LÂM ĐỒNG (NV) – Khi đến thành phố Bảo Lộc sau Tết Đinh Dậu, du khách sẽ được
nghe chính người địa phương bày tỏ sự ngạc nhiên rằng: “Mọi năm tết ở Bảo Lộc
vắng hoe mà năm nay nhờ có chùa Linh Quy – Pháp Ấn nên đông du khách đến không
ngờ.”
Ở một địa phương với hơn 90% là dân theo đạo Công Giáo, thì sự
kiện một cảnh chùa thu hút được du khách đến phần nào cũng là cơ hội tạo sinh
khí chung.
Chùa Linh Quy Pháp Ấn tọa lạc ở đồi 45 thôn 4, xã Lộc Thành, huyện
Bảo Lâm, Lâm Đồng, cách trung tâm thành phố Bảo Lộc 21 km về hướng Nam.
Trên đường
đến chùa sau cơn mưa đêm bất thường, những cơn mưa gây cho người nông dân địa
phương lo lắng sợ rụng bông cà phê, thất mùa. Nhưng có vẻ những nhóm thanh niên
chở nhau trên những chiếc xe gắn máy từ các đô thị chẳng quan tâm gì khác ngoài
chuyện thích thú với cảnh núi đồi mịt mù sương.
Thật không thể ngờ chùa Linh Quy Pháp Ấn lại có sức hấp dẫn giới
trẻ đến vậy. Quan sát từng nhóm trẻ du lịch phượt từ nhiều địa phương nhất là
từ Sài Gòn ùn ùn phóng xe hướng vào chùa như đi dự buổi diễn của một ngôi sao K
pop Hàn Quốc.
Sau khi đi qua thị trấn nhỏ Lộc Thành, một địa danh sau 1975, du khách
sẽ đi qua một đoạn đường quanh co ôm các chân đồi trà, cà phê xanh mướt. Đến
chân núi 45 thì cảnh mua bán, gởi xe, giành khách lại giống y hệt như các địa
điểm kinh doanh tâm linh khác.
Các nhóm đi “phượt” có hai cách lên chùa, một là tự mình phóng xe
máy lên bãi xe của nhà chùa ở lưng chừng núi, rồi leo khoảng vài trăm bậc thang
quanh co để đến chùa hoặc mướn xe ôm đèo cái vèo lên tận sân nhà chùa.
Trên các bậc thang trơn trợt đoạn bằng đá núi, đoạn mới tráng
xi-măng hướng lên khu chánh điện, các bạn trẻ sống ở đô thị vừa thở dốc vừa liên
tục sử dụng điện thoại smartphone chụp hình, phát trực tuyến để “cúng
Facebook”. Phong trào “cúng Facebook là phong trào hàng đầu trong đời sống tuổi
trẻ Việt Nam hôm nay. Họ “cúng phây” mọi thứ hình ảnh, mọi câu chuyện… và họ
coi đó là một thứ phương tiện và đức tin của một “tôn giáo” mới.
Hỏi một nhóm người trẻ. Họ cho biết từ Sài Gòn phóng xe suốt đêm
để đến chùa. Một cô gái tuổi học sinh phổ thông nói: “Đi vậy mà còn không kịp
chụp tấm hình đứng trong mây ở cổng trời để up, phí ghê luôn.” Khi được hỏi vì
sao nhóm đi chơi xuân lại chọn chùa Linh Quy – Pháp Ấn này. Một chàng trai,
nói. “Chú biết rồi mà còn hỏi, đừng nói chú không coi clip Sơn Tùng mà chịu mò
lên đây nghen.”
Thật ra trong clip ca nhạc có tựa Lạc Trôi của ca sĩ Sơn Tùng,
trong các hình ảnh cắt ghép được copy phim cổ trang của Hàn Quốc, Trung Quốc, người
ta thấp thoáng thấy một ít cảnh trí của chùa Linh Quy – Pháp Ấn. Chỉ chút xíu
liên quan vậy thôi mà fan trẻ của ca sĩ này có người nhanh miệng và không hề
ngượng, nói: “Đây là chùa ‘Sơn Tùng.’”
Toàn cảnh nơi chùa Linh Quy – Pháp Ấn tọa lạc tuy chưa phải là
danh thắng bậc nhất vùng Cao Nguyên nhưng đúng là có một không hai. Lúc đến đây,
một người bạn là nhiếp ảnh gia có tiếng ở Bảo Lộc đã nói: “Chỉ riêng các đồi
trà chập chùng và các gốc trà cổ thụ trên đường lên chùa cũng đủ làm nên cảnh
đẹp thanh khiết của chùa, nhưng tôi lo không lâu nữa nếu chùa biến thành một
địa điển kinh doanh du lịch tâm linh thì họ sẽ phá bỏ mở rộng chùa, mở đường.”
Phía trái, đường lên đền cổng trời là chánh điện tạm thời của nhà chùa.
Lúc chúng tôi đến đây dù trên đường đã đông chật người viếng chùa nhưng chánh
điện không hề có du khách hay Phật tử trẻ nào vào thắp hương, đảnh lễ. Những
điểm chính khác của nhà chùa nếu nơi nào không có cảnh đẹp thì đều may mắn
thoát khỏi chuyện ồn ào chụp ảnh, cúng phây.
Ở nơi cao nhất và thu hút nhiều khách đến chụp ảnh nhất là Cổng
Trời. Nơi đây được thiết kế copy theo lối kiến trúc một ngôi đền Nhật Bản, với
điểm nhấn chính là cái cổng trời, có hình dáng đúng kiểu cổng Torri của Nhật,
bên hông ngôi đền này là một vườn đá cũng đúng phong cách sân vườn Nhật.
Ở Việt Nam ngày nay, chuyện một ngôi chùa mới nào đó vừa được dựng
nơi danh lam thắng cảnh đã là chuyện bình thường, rất bình thường vì phong trào
cất chùa to chùa nhỏ nhằm sở hữu các thắng cảnh bậc nhất đã được dư luận ngầm
hiểu là một đặc quyền khai thác nhu cầu du lịch tâm linh. Thế nên việc biết
được thị hiếu của đám đông nhất là của người trẻ để hướng dẫn họ đến các giá
trị tinh thần thiêng liêng, cao thượng là một việc đáng kính trọng, nhưng không
ai dám chắc ở những danh thắng thiên nhiên tinh khiết và các giá trị bất biến
về đức tin không bị xuống cấp bởi thị hiếu và lợi nhuận, thứ mà dư luận ngày
nay được gọi tên là khinh doanh tâm linh.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment