Thursday, June 7, 2012

Từ Lý Sơn, nắm lấy lại la bàn

Từ Lý Sơn, nắm lấy lại la bàn

André Menras – Hồ Cương Quyết

Tôi viết bài này từ Lý Sơn, nơi tôi có mặt từ ngày 1 tháng Sáu.

Với tư cách là chủ tịch của ADEP Pháp Việt và đại diện cho hàng trăm người bạn thuộc quốc tịch Pháp hay Việt kiều ở Pháp, Đức, Séc, Ba Lan, cũng như những người bạn Việt Nam trong “phong trào” chống chiến tranh xâm lược của Mỹ, tôi đã trao cho 37 gia đình ở Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) và 40 gia đình ngư dân ở Lý Sơn số tiền 322 triệu đồng. Phần lớn số tiền này được quyên góp trong hành trình của tôi qua các nước châu Âu để chiếu bộ phim Hoàng Sa Việt Nam: nỗi đau mất mát.

Đây là đôi chút thuốc giảm đau cố gắng đắp lên những vết thương của các ngư dân. Đây là hành động đoàn kết mạnh mẽ đối với các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố của Trung Quốc vẫn đang còn tiếp tục và ngày càng gia tăng ở vùng quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Đây cũng là thông điệp rõ ràng cho nhà cầm quyền Trung Quốc: rằng dư luận quốc tế đã bắt đầu biết đến những hành động ăn cướp, những vụ bắt bớ dã man, những hành động bạo lực mà hải quân Trung Quốc đã phạm phải đối với những người đánh cá hòa bình trên vùng biển truyền thống của cha ông họ. Bất bình và cả căm giận đang dâng lên và lan rộng. Có thể đánh lừa một số người trong một thời gian nhưng không thể đánh lừa mọi người mãi mãi.

Với một số bà vợ goá đã mất chồng tại Hoàng Sa

Với một số bà vợ goá đã mất chồng tại Hoàng Sa

Trong khi trao món tiền cứu trợ này tôi đã được sự hợp tác đầy đủ của chính quyền Quảng Ngãi: Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Ngoại vụ, Quỹ Hỗ trợ nghề cá, cũng như những người có trách nhiệm ở huyện và xã. Họ đã giúp tôi rất nhiệt tình và hiệu quả trong việc tập họp các gia đình. Họ đã đi theo tôi và có mặt trong tất cả các lần trao quà cứu trợ. Họ đã cho phép tôi phát biểu tuyệt đối tự do tất cả những gì tôi muốn nói với các ngư dân và gia đình họ. Tóm lại, tôi có thể khẳng định rằng về phía các nhà cầm quyền địa phương quả thật đã có một ý chí rõ rệt muốn cho mọi người biết tình cảnh thật của ngư dân và tạo thuận lợi cho sự cứu trợ đối với họ.

Với một số ngư dân bị Trung Quốc giam giữ 49 ngày tại đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) và với chủ tàu Lê Vinh bị cướp phương tiện hành nghề

Với một số ngư dân bị Trung Quốc giam giữ 49 ngày tại đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) và với chủ tàu Lê Vinh bị cướp phương tiện hành nghề

Nhưng còn các nhà cầm quyền trung ương thì sao?

Về điểm này tôi xin thú thật là tôi khá lo lắng và quả thật tôi nghĩ rằng một số trung tâm quyền lực cần một cái la bàn bởi vì họ đang thả mặc cho sóng gió và không ai biết họ định đưa con thuyền đến đâu.

Tôi biết chắc là Trung Quốc sẽ tiếp tục khủng bố ngư dân Bình Châu và Lý Sơn, chúng sẽ tiếp tục đối xử tàn tệ với họ, cướp thuyền cá của họ khiến họ tan gia bại sản bởi chúng muốn họ bỏ trống biển và để cho ngư dân Trung Quốc tha hồ tự do trên vùng biển ấy. Đấy là một sự thật. Nhưng khi tôi phát biểu những lo lắng của mình, thì câu trả lời chính thức luôn luôn là: “Không nên làm mất lòng Trung Quốc, họ quá mạnh; họ có thể dùng bạo lực, có thể phát động chiến tranh.” Vậy nên, nếu ta muốn có hòa bình, thì phải tránh tất cả những gì những gì khiến Trung Quốc không bằng lòng. Tức: đừng chiếu phim Hoàng Sa Việt Nam, nỗi đau mất mát: Sự thật trong phim này quá gay gắt sẽ làm Trung Quốc nổi giận. Nhất là đừng nói chuyện chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã giúp ông Lê Vinh, người bị hải quân Trung Quốc cướp mất tàu, 555 triệu đồng để ông có thể mua một chiếc tàu mới. Lộ chuyện ấy ra sẽ khiến người Trung Quốc căm ghét ông Lê Vinh và họ sẽ thủ tiêu ông ấy trong lần ra khơi sau. Mọi sự phải giữ kín trong nội bộ ta thôi, thậm chí phải tuyệt mật. Đối với người Trung Quốc việc ta giúp ngư dân là phạm tội và “người-Trung-Quốc-cái-gì-cũng-biết-và-ở-đâu-cũng-có-mặt” sẽ tiến hành những hành động khủng bố, trực tiếp trên biển, nhưng còn cả trên mặt trận kinh tế nữa… Cho nên: im lặng!

