Sài Gòn cơm trắng...
Chị Hương, một người bán cơm trắng nói: “Người ta bán hàng cơm, chủ yếu lời vào thức ăn.
Khi công nhân đến mua cơm trắng, các quán cơm chẳng bao giờ bán. Bởi vậy, người nghèo phải tìm tới ga tàu lửa này để mua cơm ăn qua ngày”.
Sài Gòn, bề nổi là một thành phố lộng lẫy, sực mùi dầu thơm và những nhà hàng tiệm ăn sang trọng. Nhưng vẫn còn đó một Sài Gòn của những người lao động mà bữa cơm chiều chỉ là bát cơm không, mua ở cổng nhà ga.
Phố cơm trắng
Khu vực quanh ga Sài Gòn có nhiều nhà trọ lụp xụp. Những người từ xa xuống sân ga thường thuê trọ để bán báo, đánh giày, bán vé số, làm công nhân. Họ còn bỡ ngỡ, chưa dám đi đâu xa, vả lại cuộc sống quanh nhà ga cũng không đắt đỏ như trong khu trung tâm.
Một sạp bán cơm trắng (cơm không)
Những ngóc ngách chật chội và có phần hôi hám, nhà cửa cáu bẩn, những chung cư cũ kỹ phơi đầy quần áo cũ, lúc nào cũng nườm nượp người lao động lấm lem. Giữa hàng vạn con người khuôn mặt nhầu nhĩ ấy, đã ra đời phố bán "cơm không" mà người Sài Gòn gọi là phố cơm trắng quanh nhà ga xe lửa.
Mỗi người bán cơm trắng có dăm bảy cái nồi, mỗi nồi nấu được gần yến gạo. Họ không bán thức ăn, chỉ vài hàng có bán thêm dưa hành, nước mắm, nước tương. Cơm và dưa món để trong bao ni lông. Cơm tính theo cân, người ta cũng thường gọi là “cơm ký”.
Chị Hồng, một người bán cơm trắng 12 năm nay, cho biết vợ chồng chị thay nhau nấu cơm bán. Mỗi cân cơm chỉ lãi được 500 – 1.000 đồng nên không đủ tiền thuê nhân công: “Chúng tôi chỉ lấy công làm lãi. Bán cơm giá cao chút lập tức người ta không mua nữa. Công nhân nghèo lấy tiền đâu mà mua”.
Khách hàng của cơm trắng khá đa dạng
Mỗi ngày chị Hồng dậy từ 4 giờ sáng, nấu cơm bán đến gần 9 giờ đêm. Cứ mỗi cân gạo nấu được hai cân cơm. Chị nói: “Gạo ngon mọi người thường ăn giá 18.000- 20.000 đồng/kg, gạo chúng em nấu bán ở đây chỉ 12.000 đồng/kg. Dân cần ăn no chứ chưa cần ăn ngon”.
Một cân cơm bán giá 8.000 đồng, đủ cho ba công nhân ăn. Tính ra mỗi bữa một người chỉ phải bỏ ra 2.700 đồng. “Một ly trà đá giờ đã 2.000 đồng” - chị Hồng nói. Một ngày chị Hồng bán khoảng 450 kg cơm trắng.
Chị Hương, một người bán cơm trắng khác nói: “Người ta bán hàng cơm, chủ yếu lời vào thức ăn. Khi công nhân đến mua cơm trắng, các quán cơm chẳng bao giờ bán. Bởi vậy, người nghèo phải tìm tới ga tàu lửa này để mua cơm ăn qua ngày”.
Đến Tết mới được ăn ngon
Ông Sáu chạy xích lô. Khi nào đói và rảnh khách lại tạt vào mua 3.000 đồng cơm trắng buộc vào xe. Ông có hai chai nước lớn lấy từ vòi, khát thì cúi xuống mà uống. Ông Long chạy xe ôm, chiều tối ghé mua vài lạng cơm, giữ nó như giữ bảo bối vậy. Cầm bịch cơm trắng nom ông cười thật hiền.
Chị Hương nói với tôi: “Khách mua đủ lứa tuổi. Trẻ em đánh giày, phụ nữ bán báo, người già bán vé số”. Chị nói: “Lắm người chỉ mua vài ngàn, nhưng vẫn bán. Cơm cháy thường để cho mấy người neo đơn, nghèo khổ.
Lắm khi thấy tội quá, không nỡ lấy tiền”.
Thùy, sinh viên một trường cao đẳng nói: “Chúng em ba đứa thuê một phòng, tháng mất tám trăm ngàn. Phòng trọ nhỏ, chủ không cho nấu cơm vì sợ cháy nhà. Ăn cơm hàng thì đắt đỏ lắm, mà không no, nên mỗi bữa lại ra đây mua một cân cơm trắng”.
Quanh ga tàu có tới cả chục quán cơm bụi. Nhưng giờ giá thuê mặt bằng tăng, giá điện nước, gạo, thịt rau đều tăng, giá cơm bụi tăng liên tục. “Cơm rẻ nhất cũng phải 20.000 đồng một suất. Nếu cả ba đứa đi ăn thì mất 60.000 đồng”.
Hỏi ăn cơm trắng hoài sao nuốt nổi và sức đâu học hành? Thùy nói: “Chúng em mua thêm trứng luộc”.
Chị Hằng bán hàng rong, là khách quen của phố cơm trắng. Chị nói là “đi bán suốt từ sáng sớm đến tối mịt, lấy đâu thời gian nấu cơm”.
Hàng bán bữa được bữa mất. Họ từ miền Trung vào, thuê nhà trọ gần Bệnh viện Da liễu. Đói thì mua cơm, ngồi gốc cây chia nhau mà ăn. Lắm khi trời nắng nuốt không nổi. Một chị bán hàng rong nói: “Muốn ăn cơm ngon thì chờ đến Tết về quê”.
Tìm nguồn sống
Trời nắng, xe cộ, bụi bặm, tiếng còi tàu rắt réo. H., một học viên theo học nghề điện, ngồi đạp xe lăn đi tìm mua cơm trắng. H. nói: “Chi phí học hành đắt đỏ lắm, em phải tiết kiệm để đỡ cho gia đình”. H. không chỉ mua cơm cho mình mà còn mua cho nhiều bạn khác.
Một khách của cơm trắng Ảnh: T.N.A .
Nhìn cảnh người ngồi xe lăn, len lỏi giữa phố xá đầy bụi bặm và xe cộ nơi ga tàu, mới biết người ta cần cơm trắng đến như thế nào.
Anh Thời, công nhân một nhà máy cách phố cơm trắng hàng cây số nói: “Ngày nào cũng như ngày nào, tôi đều mua cơm ở đây ăn.
Đồng tiền trượt giá, gạo thịt đều tăng, giá thuê nhà tăng. Phải sống như thế này, cầm cự, chứ còn biết làm sao bây giờ? Có cái bỏ vào miệng là tốt rồi, cầu gì ăn ngon”.
Anh mua hai ngàn đồng tiền cơm cộng thêm ba ngàn dưa món: “Muốn đổi khẩu vị thì mua mấy ngàn đậu phụ chấm với nước tương”.
Ngồi bên vệ đường cùng phố cơm trắng, tôi mới phát hiện ra phần lớn những khách hàng phố này đều độ tuổi thanh thiếu niên, sinh viên, người lao động trẻ. Họ đều đang tuổi ăn, tuổi lớn, độ tuổi lao động quan trọng nhất của xã hội.
Đa phần khách mua cơm trắng đều gày gò, xanh xao, có người tay run, giọng nói phều phào.
Chị Hồng nói: “Không ít người là khách quen của chúng tôi đến cả chục năm ròng. Nghĩ mà thương”.
Phố Nguyễn Thông nằm sát cổng ga Sài Gòn có lẽ là một bức tranh tương phản của cuộc đời hôm nay.
Phố này nổi tiếng bán rượu Tây với hàng chục tiệm rượu. Những chai rượu được thiết kế cầu kỳ, rượu ngâm với sâm Cao Ly, rượu lâu năm đến từ các nước… có giá vài triệu đồng, thậm chí có chai mấy chục triệu đồng.
Nhưng cũng ở phố Nguyễn Thông, nơi cuối con phố giáp với ga tàu, những ngõ nhỏ tối tăm và những hàng cơm trắng bày bán trên vỉa hè, nườm nượp các vị khách.
Quan sát hơn 20 người mua cơm trắng tại quán này, tôi thấy tất cả họ đều chỉ có một nhu cầu: “Bán cho tôi cơm thường”. Người đàn bà bán báo mua 3.000 đồng cơm thường ấy. Chị cầm chặt nắm cơm trong tay, như sợ sẽ đánh rơi một vật quý giá.
Chị Loan, người bán báo đi dép lê, cầm trên tay những tờ báo in đậm dòng tít nói về các tập đoàn nhà nước làm ăn thua lỗ ném hàng ngàn tỷ đồng xuống sông xuống biển, những tòa nhà con em quan chức tỉnh nọ lên đến hàng trăm tỷ được xây dựng chỉ để cho họ hưởng lạc… Người đàn bà bán báo dạo ghé vào mua cơm trắng, ánh mắt chị buồn hiu hắt.
Theo Trần Nguyễn Anh (TPO)
[Quay lại]
Có 18 ý kiến
Top of Form
§ nghoa
02/06/2012 11:12
Tôi rất xúc động và rơi nước mắt khi đọc xong bài báo nầy. Vâng! còn rất nhiều-rất nhiều người cần cơm trắng như thế và tôi cũng rất yêu quý họ. Họ chính là những người ĂN ĐẺ SỐNG chứ không phải SỐNG ĐỂ ĂN. Và chính họ cũng là những người đóng góp công sức không nhỏ cho xã hội, họ rất đáng được kính trọng.
§ Nguyễn Tấn Phát
02/06/2012 12:58
Cảm động từ tận đáy lòng, bài báo giàu cảm xúc thật. Tôi thật sự xúc động.
§ le minh tuan
02/06/2012 13:07
Có gì đâu nhỉ ! Cuộc sống nhiều khi với tô cơm trắng mà sống tốt là được rồi. Về mua bó rau là xong, đỡ bệnh. Bình thường thôi.
§ NT
02/06/2012 13:19
Đúng vậy, tôi cũng rất xúc động khi đọc bài báo này. Lại chạnh lòng khi thấy cảnh những người giầu có vào những nhà hàng sang trọng, gọi món đắt tiền thừa mứa ăn không hết bỏ đi, các người hãy đọc những bài báo như thế này để thấy được ở đâu đó còn rất nhiều người nghèo khổ. Tôi rất tâm đắc đoạn kết của bài viết!
§ Tài Lanh
02/06/2012 14:37
Báo đã giới thiệu một địa chỉ để những người cùng khổ tìm đến trong lúc thời buổi đồng lương ngày càng teo. Tôi cũng ở gần nhưng thú thật đâu có biết chổ này nếu không được báo giới thiệu. xin cám ơn báo
§ hungsg
02/06/2012 14:39
hỡi những người đã từng ăn 1 bát phở bò kobe (bò kobe giả) gần 1 triệu đồng 1 bát hãy đọc những bài báo như vậy mới biết trân trọng cuộc đời đã cho ta những gì và sẽ lấy lại như thế nào.
§ Trương Đình Khang
02/06/2012 14:40
Đọc xong bài viết tôi thật sự ngẹn ngào, xúc động và xen lẫn sự căm phẫn...cảm ơn những nhà báo có tâm như thế! Các bạn hãy viết nhiều về những trường hợp như thế để đánh thức lương tâm của con người trước khó khăn của đồng loại
§ Trần Văn
02/06/2012 14:48
Thật là vất vả cho một kiếp người! Nhưng cuộc sống của họ thật đáng trân trọng. Những gì mà họ hằng mơ ước cho một sự đổi đời sau mấy chục năm qua đã được chứng minh chỉ là lý thuyết. Đây mới là hình ảnh của tầng lớp nghèo ở thành thị, còn ở nông thôn, vùng sâu vùng xa thì cảnh nghèo đôi khi còn xót xa hơn. Ước gì khoảng vài ngàn tỉ mà các tập đoàn làm ăn thua lỗ (hay đã lọt vào túi quan tham) nằm trong tờ báo mà chị Loan đang cầm, rơi lên đời họ thì phận người đã đỡ khổ hơn!
§ Trung Nhân
02/06/2012 15:08
Đọc xong bài báo này, tôi cảm thấy mình bị "nhặm"mắt...!
§ Anh Khoa
02/06/2012 16:55
Một cân cơm bán giá 8.000 đồng, đủ cho ba công nhân ăn. Sắp tới nếu phải đóng phí giao thông và phí hạn chế lưu thông một năm thì bằng bao nhiêu cân cơm, bao nhiêu bữa ăn của người nghèo nhỉ? Ở trên cao Trời có thấu cho chăng?
§ Hulk
02/06/2012 16:58
Khi gặp những người bán hàng dạo, đặc biệt có những người bế theo em bé, tôi vẫn mua đồ của họ, cố tình trả nhiều tiền hơn và không lấy tiền trả lại. Những đồng tiền của họ kiếm được tuy rất ít, nhưng đó là những đồng tiền sạch sẽ. Tuy họ lam lũ nhưng họ đáng tôn trọng và đáng quý trọng hơn rất nhiều kẻ khác.
§ thay hai
02/06/2012 17:01
cuộc đời mà, có người giàu và cũng có người nghèo. Tại sao chỉ có ga Hòa Hưng mới bán cơm trắng? Trong khi rất nhiều chỗ trong thành phố này tập trung rất đông người lao động.
§ Lan Quỳnh
02/06/2012 17:02
Đọc mà rơi nước mắt.Người nghèo mỗi bữa có 3000 cơm trắng trong khi các tập đoàn vứt đi hàng trăm tỷ !
§ LAH
02/06/2012 17:06
Dân chúng ta nhiều người vẫn chạy ăn từng bữa, đắp đổi sống qua ngày, trong khi quan chức nhà nước thì tham nhũng tiền nghìn tỉ, xây dinh thự mua xe sang. Không biết bao giờ cái cảnh bất công này mới chấm dứt ?
§ kimchung
02/06/2012 17:19
Những buổi sáng cha đi đến bến tàu Chờ hàng đổ xuống vác cho mau Những bao hàng nặng không bằng thuế Cha vác bao giờ hết khổ đau? Mười lăm năm mồ hôi thấm trên những bến tàu Trên bến phà, trên công trường và trong xưởng máy Đời công nhân thợ thuyền vẫn khổ Mùa xuân đến cơm không đủ ăn Mùa đông sang áo không đủ mặc Dòng nước đen hững hờ trôi Tìm đâu ánh sáng cuộc đời Trong xóm nghèo lao động xơ xác Đường tối tăm quanh năm bùn lầy ……. Bài hát Người cha bến tàu – Nhạc sĩ Trần Long Ẩn sáng tác từ năm 1970 theo ý thơ Võ Thiền Quang. Bây giờ là năm 2012, đã qua nửa thế kỷ, hát lại, vẫn rất hợp với tình cảnh hiện nay của nhiều công nhân Chẳng lẻ .......
§ Bác Sỉ xe lửa
02/06/2012 17:46
Bài báo thật cảm động.Mong rằng cuộc sống bớt những cảnh nén tiền công xuống biển. quan chức bớt tiệc tùng thừa mứa. thì đời sống dân nghèo cũng bớt khổ cực nhiều lắm.
§ Nguyễn Minh Trí
02/06/2012 17:58
Lâu lắm rồi mới đọc được bài báo đầy tính nhân văn. Nhờ bài này tôi mới tin xã hội này còn nhiều điều tốt. Đoạn kết rất ấn tượng, so sánh 2 cảnh trên cùng một con đường quá tuyệt.
§ Thích Câu Cá
02/06/2012 18:01
Thì là cuộc đời, người giàu kẻ nghèo, những con người làm chính sách, làm vĩ mô, hay là đầy tớ của dân - họ - chính họ, chắc là không có ăn cơm, chỉ ăn đồ ăn, ăn cao sơn mỹ vị, đi máy bay, trực thăng, ngồi trên xe hơi, họ - chính họ, cũng đi từ trong nghèo khổ đi lên, đất nước đổi mới hơn 20 năm thôi, họ giàu từ đổi mới. họ không phải không thấy mà cố tình lẩn tránh ánh nhìn vào tầng lớp nghèo không có cơm ăn...tôi cũng đã khóc khi đọc bài này, cám ơn tác giả.
Vấn đề cơm trắng, chính bản thân tôi cũng gặp phải, như sau:
Sau khi bị nhốt trên Hoàng Liên Sơn 7 năm,
tôi được thả về Sài Gòn. Chúng vẫn không tha, đuổi tôi trở về nguyên quán ở Tu Bông,
Khánh Hòa, để sinh sống.
Tôi tìm cách xoay 300.00 đồng, làm tiền đút lót. Chúng cho tôi ở lại Sài Gòn 3 tháng,
và dặn rằng, nếu muốn ở thêm thì phải biết điều.
Nhưng làm sao tôi biết điều được khi bà xã tôi phải buôn gánh bán bưng để nuôi 4 đứa con dại.
Riêng tôi, ngoài số tiền mà bà xã cho tôi giới hạn, tôi phải thắt lưng buộc bụng để sống qua ngày,
tìm đường vượt biên.
Mỗi sáng, tôi ra đường Dương Công Trừng, Thị Nghè, mua 1 đồng sắn luộc, nhét cho bao tử cho đỡ
buồn, và giữ cho đôi chân được siết bù loong, để đạp vòng quanh Sài Gòn - Chợ Lớn, tìm mối
vượt biên.
Đến trưa, chân mõi, bụng rỗng, tôi ghé quán cơm bên đường, kiếm chút gì để bỏ vào bụng, may ra
có thể tiếp tục đi cho hết ngày. Quán cơm bên lề đường lúc bấy giờ bán một đỉa cơm, gồm
2 chén cơm nhỏ, với 2 miếng thịt ba chỉ, và ba muổng nước thịt.
Tôi hỏi bà chủ quán, nếu tôi chỉ cần đỉa cơm trắng thôi thì tôi phải trả bao nhiêu ?
Bà ta nói rằng, 3.50 đồng. Tôi nói, bà cho tôi đỉa cơm trắng thôi.
Khi tôi nhận đỉa cơm để ăn, bà ta nhìn tôi ăn một hồi, bà nói:
Đưa đỉa đây, tôi chang cho vải muổng nước thịt, chứ ăn như vậy, làm sao nuốt cho vô.
Tôi xúc động, nghẹn ngào, đưa đỉa cơm cho bà. Bà múc 2 muổng nước thịt chang vào đỉa cơm cho tôi.
Lúc ấy nước mắt tôi rịn ra lưng tròng . Tôi vội cảm ơn bà ta, và ăn hết đỉa cơm trong nháy mắt.
Bây giờ, tôi muốn tìm bà chủ bán cơm bên lề đường ngày xưa để hậu tạ, nhưng chẳng biết bà ta hiện giờ ở đâu.
Chỉ biết cầu xin Phật Trời phù hộ cho bà ta luôn khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi.
Đó, cơm trắng của tôi như thế đó. Quý bạn có ai thử chưa ? xin kể cho nghe, để biết cái chế độ
siêu việt của bọn gian manh cộng sản.
Kính,
Nam
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment