Hết cơn quy mã đến hồi … mã quy
Thạch Hồng
Chuyện tiếu lâm khôi hài đen đang thịnh hành trong nước kể rằng “Sau 30/4/1975, dân miền Nam lâm cảnh cùng cực, đói khổ quá mức chẳng biết làm sao, bèn đến Lăng Ông Bà Chiểu cầu khẩn xin xâm nhờ “Ông” chỉ dạy. Quẻ ra không lời, chỉ có hình vẽ con rùa đi trước, con ngựa đi sau. Quẻ được diễn giảng rằng “theo chữ Nho, rùa là Quy, ngựa là Mã. Quy Mã nghĩa là …qua Mỹ!” Thế là dân đen miền Nam ùn ùn kéo nhau ra biển ... quy Mã và ai qua được thì đời họ (và gia đình) bớt khổ thấy rõ. Thấy vậy, lần lượt cán bộ CS từ tép riu đến chóp bu cũng đua nhau … quy Mã! Chóp bu thì thay phiên nhau qua rồi về, về rồi qua để kiếm chác, làng nhàng tép riu không có thế lực để qua thì cho con cái kéo nhau qua làm đầu cầu phòng … hậu sự!
Nay đến lượt giới chóp bu CSVN lâm cảnh khốn đốn, ngoài thì bị Tàu bức hiếp, o ép, trong thì dân tình bất mãn, chống đối khiến họ loay hoay như gà mắc tóc lo lắng bị mất cả quyền lẫn mạng. Không tin ở Lăng Ông trong Nam, các lãnh đạo CS bèn rủ nhau vào … Lăng Ba đình xin quẻ xem bao giờ thì hết bí!
Quẻ ra cũng chỉ có 2 tấm hình, con Ngưa ra trước, con Rùa ra sau. Bộ Chính trị họp khẩn trương liên tục 10 ngày đêm mới tìm được lời giải: Mã trước, Quy sau, đọc là Mã Quy, nghĩa là .. Mỹ Qua mới hết bí!
*
Chuyến viếng thăm Việt Nam của Bộ trưởng QP Hoa Kỳ Leon Panetta mới đây được công luận chú ý đặc biệt trong bối cảnh tình hình biển Đông đang nóng bỏng vì thái độ lâu nay của Trung Cộng công khai bày tỏ tham vọng lấn át tât cả các nước trong vùng biển chiến lược này (chính yếu là VN và Phi Luật Tân) để dành quyền bá chủ.
Là Bộ trưởng QP đầu tiên của Hoa Kỳ (sau 1975) có mặt tại Cam Ranh, từng có thời là quân cảng quan trọng nhất nhì trong chiến lược Đông Nam Á của Mỹ, chỉ 1 ngày sau khi tuyên bố tại Diễn đàn an ninh “Đối thoại Shangri-la tại Singapore” rằng “ Hoa Kỳ đang tái phối trí lực lượng chiến lược¸ gia tăng sự hiện diện quân sự của mình tại vùng Á châu-Thái Bình Dương với mục đích cân bằng sức mạnh ở khu vực có ảnh hưởng đến quyền lợi quốc gia tối thượng của nước Mỹ”, ông Panetta tỏ ý hoan nghênh việc tàu Mỹ được lui tới và sử dụng cảng Cam Ranh là một yếu tố quan trọng để xây dựng và củng cố mối quan hệ Mỹ-Việt, đồng thời ước mong mối quan hệ quân sự này càng lúc càng phát triển hơn, cả phẩm lẫn lượng!
Mạnh mẽ hơn, Bộ trưởng QP Mỹ nói thêm, Hoa Kỳ muốn đặc biệt hợp tác với Việt Nam trong các vấn đề hàng hải quan trọng, trong đó có bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông". Ông Panetta kêu gọi các nước Đông Nam Á (ám chỉ cả Trung Cộng) đưa ra một bộ quy tắc ứng xử, gồm những luật lệ điều hành quyền lưu thông và đặc quyền trên biển đồng thời tổ chức những cuộc hội thảo đa phương để giải quyết những tranh chấp.
Đồng thời, Bộ trưởng QP Mỹ đưa ra chi tiết về kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, cụ thể là tăng số lượng chiến hạm và binh sĩ luân phiên nhau hiện diện trong vùng này. Kế hoạch quốc phòng của Mỹ đã dự trù, đến năm 2020, HQ có thể đưa thêm 8 chiến hạm tối tân sang khu vực AC-TBD, và nói chung, khoảng 60% lực lượng hải quân Mỹ sẽ được phối trí tại vùng này .
Sau Cam Ranh, ông Leon Panetta đã ra Hà Nội và được các viên chức quân sự CSVN chào đón ngay tại phi trường, và tiếp theo đó đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng CSVN. Hai bên đã thảo luận nhiều điểm liên quan đến bản ghi nhớ về chuyện hợp tác quốc phòng đã ký với nhau năm 2011 tại Hoa Kỳ (“thiết lập cơ chế đối thoại thường xuyên cao cấp giữa giới chức QP Mỹ và QP-CSVN, an ninh biển, tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm về hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa”).
Sau đó, Bộ trưởng QP Mỹ cũng gặp Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng. Tuy không có một thông cáo hay tuyên bố chung nào giữa 2 Bộ trưởng QP được đưa ra, cũng như các cơ quan truyền thông thông của nhà nước CSVN chỉ tường thuật rất bài bản về chuyến viếng thăm và hội đàm này của Bộ trưởng QP Hoa Kỳ, công luận được biết rằng, trong các cuộc tiếp xúc, ông Leon Panetta đã yêu cầu Hà Nội cho Hải quân Mỹ được gia tăng việc sử dụng hải cảng Cam Ranh, một trong các cảng nước sâu có vị trí địa lý-chiến lược thuận lợi nhất khu vực.
Cần nhắc lại là cho tới nay CSVN đã đồng ý cho tàu Mỹ được ghé Cam Ranh để sửa chữa và bảo trì nhưng con số còn hạn chế và chỉ là các loại tàu dân sự, hoặc quân sự nhưng không vũ trang. Giới chức quốc phòng CSVN lâu nay đã nhiều lần lập đi lập lại điều này, nhằm giảm bớt sự suy đoán là HàNội đang công khai ngả về Mỹ nhằm đối phó với Bắc Kinh.
Điển hình là Thứ trưởng QP/CSVN, Tướng Nguyễn Chí Vịnh, mới đây nhấn mạnh rằng “hoạt động của tàu Mỹ tại Cam Ranh chỉ là những hoạt động kinh tế bình thường".
Tuy nhiên các chuyên viên quốc tế lâu năm theo dõi tình hình khu vực lâu năm cho rằng đó chỉ là cách CSVN cố tìm cách tránh làm phật lòng Trung Cộng, không muốn có bất kỳ hành động nào bị coi là công khai khiêu khích và đối đầu Bắc Kinh”.
Dù Hà Nội có cố hạ bớt ý nghĩa chuyến viếng thăm của Bộ trưởng QP Hoa Kỳ đến đâu, thì Bắc Kinh vẫn không dấu giếm thái độ bực bội của họ. Nhiều bài viết trên các trang mạng tại Hoa Lục đã công khai dùng lời lẽ nóng nảy, cứng rắn phê bình điều họ gọi là “chủ trương thù địch của Mỹ ra sức bao vây để khống chế Trung quốc”.
Các cơ quan ngôn luận chính thức của nhà nước Trung Cộng thì “khuyến cáo Hoa thịnh Đốn cẩn trọng, xét lại chính sách để tránh không gây ra bất ổn cho khu vực cũng như cho tình hình ổn định an ninh toàn cầu”.
*
Tính đến nay, Hoa Kỳ và CSVN đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với nhau được 17 năm (1995-2012) và lần này, lời tuyên bố của Bộ trưởng QP Leon Panetta “quan hệ giữa hai nước đã tiến được một bước dài, hai bên có một mối liên hệ phức tạp nhưng không bị trói buộc bởi lịch sử” có nghĩa, rõ ràng giới lãnh đạo Hoa Kỳ đã nói thẳng không úp mở rằng “cuộc chiến VN trước kia [lịch sử] nay không còn là chướng ngại nữa”.
Thế nhưng như vậy đã đủ để đến hồi … Mã Quy chưa?
*
Quả thật, trong khoảng 10 năm qua, chuyện người Mỹ trở lại VN đã diễn ra dưới nhiều hình thức, nhất là viện trợ. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chỉ tiến hành một cách từ từ, chậm chạp và nặng ý nghĩa biểu tượng hơn là thực chất.
Trở ngại chính ngăn cản CSVN được hưởng ‘đầy đủ và quy mô sự yểm trợ mọi mặt của Mỹ” chính là vấn đề “dân chủ, nhân quyền”.
Đây là lĩnh vực khiến lần lượt các chính quyền Hoa Kỳ trong 17 năm qua, từ Bill Clinton, sang George W Bush III đến Barak Obama, vẫn bị áp lực của Quốc hội Mỹ chưa cho gia tăng và phát triển đầy đủ mọi lĩnh vực quan hệ với nhà nước CSVN, cho dù các cấp lãnh đạo chính trị và quân sự ở Hà Nội thay phiên nhau … Quy Mã vận động.
Riêng về mặt cải tiến và gia tăng khả năng quốc phòng, nhiều lần các giới chức CSVN đã tha thiết yêu cầu được Hoa Kỳ viện trợ và bán các loại vũ khí tối tân nhưng cho tới nay, đó vẫn chỉ là niềm mơ ước của Hà Nội.
Theo Thượng nghị sĩ John McCain tiết lộ thì, đầu năm nay 2012, khi ông cùng một phái đoàn dân biểu, nghị sĩ Hoa Kỳ thăm viếng một số nước Ðông Nam Á, Hà Nội đã đưa ra một danh sách rất dài các loại trang bị võ khí muốn mua của Mỹ. Tuy nhiên, TNS McCain khẳng định “ CSVN chỉ có thể được mua vũ khí của Mỹ nếu tình hình nhân quyền tại VN được cải thiện cụ thể và rõ rệt”.
Trước đó, khi sang Hoa Kỳ vào năm 2010, Bộ trưởng QP-CSVN Phùng Quang Thanh đã yêu cầu “chính phủ Mỹ ngăn chặn việc thông qua dự luật Nhân Quyền Việt Nam, vốn từng nhiều lần được thông qua ở Hạ Viện nhưng bị chặn tại Thượng Viện” để tránh hậu quả ngăn Hà Nội không được mua vũ khí của Mỹ.
Vì vậy, dù Bộ trưởng QP Leon Panetta có nhấn mạnh chuyện “Mỹ muốn gia tăng và phát triển mạnh mối quan hệ hợp tác mọi mặt với CSVN”, ước muốn của Hà Nội được mua vũ khí loại cao cấp của Mỹ hẳn lần này cũng chưa đạt được. Vì thế , giới lãnh đạo CSVN phải chữa thẹn qua lời tuyên bố của Bộ trưởng QP Phùng Quang Thanh mới đây, ngay trước khi ông Panetta đến Hà Nội, rằng “vì khả năng tài chánh hạn chế nên có nhu cầu mua sắm vũ khí trang bị từ phía Mỹ không nhiều”.
Hôm 24/5, trả lời báo Vietnam Net về triển vọng được mua sắm các loại vũ khí tối tân nhất thế giới của Hoa Kỳ, Phùng Quang Thanh nêu ra nhiều rào cản chưa vượt qua được bên cạnh khả năng tài chính rất hạn chế. Ông ta nói rằng “Hiện HK chưa bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với VN, chưa công nhận VN có nền kinh tế thị trường.
Hà Nội đã yêu cầu Mỹ bỏ lệnh cấm vận đó nhưng Quốc Hội Mỹ chưa thông qua.” Bộ trưởng QP-CSVN nói thêm “vì khả năng tài chính hạn chế, trong khi các loại vũ khí tối tân của Mỹ đắt gấp nhiều lần so với các loại tương tự do Nga sản xuất mà VN là khách hàng truyền thống, nên nhu cầu mua sắm vũ khí trang bị từ phía Mỹ không nhiều.” Phùng Quang Thanh cho hay “CSVN chỉ có nhu cầu mua sắm vật tư cho các loại vũ khí trang bị kỹ thuật khối lượng khá lớn do VNCH bỏ lại như trực thăng, chiến xa, đại bác, tàu chiến”.
Thực tế, ngay chính yêu cầu của Hà Nội xin mua của Mỹ cơ phận bảo trì, thay thế cho những chiến cụ, vũ khí này vẫn bị từ chối, dù chúng đã quá cũ và lỗi thời, nhưng với Hà Nội thì “có còn hơn không”.
Chẳng thế mà trước đó nữa, nguyên Bộ trưởng QP-CSVN Tướng Phạm văn Trà đã từng sang Nam Hàn để xin được mua phụ tùng thay thế cho các loại chiến xa và thiết vận xa của QL/ VNCH để lại (vì Nam Hàn được nhà sản xuất Hoa Kỳ cấp phép sản xuất thiết vận xa theo bản quyền).
*
Xem vậy thì quẻ Mã Quy cho giới lãnh đạo CSVN ở Hà Nội vẫn chưa ứng nghiệm! Đó là chưa kể bài học của VNCH (và cả của Đài Loan) năm 1972 khi Richard Nixon đến Bắc Kinh bắt tay với Mao Trạch Đông, lập quan hệ chính thức với Trung Cộng buộc mọi người vẫn tiếp tục phải dè dặt về chuyện “vị trí và số phận VN trong bàn cờ quan hệ quốc tế”.
Thực tế, mối giao thương giữa Hoa Kỳ với Trung Cộng hiện nay nhiều gấp hang trăm lần so với mối giao thương giữa Mỹ với VN, cũng như hiểm họa CS Bắc Hàn có vũ khí nguyên tử đang là nỗi lo lắng hang đầu của Hoa Kỳ và các đồng minh Nhật Bản, Nam Hàn.
Người Mỹ hiểu rằng, chỉ có Trung Cộng mới có thể hóa giải bài toán hóc búa này một cách êm thắm và chính Bắc Kinh thừa hiểu lợi thế này sẵn sàng khai thác bằng cách dung dưỡng nhưng luôn luôn kìm hãm trong tầm kiểm soát của mình để dùng làm con bài mặc cả với Hoa Kỳ về mọi mặt, kể cả mối tham vọng bành trướng ảnh hưởng trên Biển Đông.
Thạch Hồng
__._,_.___
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment