Một thời bát
nháo (Kỳ 4)
Nguyễn Đình Cống
7- TÔI ĐÃ LÀM CHUYÊN GIA NHƯ THẾ NÀO
Để đi làm chuyên gia tại Châu Phi, dư luận cho rằng Angiêri là hay
nhất. Vì thế tôi đã mừng khi được phân đến đó, lại mừng hơn khi được phân về
trường INES de Chlep, nơi có các bạn như Vũ Như Cầu, Nguyễn Lê Ninh, Ngô Phú An
đã thành «ma cũ». Nhưng đến khi kết thúc, về nước, gặp các bạn đi Công gô,
Mađagasca, Ăng gô la mới biết mình đã bị thiệt thòi nhiều.
Lý do là ở Angiêri
không có chế độ trả tiền làm thêm ngoài định mức tiêu chuẩn. Họ chỉ trả lương
theo 3 cấp chức vụ. Các thầy cùng cấp, dù làm nhiều hay ít cũng hưởng lương như
nhau. Thế mà do hoàn cảnh éo le gây nên tôi phải đảm nhận một khối lượng giảng dạy
gấp từ 1,5 đến trên 2 lần so với các thầy khác. Làm việc như tôi, nếu ở các
nước khác thì kiếm được khá bộn tiền vì rằng tiền làm thêm không phải nộp cho
nhà nước (Ở Công gô, Mađagasca, mỗi giờ dạy thêm được trả 20 đô la).
Khi tôi đến INES de Chlep thì đã có 2 thầy người bản xứ dạy Kết
cấu bê tông, Touahri là giảng viên và Setti là trợ giảng . Touahri tốt nghiệp
Thạc sĩ ở Anh về, Setti là kỹ sư từ Pháp. Trường mới mở được 3 năm. Sinh viên
khóa 1 đang học năm thứ 3, năm trước đã học một kỳ Kết cấu bê tông do Touahri
dạy, tôi tiếp thu lớp đó để dạy tiếp và nhận thêm môn Vật liệu xây dựng của năm
thứ nhất. Buổi đầu tiên tôi dùng 1 tiết để kiểm tra trình độ Tôi ra câu hỏi
sau: Hãy trình bày một cách tóm tắt những kiến thức về Kết cấu bê tông đã học
được.
Chỉ có vài SV chép được một số khái niệm và công thức, còn đa số trả lời
là không hiểu gì hoặc chỉ hiểu lơ mơ và không nhớ gì cả. Nhiều SV xin tôi dạy
lại từ đầu. Tôi thấy yêu cầu đó là chính đáng nên chấp nhận và được cả lớp hoan
hô. Tôi dạy đến đâu SV phấn khởi đến đó vì tôi vừa dạy Kết cấu bê tông vừa dạy
lại những khái niệm cơ bản của môn Sức bền vật liệu. Tôi không dạy theo lối
thầy đọc trò chép mà theo cách gợi mở để sinh viên tự chiếm lĩnh kiến thức.
Tôi bắt đầu nổi tiếng là thầy dạy giỏi. Trường INES de Chlep đã có
thầy Nguyễn Lê Ninh nổi tiếng vì không những dạy hay mà còn hướng dẫn SV làm
nghiên cứu khoa học, được giải thưởng toàn quốc. Năm ngoái, trường mới mở được
2 năm mà SV làm NCKH được giải thì đáng tự hào lắm chứ. Năm nay Hiệu trưởng đề
nghị tôi hướng dẫn SV làm NCKH. Nhóm SV lại nhận được giải thưởng. Sự nổi tiếng
mang lại cho cá nhân tôi uy tín nhưng đồng thời cũng thêm vất vả. Học kỳ 2 có
thêm 2 lớp học Kết cấu bê tông.
