Monday, September 26, 2016

FB Bùi Thanh Hiếu

Cha con FB Bùi Thanh Hiếu

Hơn 3 năm xa quê hương đến Châu Âu, tôi đã quên cái cảm giác mở cửa xe hơi bước vào gặp hơi nóng dội bật ra. Nhiệt độ Houston tháng 8 như mùa hè của Việt Nam.

Buổi tối hôm đó tôi gặp hai người phụ nữ, họ đều là gái Hà Nội gốc, cả hai đã đều lên chức bà từ lâu. Họ đều đến nước Mỹ vài năm trở lại đây, khi rời đất nước đi, họ đều là những doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực đầu tư bất động sản. Những cơn sốt bất động sản của những năm đầu và giữa thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 đã giúp họ tạo dựng được một tài sản kha khá.

 Đồng tiền kiếm được của họ không hề có bóng dáng của gian lận, tham nhũng…. đó là những đồng tiền kiếm được nhờ sự nhanh nhạy, quyết đoán, nhờ vận may và nhờ cả chính sách bong bóng của chính quyền Việt Nam.

Một người đến Mỹ ở dạng đầu tư, người kia thì lấy chồng quốc tịch Mỹ. Lý do họ ra đi thật đơn giản, nước Mỹ là nơi đáng sống. Một phần rất lớn số tiền họ kiếm được từ cuộc bong bóng bất động sản năm xưa ở Việt Nam dành cho chi phí đến Mỹ ở. Số tiền đó thật lớn, với số tiền đó họ có thể sống ung dung và nhàn nhã đến già ở quê hương mình. Thế nhưng họ chọn cách bỏ số tiền đó để mua tấm vé đến nơi khác tít bên kia bờ Thái Bình Dương để ở nốt phần đời còn lại của mình.

Môi trường, y tế , văn hoá, pháp luật. Đó là bốn nguyên nhân chính khiến những người lớn tuổi như họ phải rời khỏi quê hương mình.

– Ra đường bây giờ ô nhiễm không thở nổi, ăn cái gì cũng sợ, đụng đến vào viện hay dây cái gì với pháp luật là cũng sợ em à. Lúc nào cũng lo phấp phỏng, thôi ở đây làm qua loa cái gì sống qua ngày cho đỡ phải nghĩ nữa. Mình già rồi không còn sức mà đối phó với những việc như thế. 

Ở đây tạo dựng cái chỗ để con cháu mình nó cần còn sang được dễ. Cái đứa con nhà chị ý, vợ chồng nó còn thích sĩ diện nên chưa chịu sang. Ở nhà chúng nó đi BMW còn vênh mặt được, sang đây thì vênh với ai. Chúng nó ở lại vì sĩ diện thế thôi, mai kia mấy đứa cháu nó lớn đi học chắc cũng phải sang đây thôi.

Không phải ai rời xa quê hương cũng là mang ước mộng làm giàu, đổi đời. Nước Mỹ có những người Việt Nam đến để tìm sự bình yên, con số đó không phải là nhỏ trong những người Việt ra đi.

Đất nước không có chiến tranh, không có xung đột chính trị… người dân ra đi để tìm sự yên bình. Thật chớ trêu.

Ở Hung, một nước nhỏ ở Châu Âu mà nền kinh tế cũng thuộc loại nhỏ như vậy. Mức thu nhập của người Việt ở đây chỉ bằng già nửa thu nhập của người Việt tại Đức, bằng một nửa ở Na Uy, Đan Mạch. Tôi gặp cậu em đang tất bất mở thêm một gian hàng. Rất ngạc nhiên vì vợ chồng cậu đã có một gian hàng lớn nay lại mở thêm một gian hàng trong khu siêu thị lớn kinh doanh mặt hàng khác. Tôi hỏi mở làm gì, cái cũ làm không đủ sao.

Cậu em lắc đầu cười, cái cũ làm còn chưa hết việc. Em mở để làm giấy tờ đón vợ chồng thằng em sang, cả hai đứa con nó. Cho mấy đứa cháu được đi học ở đây, sống ở đây cho lành anh ạ.

