Sunday, August 26, 2012

BIỂN HỒ LÀNG CHONG (MIÊN)


 

BIỂN HỒ LÀNG CHONG (MIÊN)


DƯ THỊ DIỄM BUỒN

Chiều hôm đó vợ chồng đứa em trai tôi nướng thịt ở sau vườn nhà. Chúng nó có mời một số bạn bè. Trong những người được mời, có một vài cặp cũng quen biết với chúng tôi. Hôm nay trời nắng đẹp nắng đẹp, ngày tạm rảnh rỗi của những người đang trong thời kỳ làm việc toàn phần (tối thiểu làm 5 ngày mỗi tuần, từ 35 đến 40 giờ).

Những cặp vợ chồng đến vui chơi nhà cô em, có anh chị Tuấn là bạn cùng hoạn nạn trong chuyến bôn đào vượt biển, có nghĩa là chung chuyển hải hành với chúng tôi. Khi đến được trại tỵ nạn, cúng tôi ở cùng trong dãy nhà tiền chế, nối dài có mười mấy hộ gia đình, và trên 50 người kể cả già, trẻ, lớn, bé. Từ khi vào trại tỵ nạn cho đến hai gia đình chúng tôi kẻ trước, người sau rời đảo để đến đệ tam quốc gia.

Trong suốt khoảng thời gian vượt biên ở dưới đáy tàu thừa chết thiếu sống, vì thiếu không khí để thở, thiếu ăn, thiếu uống và nhứt là vệ sinh cá nhân. Cũng như khi đến trại tỵ nạn, chúng tôi luôn giúp đỡ lẫn nhau, khi hai gia đình gặp phải những việc phiền toái về giấy tờ, và ốm đau triền miên... Những tưởng sau ngày rời trại tỵ nạn mỗi người trôi dạt một nơi sẽ không còn gặp nhau nữa. Nhưng không ngờ, trái đất tròn, rộng lớn, mà vẫn còn hẹp lắm. Nơi xứ lạ, quê người anh chị Tuấn và chúng tôi thật có duyên, gặp lại mà còn ở cùng làng, chỉ cách nhau chừng hai mươi phút lái xe thôi.

Đời sống của đám dân ngu khu đen chạy loạn, với đôi bàn tay trắng làm thân chùm gởi ở xứ người, gần như đều na ná giống nhau. Lúc chân ướt chân ráo được định cư ở vùng Chicago lạnh lẽo, khỉ ho cò gáy chó ăn nước đá, gà ăn tuyết nầy, thì chúng tôi đi cày chăm dữ lắm! Cày mệt nghỉ, cày bỏ mạng sa trường, cày không kể ngày, đêm, cuối tuần, hay lễ lộc... miễn ở sở cần là “OK” đi làm ngay.

Vì vất vả trăm chiều chỉ mấy năm ở chế độ Cộng sản, nên mọi người đều ngất ngư nên phải bồng bế trốn đi. Nay đã được đến bờ bến tự do rồi thì ai nấy đều cần mẫn, chịu cực, chịu khó, kiên nhẫn, bươn chải làm việc có tiền… Cốt là để tạo dựng cho đời sống gia đình được vững chắc, và tương lai của con cái, học hành… Dù thời gian rất hiếm hoi, nhưng dần dần đời sống chúng tôi dễ chịu, thoải mái để dung hòa và hội nhập hòa đồng vào nếp sống của người dân bản xứ.

Thời gian qua nhanh như cơn gió, “vạn sự khởi đầu nan” cũng đã qua. Khoảnh khắc ngoảnh lại đa số những người vượt biển bỏ quê hương, trốn chạy Cộng sản ít nhứt cũng mười mấy, hai mươi năm sống ở xứ người rồi. Bây giờ gia đình ai nấy đã đâu vào đó, ổn định. Hầu hết mọi người đều có nhà cửa để trú ẩn an toàn, các con đến trường học hành. Có người đã hai màu tóc, có sui gia, hoặc đã là ngoại, nội của người ta rồi. Nếu mọi người sống an phận, không đua đòi căn nhà lớn, chiếc xe đẹp và nhứt là buồn tình, hận đời, hận người, lúc tâm tư phiền nảo, bối rối, lỡ dại ghé tạt vào sòng bài (Casino) để giải trí, để tiêu sầu… Thì thiệt mệt lắm ai ơi!

Khi nếp sống của gia đình ổn định thì mọi người mới nghĩ đến những chuyện khác như là đi dự hội hè, đám tiệc, xã giao, bè bạn… Bởi có đồng vô đồng ra thư thả, thì sanh lễ nghĩa là việc thường tình mà! Cho nên mới có những ngày cuối tuần đi ăn giỗ, thôi nôi, đầy tháng, con ra trường, cưới, hỏi, hoặc những buổi họp bạn, ăn uống ngoài trời... Những xã giao lành mạnh đó đáng quý lắm chớ! Cho nên vợ chồng tôi vui vẻ tiếp nhận không chút từ chối, hoặc mệt mỏi khi được bạn bè mời mọc, rủ rê.


Năm nay thời tiết dễ chịu hơn mọi năm, mới chớm xuân mà ngoài trời ấm áp có hôm lên đến 75, 80 độ F. Chớ không như những năm trước, đã vào giữa mùa xuân rồi mà tuyết vẫn còn phơi phới lả lướt vũ khúc nghệ thường bay bay trắng xóa bầu trời!

Hể có dịp là chúng tôi bạn bè gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, hỏi chào vui vẻ. Thường ngoài ăn uống hàn huyên tâm sự, kể lễ cho nhau nghe những chuyện vui buồn của gia đình, chuyện trời trăng mây gió, thiên hạ sự… Từ thuở ngày xưa, và những chuyện trên bước đường lưu lạc nơi xứ ngời. Đến khi trời sụp tối, mấy con muỗi bay kêu vo ve, thì bắt đầu hát hò, Karaoke, có đám còn khiêu vũ nữa.

