Saturday, June 16, 2012

Aung San Suu Kyi : Từ tù nhân can đảm trở thành dân biểu Quốc hội

MIẾN ĐIỆN - Bài đăng : Thứ bảy 16 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 16 Tháng Sáu 2012

Aung San Suu Kyi : Từ tù nhân can đảm trở thành dân biểu Quốc hội

Aung San Suu Kyi bên cạnh thủ tướng Jens Stoltenberg và quốc vương Na Uy Haraldduring (phải) tại Oslo 15/06/ 2012  (AFP)

Aung San Suu Kyi bên cạnh thủ tướng Jens Stoltenberg và quốc vương Na Uy Haraldduring (phải) tại Oslo 15/06/ 2012 (AFP)

Thanh Phương  RFI

Có người đã so sánh bà Aung San Suu Kyi với Nelson Mandela, lên cầm quyền ở Nam Phi sau 27 năm ngục tù. Trong 24 năm đấu tranh dân chủ, bà đã bị giam cầm hoặc quản thúc tại gia tổng cộng 15 năm. Nhưng dù bị tù đày hay là công dân tự do, Giải Nobel Hòa bình 1991 vẫn không thay đổi : không hề sợ hãi trước bạo quyền, không nuôi hận thù với kẻ thù cũ.

Thời thế tạo anh hùng. Vào năm 1988, lúc đó đang sống với chồng con ở Anh quốc, bà Aung San Suu Kyi đã trở về Miến Điện để thăm mẹ đang lâm bệnh nặng. Nhưng người con gái của vị anh hùng dân tộc Miến Điện Aung San đã hy sinh hạnh phúc gia đình, ở lại sát cánh với đồng bào, khi cuộc nổi dậy của quần chúng bị dìm trong biển máu. 

Tháng 9/1988, Aung San Suu Kyi và một số người khác đứng ra thành lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Chỉ vài tháng sau, bà đã bị quản thúc tại gia lần đầu tiên năm 1990. Mặc dù lãnh đạo bị giam cầm, Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ đã giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội năm đó. Nhưng tập đoàn quân phiệt cầm quyền đã không công nhận kết quả này. 

Ngay từ năm 1991, thế giới đã tuyên dương cuộc đấu tranh cho dân chủ của bà Aung San Suu Kyi qua việc trao tặng Giải Nobel Hòa bình, mà các con trai và chồng của bà phải đến Oslo nhận thay, vì bà đang bị quản thúc tại gia. Khi chồng qua đời vì bệnh ung thư năm 1999 ở Anh quốc, Aung San Suu Kyi đã quyết định vẫn ở Miến Điện, vì sợ rằng một khi rời khỏi nước, bà sẽ không được quay trở về. 

Đúng 21 năm sau, lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi, mà vài ngày nữa sẽ mừng sinh nhật 67 tuổi, mới đến được thủ đô Na Uy để đọc bài diễn văn nhận giải Nobel, nhờ tình hình Miến Điện nay đã thay đổi rất nhiều. Chính quyền « dân sự », thay thế tập đoàn quân phiệt bị giải tán, đã tiến hành nhiều cải cách theo hướng dân chủ hóa. Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ trở thành đảng đối lập hàng đầu ở Quốc hội và bà Aung San Suu Kyi đắc cử dân biểu, được tự do đi lại. 

Thật ra, như nhận định của đại sứ Úc tại Rangun, ông Trevor Wilson, vai trò mới của bà Aung San Suu Kyi trên sân khấu chính trị Miến Điện vẫn chưa được định hình rõ ràng. Nhưng trong cuộc tranh cử vừa qua, mỗi khi nhà đối lập Miến Điện đến đâu, bà đều được đông đảo dân chúng đón tiếp cuồng nhiệt, cho thấy họ đặt rất nhiều hy vọng vào bà. 

Uy tín của bà Aung San Suu Kyi ở nước ngoài cũng vẫn không suy giảm, thể hiện qua chuyến xuất ngoại đầu tiên từ năm 1988 tại Thái Lan cách đây khoảng hơn 2 tuần lễ, cũng như qua chuyến công du châu Âu lần này. Khi đến thăm Quốc hội Thụy Sĩ hôm qua, bà đã được các dân biểu đứng dậy vỗ tay chào mừng, thể hiện sự kính nễ đặc biệt đối với vị khách này. 

Cách đây 21 năm, tại Oslo, con trai trưởng của Aung San Suu Kyi, Alexander, trong một bài diễn văn gây xúc động cho toàn thể cử tọa, đã nói : « Tôi biết rằng, nếu hôm nay được tự do, mẹ tôi sẽ xin quý vị cầu nguyện cho những kẻ áp bức và những kẻ bị áp bức từ bỏ vũ khí để đoàn kết xây dựng một quốc gia dựa trên lòng nhân ái, trong tinh thần hòa bình ». 

Quả thật là bà Aung San Suu Kyi dù trong những ngày tháng đen tối nhất, vẫn tin tưởng là một ngày nào đó, dân chủ sẽ đến với Miến Điện, cho nên bà đã không hề sợ hãi. Đúng là một tấm gương cho các nhà đấu tranh cho dân chủ và dân quyền toàn thế giới. Với chủ trương đấu tranh bất bạo động giống như Gandhi, Aung San Suu Kyi cũng đã biết tỏ ra khoan dung với những người đã từng đày ải bà, gác bỏ hận thù để cùng với các cựu tướng lãnh đưa Miến Điện đi theo con đường hòa giải dân tộc, yếu tố cần thiết để xây dựng dân chủ và phát triển kinh tế Miến Điện. 

Nhưng rất sáng suốt, Aung San Suu Kyi cũng thường khuyên mọi người là đừng nên lạc quan quá mức về tương lai của Miến Điện. Trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Na Uy tại Oslo hôm qua, Giải Nobel Hòa bình 1991 đã nhấn mạnh : « Chúng tôi hãy còn xa mới đến được mục tiêu. Con đường này sẽ không đơn giản, dễ dàng, mà sẽ rất cam go và đầy trở ngại ». 

Dầu sao, đối với ông Geir Lundestad, thư ký điều hành Ủy ban Nobel, việc bà Aung San Suu Kyi đến được Oslo là cả một « bài học lạc quan ». Ông tuyên bố : « Điều đó cho thấy là về lâu dài, không ai có thể cầm quyền trái với ý nguyện của nhân dân ».

 

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link