Sunday, April 2, 2017

Chặt cầu


Chặt cầu

LÊ PHAN
Hôm Thứ Tư vừa qua, Thủ Tướng Theresa May đã bắt đầu tiến trình ly dị với Liên Hiệp Âu Châu, bắt đầu chặt cây cầu nối liền đảo quốc nhỏ bé với lục địa to lớn mà nó nằm cạnh, chấm dứt một giai đoạn nữa trong liên hệ khó khăn giữa Anh và lục địa láng giềng.
Nó là một biến cố quan trọng cho đảo quốc này, nhưng sự khởi đầu của sự kết thúc không ồn ào mà còn có vẻ như là pháo tịt ngòi. Hồi năm 1973, khi dân chúng Anh bỏ phiếu tham gia Liên Hiệp Âu Châu, bầu không khí cũng không ồn ào như vậy. Tờ Guardian, trên trang đầu nói đến “một ngày sẽ đi vào lịch sử ngày nào mà lịch sử còn được giữ, đã được hầu hết dân chúng coi như là chuyện đương nhiên.”
Bốn mươi bốn năm sau, trong khi Anh Quốc chuẩn bị “anh đi đường anh, tôi đường tôi,” ít nhất đã có thêm chút chú ý. Ở mọi nơi, những cuộc biểu tình phản đối nho nhỏ và một số cuộc ăn mừng xảy ra. Trên trang nhất của tờ báo nồng nhiệt ủng hộ cho Brexit, tờ báo lá cải Daily Mail chỉ vỏn vẹn có chữ “Tự do!” Trong khi tờ Guardian, ủng hộ ở lại với Âu Châu, âu lo hơn “Anh Quốc bước vào cõi không ai biết sẽ ra sao.”
Về phương diện chính trị đây là một giây phút vô cùng quan trọng. Cũng cái thái độ chống đối lại lục địa to lớn ở kế bên mình đó, cộng với chút quyền lợi cá nhân, đã khiến Vua Henry VIII cắt đứt liên hệ với Tòa Thánh La Mã cách đây 500 năm, đã lại chiến thắng. Đó cũng là thái độ của Anh Quốc khi mặc dầu tham gia những cố gắng nguyên thủy để thành lập một tổ chức liên minh Âu Châu, đã từ chối tham gia khi Cộng Đồng Âu Châu về Than Đá và Thép (ECSC) được thành lập năm 1951, chỉ để mười năm sau lại xin tham gia vào khối lúc đó là Cộng Đồng Chung Âu Châu (EEC) và bị Tổng Thống Charles de Gaulle của Pháp bác. Đến năm 1967, Anh Quốc lại nộp đơn lần thứ nhì xin gia nhập và lại bị ông de Gaulle tiếp tục chặn. Mãi đến năm 1973, sau khi ông de Gaulle qua đời, Anh Quốc mới thành công tham gia.
Lời lẽ của bài diễn văn của bà May cũng như những gì bà tuyên bố ở Quốc Hội đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Bài diễn văn của bà ở Hạ Viện đầy những lời xoa dịu, không có một tí nào sự vênh vang khác hẳn với những gì bà đã nói ở đại hội đảng Bảo Thủ năm ngoái. Nhưng trong bức thư bà gửi cho Chủ Tịch Donald Tusk của Hội Đồng Âu Châu đã kèm theo một sự đe dọa là sẽ hủy bỏ những liên hệ quốc phòng và an ninh của Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu nếu Âu Châu làm khó về vấn đề tiếp cận thị trường chung Âu Châu.
Đã có những phản ứng mạnh từ Âu Châu khi ông phụ trách về Brexit của Quốc Hội Âu Châu, một cách lịch sự bảo ông là một “gentleman“ và không muốn nói một “lady” tính chuyện “bắt địa” nhưng sự thật là như vậy.
Và ngày hôm sau chính phủ Anh đã cố gắng hết sức để trấn an một cuộc tranh cãi ngoại giao chỉ vì câu nói đó của bà thủ tướng, nói với các thủ đô Âu Châu là Luân Đôn không có ý định đe dọa hợp tác an ninh Âu Châu. Nghe đâu suốt chiều ngày hôm sau, bộ trưởng phụ trách Brexit đã phải gọi điện thoại cho các thủ đô của Âu Châu để trấn an và nói diễn dịch câu nói đó của thủ tướng là một đe dọa là sai. Và có lẽ nhờ luận điệu của bức thư nên Âu Châu đã hơi an tâm.
Bài diễn văn ở Quốc Hội Anh nhưng thực ra là để nhắm đến các thủ đô của Âu Châu, đã nhắc đến việc bà muốn tìm một liên hệ “bạn bè sâu xa và đặc biệt” với Âu Châu, hẳn là để khác đi với “liên hệ đặc biệt” mà Anh thường nói là có với Hoa Kỳ. Bà nhắc đến chữ “together” đến sáu lần Có lúc thật khó nghĩ là Anh Quốc đang chia tay, khi bà nhắc đi nhắc lại những lời ca tụng Liên Hiệp cũng như cầu chúc tương lại tốt đẹp và vai trò xán lạn của Liên Hiệp trong việc bảo vệ những lý tưởng nhân quyền và bình đẳng.
Bà nói “Có lẽ nay hơn bao giờ hết thế giới cần những giá trị cấp tiến, dân chủ của Âu Châu, những giá trị mà Anh Quốc chia sẻ.” Một nhà báo đã mỉa mai bảo nghe như bà đang trình bày những lý do tại sao Anh Quốc không nên rút khỏi Âu Châu.
Thực ra cũng có những lý do đối nội cho sự mềm mỏng này của bà May. Anh Quốc vẫn còn là một quốc gia chia rẽ. Cách đây chín tháng, 17.4 triệu dân Anh bỏ phiếu ra đi, trong khi 16.1 triệu dân Anh bỏ phiếu ở lại. Sự chia rẽ đó tiếp tục cho đến nay với cuộc thăm dò dư luận mới cho thấy tỉ lệ không thay đổi. Ít nhất bà May không chọn con đường chia rẽ, không muốn làm nhục số 49.1% cử tri bỏ phiếu ở lại.
Bà May nói đến tách rời khỏi Âu Châu là “cơ hội của thế hệ này để tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước chúng ta.” Nói thì hay lắm nhưng thực tế không hiểu bà nói đến “thế hệ chúng ta nào.” Bởi Anh Quốc bị chia rẽ trầm trọng hơn nữa giữa tuổi tác. Trong cuộc thăm dò dư luận của YouGov tuần này, 65% những người từ 18 đến 24 tuổi nói Brexit là sai lầm, với chỉ có 12% nghĩ Brexit là đúng. Ngược lạ, trong số những người trên 65 tuổi thì 62% nói Brexit là đúng trong khi 31% nói Brexit là sai.
Thành ra đây không hẳn là “cơ hội của thế hệ này.” Thực ra, đây là cơ hội để thế hệ già cắt đứt liên hệ với Âu Châu trong khi thế hệ trẻ muốn giữ.
Vào cuối bài diễn văn, bà May nói đến viễn ảnh của “một Anh Quốc mạnh hơn, công bình hơn, tốt đẹp hơn – một Anh Quốc mà con cháu chúng ta có thể tự hào gọi là quê hương.” Khổ một nỗi, rời bỏ Âu Châu sẽ không tạo nên một Anh Quốc như vậy. Như Sử gia Anthony Barnet diễn tả “Brexit là chính phủ của người già, bởi người già, cho người già.”
Điều mỉa mai nữa, như tờ Guardian chỉ ra, bà May đã chọn ngồi dưới bức tranh của Sir Robert Walpole, người thường được gọi là thủ tướng đầu tiên của Anh Quốc. Những người không thích Âu Châu coi trọng ông vì ông ưu tiên làm giàu thay vì tham gia vào các cuộc chiến ở Âu Châu. Một trong những câu nói của ông, vốn được những người nghi ngờ Âu Châu thích nhắc lại, là ông khoe với Nữ Hoàng Caroline năm 1734 “Có 50,000 người đã bị giết ở Âu Châu năm nay, mà trong đó không có một người Anh nào cả.”
Nhưng những người ghét Âu Châu luôn quên Sir Robert Walpole cũng là thủ tướng của Vua George Đệ Nhị, vốn là vua không phải chỉ của Anh Quốc mà còn của Hanover và do đó cái việc tham gia vào Âu Châu là việc ông phải làm dầu ông có muốn hay không. Và nó luôn luôn là như vậy cho đảo quốc này.
Ngày bà May loan báo khởi động Điều 50 của Hiệp Ước Lisbon, tờ Guardian đưa ra một trang bìa với toàn thể Âu Châu là một cái hình ráp vĩ đại nhưng cái hình Anh Quốc đã bị lấy mất. Nhưng một quốc gia thật không tự nó di chuyển hay biến mất được. Quốc gia nằm ở vị trí địa lý của mình. Anh Quốc sẽ là một phần của Âu Châu, dầu muốn hay không, cho đến ngày tận thế.
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày-15/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link