Khi nghe chúng tôi sắp đi du lịch ở Miên, thì anh chị Tuấn và con Út (em gái tôi) với ánh mắt ngờ ngợ nhìn tôi mỉm cười chớ không có ý kiến hay bàn ra tán vào. Nhưng cô em Út nầy của tôi, nổi tiếng là đứa nhanh nhẩu, lét chét, lanh chanh cái miêng nhứt xứ. Có lẽ nó kềm lòng không đặng vì bị ức hiếp bởi những thắc mắc ấm ách trong bụng chịu không nỗi, nên lên tiếng bảo với tôi rằng:

- Hết chỗ để đi du lịch rồi hả, mà anh chị đi Miên? Bộ không sợ bị bọn Khờ Me đỏ “cáp-duồng” (chặt đầu) hay sao mà qua bên đó tìm chúng?

Đã có người khơi chuyện trước. Chờ có thế, chị Tuấn lên tiếng liền:

- Bộ hai ông bà tính đi du lịch Campuchia à? Sao không du lịch Việt Nam một chuyến xem thế nào? Từ ngày vượt biên đến giờ gần 30 năm rồi, chúng tôi thật sự cũng chưa trở lại Việt Nam lần nào, nhưng nghe nhiều người đi về khen bên đó bây giờ giàu, và đẹp lắm. Mọi thứ đều đổi mới, từ nhà cửa, đường sá đến thức ăn, vật dụng rẻ như bèo. Còn trái cây, tôm, cá cho đến áo quần, giầy dép cũng rẻ tàn, rẻ mạt, rẻ thúi... Anh chị mà đem tiền Mỹ về bên Việt Nam xài đã đời…

Tôi chưa kịp trả lời chị Tuấn, thì con Út tài lanh già đầu mà vẫn còn cái tật cười ha hả trước khi nói. Cho nên ngày xưa lúc sanh tiền, má tôi thường hay mắng nó: “Con gái mà không biết giữ gìn ý tứ gì hết! Chưa nói mà cười chưa đi mà chạy là người vô duyên… Con có biết không?” Bây giờ mấy chục năm qua rồi mà con nầy vẫn vậy, nó không thay đổi chút nào hết! Với ánh mắt ngời sáng đầy tinh nghịch, cái miệng thì tía lia như sợ ai giành nói trước:

- “Bòn ơi tâu na? Giơ! Đàn ta tâu lên…” Thôi đi bà ơi, hãy bỏ ý định qua Miên mà về Việt Nam du lịch cho nó sướng! Về đó sẽ để dành được nhiều tiền và cũng là quê cha đất tổ của mình, thăm họ hàng, mồ mả ông bà cùng ba má luôn thể…

Con yêu lồi nầy không biết nghe lóm, bắt chước ai, hay ai dạy… mà nó giả giọng trài trại rồi vừa cười sặc sụa vừa nói câu tiếng Miên! Tôi còn lớ ngớ không hiểu nó nói cái giống gì, và muốn dở trò khỉ chi nữa đây? Thì anh Tuấn đang đứng kế bên vợ, cười hề hề lên tiếng:

- Câu cổ nói đó có nghĩa là: “Anh ơi đi đâu ? Ờ tôi đi trên kia…” Tôi cũng nghe người ta giải nghĩa lại như vậy, chớ thật ra không biết có đúng không?

Thấy điệu bộ hí hửng đắc ý của em gái mình, tôi vừa mắc ghét vừa mắc cười, liếc xéo nó rồi nạt vải:

- Xì, mầy biết cái khỉ khô gì mà nhiều chuyện? Mầy làm như mình thần thông quãng đại đã chu du tứ hải và đã về Việt Nam cả chục lần rồi vậy? Hãy rửa cái lỗ tai mà nghe nè con cà chớn chống xâm lăng kia.

Tôi chợt nhớ, quay qua vợ chồng anh Tuấn, cười hỏi:

- Ông bà còn nhớ chị Bảy Hồng Tươi ở cùng trại tị nạn với bọn mình bên đảo. Gia đình chị ta ở sát vách anh chị đó, có nhớ không?

Anh chị bạn tôi mắt đăm chiêu như cố nhớ lại, chị vợ bảo:

- Nhớ, tôi nhớ ra rồi, có phải bà Tươi chồng chết trong tù cải tạo. Dắt 4 đứa con theo ghe anh mình vượt biên đó không? Chị vẫn còn liên lạc với bả hả? Tôi nhớ bả có mấy đứa con trai thật là thần sầu quỉ khóc, phá làng phá xóm không ai chịu nỗi! Nhưng nghĩ lại cũng tội nghiệp bả. Một người đàn bà đơn độc mà dìu dắt 4 đứa con nhỏ (1 gái, 3 trai) ở lứa tuổi 12, 13… thiệt cũng vất và trăm chiều chớ không phải chơi đâu! Mẹ con bả bây giờ ra sao, ở đâu? Chắc mấy đứa nhỏ của bả nay cũng lớn đại rồi hả chị?

Tôi nhẹ giọng:

- Bả ở đâu bên tiểu bang Connecticut. Nhờ ông bà chở che, mấy đứa con bả khi lớn lên trụ hình không còn phá phách nữa, mà chúng biết lo làm ăn để dành tiền cưới vợ, mua nhà mua cửa và lo cho mẹ nó… Nên bây giờ chị ấy khỏe lắm, cũng đã có cháu ngoại, cháu nội. Tháng trước đây, không biết ông ứng bà hành thế nào mà bả nói với tôi là mấy năm rồi có dắt 4 đứa con về Việt Nam để thăm mồ mả ông bà, cha mẹ. Tiện sẵn dịp mua sắm đồ cưới cho con gái sắp lấy chồng, vì nghe nói bên đó rẻ...