Duy nhất được phép là những phản đối lặp đi lặp lại của người phát ngôn Bộ Ngoại giao mỗi lần có gây hấn, mà Bắc Kinh chẳng thèm lập tức phản bác. Trong khi đó tình hình ngày càng xấu đi. Trung Quốc củng cố các căn cứ hành chính và quân sự của họ ở Hoàng Sa. Họ tấn công các tàu thuyền Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Họ đưa tàu quân sự của họ bảo vệ ngư dân của họ cướp bóc vùng biển mà Philippines đòi chủ quyền. Họ uy hiếp hạm đội Ấn Độ …

Khi các công dân Việt Nam, dù thiếu thông tin, quyết định phản ứng một cách hòa bình, xuống đường, viết các bài phản đối, thì liền bị đàn áp, nhiều khi nặng nề, đến bị bỏ tù. Tôi không thể không nhớ lại cách đây đúng một năm, ngày 5/6/2011, tôi và các bạn từng tranh đấu trong phong trào phản chiến ngày trước và nhiều bạn trẻ đã cùng xuống đường trong tinh thần ôn hòa để phản đối hành động cắt cáp của Trung Quốc đối với tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Sau đó, đã có thêm 10 lần xuống đường của người dân để phản đối Trung Quốc gây hấn. Những cuộc bày tỏ lòng yêu nước một cách tuyệt đối hòa bình ấy đã gặp không ít chuyện đáng giận từ lối hành xử lúng túng, đánh đập thô bạo, bắt bớ của những người nhân danh chính quyền nữa. Ở đây, có một nghịch lý ái quốc thật lạ lùng của nhà cầm quyền: để tránh cho nhân dân mình khỏi ăn dùi cui ngoại bang, chính họ phải cho đồng bào mình ăn đòn! Chưa bao giờ người Việt ta lại được tự phục vụ tuyệt đến thế!

Các nhà cầm quyền bảo hãy tin ở chúng tôi. Chúng tôi thương lượng ở cấp cao nhất. Tôi muốn hỏi: Có thể nói cho tôi biết đến nay những cuộc thương lượng rất bí mật ấy đã dẫn tới đâu? Đã mang lại kết quả gì tích cực cho nước Việt Nam, cho nhân dân Việt Nam? Trung Quốc có bao giờ dù chỉ một lần nói lên một lời lấy làm tiếc là đã đánh đập, nhấn chìm, bỏ tù, làm cho sạt nghiệp các ngư dân Việt Nam mà ta có thể tính con số lên đến hơn một nghìn người trong mười năm gần đây? Không hề! Trái lại họ càng gia tăng gây hấn, ngăn cấm ngư dân Việt Nam cùng lúc ngư dân Trung Quốc trên hàng chục tàu thuyền xuất hiện gần bờ biển Việt Nam. Trung Quốc có chịu từ bỏ “đường lưỡi bò” bành trướng muốn xâm chiếm 80% Biển Đông, vốn là tài sản chung của các nước ven bờ trong đó không có Bắc Kinh? Không hề! Trái lại, họ không ngừng rêu rao các tham vọng chủ quyền của họ mỗi khi có cơ hội và triển khai chiến lược chính trị, ngoại giao, kinh tế và quân sự để đơn phương áp đặt chúng trên bình diện khu vực và quốc tế. Từ năm 2002 các cuộc thương lượng ở cấp cao có đưa Bắc Kinh trở lại tôn trọng DOC mà họ đã ký? Không hề! Cả những cuộc thương lượng ấy lẫn những cuộc thăm viếng “16 chữ vàng” và “4 tốt”, cả những đường dây điện thoại gọi là nóng không ngăn được Trung Quốc tiến tới, gây hấn, dữ dằn hay lén lút hơn. Đấy là sự thật. Kiên nhẫn, im lặng, chờ đợi, “khéo léo”, chẳng gì đẩy lùi được mối hiểm nguy. Trái lại, điều đó lại tạo điều kiện cho Trung Quốc lặng lẽ chiếm lĩnh trận địa. Ta càng lùi, họ càng lấn tới. Ngôn ngữ nước đôi “16 chữ vàng” với lại “4 tốt” và những phản đối ngoại giao đã thành lệ chỉ làm hại Việt Nam. Một số lãnh đạo Việt Nam thăm Trung Quốc, thường là sau khi dư luận Việt Nam có phản ứng bất bình, hòa giọng với lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố: “Đừng để cho các lực lượng phản động chia rẽ chúng ta”. Nhưng khi Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam thì bọn phản động ở đâu? Đã đến lúc chấm dứt cái trò ngôn ngữ nước đôi đó đi, đừng che giấu bất cứ sự thật nào bởi vì điều đó phá vỡ, làm suy giảm hay gây phẫn nộ dư luận công chúng trong nước, đánh lạc hướng các bạn bè của Việt Nam trên thế giới, kìm hãm các liên minh mà Việt Nam cần để tồn tại. Ở Pháp tôi đã gặp nhiều lãnh tụ cộng sản hay các đảng cánh tả không hề biết có các cuộc gây hấn của Trung Quốc chống Việt Nam. Trong những điều kiện đó làm sao có được sự ủng hộ của họ? Làm sao dộng viên được toàn bộ giới trẻ Việt Nam để họ sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc khi không có bất cứ chương trình quốc gia nào về lịch sử và địa lý trình bày một chương nào về Hoàng Sa và Trường Sa? Có những sự lãng quên cực kỳ vô trách nhiệm và thậm chí đáng nghi ngờ.

Những sự im lặng, chờ đợi, sợ hãi, cấm doán ấy, mà ta không biết đích xác nguồn gốc, là hết sức nguy hiểm cho đất nước và nhân dân Việt Nam. Ai cũng biết – và nhân dân Việt Nam càng biết hơn ai hết – rằng càng lùi bước mãi trước một kẻ xâm lược lớn mạnh và quyết đoán thì cuối cùng sẽ bị đẩy vào chân tường. Và khi đã áp lưng vào tường rồi, thì đã quá muộn: không còn đường lui và tránh được tai họa nữa. Thương lượng với Hitler, cúi đầu trước y bằng hiệp ước Munich không ngăn được y xâm chiếm châu Âu hai năm sau đó! Tôi sợ những khoảnh khắc kinh hoàng ấy vì tôi đã từng nhìn thấy chiến tranh, tôi yêu quý hòa bình hơn bất cứ điều gì khác. Đấy là lý do tôi trả lời những người im lặng và khuất phục nhân danh hòa bình rằng thái độ của họ làm tăng nguy cơ xâm lược và chiến tranh. Phương cách duy nhất để tránh cuộc đối đầu chết người cho cả nhân dân Việt Nam lẫn nhân dân Trung Quốc là ngẩng cao đầu. Nắm lấy lại la bàn của một tinh thấn ái quốc chân chính, song quả quyết tự vệ. Bình tâm, và đầy phẩm cách. Cùng lúc với việc thông báo những sự kiện tích cực giữa hai nước, phải dũng cảm tố cáo các cuộc xâm lấn, tất cả các cuộc xâm lấn, một cách khách quan. Tố cáo với trong nước cũng như ngoài nước. Phải bảo vệ ngư dân của mình như Trung Quốc bảo vệ ngư dân của họ. Thực sự bảo vệ ngư dân bằng hỗ trợ quân sự. Liên tục, thường xuyên. Ngư dân Việt Nam không giống như ngư dân mà Trung Quốc gửi đến những khu vực tranh chấp. Đấy không phải là những ngư dân ngụy trang, những binh lính được huấn luyện và trang bị vũ khí, sẵn sàng cho các cuộc đối đầu. Ngư dân Việt Nam là ngư dân thật, những người lao động thật sự trên biển cả… Mặc những lời hoa mỹ về hỗ trợ nhiên liệu và những vật dụng khác, họ hoàn toàn đơn độc giữa biển khơi, đối mặt với một lực lượng hải quân được trang bị tận răng, với những binh sĩ tàn bạo được lệnh uy hiếp họ và coi họ là kẻ thù. Sẵn sàng hy sinh tính mệnh, cả kinh tế gia đình, tương lai con cái, những người anh hùng bình thường ấy là những người duy nhất giương cao lá cờ của Việt Nam trên biển cả cuả Tổ quốc bị ngoại bang xâm chiếm. Không có bất cứ lực lượng nào hỗ trợ cho họ: cả lực lượng Biên phòng chỉ bảo vệ bờ biển, lẫn hải quân không dám ra khơi xa, cả không quân. Tôi không thể kìm nổi bất bình khi nghe các diễn từ của những vị lãnh đạo cao cấp, bình yên trong tiện nghi sang trọng, khuyên ngư dân hãy tự bảo vệ lấy mình. Làm sao họ có thể tự bảo vệ khi đối mặt với một bộ máy sẵn sàng nghiền nát tất cả đang chờ họ và hoàn toàn tự do hành động? Họ ở giữa đấu trường, tay không đối mặt với sư tử.

Ngẩng cao đầu cũng còn có nghĩa là Nhà nước phải bước lên tuyến đầu và nhận lãnh lấy trách nhiệm xã hội của mình trước vô số nạn nhân mà bộ phim Hoàng Sa Việt Nam nỗi đau mất mát chỉ mới nói đến một phần rất nhỏ. Là phải tổ chức một chế độ đặc biệt ưu tiên hỗ trợ cho những người vợ góa và con cái mồ côi của những ngư dân mất tích trên biển ở Hoàng Sa. Một chế độ cho phép họ sống đàng hoàng không phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của láng giềng hay bạn bè. Đấy sẽ là chút biết ơn tối thiểu đối với những hy sinh và hiểm nguy mà họ gánh chịu. Đấy sẽ là một sự hỗ trợ tinh thần to lớn đối với họ. Tiền không thiếu. Tôi sẽ không kể đến hàng triệu đô la, là tiền đóng thuế của dân, đã biến mất trong những cái túi không đáy của một số doanh nghiệp Nhà nước. Ngẩng cao đầu không phải là một hành động hiếu chiến, đấy là một hành động tự trọng và tự vệ tối thiểu. Ngược lại cúi đầu là khuyến khích sự khinh miệt và gây hấn. Tình hình những tháng vừa qua chứng minh rằng mỗi sự khẳng định kháng cự kiên quyết trước bành trướng Trung Quốc đã tiết chế thái độ của họ trên trận địa.

Đúng là đám lãnh đạo đã thả những con sói ra trên các phương tiện thông tin mà họ điều khiển. Đe dọa và cả kêu gọi chiến tranh đã được tung ra. Nhưng bạo lực công khai, kể cả cái gọi là “cây gậy nhỏ” chưa bao giờ bộc lộ. Vì sao? Đơn giản là vì Trung Quốc không thể tự cho phép một cuộc phiêu lưu quân sự đầy hiểm nguy đối với Việt Nam hay với nước nào khác. 2012 không phải là 1979! Một mặt, một cuộc xung đột vũ trang, dù hạn chế là khá hấp dẫn đối với những con diều hâu ở Bắc Kinh: nó cho phép họ đánh lạc hướng dư luận ngày càng bất bình vì tham nhũng, cưỡng chế đất đai của nông dân, đàn áp, bất bình đẳng xã hội khổng lồ, phá hoại môi trường… bằng một thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Nhưng mặt khác, một cuộc xâm lược quân sự chắc chắn sẽ giáng một đòn kìm hãm nặng nề, thậm chí một cú chấm dứt định mệnh đối với phát triển kinh tế, là cái đảm bảo thật sự duy nhất cho ổn định chính trị. Đấy sẽ là khởi đầu của kết thúc chế độ. Sẽ tạo ra một cơ hội đặc biệt để gắn kết lâu dài mặt trận liên minh đang hình thành giữa ASEAN, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Nga. Ngay cả các nước châu Âu cũng sẽ công khai vào cuộc! Không, Trung Quốc chẳng được lợi chút gì khi dùng vũ lực bất hợp pháp. Nó quá cần thế giới. Nó quá cần hòa bình. Đấy là “Đại cục” của Bắc Kinh và những người lãnh đạo của họ quá biết điều đó.

Vậy thì thưa các ngài hãy thôi đi chuyện ngăn chúng tôi thở vì lo sợ các nhà lãnh đạo Trung Hoa buộc tội các ngài cướp mất ôxy của họ! Hãy nắm lấy lại cái la bàn đã quá nhiều lần bị lạc mất. Hãy có được thái độ xứng đáng với những khẳng định chủ quyền của chúng ta, bên cạnh những người bạn của chúng ta trên toàn cầu.

Sẽ khiến cho người láng giềng to lớn của chúng ta nể trọng ta hơn, để mà xây dựng một nền hòa bình chân chính bền vững mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều rất cần.

 

Lý Sơn, ngày 4/ 6/ 2012

A. N. – H. C. Q.

Nguyên Ngọc dịch từ nguyên văn tiếng Pháp.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

Lisa Pham Vấn Đáp official-20/1/2025

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link