Ban đầu cả 2 lớp được phân cho Touahri và
Setti, nhưng được 2 tuần thì SV một lớp bãi khóa đòi thay thầy giáo, họ yêu cầu
Hiệu trưởng để tôi dạy. Tôi không nỡ từ chối mặc dầu tôi đã dạy 2 lớp, đã đủ
khối lượng và biết rằng chẳng nhận được đồng nào do dạy thêm. Chưa hết, năm sau
tôi còn được yêu cầu dạy môn Kết cấu bê tông ứng lực trước cho lớp cao học và hướng
dẫn anh bạn Setti làm luận văn thạc sĩ, năm sau nữa, ngoài việc dạy 4 lớp còn
hướng dẫn 6 SV làm đồ án tốt nghiệp. Như trên tôi đã viết, nếu những việc làm
thêm ngoài định mức mà được trả công thì tôi kiếm thêm bộn tiền, có thể không
cần buôn lậu và làm cửu vạn.
Vào cuối năm 1988, một hôm một sinh viên hỏi tôi: Thưa thầy, các
bạn ở lớp khác nhờ em hỏi xem lớp ta có học về Quy tắc 3 chốt (Règle des trois
pivots) không ạ, nếu học thì học vào khi nào. Tôi trả lời là sẽ học vào buổi
tiếp theo. Buổi đó bỗng nhiên sinh viên ở đâu kéo đến khá đông. Hỏi ra thì sinh
viên ở lớp khác đến nghe tôi giảng quy tắc 3 chốt. Họ có quyền vào nghe mà
không cần xin phép hoặc thông báo trước.
Họ vừa học vấn đề đó tuần trước, do
thầy khác giảng, thầy giảng đi rồi giảng lại mất hơn 1 giờ mà cả lớp vẫn không
hiểu, họ muốn đến nghe xem tôi giảng như thế nào. Tôi trình bày chưa đến 15
phút mà họ hiểu và vận dụng được ngay. Giờ nghỉ, họ đến gặp, cám ơn tôi. Tôi
nói đây là vấn đề khó, nhờ việc họ đã được nghe giảng 1 lần trước rồi, nay nghe
lại thì hiểu được dễ dàng hơn. Họ cãi lại là sinh viên của lớp tôi chỉ mới nghe
lần đầu mà cũng hiểu được ngay.
Thành phố Chlep trước đó khoảng 6 năm bị một trận động đất lớn,
nhiều công trình bị sập đổ, nhiều khu nhà mới xây dựng chưa có người ở, phải
gia cố để chịu được động đất. Năm 1987 Ủy ban chống động đất Angiêri tổ chức
Hội thảo toàn quốc về xây dựng trong vùng động đất. Tất cả có 12 báo cáo thì
các chuyên gia giáo dục Việt Nam ở Chlep đóng góp 4, trong đó người tích cực
tham gia là Nguyễn Lê Ninh, ngoài ra có báo cáo của Ngô Phú An về dự báo động
đất, của Nguyễn Phúc Trí về sự hóa lỏng nền khi động đất và của tôi về biện
pháp ứng lực trước trong việc gia cố kết cấu.
Năm 1988, ngay sau trận đông đất mạnh ở phía Nam Liên Xô (thành
phố Lênin Acan) một nhóm các nhà khoa học Mỹ đã lập tức đến tận nơi khảo sát
(Khi họ khảo sát xong, ra về thì các nhà khoa học của Liên Xô mới đến ).
Biết
việc này Chính phủ Angiêri mời các nhà khoa học Mỹ, trên đường về nước, ghé qua
thủ đô Angiê trình bày kết quả nghiên cứu. Trường Đại học INES de Chlep nhận
được 2 giấy mời. Hiệu trưởng đã cử người thứ nhất là Chủ nhiệm khoa Xây dựng
Ezian, người thứ 2 , đáng ra là anh Ninh, nhưng không rõ vì bận việc gì không
đi được nên tôi được thay vào. Trong buổi hôm đó tôi hiểu biết được nhiều điều
lý thú và tôi nêu một câu hỏi cũng được các nhà khoa học và cử tọa quan tâm
(một trong 3 câu hỏi hôm đó, tôi hỏi về sự hư hỏng công trình do dao động đứng).
Một hôm tôi lên Sứ quán trở về bằng tàu hỏa, ngồi cùng với một
thanh niên bản xứ. Sau đây là câu chuyện giữa tôi và cậu ta (Cậu TN) mà tôi còn
nhớ được nội dung.
Cậu TN – Xin lỗi, ông có phải là người Việt Nam, ông đi về đâu?
Tôi – Vâng, tôi là người Việt Nam, tôi về thành phố Chlep, tôi
đang làm việc ở đó.
Cậu TN – Ở Chlep ông có biết thầy giáo người Việt Nam tên là
Nguyễn Đình Cống không?
Tôi – Tôi có biết ông ta vì là đồng hương. Thế anh là sinh viên ở
trường và biết ông ấy à.
Cậu TN – Tôi là sinh viên nhưng không ở trường Chlep, tôi không
biết ông ấy, chỉ là nghe bọn bạn bè là sinh viên ở Chlep kể nhiều chuyện về ông
ấy đến mức tôi nhớ tên ông ta.
Tôi – Thế à, chắc ông ta bị chê bai chứ gì. Tôi biết trình độ
tiếng Pháp của ông ấy cũng như của đa số chúng tôi không được lưu loát lắm, mà
tiếng Pháp không lưu loát thì khó mà dạy hay được.
Cậu TN – Không, không phải thế. Bọn bạn tôi khen ông ấy hết lời,
phong ông ta là thầy giáo số 1 của trường, một vài đứa còn nói rằng từ bé đến
giờ mới được học với một ông thầy dạy hay, dạy giỏi đến thế, mà lại rất tận
tâm, rất thương yêu và công bằng với sinh viên. Chúng nó làm tôi phải ghen tị
là chưa được học với những ông thầy như thế, dù là người Angiêri hay người nước
ngoài.
Tôi – Cám ơn anh bạn trẻ đã có nhận xét tốt về người bạn đồng
hương của tôi. Có dịp gặp tôi sẽ nói cho ông ấy biết đánh giá tốt của sinh
viên.
Nghe khen thế thật sướng lỗ tai. Đây là lần thứ hai tôi được nghe
sinh viên nói về mình mà họ không biết ai đang ngồi nghe. Lần trước, vào năm
1976, trên một chuyến tàu Hà Nội – Lao Cai (tôi chỉ đi đến ga Hương Canh), tôi
cùng đi với một nhóm sinh viên trường Đại học Kiến trúc, họ sẽ xuống ga Phúc
Yên để về Xuân Hòa. Họ kể chuyện cho nhau nghe và cười vui thích thú. Tôi hỏi:
Các cậu kể chuyện gì mà vui vẻ thế. Trả lời: kể chuyện vui về thầy giáo.
Tôi
khen: Quá hay, bọn bác, lớn tuổi rồi, mỗi lần bạn học gặp nhau, kể chuyện bạn
bè và thầy giáo cũ là rất thú vị. Các cậu có chuyện gì hay kể cho bác nghe với,
kể lại chuyện vừa rồi cũng được. Thế là các cậu kể cho tôi nghe ba chuyện về một
ông thầy, không nêu tên, chỉ khi thì gọi thầy ấy, khi gọi ông ấy. Nghe xong tôi
hưởng ứng bằng mấy lời khen hay, tôi hỏi: Thầy mà các cậu vừa kể của trường Đại
học Kiến trúc à.
Trả lời: Không, đó là thầy của trường Đại học Xây dựng, cháu
được bọn sinh viên Đại học Xây dựng kể cho nghe, thấy hay nên nhớ và kể tiếp
cho bạn bè. Tôi hỏi, thế có biết tên thật ông thầy đó là gì không. Trả lời,
hình như là ông Cống, đúng rồi, là Nguyễn Đình Cống. Tôi bảo, thế thì chuyện
các cậu kể là chuyện bịa. Nếu các cậu không bịa thì bọn sinh viên Xây dựng bịa
ra rồi kể cho các cậu nghe. Trả lời: Bọn sinh viên Xây dựng khẳng định là
chuyện thật trăm phần trăm. Mà làm sao bác lại cho là chuyện bịa. Tôi nói: Thì
bác đây chính là thầy giáo Cống trường ĐH XD chứ ai!
Trở lại với chuyện chuyên gia. Trong lớp cao học đầu tiên ở trường
INES de Chlep, đợt đầu chọn ra 2 học viên làm luận văn thạc sĩ để rút kinh
nghiệm. Đó là Ezian, trưởng khoa, do Nguyễn Lê Ninh hướng dẫn, đề tài về gia cố
kết cấu chịu động đất, và Setti, trợ giảng môn Kết cấu bê tông, do tôi hướng
dẫn, đề tài nghiên cứu tính toán cấu kiện bê tông cốt thép nén lệch tâm xiên.
Chính tại đây tôi đã vừa hướng dẫn, vừa tự mình làm những thí nghiệm đầu tiên
về cột bê tông cốt thép chịu nén lệch tâm xiên, khởi đầu cho các nghiên cứu sau
này.
Nhân chuyện được gọi là chuyên gia tôi kể thêm chuyện, sau khi về
hưu tôi được mời sang Lào dạy môn Kết cấu bê tông 2 lần cho các lớp được Pháp
tài trợ. Dạy các lớp này đã để lại cho tôi những kỷ niệm đẹp về sư phạm. Trước
khi dạy tôi xin trưởng khoa cho biết : (1) Những môn SV đã học và (2) Chương
trình, yêu cầu của môn học. Ngoài ra tôi muốn tìm hiểu thư viện của trường xem
các tài liệu có liên quan. Yêu cầu 1 được đáp ứng ngay, còn về yêu cầu 2 được
trả lời như sau: Ông là giáo sư, xin ông cứ dạy cho SV những điều mà ông thấy
cần thiết và có ích, chúng tôi không có yêu cầu gì thêm.
Lớp học chỉ có 18 SV, buổi đầu tiên tôi dẫn lớp đi xem các kết cấu
bê tông cốt thép có trong khuôn viên trường, đặt ra một số câu hỏi và gợi ý,
đưa tài liệu tham khảo để SV phô tô, giới thiệu các tài liệu có trong thư viện.
Nhiều buổi học sau không phải diễn ra theo kiểu thầy giảng trò ghi mà cùng nhau
thảo luận các vấn đề, các câu hỏi đã đặt ra và mới xuất hiện, trao đổi, giải
đáp các vấn đề trong tài liệu.
Cũng có kết hợp một số buổi dạy theo hình thức
thuyết giảng theo PP Socrate. Chính ở Lào tôi mới có dịp vận dụng phương pháp
dạy học hiện đại theo cách đặt và giải quyết vấn đề. Kết quả thành công tốt
đẹp, vượt ngoài dự kiến. Thế mà ở Việt Nam tôi đã vài lần thực hành và truyền
bá phương pháp nhưng chưa thành công.
8- NỖI BUỒN CỦA KẺ LÀM THUÊ
Trong bài 6 (Dạy và học ở Angiêri) tôi đã viết về thân phận làm
thuê và các coopérant Việt Nam có cuộc sống vật chất kham khổ nhất so với
coopérant các nước khác và thầy giáo người bản xứ. Sự kham khổ thể hiện rõ nhất
trong 2 việc: đi chợ mua thực phẩm và đi lại trong thành phố (đi từ nhà ở đến
trường và trở về). Đi chợ hoặc vào các cửa hàng mua thực phẩm, rau quả thì các
coopérant VN thường chọn mua những thứ rẻ tiền, ít có ai sờ đến những hàng chất
lượng cao. Tôi có anh bạn, ở nhà nghiện thuốc lá, mấy lần định bỏ nhưng không
thành công. Sang đến Angiêri vài tháng thấy anh ta bỏ được. Hỏi ra mới biết lý do
chỉ vì muốn tiết kiệm ngoại tệ.
Về đi lại. Coopérant các nước có quyền được mua ô tô với giá ưu
đãi, khá rẻ. Khi về nước không được mang theo, cũng không được bán lại cho
người bản xứ, chỉ được bán lại cho các coopérant khác. Phần lớn các thầy giáo
bản xứ cũng có ô tô riêng. Trong các coopérant người Việt (cho đến năm 1989)
chỉ có 1 người là Nguyễn Kim Luyện mua xe với giá quá hời, chưa đến 500 đô la,
nhưng hình như chỉ để tập lái, sau một thời gian bán lại cho người khác kiếm
chút lời. Trong tình hình như vậy, các thầy khác đi đến trường chủ yếu bằng ô
tô cá nhân, còn các coopérant VN chủ yếu đi xe Căng hải (cuốc bộ – xe Hai
cẳng).
Tại Chlep, chỗ chúng tôi ở cách trường trên 3 km. Thỉnh thoảng có thầy
đi nhờ được xe của Xixê (Người Bờ biển Ngà), của Setti hoặc Rưbai (Angiêri).
Nếu có giờ dạy đầu tiên có thể đi nhờ xe buýt của trường chở sinh viên đi học (xe
buýt của trường mỗi ngày chỉ chạy vài chuyến lúc đầu buổi sáng). Phần lớn các
thầy Việt Nam, trong phần lớn thời gian phải đi bộ. Các thầy được người địa
phương chỉ cho một con đường tắt, đi qua đồi trồng Ô liu, qua cánh đồng cam,
qua một con suối cạn (chỉ có nước khi mưa). Con đường đó, trước đây chỉ có bọn
chó hoang qua lại, nay được mòn thêm nhờ các coopérant VN.
Thành phố thủ đô Angiê xây dựng trên các quả đồi gần biển. Đường
phố thường uốn lượn, lên xuống theo chu vi đồi, ngoài ra có những đoạn đường đi
bộ lên xuống theo chiều dốc. Tại Thủ đô có vài trường ở trên mức khá cao. Các
thầy người Việt hàng ngày phải đi bộ, trèo dốc thở ra cả hơi tai. Trong một lần
vài thầy ngồi cùng nhau uống rượu trong đêm giao thừa, đã tức cảnh làm thơ (Tôi
được nghe GS Đoàn Định Kiến đọc, nay nhớ lại lỏm bỏm):
Thơ rằng: Ai đã đem ta đến chốn
này/ Còng lưng leo dốc ngược trời mây/ Tin nhà biền biệt bao ngày tháng/ Trừ
tịch cùng nhau chén vơi đầy.
Bài họa: Vì hám đô la đến chốn
này/ Sá gì đồi núi phủ đầy mây/ Phải kiếp làm thuê đành chịu cực/ Mong kiếm cho
con bát cơm đầy.
Một bài khác: Tạm
biệt con thơ với vợ hiền/ Sang Phi há chẳng phải là điên/ Nay mai sống sót may
về được/ Sờ túi xem ra đã có tiền.
Nhân câu «Nay mai sống sót…», xin kể về một số cái chết. Đầu tiên,
vào năm 1985, thầy S. (trường ĐH Tổng hợp), trong một buổi sớm, trời còn tối,
đi bộ băng qua đường tại thủ đô Angiê, bị ô tô tông chết. Đầu năm 1986, tại
thành phố Chlep, bác sĩ K. bị đột tử vì cảm. Đầu năm 1987 thầy P. ( trường ĐH
Bách khoa Hà Nội) chết ở thành phố Tiaret. Cuối năm 1987 thầy B. mất tích. Năm
1990, thầy N. bị bắn chết ở sân bay.
Việc thầy B. mất tích đã làm xôn xao dư luận. Tôi có quen biết anh
từ 1985, khi còn ở Hà Nội. Anh có biết một vài thủ thuật chữa bệnh bằng xoa
bóp, châm cứu. Nghe đâu đã chữa giúp một số các cô, các bà và bị các ông để ý.