Lơ đãng nhìn bầu trời trong xanh, điểm những vầng mây trắng bảng lảng bay qua. Tôi quay lại cười nhẹ, nói tiếp:

- Tôi biết đó là cái cớ thôi, chớ thật ra bả muốn về để khoe khoang, để bái tổ vinh quy và để thỏa lòng trả thù mấy mụ chị em bạn dâu, và mấy anh chị bên gia đình chồng. Bởi lúc xưa họ tỏ ra khinh khi, nói bả là “con dâu mà không được cha mẹ chồng cưới…” Chị Tuấn có biết không? Thường thì chuyện gì của gia đình, cuối tuần bả cũng hay gọi để tâm sự với tôi lắm. Nhưng chuyến về Việt Nam năm rồi, trước đó thì bả giấu biệt. Chắc chị còn nhớ cái tánh chị Hồng Tươi hả? Bởi bả thường hay tâm sự với người quen là: “Chuyện gì để lâu trong bụng, thà để tôi lên đoạn lầu đài còn sướng hơn!” Cho nên có lẽ chịu không nỗi chuyện giấu giếm về Việt Nam, nên bả đã gọi điện thoại kể lể hết ngọn ngành với tôi, để trút bầu tâm sự đang lên khơi ấm ách không chịu nổi chăng?

Buổi họp bạn đã bắt đầu ẫm thực lai rai. Bạn bè của em tôi kẻ ngồi, người đứng dụm năm, dụm ba ăn uống nói cười, kể chuyện tiếu vui vẻ. Anh chị Tuấn đi lấy thức ăn rồi anh tạt qua ngồi nhập bọn với mấy bạn mày râu khề khà lon bia… Chỉ có chị trở lại, và cô em Út xí xọn của tôi cũng đi lấy đầy dĩa thức ăn rồi đến ngồi sát bên, để chị em ăn chung.

Tôi biết con yêu lồi nầy lập công, vì nó đang muốn nghe chuyện mẹ con bà Hồng Khô (tên nầy tôi đặt) về thăm Việt Nam vừa qua. Tôi cũng không hẹp hòi chi, mà không rộng lượng kể cho nó và chị Tuấn nghe. Và dựa vào đó để tôi có cớ sai vặt con nhỏ:

- Tháng trước, vào ngày cuối tuần chị Hồng Khô gọi điện thoại qua kể rằng: “Hè năm đó, tui dắt cả 4 đứa nhỏ về Việt Nam thăm mồ mả ông bà để quang tông diệu tổ và tiện dịp mua sắm đồ cưới luôn cho con gái tui. Nghe nói ở bển đồ đạt rẻ lắm, dù chất lượng không tốt cũng không sao, miễn rẻ và đẹp là được rồi. Chỉ mặc trong ngày lễ cưới xong thì bỏ, chớ có mặc đi đâu được mà sắm đồ mắc tiền chi cho uổng. Ở Việt Nam, vào buổi trưa nắng tốt, mẹ con tui đi chợ Bến Thành. Mới xuống xe tắc-xi còn đang đứng lớ ngớ thì 2 thằng ngồi cùng chiếc xe hon-đa chạy vụt ngang qua. Chúng giựt mạnh sợi dây chuyền đang đeo trên cổ của con gái tui. Con nhỏ mất thăng bằng té nhủi và cổ bị rướm máu. Hai mẹ con chưa biết phải làm gì thì hai thằng trời đánh đó chạy trờ trở lại. Trên tay còn quơ quơ sợi dây chuyền của con tui, bất thần nó vố vào mặt con nhỏ cái bốp như trời giáng, làm con nhỏ xiểng niểng rồi chạy mất. Tôi còn nghe tiếng cười nhạo của bọn chúng văng vẳng "Việt Kiều gì mà phèn quá! Sao đeo sợi dây chuyền nhẹ hều mỏng te vậy em Hai…” Con gái tui ra phi trường đổi chuyến bay trở về Mỹ liền ngày đó! Nó thề bán mạng, bảo là từ đây Việt Nam với nó là một ác mộng đêm dài…”

Chị Tuấn và cô em gái Út tôi mắt mở to, miệng há hốc. Chị nhăn mặt:

- Trời đất quỉ thần ơi, thiệt là hết nói nỗi!

Tôi cũng lắc đầu cười mỉa mai:

- Thật “Khóc hổ ngươi, cười ra nước mắt!” Nhưng chưa xong đâu! Ngày kia, chị Hồng Khô cùng 3 thằng con trai (chưa về lại Mỹ) đi xe lửa ra miền Trung thăm họ hàng nhà nội. Chị đi xe lửa, họ bao phòng thượng hạng để được tiện nghi và an toàn cho mấy mẹ con. Khi xe đến nơi 4 người tỉnh ngủ thì mới biết, mỗi người chỉ còn bộ đồ dính da trên mình thôi! Tất cả hành lý, giấy tờ đều không cánh mà bay mất, trong khi các cửa sổ, cửa ra vào vẫn còn khóa kín? Thì ra trộm từ gầm phòng chui lên! Chị đi cớ ở trạm công an tại bến xe. Ngồì đợi làm thủ tục cả buổi mới xong… Chừng hai giờ sau, mấy người công an cho biết là ở hai trạm phía trước có người lượm được giấy tờ của mẹ con chị… Nếu muốn nhận lại giấy tờ của 4 người (mẹ, và 3 đứa con) thì phải trả cho chúng mỗi người là 100 dola! Nghĩa là chị Hồng Khô phải trả tổng cộng là 400 dola!

Chị Tuấn không dằn được, trợn mắt hằn hộc:

- Bộ có chuyện đó thật vậy sao? Thiệt là đồ cướp cạn, lưu manh, xảo trá cả phồn cả lủ giữa ban ngày mà! Thì cũng là cái bọn chúng nó toa rập làm ra hết chớ có ai trồng khoai đất nầy?

