Sunday, April 2, 2017

Bạo lực súng đạn ở Chicago

Bạo lực súng đạn ở Chicago

Phan
Inline images 1
Thời gian qua, trên những trang báo lớn ở Mỹ thường chạy những hàng tít lớn về vấn nạn bạo lực súng đạn ở thành phố lớn thứ ba của nước Mỹ là thành phố Chicago, thuộc tiểu bang Illinois. Thành phố có mười triệu dân và rất xinh đẹp, hữu tình về du lịch; lại sầm uất về thương mại; mạnh mẽ về kinh tế; thành phố ấy lại còn có tên riêng khá lãng mạn là thành phố gió – The Wind City.
Nhưng câu hỏi vừa nhức nhối, vừa nóng bỏng về thành phố gió được đưa ra trong thời gian qua lại u ám: What’s the root cause of Chicago’s gun violence crisis? Nguyên nhân cơ bản (cội rễ) của nạn bạo lực súng đạn của thành phố gió này. Vâng, thành phố gió dạo gần đây nổi trội cấp quốc gia trên các mặt báo lớn lại về một vấn nạn đặc thù Mỹ là súng đạn tự do và hậu quả của nó. Khiến người ta không thể bình chân như vại được nữa. Chưa bao giờ Chicago đối diện với con số tử vong do súng gây ra nhiều như hiện nay. Phải chăng do súng ống lan tràn ở đây hay còn vì lý do, nguyên nhân nào khác nữa!
Với người dân, họ chỉ biết mỗi lần có tiếng súng nổ là máu đổ xuống hè phố, trong siêu thị, ngoài quảng trường, phòng trà, hộp đêm… Ai đó vội vã gọi tổng đài 911. Nhanh lên. Súng. Bắn. Máu. Nhanh lên. Địa điểm xảy ra án mạng… Tiếng nói đứt khúc, hụt hơi, bởi kinh hoàng. Vâng. Tổng đài 911 hỏi những câu thật cần thiết. Bạn có an toàn không? Kẻ cầm súng đã chạy đi hay vẫn còn ở đó? Có bao nhiêu người bị bắn? Xin cho biết nơi đã xảy ra án mạng…?
Sau đó là còi hụ. Là những chiếc xe cảnh sát hú còi, bật đèn quay náo động những con đường. Ban ngày đã thế. Về đêm lại càng thêm lo âu hơn trong bóng tối phủ trùm với ánh đèn xe chớp như xé tan sự yên lặng của nơi bình yên đã tới hồi máu chảy, thịt rơi…
Xe cảnh sát hú còi, xe cứu thương hú còi, xe cứu hỏa cũng hú còi lao đến hiện trường. Chẳng mấy chốc, sự ồn ào, hỗn loạn tại hiện trường tăng lên gấp bội. Đội ngũ cảnh sát sẽ vội giăng mắc băng keo màu vàng có hàng chữ “crime scene – hiện trường gây án” để khoanh vùng cho công việc điều tra sau đó.
Nạn nhân thì nằm trên vũng máu.
Hung thủ có thể đã bị bắn gục hoặc biến mất!
Chỉ còn lại là những người hiếu kỳ đứng nhìn, chứ dân Mỹ chính thống thì họ đã tránh xa hiện trường càng nhiều càng tốt! Những người hiếu kỳ có thể là nhân chứng nhìn thấy tận mắt những gì đã xảy ra. Có thể là người qua đường nên biết vừa có vụ nổ súng xảy ra.
Và…
Xe cứu thương lao đi. Nhiệm vụ của họ là tranh giành từng giây từng phút với tử thần mong cứu được mạng sống của người bị thương (bất luận người đó là nạn nhân của vụ nổ súng hay đó là kẻ đã siết cò súng để gây nên thảm hoạ không ngừng ở thành phố gió – Chicago City). Từng giây phút bỗng trở nên quý giá vô cùng. Cầm máu. Hô hấp nhân tạo. Truyền nước biển. Theo dõi từng diễn biến một…
Tin lan nhanh như chớp trong thời đại xa lộ thông tin và điện thoại thông minh. Đội ngũ phóng viên của những Đài truyền hình địa phương đến thật nhanh. Họ không thể bỏ lỡ cơ hội đưa tin càng sớm càng tốt. Lớn như Chicago sẽ có ít nhất là ba bốn đài truyền hình. Đài nào cũng muốn có tin nóng hổi nhất. Thế là những bản tin được loan đi. Trong khi đó Chicago Police Department, viết tắt là CPD, chỉ Sở Cảnh Sát Chicago sẽ rất ư bận rộn. Một nhóm cảnh sát đặc nhiệm sẽ được cắt cử đến để thụ lý hồ sơ vụ án vừa mới xảy ra. Họ có nhiệm vụ tìm đến những cá nhân có liên quan để sớm tìm ra nguyên nhân, động cơ nổ súng, và xác định ai là kẻ tình nghi và ai là nạn nhân?
 Sau đó tùy mức độ nghiêm trọng của vụ việc, cảnh sát sẽ có cuộc họp báo với cánh truyền thông. Và không lâu sau đó nhiều tờ báo lớn của nước Mỹ sẽ loan tin.
Đại khái đó là những gì sẽ xảy ra khi có án mạng. Nhưng câu chuyện bên trong. Người thân của nạn nhân (có thể cả hai bên: người bắn và người bị bắn) sẽ đau khổ trước cái tin họ không muốn xảy ra với người thân của mình. Rồi thì: Nước mắt. Bàng hoàng. Nghẹn ngào. Những câu hỏi: Hả? Tại sao lại xảy ra như vậy? Có đúng là xảy ra trên con đường đó, tại thành phố Chicago nữa sao? Tại sao chứ?
Ẩn chìm bên dưới tất cả những gì bạn thấy (có vẻ rất quen thuộc như đã mô tả ở phần trên) là những câu hỏi hóc búa đối với những nhà làm luật và giới hữu trách đang thực hiện và giám sát những bộ luật hiện hành. Những người quan tâm đến sự an toàn của người dân, không chỉ là các nghị viên, sở cảnh sát, các mục sư hay linh mục của những ngôi thánh đường, mà là những công dân của Chicago. Họ bất bình. Họ lo lắng. Họ cảm thấy bức bách vì không lẽ Chicago sẽ bất lực trước cuộc chiến chống lại súng đạn (war on guns) hay sao. Lẽ nào? Khiến ai cũng tự hỏi phải làm gì bây giờ?
Stephanie Armas – cư dân thành phố Chicago đã từng trả lời đài truyền hình vào năm ngoái: “Hơn 500 con người từng sống tại thành phố này nhưng giờ không còn nữa chỉ bởi vì bạo lực vô nghĩa. Con người đã không còn coi trọng mạng sống của người khác nữa rồi!”

Áp dụng triệt để hơn nữa những biện pháp mạnh tay ư? Đặc biệt là với những kẻ đã từng có tiền án nghiêm trọng với súng đạn. Hay không thể để tình trạng kẻ phạm tội được xét xử quá nhẹ. Về mặt này, Chưởng lý tiểu bang của Hạt Cook Anita Alvarez cho biết: “Toà án Chaicago xét xử quá nương tay cho những vụ bạo lực súng đạn nên đó cũng là nguyên nhân của tệ nạn trên ở Chicago.” Liệu đây có phải là cách hay nhất và có hiệu quả nhất khi đối diện với nan đề này? Nhốt vào khám thật lâu những kẻ nhiều lần phạm pháp có liên quan đến súng đạn có thực sự khiến cho nạn bạo hành súng đạn đường phố sẽ giảm xuống không? Trái ngược với nhận định của Chưởng lý Anita Alvarez, luật sư công Campanelli cho rằng áp dụng chiến lược war on guns như vậy sẽ thất bại, y như đã từng thất bại với chiến dịch chống thuốc phiện war on drugs trước đó. Bà luật sư Amy Campanelli khá nổi tiếng khi bà đã nổi giận trong phiên toà ấn định mức tại ngoại hầu tra một triệu Mỹ kim cho bị cáo là người cha có đứa con sáu tuổi dùng súng của ông bắn chết đứa em nhỏ của nó. Luật sư Amy Campanelli cho rằng số tiền ấn định trên chỉ dành cho những tay súng giết người vô tội trên đường phố chứ không phải cho người đàn ông mua súng và cất trữ trong nhà với mục đích tự vệ.
Sau cùng toà giảm mức ấn định xuống còn 75.000 Mỹ kim.
Hai ý kiến đại diện rất khác nhau trên đây khiến người dân suy nghĩ ! Anita Alvarez và Amy Campanelli có lý khi nghĩ rằng yếu tố con người đã có những liên quan nhất định đến nạn bạo lực súng đạn tại Chicago. Nhưng phương tiện gây án: Súng, có nên được coi là một vế của phương trình toán học nhức óc giờ đây ở Chicago? Hay phương tiện gây án chỉ là phương tiện? Con người mới là nguyên nhân có ý thức và quyết định mang tính cân nhắc có nhận thức trước khi sử dụng một phương tiện. Nên súng chỉ là súng. Chúng vô can. Chúng không có lỗi lầm gì khi những vụ tai nạn chết người có liên quan đến súng!
Vậy thuốc phiện khác gì với súng đạn. Chúng đều dính dáng đến băng đảng, dính dáng đến thanh trừng, dính dáng đến trả đũa, rửa hận, giết chóc, chiếm cứ địa bàn… Có sự khác biệt chứ: Đó là thuốc phiện thường được liệt vào danh mục hàng hóa bất hợp pháp. Còn súng, rất nhiều trong số chúng có giấy phép sử dụng hẳn hoi. Hơn nữa, luật chống thuốc phiện rõ ràng và minh bạch. Còn luật kiểm soát súng đạn lại không chặt chẽ lắm. Nghiên cứu của cơ quan BATFE (Bureau of Alcohol, Tobacco, Firearms and Explosives) và Phòng Hình sự Đại học Chicago vạch ra rất rõ là vì luật lệ lỏng lẻo nên có rất nhiều cách súng đạn sẽ biến từ diện hợp pháp trở thành súng lậu xuất hiện lan tràn tại thị trường chợ đen.
Chỉ cần bị mất trộm (do sơ ý hay cố tình ai biết được) là súng hợp pháp có thể được bán lại, giao dịch chuyền tay, hoàn toàn lậu và không cần đến bất cứ hình thức kiểm tra lý lịch nào. Chẳng khó gì cả. Người mua có thể mua súng tại những buổi triển lãm súng đạn, mua trên mạng, mua qua những đường dây tội phạm. Bạn nghĩ những hoạt động này rất hạn chế là bạn lầm to. Những hoạt động này sầm uất và phổ biến đến độ báo động. Có điều những tổ chức có thế lực, đặc biệt là các nhà sản xuất súng đã tung ra nhiều chiến dịch vận động hành lang để luật kiểm soát súng cứ lỏng lẻo mãi như thế (để họ tiếp tục thâm nhập vào thị trường tiêu thụ súng, cả hợp pháp và bất hợp pháp).
Làm gì bây giờ? Có ý kiến đề nghị nên thắt chặt hơn nữa việc có những lỗ hổng để súng hợp pháp biến thành súng lậu. Theo đó người làm chủ súng hợp pháp phải được yêu cầu có trách nhiệm với những khẩu súng mình đang có. Nếu bán súng, buộc phải có chứng nhận kiểm tra nhân thân hẳn hoi. Nếu không, khi súng bán một cách quá dễ dãi trở thành phương tiện gây án thì chủ cũ sẽ phải bị truy tố.
Hay nếu như súng bị mất phải nhanh chóng báo cáo với cơ quan thừa hành pháp luật ngay lập tức. Nếu không báo cáo, bất luận vì lý do nào, súng dưới tên họ thì trách nhiệm bảo quản và kiểm soát phải thuộc về họ. Nếu không báo cáo sẽ bị quy trách nhiệm.
Với các cửa hàng, đại lý bán súng, trách nhiệm của họ càng phải thận trọng hơn. Tức những gì áp dụng với người dân bình thường, họ càng phải tuân thủ một cách nghiêm túc hơn. Tức những hình thức mua bán súng mà không có bằng chứng xác nhận kiểm tra nhân thân rõ ràng nhất định không thể tiến hành. Họ làm sai sẽ bị phạt nặng. Tái phạm sẽ bị tịch thu giấy phép buôn bán súng. Hy vọng với những biện pháp này tệ nạn súng đạn đường phố sẽ giảm (?)
Nhiều ý kiến chuyên môn khẳng định rõ luật kiểm soát súng chặt chẽ sẽ giảm thiểu con số những khẩu súng hợp pháp biến thành súng bất hợp pháp và giúp bảo vệ sự an toàn xã hội. Điều này cũng giống cách nói: Mùa hè nóng hơn mùa thu. Tại Chicago, đáng buồn thay, luật kiểm soát súng rất lỏng lẻo. Nếu có thì cũng chỉ là những luật định hữu danh vô thực, áp dụng rất nửa vời, chiếu lệ.
Các nhà lập pháp tại Springfield (thủ phủ của Illinois) đang làm việc với bộ luật mới nhằm tìm cách can thiệp vào thị trường và cách thức mua bán súng tại Illinois cũng như đưa ra những biện pháp cứng rắn nhiều hơn nữa đối với những cửa hàng, đại lý bán súng không tuân thủ luật pháp, làm giàu bất chính lại bất nhân.
Liệu bóp nghẹt yết hầu của các đường dây di chuyển trao đổi súng lậu có giúp tháo gỡ được cuộn chỉ rối bạo lực súng đạn đường phố tại Chicago hay không? Điều này không ai dám mạnh miệng tuyên bố. Người ta chỉ biết đợi chờ trong sự khiêm tốn và hy vọng mọi cái sẽ đi đúng hướng.
Nỗ lực của Sở Cảnh Sát Chicago năm 2016 đã có nhiều cố gắng. Sáu tháng đầu năm Sở Cảnh Sát Chicago đã thu hồi hơn 5.000 khẩu súng (tăng 25% so với cùng thời kỳ này năm ngoái). Hãy hình dung, con số này nhiều hơn số súng của New York City và của Los Angeles gộp lại. Vậy mà trong năm nay tại Chicago số người bị bắn chết trên đường phố thật kinh khủng. Hơn 3.000 nạn nhân bị bắn tính đến đầu tháng 09 năm 2016. Có lúc chỉ một cuối tuần cả chục người bị chết và hàng chục người khác bị thương. Còn năm ngoái (cả năm 2015), 2.980 nạn nhân đã khiến cho con số thống kê tại lĩnh vực này làm hoen ố hình ảnh của thành phố gió.
Cảnh sát Chicago nói gì? Theo họ, điện thoại thông minh và sự phát triển của các trang mạng xã hội đã giúp các nhóm băng đảng có thể tổ chức tấn công (và phản công, trả thù) một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Nếu thế, súng rơi vào tay tội phạm, vào tay kẻ có vấn đề tâm thần, cộng thêm với phần loan tin của truyền thông đại chúng thì quả nhiên phương trình bài toán súng đạn đường phố tại Chicago xem ra phải mất rất nhiều công sức mới có giải đáp thỏa đáng.
Phan

__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày 13/4/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link