.

Ông Nguyễn Minh Cần cho biết những người cùng ở lại như ông trong ấy có những cán bộ cao cấp trong quân đội:

Có đại tá Lê Minh Quân trước đây tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, thời kỳ đó anh ta ở sư đoàn 308. Đại tá Lê Minh Quân sau này là phó chính ủy rồi lên chính ủy của quân khu 3 tức là quân khu ở Bắc bộ. Và một người nữa là anh thượng tá Văn Doãn, là tổng biên tập báo Quân Đội Nhân Dân tức là một trong những tờ báo chủ chốt của miền Bắc Việt Nam hồi bấy giờ.


Tôi về nhà thì nghe nói là anh ấy bị bắt rồi. Tôi chỉ biết thế thôi còn quá trình anh ấy bị bắt thì tôi cũng không ngờ là đảng bắt vì tôi vẫn tin tưởng chỉ là phát biểu quan điểm thôi chứ có gì đâu mà bắt?
- Bà Lê Hồng Ngọc

Đại tá Bùi Tín lúc ấy còn làm việc cho báo Quân đội Nhân dân nhớ lại:

Tôi còn nhớ năm 56-57, tôi ở báo Quân đội Nhân dân, thỉnh thoảng lại thấy có ô tô đến và triệu tập rồi bắt đi. Đến tận năm 60-62 vẫn còn bắt bớ. Sau này như ông Hoàng Thế Dũng (Tổng biên tập) cho đến ông Văn Doãn (biên tập) của báo Quân đội cũng bị triệu tập lên,cũng bị bắt giữ. Ông Hoàng Minh Chính cũng bị bắt giữ. Bắt giữ này đều là do ban bảo vệ đảng và ban bảo vệ của quân đội. Trong quân đội có Cục bảo vệ chính trị thì chính Cục này đã triệu tập. Triệu tập rồi đem đi mất để mà lấy khẩu cung.

Dĩ nhiên người nổi tiếng nhất trong vụ án xét lại chống đảng là ông Hoàng Minh Chính là điểm nhắm trước tiên. Ngày 27-7-1967, Hoàng Minh Chính bị bắt. Bà Lê Hồng Ngọc, vợ ông kể lại:

Hồi đó tôi đang đi công tác ở tận Hưng Yên. Tôi về nhà thì nghe nói là anh ấy bị bắt rồi. Tôi chỉ biết thế thôi còn quá trình anh ấy bị bắt thì tôi cũng không ngờ là đảng bắt vì tôi vẫn tin tưởng chỉ là phát biểu quan điểm thôi chứ có gì đâu mà bắt? Trước đó tôi vẫn còn gặp ông Lê Đức Thọ mà. Đôi lần tôi cũng có nói với ông Thọ là những chuyện đó anh phải chia công tác cho anh Chính đi chứ để anh Chính như thế mãi là không được đâu. Ông Thọ còn hứa với tôi là "Được, tôi sẽ nghiên cứu. Cô cứ yên tâm đi”. Nói như thế hôm trước hôm sau bắt luôn.

Khủng bố trắng


Không khí chính trị Hà nội lúc ấy không khác gì lò thuốc súng, công an chìm trên mọi ngả đường và trong quân đội an ninh hoạt động cũng không khác mấy. Người ta tự dò xét xem có phải ai đó dính líu tới vụ án xét lại chống đảng hay không và liệu rồi đây có một vụ đảo chánh nào sẽ diễn ra ngay trong lòng thủ đô Hà Nội?

Không có một cuộc đảo chánh hay phản cách mạng nào nổ ra vì sự thật sau nhiều năm chứng minh rằng không ai trong những người bị bắt có âm mưu thay đổi thể chế chính trị mà chính họ là một thành viên trong đó. Những người bị bắt, bị kết tội theo sự tưởng tượng của Lê Đức Thọ là theo chủ nghĩa xét lại để chống đảng.

Theo nhà báo Huy Đức trong tác phẩm Bên thắng cuộc ghi lại thì ông Nguyễn Kiến Giang, giám đốc nhà xuất bản Sự Thật, bị bắt giam sáu năm và quản chế ba năm cho biết cho đến tận bây giờ ông cũng không biết là mình có tội gì. Ông than thở rằng người ta bảo ông phản động, tay sai nước ngoài nhưng trên thực tế ông bị giam ở xà lim mấy năm, thêm mấy năm quản chế, khoảng gần mười năm, cho đến khi trở về Hà nội với tư cách là một người công dân, ông cũng không biết là mình có tội gì!

Những người bị bắt hoàn toàn không chống đảng, họ chỉ chống lại ý tưởng chủ chiến của Mao Trạch Đông mà nhóm thân Tàu đang hết lòng cổ vũ. Những người bị kết án, bị bắt nằm trong kế hoạch của Lê Duẩn, Lê Đức Thọ và Nguyễn Chí Thanh và kế hoạch này đã mở đầu cho một cuộc chiến khác khiến 3 triệu người Việt Nam đã bỏ mình trong hai chục năm chiến tranh đẫm máu cho tới năm 1975 mới chấm dứt.

Quý vị vừa theo dõi phần thứ hai của Vụ án xét lại chống đảng, mới quý vị theo dõi tiếp phần ba có tựa “Đừng kêu oan cho người khác”sẽ phát vào chương trình kế tiếp.

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin Cuối Ngày 20/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link