Em gái tôi cũng lớn tiếng trù rủa:

- Sao không thiệt chị Tuấn? Đồ cái thứ trời đánh thánh đâm! Đồ cái thứ chết toi, chết dịch, chết yểu, chết tiệt, chết liệt, chết không kịp ngáp, chết không kịp chối, chết bờ, chết bụi, chết không hòm chôn, chết không đất vùi thây… Để cho chó tha, cọp xé, quạ rỉa, kênh kênh mổ…

Tôi buồn giọng:

- Thôi mầy đừng rủa nữa mà sẽ mang khẩu nghiệp. Còn bọn chúng sẽ sống nhăn răng. Với chúng nó ở hiền thì chết yểu, ác thì sẽ: sống dẻo, sống dai, sống dầy, sống dài, sống hoài, sống mãi, sống nhăn… Rủa xả chúng làm chi cho mỏi cái miệng và cũng như nước đổ lá môn, như nuớc đổ đầu vịt thôi chớ có nhầm nhò chi đâu? “Bần cùng sanh đạo tặc” mà, nghèo đói quá không cướp giựt sao được? Cuối cùng sau cuộc điều đình, bà Hồng Khô phải trả 100 dola chuộc giấy tờ lại để bốn mẹ con trở về Mỹ.

Chị Tuấn và con em đang lắng tai nghe kể chuyện bà Hồng Khô đến đây chợt ngạc nhiên lơ láo. Vì bỗng dưng tôi cười thành tiếng:

- Xin lỗi, để tôi kể tiếp. Trong lúc bà Hồng Khô kể, thì bỗng tôi chợt nhớ đến cái điệu bộ phùng mang, trợn trắng, miệng xùi bọt nước miếng khi bả giận… Làm ở đầu dây điện thoại bên nầy không nhịn được, tui cười muốn bể cái bụng! Khi kể lại cho tôi nghe, bả vẫn chưa hả tức giận, ở đầu dây bên kia bả lên giọng, hùng hổ, rang rảng: “Tui nói cho chị biết là tui đã thề bán mạng, từ rày sắp tới đừng hồng ai dụ dỗ khúc ruột ngàn dậm nầy về thăm chùm khế ngọt nữa! Ai mà rủ con Hồng Tươi nầy về nước Cộng sản Việt Nam thì nó sẽ thí mạng đánh lộn với người đó, chửi lộn với người đó tắt bếp mới thôi… Bởi tui nghe lời cái con mụ Hiến ở xóm tui xúi về, mụ ta còn nói: Việt Nam bây giờ đẹp lắm, bà không về thăm một lần cho biết thì bà sẽ hối hận… Tui thiệt là ngu dại quá, sao mà đi nghe lời con mẹ tào lao đó… Về Việt Nam rồi, tôi mới thấy hối hận đó chị à…” Nghe bả kể, theo lẽ tui phải nói vài câu an ủI, để tỏ ra cảm thông mới phải… Nhưng không nói ra lời được, tui ôm bụng cười bò càn bò niểng, cười muốn mất thở luôn!

Chị Tuấn và cô em tôi nghe kể không nhịn được, cũng cười thành tiếng. Tôi bảo với họ:

- Quý vị thấy chưa? Vậy mà còn xúi dại tui đi du lịch bên Việt Nam nữa? Dẫu biết rằng không phải ai về cái xứ đó cũng bị… Nhưng tui làm ra tiền cực khổ lắm, nên khi trả tiền để đi du lịch thì phải xứng đáng với đồng tiền của tui. Nhứt là phải an toàn, vui vẻ, thoải mái mới có tâm trí để tui chiêm ngưỡng phong cảnh đẹp, di tích lịch sử và mọi điều hay cái lạ trên trần thế… Chớ đến cái xứ ra đường thì sợ bị giựt bóp, sợ móc túi, ăn uống sợ nhiễm trùng, sợ nhiễm độc. Thở thì sợ không khí ô nhiễm… Ở khách sạn thì không dám ngủ vì sợ bị thủ tiêu đầu một nơi, mình một nẽo (Những chuyện đó từ internet và báo chí quốc nội hàng ngày loan ra). Có cả vạn ngàn chuyện họ chỉ dám nói một chuyện thôi. Bộ không thấy sao, mà mấy người còn xúi dại tui về du lịch ở bển? Còn có biết bao nhiêu chuyện rắc rối khác, mà những người về Việt Nam gặp phải, khi trở qua ngậm bồ hòn không dám nói ra, hay than thở lấy nửa lời, vì sợ họ hàng bên đó bị trả thù. Hoặc họ mắc cỡ thiên hạ chê là dại, ngu, khùng, lú… Chưa nói đến hôm nào bọn công an bị vợ xài xể, hay hết tiền bao gái… Buồn buồn mời Việt Kiều đến trụ sở làm việc… Rồi vui vui đẩy vào tù cải tạo thì mệt lắm! Ôi nước Cộng Sản cái gì cũng giả thì luật lệ, và tin được hay sao?


Tiếng bánh xe của máy bay chạm mặt đường nhựa cà giựt, cà giựt và âm thanh lồ cồ, lọc cọc trên phi trường cắt ngang dòng hồi tưởng của tôi.

Trên chiếc phi cơ Thái Lan đưa chúng tôi và hành khách chừng 100 người (đa số là du khách) đến vùng đất có di tích lịch sử ở Siem Riap của nước Campuchia, để thăm viếng những kỳ quan thế giới tiếng tăm lừng lẫy ở xứ Chùa Tháp nầy.

Chúng tôi cùng những người chung chuyến không hành xuống máy bay, đi bộ một khoảng chừng vài trăm thước từ nơi máy bay đậu. Chúng tôi đến phòng tiếp đón người phương xa (ngoại quốc) để làm thủ tục nhập cảnh. Và để an ninh khám xét hành lý.

