Sunday, June 10, 2012

Cần chăng một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc?

09/06/12 |

Cần chăng một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc?

Trong bài Việt Nam Nhất Định Có Cách Mạng Sớm Nếu . . . tác giả Nguyễn Ngọc Già đã viết: “Người viết bài tự đặt câu hỏi: Xã hội Việt Nam ngày nay có phải vẫn cần ‘Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, NHƯNG kết hợp cuộc cách mạng tự do dân chủ’?” Tuy là tác giả NNG đã nói rất rõ là tự hỏi chính mình nhưng tôi cũng xin được mạn phép tham dự để đóng góp một số suy nghĩ của mình cho đáp án của câu hỏi đó.

“[C]ần [chăng một] cuộc cách mạng giải phóng dân tộc?” Đây là một câu hỏi tuyệt vời. Cũng là một câu hỏi cực kỳ quan trọng. Không đúng, phải nói là quan trọng hơn hết trong tất cả những câu hỏi quan trọng mà bất cứ ai muốn tìm một giải pháp chính trị cho “một đất nước đang đứng trước những thử thách lớn” cũng cần phải đặt ra.

Quan trọng hơn hết là bởi vì “một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc” là một trong số những giải pháp chính trị nhưng lại là một giải pháp triệt để và toàn diện hơn hết, nó đòi hỏi một sự vận động rộng lớn từ phía quần chúng, nó có thể đòi hỏi quần chúng phải đối kháng trực diện với bạo lực của nhà cầm quyền đương thời, nó thể hiện quyết tâm cao độ của nhân dân, nó có khả năng đẩy đất nước vào một lộ trình mới (và lộ trình đó có sáng sủa hay không còn tùy thuộc vào những động lực chính trị).

Quan trọng hơn hết là vì nếu không có lý do chính đáng và nếu rõ ràng có con đường nào khác tốt hơn thì câu hỏi “cần chăng một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc?” đã không được đặt ra.

“[C]ần [chăng một] một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc?” Để trả lời câu hỏi này ít ra chúng ta cần phải hỏi: Tại sao dân tộc cần phải được giải phóng và giải phóng dân tộc khỏi cái gì? Tại sao phải là một cuộc cách mạng mà không là một giải pháp nào khác?

Chúng ta rất may mắn là đã có mặt và sống trong Thời Đại Tri Thức và đã chứng kiến sự giàu có của rất nhiều người, xuất thân từ những thành phần khác nhau và ở những quốc gia khác nhau khắp nơi trên thế giới, nhờ vào số vốn tri thức của họ.

Ở những thời đại trước, từ những thời đại sơ khai cho đến Thời Đại Nông Nghiệp, cho đến ngay cả Thời Đại Công Nghiệp, người ta làm ra được một sản phẩm thì chỉ có thể bán được một lần duy nhất sản phẩm đó cho một người tiêu thụ, tức là một món hàng đã bán cho anh A rồi thì không thể bán nó cho chị B. Để làm ra sản phẩm người ta cần có đất đai, nguyên vật liệu, máy móc và sức lao động. Để trở nên rất giàu có người ta phải đầu tư rất lớn vào tư bản và mượn sức của rất nhiều người.

Những điều này có nghĩa là gì? Những điều này có nghĩa là: (a) người ta sản xuất ra một thì chỉ có thể doanh thu được một; (b) sự giàu có của một đất nước bị giới hạn bởi số lượng đất đai, nguyên vật liệu sản xuất và số lượng lao động; (c) kèm theo sự giàu có của một giai cấp, xã hội xuất hiện tầng lớp bốc lột và tầng lớp bị bốc lột; (d) kèm theo sự giàu có của một quốc gia, thế giới xuất hiện những quốc gia đi chiếm tài nguyên của người và những đất nước bị người chiếm tài nguyên; (e) hầu hết tư bản của một đất nước tập trung vào tay tầng lớp thống trị giàu có; (f) hầu hết tư bản của thế giới tập trung vào tay của những quốc gia giàu có; và (g) hầu hết thường dân, ngay cả thường dân sống trong một quốc gia thịnh vượng, rất khó có thể trở nên giàu có và thoát khỏi giai cấp công nông lao động dầu là làm việc cật lực suốt cả một đời.

Đó là những thực trạng của những thời đại đã qua.

Tuy là không đơn giản như tôi vừa trình bày nhưng có thể coi là khá chính xác.

Chỉ duy nhất trong Thời Đại Tri Thức này con người mới có cơ hội để tạo ra một sản phẩm mà có thể không cần (gần như hoàn toàn không cần) đến đất đai, nguyên vật liệu, máy móc và sức lao động cơ bắp. Tôi muốn nói tới những sản phẩm nặng hàm lượng tri thức.

Duy nhất chỉ trong Thời Đại Tri Thức một sản phẩm đã bán rồi cho một người mà vẫn có thể đem bán cho người thứ hai, người thứ ba . . . người thứ n. Để trở nên giàu có người ta cần đầu tư thật nhiều vào tri thức.

Những điều này có nghĩa là gì? Những điều này có nghĩa là: (a) người ta sản xuất ra chỉ có một mà có thể doanh thu vô hạn; (b) sự giàu có của một đất nước không bị giới hạn bởi số lượng đất đai, nguyên vật liệu sản xuất hoặc số lượng lao động; và (c) cơ hội để cho một cá nhân trở nên giàu có hoặc vượt lên một giai tầng mới trong xã hội, để cho một dân tộc bước lên một mặt bằng mới ngang tầm với những dân tộc tiến bộ trong cộng đồng nhân loại, và để cho một đất nước vươn lên sự phồn thịnh . . . chưa bao giờ “thực tế” hơn lúc này và “gần” hơn lúc này.

Điều này cũng có nghĩa là: cái cơ hội để cho mỗi và mọi người dân Việt Nam của chúng ta, để cho toàn dân tộc Việt Nam của chúng ta, để cho quốc gia Việt Nam của chúng ta thoát ra khỏi sự “èo uột” triền miên và vươn lên sự thịnh vượng, thực sự và lâu dài, đang nằm ngay trong tầm mắt và nằm ngay trong tầm với.

Nếu các bạn đang dõi mắt theo dòng chảy của những con chữ tôi đã đặt xuống, tôi hy vọng là các bạn đã hình dung ra được tầm cỡ của vấn đề tôi đang nói. Vâng, tôi muốn nói NÓ KHÔNG PHẢI LÀ CƠ HỘI BÌNH THƯỜNG MÀ LÀ THỨ CƠ HỘI CHƯA TỪNG CÓ TRONG LỊCH SỬ LOÀI NGƯỜI. Cơ hội “ngàn năm một thuở”. Một cơ hội cực kỳ lớn.

Lớn đến mức độ nào? Hãy tạm dùng USD để làm thước đo, mặc dù không phải là thước đo hoàn hảo nhưng cũng đủ để cho chúng ta hình dung được cái tầm cỡ của cơ hội. Chỉ với sản phẩm social network của Mark Zukerberg, công ty Facebook đã được giới đầu tư lượng giá gần một trăm tỷ USD, hơn cả giá trị của toàn bộ tập đoàn kinh tế ăn hại của nhà nước Việt Nam gấp nhiều lần.

 

Chỉ với một bộ phim Avatar mà Office Box đã thu về hơn 1 tỷ USD trong vòng 17 ngày. Chỉ với một website Huffington Post, bà Ariana đã bán được 315 triệu USD. Tất cả đều nhờ vào hàm lượng tri thức nằm trong sản phẩm của họ.

Và hiện tượng như Facebook, Avatar, Huffington Post không phải là chuyện hiếm hoi. Với độ lớn của cơ hội từ một vài điểm cực nhỏ (vừa nêu để làm thí dụ) trong bức tranh kinh tế toàn cầu, nó không khó để cho chúng ta phóng chiếu ra độ lớn của cơ hội mở rộng trên toàn thể bức tranh.

Cơ hội chưa từng có. Cơ hội cực kỳ lớn. Cơ hội cực kỳ thật. Cơ hội cực kỳ gần. Cơ hội đó đang nằm ngay trước mũi.

Nhưng không may cho dân tộc Việt Nam là giữa khoảng cách từ đầu chót mũi cho tới chỗ cơ hội dầu chỉ là một khoảng cách rất gần, gần “sát nút,” nhưng lại có một vách ngăn trong suốt cho nên không thể nào dơ tay ra để nắm lấy được. Lý do?

Chỉ vì có một cái lồng giam thủy tinh đang bao trùm lên đất nước và toàn dân tộc đang bị nhốt bên trong cái lồng đó. Không cần nói thì các bạn cũng dư biết THỦ PHẠM ĐÃ CHỤP CÁI LỒNG GIAM THỦY TINH ĐÓ LÊN TOÀN CÕI ĐẤT NƯỚC CHÍNH LÀ ĐCSVN.

Thoạt nhìn, dầu là từ ngoài nhìn vào hay từ trong nhìn ra, cái lồng giam thủy tinh đó dường như là vô hại, ít ra là theo cái nhìn của một số người.

NHƯNG SỰ THẬT LÀ CÁI LỒNG THỦY TINH ĐÓ ĐÃ GIAM HÃM ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI NHIỀU HƠN LÀ NGƯỜI TA TƯỞNG VÀ ĐÃ LÀM THIỆT HẠI LỢI ÍCH DÂN TỘC NHIỀU HƠN LÀ NGƯỜI TA BIẾT.

Đúng, tuy là ĐCSVN trên thực tế không chĩa súng vào đầu người dân và ra lệnh “Cấm” như đã từng làm trong thời trước đổi mới nhưng trên “một thực tế khác tinh vi hơn” dân tộc Việt Nam vẫn không thể nào đưa tay ra để nắm bắt lấy cơ hội ngàn năm một thuở ấy CHỈ VÌ CÁI LỒNG GIAM THỦY TINH ĐANG BAO TRÙM ĐẤT NƯỚC do chính ĐCSVN đã chụp xuống nhốt lấy toàn dân trong đó.

Cụm chữ “không thể nào đưa tay ra để nắm bắt lấy cơ hội” nói theo thuật ngữ Mỹ thì nó có nghĩa là dân tộc Việt Nam đang bị nằm trong tình trạng gọi là “denial of access to THE opportunity.”

Điều này, denial of access to the opportunity, có nghĩa là gì đối với mỗi cá nhân và tất cả mọi người dân đang sống trên đất nước Việt Nam?

Điều này, ở cấp độ thực tiễn nhất, cấp độ áo cơm của dân đen, có nghĩa là . . . ĐCSVN báo hại chúng ta phải tiếp tục vừa ăn kho quẹt vừa chùi nước mắt. Chùi nước mắt vì đã bán mặt cho đất bán lưng cho trời ngày này sang ngày khác mà đám con mình vẫn không đủ ăn, trong khi NẾU NHƯ KHÔNG CÓ CÁI LỒNG GIAM THỦY TINH ĐÓ thì chúng ta đã có thể có thừa mứa cơm thịt cho tất cả mọi người trong gia đình trong mỗi bửa ăn.

Điều này có nghĩa là . . . ĐCSVN báo hại con em chúng ta phải khao khát những thứ vật chất rất là “bèo”. Khao khát đến đổi phải đem bán một quả thận của mình cho dân Trung Quốc để đổi lấy một số tiền chỉ đủ mua một “con dế” (cell phone di động) mà đúng ra NẾU NHƯ KHÔNG CÓ CÁI LỒNG GIAM THỦY TINH ĐÓ thì chúng nó đã có rất nhiều dế và không phải bị “khát” vật chất đến đổi đem bán đi một phần thân thể của mình.

Điều này có nghĩa là . . . ĐCSVN báo hại học trò phải lần dây cáp qua sông đi học; cô giáo phải đâu lưng ngũ chung trên một giường và phơi quần lót ngay trong lớp dạy; bệnh nhân phải nằm chung sàng, trên sàng và cả dưới sàng; hàng trăm ngàn người trẻ phải bán sức lao động ở xứ người với đồng lương rẽ mạt mà còn bị cắt xén bớt và bị đánh đập tàn nhẫn; thiếu nữ xếp hàng cởi truồng để cho đàn ông ngoại quốc lựa hàng như lựa thịt . . . và hàng ngàn chuyện lớn nhỏ khác mà đúng ra NẾU NHƯ KHÔNG CÓ CÁI LỒNG GIAM THỦY TINH ĐÓ thì tất cả những chuyện như vậy sẽ không đến nỗi tồi tệ đến mức như vậy, nếu không muốn nói là đã không xảy ra.

Vâng, dĩ nhiên là tôi muốn nói tới những thiệt hại do không nắm bắt được cơ hội ngàn năm một thuở để “thực sự đổi đời” người dân và hệ lụy của sự thiệt hại đó đối với đời sống của họ, đời sống của con người đứng bên trong cái lồng thủy tinh nhìn thấy cái bóng của mình lẫn trong thế giới “đổi đời thực sự” của dân tộc khác mà ảo tưởng là mình cũng đang được đổi đời hoặc không ảo tưởng nhưng khát quá nên cứ . . . nhắm mắt đưa chân.

Thực sự thì tôi muốn nói tới cái gì khi tôi dùng hình ảnh “CÁI LỒNG GIAM THỦY TINH” làm biểu tượng? Trả lời một cách ngắn gọn, nó là TOÀN BỘ HỆ THỐNG ĐIỀU HÀNH ĐẤT NƯỚC của ĐCSVN, bao gồm cả lý thuyết và ý chí chính trị làm nền tảng cho tạo dựng cơ cấu từ thượng tầng kiến trúc xuống tới hạ tầng cơ sở.

Một hệ thống mà ông cựu CTQH Nguyễn Văn An đã cho là “lỗi từ trên xuống dưới.” Một hệ thống mà TS Iris Vinh Hayes đã đánh giá là “tồi tệ”.

Chính cái hệ thống điều hành đất nước tồi tệ này của ĐCSVN đã và đang gây ra sự phá sản toàn diện. Phá sản trong mọi lãnh vực, đặc biệt là lãnh vực giáo dục và đào tạo con người. Nói cho rõ hơn, cái hệ thống điều hành đất nước tồi tệ này của ĐCSVN đã làm cho nền giáo dục và đào tạo của Việt Nam chỉ còn đủ khả năng cho “ra khuôn” những lớp người trí năng bị xơ cứng, kiến năng bị đóng gói, khả năng tư duy không hơn không kém lập trình của đảng.

Cái hệ thống tồi tệ đó do những ông bà Bí Thư ngu dốt ngồi trên đầu trên cổ nhân dân từ trung ương xuống tới địa phương, ngồi trên đầu trên cổ của các trí thức, ngồi trên đầu trên cổ của các thầy cô giáo từ cấp hậu đại học cho tới cấp tiểu học, “chỉ đạo” “đường lối của đảng đã hoạch định” để nhanh chóng biến dân tộc Việt Nam thành mẫu người . . . bị thiểu năng tri thức.

Ở vào Thời Đại Tri Thức mà một dân tộc đã bị làm cho biến thành thiểu năng tri thức thì dân tộc đó đâu khác gì là một người không có đôi tay. Mà không tay thì làm sao có thể vươn tay ra để nắm lấy cái cơ hội ngàn năm một thuở, dầu là cơ hội nằm sát ngay đầu chót mũi??? Mà không nắm được cơ hội cực lớn này thì làm sao mà đất nước có thể theo kịp những quốc gia khác và theo kịp sự dịch chuyển của Thời Đại Tri Thức để mà vươn lên sự phồn thịnh?

Mà đất nước không vươn lên sự phồn thịnh với tốc độ tương xứng thì làm sao mà con cháu chúng ta không “khát’ vật chất khi mà chung quanh, phía bên ngoài CÁI LỒNG GIAM THỦY TINH ĐÓ, là thế giới thừa mứa vật chất? Sự thừa mứa do sức sáng tạo và công suất rất cao của những nền kinh tế có thực năng từ những đất nước mà người dân trên những đất nước đó không bị nhà cầm quyền làm cho biến thành thiểu năng tri thức. Mà đã khát vật chất thì làm sao nhân cách không bị thương tổn?

Như chúng ta đã biết Thời Đại Nông Nghiệp kéo dài khoảng 30 ngàn năm, của Thời Đại Công Nghiệp khoảng 300 năm, của Thời Đại Vi Tính khoảng 30 năm, của Thời Đại Thông Tin ngắn hơn nữa và của Thời Đại Tri Thức thì chưa biết. Thế giới chuyển dịch ngày càng nhanh, nhanh tới mức đủ làm cho chúng ta chóng mặt khi nghĩ tới nó. Cả thế giới đều “ì xèo” chạy đua với thời gian để nắm bắt cơ hội trong khi ĐCSVN thì vẫn tiếp tục bắt dân tộc chúng ta chỉ được đứng nhìn từ bên trong CÁI LỒNG GIAM THỦY TINH do họ kiến tạo.

Bên trong CÁI LỒNG GIAM THỦY TINH do ĐCSVN chụp xuống đất nước, các bạn có biết dân tộc chúng ta đang còn lê lết ở giai đoạn nào trong sự chuyển dịch của các thời đại vừa nói hay không? Các bạn có biết là đã có bao nhiêu thời đại đã trôi qua rồi hay không trong suốt thời gian cầm quyền của ĐCSVN?

Các bạn có biết đã có bao nhiêu cơ hội cực lớn đã bị ĐCSVN đánh mất rồi hay không? Các bạn có biết là khi đất nước còn tiếp tục bị CÁI LỒNG THỦY TINH ĐÓ GIAM HÃM thì dân tộc sẽ vẫn tiếp tục bị thiểu năng tri thức và không thể có được đôi tay để vươn ra nắm lấy cơ hội mà Thời Đại Vi Tính, Thời Đại Thông Tin, rồi nay là Thời Đại Tri Thức đang ban phát cho nhân loại khắp cả thế giới hay không?

 Và các bạn có biết hay không hiện giờ đất nước người ta đang gởi phi thuyền tới những hành tinh xa xôi để khám phá và công dân của họ thì đang chuẩn bị để khai thác tài nguyên trên những thiên thể lơ lững ngoài vũ trụ còn ở Việt Nam thì bọn cầm quyền đang chỉ biết cướp đất của nông dân nghèo khổ, phá tán tài nguyên của đất nước và TBT Nguyễn Phú Trọng của ĐCSVN thì tuyên bố là sẽ tiếp tục nhốt chúng ta và toàn thể dân tộc trong CÁI LỒNG THỦY TINH ĐÓ? Không phải là nhốt mà là nhốt “muôn năm” theo cái “quang vinh” của ĐCSVN!

Như tôi đã nói rồi, CÁI LỒNG THỦY TINH ĐÓ ĐÃ GIAM HÃM ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI NHIỀU HƠN LÀ NGƯỜI TA TƯỞNG VÀ ĐÃ LÀM THIỆT HẠI LỢI ÍCH DÂN TỘC NHIỀU HƠN LÀ NGƯỜI TA BIẾT.

Cũng trong cùng một bài viết tác giả NNG đã đặt nghi vấn “có phải người VN gần như đang sống vào đúng thời chị Dậu, anh Pha gần trăm năm trước? thậm chí còn tồi tệ hơn nhiều nếu xét thêm yếu tố đạo đức, văn hóa!?” Tôi không ngần ngại dùng chỉ một hai chữ duy nhất để xác định: KHÔNG SAI! Không những vậy mà còn tệ hơn nhiều nếu đem “khoảng cách trong chất-lượng-đời-sống của người VN so với chất-lượng-đời-sống của người dân trên những quốc gia khác vào thời chị Dậu anh Pha” đối chiếu với “khoảng cách trong chất-lượng-đời-sống của người VN so với chất-lượng-đời-sống của người dân trên những quốc gia khác vào thời điểm hôm nay”.

Viết tới đây có lẽ cũng đã quá đủ để trả lời câu hỏi “tại sao dân tộc cần phải được giải phóng và giải phóng dân tộc khỏi cái gì?” mà chúng ta đã nêu ra từ đầu. Câu hỏi còn lại “Tại sao phải là một cuộc cách mạng mà không là một giải pháp nào khác?” tôi xin được dành cho bài viết kế tiếp.

6/7/2012

© Iris Vinh Hayes

© Đàn Chim Việt

  

 

 

 

 

 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-20/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link