Saturday, February 25, 2017

Một thời bát nháo (Kỳ cuối)


Một thời bát nháo (Kỳ 4)

https://vulep.blogspot.com.au/2017/02/mot-thoi-bat-nhao-ky-4.html


Một thời bát nháo (Kỳ cuối)

Nguyễn Đình Cống
9- CHUYỆN BỊ THU VÀ ĐI NHẬN LẠI HỘ CHIẾU
Cuối năm 1987, không biết từ đâu tung ra tin, những coopérant ký hợp đồng từ 1987 trở về sau không được cấp vé máy bay về nước sau năm đầu tiên. Điều này làm các bạn vừa sang hoang mang, lo lắng. Không biết ai đã nghĩ ra mẹo sang Ba Lan mua vé máy bay để về nước nghỉ hè. Chẳng là thời gian này Hàng không Ba Lan được Liên Xô bao cấp. Ba Lan bán vé thu đô la còn máy bay Liên Xô chuyên chở khách. Vé mỗi chuyến Ba Lan Hà Nội chỉ hơn 100 đô la, mua vé chỉ cần trình hộ chiếu và vé có giá trị trong 12 tháng.
Đầu năm 1988 Nguyễn Lê Ninh đi nghỉ đông ở Ba Lan, mang theo hộ chiếu của Dương Học Hải, Đào Hữu Vinh và Lê Đức Thắng để mua hộ vé. Từ Angiê đi máy bay sang Tiệp khắc rồi đi tàu hỏa tiếp đến Ba Lan. Do sơ suất nhỏ mà trên tàu hỏa Lê Ninh bị Công an Tiệp phát hiện và tịch thu 3 hộ chiếu, bị giữ để điều tra, bị báo về cho sứ quán của ta ở Praha. Sứ quán Praha thông báo cho sứ quán Angiê, lúc này do ông Vũ Toàn làm Đại sứ. Ông Toàn, thông qua Nguyễn Xuân Đặng, chỉ thị cho đơn vị chuyên gia ở Chlep họp kiểm điểm.
Nhận được chỉ thị, đơn vị có 2 luồng ý kiến. Một số cho rằng phải họp để kiểm điểm, nhưng nên làm chiếu lệ, loa qua, chỉ cần lập biên bản báo cáo cho Sứ quán. Đó là cách làm để đối phó. Một số khác cho rằng không việc gì phải họp, không kiểm điểm ai cả, việc xảy ra chỉ là rủi ro nhỏ. Cuối cùng chẳng họp, chẳng kiểm điểm mà chỉ có những lời đàm tiếu vui vẻ. Nhưng phải làm sao để lấy lại hoặc xin cấp lại các hộ chiếu. Sau một thời gian các hộ chiếu được công an Tiệp trả cho Sứ quán ở Praha vì vậy Sứ quán ở Angiê không cấp hộ chiếu mới mà phải tìm cách lấy hộ chiếu cũ về.
Có 3 phương án được đặt ra:
1- Thượng sách: Sứ quán ta ở Angiê kết hợp cử cán bộ ngoại giao sang Tiệp công tác rồi cầm hộ chiếu về. Nếu không thể kết hợp công tác để có công tác phí của nhà nước thì các đương sự góp tiền để cho cán bộ ngoại giao đi về.
2- Trung sách: Nếu có một vài chuyên gia y tế đi nghỉ, sang Tiệp chơi thì Sứ quán Angiê làm công văn, đề nghị Sứ quán Praha bỏ các hộ chiếu vào phong bì, niêm phong như hồ sơ ngoại giao, nhờ chuyên gia mang về.
3- Hạ sách: Đơn vị phải cử người sang Tiệp, nhận mang về.
Cả hai phương án đầu không được chấp nhận, phải dùng PA 3. Đơn vị họp và nhất trí cử tôi đi. Tôi vui vẻ nhận lời, bàn giao công việc nhờ anh Ninh dạy thay trong 1 tuần. Vấn đề còn lại là phải hoàn thiện thủ tục (mua vé máy bay, xin visa xuất cảnh) và xin phép Hiệu trưởng. Rồi phải nghĩ ra được lý do để nói dối khi xin phép (vì mọi người thống nhất là không nói thật chuyện bị tịch thu hộ chiếu). Đã có cuộc hội ý kéo dài nhiều giờ của một nhóm 5 người gồm Lê Văn Thưởng, Nguyễn Phúc Trí, Nguyễn Lê Ninh, Ngô Phú An, Nguyễn Đình Cống để nghĩ ra lý do trình bày. Bàn luận mãi rồi cũng tìm được điều nói dối và phổ biến cho toàn đơn vị để ai có hỏi thì trả lời thống nhất
Khi tôi đến gặp Hiệu trưởng Boukais có anh Ninh đi cùng. Chúng tôi là hai thầy giáo được Hiệu trưởng quý trọng, tin cậy. Sau khi chào nhau, Boukais hỏi: Hai ông đến gặp tôi chắc có chuyện gì quan trọng cần chỉ bảo hoặc góp ý. Tôi nói: Không có chuyện gì, chỉ là tôi muốn xin ông tạm nghỉ vài ngày để sang Tiệp Khắc có việc. Boukais hỏi: việc cá nhân hay của tập thể? Tôi nói là việc cá nhân và chuẩn bị trình bày lý do, nhưng chưa kịp nói thì Boukais đã tiếp: Ai chứ ông Cống cần nghỉ vì việc cá nhân thì xin cứ nghỉ, Boukais chỉ hỏi xem tôi nghỉ mấy ngày, có cần ông hỗ trợ gì không, và đã bố trí người dạy thay chưa. Tôi trả lời: Cám ơn ông, tôi chỉ cần ông biết và cho phép là đủ, tôi cần nghỉ tối thiểu là 3 ngày, tối đa là 1 tuần, còn việc dạy thay, mọi sự đã có ông Nguyễn Lê Ninh đảm nhận. Lúc này anh Ninh nói: Xin ông an tâm, tôi hứa làm tốt công việc của ông Cống trong thời gian ông ấy vắng mặt.
Boukais nói thêm: Tôi biết máy bay đi Tiệp mỗi tuần chỉ có một chuyến, vào thứ Năm, sáng đi, chiều về cùng trong 1 ngày, như vậy trong vòng 3 ngày thì ông đi về bằng cách nào. Thôi ông cứ nghỉ tối thiểu là 1 tuần cho rộng rãi, thứ Năm tuần này đi, thứ Năm tuần sau về. Ông còn chịu sự quản lý của Sứ quán. Vậy các ông còn phải xin phép Sứ quán và tôi muốn biết ông đã được Sứ quán cho phép. Tôi giải thích: Nếu ông thấy không tiện để tôi nghỉ dài ngày thì 3 ngày là đủ. Chỉ cần 1 ngày thứ Năm ở Tiệp là xong việc, thứ Sáu tôi sẽ từ Tiệp đi Rumani để thứ Bảy bay từ Ru về Angiê.
Qua việc Boukais không hỏi lý do làm tôi tỉnh ngộ ra một điều về sự tôn trọng chuyện riêng tư của con người. Nhờ việc tôn trọng này mà làm cho người ta bớt được sự dối trá. Nếu Boukais hỏi lý do thì tôi đã phạm tội nói dối mà ông ta cũng không biết được sự thật.
Việc đã quá gấp, trong hạn nửa tháng phải có hộ chiếu cho các bạn. Đơn vị đã cử người đi Sứ quán (cách 300 km) xin xác nhận cho phép tôi đi Tiệp. Anh Bằng đã nhận việc này, đi về trong 1 ngày. Để xin Visa được nhanh chóng cần nhờ người địa phương quen thân với công an dẫn đi, chỉ sau 1 buổi anh Ninh đã tìm được người như vậy và người bạn đó đã dẫn tôi đến công an, làm 1 nhoáng là xong (thông thường phải mất ít nhất 3 ngày).
Máy bay từ Thủ đô Angiê đi Tiệp mỗi tuần chỉ có 1 chuyến vào thứ Năm. Hôm ấy thứ Hai và không còn chỗ. Thấy tôi có vẻ quá thất vọng, người bán vé khuyên: Nếu ông không vội xin cứ đợi, may ra có người trả lại vé. Hoặc ông có số điện thoại thì để lại, khi có ai trả vé chúng tôi sẽ báo. Thôi thì đành đợi và cầu Trời khấn Phật phù hộ. Vừa đợi tôi vừa tìm phương án khác là đi máy bay sang một nước gần đó như Ba Lan, Đức hoặc Rumani (Đi đến mỗi nơi cũng chỉ có 1 chuyến mỗi tuần, vào các ngày khác nhau) rồi đi tàu hỏa sang Tiệp. Đi Liên Xô có nhiều chuyến bay hơn, nhưng từ Mạc Tư Khoa đến Praha khá xa. Đợi đến gần cuối buổi, nhận được lời thông báo: Vừa có người trả 1 vé, nhưng…, nhưng là vé loại 1, ông có đi không? Tôi đồng ý mua ngay, về nhà chuẩn bị để thứ Ba đi tàu lên Sứ quán lấy giấy giới thiệu đi nhận hộ chiếu, thứ Tư chuẩn bị vài thứ hàng mang sang Tiệp để nhờ gửi về nước và sáng thứ Năm lên máy bay. Nghĩ rằng đi vé hạng nhất, được mang theo 30 kg hành lý nên cố tranh thủ đi chọn mua các hộp sữa đầu xù còn thời hạn khá dài. Đến Tiệp tôi sẽ nhờ Lê Bá Huế (đang làm nghiên cứu sinh ở Praha) ghép các hộp sữa vào với thùng hàng của cậu ấy để gửi về nước cho vợ đi bán kiếm lãi.
Khi làm thủ tục lên máy bay tôi bị một phút suýt đứng tim. Người đi vé hạng nhất đi một đường riêng, ai cũng sang trọng, tay xách cái cặp nhẹ nhàng, chẳng ai có hành lý nặng nề như tôi. Giữa đám người ấy tôi tỏ ra lạc lõng. Khi hai thùng hàng nặng của tôi được băng chuyền đưa đi một đoạn thì bỗng nhiên có lệnh dừng lại. Tôi bàng hoàng nghĩ đến việc hàng bị giữ vì trong đó có quá nhiều sữa hộp, bị cấm xuất. Đang nghĩ cách khai báo thì được mời đến chỗ kiểm tra hộ chiếu. Họ bảo:  Ông chưa thể xuất cảnh sang Tiệp được. Câu nói như gáo nước lạnh dội vào đầu. Tôi cố bình tĩnh, hỏi tại sao. Họ bảo: hộ chiếu của ông chưa thấy có visa cho nhập cảnh của Tiệp. Tôi thở phào như trút được gánh nặng. Chẳng là từ trước đến nay chưa có một người Việt nào đi vé hạng nhất nên công an ở tuyến này không biết thủ tục. Tôi giải thích là tôi dùng hộ chiếu công vụ của Việt Nam và theo hiệp ước tương trợ Varsovi thì đi lại giữa các nước trong khối đó không cần visa. Họ bảo thế à và ra hiệu cho băng chuyền tiếp tục hoạt động.
Tôi định sau khi nhận hộ chiếu của các bạn sẽ nhờ Sứ quán bỏ vào phong bì, niêm phong, ngoài ghi là tài liệu ngoại giao gửi Sứ quán tại Angiê, để lỡ ra có bị khám xét thì không bị tich thu như anh Ninh đã bị. Thế mà không cách gì xin làm được việc ấy. Họ trả lời làm thế là không đúng quy trình ngoại giao. Tôi có mang về được thì mang, còn không thì cứ gửi lại để những ai có hộ chiếu đó đến nhận. Tôi hỏi, những người đó đang ở Angiêri, làm sao họ đến Tiệp được khi không có hộ chiếu? Họ giải thích: Sứ quán ở Angiêri phải cấp hộ chiếu tạm thời cho những người đó. Sau này tôi mới tỉnh ngộ ra là mình còn thiếu một cái phong bì kèm theo lời đề nghị. Thôi thì đành liều, cầu xin Trời Phật phù hộ cho qua khỏi. Tôi có gần 1 tuần đi chơi, thăm bạn bè người quen ở Tiệp và tranh thủ mua hàng mang về bán ở Angiêri.
Sau 1 tuần, tôi đút 3 hộ chiếu vào túi trong của áo vét và ra sân bay. Xuống máy bay khoảng 7 giờ chiều, tôi đi ngay tàu hỏa, gần 2 giờ sáng về đến Chlep. Quá khuya, không còn tắc xi. Những người cùng xuống ga đã được người nhà đem ô tô đến đón về hết. Tôi đang thẩn thờ thì có một thanh niên đến hỏi về đâu. Tôi nói là Coopérant, đang dạy học tại INES de Chlep, định về khu nhà khách của trường. Anh ta nói là đi đón người nhà nhưng không gặp, rất tiếc, anh ta đi theo hướng ngược lại, nếu đi cùng đường anh ta sẽ chở tôi về. Tôi tỏ lời cám ơn và tìm một chỗ ngồi trong phòng đợi nhà ga, chờ trời sáng. Được một chốc người thanh niên quay lại, mời tôi lên xe để đưa về. Anh ta nói, khi đã biết tôi là thầy giáo thì không thể để tôi ở lại một mình qua đêm trong phòng đợi tàu. Dù có phải đi ngược đường thì anh ta cũng phải chở tôi về mới an tâm. Tôi về đến nơi lúc hơn 2 giờ sáng. Đứng giữa sân, nhìn lên các phòng của các bạn, thấy đèn sáng, biết rằng nhiều bạn đang thức đợi tôi về. Đừng giữa sân tôi nói to «Về rồi». Mọi người mở cửa chạy xuống, vui như đón một chiến binh từ mặt trận.
Gần đây, sau khi thôi giữ chức Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng, trong một buổi có đông bạn bè, Nguyễn Lê Ninh đã vỗ vai tôi, giới thiệu với mọi người: «Đây là người hùng của các chuyên gia giáo dục ở Chlep, đã từ Châu Phi sang Châu Âu để nhận lại hộ chiếu cho các giáo sư Dương Học Hải, Lê Đức Thắng, Đào Hữu Vinh bị thu giữ ở Tiệp Khắc».
10- MUA XE HONDA BÃI RÁC
Vào những năm 1985-1990, một trong các món hàng các chuyên gia VN làm việc ở Châu phi mua bán kiếm lời là Xe Hon đa cũ nhập từ Nhật. Lịch sự gọi là xe mô tô second hand, thực tế là xe phế thải, được một số công ty cho thu nhặt từ bãi rác thải, đóng thùng công tai nơ gửi về Việt Nam. Có 2 con đường chính mua xe cũ. Thứ nhất là Công ty ngoại thương TOSERCO Hà Nội, trụ sở ở Giảng Võ, thu mua về bán lại bằng đôla (phải nạp trước đô la cho công ty), chuyên gia mua về để dùng hoặc bán lại lấy tiền Việt, hưởng một khoản lời. Thứ hai là các chuyên gia gửi tiền sang cho công ty Nhật (một số công ty tổ chức làm việc này, gửi quảng cáo tiếp thị đi các nơi) Mỗi đợt có một vài người đứng ra tổ chức Hội mua xe, một lúc vài công tai nơ. Một người đại diện, thu nhận đơn đặt hàng và tiền, gửi chuyển khoản và hợp đồng qua Nhật. Công ty nhật nhận được tiền sẽ thông báo Vận đơn. Người nhà các chuyên gia sẽ nhận xe ở Hải Phòng hoặc Hà Nội, chia nhau theo hồ sơ của vận đơn. Ban đầu các xe như vậy phải đóng thuế nhập cảng. Mỗi xe cũ bán ra thị trường được khoảng trên dưới một cây vàng.
Từ 1987 có sự thay đổi. Xe của các chuyên gia nghĩa vụ được miễn thuế. Nghe đâu kết quả đó là do một số thầy ở Đại học Bách khoa, bạn của cô Phan Lương Cầm đã vận động được ông Võ Văn Kiệt ra quyết định miễn thuế cho các chuyên gia Châu Phi. Từ đó việc nhập xe cũ trở nên sôi động, có người gửi mua một lúc trên 10 chiếc .
Đặt mua xe loại nào để bán được giá, việc đó phụ thuộc vào thị hiếu đường phố, do các cò mua bán xe máy chỉ đạo. Các chuyên gia ở Châu Phi nhận được lệnh của người nhà đặt loại xe màu ốc sên, kim vàng giọt lệ. Tra khảo hết các thông báo chào hàng, tra khắp tài liệu tham khảo mà không biết đó là loại xe của hãng nào, mang ký hiệu gì để ghi cho đúng.
Các Hợp đồng và tiền được liên tiếp chuyển sang Nhật và các công tai nơ xe cũ chuyển về Việt Nam. Câu chuyện các chuyên gia thường hỏi nhau là ở nhà đã báo nhận được xe chưa, bán được bao nhiêu. Thế rồi một sự cố không ngờ tới đã xẩy ra, làm cho các chuyên gia mất trắng hàng chục vạn đô la. Đó là vụ SAWASO nổi tiếng.
Công ty Sawaso xuất hiện chậm hơn, mới từ đầu năm 1988. Họ gửi thư chào hàng có rẻ hơn các công ty khác vài giá, thu hút được khá nhiều hợp đồng Khoảng đầu năm 1989 các công tai nơ của Sawaso gửi về đều đặn. Nhưng rồi từ cuối 1989 họ không gửi nữa. Trước khi về nước kết thúc 3 năm làm hợp đồng
(tháng 10 năm 1989) tôi dồn toàn bộ số lương của năm cuối cùng gồm 1200 đô gửi vào hội mua xe của Sawaso ở Chlep do GS. Lê Văn Thưởng và Đào Hữu Vinh làm hội trưởng, với hy vọng sau khi nhận được xe sẽ bán được từ 3 đến 4 cây vàng. Thời bây giờ (2017) thì số tiền 1200 đô la hoặc 3 cây vàng, tuy lớn nhưng nhiều người kiếm được. Vào năm 1989 đó là cả một gia tài đáng kể. Tuy vậy tôi chỉ mất vào loại trung bình, có một số người mất gấp đôi, gấp ba so với tôi, thuộc loại mất gần hết thu nhập. Những người chưa kịp gửi mua xe của Sawaso thở phào nhẹ nhõm, tránh được, vì không vội tham rẻ mà tránh được tổn thất. Cũng có một số người chủ trương kiếm được đồng đô la nào thì « giắt vào lưng quần» mang về, không làm kiểu «phóng cẩu nhi truy» (thả chó ra rồi đuổi theo để bắt lại). Đại diện cho nhóm này có lẽ là GS. Dương Học Hải. Anh Hải về nước trước tôi, nhờ tôi thanh toán. Dự kiến số tiền còn được nhận khoảng 400 đô la. Tôi hỏi anh có muốn đặt mua xe hon đa không, nếu thừa tiền thì không sao, nếu thiếu tôi sẽ cho mượn. Ban đầu anh đồng ý, nhưng giữa chừng gửi thư sang bảo được bao nhiêu cứ mang về, không gửi mua xe. Trong số các chyên gia đi Châu Phi tôi biết chắc anh không làm cửu vạn, còn có buôn lậu hay không thì cho đến bây giờ tôi không biết và không hỏi.
Chuyện Sawaso không gửi xe khi đã nhận nhiều tiền tôi chỉ được biết vào đầu năm 1990, sau khi đã về nước vài tháng. Chúng tôi, những nạn nhân đang ở Hà Nội, họp nhau vài lần bàn kế hoạch kiện cáo, nhờ các cán bộ ớ Sứ quán Nhật bản giúp đỡ để đòi lại tiền. Nghe đâu ông chủ Sawaso không phải cố tình lừa đảo, không cố tình gian lận mà vì gia đình bị tai nạn, ông ta bị phá sản nên không còn khả năng thực hiện hợp đồng, cũng không thể trả lại tiền. Thôi thì đành ngậm ngùi chịu mất trắng. Tổng kết lại trong suốt thời gian làm chuyên gia tôi bị mất chỗ này, chỗ kia, bị lừa bởi người này người nọ vào khoảng gần một nửa thu nhập (do được trả lương, do tiền công làm cửu vạn và tiền lãi do buôn lậu). Ôi, Sawaso, một công ty khắc tinh của các coopérant Việt Nam trong thời gian 1988- 1990.
Việc mua xe cũ hoặc các hàng khan hiếm khác thông qua công ty ngoại thương TOSERCO thì chắc chắn hơn nhưng lời lãi không được bao nhiêu. Điều quan trọng là phải mua bằng ngoại tệ. Mà ngoại tệ phải được chứng minh nguồn gốc. Chúng tôi, các chuyên gia, khi về nước có quyền mang theo vài ngàn đô la, nhưng lần về cuối cùng, có bao nhiều tôi đã gửi vào chỗ mua xe hết rồi, làm một chuyến cửu vạn được 200. Qua Mạc Tư Khoa tôi gặp người quen, mượn được 1000 đô, hẹn về Hà Nội trả bằng tiền Việt. Có tiền đô tôi lại gửi vào Toserco để mua xe bãi rác.
