Monday, September 26, 2016

Rừng, Cha và những Kháng Chiến Quân

Rừng, Cha và những Kháng Chiến Quân
Tú Anh
        Cùng tác giả:  Nhân chứng CCRĐ: Cụ Chu Đinh Hoan tại Nghệ An



Tôi ngắm từng bức ảnh xếp ngay ngắn trên tủ thờ. Những di ảnh mờ, khuôn mặt người quá cố như bị che bởi một lớp sương. Hình như chân dung của những người đã chết đều được lưu lại với hai màu đen trắng. Màu của sương mù và bóng tối, của tro và than. Họ đang ở đó, im buồn trong những khung kiếng. Đa số trạc tuổi tôi. Có người già hơn. Nhưng bây giờ trẻ và già không còn ranh giới nữa. Nhìn họ rất giống nhau, hệt những bức ảnh tôi nhìn thấy trong quá khứ. Những bức ảnh của người yêu, người anh, người bạn, người hàng xóm, người quen, cả người không quen, và rõ ràng nhất là chân dung của cha tôi. Cha tôi và họ, những người trong ảnh kia cũng trạc tuổi nhau. Tất nhiên, vì tôi mất cha từ những ngày thơ ấu. Tất cả đã ra đi bằng cách này, cách khác.

Đi trong chiến tranh, đi vào những cánh rừng.

Có một nỗi bùi ngùi lạ lùng chợt dấy lên. Mà không, đó một thứ cảm xúc rất cũ, một tình cảm quen thuộc nằm sâu trong tâm tưởng tôi. Một ám ảnh, một ngọn lửa hiu hắt, dai dẳng không gì có thể dập tắt và chỉ bùng lên với gió. Gió ở đâu, gió từ rừng. Những cánh rừng tôi đã đi qua nhiều lần, và sẽ còn nhiều lần khác trong quãng đời còn lại.

Phải, rừng trong tôi là một nỗi buồn. 
Tôi mường tượng ra nhiều hình ảnh khi ngang qua rừng.

Rừng Trung nguyên, giữa vùng trùng điệp xanh ngan ngát là một con đường độc đạo, chỉ dành cho những đoàn tàu hoả xuyên Việt. Mỗi ngày, khi những chuyến tàu đi ngang, đỗ vội, thì có một người đàn ông còn vội vàng hơn. Ông đã cố dấu dưới những hốc cây, những đám lá mục từng gói lương thực và thuốc men cho những người mà ông coi là anh em, trước khi tàu chuyển bánh.

 Tuổi già, mẹ tôi nhớ nhớ quên quên. Nhưng bà vẫn thường kể đi kể lại với con cháu rằng, cha tôi đã giúp đỡ họ như thế đó, nhưng cuối cùng ông lại bị sát hại vì những thứ chất nổ họ cài đặt trên tuyến đường, ngay trong toa tầu của ông. Chẳng riêng gì cha tôi, thời đó, cả hàng hàng lớp lớp thanh niên yêu nước bị lừa gạt và cho đến vài chục năm sau họ vẫn còn bị thù hằn, áp bức. 

Rừng Tây nguyên, nơi có người lính trẻ chết vội vàng. Những mảnh đạn B40 đục khoét từng vết sâu, lỗ chỗ trên thân thể anh vào một sáng mùa đông. Chiến trường, đêm ngày và những cuộc giao tranh khốc liệt. Khi mang được anh về đến thành phố thì thi hài anh đã bị xưng phồng, dị dạng, gần như thối rữa. Người thiếu nữ chỉ vừa mười bảy tuổi. Một tình yêu mới chớm đã tàn theo binh biến. Cho đến bây giờ, dù không biết để làm gì, chưa hẳn là một sự lãng mạn. Người thiếu nữ năm xưa vẫn mơ một lần được về thăm những cánh rừng cố hương. Với cô, Rừng là nghĩa trang, là mộ chí. Nơi hạnh phúc tuổi thơ và thanh xuân của cô bị tước đoạt bằng những tiếng nổ long trời. 

Bây giờ tôi đang ngồi đây, phòng ốc rộng rãi, thông thoáng. Và nỗi ám ảnh buồn rầu ấy đang quay lại tìm tôi. 

Người ta đang bắt đầu chiếu lại những đoạn phim tài liệu. Phim cũng chỉ hai màu : tro tàn và bóng tối. Tuy nhiên, trong cái lớp tro bụi chồng chất cả gần ba thập niên, tôi vẫn thấy những cặp mắt sáng như sao, nghe giọng nói mạnh mẽ kiên cường của người lãnh tụ.
- - -
Tôi lại đang tưởng tượng thêm một góc rừng khác. Rừng biên giới, buổi sáng và những vạt sương bay như lụa mỏng. Mặt trời tinh khôi đầu ngày toả ánh sáng xuyên qua những khóm cây, thả xuống những mái nhà thấp bé, hoang sơ như trong cổ tích. 

Các anh ngồi đó, những thanh niên đã có một đời sống đầy đủ văn minh tiện nghi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong cơn địa chấn tàn khốc của đất nước. Bao nhiêu người đã đánh đổi mọi thứ, chỉ mong được có một đời sống như anh. Vậy mà các anh đã từ bỏ tất cả để đến đây. Ngày qua ngày, sinh hoạt trong những túp lều, và những đồ đạc sơ sài làm bằng tre nứa tự thưở sơ khai. Kham khổ, thiếu thốn nhưng đầy ắp lòng tin. 

Những con mắt, con tim bão bùng chí lớn từng ngày ngóng về bên kia biên giới.

Sáng lên đồi nhìn mặt trời hồng
ngắm núi rừng
mà thẹn với non sông
suối xa vang vọng bài Đông Tiến
vạt nắng vương vương
lửa rực lòng [1]

Người phụ nữ đến từ phương xa. Chân dung đông phương bàng bạc trong đôi mắt đen, dài, mềm như liễu rũ. Cánh mũi thuôn thanh nhã. Tóc ngắn mùa thu của một câu thơ. Tôi ngờ ngợ như có gặp chị đâu đó. Mãi mới nghĩ ra. 

Tôi chỉ thấy chị một lần trong một video clip, thu hình một cuộc họp báo ở một thành phố miền bắc California. Cuộc họp bình luận về một phóng sự do một nhà báo Mỹ thực hiện đã đẩy cộng đồng người Việt hải ngoại vào một cơn lốc xoáy đầy nghi hoặc, hận thù. Không nhớ chị đã nói gì, nhưng âm hưởng giọng bắc Hà Nội xưa đậm đà không lệch đi một dấu hỏi hay dấu ngã. Giọng nói chắc nịch đầy thuyết phục, cũng như dáng đứng tự tin của chị trước ống kính và rất nhiều diễn giả, khán thính giả vây quanh. Chị đã chinh phục được tôi từ giây phút ấy, cho tới bây giờ. 

Tôi muốn dùng hai chữ « bây giờ », không có nghĩa là tôi đang bị thuyết phục bởi chủ đề mà chị giới thiệu ngày hôm nay. Đó là một cuốn sách, nói về tai hoạ đang bao trùm cả thế giới mà chị đã bỏ ra bao nhiêu công sức dịch thuật. 

Điều khiến tôi tâm đắc với người phụ nữ này là Lương Tâm. Cái tâm, tấm lòng của một con người đối với đất nước.

Chị nói, ngày xưa của chị là những ngày vô tư sống trong chiếc nôi ngọc ngà êm ấm được gọi là « hậu phương ». Và không hề có chút tư duy là vì sao, vì ai để có một hậu phương vững mạnh an lành như thế trong một đất nước chiến tranh, bom rơi đạn nổ từng ngày. Giờ nghĩ lại, chị cảm thấy hỗ thẹn và có tội với đất nước….

Đấy cũng là những điều mà tôi vẫn thường tự vấn lương tâm mình. Người phụ nữ này đang thú tội dùm tôi và tôi nghĩ không riêng tôi mà của rất nhiều người. Tiếc là không có thời gian để tôi đàm đạo cùng chị. Rằng, không hiểu từ tuổi nào chị đã dấn thân vào công cuộc đấu tranh? Sinh ra cùng một thế hệ với chị. 

Nhưng đứng trước người phụ nữ này, tôi thấy mình quá đỗi tầm thường, nếu không muốn lập lại hai chữ hỗ thẹn chị đã dùng.



No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-20/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link