Tôi nhớ không lầm từ Mỹ đến các nước khác, thì đây là lần đầu tiên và cũng là nước đầu tiên đến phi trường rồi, mới làm giấy nhập cảnh như ở xứ Miên nầy!

Những hành khách ngoại quốc như chúng tôi đều giống nhau. Đứng sắp thành hàng chờ vào trước ở từng ô cửa nhỏ, có nhân viên làm việc (đa số là đàn ông). Trên tay mỗi người phải thủ sẵn 20 dola US (tiền mặt) 2 tấm bán ảnh. Hình có khuôn khổ giống như ảnh để dán hồ sơ xin vào quốc tịch Mỹ. Nếu ai không có ảnh đem theo thì sẽ chụp lấy liền tại chỗ (hỏi có trả tiền không? Tôi không biết! Nhưng ông xã tôi thì thầm trên đời có việc gì mà làm không công đâu?)

Đứng chờ làm giấy nhập cảnh cũng không lâu lắm, mất 10 hoặc 15 phút cho mỗi người. Nhân viên làm giấy nhập cảnh mặc đồng phục (như quân phục?) màu cỏ úa, đội nón lưởi trai, có viền vàng. Trên ve áo có phù hiệu, huy hiệu và chức sắc của mỗi người.

Người bản xứ đa số có màu da sậm sòi, mắt to, trồng trắng nhiều hơn trồng đen. Mèn ơi, làm việc ở đây sao mà người nào mặt mày cũng hầm hầm đầy sát khí, và lạnh tanh như tảng nước đá phủ mạt cưa! Họ không có một nụ cười dù là nhếch mép, như của chủ nhà lịch sự ra mở cửa khi khách đến thăm! Tôi cảm thấy ngột ngạt, và tưởng chừng như sẽ bị “thộp đầu” tống giam ngay không cần nguyên nhân và không chút nương tay, nếu ai vô tình lỡ làm gì đụng chạm đến họ.

Ở Mỹ người phụ nữ luôn được ưu tiên. Tôi quen tật nầy rồi, nhưng khi thấy mấy ông làm giấy nhập cảnh ở đây sao mặt mày có “ngầu” quá cũng ớn! Nên vào hàng đứng lùi lại sau lưng phu quân tôi, chớ thường lúc nào tôi cũng giành đứng trước chồng!

Giờ nhớ lại, tôi khoái chí nhứt là đứng sau ông, mà giấy nhập cảnh của mình có trước mới là lạ! Tôi cầm tờ giấy nhập cãnh mân mê rồi đi qua góc bên kia chờ đợi phu quân tôi xong giấy tờ, để cùng ra cửa. Môt người sau ông đã xong đi qua, 2 người đã xong đi qua, 3 người, 4 người…

Tôi sốt ruột không biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa đây? Phu quân tôi không phải người Campuchia, nhưng nước da bánh ích ngọt đường hũ (vàng đen) của ổng cũng không thua gì dân bản xứ! Tội nghiệp ông đứng đợi nãy giờ, màu da mặn mòi của chàng hình như từ đen đã tái trở thành màu xám xanh của màu chàm đó.

Bỗng có một nhân viên trong cầu vệ sinh bươn bả đi ra. Ông ta lật đật xem lại giấy tờ trên bàn rồi đưa cho ông xã tui giấy nhập cảnh!

Chúng tôi thở phào nhẹ nhỏm, rồi cùng ra nhà chờ đợi. Vừa đi ổng vừa nhăn mặt lầm bầm:

- Đồ cái tên ôn dịch, sao không chết luôn trong cầu tiêu cho rồi đi! Có chột bụng ỉa chảy thì đưa cho người khác làm chớ… Làm ăn gì mà kỳ cục quá vậy…

Tôi cười hì hì, chọc quê:

- Tui biết lúc nãy ông hồi hợp lắm phải không xếp Ba? Dù gì cũng xong rồi, đây là nước Miên chớ có phải là vùng quê hương Đồng Khởi (Bến Tre) xứ dừa ở cố quốc ông đâu, mà chúng đẩy ông đi tù cải tạo lần nữa!

Phu quân tôi quay lại lườm vợ, rồi dã lã quay lại bắt tay tour guide đang cầm tấm bảng, có viết tên của chúng tôi ân cần niềm nở chào hỏi.

Người tài xế đứng bên chiếc xe Cadillac màu đen mở cửa cúi đầu thấp chào và chờ chúng tôi bước lên xe. Sau nầy để ý tôi mới biết, hể lúc nào xe dừng lại thì tour guide một bên, tài xế một bên mở cửa chờ chúng tôi lên xe, hay xuống xe một cách lễ phép và trịnh trọng. Không biết đó có phải là cung cách lịch sự của tour guide ở xứ nầy không (?). Nhưng sự trịnh trọng và quá cung kính của họ đã làm cho tôi một người bình dân Nam Kỳ Lục Tỉnh thiệt tình cảm thấy không quen chút nào!

Thành phố Siem Riep khang trang, sạch sẽ, nhà cửa hai bên đường xây cất theo kiểu của Pháp nhiều hơn. Xe cộ rần rộ, nhiều xe hon-đa, xe đạp hơn xe hơi nhà. Ở đây có trạm bán xăng dầu, và những người bán lẻ từng lít (4 lít là 1 galon) rải rác dọc hai bên đường.

Chúng tôi đến Siem Riep vào 11 giờ 30 trưa, nên trên đường rước chúng tôi từ phi trường vào trung tâm thành phố, tour guide cho ghé qua nhà hàng để ăn trưa và sau đó mới đi thăm thắng cảnh.

Đã ăn ngày 3 bữa (sáng, trưa, chiều) cho 10 ngày ở nước Tàu vĩ đại. Hôm nay bữa ăn đầu tiên ở Miên! Nhà hàng đẹp, có không khí thoải mái, gió luồn lách qua cửa sổ mát mẻ. Tiếng lá reo trên các cây ngoài hàng hiên, tiếng chim kêu hòa với tiếng nhạc Tây phương êm dịu của nhà hàng làm tâm hồn chúng tôi dễ chịu sau khi rửa mặt, rửa tay xong và ra bàn uống nước chai mát lạnh để chờ các món ăn.

Thú thật với quý vị, là kẻ sanh ra và lớn lên ở miền Nam nước Việt mà tui lại dị ứng với các thứ mắm nên không ăn được! Đó có phải là một mất mát lớn cho tui không? Tour guide không hỏi trước, gọi thế nào mà nhà hàng đem ra 4 món ăn đều là mắm! Chắc ở Miên nổi tiếng ngon là mắm? Hay hắn tưởng chúng tôi ở Mỹ ưa và thèm mắm lắm sao? Tôi chới với muốn chóng mặt, dõi mắt tìm tour guide và tài xế nhưng tìm hoài không thấy. Tôi không biết tiếng Miên… người hầu bàn không biết tiếng Anh! Không biết làm sao bây giờ, tôi đành phải ăn cơm với muối tiêu (hai chai muối và tiêu có trên bàn) thêm nửa chai nước lọc cho dễ nuốt!

Thấy du khách là những con cừu mập mạp! Chúng tôi mỗi người chỉ uống 1 chai nước lọc, và đòi hỏi mỗi người thêm một chai để đem theo. Nhà hàng tính chúng tôi phải trả 4 chai nước là 8 dola US (Miên dùng tiền Cambodian Riel và US dola). Khi lên xe, tour guide vui vẻ hỏi:

- Thưa, ông bà ăn ngon miệng bữa cơm trưa nầy?

Nếu anh ta không hỏi tôi cũng sẽ đề cập đến việc ăn uống trong mấy ngày sắp tới ở đây. Tôi mau miệng trả lời ngay:

- Mùi mắm nặng quá, tôi không ăn được! Từ rày trước khi gọi món ăn, xin anh cho chúng tôi biết trước là tốt nhứt.

Nhờ vậy mà những ngày du lịch ở Campuchia, ngoài những buổi ăn buffet, khi vào nhà hàng thì chúng tôi tự chọn lấy món ăn. Nhưng đó là những món trong thực đơn dành riêng cho chúng tôi, còn muốn gọi những món khác thì phải tự trả tiền.

Rời nhà hàng 2 giờ trưa, chúng tôi đi xe thẳng khoảng 20 cây số đường có khúc trải đá, có đoạn đường đất lồi lõm mà lục lộ đang tu bổ và làm đường mới…

Nước Miên có đất rộng, nhiều sông ngòi kinh rạch, vườn tược, ruộng nương… Nhà cửa tuy nhỏ nhưng khang trang, sạch sẽ, mái lá, mái tranh và nhiều mái ngói được xây cất trên mảnh vườn có trồng nhiều cây ăn trái, như đường từ Xa Cảng Miền Tây xuôi về miệt Hậu Giang của Việt Nam ngày xưa. Mặc dù hoa màu không được trù phú như miền Nam nước Việt.

Chúng tôi đi thăm “Chong Kheas Village” gọi tắt chỗ sanh sống của dân ở vùng nước nầy là làng Chong. Làng Chong nằm trên mặt nước ngọt mà ngoại kiều Việt Nam sanh sống ở đất Miên lâu đời đã có them cái tên nữa mà người ta thường gọi là Biển Hồ.

Từ đất liền chúng tôi dùng ghe tam bản có gắn máy đuôi tôm để ra thăm vùng dân cư xây đời trên sóng nước. Nhánh sông đào đưa ra Làng Chong dài chừng 3 cây số. Con sông đào nầy hẹp bề ngang, lòng sông cạn nên khi hai chiếc ghe có máy đuôi tôm chạy qua phải cặp sát vào bờ. Cánh quạt của máy đuôi tôm chạm bùng non, sình non theo nước quặn lên cuồn cuộn và đục ngàu màu đất phù sa. Nhưng khi ghe máy ra đến vùng nước giáp mí với làng Chong thì nước trong leo lẻo.

Mắt thường chúng ta có thể nhìn thấy hai bờ là dạng cây của rừng (lake forest) xa xa, mập mờ không rõ rệt. Dòng sông chạy dài mút mắt, và phạm vi của làng Chong là một khúc sông cạn. Từ mặt nước xuống lòng sông chỗ sâu nhứt là 7 thước, và nơi cạn nhứt là 1 thước. Bề rộng bờ nầy qua bờ kia khoảng 40 cây số (40.000 thước), dài khoảng 150 cây số (150.000 thước). Đây cũng coi như là vùng giáp nước(?) vì nó chiếm một phần của sông Mê-Kông và một phần của Biển Hồ.

Theo người hướng đạo cho biết. Cứ mỗi năm vào mùa mưa bắt đầu vào tháng sáu, thì từ thượng nguồn nước mưa tràn xuống. Và nước càng ngày càng dâng cao, dâng cao qua khỏi ngọn cây trên bờ.

Nước sông lai láng, mênh mông không thấy bến bờ như cái biển. Mực nước lên cao nhưng thấp hơn ngọn núi và cao hơn ngọn cây chung quanh. Đến lưng chừng thì mực nước sẽ dừng lại ở đó, không dâng cao nữa. Mực nước ở độ cao nầy kéo dài chừng 40 đến 45 ngày thì rút. Nước rút mất khoảng thời gian từ 3 đến 4 tháng, mới trở lại mực nước bình thường.

Dân cư sanh sống trên vùng Biển Hồ có khoảng 2 ngàn (2,000) gia đình, khoảng 7 ngàn nhân số (không chính xác lắm), nhưng mỗi ngày dân số một tăng. Mỗi gia đình ở trên một chiếc ghe bởi ghe là nhà. Ghe lớn, ghe nhỏ, rộng, hẹp, đẹp, đầy đủ tiện nghi hay không là do mỗi gia đình có nếp sống sung túc hay nghèo.

Đa số dân sống ở làng Chong sinh nhai bằng nghề bắt cá (chài, lưới), hoặc nuôi các thủy sản là: nuôi tôm, nuôi cá nước ngọt như cá trê, cá lóc, cá rô… Họ còn nuôi cá sấu, ba ba, cua đinh, càng đước, rùa, lươn…

Ở đất liền ngày xưa chúng ta nuôi cá trong mương, trong hầm. Ở Biển Hồ họ đóng những cái bè lớn, bao lưới chung quanh. Be có chiều sâu lớn hay nhỏ là tùy theo khả năng của chủ muốn chứa bao nhiêu thủy sản cá, tôm muốn nuôi. Họ nuôi thủy sản cho ăn thức ăn nhân tạo. Đó là tấm, cám, đất sét nhão, cùng các chất khác… họ biến chế vò từng viên thảy xuống nước cho bầy cá nuôi ăn. Nghe hơi mồi, cá nhảy soi sói tranh giành ăn, con nào con nấy nặng cả ký lô mập ú vàng nghín…

Những gia đình giàu ở làng Chong đánh cá sông, chài, lưới lớn. Có hộ làm chủ cả chục miệng lưới. Họ bắt cá, rồi mối lái bán trong nước và bán cho thương buôn chở về miệt dưới (các tỉnh giáp ranh như Châu Đốc, Hồng Ngự… của Việt Nam). Phần dân còn lại sống nhờ vào du khách. Họ có đò đưa du khách ra thăm làng Chong. Họ bơi xuồng theo ghe bán thức ăn, trái cây, nước uống… cho du khách.

Ở đâu quen đó, “Ngộ biến phải tùng quyền”. Vì sự sinh tồn, những trẻ con nơi đây chừng 7, 8 tuổi đã biết bơi xuồng bán hàng theo sông cho du khách. Chúng lanh lẹ, bặt thiệp rao mời khách mua hàng lời lẽ ngọt ngào, trèo trẹo, dẽo đeo… Và chúng chèo xuồng giỏi, lặn hụp, bơi lội lanh lẹ dưới nước như con rái (một trong những con vật có hình dáng như con chuột lớn sống dưới nước)

Những chiếc ghe làm nhà ở lớn, ghe nhỏ sơn màu xanh, màu vàng, màu xám… đậu cận kề san sát bên nhau. Màu nước có chỗ đục màu phù sa (ở nơi nào cạn và nhiều xuồng ghe tới lui). Nước trong xanh cho những khúc sông sâu và nhà (ghe) chỉ lác đác xa xa. Họ cất nhà trên ghe, mái ghe là mái nhà. Tất cả các mái thường được lợp bằng tôn, bằng lá… Các nhà lớn có nền (lườn ghe) nặng, vững chắc, khi đi trên ghe chúng ta không thấy lao chao, lắc lư… nên đã quên là mình đi trên ghe đang neo trên sông nước (Xin đừng nghĩ là nó lớn như những chiếc du thuyền chở du khách từ nước nầy sang nước nọ)

Trên 2,000 chiếc ghe, có dân số trên dưới 7,000 người. Họ sống nổi trôi theo mực thủy triều bằng những ghe chen chúc đậu san sát bên nhau. Chúng tôi ghé qua thăm trường Tiểu học (Elemantery School) của làng. Đứng trên ghe (trường học) nhìn qua hướng trái, tôi thấy cây Thánh giá vươn cao sừng sửng dưới trời. Chúng tôi biết rằng đó là nhà thờ của đạo Thiên Chúa… Đối diện với nhà thờ là thánh đường của đạo Tin Lành… Thờ một con mắt là đạo Cao Đài, và bên kia cây cờ màu và đó là trụ sở của đạo Hòa Hảo …

Nắng chiều mênh mông trải những tia vàng, xanh, tím, đỏ… phản chiếu lấp lánh trên mặt nước sông lăn tăn gợn sóng một màu xanh biêng biếc. Nền trời trong như ngọc, in từng cụm mây trắng phau phau, lững lờ bay bay. Tôi bồi hồi xúc động nghe tiếng chuông mõ, câu kinh ngân nga rền vọng trên sông nước theo làn gió thổi vi vu… Tôi dõi mắt kiếm tìm ngôi chùa Phật khiêm nhường mái lá, vách tre trên chiếc ghe nhỏ nằm lẻ loi xa những chiếc ghe lớn đồ sộ đầy đủ tiện nghi bên kia.

Rồi ghe chở chúng tôi chạy loanh quanh làng Chong. Ghé trụ sở làng có bản đồ phân phối từng khu một trên sông cho du khách biết. Khu chợ có tiệm hàng xén, có quán nhạc, có hát Karaoke, có truyền hình, phim bộ, có sân đánh bóng rổ… Quán phở, quán hủ tíu, cà-phê, tiệm hớt tóc, tiệm làm móng tay (nail), tiệm uốn tóc, may áo quần, tiệm thợ bạc, tiệm nhổ răng.

Làng Chong nhóm chợ trên sông, thôn dân sống trên sông… Nhưng họ mua bán mọi thứ một ít đầy đủ gần giống như một làng nhỏ trên đất liền.

Có 60% dân Miên sanh sống ở làng Chong, trong đó có người Tàu lai Miên, Chàm lai Miên… Còn lại ở đây là 40% người Việt Nam(?).

Chúng tôi được biết, đa số những người Việt sống rải rác khắp nơi trên lãnh thổ Miên là do Việt Cộng gày người. Giống nhừ Tàu gày người trên đất Việt để đồng hóa người Việt thành người Tàu (?)

Những người Việt đang sống ở làng Chong đại đa số là những người có nghề chài lưới, đánh cá sông. Và những người làm thợ mộc, thợ rèn, hoặc buôn bán… Đây thường là những bộ đội mấy năm trước đi đánh Miên có vợ con … Vì thương gia đình mà ở lại đất khách không trở về cố quốc. Một số người Việt trốn qua đây lập nghiệp thay vì bị đi kinh tế mới…

Sư di chuyển của dân trên làng Chong thường thì bằng xuồng nhỏ, bằng xuồng thúng (giống xuồng ở miền Bắc VN năm 1954), bằng những cái thau mủ lớn, thau nhôm lớn (cho trẻ con bơi đi bán hàng)

Trên dưới 7,000 dân làng Chong tay làm hàm nhai, thiếu thốn tiện nghi đủ mọi thứ, mọi bề… Nhưng cuộc sống của họ thảnh thơi, không tranh giành quyền lợi. Tâm tình họ vui vẻ theo con nước lớn nước ròng, nổi trôi trên sông mà mỗi năm đến mùa nước lên cả mấy ngàn gia đình phải tự dời đi hết lên vùng núi cao để lánh nạn mưa gió bão bùng. Và chờ khi nước rút, đất trời quang đãng, họ cùng đùm túm trở về bến xưa tiếp nối kiếp đời với Biển Hồ, vùng trời, mây, nước tự do của họ.

Trong số dân cư sống ở làng Chong, chúng tôi biết có gần nửa dân Việt Nam sống ở vùng thủy lưu luân chuyển. Cũng có những Việt kiều sống rải khắp nơi trên xứ Chùa Tháp với kiếp tha hương cầu thực! Vì đây cũng là tụ điểm trong chương trình của chánh quyền Việt Cộng rập khuôn theo giáo điều của đàn anh Tàu. Họ trồng người trên xứ bạn để đồng hóa, để bành trướng lãnh thổ, mà Tàu đã áp dụng trên nước Việt Nam sau khi toàn lãnh thổ bị nhuộm đỏ.

Hai bên đường đi trên đất liền đến bờ sông để dùng ghe ra làng Chong có nhiều xe đang ủi đất, cào đất, đổ đất đá… động cơ xe cộ, máy móc rầm rầm, bụi bay mịt mù và thợ thầy lăng xăng làm việc. Đó là những hãng thầu của Nam Hàn đang xây cất nhà cửa, mở mang đường sá cho vùng đất Campuchia nầy. Chánh phủ Miên trù tính xây dựng làng Chong trở thành nơi du lịch nổi tiếng của vùng Đông Nam Á. Mong được như vậy, để dân làng Chong sẽ có đời sống khá hơn! Trong tương lai không biết dân làng Chong đến khi nào mới có đời sống khá?

Nhưng theo cá nhân tôi nhận thấy, những người dân làng Chong hiện tại đang sống rất thiếu thốn, nghèo nàn, và vô vọng ở tương lai tươi! Trong ánh mắt của họ, trong lớp trẻ ở tuổi đôi mưoi, tôi tìm thấy sự thỏa mãn, an nhiên tự tại không chút ưu phiền… Có phải chăng dù đời sống vật chất không tươm tất, không tiện nghi… nhưng họ đã sinh ra và lớn ở hoàn cảnh hiện tại quanh quẩn trong làng Chong? Đó là đời sống của mọi người sanh ra lúc còn 6, 7 tuổi đến trường học cho biết đọc biết viết. Đến 12, 13 tuổi theo cha mẹ ông bà đi bắt cá bắt tôm. Và 16, 17 tuổi thì cưới vợ, gả chồng ở riêng làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít. Sang 18, 19 tuổi đã làm cha, làm mẹ… Thì họ có biết gì thế giới bên ngoài?

Đa số những người dân bản xứ từ sanh ra cho đến chết, có người chưa lần đặt chân đến thủ đô của họ, thì làm sao mà so sánh, mà suy tư về đời sống đang có của mình? Họ hài lòng với nếp sống hiện tại, thoải mái, an vui giữa trời nước bao la… Họ tuy nghèo khó, nhưng không bị quấy nhiểu, âu lo, giựt giành, chèn ép, hà hiếp, bóc lột, là quá tốt đẹp và đủ lắm rồi chăng?

Tàu chở chúng tôi tách rời dần dần xa bến. Làng Chong nằm lung linh bồng bềnh trên sóng nước, Biển Hồ mênh mông bát ngát xanh biếc một màu. Hướng trời tây, vầng thái dương như quả trứng gà màu vàng cam chói lọi treo lưng chừng trên nền trời trong như ngọc. Nắng hoàng hôn dần dà chỉ còn le lói, dìu dịu… Từng đoàn chim bắt cá mỏ sắc bén, màu lông trắng, đen, xanh két, vàng nâu… xoãi đôi cánh bay lượn thỏa thích trên không gian rạng rỡ trong lành. Chúng bay từng bầy dập dìu, rồi cất tiếng kêu oang oác giữa bầu trời cao rộng. Mờ xa rồi rõ dạng từng đoàn ghe lưới, sau ngày làm việc lác đác trở về bến. Tiếng hò khoan “vô ta, vô ta…” rền vọng, vui tươi, lanh lảnh, dập dồn xa đưa theo gió và cơn thủy triều…

Nếu tàu quay đầu chạy ngược lại chừng khoảng 3 giờ, thì sẽ đưa chúng tôi trở về Việt Nam! “Quê hương yêu dấu ơi, bao giờ màu cờ vàng ba sọc đỏ phấp phới lồng lộng trời xanh, thì chúng tôi sẽ trở về thăm lại cố quốc để thỏa lòng thương nhớ!”


Mùa xuân, năm 2008

Tệ Xá Diễm Diễm Khánh An


DƯ THỊ DIỄM BUỒN


Trong tuyển tập văn


“Hương Cau Quê Mẹ”

  

 

 

 

 
 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Thanks for your Comment

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày-16/12/2024

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Link