Thế chấp đảng
Xích Tử
Gần đây, trong mịt mù thông tin trên các báo nhà nước, có 2 cụm tin, bài không xôn xao lắm, nhưng ngẫm kỹ, rất ấn tượng, rất đặc biệt, rất Việt Nam.
Vụ thứ nhất, một thanh niên đi xe máy trên phố Hà Nội, vi phạm an toàn giao thông, bị cảnh sát buộc dừng xe, xử lý, đã rút thẻ nhân viên / cán bộ của Ủy ban kiểm tra trung ương đảng thuộc Trụ sở Trung ương đảng ra để dọa và không chịu ký vào biên bản, liên tục gọi điện thoại để nhờ “ai đó” can thiệp.
Sau khi tin lên báo, Ủy ban kiểm tra trung ương xác nhận thanh niên này là nhân viên hợp đồng của cơ quan, hiện đang được chỉ đạo viết tường thuật, kiểm điểm. Phản hồi kịp thời và có vẻ có trách nhiệm của một cơ quan đảng như vậy là nhờ phía cảnh sát không sợ sự đe dọa của anh thanh niên; báo chí lại nhanh nhạy đưa tin và có kèm ảnh của người vi phạm lẫn chiếc thẻ. Hết đường chối cãi, né tránh, như đã thường từng xảy ra.
Tuy nhiên, về cách trả lời của cơ quan có nhân viên vi phạm cũng có những điểm tồn nghi. Hiện tượng cán bộ làm hợp đồng ở cơ quan đặc biệt này là rất hiếm, nếu không nói là không có. Cho dù anh thanh niên ấy có tài năng chuyên môn kỹ thuật gì đặc biệt, được hợp đồng thì cũng phải là đảng viên, có lý lịch tốt và hiện nay, còn phải là con ông cháu cha. Theo qui định, diện nhân viên hợp đồng không được cấp thẻ chính thức như ảnh in trên báo, và khi có vi phạm (trong trường hợp này là vừa vi phạm giao thông, vừa chống người thi hành công vụ do không ký biên bản, vừa vi phạm qui chế về sử dụng thẻ cán bộ) thì không phải tường thuật, kiểm điểm, xử lý kỷ luật gì cả; đơn giản chỉ là chấm dứt hợp đồng.
Vụ thứ hai, một nữ Phó Giám đốc Sở, tỉnh ủy viên ở một tỉnh phía nam đã dùng thẻ đảng để thế chấp vay tín dụng ngân hàng, đến nỗi phải bị kỷ luật khai trừ.
Cả hai trường hợp, suy cho cùng, đều là đem đảng ra để thế chấp cho những lợi ích riêng tư, nhất thời. Nhìn hai vụ việc, như một lát cắt riêng, đó chỉ là những trường hợp cá biệt, số ít. Nói như cách lập thuyết của chủ nghĩa Mác – Lênin, đó chỉ là hiện tượng, không phải là bản chất. Tuy nhiên, đến giai đoạn này của cách mạng, công cụ ngụy biện là cặp phạm trù nội dung, bản chất / hình thức, hiện tượng đó không còn đứng vững khi một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên hư hỏng về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống như đảng đã thừa nhận; văn hóa, đạo đức, các chuẩn mực giá trị xã hội bị phá vỡ và xuống cấp như cách nói của nhiều thức giả trên các kênh thông tin chính thống và diễn đàn mạng xã hội; và hàng ngày đảng, nhà nước phải kêu gào lên cho những đợt thi đua, nhân rộng điển hình tiên tiến (có nghĩa là cái điển hình đó không rộng mấy).
Chỉ là một chuyện đơn giản nếu xem đó là nhựng hiện tượng cá biệt, được hình thành tất yếu do sự tác động từ “mặt trái của kinh tế thị trường”. Cứ phát hiện, giải thích, xử lý kỷ luật một cách “đúng qui trình” là xong; cuộc sống rồi sẽ tốt đẹp.
Nhưng không. Những hiện tượng cá biệt xấu, như là chất thải tiêu hóa đó được tạo nên bởi quá trình đồng hóa, dị hóa của cơ thể đảng, cơ thế chế độ, cơ thể đất nước, là sản phẩm tổng hòa của sự vận hành những mối quan hệ bên trong cơ thể ấy. Người thanh niên ở Hà Nội và vị nữ tỉnh ủy viên, khi dùng những công cụ vật chất có giá trị tín hiệu chứng minh mình thuộc về đảng là họ đã thực sự “tựa vào Đảng lên tiếng hát” (ý thơ Tố Hữu). Tín hiệu đó không chỉ là tấm thẻ của một cán bộ, một đảng viên cá biệt, mà là đại diện của toàn bộ sức mạnh, quyền uy, uy tín của đảng. Họ tin như vậy và hoàn toàn có quyền tin như vậy nhờ vào đảng. Tính chính đáng trong niềm tin và hành vi dựa trên niềm tin đó đã tạo cho sự giao dịch xã hội có hiệu quả: cảnh sát giao thông không phạt người thanh niên; ngân hàng sử dụng thẻ đảng làm vật thế chấp để cho vay tín dụng. Đảng đã tạo cho những tấm thẻ đó có mệnh giá trao đổi bằng toàn bộ cơ chế và phương pháp cầm quyền, lãnh đạo của mình, bằng Điều 4 trong Hiến pháp. Lịch sử cầm quyền từ lúc đảng cướp được chính quyền cho đến khi ghi được Điều 4 vào Hiến pháp 1992 đã khiến cho toàn xã hội bị cưỡng chế quyền uy, thừa nhận một cách bắt buộc quyền uy đó, đối phó bằng thái độ mang ơn giả hoặc thật ở nhiều mức độ và sợ hãi. Người cảnh sát giao thông hoặc nhân viên của ngân hàng, có thể không chấp nhận tính hợp pháp của những tấm thẻ đối với bản chất của sự việc đang giao dịch, song họ sợ đảng qua những tấm thẻ đó và có thể đảng ở cả đầu dây phía kia cú điện thoại của anh thanh niên Hà Nội. Bằng cơ chế và phương pháp lãnh đạo và cầm quyền, đối với mỗi người dân, đảng vừa nhử bằng củ cà rốt: sự an toàn, công ăn việc làm, sự tiến thân cùng những danh hiệu và bả hư danh khác được dẫn dụ từ tuổi nhi đồng đến lão thượng thọ theo con đường của đảng, được vào đảng, vừa dọa bằng cây gậy đối với tất cả những biểu hiện không cần cái củ cà rốt kia: không được ban phát các loại quyền lợi, bị cô lập và bị trù dập, trấn áp bằng nhiều hình thức khác nhau. Không cần đảng, nói khác với đảng, khác với chủ nghĩa Mác – Lênin hoặc phê bình đảng, xét lại, phản biện chủ trương chính sách của đảng v.v... là chống đảng; chống đảng là vi phạm Hiến pháp và luật hình sự; chống đảng là chống, tuyên truyền chống, có âm mưu lật đổ nhà nước nhân dân, cũng bị khép tội hình.
Đối với toàn xã hội, bằng cơ chế và phương pháp lãnh đạo và cầm quyền đầy thủ thuật và công cụ bạo lực đó, đảng đã chiếm cứ, sở hữu và sử dụng toàn bộ quyền lực để tiến hành cuộc cách mạng nội bộ dân tộc, biến nhân dân thành kẻ thù tiềm tàng, thao túng tất cả các quan hệ về chính trị, kinh tế, văn hóa... giữa công dân với công dân, giữa các thiết chế xã hội, kể cả những thiết chế truyền thống được bảo lưu và cải tạo theo định hướng “xã hội chủ nghĩa”, vừa lập mới để phục vụ cho các mục tiêu “xã hội chủ nghĩa”; đồng thời, thiết lập riêng cho đảng của mình một hệ thống đặc quyền đặc lợi có tính đảng: đứng trên pháp luật và lãnh đạo, điều chỉnh pháp luật theo ý mình; thể hiện uy quyền trong việc bố trí, sử dụng ngân sách nhà nước phục vụ cho bộ máy, cơ sở vật chất và hoạt động của đảng, các ưu tiên luật pháp, vốn, thuế cho hệ thống cơ sở làm kinh tế của đảng... Uy quyền lớn nhất của đảng, xét như là một đặc thù tiêu cực nhất, lạc hậu nhất trong lịch sử chính trị là tự ý cho mình đứng trên nhân dân, cao hơn nhân dân và tốt hơn nhân dân; ngoài đảng ra, còn lại chỉ là “quần chúng” (bầy bọn nó), luôn luôn lạc hậu và có thể nguy hiểm cho đảng.
Tất cả những cái ấy đã trở thành thâm căn cố đế trong tổ chức đời sống xã hội Việt Nam hiện tại. Cách thức, mức độ phát huy quyền lực của đảng có quan hệ nhân quả qua lại với tất cả mọi biến động xấu hoặc tốt của đời sống xã hội, từ hai vụ việc nói trên cho đến cả Vinashine, Vinalines, Trương Văn Cam, PMU 18, Dương Chí Dũng, đến cả chuyện hoa hậu Mỹ Xuân hay chuyện thanh niên Hà Nội dắt súng đi dạo phố rộ lên trong những ngày này. Khi có những người của đảng dám thế chấp đảng thì trong bộ phận quần chúng còn lại, sẽ có những phản ứng không bình thường đối với chuẩn mực chung nhưng lại rất biện chứng trong quan hệ nhân quả như đã nói.
Chỉ có ở Việt Nam mới có chuyện đảng viên dùng tư cách thành viên của chính đảng để dọa người khác, để trục lợi trong việc làm ăn, kinh doanh, để “chạy”. Trong bối cảnh đó, khó mà nói đến việc tự chỉnh đốn theo kiểu thanh tẩy nhận thức và hành vi của đảng viên như cách làm của tôn giáo, để qua đó cứu vớt đạo đức, văn hóa của một xã hội ung thư đã đến đoạn di căn vào tinh thần, với những triệu chứng tột độ của sợ hãi, đau đớn và phẫn nộ.
Xích Tử
No comments:
Post a Comment
Thanks for your Comment