Cậu em mở gian hàng như thế, mất tầm 6 tỷ tiền Việt Nam. Số tiền cậu bỏ ra làm gian hàng là số tiền sạch mà cậu chắt chiu kiếm được ở đất Hung. Chẳng phải tiền mờ ám từ trong nước đổ ra. Với 6 tỷ VNĐ ấy nếu cậu gửi về Việt Nam cho vợ chồng đứa em bay, kinh doanh gì đó đơn giản như xây nhà cho thuê thì một tháng cũng kiếm thêm khoản tiền rất ổn, bù đắp thêm cho cuộc sống gia đình em trai mình, mà không bị ảnh hưởng bấp bênh đến vốn liếng như mở gian hàng này.

Nhưng không, cậu không chọn cách gửi tiền về làm ăn trên quê hương. Cậu chọn cách đầu tư tại đây và đưa gia đình em trai mình sang. Dù như thế sẽ vất vả hơn. Nhưng như cậu nói, cái được lớn nhất là hai đứa con của em trai mình sẽ được học và ở đây, nước Hung này. Dù có nghèo hơn các nước khác trong Châu Âu, nhưng gấp chán vạn lần ở Việt Nam.

Ở Mỹ và Hung tôi gặp bố và mẹ những người bạn tôi, tôi không ngờ ở lứa tuổi quá 80 như họ chẳng thiếu thốn gì ở quê hương. Giờ cũng theo con cái sang Mỹ , Âu để ở nốt phần đời còn lại.

Tôi quay về Berlin, gặp bà chị gần nhà ở Hà Nội đang làm nghề cắt tóc, móng tay bên này. Bà chị đang quay cuồng tiền để mở thêm một cửa hàng ở khu trung tâm. Vẫn ngạc nhiên như chứng kiến cậu em bên Hung, tôi hỏi chị làm cửa hàng kia hết việc đâu, thiếu người làm sao còn mở thêm. Bà chị cười thầm thì, chị mở để đón vợ chồng đứa em sang làm, ở Việt Nam bây giờ chán lắm em ạ. Cho chúng nó sang đây ở cho lành.

Đi, ra đi, ra đi là tiếng gọi thôi thúc trong lòng bao nhiêu người Việt Nam. Đi khỏi đất nước mình.
Mùa hè năm 2014, Tí Hớn nghỉ hè sang thăm bố. Khi hai bố con tôi đang đi trên hè đường ở một con phố vắng. Tí Hớn hỏi.
– Bố có định ở đây không.?

Tôi không biết trả lời sao, tôi hỏi sao con hỏi vậy. Tí Hớn nói.
– Nếu bố ở đây, con cũng được ở đây, con sẽ có một cái xe đạp và đi ở phố này. Ở đây thanh bình, sáng ra chim hót, đi xe đạp ở đường phố này không sợ như ở Việt Nam.

Cuối năm đó Tí Hớn trở lại nước Đức, cậu sang ở với tôi theo diện ăn theo học bổng của bố. Tấm visa của tôi là điều khó hiểu ngay với cả những người ở sở ngoại kiều và cảnh sát Đức, hải quan Đức. Mỗi tấm visa ở đây đều có ký hiệu riêng để người kiểm tra biết được người đó ở nước Đức theo dạng gì. 

Ở sở ngoại kiều có nhiều bộ phận họ tiếp nhận hồ sơ gia hạn cho người ở Đức, 4 lần tôi gia hạn visa, lần nào cũng xảy ra cãi nhau giữa những người ở sở ngoại kiều với nhau, chỉ quanh mỗi việc ai là bộ phận chịu trách nhiệm cấp visa cho tôi. Bộ phận phụ trách sinh viên, di dân, việc làm….cứ đùn đẩy nhau nhưng rồi cũng có một bộ phận cấp với lời càu nhàu là lẽ ra ở chỗ kia chứ không phải họ làm việc này.

Đã sang năm thứ tư tôi ở nước Đức này, visa lại đến năm sau, tức năm 2017.
Tí Hớn nhanh chóng đã trở lại tốp đầu trong những học sinh giỏi, cậu sang đây học chậm một năm, chả biết một tẹo tiếng Đức nào. Giờ thì cậu liên tục được nhà trường khuyên phải lên lớp 6 học. Danh tiếng học giỏi của cậu không chỉ trong lớp, mà còn đến các lớp bên cạnh. Mặc dù cậu chỉ thấy cậu chơi là nhiều. Năm học vừa rồi tất cả các môn cậu đều được điểm xuất sắc, duy môn nhạc cậu được điểm 2 (điểm 1 ở Đức là cao nhất).

Thật oái ăm, ở Việt Nam, môn nhạc là môn cô giáo khen ngợi cậu là năng khiếu nhất và cậu đi học thêm về nhạc. 7 tuổi cậu có thể ngồi piano chơi những bản thông thường như Thư Gửi Elly, Jingle Bells…và trong lớp nhạc ở Việt Nam cậu học có một nửa chừng đã hiểu bài.

Sang đến đây cậu bị một vố nhớ đời, cái mà cậu tưởng giỏi nhất lại là cái khiến cậu đau nhất. Ở Việt Nam người ta dạy cho cậu nốt nhạc trong bài như kiểu thuộc lòng, thuộc phím đàn, và khi thuộc thì cậu cứ thế mà táng bàn phím thành bản nhạc và chỉ cần có trí nhớ là cậu thành giỏi giang. Còn ở đây bị cấm sờ vào đàn, học nhạc ở Đức là cậu tự cầm cốc, thìa hay cái thước kẻ gõ thành nhịp nào đó mà cậu thích, thành giai điệu, thành những âm thanh…. vì quá xa lạ với cách học này, cậu rất bực bội và chỉ được điểm 2. 

Nhưng cậu chống chế lẽ ra cậu được điểm 1, tại vì có những giai điệu phải ba bạn cùng nhau thực hiện, bạn J không chịu làm nên cả nhóm bị điểm chia ra như vậy. Thật phức tạp, ở Đức dạy nhạc đã khác rồi, lại còn bắt cả tốp làm chung và chịu trách nhiệm với nhau. Cậu và cậu bạn còn lại chỉ còn cách chơi thân với J hơn ngoài thời gian học, để có gắn kết với nhau. Có lẽ vì thế cậu được điểm cao trong cái môn đại loại như là có trách nhiệm với mọi người.

Hoá ra lằng nhằng cái này lại ra cái kia, bố cậu chỉ nghe một bác giải thích cái điểm cao môn trách nhiệm với mọi người, tinh thần trong cái chung là môn rất quan trọng ở Đức. Cũng chả biết môn đó là thế nào, ở Việt Nam bố cậu học chỉ có hạnh kiểm cá nhân tốt, khá, trung bình, kém… mà bố cậu thì chưa bao giờ được mức khá cả.

Ở Việt Nam bố mẹ cậu luôn phải ngóng tình hình ở trường, thái độ cô giáo, nhà trường có chính sách hoặc chủ trương gì. Thật mệt là ở Việt Nam giáo viên và nhà trường liên tục có thông báo đề nghị này nọ, nếu chậm trễ thực thi, đứa con của mình sẽ đi học về trong nước mắt vì bị giáo viên bêu ra giữa lớp do bố mẹ chưa đáp ứng thông báo này, thông báo kia của nhà trường.

Ở đây thì không, hầu như bố cậu chả biết cậu đến trường làm gì, học gì, nhà trường ra thông báo gì. Sáng cậu dậy tự lấy đồ ăn sáng, lấy đồ ăn trưa và rót nước cho vào cặp, đi đến chiều về. Không thấy thông báo nhà trường đóng tiền này, nộp tiền kia bao giờ cả.

Tí Hớn ở Việt Nam đi học, xếp hạng học giỏi thứ 6 hay thứ bảy trong lớp. Trước cậu là con của giáo viên lớp A, con của ban phụ huynh, con của cán bộ trên sở…. cậu xếp xa tít tắp như vậy. Nhưng lúc nhà trường cử đi học thi học sinh giỏi ở quận thì ở lớp mỗi mình cậu được đi. Lúc đó cậu về nhoẻn miệng cười rất ý nhị nói với bố.

– Buồn cười bố nhỉ, các bạn ở lớp xếp hạng giỏi hơn con, toàn được cô giáo khen, mà con lại được đi thi chứ không phải các bạn.

Ở Đức không có con ai sẽ được ưu tiên cả, chỉ có học sinh nào học giỏi và hoà đồng, thân ái và có trách nhiệm với các bạn khác là được quý mến và khen ngợi. Bạn nào học không giỏi, khó tính với bạn bè thì những bạn được khen kia phải chơi thân và động viên bạn mình học giỏi và quan tâm đến mọi người.
Tuần trước Tí Hớn đi học về, cậu cất cặp và nói rất khoát.

– Hôm nay con ra quán ăn với các bạn, các bạn chờ con ngoài quán rồi.
Sự quả quyết như việc nó phải thế của cậu khiến không ai dám hỏi. Cậu lấy tiền của cậu ra 10 euro và đi.
Đến tối cậu về, bố mới hỏi vì sao. Cậu kể.

– Hôm nay ở lớp con bầu cử cho trẻ em, thấy giáo giới thiệu các đảng ở Đức, lời hứa của mỗi đảng và mình thích đảng nào bầu đảng đó. Có một đảng họ bảo họ lấy thuế cao, nhưng tiền thì sẽ dành cho những người có thu nhập thấp hay thất nghiệp. Con bầu cho đảng đó. Sau bầu cử ở lớp thầy giáo nói các bạn nên gặp nhau và nói lý do vì sao mình bầu cho đảng nào, thuyết phục các bạn khác nghe theo. 

Nên chúng con ra quán ăn để bàn tiếp chuyện này.

Cậu ngừng lại một lát rồi hỏi.
– Ở Việt Nam mình có một đảng thôi bố nhỉ ? Một đảng thì bầu cái gì cơ chứ.
Bố hỏi.
– Con có muốn về Việt Nam không.?
Cậu lắc đầu dứt khoát.
– Không, bố về thì về, con ở đây học thích hơn.

Nếu Tí Hớn học ở đây đến hết trung học , tiếng Đức của cậu như người bản xứ đã đành, tiếng Anh của cậu cũng tốt gần như vậy. Nếu cậu duy trì mức học tập khá và giỏi không cần quá xuất sắc… thì kết thúc đại học cậu tự nộp hồ sơ xin việc dễ dàng ở công ty nào đó. Bố mẹ không phải lo lắng, không phải chạy chọt. Người Đức đang dạy cậu tự xử lý số phận của mình ngay từ bây giờ, lúc cậu còn đang học lớp 5.

Các bậc cha mẹ ở Việt Nam lo cho con mình học hàng ngày, lo cho con mình công việc đến tận lúc con trưởng thành. Thế nhưng một ngày nào đó con cái của mình sa ngã, cờ bạc nghiện ngập… họ ngậm ngùi than
– Xã hội làm nó thế.
Nhiều người lên án họ là đổ trách nhiệm cho xã hội, là do chính họ không dạy bảo được con.

Nghĩ cho cùng cũng oan cho họ, chả bố mẹ nào dạy con làm điều xấu cả. Nhưng đứa con của họ đâu phải chỉ đóng khung trong giáo dục của bố mẹ. Chúng còn tiếp thu ở nhà trường, bạn bè, xã hội nữa. Sức giáo dục của bố mẹ Việt Nam quá nhỏ bé và mong manh trước những cơn thác lũ đủ màu sắc lối sống của xã hội, cuộc đời , nhà trường, bạn bè… và cả văn hoá trên truyền thông nữa.

Hầu hết những thanh niên Đức khi học xong đều bươn chải đi tìm công việc cho mình, không nhờ cậy đến bố mẹ, đại đa số chúng có lối sống lành mạnh, tiết kiệm, không sĩ diện, thực tế và không ỷ lại người khác. Đó chẳng phải là bố mẹ dạy chúng, phần lớn là
– Xã hội làm nó thế.

Là một người bố, trên cương vị ấy tôi xin gửi lời khuyên đến các bậc bố mẹ khác. Nếu lo được cho mình rời khỏi Việt Nam hãy cố gắng lên làm. Hãy để cho chúng được sống và học một cuộc sống tốt đẹp. Sẽ có nhiều người bảo tôi tại sao không có ý xây dựng quê hương, không hướng con mình đến việc xây dựng quê hương, yêu đất nước, dân tộc được như mọi nơi trên thế giới .mà lại xúi bỏ đi như thế. Ai cũng nghĩ như thế thì ai là người xây dựng quê hương, đất nước, đấu tranh với những cái sai trái của xã hội.

A ha, câu hỏi rất đạo đức… thật là khó trả lời.
https://chantroimoimedia.com/2016/09/24/loi-nguoi-ra-di/

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link