Sunday, June 10, 2012

Tự Do Ngôn Luận ở Việt Nam

Tự Do Ngôn Luận ở Việt Nam

Thái Phục Nhĩ (Danlambao) - Tư tưởng vốn tự do, có thể lừa nó vào vòng dối trá, chứ không thể hãm nó lại hay ngăn nó đi tìm sự thật được. Ở đâu tư tưởng bị ngăn cấm thì người ta càng tìm cách giải phóng nó. Ở đâu có áp đặt thì ở đó có nhu cầu thoát ly, và càng phỉnh gạt thì càng làm cho nhu cầu tìm tới sự thật thêm bức bách. Chính thể độc tài về bản chất là một sự áp đặt ý thức hệ lên toàn xã hội. Lịch sử cộng sản Liên Bang Soviet và Đông Âu chính là một câu chuyện chép về sự áp đặt tư tưởng và cuộc đấu tranh thoát ly nó...

*

Những người hùng trong nền báo chí tự do

 

Chính loạn ở Syria đã cướp đi sinh mạng không những của thường dân mà còn của nhiều ký giả. Cái chết của ký giả chiến trường kỳ cựu Marie Colvin tại Homs làm báo giới phương Tây sửng sốt. Những đồng nghiệp còn sống và bị thương của họ cũng được trân trọng như người hùng. Hai nhà báo Pháp Edith Bouvier và William Daniels từng bị kẹt ở Homs được đích thân Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy ra tại phi trường đón trở về Paris.

 

Trong mắt người công dân bình thường những ký giả dám đi dưới những làn đạn để đưa tin họ xứng đáng tưởng lệ như những người hùng. Lòng yêu sự thật khiến họ đủ can đảm để vào nơi mạng sống treo đầu sợi tóc để tác nghiệp. Không ai buộc họ phải vào trong chiến trường để lấy thông tin về cho độc giả. Họ đi tự nguyện. Sự can đảm của họ thể hiện lý tưởng làm báo của họ. Phái đoàn của Liên Hiệp Quốc phái đến quan sát và trần thuật tình hình Syria còn có người hộ tống rầm rộ và ngủ trong những khách sạn đông người phục vụ. Những nhà báo chiến trường này phải tự xoay xở nơi tá túc an toàn mà làm việc. Nhu cầu thông tin chính xác khiến họ phải vào ở trong những nơi dễ làm đích cho xe tăng và hỏa tiễn của quân đội chính phủ Syria. Khi họ có cơ hội đào thoát, Edith Bouvier và Paul Conroy từ chối cơ hội ra khỏi Homs để tỏ tình đoàn kết với đồng nghiệp. Cầm bút mà đam mê nghề nghiệp tới nỗi dám liều mạng sống để nói sự thật như vậy có thể gọi là người hùng được.

 

Vì sao họ làm được như vậy? Tự do tư tưởng và tự do ngôn luận là những giá trị nền móng của nền dân chủ phương Tây, được tôn trọng tuyệt đối. Những triết gia lớn ảnh hưởng tới nền chính trị dân chủ của phương Tây, như Voltaire và Stuart Mill, đều cổ võ và bảo vệ tự do tư tưởng của cá nhân tới cùng. Một người dù chủ trương một lý thuyết sai lầm, hoặc có lối sống hết sức quái dị vẫn có quyền nói và biểu dương tư tưởng của họ, miễn đừng động tới an nguy của người khác. Nền tự do tư tưởng và ngôn luận ấy khiến người ta có trách nhiệm về ngôn hành của họ; quan trọng hơn, nó xiển dương được sự thật. Sự thật đối diện với sai lầm thì sự thật sẽ xác định vững vàng và thuyết phục hơn. Được giáo dục và nuôi dưỡng trong truyền thống tự do ngôn luận như vậy, tinh thần tôn trọng sự thật và lòng yêu sự thật trở thành bản tính của những người cầm bút phương Tây. Người ký giả khi đặt bút xuống chỉ có thể nói sự thật. Không thể nào khiến họ nói sai sự thật, đối với người mà lòng yêu sự thật lớn hơn mạng sống thì cám dỗ lợi danh không lay được họ. Hoa trái của nền báo chí tự do và truyền thống dân chủ chính là những người cầm bút coi sự thật là lý tưởng, trọng sự thật hơn sinh mạng của họ. Có thể gọi hoa trái đó là những người hùng trong làng báo.

 

Tự do ngôn luận phôi thai ở Nam Việt

 

Nền cộng hòa ở Nam Việt quá non nớt, và chưa hội tụ đủ mọi yếu tố của một nền dân chủ thực sự để bảo đảm tự do và thịnh vượng của công dân, nhưng nó có một nét đặc trưng của một chính thể cộng hòa: tự do ngôn luận.

 

Trong khi tự do ngôn luận ở Bắc Việt gần như nằm trong kiểm soát của nhà cầm quyền cộng sản bất khoan dung tự do tư tưởng, thì ở miền Nam dưới ảnh hưởng của phương Tây nó vẫn có, dù mong manh. Nhà cầm quyền Saigon, dù độc tài, vẫn cho phép một sự tự do ngôn luận nào đó. Muốn hay không thì chính quyền Saigon cũng không ngăn được ảnh hưởng của phong trào đòi tự do và hòa bình của giới trẻ Âu Mỹ [1] lan tới giới trẻ Việt Nam, trong một hoàn cảnh mà cả dân tộc bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh lạnh, quốc gia bị nước lớn đem ra làm tốt thí ý thức hệ và võ khí.

 

Trên phương diện báo chí, tin tức và những sự kiện lớn ở chiến trường Nam Việt lan truyền ra ngoài một cách xác thực. Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu giữa trung tâm Saigon, thì hôm sau hình ảnh một nhà sư trong biển lửa lan khắp mặt báo quốc tế. Thông điệp của ông là phản kháng chính quyền họ Ngô đàn áp Phật Giáo và đòi bình đẳng tôn giáo cho Phật tử, và thông điệp đó tới được độc giả toàn thế giới trọn vẹn như ý ông muốn. Ông không bị báo chí Saigon biến thành người bị tâm thần như báo chí Việt Nam ngày nay hay làm, hoặc kẻ khủng bố cực đoan như Trung Quốc làm với các nhà phản kháng Tây Tạng. Nạn khớp mỏ dư luận cũng có đấy[2], nhưng dù sao dư luận vẫn được tôn trọng, và báo chí không thể nói láo. Ký giả tự do đi lại, chụp những cảnh kinh hoàng của chiến tranh. Bức hình Nguyễn Ngọc Loan xử tử Nguyễn Văn Lém tại Saigon trong vụ bạo động Mậu Thân 1968 nói mạnh hơn ngàn câu chữ, làm cho phong trào phản chiến dâng cao ở Âu Mỹ, buộc chính phủ Mỹ bắt đầu tính tới những nước cờ rút quân khỏi Việt Nam mà giữ được thể diện.

 

Học thuật miền Nam nhờ có tự do ngôn luận mà tạo ra được cảnh trăm hoa đua nở. Có nhiều học giả, Nguyễn Hiến Lê chẳng hạn, sống độc lập được bằng cây bút, chứ không hề hưởng bổng lộc của nhà cầm quyền. Có thể bị kiểm duyệt hoặc cấm in, nhưng tuyệt nhiên họ tự do viết theo cảm hứng, theo thị hiếu của độc giả, hoặc theo nhu cầu của thị trường, và có thể công khai hay kín đáo chỉ trích chính quyền mà không sợ bị trù dập hay đưa vào trại phục hồi nhân phẩm hay trại lao động cưỡng bức.

 

Các phong trào đại chúng ở Nam Việt vẫn thịnh hành hơn hẳn miền Bắc. Nhất Hạnh viết sách và diễn thuyết kêu gọi đình chiến, lập hòa bình. Thích Trí Quang lãnh đạo một phong trào sinh viên và Phật tử đòi tự do tôn giáo và tự do chính trị, ảnh hưởng mạnh tới quần chúng, làm cho chính quyền Saigon lo ngại. Trịnh Công Sơn viết nhạc phản chiến, làm cho những người ông mong đợi từ Bắc Việt vào giải phóng Nam Việt thấy cần phải cho ông đi lao động cải tạo để ông thấm nhuần tinh thần bạo động cách mạng. Cộng sản cũng lợi dụng tự do ngôn luận ấy để đấu tranh cho lý tưởng của họ. Những thanh niên theo cộng như Hoàng Phủ Ngọc Tường hay Nguyễn Đắc Xuân hô hào biểu tình chống lại chính quyền Nam Việt. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam lớn nhanh và tuyên truyền được rất nhiều cho đường lối của cộng sản, cũng là nhờ tự do ngôn luận đang còn phôi thai đó của Nam Việt.

 

Chế độ cộng sản bóp chết tự do ngôn luận và hệ lụy của nó

 

Nhà cầm quyền cộng sản ở Việt Nam rất sành sỏi thuật tuyên truyền. Họ sử dụng tự do ngôn luận và báo chí như phù thủy làm xảo thuật. Người ta có thể cho rằng tự do ngôn luận tại Nam Việt là nhược điểm khiến địch thủ cộng sản của nó có thể lợi dụng để chống lại nó. Nhưng nhà cầm quyền cộng sản chỉ biết thu vén tự do ngôn luận riêng cho mình và siết chặt thòng lọng những ai cất tiếng nói độc lập, và gây ra những hệ lụy khôn lường trên mọi phương diện của đời sống ở Việt Nam.

 

Hệ lụy dễ thấy nhất là đời sống trí thức và văn hóa cằn cỗi. Ở đâu cũng vậy, trong chiến tranh hay thời bình, bóp chết tự do ngôn luận chính là cắt đường sống của tư tưởng. Kiểm soát văn chương, nghệ thuật, khoa học tức là làm cho nó không nở hoa được. Những phong trào đàn áp trí thức tai hại của cộng sản khiến di sản học thuật và nghệ thuật của Việt Nam sau 1945 và 1975 nghèo thê thảm. Bắc Việt trước 75 có những học giả và nghệ sĩ đầy tài năng và đam mê; đáng lẽ ra những bộ óc độc lập, những người cần cù và không ham danh lợi đó đã đóng góp rất nhiều cho văn hóa của dân tộc. Nhưng nhà cầm quyền chỉ nghĩ tới sức mạnh chính trị của họ, họ muốn cây bút là vũ khí mà người cầm bút phải là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, và mọi công trình khoa học hay nghệ thuật phải được Đảng Cộng Sản cho phép và cho điểm. Lò chính trị ấy sản xuất ra được một lớp nghệ sĩ và học giả không thuần túy về văn chương và học thuật; Tố Hữu, Đào Duy Anh, Trần Hoàn đều là đảng viên giữ trọng trách trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, hay giáo dục. Những người không từ cái lò ấy ra và không chịu phục tùng thì kẻ đó có mòi tư sản, nhất định phải tiêu diệt. Nhân Văn Giai Phẩm chết non, Phan Khôi và phái của ông bị mạt sát và trù dập. Nhiều văn sĩ bị đưa đi công trường làm công nhân, cải tạo về tư tưởng, hoặc bị giam lỏng và treo bút vĩnh viễn. Những người nhu hòa như thi sĩ Hữu Loan xa lìa cái giới văn nghệ giả dối, xu nịnh nặng mùi chính trị của chế độ và chọn lối sống ẩn dật của những người lương thiện trong cảnh nghèo. Người có cá tính mạnh như Trần Dần thì mặc chủ trương, văn nghệ phải tự do, và ông vung bút chống lại những kẻ áp bức tư tưởng. Cây bút thơ Trần Dần không mạnh bằng bút sắt của Tố Hữu, ông bị đấu tố giữa giới văn nghệ, bị giam ở Việt Bắc rồi bị đưa về trại giam Hỏa Lò. Ông uất ức mà cứa cổ trong trại Hỏa Lò để phản kháng cái chính sách bóp nghẹt tự do của người nghệ sĩ. Đói rét, thi sĩ phải gác bút mà vác bao tải đi quét lá như Quang Dũng, hoặc như Phùng Quán thì lên rừng Thái Nguyên đầy muỗi mòng để trồng bắp. Mỉa mai thay, những người có lý tưởng cộng sản trong sạch nhất, có công với chế độ nhất, khi nhận thấy chế độ đã lạc hậu và dùng những phương pháp phi nhân để mưu những lợi ích phản quốc gia và dân tộc họ lên tiếng thì cũng bị đập như những người ra mặt chống lại chế độ từ đầu. Lỗi lạc như Lê Văn Thiêm, Tạ Quang Bửu, Hoàng Tụy cũng bị đem ra đấu tố, chịu cảnh ngày thì nghiên cứu, dạy học, đêm thì chong đèn viết kiểm điểm.[3]

 

Văn chương hay nghệ thuật không thể sáng tạo theo đơn đặt hàng của nhà cầm quyền để phục vụ một ý đồ chính trị được. Sự đặt hàng duy nhất chấp nhận được chính là thị hiếu và phán xét của đại chúng và thời gian. Tại sao nhà cầm quyền không chịu để cho văn chương và nghệ thuật tự kiểm duyệt? Đại chúng mà thấy có giá trị thì văn nghệ sẽ sống, bằng không nó sẽ chết mà không kịp ai biết. Không thể khuyến khích tài năng bằng những dự án sặc mùi tuyên truyền; văn chương cũng vậy mà khoa học cũng vậy. Chính trị đối với nghệ sĩ và học giả nó giống như chất muối đối với kim loại, hễ ở lâu là nó ăn mòn, mất hết giá trị. Đội cái vòng kim cô ấy của nhà cầm quyền rồi, thì ngay những tác giả giữ được thiên lương cũng khó vùng vẫy mà sáng tác theo chí mình, chất văn nghệ chết dần chết mòn trước sự đòi hỏi phục tùng của chỉ thị. Những tác phẩm giá trị nhất của Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Tuân đều viết trước 1945.

 

Từ sau sụp đổ của Liên Xô thì nhà cầm quyền cộng sản càng siết chặt tự do ngôn luận. Họ mở hé cánh cửa kinh tế, độc quyền làm ăn theo lối tư bản để kiếm lợi, nhưng về ngôn luận và tư tưởng thì vẫn giữ nguyên bản chất bất khoan dung. Họ bố thí cho người dân vài chút tự do mang tính ước lệ. Cho thì nói, không cho thì bịt miệng. Họ độc quyền xuất bản và in báo, độc quyền sách giáo khoa và độc quyền giáo dục để giam hãm người dân trong tình trạng ngoan ngoãn ngu muội. Họ dùng tiền thuế quốc gia để mua những kẻ bảo vệ chế độ, và lợi dụng những người thành đạt về học thuật vào mục đích tuyên truyền. Bắt chước Cách Mạng Văn Hóa mười năm của Trung Quốc, họ tìm cách triệt thoái tư tưởng độc lập của con người, khiến người có tư tưởng không dám viết, và có viết cũng không dám cho ai đọc. Muốn cho an toàn, họ làm tiêu ma lòng can đảm của người dân và giam những kẻ không chịu khuất phục. Ngày nay, ít ai làm thơ, viết sách mà phải như Phùng Quán, Hữu Loan gác bút đi cày hoặc bửa đá, hoặc như Hoàng Yến vào trại cải tạo nhân phẩm. Nhưng tình trạng bức hại người bày tỏ tư tưởng vẫn như xưa; ký giả, học giả, luật sư, bác sĩ, tu sĩ, thường dân nặng thì bị tống vào ngục hoặc trại tâm thần, nhẹ thì hành hung và khủng bố, bị giam lỏng tại nhà, hoặc bị mật thám theo dõi.

 

Báo chí lẽ ra phải bàn đến những quốc sự và vấn đề xã hội đương thời cũng lu mờ như văn chương và học thuật. Đội binh viết thuê cho chính quyền không dám chạm tới những vấn đề làm hoen ố cái mặt của nhà cầm quyền. Tình trạng báo chí, tin tức, truyền hình ba xu không còn đủ sức hấp dẫn và mất sinh khí ngày nay trên báo chí Việt Nam cho thấy tình trạng nghèo nàn của tự do ngôn luận. Chung cục của các nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Osin Huy Đức, Hoàng Khương làm hiện ra cái thòng lọng vô hình đã treo sẵn vào cổ những người biết quyền của người công dân và can đảm dùng cây bút để đấu tranh cho vận mệnh quốc gia và dân tộc.

 

Đi đôi với sự cằn cỗi của học thuật và văn hóa là sự bần cùng về kinh tế của dân chúng. Nhà cầm quyền đã bất chấp những nguyên tắc tự nhiên của nghệ thuật và sáng tạo, thì họ ngại gì mà không ngồi trên những nguyên tắc của thị trường. Theo đúng cái gọi là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì nhà nước nắm hết mọi ngành thiết yếu, từ lương thực, năng lượng, ngân hàng, cho tới truyền thông, giáo dục, xuất bản, và tài nguyên quốc gia tập trung trong tay những tập đoàn này của nhà nước, vốn được mọi ưu đãi của chế độ từ vốn liếng tới chính sách và thuế má. Những tập đoàn nhà nước này tiếng thì gọi là làm lợi cho quốc gia, nhưng thực chất thì là thuộc quyền kiểm soát của những người nắm quyền lực nhất nước, và mục đích là sinh lợi cho họ. Lấy của công để làm kinh tế riêng cho một nhóm người, lại quản lý kiểu tập thể, thì không sao tránh được nạn vô trách nhiệm và trục lợi, và mọi đổ bể đều là đổ bể của nhà nước, gánh lên vai người dân. Sự tập trung quyền lực và của cải đó gây ra một sự cạnh tranh bất chấp mọi quy tắc thị trường chỉ làm cho thành phần kinh tế tư nhân ngày càng điêu đứng, mà kinh tế quốc gia ngày một suy bại. Nền tư bản đó, mà có người gọi tên là tư bản mọi rợ[4], làm cho một nhóm người đầy quyền lực và những người thỏa hiệp với họ giàu có thêm mà dân chúng thì ngày càng bần cùng.

 

Kinh tế nghèo đi, còn vì nhà cầm quyền chỉ chú trọng võ lực mà bỏ rơi những môn kỹ thuật thực dụng. Ở một nước cộng sản, kỹ nghệ quân sự và khoa chế tạo vũ khí có thể cao, có thể làm cho lân bang phải nơm nớp lo sợ - vì bao giờ nhà cầm quyền cũng có thể nuôi một số khoa học gia giỏi vật lý mà dốt luân lý -, nhưng tuyệt nhiên không làm cho đời sống thực dụng của người dân phấn phát và nhàn hạ. Tình trạng kinh tế suy nhược và đời sống hàng ngày cằn cỗi là đặc điểm chung tại các nước cộng sản chứ không riêng gì Việt Nam. Thời Chiến Tranh Lạnh, Mỹ và Liên Bang Soviet có sức mạnh quân sự và khoa học vũ trụ như nhau, nhưng về các khoa thực dụng như kinh tế, hành chính, y học, điện toán thì Mỹ ăn đứt Liên Bang Soviet. Kinh tế suy nhược, bộ máy điều hành kém cỏi chính là hai trong những nguyên nhân chính làm suy sụp chế độ cộng sản tại Liên Bang Soviet và Đông Âu.

 

Một cái tai họa nữa của tệ bất khoan dung tư tưởng là nó làm con người hóa ra gian dối, mà chính nhà cầm quyền là nạn nhân đầu tiên. Những người giỏi dám nói thật đã bị nhà cầm quyền triệt hạ hết rồi thì chung quanh họ chỉ còn lại những người giỏi nói dối. Tệ áp đặt tư tưởng khiến cho người ta có thể vì sinh tồn mà chấp nhận một lối sống giả dối để có địa vị và quyền lợi cao hơn cái họ xứng đáng; đã còng lưng để được ba đấu gạo, thì làm gì đủ cao thượng để hưởng những giá trị như tự do tư tưởng và ngôn luận, đã chỉ nghĩ tới lợi thì sẽ bất chấp vận mệnh dân tộc. Rốt cục con người trở thành gian dối, và giam mình mãi trong cái vòng luẩn quẩn dối trá, ngu dốt và lạc hậu. Những người có lương tri, có trí tuệ thì họ đã chọn con đường ẩn dật, hoặc đấu tranh cho sự công bình phổ quát hơn. Những kẻ chịu sức hấp dẫn của địa vị và lợi lộc mà không sử dụng lý trí, lại xâm phạm đến quyền nhân bản của người khác nếu không thiếu tư cách thì cũng là có óc cơ hội. Dân chủ cộng sản cao hơn dân chủ tư sản gấp vạn lần, nói được như vậy không ngu dốt thì cũng là nịnh bợ. Những lời ấy chứng tỏ không những mình thiếu học thức, mà còn tỏ một thái độ khinh thị quần chúng. Chế độ nào có thể dựa vào những kẻ thiếu học thức và khinh thị quần chúng như vậy mà mà đứng vững được?

 

Chính thể độc tài lợi dụng tự do ngôn luận để phục sức cho nó, nhưng rốt cục cũng không che đậy được bộ mặt xấu xí. Ngoài một hình ảnh đẹp về những thanh niên thiếu nữ hy sinh tuổi trẻ và sống chết cho lý tưởng thì di sản của chủ nghĩa cộng sản trên nước Việt có gì đẹp? Ngay cả sự hy sinh ấy của người cộng sản tinh tuyền, tuy đáng ngưỡng mộ như mọi hy sinh, cũng hóa vô giá trị vì cái khiến họ hy sinh vẫn là sự lừa dối của một lý tưởng huyễn hoặc và tàn bạo. Rất nhiều người hy sinh trọn vẹn cuộc đời ấy không còn cơ hội để quay đầu, vì đã chết, hoặc vì quá già tự thấy thoát ra khỏi cái quá khứ huy hoàng đó chẳng khác gì xóa bỏ dấu vết mình trên cuộc đời.

Cuộc đấu tranh của những người yêu tự do

 

Tư tưởng vốn tự do, có thể lừa nó vào vòng dối trá, chứ không thể hãm nó lại hay ngăn nó đi tìm sự thật được. Ở đâu tư tưởng bị ngăn cấm thì người ta càng tìm cách giải phóng nó. Ở đâu có áp đặt thì ở đó có nhu cầu thoát ly, và càng phỉnh gạt thì càng làm cho nhu cầu tìm tới sự thật thêm bức bách. Chính thể độc tài về bản chất là một sự áp đặt ý thức hệ lên toàn xã hội. Lịch sử cộng sản Liên Bang Soviet và Đông Âu chính là một câu chuyện chép về sự áp đặt tư tưởng và cuộc đấu tranh thoát ly nó.

 

Trong những xã hội độc tài còn rơi rớt lại trên thế giới mầm phản kháng và đấu tranh đòi lại tự do tư tưởng luôn mãnh liệt. Sau biến cố Đông Âu và Liên Bang Soviet, các nhà cầm quyền độc tài này luôn phải đối mặt với các trào lưu đòi tự do và công bằng chính trị. Nay lại thêm gió đưa hương hoa lài từ Bắc Phi và Trung Đông qua, các phong trào tự do như được tiếp thêm sinh lực. Tại Trung Quốc là anh cả của chủ nghĩa cộng sản ngày nay tàng ẩn quá nhiều bất trắc chính trị. Trong khi nội bộ Đảng Cộng Sản đang thanh trừng nhau để giành giật quyền lực thì giới đối kháng lại được nhiều người ủng hộ và tán thưởng. Giải Nobel Hòa Bình trao cho Lưu Hiểu Ba là cái tát vào mặt anh cả của chủ nghĩa cộng sản. Ngải Vị Vị dốc ngược tay chỉ trích Bắc Kinh mà lại được giới nghệ thuật Tây phương coi là một đại gia trong làng nghệ thuật hiện đại. Giới trí thức ý thức được vai trò của mình và trở thành cái gai trong mắt nhà cầm quyền, mà dân chúng Trung Quốc khi đã có ăn thì bắt đầu đòi những giá trị nhân bản hơn. Nhà cầm quyền buộc phải tiêu tới một khoản ngân sách tương đương với ngân sách cho quân đội để nuôi lực lượng an ninh bảo vệ chế độ.[5]

 

Ở Việt Nam nhà nước không giàu bằng, mà sức mạnh của giới đối lập cũng mạnh như vũ bão khiến nhà cầm quyền phải dùng nhiều công an và mật thám, viện những điều luật phi lý và dùng những phiên tòa cùng những biện pháp tùy tiện mà không đưa hết được tất cả những người bất đồng chính kiến vào ngục. Dân chúng nghi vấn sự chính danh của nhà cầm quyền cộng sản khi ra mặt chống lại họ thảy là những người xuất phát từ lớp tinh hoa trong xã hội. Không kể những người có công trạng và đi theo chế độ từ ngày nó còn phôi thai đều muốn thay đổi nền chính trị Việt Nam, tầng lớp có học và có tư tưởng cấp tiếp ngày càng chán cái lý tưởng huyễn hoặc và giả dối của nhà cầm quyền, họ đòi có tự do, đòi lối sống xứng với tài năng của họ. Luật sư, giáo sư, bác sĩ, văn sĩ, ký giả, linh mục, tăng sĩ, sinh viên, thương nhân đều muốn độc lập dân tộc, tự do chính trị, và dân chủ cho quốc gia.

 

Áp lực này mạnh hơn khi có thêm tiếng nói của nông dân, những người cần cù và hiền lành nhất trong xã hội. Sau mấy chục năm cộng sản, bất công trong phân chia tài nguyên và của cải, quyền lợi, địa vị đã quá sâu, và bị bị đối xử bất công và tàn nhẫn nhất vẫn là người nghèo. Họ đang đứng lên để đòi lại quyền sống của họ. Những dân tộc thiểu số ở Trung Quốc đã mất hết kiên nhẫn với chính sách diệt chủng văn hóa và kinh tế của nhà cầm quyền cộng sản. Bi đát nhất là người Tây Tạng, phải dùng phương pháp đường cùng là thiêu thân mình để phản kháng lối cai trị tàn bạo của Trung Quốc. Ở Trung Quốc cũng như Việt Nam, nông dân bị tước đoạt hoa lợi và không có quyền sở hữu của cải và đất đai, họ không còn cách nào khác là nổi dậy chống lại một hệ thống cường hào ác bá mới. Những kẻ bóc lột ở làng Ô Khảm đã bị phế, nông dân Tiên Lãng dựng tượng một người anh hùng mới. Khi người có giáo dục và người lương thiện đều oán chính quyền thì chính quyền có còn chính danh không?

 

Kỹ thuật truyền thông lại tiến mau, giúp cho người dân có phương tiện vượt qua những hàng rào bưng bít thông tin và sự thật của chính quyền. Vào thời dùng báo giấy, nhờ kiểm soát hết mọi phương tiện truyền thông, nhà nước có thể kiểm soát hết từng câu chữ, từng sự kiện tới được mắt độc giả. Internet ra đời, những trang web xã hội trở thành một thú tiêu khiển của người biết dùng máy điện toán, chấm dứt cái thời nhà cầm quyền tùy hứng nhào nắn dư luận. Dư luận ngày nay như Hercules, hễ bị vật xuống đất thì nó đứng dậy mãnh liệt hơn trước; nhà cầm quyền bóp dư luận thì dư luận vạch mặt nhà cầm quyền mau hơn. Chính quyền độc tài tốn nhiều tiền và đau đầu nhiều lắm mà không diệt được mòi phản kháng trong dân chúng, phải viện tới những biện pháp bất chính để phá hủy sự nghiệp của những người dùng cây bút làm phương tiện đấu tranh. Nhưng tài năng của những người có lý tưởng này không vì nghịch cảnh mà thui chột. Những ký giả và blogger trẻ tuổi như Osin Huy Đức, Hoàng Khương, Đoan Trang, Hoàng Thục Vy sau mỗi lần bị vu hãm là có nhiều người thông cảm hơn. Ở đâu tự do ngôn luận bị thắt cổ thì ở đó ngôn từ sẽ trở thành tội ác. Chỉ có tài cầm bút mà viết để diệt những tệ thối nát của nhà cầm quyền thì ở Việt Nam coi như là lận đận đường cơm áo. Nhưng họ được nhiều độc giả ủng hộ, những tổ chức và định chế quốc tế lên tiếng bảo vệ và vinh danh họ vì họ hy sinh cho ly tưởng tự do. Nhưng tưởng thưởng lớn nhất của họ có lẽ là niềm vui của một lương tâm không bị câu thúc, không mang niềm ân hận của những người phải dằn vặt giữa một bên là sự thật và tự do tư tưởng, một bên là túi cơm và nô lệ tư tưởng.

 

Trước khi cuộc đấu tranh này của những người yêu tự do tới chung cục, chúng ta hãy hy vọng:

- Nhà cầm quyền của chúng ta hiểu được rằng, hành động thiếu minh mẫn và tàn bạo chừng nào thì chính họ sẽ dựng lên trên sân khấu chính trị quốc tế những vở tuồng vụng, để lại những vết ố trong lịch sử không thể nào tẩy xóa được.

 

- Họ lường trước chung cục mà bớt dùng những thủ đoạn tùy tiện để vu hãm những người chỉ lấy ngôn luận làm phương tiện đấu tranh, và

 

- Những người nuôi ảo tưởng về quyền lực hiểu ra rằng tư tưởng bản thân tự nó tự do, chỉ có thể bắt nhốt thân của những người bày tỏ tư tưởng, chứ chừng nào cái gốc của mọi sự bất công chưa bứng sạch thì sẽ không sao diệt được cái mầm phản loạn trong dân chúng.

 

Trong một thế giới mà những tiến bộ về dân quyền, chính trị và kinh tế không thể tách rời nhau, và mỗi quốc gia muốn thịnh vượng phải nhập chung vào dòng giá trị và tiêu chuẩn của thế giới văn minh, thì nhà cầm quyền không thể thủ lợi mãi trên sự bần cùng của dân chúng, cũng không thể hô hào ổn định để tùy tiện xâm phạm tự do tư của công dân. Dân chủ đã hiện ra rõ ràng thành con đường văn minh của nhân loại, và nhiều dân tộc dù đổ máu cũng đã chọn con đường đó thì những người đấu tranh cho tự do có lý mà tin rằng lý tưởng của họ sẽ thành hiện thực.

Thái Phục Nhĩ
danlambaovn.blogspot.com

 

______________________________________

Chú thích:

[1] Ở Mỹ và Tây Âu sau Đệ Nhị Thế Chiến người ta chán chiến tranh và giết chóc, chỉ muốn sống yên ổn để xây dựng lại những gì đã phá đi trong chiến tranh. Trong hai thập kỷ sau thế chiến, Tây Âu kiến thiết lại được đất nước, nhưng nền kinh tế đó và thành quả của nó vẫn còn đang mong manh khi Mỹ và LBS chạy đua võ trang và đẩy chiến tranh lạnh tới chỗ cực đoan; thế giới và loài người có thể bị nhấn chìm một lần nữa. Giới trẻ và sinh viên giương cao biểu ngữ Make Love, Not War phán kháng chiến tranh, đòi tự do, bình đẳng, hòa bình và hưởng thụ.

 

[2] Nguyễn Hiến Lê, Nhà Cầm Quyền Và Dư Luận, in trong Để Tôi Đọc Lại, Văn Học xuất bản, Hà Nội, 2001

 

[3] Hoàng Tụy, Tự Thuật, trích trong Nhiều tác giả, GSTS Hoàng Tụy, Sĩ Phu Ngày Nay, Tri Thức xuất bản, Hà Nội, 2007

 

[4] Lữ Phương, BBC tiếng Việt ngày 26 tháng Hai 2012.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2012/02/120226_vn_marxist_lu_phuong.shtml

 

[5] Michael Bristow, BBC tiếng Việt ngày 21 tháng Hai 2012.
  http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/02/120221_china_opponents.shtml

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Bản Tin cuối ngày-10/11/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link