Friday, June 8, 2012

Washington –Bắc Kinh đọ sức ở Biển Đông

 

 Thứ sáu 08 Tháng Sáu 2012

Washington –Bắc Kinh đọ sức ở Biển Đông

Hai tàu của Trung Quốc chặn tàu thăm dò USNS Impeccable của Mỹ, ngày 08/03/2009, ở vùng biển quốc tế Biển Đông

Hai tàu của Trung Quốc chặn tàu thăm dò USNS Impeccable của Mỹ, ngày 08/03/2009, ở vùng biển quốc tế Biển Đông

@us Navy

Thanh Hà

Lo ngại vì những tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông, Thượng Viện Mỹ thúc đẩy tiến trình phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển : chủ đề thứ nhất trong phần tin quốc tế của tờ Le Monde.

Vào lúc Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển đã chính thức có hiệu lực từ năm 1994 và đã được 162 nước trên thế giới thông qua, Hoa Kỳ là quốc gia phát triển công nghiệp duy nhất không phê chuẩn văn bản này. Mỗi lần hồ sơ đó được đề cập tới thì đều gặp phải sự chống đối từ phía Thượng viện. Một số tiếng nói bên phía đảng Cộng Hòa lo ngại với Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển, Hoa Kỳ coi như sẽ phải trao một phần chủ quyền quốc gia vào tay các " nhà kỹ trị quốc tế " kiểm soát biển và các đại dương mà diện tích chiếm tới 70% bề mặt trái đất.

Ngay từ đầu năm 2009 tổng thống Barack Obama luôn coi việc phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển là một ưu tiên trong nhiệm kỳ, để mở đường cho Washington tham gia tích cực hơn vào các định chế đa quốc gia. Đề xuất của chủ nhân Nhà Trắng được nhiều thành phần ủng hộ, từ phía quân đội đến các tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ, nhưng hồ sơ này vẫn dậm chân tại chỗ.

Lần này, chính quyền Obama đang vận động lại Thượng viện trong bối cảnh Washington muốn cân bằng tương quan lực lượng so với Trung Quốc tại Châu Á-Thái Bình Dương. Nhà Trắng cho rằng Hoa Kỳ phải phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển thì mới có đủ trọng lượng khi cần can thiệp vào khu vực Biển Đông, tâm điểm trong mối căng thẳng giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines do nơi đây có những dự trữ dầu khí tiềm tàng.

Le Monde nhắc lại lời Ngoại trưởng Hillary Clinton, nhân buổi tường trình hôm 23/05/2012 trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, theo đó, " việc phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển sẽ bảo đảm cho Hoa Kỳ về phương diện giao thông trên biển, tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn khi nước Mỹ cần phải khẳng định chủ quyền, kể cả tại những vùng biển có tranh chấp như Biển Đông hay vùng biển Nam Cực ".

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện John Kerry nhấn mạnh : " Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đang đưa ra những đòi hỏi bất hợp pháp về chủ quyền ở Biển Đông (…) Phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc sẽ có lợi cho Hoa Kỳ và các đồng minh khu vực để giải quyết những vấn đề trên biển ".

Bên cạnh yếu tố pháp lý, chính quyền Obama còn nêu ra những lợi ích kinh tế một khi Hoa Kỳ phê chuẩn luật biển của Liên Hiệp Quốc. Lợi thế quan trọng nhất là quyền khai thác và thăm dò dầu khí dưới lòng đại dương.

Lập trường của cựu đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc, John Bolton hoàn toàn trái ngược với quan điểm của ông Kerry và của bộ Ngoại giao. Theo ông, việc Washington phê chuẩn văn bản nói trên sẽ càng làm dấy lên hiềm khích giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vào lúc mà Bắc Kinh đang " nỗ lực kềm hãm hải quân Mỹ ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc ". Hơn nữa, theo ông John Bolton, việc phê chuẩn Công ước về luật biển chưa chắc đã đem lại hiệu quả mong muốn, bởi vì Washington và Bắc Kinh có hai cách diễn giải rất khác nhau về luật biển quốc tế.

Kết thúc bài báo, Le Monde cho biết là Thượng viện Mỹ sẽ không nghiên cứu khả năng phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển từ nay cho đến ngày bầu cử tổng thống 06/11/2012, tránh để gây khó khăn cho phía đảng Cộng Hòa.

Syria : Chiếc bẫy của hận thù

Đề tài quốc tế được chú ý nhiều tới trong ngày là sự bất lực của quốc tế trước thảm kịch kéo dài tại Syria. « Chiếc bẫy của hận thù » tựa của bài báo trên Libération.

Hơn một năm từ đầu cuộc nổi dậy, hơn 13 000 nạn nhân thiệt mạng, đa số là thường dân. Các cuộc thảm sát liên tục nối đuôi nhau ra đời bất chấp những lời kêu gọi của quốc tế và những kế hoạch hòa bình. Đáng quan ngại hơn cả, theo phân tích của một chuyên gia thuộc tổ chức Arab Reform Initiative, chính quyền của tổng thống Bachard Al Assad vẫn chưa đạt được mục tiêu mong muốn và điều đó có nghĩa là tình hình "xấu nhất" có thể xảy tới bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, như nhận xét của Le Figaro, đặc sứ về Syria của Liên Hiệp Quốc, Kofi Annan, " cố gắng cứu vãn kế hoạch hòa bình do ông đề xướng ". Vấn đề đặt ra, theo Libération, Syria sẽ tiếp tục đối đầu với quốc tế. Một trong những dấu hiệu rõ rệt nhất là tổng thống Syria vừa chỉ định tướng Jamil Hassan vào chức vụ giám đốc cơ quan Mật vụ không quân. Đây là bộ phận được cố tổng thống Hafez al Assad thành lập và được coi là tổ chức " độc địa nhất, đáng gờm nhất " bên cạnh Vệ binh Cộng hòa Syria.

Châu Âu : Hiềm khích giữa Paris và Berlin

Quay về thời sự châu Âu, Le Figaro và báo kinh tế Les Echos chú ý tới cuộc đọ sức ngầm giữa hai lãnh đạo Pháp và Đức. " Thái độ ngờ vực giữa ông Hollande và bà Merkel ", tựa lớn trên trang nhất báo Le Figaro. Số là ngày hôm qua 07/06/2012, khi tiếp thủ tướng Anh, David Cameron, bà Merkel không ngần ngại đề cập tới khả năng thành lập một " liên minh chính trị " trong Liên Hiệp Châu Âu để bảo toàn đồng euro. Cụ thể hơn, Berlin không bác bỏ sáng kiến của tân tổng thống Pháp muốn châu Âu phát hành chung một loại công trái.

Bà Angela Merkel cho rằng, khu vực đồng euro có thể hướng tới giải pháp đó để thúc đẩy kinh tế một khi tất cả các thành viên trong khối đã " lành mạnh hóa ngân sách, từ đó thúc đẩy khả năng cạnh tranh, và tìm lại tăng trưởng ". Nói cách khác, Berlin không hề thay đổi lập trường và vẫn chủ trương eurozone phải giải quyết nợ công, cân bằng ngân sách trước khi muốn hướng tới một chính sách tài chính chung. Thậm chí, Đức còn cho rằng châu Âu cần có một bộ Tài chính chung có quyền quyết định về ngân sách của mỗi quốc gia thành viên eurozone.

Như tựa của báo Les Echos, sau đề nghị của Pháp về một " hiệp ước tăng trưởng ", Đức bắt đầu " phản công " và theo phân tích của tờ báo thì đây là một chiến lược vô cùng khéo léo của bà Merkel để kéo dài thời gian trước những đòi hỏi gấp rút của Paris.

Theo như nhận định của Les Echos, căng thẳng trong quan hệ giữa hai đầu tàu kinh tế của châu Âu đang gia tăng, dù vậy, Pháp cố gắng giảm nhẹ tầm mức quan trọng về bất đồng giữa Paris và Berlin.

Trong lúc Pháp và Đức nghi kỵ lẫn nhau, thì Trung Quốc đang trở nên thận trọng hơn, khi đầu tư vào khu vực đồng euro. Trả lời báo tài chính Wall Street Journal, số ra ngày 07/06/2012, giám đốc quỹ đầu tư Trung Quốc China Investment Corp Lâu Kế Vĩ cho biết, Bắc Kinh hạn chế việc mua cổ phiếu và công trái của châu Âu với lý do nguy cơ khu vực đồng euro bị tan vỡ ngày càng lớn. Đầu tư vào công trái châu Âu bị coi là " mang lại mức rủi ro cao " và " lợi nhuận lại thấp ". Đây là lần đầu tiên, Trung Quốc chính thức thông báo giảm bớt mức đầu tư vào eurozone.

China Investment Corp hiện đứng đầu một khối lượng vốn 410 tỷ đô la và là quỹ đầu tư lớn hàng thứ 5 trên thế giới.

Một quan tâm khác của khu vực đồng euro là việc Tây Ban Nha vừa bị cơ quan thẩm định tài chính Fitch hạ 3 nấc điểm tín nhiệm. Ẩn số lớn nhất xoay quanh số nợ khó đòi của các ngân hàng nước này. Phụ trang kinh tế của tờ Le Figaro đưa tin nhưng không bình luận. Fitch dự báo nợ khó đòi của các ngân hàng Tây Ban Nha khoảng từ 60 đến 100 tỷ euro và ở mức độ này, nợ công của chính quyền Madrid sẽ tăng lên thành 95 % GDP vào năm 2015 thay vì 74 % vào cuối năm nay.

Euro 2012

Đóng lại các bài báo kinh tế để nói về sự kiện thể thao được chờ đợi nhất trong ngày : Cuộc tranh tài trên sân cỏ của giải bóng đá Euro 2012 khai mạc tối nay. Le Figaro tập trung vào đội tuyển quốc gia Pháp : Các chú gà trống Gaulois sẽ phải cố gắng hết mình để tô điểm lại hình ảnh của đội tuyển áo lam sau thất bại ê chề ở Cúp thế giới Nam Phi 2010.

Không hẹn, Libération cũng có bài phân tích với nội dung tương tự. Trong số các cầu thủ tham dự trận đấu tại Ukraina tối thứ Hai tuần tới, có 10 người đã từng tham gia cuộc tranh tài ở Nam Phi. Libération không mấy hào hứng cho rằng đó là bằng chứng rõ rệt cho thấy ngành thể thao Pháp trong 2 năm qua không hề thay đổi và bản thân các cầu thủ cũng chẳng thay đổi thái độ bởi vì " những ông vua trên sân cỏ thường sống trong một thế giới riêng biệt ".

L'Humanité nhắc lại một vài chi tiết : Trận đấu khai mạc diễn ra tại Ba Lan, lễ bế mạc sẽ được tổ chức tại sân vận động Kiev Ukraina. Ba Lan và Ukraina theo thứ tự đã huy động 10 và 24 ngàn cảnh sát để bảo đảm an ninh cho mùa hội bóng đá. Ba Lan đang kỳ vọng giải Euro 2012 đem lại 2 % tăng trưởng kinh tế cho nước này. Viễn cảnh gặt hái những thành quả kinh tế không được tốt đẹp như vậy đối với Ukraina : Kiev đã liên tục giảm tham vọng huy động được 800 000 fan của quả bóng tròn.

 

 

 

 

 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link