Một hôm, trên 40 người tập trung từ sớm ở Giảng Võ để nhận xe theo giấy hẹn. Thế nhưng đến khoảng 9 giờ vẫn không có ai tiếp. Mọi người nhốn nháo vì không có tổ chức, không ai bảo được ai. Trong tình hình đó tôi nghĩ thử tập hợp xem có được không. Tôi đứng ra nói to với mọi người: «Thưa bà con, tôi là một khách hàng như bà con, tôi là thầy giáo tại trường Đại học Xây dựng, tên là Nguyễn Đình Cống. Tôi thấy chúng ta nên tổ chức lại để làm việc với Toserco chứ không nên từng người nhốn nháo như thế này. Tôi đề nghị cử ra một ban đại diện gồm 3 người. Có ai trong bà con có quen biết với Toserco hoặc tự thấy có khả năng làm đại diện trong những việc như thế này xin hãy đứng ra tự nhận nhiệm vụ thay mặt tập thể. Hoặc giả bà con biết ai có thể đảm trách được thì giới thiệu. Riêng tôi, rất tiếc là tôi tự thấy chưa có đủ kinh nghiệm và kiến thức làm việc này». Nhiều ý kiến đề xuất: «Chúng tôi tán thành ý kiến cử đại diện. Thôi bác Cống nhận làm đi, chúng tôi tín nhiệm bác». Tôi nói: «Được bà con tín nhiệm thì tôi sẽ cố gắng, vậy xin hỏi có ai phản đối không». Không có phản đối. Tôi mời thêm một bà và một ông nữa, cùng tôi là 3 người. Tôi chỉ xem tướng mạo rồi chọn chứ cũng chưa biết tên và ở đâu. Cả hai người vui vẻ nhận lời cùng tôi làm đại diện. Tôi hỏi bà con có nhất trí không, mọi người vỗ tay.
Thì ra là hàng chưa về, họ còn chờ thỉnh thị cấp trên xem nên trả lời với khách hàng như thế nào. Tôi nói nên trả lời đúng sự thật, đừng nghĩ ra mưu mẹo dối trá. Họ viết một vài điều cam kết rồi cùng 3 người chúng tôi ra nói chuyện vói bà con trong không khí vui vẻ, thông cảm.
Hồi ấy mua được một xe mô tô nhặt từ bãi rác của Nhật mang về là một thắng lợi đối với nhiều người.
11- VÀI BA CHUYỆN VUI HOẶC NHÍ NHỐ
Chuyện 1 – Được xuất đầu lộ diện
Hiện nay việc đi ra nước ngoài tuy là bình thường, nhưng cũng có một ít éo le. Vài người bị lệnh truy nã vẫn ung dung đi trót lọt, trong lúc có một số chuẩn bị lên máy bay thì bị thu hộ chiếu, tạm mời về nhà nghỉ ngơi. Trước thời mở cửa, việc đi nước ngoài là một đặc quyền. Người nào không được ban phát đặc quyền ấy, muốn ra nước ngoài đành phải đi trốn, vượt biên. Đối với các «trí thức loại 3» việc được ra nước ngoài để học tập hoặc thi thố chỉ là mơ ước hão huyền. Ngay cả những trí thức loại 1 và 2, được đi học hoặc nghiên cứu ở nước ngoài thì chỉ cốt cho xong việc rồi về, không được phép có quan hệ cá nhân với bất kỳ bạn bè người nước ngoài nào cả.
Trong tình hình đó việc các trí thức loại 3 được Nhà nước cho phép đi làm chuyên gia, được chính thức ra nước ngoài, được xuất đầu lộ diện là một niềm vui lớn. Những người đó, về lý lịch hơi có vấn đề vì dính dáng đến thành phần xuất thân hoặc một ai đó, một việc gì đó bị nghi ngờ, còn năng lực chuyên môn của họ đều thuộc loại giỏi trở lên. Phần lớn họ đã tự học, tự nghiên cứu để bảo vệ luận án tiến sỹ, có các công trình nghiên cứu có giá trị. Trong số người quen của tôi có thể kể ra một số như Lều Thọ Trình, Lê Văn Mai, Vũ Công Ngữ, Lê Đức Thắng, Đoàn Như Kim, Đoàn Định Kiến, Hoàng Văn Quý. Các bạn ấy ra nước ngoài như chim sổ lồng và nhiều người đã nhờ đó mà đặt được các quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp quốc tế.
Chuyện 2 – Những người ăn theo
Tạm xem vợ hoặc chồng của các chuyên gia là người ăn theo. Trong số đó nhiều người rất muốn đi nước ngoài nhưng chưa có dịp. Từ hè năm 1987 một vài chuyên gia đã tìm được cách để đón người ăn theo sang Liên Xô và Đông Âu. Đến hè 1988, việc này đã trở nên tương đối phổ biến khi mà đất nước đã mở cửa một thời gian. Một số đã rất thích thú, hăng hái cho chuyến đi, đó là những người có tính cách hướng ngoại. Nhưng cũng có nhiều người không hề muốn đi, họ là loại người hướng nội, họ ngại đủ chuyện, từ việc không thạo ngoại ngữ, chưa quen đến chỗ lạ lùng đến việc phải xin giấy tờ, khai báo. Tôi đã gặp một số bà còn tham gia buôn lậu và làm cửu vạn quốc tế. Xin kể vài chuyện.
Sáng hôm đó tôi ra sân bay Mạc Tư Khoa đón vợ nhưng không đón được. Một bà người quen báo cho biết vợ tôi dự định đi cùng nhóm với bà, nhưng vì lý do nào đó mà phải chậm lại 2 ngày. Tôi định quay về thì có một người đến chào, hỏi tôi có phải là thầy Cống ở Đại học Xây dựng không, rồi tự giới thiệu: «Em tên H, vợ của anh Trần, bạn anh. Em xuống đây chỉ để đợi chuyển máy bay đi Ba Lan vào chiều hôm sau, anh Trần đang ở Ba Lan. Em có chút việc, nhờ anh giúp cho được thì quá tốt». Thì ra H mang sang một số hàng để giao cho người quen ở Sứ quán tại Mạc Tư Khoa nhờ bán. Thế nhưng hàng để trong va ly hành lý đã được cất giữ tạm trong kho của sân bay. H nhờ tôi giúp lấy ra số hàng ấy, sau đó dẫn đi gặp người quen để giao hàng.
Một công việc khá vất vả, tôi cũng đang rảnh nên hứa giúp đỡ. Phải nghĩ ra mẹo để vào được kho hành lý, thuyết phục người giữ kho tìm được va li và cho mở ra để lấy hàng (phải dở trò biếu xén). H đem theo cậu con trai khoảng 10 tuổi. Lấy được hàng, tôi dẫn hai mẹ con đến Sứ quán gặp người quen. Giao được hàng xong H quá mừng. Trời đã về chiều, tôi đưa mẹ con H về khách sạn sân bay, hẹn nếu hôm sau không có việc gì đột xuất tôi sẽ đến dẫn hai mẹ con đi xem một vài nơi trước khi lên máy bay đi tiếp đến Ba Lan.
Hôm sau tôi lại ra sân bay, lần này đón được vợ. Trên chuyến bay, vì lơ ngơ, không biết tiếng, khi máy bay dừng lại ở Ấn Độ bà nhà tôi đã làm máy bay cất cánh chậm mấy phút. Nguyên do là sau khi ngồi nghỉ một lúc ở phòng đợi, một cô người Việt rủ bà ấy vào phòng vệ sinh. Khi 2 người đi ra thì phòng đợi đã không còn ai, mọi người đã lên máy bay trở lại. Kiểm hành khách thấy còn thiếu 2 người, trong lúc 2 người này đang hoảng hồn, không biết đi theo đường nào, không biết hỏi ai. Tiếp viên hàng không tìm được 2 người trong phòng đợi, hai bên cùng nhau nói nhưng không ai hiểu ai. Bà nhà tôi cũng mang sang một số hàng, chủ yếu là rượu thuốc Sâm Quy Tinh. Bán được số hàng ấy, nhờ người mua hàng gồm tủ lạnh Xa Ra Tốp và xe máy Min Khơ ( Minscơ ), đóng chung thùng, gửi về nước.
Chuyện 3 – Làm xiếc ở sân bay Mạc Tư Khoa (MTK)
Nghỉ hè 1987 tôi mua vé máy bay qua MTK về Hà Nội. Ngày đi từ MTK chưa đăng ký trước, cứ tưởng rằng đơn giản. Định nghỉ lại chơi 5 ngày thăm bạn bè. Hôm sau đi đăng ký máy bay thì được báo đã hết chỗ trong vòng 10 ngày. Tôi hoảng quá, đi nhờ anh cháu, nó bảo: Cậu cứ yên chí, muốn đi ngày nào cứ bảo, để cháu lo, ngay ngày mai cũng được, máy bay ngày nào chẳng thừa chỗ. Tôi hỏi, thế nhưng nơi đăng ký người ta khẳng định đã hết chỗ trong 10 ngày. Nó bảo họ nói gì kệ họ.
Hôm sau tôi đến chơi với anh bạn Hoàng Như Tầng đang làm nghiên cứu sinh. Tầng nhờ tôi một việc, anh nói: «Anh Nguyễn N K đang ở Kiev có nhờ em tìm cách gửi về nhà ở Hà Nội một gói thuốc, nghe đâu gia đình đang rất cần. Em đã gửi nhờ 3 người mang về nhưng không qua được Hải quan, cả 3 lần đều bị trả lại, chẳng là Liên Xô cấm hành khách mang thuốc chữa bệnh ra nước ngoài. Lần này nhờ anh, may ra». Tôi nhận gói quà, và dặn Tầng, hôm tôi đi phải ra sân bay tiễn, để nếu lỡ bị trả lại thì cầm về.
Lúc bị khám xét hành lý ở sân bay tôi đã làm xiếc nên qua mắt được Hải quan, mang được thuốc về. Sau khi soi vali bằng máy họ bảo: «Hành lý của ông có chứa nhiều đồ cấm, không thể mang đi được». Tôi nói rõ ràng, chậm rãi bằng tiếng Nga: «Đúng, trong vali tôi có nhiều thứ đặc biệt nhưng không có một thứ nào là hàng của Liên Xô. Tôi làm chuyên gia tại Angiêri, chỉ quá cảnh qua MTK. Các ông xem hộ chiếu và vé máy bay thì rõ. Bây giờ tôi mở vali để các ông xem từng loại». Tôi mở vali, lần lượt cầm các thứ lên và xướng như người bán hàng rong:  «Đây là mấy hộp bút vẽ Rotring, của Tây Đức, đây là vải xoa của Pháp, mua về cho các bà phụ nữ may quần, đây là các hộp bút máy, hàng Trung quốc, đây là hộp quả Chà là, của vùng Bắc Phi, đây là mấy hộp sữa, sản phẩm Angiêri…». Tôi cứ từ từ, chậm rãi giới thiệu, họ vội giục: «Thôi được rồi, đóng lại, chuyển đi».
Khi tôi đi qua chỗ kiểm tra hộ chiếu, sau khi xem đi xét lại chẳng thấy gì, chiến sĩ cảnh sát hỏi: «Có còn đồng Rúp lẻ nào mang về không». Tôi hỏi lại: Hỏi để làm gì. Trả lời: Hỏi chỉ để xin, nếu ông có còn đồng rúp lẻ nào, mang về chẳng để làm gì, cho tôi xin (nói nhỏ chỉ vừa nghe). Tôi bảo: Thế thì được, và rút túi đưa cho những đồng rúp còn lại để nhận một lời cám ơn thầm thì.
Sau này được nghe anh Tầng kể lại sự hồi hộp theo dõi, khi tôi đặt va li lên băng chuyền anh mới thở phào, trở về. Khi về Hà Nội tự tôi mang quà đến nhà anh N K ở phố Nguyễn Thượng Hiền với hình dung gia đình sẽ rất mừng rỡ tiếp tôi. Thế nhưng tôi đã quá thất vọng vì sự thờ ơ, lạnh nhạt đến khó hiểu.
Chuyện 4 – Lạc đường
Trong những lần đi chơi ở Đông Âu tôi có 2 lần bị lạc, nhớ đời.
Lần 1 ở Ba Lan. Tôi ở với người quen trong ký túc xá, hàng ngày đi chơi các nơi, tối về ngủ. Đường đi, lên xe buýt số 38, tôi sẽ nhận ra bến cần xuống để đi bộ về. Hôm đó, Phạm Minh, một cậu bạn trẻ dẫn đi chơi đến khá khuya, định dẫn tôi về, tôi nói chỉ cần đưa đến xe 38 tôi sẽ tự về được. Ngay lúc đó cậu bạn nói: A xe 38 đây rồi, anh lên nhanh đi, chúc ngủ ngon. Tôi ngồi một lúc, ước tính xe đã đến gần nơi cần xuống, tôi bắt đầu quan sát bên ngoài để nhìn đường. Nhưng sao thế này, không nhận ra dấu hiệu đã biết nào cả. Xem lại thì không phải 38 mà là 33. Đã lên nhầm xe. Lúc này xe đã ra khỏi thành phố, đang chạy ở vùng ngoại ô. Tôi lập tức xuống xe để đi xe 33 ngược trở lại. Nhưng không còn chuyến nào nữa. Một mình giữa đồng không mông quạnh, lúc nửa đêm, không biết tiếng Ba Lan, mà có biết cũng không có ai mà hỏi. Đứng bên đường vẫy xe để đi nhờ vào thành phố. Mấy lần vẫy không được. khoảng nửa giờ, may có một tắc xi. Lên tắc xi, dùng tiếng Nga và Pháp, lái xe không hiểu, mà tiếng Anh thì tôi chủ yếu dùng để đọc sách chuyên môn, còn nói chưa thạo lắm. Thế mà cũng giải thích được cho lái xe chở vào thành phố, đi theo tuyến xe 38, tôi sẽ nhận ra chỗ cần xuống. Về đến chỗ ở đã hơn 2 giờ sáng. Mới hơn 5 giờ Minh đã đến gõ cửa, thấy tôi cậu ta mừng quá, nói rằng hôm qua, khi xe buýt vừa chạy cậu ta nhận ra đã nhầm, lúc đó vội tìm tắc xi để đuổi theo, nhưng tìm mãi một lúc không có, đành trông chờ vào sự giúp đỡ của Chúa và tài xoay xở của tôi. Suốt đêm cậu ta lo quá không ngủ được, chờ trời sáng là vội đến chỗ tôi.
Lần 2 ở Hung. Tôi đang ở Bungari, mua vé máy bay sang Hungari, đã đánh điện cho 2 bạn trẻ Nguyễn Văn Chu và Hoàng Quang, đang làm nghiên cứu sinh, ra sân bay đón. Thế nhưng vì có hiểu nhầm lúc dùng tiếng Pháp để giao dịch khi bán vé mà khi tôi đến sân bay thì chuyến bay đã cất cánh hơn 1 giờ trước. Đành phải ở lại, bay vào sáng hôm sau. Chẳng hiểu ngại hoặc gặp khó khăn gì mà tôi không gửi điện tín, báo lại chuyện đó cho Chu và Quang, tôi nghĩ rằng đã có địa chỉ thì có thể tìm được. Đến sân bay của Hung, nếu gọi tắc xi, đưa địa chỉ thì có thể được chở đến nơi. Nhưng có khả năng phải chi một khoản tiền lớn. Tôi nghĩ ra mẹo tiết kiệm bằng cách đi xe buýt vào trung tâm thành phố, sau đó đi tắc xi. Không biết tiếng Hung, nhưng rồi cũng hỏi được xe nào vào thành phố. Lên xe rồi nhưng cứ băn khoăn, lỡ ra xe chạy không đúng hướng yêu cầu thì sao, vì chạy đã khá lâu mà chưa thấy phố xá sầm uất. Khi tôi đi tắc xi tìm đến nhà Nguyễn Văn Chu, sau khi mừng rỡ gặp nhau thì bị trách quá chừng vì 2 bạn trẻ đã rất lo lắng, không phải vì mất 1 buổi đi đón hụt ở sân bay mà sợ tôi gặp trắc trở nào đó nguy hiểm.
Chuyện 5 – Đổi tiền
Tôi cùng Ngô Phú An đang ở Ba Lan. Cần đổi tiền. Các cửa hàng đổi 100 Đô la được 95 đến 96 ngàn Zlôti, trong lúc ngoài chợ hoặc dọc đường phố có thể đổi được 100 ngàn. Tôi rủ An ra chợ. Có người hỏi đổi tiền với giá 100 ngàn. Tôi đồng ý, rút ra tờ 100 Đô, đưa cho người ấy xem rồi lấy lại, đưa cho An cầm, dặn An chỉ giao Đô sau khi tôi nhận đủ tiền Zlôti đút vào túi. Người đó đưa tôi 1 xấp tiền, nói là đúng 100 tờ loại 1000. Tôi đếm, chỉ có 98 tờ. Người ấy nói xin lỗi, đã rút 2 tờ mà không nhớ, hắn lấy ra 2 tờ 1000 và xin tôi lại xấp tiền để bổ sung vào cho đủ số 100 tờ. Hắn cầm 2 tờ, ghép vào xấp tiền và đưa lại cho tôi. Tôi bảo là để đếm lại lần nữa cho chắc chắn và bắt đầu đếm. Thế là thằng cha ấy giật ngay xấp tiền trong tay tôi, nói công an đến kìa và lủi mất. Thực ra gói tiền mà hắn vừa đưa lại đã bị tráo, chỉ có vài tờ tiền ở bên ngoài, bên trong toàn là giấy. Lần này nhờ có hiểu biết mà tránh được vụ lừa đảo.
Chuỵện 6 – Mất chì còn chài
Trong mục về buôn lậu tôi đã kể chuyện bị tạm giữ một túi du lịch chứa đầy hàng tại Hải quan sân bay Angiê. Lần về nước cuối cùng vào tháng 11 năm 1989, chúng tôi có một số người cùng đi và có một bạn trẻ từ Sứ quán đi tiễn (Tôi tạm gọi anh bạn SQ, anh đi tiễn để nhân dịp gửi quà về gia đình). Tôi kể cho anh biết câu chuyện tôi bị giữ hàng và nhờ anh giúp. Anh nhận lời. Kế hoạch của tôi như sau: Tôi để sẵn một túi du lịch (túi A) giống với túi bị giữ (túi B) tại mép lối đi ra phòng đợi lên máy bay. Tôi đem giấy tạm giữ vào kho, nhận lại túi B. Trên quai túi đó có kẹp phiếu của HQ. Tôi xách túi B đi qua chỗ đã để túi A và đánh tráo, gỡ phiếu từ túi B, gắn vào túi A, để túi B lại và xách túi A, trong đó đã giấu một số thuốc, đi tiếp, qua cửa kiểm soát để vào phòng đợi. Tôi nhờ anh bạn SQ xách túi B về, xin biếu anh một phần năm số hàng còn trong đó, còn bao nhiêu anh tìm cách chuyển cho anh Đào Văn Thường đang ở Chlep, tôi sẽ nhờ anh ấy bán hộ. Kế hoạch được thực hiện trôi chảy, đúng theo dự kiến. Chỉ có chuyện là khi bị thu giữ là một túi du lịch căn phồng, khi nhận lại chỉ còn hơn một nửa. Thôi thì của đã đổ đi, hót lại được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Mất chì, còn giữ được một phần chài. Bạn Thường đã bán hàng và đem về cho tôi 140 đô la.
Chuyện 7 – Ra oai với cảnh sát
Sân bay MTK, một ngày tháng 11 năm 1989. Khi tôi và GS. Ngô Phú An đến thì thấy quang cảnh vô cùng nhốn nháo. Ở chỗ lối vào chung để đăng ký lên máy bay hàng trăm người Việt chen lấn, xô đẩy. Họ, một số là lao động về nước, số khác là người đi tiễn. Trong lúc đang loay hoay, tôi nhìn thấy có một lối đi khác, gần đó, gồm khoảng gần 20 thanh niên nam nữ người Việt, xếp hàng trật tự, do một người Nga lớn tuổi phụ trách. Tôi dặn bạn An cứ giữ chỗ ở lối vào chung để tôi sang bên đó xem sao. Đến nơi tôi gặp vị người Nga, nói rằng tôi là giáo sư, đi công tác ngang qua, xin ông đứng nhờ cùng đoàn để ra cửa. Ông ta nhìn tôi gườm gườm, không nói gì cả mà đi gặp cánh sát giữ trật tự (CS). Khi hai người, ông ta và một CS cao lớn trở lại, tôi đoán ông ta nhờ CS đến đuổi tôi đi chỗ khác. Tôi thấy anh CS bước đi hùng hổ hướng về phía tôi đứng. Khi anh ta còn cách khoảng 5 m tôi nói to bằng tiếng Nga, dùng câu mệnh lệnh: Đứng lại! Dừng ngay lại! Sau đó với một giọng từ tốn, chậm rãi tôi nói: «Chớ vội vàng kẻo Bộ Ngoại giao phải can thiệp. Trước khi hành động hãy nhìn xem cái gì đây. Trước hết là mái đầu tóc bạc, chứng tỏ tôi là một người lớn tuổi. Xin đừng đánh đồng tôi với các đồng bào tôi đang chen lấn, xô đẩy nhau ở hàng bên kia. Tôi là một giáo sư, nhân dịp đi công tác, tôi được mời ghé qua MTK thăm vài người bạn Nga, cũng là các giáo sư. Còn đây là Hộ chiếu công vụ, đây là vé máy bay, nhìn kỹ xem, vé này được mua ở Pháp, bằng tiền đô la chứ không phải mua ở MTK. Tôi chưa thấy chỗ vào riêng dành cho khách VIP nên đề nghị với ông này, mà tôi đoán là người có trách nhiệm, để tôi cùng đi với đoàn. Xin các ông đừng vội mà bị nhầm». Anh CS không nói gì, lặng lẽ bỏ đi. Ông người Nga cũng không nói gì. Trong lúc tôi nói chuyện và anh CS bỏ đi, các bạn người Việt theo dõi và tỏ ra thích thú với việc có người Việt Nam dám mắng CS Nga. Tôi vẫy gọi anh An sang cùng với tôi đi ở hàng ưu tiên.
Đó là chuyến đi cuối cùng kết thúc 3 năm làm chuyên gia giáo dục ở Châu Phi.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-25/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link