Sự mất tích của thầy B. đã được Sứ quán báo cho chính quyền sở tại và nhờ tìm
kiếm, nhưng hơn 1 năm không tìm thấy dấu vết. Giữa năm 1989, một số thợ săn
phát hiện trong rừng sâu có một xác người đã khô, treo cổ trên cây. Đó là xác
thầy B. Tại sao có vụ treo cổ thì có một số giả thuyết nhưng tôi không biết
được kết luận của cơ quan chức năng.
Vụ thầy N. bị bắn ở sân bay là do hồi đó ở Angiêri có bạo loạn.
Quân nổi dậy chống chính phủ chiếm được sân bay, bắt một số hành khách làm con
tin và xử bắn một số, trong đó Việt Nam bị dính một người.
Từ năm 1988 chúng tôi đã rục rịch nghe về các phong trào phản đối.
Thỉnh thoảng ngồi bàn tán với nhau, nếu xảy ra bạo loạn thì tìm cách thoát như
thế nào khi không thể sử dụng máy bay. Một trong các khả năng là tìm cách thoát
bằng đường bộ sang các nước lân cận, rồi từ đó mới tìm cách bay sang Trung Đông
hoặc Châu Âu. Chúng tôi lo trước cảnh mà sau này những người Việt lao động tại
I Rắc, I Răng, Ly Bi, kể cả tại Angiêri phải chịu đựng.
Về sức khỏe, từ năm 1969, sau khi đến Liên Xô vài tháng, tôi bị
một triệu chứng, không có bệnh gì rõ ràng, nhưng cứ vài tháng lại bị một đợt
người bị mệt rã rời, trong khoảng trên dưới 1 tuần. Nhiều lúc không thuốc men,
không chữa gì cả cũng tự khỏi. Sau khi tốt nghiệp về nước triệu chứng đó vẫn
duy trì. Mặc dầu tôi đã được đi nghỉ dưỡng và nằm bệnh viện nhiều lần, kể cả ở
Liên Xô, trong nước và cả ở Pháp nhưng không chữa dứt điểm được. Năm 1984, biết
được Lương Y Nguyễn Than Tán chữa bệnh bằng Tác động cột sống, tôi đã vừa chữa,
vừa theo học phương pháp. Gần suốt năm 1985 và sang 1986 tôi không bị triệu
chứng mệt nữa, nghĩ rằng đã đủ sức khỏe nên mới đi sang Châu Phi.
Không ngờ chỉ
giữ được sức khỏe bình thường trong vòng trên 4 tháng, sau đó triệu chứng mệt
trở lại. Cái cảnh làm thuê ở xứ người, bạn bè tuy có nhưng mỗi người ở một
phòng riêng, ai cũng lo việc của mình, đến khi bị ốm đau, nằm một mình mới thấm
thía. Có lần, vào hôm chiều thứ Năm, trên đường từ trường đi bộ về tôi bị mệt
nặng. Về đến nhà, không kịp cởi dày và thay quần áo, cứ thế nằm vật ra giường.
Đến sáng thứ 7 , sau gần 2 ngày không thấy mặt, bạn bè mới phát hiện ra tôi vẫn
nằm liệt trên giường. Nguyễn Trọng Thao và Dương Học Hải vội tìm một người bạn
là nữ bác sĩ Nguyệt Hồ, chuyên gia y tế. Chị Nguyệt Hồ mang đến và truyền cho
một lọ đạm, tôi mới lấy lại được sức lực.
Tôi tức cảnh, lẫy Kiều mấy câu sau:
Cửa người đày đọa tấm thân/ Chỉ vì đồng bạc xanh xanh đó mà/ Dặm
nghìn nước thẳm non xa/ Biết đâu đến cảnh thân ta thế này/ Làm thuê thế yếu khó
xoay/ Nhỡ khi xảy việc ai hay sự tình/ Nổi chìm chiếc bách lênh đênh/ Ngẫm mình
mình lại thương mình xót xa/ Cũng liều cất bước cho qua/ Hết hợp đồng lại có ta
với mình.
GS Nguyễn Phúc Trí, không làm thơ, nhưng lại ngâm nga một bài bằng
tiếng Pháp: Partir c’ est mourir un peu. C’ est mourir en ce qu’ on aime… Tôi
tạm dịch như sau: Ra đi là chết một phần/ Chết trong những cảnh, những tình mến
yêu/ Hồn ta để lại ít nhiều/ Khắp nơi, khắp mọi sớm chiều lại qua/Như đùa, rồi
vẫn cứ đi/ Mãi cho đến lúc phân ly vĩnh hằng/ Đem gieo những mảnh linh hồn/Gieo
trên mỗi một bước đường gian truân/ Ra đi là chết một phần.
Chúng tôi, những người đã được Việt Nam phong Phó giáo sư, kể cả
một số Giáo sư, sang Angiêri chỉ được xếp vào hàng Giảng viên. Chỉ có anh
Nguyễn Phúc Trí được xếp là Giáo sư. Anh là người lớn tuổi nhất, ở VN lại nhiều
năm làm Giám đốc một Viện Tư vấn Thiết kế lớn, thế mà lâm vào cảnh đi làm thuê
chịu bao điều cay đắng. Anh đến Angiêri muộn hơn chúng tôi, cầm lệnh về Thành
phố Tizi Udu, nhưng cơ sở không nhận, trả lại. Phải đợi chờ, mãi mới được phân
về Chlep, loay hoay thế nào lại mất hộ chiếu, từ đó kéo theo nhiều rắc rối. Tôi
đã dựa vào bài Nhớ Rừng (của Thế Lữ), làm một bài về anh.
Thơ về GS Nguyễn Phúc Trí: Gặp phải cảnh bất bình nơi Sờ Lép (
Chlep)/ Ta trông chờ cho ngày tháng dần qua/ Giận bọn kia dám ngạo mạn ngẩn
ngơ/ Giương mắt bé diễu oai linh cao rộng/ Nay vì muốn đổi môi trường hoạt
động/
Đi Châu Phi một chuyến thử chơi/ Chịu ngang hàng cùng Ninh, Cống dở hơi/ Với mấy đứa Hải, Vinh vô tư lự/ Càng ngẫm nghĩ càng căm chúng nó/ Tizi Udu không nhận ta phải chạy vòng quanh/ Mất hộ chiếu càng bị chúng nó hành/ Đã chậm hợp đồng lại chậm luôn xê đắc (*)/Chỉ vì phải làm hồ sơ xin Các (**)/ Bị mấy anh cảnh sát khinh nhờn/ Lại chỉ vì lỡ bước chậm chân/ Phải nhận dạy môn Quy hoạch/ Rồi những chuyện giấy tờ Ký túc/ Nhầm linh tinh làm ta phải trầm ngâm/ Ôi cuộc đời sao lắm gian truân/ Nhỡ một chút sa chân vào thế yếu… [(*)Xê đắc- CEDAC- từ viết tắt, Phiếu chuyển đổi tiền của Ngân hàng ; (**)Các- Carte de séjour- Phiếu lưu trú].
Đi Châu Phi một chuyến thử chơi/ Chịu ngang hàng cùng Ninh, Cống dở hơi/ Với mấy đứa Hải, Vinh vô tư lự/ Càng ngẫm nghĩ càng căm chúng nó/ Tizi Udu không nhận ta phải chạy vòng quanh/ Mất hộ chiếu càng bị chúng nó hành/ Đã chậm hợp đồng lại chậm luôn xê đắc (*)/Chỉ vì phải làm hồ sơ xin Các (**)/ Bị mấy anh cảnh sát khinh nhờn/ Lại chỉ vì lỡ bước chậm chân/ Phải nhận dạy môn Quy hoạch/ Rồi những chuyện giấy tờ Ký túc/ Nhầm linh tinh làm ta phải trầm ngâm/ Ôi cuộc đời sao lắm gian truân/ Nhỡ một chút sa chân vào thế yếu… [(*)Xê đắc- CEDAC- từ viết tắt, Phiếu chuyển đổi tiền của Ngân hàng ; (**)Các- Carte de séjour- Phiếu lưu trú].
Số coopérant đến Chlep năm 1986 còn gặp một tai họa là đã làm việc 9 tháng nhưng chưa nhận được một đồng lương nào. Hàng tháng, để chi tiêu, phải mượn từ anh em cũ và của Sứ quán. Sắp đến đợt nghỉ hè về nước, thế mà chưa có lương để mua sắm thì xoay xở làm sao. Tiền đi mượn chỉ vừa đủ ăn hàng ngày. Xin tạm ứng cuả Sứ quán một số tiền đô la cho anh em trong đơn vị chuẩn bị nghỉ hè là một việc khó. Anh em họp lại, cử người thay mặt đi mượn.
Tôi được tín nhiệm giao việc đó. Trên 50 tuổi tôi đã rút ra các kế sách để dùng trong những trường hợp cần đề đạt ý kiến với những người có quyền lực để làm một việc nào đó. Bước thứ nhất là dùng tình cảm. Bước thứ 2 là dùng lý lẽ. Nếu qua 2 bước này mà chưa đạt thì dùng bước 3 là dọa dẫm.
Tôi đã có một số lần đạt thắng lợi ở bước này. Tuy vậy dọa trẻ con thì dễ, còn dọa người có chức quyền thì quá khó, phải biết được chỗ yếu của người ta, biết được họ đang sợ điều gì mà dọa đúng vào đó mới được. Lần này tôi đã nhờ kết hợp với anh Nguyễn Xuân Đặng (CB phụ trách chuyên gia của Sứ quán) mới dùng được mẹo dọa gián tiếp vị cán bộ phụ trách tài chính để mượn được cho mỗi người 200 đô la. Tôi mang về đưa cho anh em, nhưng sau đó ít lâu phải thu hồi trả lại cho Sứ quán vì đã nhận được lương.
Việc các coopérant VN có cuộc sống vật chất kham khổ có làm cho
một số sinh viên, đồng nghiệp, người dân thông cảm, quý trọng, nhưng cũng có
một số người, kể cả đồng nghiệp trong trường coi thường và tỏ ra khinh bỉ.
Trong một lần họp các thầy giáo toàn khoa, một thầy giáo người Angiêri nêu một
vài nhận xét về Cooperant VN có ý xúc phạm. Tôi và Nguyễn Lê Ninh hơi bị nóng
mặt, nhưng chưa trả lời, còn chờ các anh lớn tuổi hơn, tiếng Pháp giỏi hơn lên
tiếng (có 2 anh như vậy). Thế nhưng các anh ngồi yên.
Tôi buộc phải lên tiếng bảo vệ lẽ phải. Nguyễn Lê Ninh đã tiếp lời tôi.
Chúng tôi chỉ ra rằng, nhận xét về các coopérant thì quan trọng nhất là đánh giá công việc giảng dạy của họ, những đóng góp của họ vào thành tích và sự phát triển của khoa, của trường, tác dụng của họ trong việc giáo dục sinh viên. Xét về những việc đó thì chúng tôi xứng đáng được tự hào. Còn về sinh hoạt, chúng tôi có những khó khăn, ai biết đến chúng tôi cám ơn, ai không biết chúng tôi không trách.
Tôi buộc phải lên tiếng bảo vệ lẽ phải. Nguyễn Lê Ninh đã tiếp lời tôi.
Chúng tôi chỉ ra rằng, nhận xét về các coopérant thì quan trọng nhất là đánh giá công việc giảng dạy của họ, những đóng góp của họ vào thành tích và sự phát triển của khoa, của trường, tác dụng của họ trong việc giáo dục sinh viên. Xét về những việc đó thì chúng tôi xứng đáng được tự hào. Còn về sinh hoạt, chúng tôi có những khó khăn, ai biết đến chúng tôi cám ơn, ai không biết chúng tôi không trách.
(Còn tiếp)
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment