Một thời bát
nháo (Kỳ 3)
Nguyễn Đình Cống
5- CHUẨN BỊ ĐI LÀM CHUYÊN GIA
Vào thời kỳ 1980-85 việc xuất khẩu lao động mở ra hy vọng cho
nhiều người. Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (hồi đó Bộ Giáo dục và Bộ
Đại học & Trung học chuyên nghiệp còn tách riêng) cùng Bộ Y tế lo về việc
gửi chuyên gia sang Châu Phi, Bộ Lao động lo gửi công nhân sang Liên Xô và Đông
Âu. Việc gửi công nhân tương đối đơn giản vì chủ yếu tuyển thanh niên, dựa vào
lý lịch, tập trung huấn luyện một đợt ngắn. Tuyển chuyên gia phức tạp hơn vì
phải chọn người có trình độ cao đang làm việc trong các cơ quan nhà nước.
Có 3
tiêu chí được dựa vào: sức khỏe, ngoại ngữ và chuyên môn. Về sức khỏe, phải qua
được một hội đồng khám xét qua loa và tuổi chưa quá 60. Về chuyên môn, chủ yếu dựa
vào bằng cấp. Kiểm tra ngoại ngữ là chủ yếu. Đi các nước Angiêri, Công gô,
Mađagasca cần tiếng Pháp, đi Ănggôla cần tiếng Bồ Đào Nha. Với chuyên gia giáo
dục kiểm tra 3 vòng. Vòng 1 là kỳ thi các kỹ năng nghe, viết, chung cho mọi
người.
Qua vòng 1 thì được tham gia lớp học và thi vòng 2 về giảng bài theo
từng ngành chuyên môn. Sau đó được vào Sứ quán nước bạn để tùy viên văn hóa
phỏng vấn trực tiếp. Về hình thức, việc kiểm tra là nghiêm ngặt, nhưng thực tế
vẫn để lọt một số người không đạt yêu cầu, đến khi các vị ấy trực tiếp làm việc
với sinh viên và tập thể các thầy giáo mới bộc lộ sự yếu kém, thậm chí có một
vài người bị đuổi về nước chỉ sau vài tháng không thể dạy được.
Đối với số ít đã khá thành thạo ngoại ngữ, việc qua 3 cửa ải khá
dễ dàng, còn đối với số đông thì cũng khá vất vả, phải bỏ công sức và học phí
để theo các lớp .
Hồi ấy, đời sống quá khó khăn, nhiều gia đình trí thức lo ‘chạy ăn
từng bữa toát mồ hôi’, thì giờ đâu, công sức đâu mà học. Họ vui mừng khi kiếm
được miếng đất để trồng rau, nuôi được con gà con lợn. Câu chuyện quan trọng
của các bà vợ khi gặp nhau là trao đổi kinh nghiệm trong việc nuôi gà, nuôi
lợn. Khá nhiều thầy giáo, kể cả tiến sĩ, giáo sư, ngoài công việc qua quýt ở
lớp, ở trường thì lo băm rau, thái bèo, nấu cám. Tôi có gặp may là tiếng Pháp
tạm được, không phải đi học ở các lớp, nhưng vẫn phải tự học thêm. Tôi bị một
số người chê trách là chỉ lo công việc khoa học mà ít quan tâm đến việc giúp vợ
nuôi lợn.
Trong tình hình ấy tôi tâm sự với bạn bè, rằng nuôi gà, nuôi lợn
đều tốt nhưng sẽ tốt hơn là nuôi người, chỉ ngại là có người xứng đáng mà nuôi
hay không. Người xứng đáng là người có ý chí, có nghị lực, có trí tuệ. Trong
gia đình người đó có thể là chồng, là vợ hoặc con. Vợ tôi không bắt tôi băm bèo,
nấu cám vì bà ấy thấy nuôi cho tôi học hành tử tế để đi làm chuyên gia sẽ có
hiệu quả cao hơn.
Một số bà nói rằng họ thấy chồng có trí tuệ, rất muốn chồng
đi học bổ túc ngoại ngữ để dự thi làm chuyên gia, nhưng vì trong nhà không kiếm
đâu ra tiền đóng học phí. Tôi thấy trong nhà có giường và tủ bằng gỗ lát còn
rất mới. Hồi ấy trong nhà có 2 thứ đó là đáng tự hào. Tôi chỉ vào giường và tủ,
khen rằng đẹp, quý, đem bán đi có thể kiếm đủ tiền cho chồng đi học. Trước mặt
tôi bà vợ bạn chỉ ậm ừ, nhưng sau đó, khi kể chuyện với người khác bà ta lên án
tôi, đã xui dại. Vợ chồng bà ta mất bao nhiêu công sức nuôi gà nuôi lợn mới sắm
được cái giường, cái tủ gỗ lát, thế mà có người lại đề nghị đem bán đi, thế có
đểu không. Tiếc thay cho một trí tuệ bị cùn mòn đi do phải băm bèo, nấu cám
nuôi lợn theo sự chỉ đạo của người vợ có tầm nhìn hạn hẹp.
Có một số thầy giáo, khi biết có thể đi làm chuyên gia thì đã hết
sức chuẩn bị để đi cho bằng được. Họ chủ yếu không nhằm vào việc kiếm tiền mà
nhằm vào mục tiêu khác cao đẹp hơn. Về lý lịch, họ là những trí thức loại 3
theo sự sắp xếp bí mật của tổ chức, trước đây họ không được cho ra nước ngoài
để học tập hoặc nghiên cứu. Được tuyển đi làm chuyên gia là dịp tốt, dịp may
hiếm có để họ được ra nước ngoài.
Xin dừng lại một chút để viết về các loại trí thức.
Năm 1956 Nhà nước bắt đầu mở rộng việc đào tạo đại học, mở thêm 5
trường đại học mới trong lúc còn rất thiếu thầy giáo. Năm 1960-61 sinh viên
khóa 1 của các trường đại học ( 5 trường mới mở ) tốt nghiệp ra trường. Một ít
trong số họ được giữ lại làm cán bộ giảng dạy, bổ sung cho đội ngũ thầy giáo
còn thiếu. Những người chịu trách nhiệm chính trong việc này là các ông Tạ
Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Huyên.
Các ông đề ra tiêu chuẩn số 1 để
chọn thầy giáo là phải học giỏi. Hồi ấy số sinh viên học giỏi xuất thân từ
thành phần công nông rất ít, đa số có thành phần xuất thân là địa chủ, phú
nông, tư sản… Việc trong hàng ngũ trí thức ở các trường đại học có quá nhiều
người không xuất thân từ công nông đã bị Tuyên giáo đảng phát hiện và chấn
chỉnh. Trí thức được chia làm 4 loại. Loại 1 thuộc thành phần cơ bản, xuất thân
từ công nông, được ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng, được cho đi học thêm ở
nước ngoài. Loại 2, xuất thân không phải từ công nông nhưng có giác ngộ, được
cho đi học thêm có điều kiện.
Loại 3 được sử dụng nhưng không được cử đi học
thêm ở nước ngoài. Loại 4, có vấn đề về lý lịch, phải tìm cách loại bỏ. Số trí
thức loại 3 tương đối đông, nhiều người đã bằng cách tự học để vươn lên, nhưng
khả năng được ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh để bảo vệ học vị tiến sĩ hầu
như bị chặn đứng. Đa số họ đã tự nghiên cứu, làm luận án và bảo vệ học vị ở
trong nước (từ 1974 trở về sau). Bây giờ việc đi làm chuyên gia đã mở ra cho họ
con đường ra với thế giới.
Trở lại với việc học ngoại ngữ Những chuyên gia các đợt đầu tiên
(từ 1982 đến 1985) phần lớn giỏi ngoại ngữ. Ban đầu cứ tưởng rằng để dạy được
chuyên môn bằng Pháp ngữ thì thầy phải thật giỏi tiếng Pháp, thế nhưng không
hoàn toàn đúng như thế. Trừ một vài môn về khoa học xã hội, nhân văn cần phải
giỏi ngôn ngữ, còn các môn tự nhiên như toán, lý, hóa, các môn kỹ thuật như cơ
khí, điện, xây dựng, v.v. thì để lên lớp giảng bài chỉ cần một vốn ngôn ngữ vừa
phải. Để giảng các môn vừa nói chỉ cần nhớ kỹ vài chục câu mẫu, quan trọng là phải
nắm vững các thuật ngữ chuyên môn. Trình độ ngoại ngữ sẽ cần hơn khi phải làm việc
riêng với sinh viên, khi tham gia sinh hoạt tập thể. Nhận xét vừa rồi được các
chuyên gia lớp trước truyền cho lớp sau, làm cho một số người tưởng nhầm rằng
có thể đi làm chuyên gia khi chưa thành thạo ngoại ngữ, đến mức ngoài giờ giảng
bài họ không dám tiếp xúc với sinh viên và người nước ngoài, thậm chí bị lúng
túng khi gặp một số mẫu câu chưa được học thuộc. Vài người đã bị phát hiện quá
kém, bị cắt hợp đồng, cho về giữa chừng (đúng ra là bị đuổi việc). Đó là một
nỗi nhục của tập thể chuyên gia.
Làm sao qua 3 lần kiểm tra, về hình thức thì rất chặt chẽ mà để
lọt một số người chưa đủ tiêu chuẩn? Tôi hỏi chuyện một vài người có liên quan,
được biết nguyên nhân chủ yếu để lọt vào đội ngũ chuyên gia một số người trình
độ quá kém là sự thông cảm, nể nang khi xét tuyển. Người dự tuyển tự biết mình
còn kém nhưng cứ lo chạy chọt, xin xỏ, may ra được thông cảm. Hội đồng xét
duyệt biết rõ người dự tuyển quá kém, chưa đủ trình độ, nhưng thông cảm hoàn
cảnh khó khăn, chiếu cố cho đi để mong kiếm ít đô la cải thiện đời sống. Họ có
biết đâu chuyện: «Đem chuông đi đánh nước người. Đánh không thành tiếng hổ
ngươi xách về»?
Than ôi!
Một số hội đồng của VN quen thói ban ơn, lừa dối người
trong nước, tưởng rằng có thể lừa được người nước ngoài. Đâu có dễ thế! Biết
đâu rằng chứng nhận cho người không đủ trình độ đi làm chuyên gia họ đã góp
phần làm nhục đội ngũ trí thức của đất nước. Họ không biết rằng chứng nhận cho
một người có đủ năng lực mà thực ra người đó chưa có đủ, tưởng là lòng tốt giúp
người ta nhưng thực tế đã làm một việc dối trá, làm hại người ta và nhiều người
khác có liên quan. Tôi nghĩ rằng những người bị đuổi về có thể kiện hội đồng
xét duyệt ra tòa án. Cũng may là đa số chuyên gia Việt Nam là những người giỏi
thật sự, họ đã gỡ gạc lại được phần nào uy tín.
GS. Vũ Công Ngữ, một chuyên gia cơ học đất, đi năm 1985, hè 1986
về nghỉ phép, tôi đến thăm để hỏi kinh nghiệm. Xin tóm tắt câu chuyện của GS
Ngữ: «Chúng tớ sang đến nơi hơi muộn, nhiều môn học đã được phân cho các chuyên
gia các nước đến trước. Tớ thăm dò biết được môn Cơ học đất đã được phân cho
một thầy trẻ người Ba Lan. Khi gặp Trưởng khoa để nhận môn dạy, tớ nói, tôi là
giáo sư, tôi có thể dạy bất kỳ môn học nào do các ông phân công.
Tuy vậy, xin
nói để các ông biết tôi là chuyên gia trong lĩnh vực Cơ học đất. Tôi biết môn
này các ông đã phân cho thầy khác. Nếu thầy đó giỏi hơn tôi thì cứ để ông ấy
dạy, phân cho tôi môn nào cũng được. Còn nếu không phải như thế, để tôi dạy môn
Cơ học đất thì người được hưởng lợi là sinh viên của các ông. Không những thế,
ngoài việc dạy cho sinh viên tôi còn có thể bồi dưỡng cho thầy giáo của các ông
về lĩnh vực quan trọng này. Thế là hôm sau trưởng khoa mời thầy giáo trẻ Ba Lan
lên, cho nhận môn khác còn để môn Cơ học đất cho tớ…».
Đó là bài học hay. Khi đến nhận việc tôi nói với Trưởng khoa: «Tôi
là giáo sư, có thể dạy nhiều môn học khác nhau. Tuy vậy tôi là chuyên gia của
Việt Nam trong lĩnh vực Kết cấu bê tông, vậy nếu tôi được dạy môn đó thì sẽ có
lợi nhiều cho sinh viên của các ông». Đúng như GS. Ngữ và tôi đã nói và làm,
mình phải xuất phát từ cái lợi của đối tác để thảo luận thì dễ được chấp nhận.
Thực chất thì ngoài cái lợi cho họ thì cũng là vì cái lợi của mình lớn hơn. Nếu
phân cho ông Ngữ dạy Kết cấu bê tông và phân cho ông Cống dạy Cơ học đất thì
các ông cũng dạy được nhưng sẽ vất vả hơn vì phải mất nhiều công để chuẩn bị.
Trường hợp được dạy đúng môn sở trường của mình như tôi và anh Ngữ
không nhiều. Một số thầy phải nhận dạy các môn khác. Xin đơn cử vài vị. Thầy Cơ
học kết cấu Vũ Như Cầu được giao dạy bài tập Toán; thầy Kết cấu Bê tông cốt
thép Nguyễn Lê Ninh dạy Vật liệu xây dựng và Động lực học; thầy Thiết kế và thi
công đường Dương Học Hải dạy Trắc địa; chuyên gia về thủy lực và thủy công
Nguyễn Trọng Thao được phân dạy Sức bền vật liệu; thầy về thi công Nguyễn Văn
Quỳ được phân môn Kết cấu bê tông; chuyên gia thiết kế cầu đường GS. Nguyễn
Phúc Trí được phân dạy Quy hoạch thủy lợi; GS. ngành cầu Lê Văn Thưởng dạy Kết
cấu thép, v.v. Rồi các thầy cũng dạy được cả vì đều thông thạo tiếng Pháp,
nhưng phải chuẩn bị bài vất vả hơn so với các thầy được dạy đúng chuyên môn. Đã
đi làm thuê để kiếm đô la thì khó chọn được việc vừa ý.
6- DẠY VÀ HỌC Ở ANGIÊRI
Khi viết lý lịch để xin đi làm chuyên gia, chúng tôi đề chữ KHÔNG
ở mục Tôn giáo với thói quen và niềm tự hào từ thời trẻ, được dạy rằng, như thế
mới là người theo duy vật, thuộc thế hệ làm cách mạng vô sản. Người của Bộ
Ngoại giao yêu cầu chúng tôi tạm quên thói quen và niềm tự hào ấy, viết lại lý
lịch. Phải khai theo một tôn giáo nào đó (Phật, Thiên Chúa, Tin Lành, Cao Đài,
Hòa Hảo… gì cũng được), không được ghi là người không theo tôn giáo nào. Người
ta cho như thế là kẻ vô đạo, vô thần. Mà như vậy thì dù bạn có tài giỏi đến đâu
cũng bị loại ngay từ đầu (có dấu hiệu nói dối).
Tổ chức dạy học ở Angiêri có nhiều điểm khác với Việt Nam. May cho
tôi, khi đến nhận việc thì tại trường đó (INES de Chlep) đã có vài anh đã dạy
một hai năm như Ngô Phú An, Vũ Như Cầu, Nguyễn Lê Ninh. Khi tôi hỏi về các điều
cần biết thì các anh chỉ bảo tận tình. Một số thầy quá quen với cách làm ở VN,
chủ quan, cứ tưởng đó là mẫu mực có thể áp dụng cho mọi nơi nên đã gặp lúng
túng trong thời gian đầu, gây ra những chuyện buồn cười.
Xin kể vài chuyện.
Thầy Đào, đến sau tôi một thời gian. Sau khi anh ổn định chỗ ở,
tôi đến chơi, có gợi ý xem anh có cần các bạn đã đến trước mách bảo gì không,
nhưng anh tỏ ra không cần. Nghĩ rằng anh đã biết những «phong tục» ở đây nên tôi
không dám tự tiện chỉ dẫn, ngại phạm vào lỗi bày vẽ cho người khác điều họ đã
biết, không cần nghe.
Hôm đầu tiên anh lên lớp về, tỏ ra khó chịu, đến gặp tôi để thổ lộ
nỗi bực dọc. Anh nói: «Này, tớ lạ cho cái đất nước này, chẳng ra sao cả. Theo
thời khóa biểu tớ đến đúng lớp, đúng giờ nhưng không có sinh viên nào trong
lớp, bọn chúng tụm năm, tụm ba ở bên ngoài. Tớ hỏi, có phải các cậu là sinh
viên của lớp này không, chúng bảo phải. Thế sao không vào lớp. Trả lời: chúng
tôi đang đợi thầy giáo. Tớ bảo chính tôi là thầy giáo đây, các cậu vào lớp đi,
đến giờ học rồi. Chúng nó bảo ông đã đến chậm giờ, xin mời ông vào trước.
Nhường nhau một lúc tớ đành vào trước vậy. Khi lớp đã ổn định tớ chuẩn bị bắt
đầu bài giảng thì thấy không có phấn và trên bảng đen có vài vết cần xóa, thế
mà không thấy giẻ lau. Tớ hỏi ai trực nhật hôm nay. Không ai trả lời. Hỏi tiếp ai
là lớp trưởng, không ai trả lời.
Một lúc sau có 1 sinh viên đứng dậy hỏi: Thưa
thầy, ông hỏi những người đó để làm gì. Tớ nói là đi lấy phấn và giẻ lau bảng,
đồng thời trực nhật phải lau bảng sạch sẽ trước khi thầy vào dạy. Cậu sinh viên
nói: Đó là việc của các thầy giáo, không phải việc của sinh viên, chúng tôi
không có ai làm trực nhật cả. Hôm nay thầy mới đến, tôi đi lấy giúp, từ hôm sau
ông phải tự lo lấy. Đến khi hết giờ, trong lúc mình đang chuẩn bị thu xếp thì
chúng nó kéo nhau ra trước, không có được cái lễ phép tối thiểu chờ thầy ra
xong mới ra. Thế có ngược đời không, có đáng chấn chỉnh không».
Tôi vỗ vai Đào, cười mà bảo rằng: Ở cái xứ này, quy định của người
ta, đã thành luật lệ là như thế đấy, tại ông quá quen với các trường ở Việt Nam
mà không chịu tìm hiểu nên đã bị hors-jeu (việt vị). Theo quy định ở Angiêri
thì thầy đi dạy phải tự mang theo phấn và bàn chải lau bảng, nhận ở văn phòng
khoa, thầy phải đến và vào lớp trước tiên, sinh viên vào sau, sinh viên chào
thầy hoặc không chào cũng được, tự tìm chỗ ngồi. Đúng giờ thầy bắt đầu, khi kết
thúc thầy là người ra sau cùng. Quy định của người ta khác với mình. Thôi thì
«Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục» chứ không thể bảo người ta ngược đời
được, không thể dùng quy định của mình để áp đặt cho người khác.
Đối với SV, nghe giảng lý thuyết là quyền lợi, đánh giá bằng bài
thi với thang điểm từ 0 đến 20. Làm bài tập và bài thực hành là bắt buộc, ngoài
điểm đánh giá về khả năng, còn có điểm đánh giá về chuyên cần với thang điểm từ
0 đến 10 (gần đây ở VN có cho điểm này nhưng chủ yếu là đối với việc học lý
thuyết). Cuối học kỳ tôi mang bảng đánh giá chuyên cần nộp cho giáo vụ. Vừa xem
xong vị trợ lý bảo tôi: «Chết, chết, thầy cho điểm thế này thì gay go,
khó tránh khỏi phản ứng mạnh của SV.
Từ trước đến nay mọi thầy giáo cho điểm
chuyên cần từ 5 đến 8, thế mà thầy lại cho từ 2 đến 10». Tôi trả lời là đã đánh
giá theo đúng quy chế, tôi có đủ chứng cớ vì tôi theo dõi khá sát tình hình làm
bài tập và đồ án của mỗi SV, tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu có SV nào phản
đối. Đúng là ban đầu bảng điểm do tôi đánh giá có gây một cú sốc cho những ai
xem thấy (kể cả SV và thầy giáo), vì người ta đã quen với bảng điểm từ 5 đến 8.
Thế nhưng sau đó không có ai thắc mắc và khiếu nại gì, nhiều người công nhận sự
đánh giá của tôi mới tương đối chính xác.
Một hôm, theo đúng thời khóa biểu tôi lên lớp. Bình thường tôi đến
trước 5 phút, vào lớp, ngồi yên vị thì SV lục tục vào. Hôm nay, đợi đến 15 phút
chẳng thấy SV nào, hỏi ra thì SV đang bãi khóa để phản đối một lệnh nào đó của
Hiệu trưởng. Bãi khóa là một trong các quyền tự do của sinh viên. Theo quy định
thì khi SV bãi khóa thầy giáo vẫn không được bỏ về, phải ở lại lớp cho đến hết
giờ. Tôi không những ở lại lớp mà còn viết lên bảng các đề mục của bài học và
nói một vài câu. Sau này tôi nói đùa là có vài lần vẫn giảng bài khi trong lớp
không có một SV nào cả.
Vào đầu học kỳ 2 năm thứ 2 làm chuyên gia, tôi lên lớp buổi đầu theo
thời khóa biểu để dạy tiếp lớp đã học trong kỳ 1. Chỉ có vài SV. Tôi hỏi: Các
cậu lại bãi khóa à? Trả lời: Không, chúng em không bãi khóa. Mấy đứa em được
các bạn nhờ lên đây ngồi nói chuyện với thầy cho vui kẻo sợ thầy buồn, các bạn
nói rằng trong thời gian vừa rồi, liên hệ, trao đổi với nhiều bạn bè học ở các
trường khác mới biết chúng em đã học được khá nhiều so với các nơi, thế thì xin
thầy cứ từ từ.
Làm bài thi. Sau khi SV kết thúc làm và nộp bài thi, thầy giáo có
nghĩa vụ công bố công khai đáp án và mức điểm cho mỗi câu. Việc đó nhằm giúp SV
tự đánh giá bài làm, mỗi người có thể tính được số điểm có thể đạt. Sau khi
thầy công bố điểm SV có quyền khiếu nại nếu thấy điểm tự chấm và điểm thầy cho
chênh nhau đáng kể. SV có quyền yêu cầu thầy cho xem lại bài làm của mình và
điểm của thầy ghi cho mỗi câu.
Trong 3 học kỳ đầu tiên tôi đã chấm bài rất cẩn thận, không có một
khiếu nại nào.
Đến học kỳ thứ 4 thì xảy ra sự cố. Cùng một lúc có gần 10 SV đến
yêu cầu tôi cho xem lại bài thi. Đúng ra chỉ được tiếp mỗi lần không quá 3 SV,
để trong khi SV xem lại bài thì thầy có thể bao quát được. Nhưng tôi đã chủ
quan, phát bài lần lượt cho tất cả .
Khi trả lại, hầu hết không có ý kiến gì,
chỉ có một SV khiếu nại là tôi dã bỏ sót một ý, không chấm đến, bị mất 1 điểm.
Tôi ghi nhận và hứa xem lại, hôm sau trả lời. Khi xem lại cẩn thận và đối chiếu
với nhiều bài thi của cùng SV ấy ở các môn khác tôi nghi ngờ câu không được
chấm là do SV mới viết thêm vào (lợi dụng sự nhốn nháo đông người).
Hôm sau,
tiếp SV tôi nói: Tôi công nhận, nếu chấm thêm ý anh phát hiện thì bài thi được
thêm 1 điểm.
Nhưng tôi nghi ngờ đó là ý anh mới viết thêm vào. Tôi chỉ nghi ngờ
mà không có chứng cứ. Điều này chỉ có 2 người biết là anh và Thượng để. Vậy tôi
đề nghị kéo dài thêm 1 ngày để anh và tôi cùng cầu nguyện Thượng đế. Nếu anh
khẳng định mình không viết thêm thì xin Thượng đế chứng giám, ngày mai anh gặp
lại, tôi sẽ làm thủ tục chữa điểm. Nếu anh định lừa dối thì may ra có thể lừa
được người thường chứ không thể giấu được Thượng đế. Anh hãy cầu nguyện Ngài,
xin tha tội và không cần gặp lại tôi. Kết quả anh ta không đến gặp lại.
Danh hiệu chuyên gia giáo dục là do chúng ta đặt ra để gọi cho oai
chứ bạn gọi chúng tôi là «người cộng tác» (tiếng Pháp là Coopérant). Tại nhiều
trường đại học ở Angiêri, ngoài các coopérant người Việt Nam còn có người từ
nhiều nước khác như Pháp, Nga, Rumani, Ba Lan, Bờ biển Ngà…, trong đó có cả
người Việt quốc tịch Pháp.
Tất cả chỉ là những người đi làm thuê theo hợp đồng.
Sinh viên nói riêng và người dân Angiêri nói chung đánh giá các coopérant Việt
Nam có hai cái nhất trong số các coóperant, và đó cũng là các thắc mắc, khó
hiểu. Một là đa số họ giỏi hơn coopérant các nước khác. Hai là toàn bộ họ tằn
tiện, chịu khổ cực, có cuộc sống vật chất không hề xứng đáng với vai trò thầy
giáo đại học và với số lương được trả.
Mãi về sau, khi đã tìm hiểu được nguyên
nhân thì người Angiêri mới thông cảm và yêu mến hơn các coopérant Việt nam.
Nguyên nhân giỏi hơn vì phần lớn họ là những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam,
còn coopérant các nước khác chỉ là những thầy giáo bình thường, chưa được xếp
hạng cao tại nước của họ.
Ngay như tại trường mà tôi đang dạy, là một trường
nhỏ, mới thành lập tại một thành phố nhỏ (INES de Chlep) mà đã có các thầy có
tên tuổi, các chuyên gia hàng đầu của VN như Lê Văn Thưởng (cầu), Dương Học Hải
(đường), Đào Hữu Vinh (hóa học), Ngô Phú An (vật lý), Nguyễn Đình Cống (kết cấu
bêtông), Nguyễn Lê Ninh (động lực học), Lê Đức Thắng (cơ đất), Nguyễn Phúc Trí
(chuyên gia TK CĐ). Đúng là một nghịch lý khi nhà nước đưa các trí thức hàng
đầu đi làm thuê cho những quốc gia vừa độc lập ở Châu Phi.
Nguyên nhân họ phải sống
tằn tiện, chịu cực khổ là vì họ phải làm nghĩa vụ đối với nhà nước vừa ra khỏi
chiến tranh, phần lớn lương phải nộp cho nhà nước để góp phần trả nợ, họ chỉ
được cấp một số tiền đủ để duy trì cuộc sống bình thường và khi kết thúc mới
được trả thêm 100 đô la cho mỗi tháng làm việc.
Trong lịch sử phát triển Đại học của Việt Nam chúng ta có ghi nhận
sự đóng góp của các chuyên gia Liên xô. Không biết trong lịch sử phát triển
nhiều trường đại học của Angiêri có câu nào nhắc đến các coopérant của Việt Nam
hay không.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment