Sunday, May 6, 2012

Chết mà vì nước, chết vì dân. Chết đấng nam nhi trã nợ trần : Phan Bôi Châu

Chết mà vì nước, chết vì dân,
Chết đấng nam nhi trả nợ trần.
(Phan Bội Châu)


Con người là một sinh vật, theo lẽ tự nhiên sớm muộn gì cũng chết, nhưng chết như một người bình thường hay chết như một anh hùng lưu danh thiên cổ còn tùy ở con người đó.

 

 Sáng ngày 30/4/1975, vị tổng thống bất đắc dĩ cuối cùng của VNCH kêu gọi toàn quân buông súng đầu hàng kẻ thù CSBV. Lời kêu gọi của vị tổng tư lệnh trên đài phát thanh đã làm cho biết bao nhiêu trái tim quân dân miền Nam rỉ máu đỗ quyên đau lòng quốc quốc với nỗi uất ức ngập tràn khiến cho hàng trăm chiến sĩ đã tự sát chứ không hàng giặc.

Số người quyên sinh chính xác không được biết vì phe CSVN chiến thắng không bao giờ muốn làm một điều gì có ý nghĩa cho người chiến bại. Những chiến sĩ QLVNCH ngã ngựa phải mang thân phận bị đọa đày dưới sự đối xử tàn độc của Cộng sản dĩ nhiên không có khả năng ghi nhận đầy đủ tất cả những vụ tự sát trong ngày đau thương hỗn loạn đó.

 

Với năm vị tướng và hàng chục sĩ quan cấp tá và cấp úy tự sát được kiểm chứng rõ ràng, con số khiêm nhường đó phần nào nói lên được ý chí bất khuất hào hùng của dân quân miền Nam.

Những tấm gương thà chết không hàng trong sử Việt

Tinh thần bất khuất thà chết không hàng giặc là truyền thống dân tộc có từ gần hai ngàn năm trước với tấm gương của Hai Bà Trưng. Trước sự tấn công của đạo quân xâm lăng hùng hậu do Mã Viện nhà Hán cầm đầu, Hai Bà Trưng chiến đấu, cuối cùng nhảy xuống sông tự tử ngày mùng 6 tháng 2 năm Quý Mão tức năm 43 Tây lịch. Từ đó đến nay, mỗi năm cứ đến ngày này, dân Việt khắp nơi làm lễ giỗ một cách trọng thể để nhớ ơn hai vị nữ anh hùng dân tộc.

“Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi thôi.” Câu nói khí khái đó của Trần Bình Trọng chúng ta ai mà không biết khi còn ngồi ở ghế học đường. Sau khi bắt được Trần Bình Trọng, tướng nhà Nguyên tìm mọi cách để khai thác thông tin, dọa nạt, chiêu dụ nhưng vô ích và chỉ nhận được câu trả lời vang danh muôn đời ấy, một trong những câu nói nổi tiếng nhất trong lịch sử chống ngoại xâm cũng như lịch sử Việt Nam. Không thể khuất phục được Trần Bình Trọng, quân Nguyên buộc phải giết ông vào ngày 21 tháng Giêng năm Ất Dậu, tháng 2 năm 1285 Tây lịch năm ông 26 tuổi.

Tháng 11 năm 1413, danh tướng Đặng Dung nhà Hậu Trần cùng Nguyễn Cảnh Dị bị Trương Phụ bắt sống khi đang tìm đường tạm lánh sang Xiêm La để tính kế lâu dài. Vì liên tục lớn tiếng chửi mắng nên Nguyễn Cảnh Dị đã bị Trương Phụ hạ lệnh giết ngay.

 

 Còn Đặng Dung cùng Trần Quý Khoáng, Nguyễn Súy và một số tướng lãnh khác bị áp giải về Yên Kinh Trung Hoa. Dọc đường, Trần Quý Khoáng nhảy xuống biển tự tử, Đặng Dung cũng lập tức nhảy xuống chết theo.

(Hình: lăng mộ Võ Tánh)

Trong cuộc nội chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, một vị tướng giỏi của nhà Nguyễn là Võ Tánh chỉ huy thành Qui Nhơn (sau là thành Bình Định). Năm 1801 sau suốt hai năm bị quân Tây Sơn bao vây đến cạn hết lương thực, thuộc cấp năn nỉ ông bỏ thành trốn thoát, ông nói: "Không thể được. Ta phụng mạng giữ thành này, nên thề với thành cùng sống chết. Nếu bỏ thành mà hèn nhát trốn lấy một mình, thì sau này còn mặt mũi nào trông thấy chúa thượng?" Sau đó ông cho người trao cho tướng Trần Quang Diệu của Tây Sơn một bức thư, xin tha chết cho quân sĩ trong thành. Ông sai thuộc hạ lấy rơm củi chất dưới lầu Bát Giác, đổ thuốc súng vào, rồi châm ngòi tự vẫn. Tiếp theo, phó tướng Ngô Tùng Châu cũng dùng thuốc độc tự vẫn. Đó là ngày 27 tháng 5 năm Tân Dậu, tức vào ngày 7 tháng 7 năm 1801.

Khi chiếm được thành, Trần Quang Diệu tỏ ra xúc động trước sự trung dũng của Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, sai người tẩm liệm thi hài hai ông tử tế, rồi theo lời yêu cầu của Võ Tánh, không giết hại hàng binh nhà Nguyễn. Than ôi, khi đạo quân xâm lược CSBV chiếm được miền Nam, thử hỏi họ đã đối xử như thế nào với người lính VNCH đã ưng thuận qui hàng.

Trong giai đoạn đầu của lịch sử kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta, có rất nhiều tấm gương tự tử kiêu hùng. Người dân Việt lúc bấy giờ có chính nghĩa sáng ngời là chống ngoại xâm để bảo vệ quê cha đất tổ. Vì thế, họ chiến đấu với một tấm lòng cực kỳ hăng say và không sợ chết.

(Hình: tượng anh hùng Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá) Nguyễn Trung Trực (1839–1868) là thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa kháng chiến chống Pháp vào nửa cuối thế kỷ 19 ở miền Nam Việt Nam

Cái chết của Nguyễn Trung Trực trong giai đoạn đầu của công cuộc kháng Pháp còn hiên ngang hùng tráng hơn khi ông bước lên pháp trường bình tĩnh vén tóc gáy và ngửa cổ cho đao phủ chém ngày 27-10-1868 ở Kiên Giang (Rạch Giá). Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn cũng thế. Noi gương tiền nhân, trước lúc bị cộng sản xử bắn ngày 14/8/1975 tại Cần Thơ, vị Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Chương Thiện dõng dạc hô lớn “Ðả đảo cộng sản! Việt Nam Cộng Hòa muôn năm!” Thật chẳng khác nào trường hợp của Nguyễn Thái Học (1902-1930) và mười hai đồng chí của ông ở Yên-bái. Bị giặc bắt xử tử, họ hiên ngang bước lên đoạn đầu đài hô lớn lên mấy tiếng "Việt Nam Muôn Năm!" cho hào khí bay cao ngất trời.

Phan Thanh Giản (1796-1867) là một ông quan đại thần nhà Nguyễn suốt đời tận tụy với non sông đất nước. Năm 1825, ông đậu Cử nhân khoa Ất Dậu. Sau đó một năm, ông đậu đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Minh Mạng thứ 7 (1826), vào năm 30 tuổi. Ông là người miền Nam đầu tiên đậu Tiến sĩ khai khoa.

Từ đấy, ông làm quan trải qua ba đời vua là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Ông được triều đình cử làm chánh sứ trưởng phái đoàn điều đình với Pháp để chuộc lại ba tỉnh miền Đông. Ngày 20 tháng 6 năm 1867, Pháp đánh chiếm Vĩnh Long (vốn đã được trao trả triều đình Huế ngày 25 tháng 5 năm 1863), yêu cầu ông gửi mật thư cho thủ thành An Giang và Hà Tiên buông súng đầu hàng. Trước sức mạnh áp đảo của Pháp về mặt quân sự, biết thế không thể giữ nổi, nên để tránh đổ máu vô ích, Phan Thanh Giản đã quyết định trao thành, không kháng cự, với yêu cầu người Pháp phải bảo đảm an toàn cho dân chúng. Thế là chỉ trong 5 ngày (20-24 tháng 6 năm 1867), Pháp chiếm gọn ba tỉnh miền Tây không tốn một viên đạn. Sau khi thành mất ông tuyệt thực suốt 17 ngày, rồi uống thuốc độc tự tử vào ngày 4 tháng 8 năm 1867, hưởng thọ 72 tuổi.

(Hình: Quan phục của tổng đốc Hà Nội Nguyễn Tri Phương do người Pháp lấy sau khi họ chiếm thành Hà Nội. Hiện vật của Bảo tàng Quân sự Pháp tại Les Invalides)

Nguyễn Tri Phương (1800-1873) là một đại danh thần Việt Nam thời nhà Nguyễn. Ông là vị Tổng chỉ huy quân đội triều đình Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873). giữ thành Hà Nội anh dũng chống trả đợt tấn công của đại quân Pháp. Năm 1873, Soái phủ Nam Kỳ phái Francis Garnier đem quân ra đánh úp thành Hà Nội. Quân Pháp bất ngờ đánh chiếm vòng phòng thủ bên ngoài của hai cửa phía nam, và vượt qua cầu trước khi quân trú phòng kịp bắn xuống. Đồng thời, pháo từ các pháo thuyền cũng bắn lên, khiến cho binh lính phòng thủ, do không quen với đạn pháo, bỏ chạy tán loạn khỏi thành theo cửa tây. Cùng lúc đó, hỏa lực quân Pháp cũng bắn vỡ cửa nam, và chỉ trong một giờ, quân Pháp đã treo cờ tam tài lên vọng lâu thành Hà Nội.

Con trai Nguyễn Tri Phương là Phò mã Nguyễn Lâm bị trúng đạn chết tại trận, Nguyễn Tri Phương cũng bị trọng thương. Ông được lính Pháp cứu chữa, nhưng ông khảng khái từ chối và nói rằng: "Bây giờ nếu ta chỉ gắng lây lất mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa". Sau đó, ông tuyệt thực gần một tháng và mất vào ngày 20 tháng 12 năm 1873 (1 tháng 11 Âm lịch), thọ 73 tuổi. Thi hài ông và Nguyễn Lâm được đưa về an táng tại quê nhà. Đích thân vua Tự Đức tự soạn bài văn tế cho ba vị công thần (Nguyễn Duy, Nguyễn Lâm, Nguyễn Tri Phương) và cho lập đền thờ Nguyễn Tri Phương tại quê nhà. Tấm gương quên mình vì nước của ông được nhân dân khâm phục, kính trọng, ông được thờ trong đền Trung Liệt (cùng với Hoàng Diệu) trên gò Đống Đa với câu đối:

Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích địa
Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự vọng thanh thiên

Dịch:

Kia thành quách, kia non sông, trăm trận phong trần còn thước đất
Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh

Hoàng Diệu (1829 - 1882) là một quan nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, người đã quyết tử bảo vệ thành Hà Nội khi Pháp tấn công năm 1882, nơi Nguyễn Tri Phương tự tử theo thành chín năm trước. Từ năm 1880 đến 1882, ông đã hai ba lần dâng sớ xin triều đình chi viện để củng cố phòng tuyến chống giặc tại Hà Nội, nhưng không nhận được hồi âm từ Huế. Ông đã chỉ đạo quân dân Hà Nội tử thủ chống lại quân đội Pháp, bất chấp triều đình Huế đã chấp nhận đầu hàng. Ngày 25 tháng 4 năm 1882 (tức ngày 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ), lực lượng Pháp với 4 tàu chiến và 400 binh sĩ dưới quyền chỉ huy của Đại tá Henri Rivière mở đợt pháo kích tấn công. Trong tình thế tuyệt vọng, Hoàng Diệu vẫn tiếp tục bình tĩnh dẫn đầu quân sĩ chiến đấu chống lại quân Pháp dù lực lượng ngày càng yếu đi, không thể giữ được thành nữa. Cuối cùng, Hoàng Diệu đã ra lệnh cho tướng sĩ giải tán để tránh thương vong. Một mình Hoàng Diệu vào hành cung, ông cắn ngón tay lấy máu viết di biểu tạ tội cho vua Tự Đức: “Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thân chết có quản gì, nguyện xin theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng.” Viết di biểu xong, ông ra trước Võ miếu dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự tử, hưởng dương 54 tuổi. Đó là ngày 25 tháng 4 năm 1882.

Nguyễn Khắc Nhu (1882–1930) là một chí sĩ yêu nước Việt Nam thời cận đại. Ông là phó chủ tịch trung ương đảng bộ của Việt Nam Quốc Dân Đảng thời kỳ trước 1930, phụ tá của anh hùng Nguyễn Thái Học. Ngày 9 tháng 2 năm 1930, ông trực tiếp chỉ huy trận đánh tập kích đồn binh Hưng Hoá và phủ lị Lâm Thao. Cuộc tập kích bất thành, bản thân ông bị trúng đạn nhưng vẫn tìm đường trốn thoát. Giữa đường ông dùng lựu đạn tự tử nhưng không chết và bị quân Pháp bắt được. Trên đường giải về trại giam, ông nhảy xuống sông tự trầm, nhưng lại bị quân Pháp vớt được và đem về giam ông tại Hưng Hóa. Tại đây, ngày 11 tháng 2 năm 1930, ông đập đầu vào tường giam tự tử để bảo toàn khí tiết, hưởng dương 49 tuổi.

Ngũ tướng tự sát của QLVNCH

Trong lịch sử chiến tranh hiện đại, biến cố 30-4-1975 và sự quyên sinh của năm vị tướng VHCH và hàng trăm quân cán chính VNCH là một sự kiện biểu hiện tinh thần bất khuất thà chết không hàng giặc vẫn còn tồn tại nơi nòi giống Tiên Rồng. Sự tuẫn tiết của chiến sĩ không phân biệt cấp bậc đền đáng ngưỡng phục như nhau nhưng cái chết của năm vị tướng được chọn như là sự tiêu biểu. Những vụ tự sát tập thể hoặc cá nhân của những chiến sĩ mũ đỏ Nhảy Dù như Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái cùng bảy chiến sĩ tại góc đường Trần Quốc Toản và đườngTổng Đốc Phương, Chợ Lớn; Chuẩn Úy Tô Chiêu Minh, Đại Đội 204/Quân Cảnh Nhảy Dù tự sát trước cổng Trường Trung Học Đắc Lộ, Tân Việt gần căn cứ Hoàng Hoa Thám đều đáng cho chúng ta cúi đầu ngưỡng phục.

Thiếu Tướng Phạm Văn Phú (1929-1975), Tư lệnh Quân Đoàn II Vùng II Chiến thuật.

(ĐKG Phạm Thế Trung)

Thiếu Tướng Phạm Văn Phú được bổ nhiệm giữ chức vụ Tư lệnh Quân đoàn II Vùng II Chiến thuật năm 1974. Giữa tháng 4 năm 1975, trong khi lâm bệnh do áp lực căng thẳng và trách nhiệm nặng nề, tướng Phú còn bị vị tổng tư lệnh trách móc và qui tội làm thất thủ Cao Nguyên. Trong tình thế cực kỳ khó khăn này, Thiếu Tướng Phú phải đương đầu với nhiều vấn đề sinh tử có tầm vóc quốc gia vượt ra khỏi quyền hạn nhỏ bé của ông. Ông bị đổ lỗi cho việc thất thủ của Ban Mê Thuột và bị bắt buộc tuân lệnh rút quân, thậm chí đặt ông vào tình trạng bất khiển dụng vì lý do sức khỏe ngay trong ngày 14.3.1975, hai ngày trước khi Quân Đoàn II rút quân ra khỏi cao nguyên. Thiếu Tướng Phú đau lòng theo dõi các mũi tiến quân của địch như vết dầu loang nhanh chóng thấm đỏ hết hai phần ba lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Người biết cái sinh mạng nhỏ bé của mình cũng co ngắn lại cùng với số mệnh của đất nước. Rồi khi những chiếc khăn rằn và những chiếc áo màu xanh rêu mốc đã tràn ngập khắp phố phường Sài Gòn trong ngày 30.4.1975, người chọn cái chết lưu danh thanh sử bằng cách uống độc dược để tỏ rõ ý chí bất khuất của người làm Tướng và chứng tỏ cho đối phương biết rằng họ có thể chiếm được đất nhưng không có thể quy phục được tiết tháo của những người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam (1927 – 1975), Tư Lệnh Quân Đoàn IV Vùng IV Chiến Thuật.

(ĐKG Phạm Thế Trung)

Theo một bài viết của tác giả Phạm Phong Dinh, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam là một Phật tử thuần thành ăn chay 15 ngày mỗi tháng, cố gắng tôn trọng những giới cấm, tránh phạm giới sát sanh hại vật nhưng vẫn chu toàn bổn phận của một quân nhân cầm súng chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Ông có một nếp sống thanh bạch giản dị, không vợ con, không nhu cầu vật chất xa hoa, sống đơn giản đến mức trở thành giai thoại. Khi lệnh buông súng đầu hàng được ban ra, Quân Khu IV và Vùng Bốn Chiến Thuật VNCH hầu như còn nguyên vẹn lực lượng. Các tướng lãnh chỉ huy quá ngỡ ngàng. Một mặt họ phải tuân lệnh thượng cấp nhưng một mặt tinh thần dũng tướng khiến họ khó có thể chịu đầu hàng một cách nhục nhã như vậy. Ðại cuộc không thành, thành mất thì tướng phải tuẫn tiết theo thành. Trong khi Sài Gòn bỏ ngõ đầu hàng thì Cần Thơ vẫn tương đối an ninh. Kế hoạch hành quân đã thảo xong. Vũ khí đạn dược sẳn sàng. Tất cả đều chuẩn bị cho các cánh quân di chuyển, sẽ đưa về các tuyến chiến đấu. Kế hoạch di quân, phản công, và bắt tay nằm trong lệnh mật hành quân đó. Vùng Bốn có nhiều địa thế chiến lược, có thể kéo dài chiến cuộc thêm một thời gian. Cho đến ngày 29 tháng 4 năm 1975, chưa có một đồn bót nào, dù ở quận lỵ xa xôi hẻo lánh của Vùng Bốn lọt vào tay giặc Cộng.

Phạm Phong Dinh thuật lại như sau: “Thiếu Tướng Nam lên xe đi vào Quân Y Viện Phan Thanh Giản Cần Thơ thăm những chiến hữu thương binh của người lần cuối cùng. Mối thương cảm vận nước đến hồi đen tối, chiến hữu gãy súng và thương phế binh chắc chắn sẽ bị quân địch tàn nhẫn đuổi ra nằm lê la trên hè phố bụi đất với những vết thương còn lở lói và rướm máu, đã làm cho đôi mắt của người sưng húp lên. Ðến tối Thiếu Tướng Nam quay trở về dinh Tư Lệnh nằm bên bờ con sông Cái Khế và nhận được tin Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Phó Quân Khu IV đã nổ súng tuẫn tiết trong văn phòng tại trại Lê Lợi. Ðến nửa đêm, Thiếu Tướng Nam trân trọng vận bộ lễ phục trắng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, với ngù vai, dây biểu chương, huy chương các loại gắn trên ngực áo, nghiêm chỉnh ngồi ngay ngắn trên chiếc ghế sau bàn Tư Lệnh. Rồi người đưa súng bắn vào màng tang, đầu người gục xuống về phía trái. Ngày hôm sau, các sĩ quan còn ở lại Bộ Tư Lệnh đã đứng nghiêm chào người anh hùng rồi an táng thi thể người trong Nghĩa Trang Quân Ðội Cần Thơ.”

Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ (1933-1975), Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh.

(ĐKG Phạm Thế Trung)

Sáng ngày 30 tháng 4, Tổng thống VNCH ra lệnh cho quân đội buông súng đầu hàng. Tướng Vỹ triệu tập sĩ quan và binh sĩ dưới quyền lần cuốị Bộ Tư Lệnh SĐ5BB ở Lai Khê Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Ông tuyên bố: “Vì tôi là tướng chỉ huy mặt trận, tôi không thể thi hành được lệnh nàỵ Tôi nghĩ thân làm tướng, phần nào đã hưởng vinh dự và ân huệ của quốc gia hơn các anh em, nên tôi phải chọn lấy con đường đi cho riêng tôi." Đoạn ông bình tĩnh bước ra sân, nghiêm trang đứng dưới cột cờ của Bộ Tư Lệnh, và rút súng ra tự sát. Lúc đó là 11 giờ sáng 30 tháng 4 năm 1975.

Nguyễn Văn Hải, Cựu Thiếu tá Quận Trưởng Quận Phú Giáo, Tỉnh Bình Dương kể lại giờ phút cuối của Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ như sau:

“Khoảng hơn một tháng trước 30 tháng 4 năm 1975, Tướng Vỹ có dặn tôi hãy chuẩn bị một số người lính trung thành để đưa ông và tôi đi. Tôi đoán biết sẽ đi Vùng 4 Chiến Thuật để tiếp tục chiến đấu, vì ở đó có Tướng Hưng, Tướng Nam là những người Tướng Vỹ có thể tin tưởng được. Tướng Vỹ mỉm cười nhìn chằm-chặp vào tôi, nhắc lại y như trên một lần nữa và thêm: “Coi chừng tiêu đó Hải”. Nói xong ông quay lưng bỏ đi ngay. Câu trả lời của Tướng Vỹ đã làm tôi hoàn toàn thất vọng. Tôi có cảm giác bị bỏ rơi và nghĩ hay là Tướng Vỹ đã có trực thăng sẵn sàng bốc ông rồi. Tôi lại nghi oan cho ông lần nữa. Không đầy một phút sau, tôi giật mình vì nghe có tiếng súng nổ. Tôi thấy Đại uý Nguyên tùy viên của Tướng Vỹ chạy ra nói lớn như khóc: ”Tướng Vỹ đã tự sát rồi!”

Tôi trách Đại úy Nguyên: ”Sao anh không tìm cách dấu súng của ông Tướng trước đi!” Đại úy Nguyên trả lời: ”Tôi biết ông có 6 khẩu súng cả thảy, tôi đã dấu hết, khẩu ông dùng để tự sát, tôi không biết ông lấy ở đâu.” Viên đạn súng colt đã xuyên từ cổ lên đầu Tướng Vỹ làm ông ra đi ngay. Tôi và Trung tá Vượng đã vào chào ông lần cuối. Cả hai chúng tôi sau đó đã bị VC bắt giữ và đi tù ngay cùng chiều hôm 30 tháng 4 năm 1975. Sau này tôi có nghe nhiều người nói rằng khi tên chỉ huy VC vào căn cứ Lai Khê thấy Tướng Vỹ tự sát đã tỏ lòng khâm phục và nói: ”Làm Tướng chết theo thành như Tướng Vỹ mới xứng đáng làm Tướng”.

Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng (1933 – 1975), Tư Lệnh Phó Quân Đoàn IV Vùng IV Chiến Thuật.

(ĐKG Phạm Thế Trung)

Ông từng là vị anh hùng tử thủ An Lộc đẩy lui sự tấn công vây hãm ròng rã suốt 68 ngày của bốn sư đoàn CSBV, vang danh quân sử Việt Nam và chiến sử thế giới và được xưng tụng là một trong những con mãnh hổ dũng cảm nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Phu nhân Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng kể lại những giây phút cuối của chồng như sau:

“Vâng lệnh Hưng, tôi mời tất cả binh sĩ còn tụ họp dưới nhà lên văn phòng. Mọi người đứng xếp hàng nghiêm trang và vô cùng cảm động. Giờ phút tử biệt giữa những người từng bao ngày sống chết bên nhau. Hưng dõng dạc nói: “Tôi không bỏ các anh và đưa vợ con trốn sang ngoại quốc. Như các anh đã biết, cuộc hành quân chưa chi đã bị gẫy đõ nữa chừng. Tôi không phản công vào phút chót là vì dân chúng. Tôi không muốn Việt Cộng pháo kích bừa bải, biến Cần Thơ thành An Lộc thứ hai. Tôi cũng không chịu nhục đầu hàng. Các anh đã từng cộng tác với tôi, những lúc các anh lầm lổi, tôi rầy la. Rày la không có nghĩa là ghét bỏ. Rày la để mến thương nhau, để xây dựng nhau. Mặc dầu đất nước ta bị bán đứng, bị dâng cho Cộng Sản, nhưng các anh không trực tiếp chịu tội với quốc dân. Chính những người trực tiếp nắm vận mệnh các anh, mới chính là những kẻ trọng tội. Xin các anh tha thứ cho tôi những lỗi lầm nếu có. Tôi bằng lòng chọn cái chết. Tướng mà không giữ được nước, không bảo vệ được thành, thì phải chết theo thành theo nước, chớ không thể bỏ nước, bỏ dân trốn chạy, cầu an. Tôi chết rồi các anh hãy về với gia đình, vợ con. Nhớ rõ lời tôi căn dặn, đừng bao giờ để Cộng Sản tập trung các anh, dù tập trung với bất cứ hình thức nào. Tôi có lời chào vĩnh biệt các anh.” Có tiếng súng nổ. Tiếng nổ nghe chát chúa. Tôi đưa tay xem đồng hồ: 8 giờ 45 tối ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngày kết liễu cuộc đời chúng tôi. Lê Văn Hưng, anh đã chết.”

Chuẩn Tướng Trần Văn Hai (1929 – 1975), Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh kiêm Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ Đồng Tâm.

(ĐKG Phạm Thế Trung)

Chuẩn Tướng Trần Văn Hai đã từng giữ các chức vụ Chỉ Huy Trưởng Binh Chủng Biệt Động Quân, và cũng từng làm Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia. Theo lời kể của Trung úy Huỳnh Văn Hoa, sĩ quan tùy viên của tướng Trần Văn Hai, trước ngày 30.04.1975 một tuần lễ, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có phái một chiếc trực thăng xuống căn cứ Đồng Tâm đón chuẩn tướngTư Lệnh về Sài Gòn nhưng ông đã từ chối, chỉ cho vợ con về thôi. Trung Úy Hoa kể rằng sau khi nghe lệnh đầu hàng, vị tư lệnh cho họp các sĩ quan tham mưu của BTL/SĐ7 tại Căn Cứ Đồng Tâm để ban huấn thị, ngỏ lời cám ơn cùng chào từ giã, ra lịnh cho tất cả mọi người trở về gia đình thu xếp cho vợ con, tránh đụng độ với quân địch đổ máu vô ích.

Đúng 03:00 giờ chiều tại văn phòng của vị Tư Lệnh, người sĩ quan tùy viên thấy chuẩn tướng Tư Lệnh ngồi im cúi đầu trầm tư như pho tượng gỗ. Một lúc sau ông ra dấu cho người tùy viên ngồi xuống chiếc ghế dành cho khách đặt trước bàn làm việc của ông. Trung úy Hoa kể rằng chuẩn tướng Hai nói "Anh cám ơn em đã ở bên cạnh anh trong giờ phút cuối cùng này. Vận nước đã đến hồi như vậy, không thể làm gì hơn được. Là quân nhân chúng ta phải tuyệt đối chấp hành lịnh thượng cấp" và nhờ đưa lại một gói quà cho mẹ và vợ con của ông ở Sài Gòn, xong cho phép người tùy viên lui ra và chờ lệnh. Đến 06 giờ chiều, trung úy Hoa vẫn không nghe thấy vị Tư lệnh gọi nên nôn nóng trở lại văn phòng Tư Lệnh thì đã thấy Chuẩn tướng Trần Văn Hai ngồi gục đầu mê man trên bàn làm việc. Một ly rượu lớn đã cạn còn ở trên bàn. Trung úy Hoa kể: “Tôi biết điều gì đã xảy ra... Tôi cấp tốc liên lạc với tiểu đoàn Quân Y và bệnh xá Sư Đoàn. Lúc ấy còn một vị thiếu tá bác sĩ ở bệnh xá. Tôi liền trình bày nhanh qua điện thoại tình trạng của chuẩn tướng Tư Lệnh. Chờ một lúc sau, ông thiếu tá bác sĩ lái chiếc xe jeep cứu thương đến văn phòng Tư Lệnh. Chúng tôi đặt chuẩn tướng Tư Lệnh nằm trên băng-ca và chở xuống bệnh xá Sư Đoàn ngay. Lúc này ông đã mê man bất tỉnh. Tại bệnh xá, sau một hồi tận lực cấp cứu, vị thiếu bác sĩ buồn rầu báo cho tôi biết, vì thuốc độc đã ngấm vào máu khá lâu, Chuẩn tướng Tư Lệnh đã không qua được cơn nguy kịch...”

Quan niệm tự sát vì nước trong thời cổ đại

Quan niệm quyên sinh vì tổ quốc đã có từ thời cổ đại. Người La Mã hoàn toàn chấp nhận và ca ngợi hành động tự tử vì lòng yêu nước, xem đó như là một sự thay thế chính đáng cho sự ô danh. Trường phái triết học Stoics của Hy Lạp cổ đại được triết gia Zeno khởi xướng tại Athens trong đầu thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên cho rằng cảm xúc tiêu cực là kết quả của những sự sai lầm trong phán đoán, và một nhà hiền triết hoặc một người hoàn thiện đạo đức và trí tuệ không nên cảm xúc như vậy. Stoics chủ trương khắc kỷ và vị tha, hy sinh quyền lợi cá nhân cho tập thể. Đối với quan niệm triết học Stoics này, cái chết là một bảo đảm tự do cá nhân, một lối thoát khỏi sự hiện hữu không thể chịu đựng được nữa trên cõi đời.

Trong thời này, tự tử đôi khi xảy ra sau một cuộc bại trận để tránh bị bắt giam, bị bắt làm nô lệ hoặc bị tra tấn sau đó. Chẳng hạn như Brutus và Cassius của La Mã đã tự tử sau khi thất bại tại trận chiến Philippi. Và những người Do Thái nổi dậy đã tự sát tập thể tại Masada vào năm 74 để khỏi phải bị quân La Mã bắt làm nô lệ.

 

Hannibal (247 BC– 183 BC) người Carthage được công nhận là một trong những vị tướng và nhà chiến thuật tài ba nhất trong lịch sử quân sự thế giới. Thành tựu nổi bật nhất của ông là trong trận chiến tranh Punic lần thứ hai, Hannibal đã dẫn một đội quân có voi trận từ Iberia qua 2 dãy núi Pyrenees và Alps để xâm nhập vào Bắc Ý. Hannibal đã đánh tan tác quân La Mã trong hàng loạt cuộc chiến, trong đó bao gồm những trận chiến tại Trebia , Trasimene và Cannae. Nhưng về sau, quân La Mã phản công, Hannibal bị các thế lực chính trị gây khó và bị phản bội đem nộp cho những người La Mã. Để bảo toàn danh dự Hannibal đã uống thuốc độc tự sát.

Marcus Antonius (83 TCN - 30 TCN) cũng được biết đến qua tên Anh ngữ là Mark Antony, là một chính trị gia và một thống chế La Mã. Ông là một người ủng hộ quan trọng và là một người bạn trung thành của Gaius Julius Caesar như là tướng lĩnh quân đội và là người thừa kế tài sản trở thành một người cháu thứ 2 của Ceasar. Sau vụ ám sát Ceasar, Antonius chính thức thành lập một liên minh chính trị với Octavian (Augustus) và Marcus Aemilius Lepidus, được biết đến trong lịch sử ngày nay với tên chế độ tam đầu chế II. Chế độ này bị phá vỡ vào năm 33 TCN. Bất đồng giữa Octavian và Antony nổ ra cuộc nội chiến kéo dài trong hai năm và kết thúc Cộng Hòa La Mã vào năm 31 TCN. Antonius bị đánh bại bởi Octavian tại trận thủy chiến Actium và tại trận đánh quyết định bên ngoài Alexandria. Ông buộc phải tự tử và người tình của ông, nữ hoàng Ai Cập Cleopatra, cũng tự sát ngay sau đó.

Thà chết chứ không hàng trong hai cuộc thế chiến

Aleksandr Vassilievich Samsonov (1859 – 1914) là vị tướng chỉ huy quân sự của quân đội Đế quốc Nga, từng tham gia Chiến tranh Nga-Nhật và Thế chiến thứ nhất. Ông tự sát sau thất bại của quân Nga trong trận Tannenberg. Khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, Samsonov được giao quyền chỉ huy Tập đoàn quân số 2 Đế quốc Nga thực hiện cuộc tấn công vào Đông Phổ của Đức vào đầu tháng 8 nhằm làm giảm áp lực cho nước Pháp ở mặt trận phía Tây. Samsonov tấn công từ Ba Lan tiến về phía tây nam nhằm phối hợp với Tập đoàn quân số 1 của tướng Paul von Rennenkampf tấn công từ đông bắc. Tuy nhiên sự liên lạc yếu kém cùng những mâu thẫn của hai vị tướng vốn bắt nguồn từ trận Mukden trong Chiến tranh Nga-Nhật nên hai cánh quân này đã không có sự phối hợp cần thiết và sau đó đã dễ dàng bị Đức đánh bại nhờ giải mã được những công điện mật của quân Nga.

Sau khi quân Đức rút khỏi Đông Phổ, Paul von Hindenburg và Erich Ludendorff đã được đưa đến thay thế Maximilian von Prittwitz chỉ huy Tập đoàn quân số 8 Đức. Hai vị tướng này nhanh chóng lập ra một kế hoạch bao vây Tập đoàn quân số 2 Nga và đến ngày 29 tháng 8, kế hoạch này đã hoàn toàn thành công, Tập đoàn quân số 2 Nga đã bị nhốt chặt tại Tannenberg.

Samsonov tìm mọi cách để rút lui nhưng giờ đây tập đoàn quân của ông đã bị vòng vây tập đoàn quân số 8 Đức siết chặt. Vào ngày 30 tháng 8 khi trận Tannenberg kết thúc, chỉ còn 10.000 trong tổng số 150.000 quân Nga thoát được, số còn lại bị giết hoặc bị bắt làm tù binh. Đây được xem là một thảm họa của quân Nga ngay khi chiến tranh vừa bắt đầu. Choáng váng vì thất bại và không còn mặt mũi nào để báo tin về thất bại này cho Sa hoàng Nikolai II, Samsonov đã quyết định rút súng tự bắn vào đầu tại Willenberg vào ngày 29 tháng 8 năm 1914.

Trong Thế chiến II, các đơn vị Nhật Bản thường chiến đấu đến người lính cuối cùng hơn là đầu hàng. Trong tuyệt vọng khi cuộc chiến tranh sắp đến hồi kết thúc, hải quân Nhật Bản đã gửi những phi công Thần Phong quyết tử tấn công tàu Đồng minh. Chiến thuật này mang đậm ảnh hưởng của văn hóa chiến binh hiệp sĩ Nhật vốn xem việc mổ bụng tự sát là điều cần thiết để bảo vệ danh dự và tránh sự đầu hàng nhục nhã. Quan niệm đó cũng một phần cho thấy lý do tại sao Nhật Bản đối xử tù nhân chiến tranh khá gay gắt. Trong cái nhìn của người Nhật, sự đầu hàng thay vì chiến đấu cho đến chết cho các chiến sĩ phe Đồng Minh chứng tỏ đối phương không xứng đáng được đối xử với danh dự. Chính vì lý do đó, tại mặt trận Tân Gia Ba, quân đội Nhật đã xử tử một toán phi công Úc, không phải do lòng thù hận mà trái lại, do lòng ngưỡng mộ tinh thần chiến đấu dũng cảm của toán phi công Úc đó.

(Hình: Một toán TQLC Mỹ đang làm lễ hạ huyệt có phủ cờ Nhật cho Trung Tướng Yoshige Saito sau khi đã tìm thấy thi hài ông trong một hang động trên đảo Saipan)

Trong trận tấn công đảo Saipan mở màn ngày 13-6-1944, lực lượng Hoa Kỳ nả hàng trăm ngàn đạn pháo trước khi tung hai sư đoàn TQLC và Bộ Binh đổ bộ lên đảo tạo áp lực tấn công liên tục cho quân trú phòng Nhật. Ngày 7 tháng 7, quân Nhật không còn đường lùi. Trung Tướng Yoshitsugu Saito ra lệnh cho những người lính lành lặn còn lại của ông-khoảng 3000 người-tự sát, sau đó ông cũng tự vẫn. Hàng trăm thường dân Nhật cũng tự sát trong những ngày cuối của trận chiến. Trong đó, một số nhảy xuống hai vực sâu (Suicide Cliff, Vực đá tự sát và Banzai Cliff, Vực đá vạn tuế). Những nỗ lực của lính Mỹ nhằm thuyết phục họ đầu hàng thay vì tự sát đa số không có hiệu quả.

Khi Hoàng Đế Chiêu Hòa của Nhật Bản tuyên bố đầu hàng Phe Đồng Minh ngày 14/8/1945, hơn năm trăm sĩ quan quân đội Nhật hoàng chọn lựa tự tử theo tinh thần hiệp sĩ đạo để khỏi mang lấy mối nhục qui hàng và bị mang ra xét xử.

Chỉ mấy tháng trước đó, trận đánh trên đảo Okinawa còn đang diễn ra ác liệt và kinh hoàng gây thương vong cho hàng trăm ngàn chiến binh.

(Hình: Đài tưởng niệm Nền Tảng Hòa Bình có khắc tên của 240,931 chiến binh hai bên tử trận trong trận chiến Okinawa.)

Ngày 11 tháng 6, sư đoàn 6 TQLC Hoa Kỳ đã bao vây toàn bộ quân Nhật tại một vị trí phòng thủ.Thiếu tướng Minoru Ota, sĩ quan chỉ huy cao cấp nhất ở đó của Nhật đã gửi điện tín vĩnh biệt đến Sở chỉ huy Quân đoàn 32 Nhật vào lúc 16 giờ ngày 12 tháng 6. Ngày 13 tháng 6, Ota đã cùng 6 sĩ quan tham mưu rạch bụng tự sát.

Chiều ngày 15 tháng 6, trong một hang động lớn, đại tá Kanayama, trung đoàn trưởng trung đoàn 27 bộ binh tập hợp 102 người còn lại của trung đoàn. Ông ta làm lễ đốt quân kì trung đoàn và nói: “Trong ba tháng vừa qua, anh em đã cùng tôi chiến đấu. Lòng dũng cảm, chí hi sinh, sức chịu đựng của anh em, lịch sử sẽ khắc sâu. Nay tôi nói lời cám ơn anh em đã phục vụ quên mình. Giờ đây, tôi tuyên bố giải thể trung đoàn. Từ nay trở đi, anh em không còn bị ràng buộc, tôi lãnh trách nhiệm về việc này. Riêng tôi, tôi sẽ vĩnh viễn ở lại đây. Nhưng tôi cấm anh em theo tôi. Ra lệnh cho anh em phải sống để kể lại cho hậu thế biết quân đội Nhật Bản đã anh dũng chiến đấu như thế nào ở Okinawa.” Đoạn ông ta rút gươm mổ bụng tự sát. Đại úy Sato chặt đứt đầu đại tá Kanayama theo đúng nghi thức và hô to Thiên Hoàng vạn tuế rồi chĩa súng lục vào đầu bóp cò tự sát.

Cũng trong ngày 21 tháng 6, trong chỉ huy sở của mình tại Mabumi, Tướng Ushijima và mọi người đều hớt tóc, cạo râu. Sau đó ông viết thư trình lên Thiên hoàng Hirohito báo cáo về tình hình chiến sự tại Okinawa và tạ tội không giữ được đảo. Thư được điện về Bộ tổng tham mưu quân đội Hoàng gia tại Tokyo. Cuối cùng, ông nói với đại tá Yahara: “Này Yahara, tôi và ông chắc sẽ mổ bụng tự sát. Nhưng tôi ra lệnh cho ông ở lại. Nếu ông chết, sau này còn ai có thẩm quyền để kể lại về trận chiến Okinawa này. Mặc dù sống sau khi thua trận là nhục nhã, nhưng tư lệnh của ông ra lệnh cho ông phải chịu cái nhục này. ”

Chiều ngày 22 tháng 6, tướng Ushijima và tướng Cho quỳ gối hướng về phía Hoàng cung vái ba vái và tiến hành lễ tự sát. Tướng Cho đưa cổ cho đại úy Sakaguchi chém đầu. Tướng Ushijima lấy gươm tự mổ bụng, tiếp theo đó bảy sĩ quan tham mưu cùng tự sát.

Kết luận
Có một điều khác biệt quá rõ ràng giữa năm vị tướng QLVNCH tuẫn tiết và những trường hợp thà chết không hàng giặc còn lại trong bài này. Đó là sự an vị mộ phần xứng đáng với lăng tẫm, với đền thiêng hay đài tưởng niệm uy nghiêm. Tàn cuộc binh đao, đối phương thắng trận dành cho kẻ cựu thù sự kính trọng bằng tinh thần thượng võ. Tiếc thay, năm vị tướng và quân dân VNCH không nhận được sự đối xử nhân bản đó bởi người cộng sản chiến thắng. Nghĩa trang quốc gia của VNCH bị cố tình để cho tàn rụi với mưa gió phong sương và đi vào trong quên lãng của thời gian. Do đó, việc xây dựng một đài tưởng niệm cho năm vị tướng anh hùng đó và những tử sĩ miền Nam chỉ còn có thể trông chờ vào chính công sức của tập thể người Việt lưu vong mà thôi.

Phan Hạnh

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥 Bản Tin Trong Ngày-23/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link